Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Yếm và dải quấn lưng
 
(22h: 03-06-2012)
Phục sức của người Xứ Nghệ xưa – Yếm và dải quấn lưngTrích đoạn trong tập: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh – Viện nghiên cứu văn hóa dân gian – chủ biên Nguyễn Đổng Chi)
Ảnh sưu tầm Internet


Nói đến cái đẹp trong phục sức, có lẽ cũng nên biết qua quan điểm của người Nghệ Tĩnh trước đây về cái đẹp của con người.: thể chất cũng như dáng vẻ, vì giữa hai bên có gắn bó mật thiết.

Nếu như phương Tây trong những bức họa trung cổ thường thể hiện người nữ nở mông là đẹp, thì trái lại người Nghệ Tĩnh cũng như một số địa phương khác cho như thế là “xấu xa con gấy”. Có nghĩa là một người đẹp thì bộ phận mông (cũng gọi là đì) không thể quá nở nang, đồng thời bộ phận bụng phải thắt lại, nhỏ hẹp so với bộ phận ngực và mông. Từ đằng trước nhìn vào, cặp vú phải căng thon tròn trĩnh, nhưng cũng không quá nở hay là thòng dưa gang. Từ đằng sau nhìn lại, cái lưng trở nên eo. Kiểu lưng này theo lời mách của thần thoại, các cô gái đã học được ở các nàng ong tiên nữ. Không phải ngẫu nhiên mà tượng người nữ trên một cán dao găm làng Vạc cách ta trên 20 thế kỷ cũng đã có một kiểu lưng và mông lý tưởng như vậy. Tục ngữ ca dao Xứ Nghệ cũng còn đủ để chứng minh cái đẹp của nữ giới về bộ phận trụ cột của cơ thể này, như: Lưng eo vụ dảnh, má phấn tóc trơn / Má thì đỏ dắt, vụ thì dửng sờ / Lưng chử cụ, vụ chử tâm¹ / Cả vụ nậy hông, cho không chẳng màng / Cha đời con gái to đì, hai bên khép lại lưa chi dáng nhìn / Eo lưng thắt đáy thì chê, bổ nưa tán gió đem về nâng niu…

Một truyện cổ của đồng báo Thái Xứ Nghệ cũng nói đến một nàng Bua (sen): Bắp chân trong như dọc khoai môn, bắp vế trắng tựa ngà voi, bụng thon như bụng kiến ngực nở, vú tròn như vú nuốm chiêng…Truyện Nống Bua – TL số 180)”.

Bộ mặt đẹp thường là bộ mặt trái xoan, má phải đầy đặn nhưng không quá phính, không như kiểu người ta chê là: Má bánh đúc, mặt mâm xôi; hay: Má bánh đúc, vụ bánh dày. Tóc phải mượt mà, mắt không ti hí nhưng cũng không to, nước da không đòi hỏi phải thật trắng nhưng mịn màng, không khô. Đây là những câu:

Ngó lên con mắt lá răm

Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền

Từ ngày ăn miếng trầu anh

Cái da cũng đặm tóc xanh rì rì

Mẹ em trữ được mấy chum dầu

Đẻ em ra lằn lặn như nhà lầu ông quan

Mẹ em trữ được mấy chum than

Đẻ em ra lằn lặn như con Tiên cháu Rồng

TL số 198)

Cái đẹp của cơ thể nam ít được văn học dân gian nói đến. Hình như những gì mà người ta đòi hỏi ở nữ giới thì thường miễn thứ ở nam giới. Thực ra cũng có một số thành ngữ, tục ngữ đề cập, nhưng lại ít nói về vẻ đẹp mà trái lại, dường như đối với con mắt của đa số phụ nữ, người nam dễ coi là phải trơn lông đỏ da; hay đỏ da thắm thịt, nghĩa là phải nhẵn nhụi ở cái mức ít nhiều dày dạn phong sương, lưng đừng có như tấm phản vì đó là tướng tốn vải; ngực đừng có bày sườn bát văn vì đó là loại ngực thường nhìn thấy ở lớp nho sĩ trói gà không chặt, bộ chi dưới đừng có chân nhẳng nhỏ mà phải cổ chân bắp chuối; đừng có trục cúi (đầu gối) như ống giang mà phải trục cúi mỏ chày vv…

Đại khái một người nam đáng nhìn, cơ thể phải cân đối khỏe mạnh, hoặc thanh tú nhưng không yếu đuối, và đừng có như cái tù hùm. Bộ mặt phải sáng sủa nếu không khôi ngô, tóc dài, vì ngày ấy Tóc dài ngài đẹp con ơi! – lời của bà mẹ Nguyễn Hằng Chi can anh khi anh định cắt tóc, cắm hàm được vuông vắn. Cách sắp đặt mắt mũi miệng không có gì lệch lạc, như câu: Mặt vuông tượng chữ điền; hay: Mặt vuông chữ điền đồng tiền không có / Mặt mũi méo mó thì có đồng tiền. Một nghịch lý thường xảy ra trong xã hội cũ làm cho những cô gái kén chồng không khỏi băn khoăn dằn vặt.

***

 

Cái đẹp trong phục sức dân gian thời quá khứ như thế nào?

Tượng người nữ trên một vài cán dao găm và một số hiện vật bằng đồng thau đào được ở di chỉ khảo cổ làng Vạc cho phép ta hình dung phục sức nữ vào một thời kỳ xa xăm đã phong phú, lịch sự, cân đối, bề thế cùng với những đường cong của cơ thể khá duyên dáng, xinh xắn. Ngoài những vòng tai quá to và thô, chúng ta thấy có rất nhiều chuỗi hạt (có thể bằng đá núi hoặc bằng thủy tinh, vì theo các nhà khảo cổ học thì vào thời ấy ở đây đã biết sử dụng các món trang sức bằng chất liệu này) lóng la lóng lánh ở xung quanh cổ và ngực giữa vị trí của cặp vú. Đó là một vài nét về nữ trang. Còn y phục thì trên đầu nổi gờ lên khỏi mái tóc chỉ có thể là một vành khăn quấn đầu. Thân trên bó sát vào người một chiếc áo cánh, và thân dưới một chiếc váy dài phủ đến gót, có giải thắt lưng buông chùng thả xuống phía trước lẫn phía sau. Phía trên váy chỗ lưng ong và đầu thắt lưng, đều có cạp hoa văn. Những kiểu khăn, áo, váy và thắt lưng như vậy dù còn phải nghiên cứu và chờ đợi phát hiện thêm nữa, cũng cho ta một ấn tượng là sự cách biệt không nhiều so với phục sức nữ thời cận đại. Nó gọi cho ta rất nhiều suy nghĩ về vấn đề truyền thống. Phải chăng phục sức của nữ đã khá ổn định kể từ thời đại Hùng Vương?

Ướm (yếm): Yếm vốn dĩ là vật che kín và đỡ lấy hai vú như kiểu xu chiêng ngày nay, nhưng đối với ngày xưa nó còn có tác dụng là một trang sức. Một câu đố của Xứ Nghệ miêu tả thần tình cái yếm và cách mặc nó: Con người thì tóm lang nhang, tay ôm lấy cổ, chân quàng lấy lưng. Người ta gọi là chuông ướm vì nó giản đơn chỉ là một vuông vải hay lụa trắng; hoặc đem nhuộm màu nâu non hay nâu thắm (ít khi dùng màu lòe loẹt như đỏ, hoặc màu tối như đen, xanh thẫm), góc trên khoét thành cổ yếm. Có hai kiểu cổ là cổ đuôi én, cổ tròn, có dải kiểu bơi chèo bằng chiếc đũa, đồng mầu với yếm dính vào dùng để cột yếm vào cổ. Kiểu cổ tròn mới ra đời vào cận đại, may nó phải khéo tay, gọi là xây cổ ướm:

Có câu:

- Ai xây cổ ướm không tròn

Để anh xây lại cả giòn liền xinh

- Ai xây cổ yếm em tròn

Cho em càng đẹp càng dòn thêm ra

- Đôi o con gái chợ Chùa

Khéo xây cổ ướm, khéo lừa con trâu

Ở hai bên góc dưới của yếm được nối vào hai dải to và dài, dùng để kéo ngoặt yếm ra phía sau lưng, lại quanh ra trước bụng, buộc lại, rồi thả cho hai múi dải buông xuống đến gần gấu váy.

Thắt lưng: Kết hợp với dải yếm còn có một dải thắt lưng rời với tác dụng trang sức hơn là mặc, bằng sồi hoặc lụa mỏng (đôi khi nhuộm điều để mặc ngày hội) buộc vào ngang lưng cùng với dải yếm làm thành một cặp dải bốn múi màu sắc tương phản, thường lòa xòa nhún nhảy ở phía trước váy theo từng bướcv đi càng tôn thêm vẻ đẹp của người đàn bà. Một huyền thoại sau đây nói đến lai lịch chiếc thắt lưng:

Ngày ấy vào buổi sơ khai của nhân loại, các cô gái đều có tấm thân bồ liễu tròn trùng trục như cái cối xay. Họ thường ngồi than thở về cái dáng sồ sề xấu xí của mình. Một hôm họ được người nhà trời mách cho biết, muốn được đẹp hãy lên núi Hoàng Thiên tìm các nàng ong tiên nữ. Thế rồi các cô cũng chịu khó cất công đi tìm. Trải qua trăm núi nghìn khe, họ quả gặp được. Nàng ong chỉ cho họ một loại cây dây leo của nhà trời, lấy nó quấn quanh lưng ba vòng. Cuối cùng lưng của họ cũng trở nên đẹp như lưng của các nàng ong. Từ đó nữ giới có thói quen dùng vải buộc lưng lại cho được đẹp. (TL số 19a)

Mỗi khi không muốn cho thắt lưng nhún nhảy phía trước thì chỉ cần buộc các múi ra phía sau, ngoài cả áo dài, gọi lá bó cua. Ca dao, chuyện ví nói về yếm thì ít, nhưng đặc biệt về dải yếm và thắt lưng thì lại có nhiều:

 

- Đôi o dải ướm dài dài

Cho xin một đoạn làm nài trèo cau.

- Đôi o mặc ướm trắng thắt dải lưng vàng

Lấy chồng biệt xạ trai trửa làng ngẩn ngơ

- Mẹ em hết gạo treo nồi

Em còn trang điểm chạc lưng sồi làm chi?

- Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người ướm trắng dải điều phất phơ

- Trời mưa trời gió kìn kìn

Đắp đôi dải ướm bằng nghìn chăn bông…

(TL số 198)

Chứng tỏ dải yếm và thắt lưng của nữ là thứ dễ đập vào mắt người ta hơn các thứ phục sức khác.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 CU ĐƠ HÀ TĨNH (00h: 20-05-2012)
 Tập huấn Dân ca ví dặm xứ Nghệ (10h: 05-04-2012)
 Tổ chức Festival dân ca, ví dặm xứ Nghệ (14h: 16-03-2012)
 Nước lụa Đức La (17h: 30-07-2011)
 Lịch sử tên gọi La Giang – Đức Thọ (22h: 07-07-2011)
 Ra đi nổi tiếng làng Quỳnh (17h: 30-10-2010)
 Làng Phúc Lộc (20h: 12-11-2010)
 LÀNG HƯNG NHÂN (19h: 17-11-2010)
 LÀNG GIA PHỔ (16h: 20-11-2010)
 Hội đồng hương Đức Thọ tại Vũng Tàu Đầu xuân (11h: 14-02-2011)