Xóm hồng lâu, buổi tối nọ xảy ra một tấn bi hài kịch : hai cha con chạm trán nhau. Hai thế hệ không biết làm thế nào để thoát hiểm mà khỏi thương tổn đến thể diện, liền cùng quay lại quy hết lỗi cho giai nhân...
Đối Kiều
Xóm hồng lâu, buổi tối nọ xảy ra một tấn bi hài kịch : hai cha con chạm trán nhau. Hai thế hệ không biết làm thế nào để thoát hiểm mà khỏi thương tổn đến thể diện, liền cùng quay lại quy hết lỗi cho giai nhân.
Người con mắng :
“Chẳng hổ mình sao, dám đem trần-cấu dự vào bố…”
Bố cũng mắng :
“Tuồng gì hoa thải, mượn màu son phấn đánh lừa con…”
Tư tưởng thì quả là chẳng đáng mặt trượng phu tí nào khi trút hết tội lỗi cho giai nhân như thế. Nhưng xét về đối đáp thì thật là nhất khí, vì mỗi vế lấy ngay ở hai câu 6-8 liền nhau :
- Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần-cấu dự vào bố kinh.
- Tuồng gì hoa thải hương thừa
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
***
Bảy tiến sỹ cùng tranh hai thiếu nữ
Thời nhà Minh, có một học giả, từng dạy học nhiều năm. Có một khóa học có đến bảy đệ tử thuộc loại giỏi giang cùng đỗ cả tiến sĩ. Học giả này có hai cô con gái, tên là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Ông có ý chọn rể từ bảy tiến sĩ này. Rồi một hôm, để xác định chàng rể tương lai của mình, ông đưa ra một vế đối khá hiểm hóc với mười chữ số, vừa đề cao dung nhan hai tiểu thư, vừa nói rõ lễ vật thách cưới:
“Nhất Đại Kiều, nhì Tiểu Kiều, tam thốn kim liên tứ thốn yêu, ngũ hạp lục hộp thất thái phấn, bá hoàn cửu thoa thập bội kiều”
Nghĩa là :
“Một Đại Kiều, hai Tiểu Kiều, gót sen vàng ba tấc, lưng ong bốn tấc, năm sáu hộp phấn màu bảy sắc, tám chiếc vòng tay, chín chiếc thoa, mười a kiều theo hầu hạ.”
Bảy chàng tiến sĩ bóp trán, chau mày, suy nghĩ suốt cả một ngày trời, tiếp theo một đêm đằng đẵng mãi đến tận canh năm, tức là sáng ngày hôm sau, vẫn không tìm được ra vế đối. cuối cùng sáu người trong bọn họ phải bỏ cuộc về trước. chỉ còn lại một người nán lại quyết đối cho kỳ được. Chàng ta nghe tiếng trống cầm canh từ xa vọng lại, lại chứng kiến cảnh sáu bạn đồng môn lần lược ra về, bỗng trong đầu nảy ra một ý tưởng rất thú vị, bèn lấy giấy bút viết thành câu đối như sau :
“Thập cửu nguyệt bát phân viên, thất cá tiến sĩ lục cá hoàn, ngũ canh tứ cổ tam thanh hưởng, Nhị Kiều Đại Kiều nhất nhơn sính”
Nghĩa là :
“Trăng mười chín tròn tám phần, bảy cháng tiến sĩ sáu chàng bỏ về, canh năm bốn trống vang lên ba tiếng, Nhị Kiều Đại Kiều đều do một người mang sính lễ xin cưới.”
Quá thông minh lanh lợi, chàng tiến sĩ thứ bảy này xứng đáng được thưởng hai nàng kiều.
***
Câu đối của người bán rau
Có một vị tú tài nọ có tính tự đại tự cao, lúc nào mặt mày cũng vênh váo coi mọi người dưới mắt mình. Một hôm đương lúc hoàng hôn, dạo chơi đường làng, vị tú tài gặp một người bán rau với hai cái sọt gánh ở trên vai, một cái lớn, một cái nhỏ, liền cao hứng ngâm nga:
“Đại la thị la, tiểu la dã thị la. Tiểu la trang tiến đại la, lưỡng la hợp nhất la”.
(sọt lớn là sọt, sọt nhỏ cũng là sọt. Sọt nhỏ bỏ vào trong sọt lớn, hai sọt hợp thành một sọt)
Vị tú tài cảm thấy câu đối của mình quá tuyệt hảo nên cứ ngâm đi ngâm lại không thôi với thái độ tự đắc lắm. vừa lúc ấy có mấy người khiêng cỗ quan tài đi đến, người bán rau bỗng cất tiềng ngâm nga đối lại vế đối của vị tú tài như sau:
“Quan tài thị tài, tú tài dã thị tài. Tú tài trang tiến quan tài, lưỡng tài hợp nhất tài”
(Quan tài là tài, tú tài cũng là tài. Tú tài bỏ vào trong quan tài, hai tài hợp thành một tài)
Ví tú tài tái mặt vì xấu hổ đến không biết chui vào đâu được.