Trích đoạn từ cuốn "Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du" - của tác giả Nguyễn Thế Quang
Phân đoạn : Đoạn trường tân thanh - chương 2
***
Vào thượng tuần tháng tám, trong tiết chọi trâu lại gặp bão, xứ Nghệ bị ngập lụt lớn. Nguyễn cùng mấy người hàng xóm ra bờ sông xem chừng con nước. Bãi nổi giữa sông đã không còn, nước đục ngầu mênh mông cuồn cuộn. Bên phía cửa Hội, làng xóm trở nên xa tít tắp, chỉ hiện lên một vệt mờ. Giữa dòng, bao nhiêu là cành cây, bèo bọt. Thỉnh thoảng một mái nhà lập lờ trôi xuôi. Bờ sông phía bên làng lở ầm ầm. Vọng Giang Đình của Nguyễn cũng chìm quá nửa. Thế mà cạnh bờ, người dân vẫn liều lĩnh bơi ra vớt củi bằng những chiếc thuyền nan nhỏ. Có nhà một trận lụt, vớt củi đủ đun cả năm. Thế nhưng đã có người rủi ro chết chìm trong nước. Dẫu thế, càng ngày càng đông người kiếm củi bằng cách này. Nguyễn đứng nhìn mọi người mà lòng vừa lo lắng vừa xót xa thương cảm. Khổ quá, họ phải liều!
Quay về căn nhà nhỏ của mình, lòng Nguyễn cũng không yên. Hình ảnh những con người lam lũ bé nhỏ trước sông nước cứ lởn vởn trong tâm trí Nguyễn. Nguyễn cầm bút viết bài Lam Giang:
Bờ lở như sấm vang
Sóng xô như quỷ hiện
…Ta trông nguồn sông Lam
Tấc lòng lo ngay ngáy
Khôngmay lỡ sẩy chân
Là chìm sâu tận đáy
Nguyễn nghĩ đến đời sống khốn khổ của muôn người, không biết làm sao, ngẩng lên nhìn trời, trời có đức hiếu sinh, sao lại để con người đáng thương kia phải khổ sở như vậy? Làm sao đây? Nhìn lên dãy Thiên Nhận hàng trăm ngọn núi như ngựa phi về hướng đông, trong óc bỗng bừng lên một ý, Nguyễn vội viết:
Muốn đem Thiên Nhận sơn
Lấp trăm dặm sông dữ
Vui vì tìm được một ý thơ hay nhưng rồi lát sau lòng Nguyễn lại nặng nề: ước mơ chỉ là ước mơ, dân tình vẫn mãi như vậy. Ngày ta mới về đây thấy thế, nay vẫn thế và mai sau vẫn thế. Vòng đời đau khổ của con người như một dòng sông mênh mông khi vơi khi đầy chảy tự ngàn xưa, mãi đến mai sau và hình như càngngày càng dữ dội.
Lật những trang Kiều đọc lại, Nguyễn đã viết đến đoạn Kiều bị Sở Khanh lừa, bị Tú Bà đánh:
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời
Thịt da ai cũng là người
Lòngnào hồng rụng thắm rời chẳng đau
Nguyễn gật đầu, bằng lòng với những gì mình đã viết. Nguyễn dừng lại dòng cuối:
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy vốn người để đâu.
Nói như vậy là đúng. Bọn buôn người phải đưa cái lợi nó mới nghe. Thanh Tâm cũng cho Kiều nói vậy. Ta viết thế là được. Nhưng lòng Kiều lúc đó thế nào nhỉ. Thanh Tâm viết: “Khỏi cần đánh nữa, bây giờ mụ muốn bắt tôi tiếp khách tôi cũng vui lòng.” Có phải vậy không nhỉ? Còn người đoan trang, giữ gìn phẩm hạnh như Kiều, bao lần muốn thoát ra mà không được, bị lừa nàng đau lắm, sao lại “tôi cũng vui lòng”. Không! Nàng không nghĩ thế. Nàng vừa đau đớn, vừa xót xa, vừa tủi nhục. Phải tìm cho được hình ảnh nào thích hợp. nguyễn nhớ những câu ca Xứ Nghệ nói về kiếp người bị đày đoạ: Cóc kêu trong vũng tre ngâm/Cóc kêu mặc cóc, tre dầm mặc tre…Đúng rồi – lươn, con lươn nhỏ bé, bao giờ cũng ở trong hang, lấm đầu, Nguyễn viết:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Con người đức hạnh đã bị dồn đến bước đường cùng, cái quý nhất về đức hạnh, về thân thể của gnười phụ nữ, mà cũng khôgn còn dám giữ, “xin chừa” xót xa biết bao. Đó mới đúng là nỗi lòng Kiều.
Nguyễn cầm bút viết tiếp nhưng rồi dừng lại, mở Kim Vân Kiều truyện ra đọc: hồi X: “Kẻ phá gia vô tình trở mặt/ Mụ đĩ già dạy ngón nguyệ hoa”. Nguyễn đọc từng chữ, từng dòng. Càngđọc càng khó chịu. Sao lại miêu tả tỉ mỉ những ngón nghề, những mánh khoé làm tình, làm tiền vậy nhỉ. Kẻ làm nghề cần, chứ người đọc hiểu cái đó để làm gì. Còn tâm trạng nàng Kiều lúc nghe lời dạy đó sao không thấy Thanh Tâm tả?
Nguyễn lại đọc sang chương XI: “Nức nở kêu trời, bình khang gửi hận. chơi bời quen thói, toan đúc nhà vàng”, miêu tả cuộc dan díu giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều. Nguyễn chú ý đến câu “sau khi hào hứng mấy chén men nồng, cặp môi đào thoát ra những lới tình tứ, càng tỏ vẻ nét mây gió đáng yêu?” có đúng vậy không nhỉ? Nàng có thể vui vậy không? Nguyễn nghĩ là không. Nguyễn nhớ đến Mười Hương, người đẹp nức tiết đất La Thành năm xưa. Cha nàng là một thầy đồ Nghệ nổi tiếng hay chữ khắp vùng, môn sinh ngày càng đông. Nàng được dạy dỗ chu đáo, lớn lên vừa đẹp vừa có tài thơ văn, vừa đức hạnh, nhiều trang nam tử muốn gá duyên Châu Trần. Bỗng cha nàng bị bắt vì tội dạy học sinh chống lại triều đình, quan phủ bắt tống lao chuẩn bị giải vào kinh. Một người lái buôn đứng ra đút lót quan phủ cứu cha nàng về, bù lại nàng phải làm vợ bé hắn ta. Chẳng bao lâu, tay lái buôn này thua lỗ mất sạch tài sản, đẩy nàng vào nhà chứa. Cha mẹ nàng cũng đã mất. Lúc này nàng mới biết nó và quan phủ cấu kết với nhau hại cha nàng để đoạt nàng. Trong chốn bình khang, nàng là người có nhan sắc, tài năng hơn cả, khách khứa dập dìu, nhưng lòng nàng tê tái. Có lần Nguyễn hỏi về gia cảnh, nàng oà khóc. Từ mấy năm nay có ai quan tâm đến tấm thân ngọc ngà của nàng, bắt nàng chiều họ đủ điều, dày vò nàng đến rã rời. Khi nàng kể xong, nguyễn nói:
- Mười Hương, ta không ngờ đời nàng khổ đến thế!
Mười Hương bưng mặt khóc nức nở:
- Chàng ơi, thiếp không phải là Hương – dù là Mưỡi Hương đi nữa. cha mẹ thiếp đặt tên thiếp là Ngọc Lan. Khi thiếp đã lớn, cha ra vườn hái mấy bông ngọc lan cắm vào một cái bình đẹp, rồi gọi thiếp lại: “Con xem, hoa ngọc lan, hình thon thả như tháp bút, mang màu trăng tinh khôi, hoa gồm nhiều cánh, đến khi tàn vẫn ở bên nhau, hương hoa lúc tươi thơm thanh khiết, lúc héo vẫn thơm nồng nàn. Cha đặt tên con là Ngọc Lan là muốn con đẹp, trong sáng, thanh khiết không vấy bùn. Công, dung, ngôn, hạnh mãi vẹn toàn giữ tiếng thơm cho gia tộc ta.” Thiếp đã sống được như vậy. Nhưng rồi tai ương ập đến, thiếp muốn sống trong mà lại bị đẩy vào vũng bùn nhơ, muốn thoát mà không thoát được. Giờ đây cánh tàn, hoa nát, sống mà như muôn lần chết. Phụ thân ơi là phụ thân ơi! Ngọc Lan ơi là Ngọc lan ơi!
Nguyễn ôm lấy nàng. Nàng gục vào ngực Nguyễn nức nở. Nước mắt nàng ướt đẫm vạt áo Nguyễn. Nguyễn nghe tim mình nhức buốt, buồn rầu nói:
- Ngọc Lan, đừng khóc nữa!
Ngọc Lan đứng thẳng dậy nhìn Nguyễn:
- Không! Chàng đừng gọi tên kẻ hèn hạ này như vậy. Ngọc Lan chết rồi! Bây giờ chỉ là Mười Hương cùng với Nhất Hương, Nhị Hương… là loài súc vật nhơ bẩn thôi.
- Không! Dù sống trong bùn lầy thì nàng vẫn là Ngọc Lan hiếu thảo, trinh trắng.
Nghĩ đến đây, Nguyễn cho rằng Kiều không thể vui tiếp khách như thế! Những người bạn cô ở đất Thăng Long cũng không vui thế, Mai Hương ở sông Hương cũng không thế! Thân gái ai chẳng muốn sống êm đềm hạnh phúc, ai chẳng muốn gìn giữ danh phận trằng trong, phải vào chốn lầu hồng, họ đau khổ lắm! Tim Nguyễn như rớm máu, vội cầm bút viết, nét chữ như bay trên giấy. Mưa lạnh, Nguyễn thấy người phừng phừng, gai gai như sốt:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình lại thấy thương mình xót xa:
“Khi sao phong gấm rũ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày dạn gió sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân!”
Ngọc Lan cũng luôn nhớ đến cha mẹ. Họ đều là những đứa con hiếu thảo. nghĩ đến cha già mẹ yếu, chắc họ đau lòng lắm. Nguyễn viết tiếp:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau
Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
Thời gian cứ trôi đi, lòng họ bao khổ đau. Nỗi khổ đau bao giờ mới hết? Đạm Tiên – Thuý Kiều – Ngọc Lan… kiếp đoạn trường của những kẻ tài hoa bao giờ mới thôi? Can cớ bởi vì đâu, lòng Nguyễn bao xót xa, căm giận, ngẩng mặt nhìn trời, viết tiếp:
Lần lần thỏ bạc, ác vàng,
Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn.
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại cho tàn cho cân
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!
Viết đến đây, Nguyễn nghe như trong người kiệt sức. Một cảm giác vừa sung sướng, vứa xúc động, ngây ngất dâng đầy lồng ngực, Nguyễn bỏ bút xuống rồi gục đầu lên cánh tay mình, thiếp đi. Nguyễn mơ thấy mình đang đi trong vùng nước lụt trên một con thuyền nan. Thuyền thủng, nước ùa vào, Nguyễn cất tiếng kêu cứu. Nghe tiếng ú ớ của cha, Nguyễn Tứ tỉnh dậy, biết cha mớ ngủ, bèn đỡ cha nằm xuống, đắp chiếu lại. Gà nhà ai cất tiếng gáy sáng canh.
Sáng hôm sau, trời hửng, dạo ra bờ sông, thấy nước đã chựng lại, Thiện trở lại nhà chú. Chú vẫn ngủ say. Đĩa khoai lang luộc để trên bàn. Nguyễn cầm mấy trang giấy nét mực còn tươi ròi lên đọc:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Thiện càng đọc, càng bị cuốn hút. “chao ôi! Nhữngvần thơ như có máu chảy đầu ngọn bút”.
Nhìn chú ngủ say, nghe Tứ nói: “hồi đêm cha gục trên trang giấy”, Thiện biết chú mệt lắm. Quay lại bàn, lại nhìn thấy mấy củ khoai: “ăn thế này, viết thế ấy thì chẳng mấy chốc chú kiệt sức”.
Thiện đi vào trong xóm, gần trưa, vác về một con chó vàng khươm, bốn vó và mõm đã bị trói lại. Nguyễn vừa ăn khoai xong, uống một bát chè xanh thơm chát, thấy thế ngạc nhiên. Thiện vui vẻ:
- Chiều nay, cháu xin khao chú một bữa “mộc tồn”.
Buổi chiều hôm đó, căn nhà của Nguyễn thật vui vẻ. Cha con chú Nhưng, hai người hàng xóm và bác Cả Xuân – trùm phường săn. Mấy bà vợ và đám con nít ăn ở nhà bếp, cánh đàn ông ăn ở nhà trên. Rượu nếp chú Nhưng mang sang vừa rót ra chén đã thơm lừng. Nguyễn nói:
- Hôm nay chú Nhưng và anh Thiện thết đãi anh em mình. Xin mời tất cả nâng chén.
Bác Cả Xuân da dẻ đen bóng, tóc và râu bạc trắng như cước, nâng chén:
- Nhờ lộc của quan Hầu, anh em lâu ngày mới có dịp gặp gỡ, xin chúc quan mạnh khoẻ, ngày càng thăng quan tiến chức.
Nguyễn đỡ lời:
- Cám ơn bác Cả Xuân có lời chúc mừng nhưng xin cứ gọi tôi là Chiêu Bảy như xưa. Vào triều là quan, về làng là dân. Tôi vẫn thích đi săn như xưa, và vẫn luôn là lính của bác Cả. Thăng quan tiến chức mà làm gì, vào rừng săn bắn dạo chơi là vui hơn cả.
Rượu ngà ngà, Cả Xuân nhớ lại bài Hành lạc từ của Nguyễn, cao giọng đọc:
Người không sống trăm tuổi
Gặp thì nên vui chơi
Chớ giữ nếp bần tiện
Lo lắng suốt đời người
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Nguyễn nhìn bác Cả ngạc nhiên: “Ông ấy còn thuộc thơ mình. Hay thật”, rồi hào hứng đọc tiếp:
Người không thấy Vương Nhung tay cầm thẻ ngà
Ngày gnày tính toán vẫn thấy chưa đủ
Đài tam công nghiêng, cây mận tàn,
Tiền bạc tan cho người khác có
Lại không thấy Phùng Đạo tuổi già cực giàu sang,
Bốn triều khanh tướng ngồi nghênh ngang
Chôngđánh, vạc bầy đâu thấy nữa,
Nghìn năm Trường lạc còn một chương.
Thiện ngồi nhìn chú vui mà cảm thấy toại nguyện. Nghe chú đọc thơ, Thiện nghĩ: Phùng Đạo thờ bốn triều, làm đến khanh tướng cực giàu sang nhưng bất tử ở thiên Trường lạc; còn chú ta sống qua ba triều, nhà nghèo nhưng cũng sẽ bất tử với Đoạn trường tân thanh. Thì ra chí hướng lập thư chú đã ôm ấp từ lâu. Thiện lại nhớ đến cha mình: “Quả là ông có con mắt tinh đời, nhìn thấy tài năng xuất chúng của chú Bảy từ hồi còn trai trẻ”.
(…Còn nữa…)