 |
Làn điệu của hát phường vải |
 |
|
|
|
(22h: 14-04-2011) |
Lược trích trong cuốn “Hát phường vải” của Ninh Viết Giao
Ngoài phần lời, chúng ta không thể coi thường phần nhạc, phần làn điệu của phường vải. Giọng hát phường vải cất lên nghe trầm trầm tha thiết, lắng sâu vào lòng người, nghe như có gì uất nghẹn trong lòng, đè nặng lên tâm tư, quấn quýt vấn vương bên mình. Nó đượm đà ấm cúng và có tính chiến đấu. đi chơi hát phường vài, đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác bâng khuâng, tưởng như người hát, hát cho người khác nghe thì ít, mà hát để tự bộc lộ nỗi lòng thì nhiều. Suốt đêm, người ta chỉ hát một làn điệu. Có thay đổi chăng, ấy là giọng cao, giọng thấp, giọng trách móc, giọng dí dỏm hài hước, giọng giận hờn, giọng da diết,… cho phù hợp với nội dung câu hát và tâm trạng mình, với hòan cảnh xung quanh, chứ làn điệu thì vẫn là một. Ngay những khi hát với các giọng như vậy, người nghe nếu không sành cũng khó lòng phân biệt. Cái ấn tượng của giọng hát phường vải là xao xuyến, man mác, bâng khuâng; nên ai đã đi chơi hát phường vải một lần rồi bẵng đi một thời gian xa cách, nếu có dịp được nghe lại điệu cũ, thì cái nhớ dâng lên tràn ngập tâm hồn, bùi ngùi da diết như chợt nghĩ đến những kỷ niệm sâu thẳm của đời mình.
Cũng như toàn bộ thể hát ví Nghệ Tĩnh, phần nhạc của hát phường vải, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của tôi thì như đã nói trên và đến bây giờ tôi vẫn thấy đúng, dù tôi rất dốt về nhạc lý. Song các nhạc sĩ ở Nghệ Tĩnh lại cho rằng nhạc ở đây “vô cùng phong phú” hay “khá phong phú”. Ngay công trình ”Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ” mới ra đời gần đây của ba nhạc sĩ Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu, một công trình được coi như tập đại thành về sưu tầm, nghiên cứu các lọai hình dân ca Xứ Nghệ sau bao nhiêu năm, cũng nhận định như vậy. Nhưng đến khi đi vào phân tích , nhạc sĩ Lê Hàm viết: “Âm nhạc hát ví thuộc hệ thống dân ca cổ, giai điệu chủ yếu nằm trong 3 nốt và 4 nốt (ngũ cung khuyết), một số bài trục chính là au4ng 4 đúng và 3 thứ. Tầm âm này nằm trong quãng 6 quãng 7” rồi nhạc sĩ cũng thừa nhận: “Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng hát ví chỉ có một loại, một làn điệu cơ bản, nhu7ngqua nghiên cứu âm nhạc dân gian Nghệ Tĩnh thì ví phong phú về làn điệu, lý do là vì ở Nghệ Tĩnh mỗi nghề mỗi việc đều có thể hát ví về nghề đó như ví phường vải, ví phường đan, ví phường cấy vv…nhưng khi hát lên chỉ khác nhau về âm sắc”. Mà âm sắc đó theo ông chỉ “khác nhau ở nhịp vào bài và nhịp kết thúc”. Nhịp vào bài của hát phường vải “biểu hiện ở chỗ bắt đầu là chữ Người ơi nghe nghẹ nhàng tha thiết, cấu tạo âm bằng một quãng 3 thứ sau đó chuyển sang quãng 2 trưởng “. Ví dụ :

Là người ơi…
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi kéo vải chỉ trông bóng chàng.
Cũng trong cuốn sách trên, nhạc sĩ Thành Lưu viết: “ Ví (trong đó có ví phường vải – NVG) thuộc loại ngâm vịnh bằng phương pháp phổ thơ dân gian, trên cơ sở âm sắc dấu giọng của phương ngữ Nghệ Tĩnh. Ví thường hát tự do, không có tiết tấu theo ô nhịp, người hát có thể co dãn tùy hứng, âm điệu bổng trầm còn tùy thuộc vào lời thơ bằng hay trắc, câu thơ dài hay ngắn, lục bát, song thất lục bat hay biến thể. Âm vực của ví tương đối hẹp, thường không quá một quãng 8. Tính chất nhạc của ví nghe dàn trải, mênh mông, sâu lắng, tha thiết ân tình, xao xuyến bâng khuâng. Tuy vậy vẫn có ví nghẹo, ví mục đồng mang tính dí dỏm, hài hước, hồn nhiên của tuổi trẻ. Âm điệu ví phần nhiều mang sắc thứ, nhưng cũng có những loại ví cao mang màu sắc trung tính (trưởng âm sắc không xác định)”. Trong một trang khác, khi xử lý làn điệu gốc cho kịch hát Nghệ Tĩnh, về ví ông viết: “Cũng là ví, nhưng trên sân khấu có ví vui, ví buồn, ví thương, ví giận, ví than trách, ví ghen, ví hài, ví thưa, ví hỏi, ví đối đáp…” Như vậy cả hai nhạc sĩ, nhưng người đã từng lăn lộn trong quần chúng để sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu…dân ca Nghệ Tĩnh, khi nói về ví, ngoài làn điệu thông thường, được coi như cơ bản, khôngđưa ra được một làn điệu nào khác. Hai nhạc sĩ cũng chỉ nói có ví phường vải, ví đò đưa, ví phường củi, phường cấy,…thì đó là sự phân loại về mặt nghề nghiệp, hay “ví buồn, ví vui, ví giận, ví thương…” thì đó là sự phân loại về mặt tâm trạng, không phải là làn điệu.
Chúng ta trở lại với nhận định ban đầu. Hát ví dù là ví phường vải, ví phường vàng, ví phường róc cau lau mía, ví trên sông…chỉ có một làn điệu. Khác chăng là khi buồn thì giọng hát trầm, khi vui thì giọng hát cao phấn khởi; khi giận hờn thì hát giọng gấp gáp, bực thức mà thôi. Cái khác nhau của nhịp vào bài và nhịp kết thúc, không đáng kể, nó như lối biến thể của thơ lục bát vậy.
|
|
|
kim Sương |
Đọc xong bài này, em thấy rất hay,càng tự hào về quê hương xứ Nghệ mình vì đã tạo ra được 1 nét văn hóa đậm đà bản sắc của vùng xứ Nghệ chi, mô , răng, rứa. nhưng có 1 điều là tạ sao lại nói đến một thể hát ví hay dặm nào đó anh, chị lại không kèm theo trích đoạn bài hát có cả clip bên dưới nào đó để người đọc có thể vừa đọc và vừa hiểu và cảm nhận được ạ?
Phlanhoa hhồi đáp
Bạn thân mến, trước thì có đấy, nguyên một album nhạc khá đầy đủ các làn điệu Ví Giặm, nhưng sau này do nhà mạng chuyển sang mục đíck kinh doanh bài hát, họ cúp hết những CD bài hát ở các trang mạng không chuyên về âm nhạc, nên vidamdodua.com không thể phát phục vụ độc giả được nữa. "Biết mần răng giừ", mong bạn thông cảm.
|
Để gửi ý kiến nhấp vào đây
|
|