Nguồn: Câu đối Xứ Nghệ
Làng nọ có ông đồ nghèo, tài sản chẳng có gì ngoài sách vở, oái oăm thay, nhà ông đồ lại ở đối diện với một tay trọc phú nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường, trước nhà có bụi tre ba nhành tạo dáng sung túc.
Tết đến, nhà cửa trống trơn, nhìn ra ngõ thấy ba nhành tre bên nhà trọc phú, tức cảnh ông đồ đề đôi câu đối dán ngoài cọc rào:
Gia trung vạn quyển thư
Môn ngoại tam can trúc
Dịch nghĩa:
Trong nhà muôn quyển sách
Ngoài cổng ba nhành tre
Có tay xỏ lá thấy thế bèn rỉ tai lão trọc phú: “ – nó muốn chơi xỏ ông đấy, nó muốn khoe với thiên hạ nhà nó nhiều chữ, nghĩa là nó coi ông chẳng ra gì cả.”
Lão trọc phú nghe thế thì lấy làm tức tối, bèn sai đầy tớ chặt phéng bụi tre chỉ còn trơ lại ba đoạn gốc. Ông đồ hiểu sự tình, liền đề thêm vào cuối mỗi vế đối một chữ, thành ra:
Gia trung vạn quyển như trường
Môn ngoại tam can trúc đoản
Dịch nghĩa:
Trong nhà vạn quyển sách dài
Trước cổng ba nhành tre ngắn
Tay thầy dùi lại rỉ tai lão trọc phú: “- Nó biết tỏng ông chặt cụt bụi tre để phá câu đối của nó, nên nó càng cay độc hơn, dám ám chỉ nhà ông rằng nhà chỉ có ba đoạn tre cụt”.
Lão trọc phú càng thêm hậm hực, ra lệnh cho gia nhân đào trốc tận gốc bụi tre bứng bỏ đi. Nhưng lão vẫn không làm cho ông đồ hạ đôi câu đối xuống được, ngược lại ông đồ vẫn điềm nhiên nối thêm hai chữ nữa vào đôi câu đối:
Gia trung vạn quyển như trường hữu
Môn ngoại tam can trúc đoản vô
Dịch nghĩa:
Trong nhà vạn quyển sách dài còn đó
Trước cổng ba nhành tre ngắn mất rồi
Đến nước đó thì tay xỏ lá kia cũng hết cách để dùi, lão trọc phú cũng đành chịu cảnh ấm ức chờ cho mau qua ngày tết, hy vọng ông đồ sẽ sớm cất câu đối đi…