Trích đoạn trong tập: Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh - Viện nghiên cứn văn hoa dân gian - chủ biên Nguyễn Đổng Chi
***
Mái tóc của nữ Xứ Nghệ thường rẽ chính giữa thành một đường ngôi thẳng, ít khi rẽ lệch, một đoạn vè mô tả sau đây:
… Răng mự đen nhưng nhức
Má mự đỏ hồng hồng,
Ướn lụa Hạ trắng bông,
Đường ngôi thẳng như đồng,
Mự chỉ ngó chỉ ngong
Đẹp kỳ duyên cho mự
Tóc họ quen vấn khăn hơn là búi như nữ miền Nam. Cũng như màu áo và váy, khăn chít đầu của nữ thường là vải nhuộm, nâu thắm, hoặc thâm, có khi là nhiễu tím.
Điều đặc biệt là để làm dáng, các cô gái thường cho ló ra ở đầu khăn – chỗ khởi đầu vấn vào tóc – một tý vải màu lục hoặc đỏ, gọi là vấn lộng. Có câu ví:
Tóc o vấn lộng khăn bồng,
Giải điều buông phơ phất, răng lại muộn chồng rứa o?
Khăn trắng chỉ dùng khi có tang; tuy nhiên vì có mái tóc xanh, nên vành khăn trắng chít lên đầu lại hóa nổi, trông mĩ miều còn hơn cả khăn thâm. Vì thế có câu hát ghẹo:
Tưởng là khăn trắng có tang
Nỏ hay khăn trắng ra đàng ve trai.
***
Các trang sức của nữ giới:
Trang sức của nữ nói chung cũng đơn giản. Ở đây họ biết giá trị cái đẹp là ở chỗ biết cách chưng diện chứ không nhất thiết ở chất liệu của vật trang sức. Cho nên từng có câu ca dao:
Con quan đeo bạc đeo vàng,
Con dân đeo kẽm đứng đàng cũng xinh.
Đầu ít khi cài trâm, ngón tay ít đeo nhẫn, nhưng tai thì thể nào cũng có đôi hoa (gọi là bông tai), hay là đôi hoàn (gọi là đôi khuyên), hay là đôi trằm nếu không được bằng vàng thì cũng là bạc. Có câu:
Đôi o nho nhỏ đi chợ Giang Đình
Đeo đôi trằm bạc đã xinh chưa tề.
Kiềng (gọi là tói) nếu có cũng ít khi đeo, trang sức ấy thường chỉ dành cho trẻ nhỏ. Hoa hột vòng xuyến nếu có, cũng chỉ thấy ở lớp giàu sang, thành thị, còn trong nông thôn thì rất hiếm người chưng diện, người nữ đi đâu, trường hợp trang trọng thường đeo vào thắt lưng ngang về phía hông bên phải, chỗ hở giữa hai tà áo dài, một bộ xà tích bạc (hoặc mạ bạc) trong thường đựng thuốc để ăn trầu, con trầu cau thì lại đựng vào một cái đãy nhỏ “chỉ bằng lá mít”, bằng gai tết xinh xắn, hay đơn giản là một vuong vải gói lại, gọi là khăn trù (hay khăn đùm rồi giắt vào thắt lưng bên cạnh xà tích, thường dấu vào phía trong tà áo, nhưng đôi khi cũng cho chìa ra phía ngoài cho đẹp. Điều này có nói trong đoạn vè sau đây:
Bâu bên gương bên lược,
Găm hai cái kim thau (kim băng),
Nón em đội trên đầu,
Sua bên xanh bên đỏ,
Khăn trù em lận đó,
Bỏ hai múi thệch ra,
Thấy ai đến đằng xa,
Lại kéo ra một đoạn
Kéo thêm dài một đoạn.
Có câu ví của nam chê đồ đựng trầu không được lịch sự:
Trù em trù đãy hay là trù khăn?
Trù giắt lưng mấn anh không ăn mô mà mời.
Nón đội của nữ cũng là nón thúng quai thao như thiếu nữ nhiều địa phương khác ở miền Bắc. Người ta quen gọi là nón Thượng vì sản xuất ở làng Việt Yên Hạ và bán ở chợ Thượng (Việt Yên Thượng – xã Trường Sơn ngày nay), Đức Thọ. Cũng kiểu nón ấy, người miền Bắc quen gọi là nón Nghệ. Đó là kiểu nón cổ điển tương xứng với một phục sức trang trọng. Nón Thượng có đặc điểm là vành không rộng lắm, nhưng cao thành so với cũng kiểu nón ấy ở xứ Bắc. Phía trong có khi còn cài hoa, chữ thọ, hoặc phượng ngậm bao kinh vv…cái tua (gọi là nôi) của nó cũng được đan một cách trau chuốt. Trong những ngày bình thường thì nữ cũng như nam chỉ đội nón lá cấu tạo theo hình chóp, thường bán ở các chợ, trong đó được ham chuộng về kiểu dáng cũng như độ cứng bền là nón Ba Giang (Phù Việt – Thạch Hà ngày nay).
Phục sức ở chân nói chung không có gì đáng kể. Bình thường thì đi chân đất, kể cả con nhà giàu, lẫn con nhà lao động. Nhu cầu đi đường xa vào mùa hè, nhất là qua những bãi cát nóng bỏng cần phải bảo vệ khỏi rộp bàn chân là đôi dép, thường thì chỉ là một mảnh da trâu hoặc lắp quai ngang, hoặc lắp quai dọc, hoặc cả dọc và ngang. Các bà quan, các công nương nhàn hạ đã có dép (hoặc hài) mũi cong do thợ chuyên môn đóng. Đôi guốc đi trong nhà thường do đàn ông đẽo lấy bằng gỗ mấc, ít khi phải đi mua. Guốc cũng có mũi uốn cong cong bảo vệ ngón chân, quai dọc thì bằng mây tết lại chứ không phải bằng quai da đóng ngang như kiểu guốc vào thời cận đại.