Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Câu chuyện đấu tranh dành quyền bình đẳng của vung và nồi
 
(23h: 20-10-2011)
Câu chuyện đấu tranh dành quyền bình đẳng của vung và nồiBài viết của Phlanhoa



Cái nồi, cái vung là sáng chế đầu tay của con người với nhiệm vụ chung của nồi và vung là chứa đựng và bảo quản thức ăn.

Để thức ăn của con người chứa trong nồi đạt tiêu chuẩn chất lượng, cả nồi và vung luôn phải hợp tác khăng khít với nhau, nồi tròn thời vung phải tròn, nồi méo thì vung cũng phải méo sao cho hợp cách, cho sít sao.

 

Ngoài nhiệm vụ chung ra thì :

 

Căn cứ vào năng lực của mỗi thứ, nồi thích hợp với việc chứa đựng; vung thích hợp với việc che chắn bảo vệ.

 

Căn cứ vào nhiệm vụ để phân định vị trí thì nồi thích hợp với vị trí ở dưới, vung thích hợp vị trí ở trên.

 

Thế rồi thăng trầm với  lịch sử tiến bộ của loài người, là lịch sử chế tạo các loại nồi cũng tiến bộ dần theo, từ sơ khai nồi đá, nồi đồng, đến nồi nhôm, nồi i-nox, nồi sứ, nồi thủy tinh, nồi không dính…

 

Sự thay đổi chất liệu và mẫu mã của cái nồi so với tiến bộ của loài người, sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi cho lắm, nếu như không có chuyện một ngày nồi và vung tỵ hiềm nhau về quyền lợi và nghĩa vụ!

 

Vung cho rằng nồi thì khi nào cũng được hưởng phần thực dồi dào, còn vung thì luôn luôn chỉ được hưởng phần khói nên thiệt thòi nhiều hơn. Đó là chưa nói vung luôn luôn tự cho rằng mình là thứ tròn trĩnh một cách “chuẩn không cần chỉnh”, nên mỗi khi thức ăn có vấn đề không ổn, ví dụ như mèo chuột lục vào, hay kiến dán làm tổ chẳng hạn… lỗi ấy theo vung thì tất cả là do nồi chưa hoàn hảo mà thôi;

 

Nồi lại cho rằng nhiệm vụ của nồi là quá nặng nề, lại luôn luôn chịu đựng trong hoàn cảnh tăm tối ở bên dưới, trong khi vung ở bên trên thì cuộc sống luôn luôn nhẹ nhàng phóng khoáng hơn nồi. Và tất nhiên nồi cho rằng các loại côn trùng vào được bên trong là do vung méo, chưa hoàn thành nhiệm vụ che đậy của vung;

 

Tóm lại, cả vung và nồi đều cho rằng đang có sự bất bình đẳng trầm trọng trong mối quan hệ giữa vung và nồi. Cái là con người cũng đồng ý rằng một xã hội tiến bộ là một xã hội bình đẳng về mọi mặt. Những cuộc đấu tranh dành quyền bình đẳng xảy ra ngày một thường xuyên, trong đó có cả cuộc đấu tranh đòi phân chia lại quyền lợi và nhiệm vụ của vung với nồi.

 

Lời kêu gọi hiến kế được đưa ra, các nhà khoa học lao vào nghiên cứu như điên để hòng có được sớm nhất giải pháp đảm bảo cho sự bình đẳng. Và thế là loại nồi đa chức trong một ra đời trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đó, với khá nhiều  tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng như: chất liệu không dính, thép cứng rơi không móp, gioăng cao su tạo độ khít tối đa giữa nồi và vung…vv…

 

Rồi trong hàng loạt giải pháp được đánh giá cao về tiêu chuẩn chất lượng, có một sáng chế vô cùng đặc biệt, có lẽ để đặt tên thì không gì chính xác bằng cách gọi đó là loại “nồi bình đẳng”! Bởi loại nồi này hình dáng như hai cái nồi úp chồng lên nhau, nghĩa là dung tích của nồi và vung bằng nhau. Từ khi nồi bình đẳng ra đời, người nội trợ không còn cần thiết phải so đo vung ở dưới hay nồi ở dưới, cứ tiện tay đặt cái nào xuống trước thì cái đó làm nồi, cái còn lại sẽ làm vung. Lại có lớp gioăng cao su làm cho vô cùng khít khao ở giữa, nên trong lúc đang nấu nướng trên bếp mà con người có ngẫu hứng, xin cứ tự nhiên xoay ngược trở lại, lập tức vị trí cũng như nhiệm vụ của nồi và vung sẽ được hoán đổi cho nhau một cách dễ dàng nhất.

 

Cả thế giới loài người hân hoan đón chào dòng họ loài “nồi bình đẳng” ra đời như một thành tựu khoa học vĩ đại. Chương trình PR cho mặt hàng “nồi bình đẳng” được chuẩn bị vô cùng hoành tráng. Với niềm hãnh diện thành tựu đi trước nhân loại, nhà sản xuất nói rằng : “- Khi sử dụng nồi bình đẳng, người nội trợ sẽ trở nên thông minh hơn vì sự tiện lợi của sản phẩm. Hơn thế nữa nếu bạn mua liền hai cái sẽ được tặng ngay thêm một cái…”

 

Sự hậu mãi theo kiểu “mua hai thành ba” quả là có hiệu ứng dây chuyền. Các nhà nội trợ vui mừng với món lời ngay một cái nồi, đã tình nguyện là người quảng cáo không công cho nhà sản xuất, thế là chỉ trong một thời gian ngắn, nhà nhà có nồi bình đẳng, người người có nồi bình đẳng.

 

Giá trị đáng nói ở đây là sau khi mua nồi, những chị em phụ nữ đều phấn khởi thực nghiệm ngay công dụng của nồi. Bữa cơm tối vào ngày “nồi bình đẳng” được rước về nhà, anh em tha hồ ăn món ngon, thức lạ. Đã đành, trong bếp, trong phòng khách, trong phòng ngủ và cả trong phòng làm việc…đều đầy ắp câu chuyện tốt đẹp về loại “nồi bình đẳng”…

 

***

 

Một ngày nắng đẹp, người nội trợ cao hứng xuống bếp định làm vài món, bỗng nghe loảng xoảng tiếng nồi và vung cãi nhau, vung bảo với nồi:

 

-       Thật là chẳng có gì phi lý bằng. Tôi xưa nay mảnh mai nhẹ nhàng, sáng sủa chứ không thô kệch, đen đúa bẩn thỉu như nồi. Biết bình đẳng mà thế này thì thà làm vung mãi mãi còn hơn…

 

Nghe thế, nồi bảo với vung:

-       Thế vung tưởng tôi sung sướng à. Xưa kia vung nhẹ nhàng mảnh mai thì nồi tôi cao dài, dung tích lớn. Bây giờ phải chia dung tích với vung, nồi tôi vừa bị giảm hiệu suất chứa đựng, lại phải đội thêm vung với sức nặng gấp ba bốn lần vung xưa, đúng là mệt…

 

Người nội trợ chợt giật mình: “- Ừ nhỉ! Quả có là ngày xưa vung mỏng nồi dày, thì nồi chứa được tám chín phần thức ăn. Bây giờ tuy có bình đẳng thật, nhưng hiệu quả chứa đựng của cả nồi và vung cộng lại chỉ còn khoảng ba bốn phần mà thôi. Đó là chưa nói tới chuyện ngày xưa khi rửa cái vung thì thường nhẹ nhàng hơn rửa cái nồi. Cứ như bây giờ vung bình đẳng với nồi đâm ra con người lại phải rửa hai cái nồi, đâu chỉ có mỗi một mình nồi là mệt!”

 

Lần đầu tiên, người nội trợ chợt nhận thấy mình bắt đầu có cảm giác nản với loại nồi bình đẳng…

 

Vung lại nói với nồi:

-       Tôi nghĩ, bình đẳng không có nghĩa là thua đủ về thể tích phải to, dài như nhau; hay thua đủ công việc nặng nhẹ phải đều nhau, mà bình đẳng là phải hiểu được giá trị to lớn của nhau để mà cùng xây đắp thành quả.

 

Nồi gật gù:

-       Thật ra, tôi và vung đã quá cạn nghĩ về nhau, nồi tôi nặng nề là tại bởi công năng chứa đựng của mình, nhưng xét cho cùng nếu không có nồi thì làm gì có vung; ngược lại, tuy vung không phải lao động nặng như nồi, nhưng nhờ có vung che chắn thì thành quả của nồi mới được bảo vệ. Có lẽ chúng ta nên hợp tác khăng khít với nhau hơn là cãi nhau.

 

Nghe nồi và vung nói chuyện hòa thuận, người nội trợ những thấy chạnh lòng. Hôm nay đang là hai mươi tháng mười, ngày của phụ nữ đấu tranh dành quyền bình đẳng với nam giới đấy. Hoa giăng đầy ngoài phố, áo dài bay dịu dàng ngoài phố, đường phố tươi đẹp hơn ngày thường rất nhiều, sao nồi và vung lại ngồi đây nói lời trăn trở?

 

… Nghe nói ngày xưa, ông tạo hóa đã vắt ra đàn ông trước, rồi lại rút bớt dẻ sườn của đàn ông để vắt ra đàn bà. Nhiệm vụ được phân công của đàn ông và đàn bà trong cuộc sống cũng gần giống như của nồi và vung kia. Nghĩa là mỗi người tuy có một nhiệm vụ riêng rẽ, nhưng hai nhiệm vụ lại cùng chung một mục đích là sản sinh và duy trì nòi giống, xây dựng xã hội loài người tiến bộ.

 

Người đàn bà trước đó tuy sinh ra từ dẻ sườn của người đàn ông, nhưng về sau lại dùng máu thịt của mình để tự sản sinh ra người đàn ông và đàn bà thế hệ mới mà sau này vẫn quen gọi là con cái.

 

Xung quanh việc duy trì và bảo tồn nòi giống, đàn ông và đàn bà thường phải thực hiện hàng ngàn công việc khác ngoài nhiệm vụ sinh đẻ. Từ việc lao động cật lực để tạo ra chỗ ở, cái ăn, cái mặc, đến việc giáo dục con cái sao cho thích nghi với môi trường …

 

Cuộc đấu tranh sinh tồn quả là đầy gian lao vất vả. Mệt mỏi triền miên đã khiến con người nảy sinh tính ích kỷ, ai cũng muốn nghĩ về phần lợi cho mình nhiều hơn, mâu thuẫn do đó mà nảy sinh.  

 

Và một trong những mối mâu thuẫn đó có tên gọi rất chi là chiến sự: “Cuộc đấu tranh dành quyền bình đẳng giới”. Trải qua đấu tranh, xã hội ngày càng nhiều những phụ nữ nắm quyền lãnh đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng ít đi những phụ nữ cam chịu chỉ làm công việc nội trợ trong nhà;

 

Trong khi con số về nam giới chịu giữ chức cai quản gia đình lại chẳng gia tăng được là bao. Tình huống trở nên nan giải khi phụ nữ trở nên quá tiến bộ, mọi con số dự báo về thành quả tri thức giữa nam và nữ ngày càng trở nên quá ngang bằng. Mặc dầu cũng từng có vài người trong nam giới tiên phong mang thai thay cho phụ nữ, nhưng cũng chỉ như là cho có ví dụ thực tiễn. Chứ thật ra thì cũng không thuận lẽ tự nhiên gì cho lắm, nên việc đàn ông mang thai chỉ dừng lại ở con số vài người.

 

So với hiệu ứng dây chuyền trong việc quảng bá “nồi bình đẳng” thì hiệu ứng của cuộc vận động đấu tranh dành quyền bình đẳng giới của chị em phụ nữ mạnh mẽ hơn nhiều, là một phong trào rầm rộ khắp thế giới.

 

Có điều…

 

Khi xã hội được coi là bình đẳng, tiến bộ bởi ngày càng gia tăng những người mẹ tham gia công tác gia hội. Điều đó lại tỉ lệ nghịch với gia đình ngày càng bị thưa dần việc những đứa trẻ được mẹ bế, mẹ bồng, mẹ ru, được bú sữa mẹ hàng ngày.

 

Một hiệu ứng dây chuyền khác nảy sinh, tác động lớn lao đến xã hội loài người:  

 

Dịch vụ trông trẻ cả ngày gia tăng. Và…

 

Khi dịch vụ trông trẻ cả ngày gia tăng, thì kèm theo đó là công nghệ nuôi người tập trung, tuân thủ tuyệt đối theo khoa học cũng ngày càng phát triển. Ví dụ trẻ em thì được tập trung trong trường cả ngày, được cho ăn đúng khẩu phần, ngủ đúng giờ, ngồi học đúng tư thế, chơi hợp vệ sinh. Và…

 

Khi những đứa trẻ được nuôi theo phương pháp công nghiệp hiện đại, thì mọi hành vi của trẻ cũng rất hiện đại công nghiệp. Bố mẹ chúng tự hào vì điều đó, khen con là “có tác phong công nghiệp”. Và…

 

Với khoa học máy tính ngày nay, trẻ con có thể tự tính cho mình một lịch biểu mỗi ngày gặp mẹ bao nhiêu phút, lúc nào, nơi đâu và nên nói gì với mẹ. Và…

 

Do tác phong công nghiệp là phải đầy nguyên tắc, phải hết sức chính xác, đến nỗi khi đứng trước mặt ông bà, đứa trẻ có thể nhìn đồng hồ và nói: “- Cháu chỉ có 5 phút cho ông bà thôi đấy, ông bà phải tự chọn lọc và sắp xếp thứ tự các câu ông bà muốn nói với cháu theo thứ tự ưu tiên các câu quan trọng nói trước để thời gian gặp gỡ đạt hiệu quả cao nhất”. Và…

 

Một ngày đứa trẻ lớn lên, rồi biết yêu, khi được người yêu đề nghị hôn, nó liền bảo: “- Khoan đã, theo các nghiên cứu mới nhất, nụ hôn hiệu quả nhất chỉ nên kéo dài một phút, anh/em hãy đợi một chút, chúng ta cần cài đặt chuông đồng hồ đã rồi hẵng hôn cho đúng phương pháp khoa học, cho có hiệu quả!”

 

 

***

 

Người nội trợ từng nghe chuyện của chị đồng nghiệp kể rằng, chị ta vừa mới nhận được một khoản bảo hiểm kếch xù từ sau đám tang của người chồng ngoại quốc. Nghe nói, tại nước này người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tới 40% tiền lương, cho nên trẻ con đến trường không phải đóng học phí, phụ nữ sinh con được trả lương bảo hiểm khá cao trong vòng hai năm…

 

Giờ đây, những lại nghe tâm sự của vung với nồi, người nội trợ bỗng thấy mình ước ao biết bao nhiêu. Một ước ao lạ lẫm về sự bình đẳng…

 

Một xã hội mà nhà nước coi việc người phụ nữ sinh con và nuôi con mình là một công việc đặc biệt cao quý, được xã hội trả lương cao.

 

Xã hội trong ao ước của người nội trợ là việc người mẹ đưa con đến trường và đón con về nhà đều là việc làm có thu nhập…

 

Xã hội mà con lớn lên thành đạt, thì mẹ sẽ được tôn vinh bằng quyền lợi thiết thực chứ không phải chỉ là những lời văn vẻ ngợi ca suông.

 

Xã hội mà người mẹ yên tâm hát lời ru con mà không sợ bị thiệt thòi.

 

Xã hội mà con trẻ không phải lập trình thời gian gặp gỡ ông bà…

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ 2: Chợ Cầu trên bến dưới thuyền (13h: 24-03-2012)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa (17h: 13-07-2010)
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)
 Ví dặm ơi sâu lắng chút mồ (15h: 22-03-2011)
 Công thức làm bếp trong lời ru của mẹ - Bài và ảnh của Phlanhoa (14h: 03-08-2010)
 NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - Phlanhoa (18h: 28-07-2010)
 Tri âm cùng bạn đọc của vidamdodua.com (16h: 04-08-2012)
 Vợ chồng bà bạn cùng phố (19h: 15-06-2013)
 Nhút cà ơi bớt mặn ! (16h: 16-03-2011)
 Quà tết (01h: 29-01-2012)