Sưu tầm từ Văn hóa Xứ Nghệ
Chuyện kể rằng
khi còn nhỏ, anh học trò nghèo Nguyễn Thiếp học cùng cậu ấm con Cụ Thượng ở Tiên Điền. Một hôm đến nhà bạn chơi, thấy có bức đại tự treo ở chính cung, Thấy Nguyễn Thiếp nhìn chăm chăm, lại không có vẻ gì khúm núm, cụ Thượng hỏi:
- Anh có hiểu nghĩa hai chữ đó thế nào không?
- Đó là hai chữ “Phú Đức” ý muốn nói nhà ta vừa giàu vừa có đức ạ - Nguyễn Thiếp đáp lời.
Rồi Nguyễn Thiếp lấy giấy bút viết một bài tán:
Phú, phú, phú; tiền, cốc, hoa, bảo…tài tụ, nhân tuy;
Ngũ phúc chi nhất, chúng oán chi phủ.
Vật cầu vật vi yên kỳ sở phú.
Đức, đức, đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí…dân di, vật tắc;
Tu chi chí hiền, bội chi quỷ hoặc;
Tất thức tất lực tự nhiên hữu đức.
Tạm dịch:
Giàu, giàu, giàu: Tiền, thóc, hàng hóa, của báu…của nhóm, người họp,là điều đứng đầu ngũ phúc;
Là nơi chứa oán hận của dân chúng;
Không cầu, không hành động làm gì có giàu.
Đức, đức, đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí…, dân lưu giữ, vật cản trở,;
Tu luyện được thì đạt tới bậc chí hiền, phản lại thì quỷ cũng ngán;
Phải biết, phải ra sức, tự nhiên có đức.
Cụ thượng xem xong thì phán:
- Quả là một bài tán rất hay, rất chí lý, chuyến này ứng thi anh sẽ đỗ, nhưng chẳng để làm gì!
Quả nhiên sau đó Nguyễn Thiếp đậu đến Tam trường thi Hội, bổ làm quan huấn đạo Anh Đô, rồi Tri Huyện Thanh Giang (Thanh Chương). Nhưng sau đó ông từ quan về ở ẩn trên đỉnh Tam Thai, lấy hiệu là La sơn Phu tử. Sau này, Nguyễn Thiếp được Nguyễn Huệ rất tín nhiệm, vời ra làm quan, bổ nhiệm tới chức Viện trưởng Sùng chính và giao nhiệm vụ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô (dự án về thủ đô mới của vua Quang Trung tại TP Vinh). Nguyễn Thiếp được cho là người đầu tiên cải tổ, đưa chính trị và triết học vào chương trình giáo dục ở Việt Nam, thay vì chỉ học văn chương trước đó. Nhưng rồi mọi dự án của ông đều đổ vỡ khi Quang Trung đột ngột qua đời.