“Nho” 儒 là bởi chữ “nhân” 人 đứng trước, chữ “nhu” 需 đứng kế theo mà thành ra. “Nhu” là cần dùng, đi liền sau chữ “nhân” là người. Như vậy ta có thể hiểu “nho” là một hạng người cần dùng để giúp ích cho nhân quần xã hội biết cách sống sao cho thuận lẽ tự nhiên trong trời đất.
Chữ “nhu” còn có nghĩa là “chờ đợi”. Ý nói nho sinh khi hoàn tất việc học hành rồi, còn phải biết cách chờ đợi, để khi xã hội cần đến thì đem tài trí và những điều đã học của mình ra mà giúp đời.
Trước đời Xuân Thu, những nhà nho học được gọi là “sĩ”士 . Sĩ là do quan Tư đồ chọn ra và cho đi chu du thiên hạ để học lấy cái văn chương, lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Sau khi đạt đạo thì quay về làm quan coi trị việc nước.
Cuối đời Xuân Thu trở đi, với tầm trí tuệ rộng lớn, để “Ngôn thiên hạ chi chí trách nhi bất khả ố dã, ngôn thiên hạ chi chí động nhi bất khả loạn dã” (nói cái cuộc rất hỗn tạp của thiên hạ mà không ghét, nói cái cuộc chí động của thiên hạ mà không loạn). Khổng Tử đem phát huy thành Nho giáo học thuyết với ba phần nội dung giáo dục căn bản:
· Nói về cuộc biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến vận mệnh của nhân loại
· Nói về các mối luân thường đạo lý trong xã hội
· Nói về cái lễ nghi trong việc tế tự trời đất, quỷ thần
“Tu thân” được cho là phép gốc để nhập môn với Nho giáo. Muốn tu thân, trước hết thời phải “cách vật tri trí”, nghĩa là phải nghiên cứu cho hết cái nguyên lý, tìm hiểu cho kỹ càng thấu đáo các nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự vật.
Để không ngừng nâng cao nhận thức đối với sự vật, người theo đạo Khổng Tử thường phải chu du thiên hạ để cầu ra xuất chính. Cốt đem thực hành ra ở xã hội, làm ích lợi cho nhân quần…
========
Tư liệu chính:
1. “Nho giáo – Trần Trọng Kim”
2. “Tứ thư toàn tập – Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong”