Kho tàng văn hóa dân gian Xứ Nghệ
Bà là con gái út của Nguyễn Công Trứ, nên tính cách và giọng điệu văn thơ có gen di truyền của cha. Tên thật của bà là Nguyễn Thị Quyên, nhưng bởi bà vợ của ông tú tài Trần Hữu Ý ở làng Đan Phổ, Nghi Xuân, nên dân làng gọi là bà Tú Ý.
Bà hay chữ, hay thơ Nôm và có tài xuất khẩu thơ nhanh. Một lần trên một chuyến đò dọc. Có một ông cử biết tiếng bà, nên cứ nằn nì xin bà một tứ thơ để họa cho vui. Bà liền lấy luôn gợi ý của ông cử làm thành bài ứng khẩu:
Đồn rằng hay trự tiếng om sòm
Nay được tai nghe, mắt lại dòm
Kinh sử dám phô tài nấu đúc
Ngọc vàng luống chịu tiếng khen bom.
Non xanh ngó lại tùng trăm thước
Sông Phố trông xuôi liễu một chòm
Sẵn hứng vài lời khi gặp gỡ
Dám đâu cửa sấm trống tì tom.
Không biết có phải do lúc đó ông cử cố nài ép bà đối thơ một cách vụng về hay không, để làm bà phật ý, mà xẻm ra ý tứ bài thơ có vẻ hóc búa lắm chứ chẳng chơi.
Đò đã đến bến mà ông cử vẫn ngắc ngứ không họa được, đành phải tẽn tò khất hẹn, sẽ gửi bài họa tới bà sau.
Nhưng dù đã hết một tháng nghiền ngẫm, thì ông Cử vẫn không ra được bài họa, nên phải ngậm ngùi nhận thêm một bài thơ mới của bà Tú Ý gửi cho:
Bấy lâu gằn gục một bài thơ
Ván đã trơn lỳ, chiếu đã xơ
Đầu gối lắc mòn, câu chửa vẹn
Hàm râu nhổ sạch, bút còn trơ
Mực bôi bản thảo đen trăm vạch
Phấn rắc hoa tiên trắng một tờ
Ai về cậy nhắn tao ông với
Cửa cấm là đây biết hay chưa