 |
Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm - Phần 1 |
 |
|
|
|
(22h: 07-07-2012) |
Bài viết của Phlanhoa trả lời bạn đọc Hồ Đình Quý - Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
***
"Theo tục lệ ở quê tôi và cũng như nhiều vùng quê khác,thì cứ hàng năm tết ra con cháu lại tập trung để tế họ. tế họ thường tổ chức 1 ngày và một đêm.lễ tối gọi là yết lễ ngày gọi là tế tổ.tôi muốn hỏi thầy có thể giải thích cho tôi hiểu và cách thức tổ chức như thế nào .và thầy có thể cho tôi xin bài văn tế mẫu .mong thầy giải đáp giúp tôi.tôi xin chân thành cảm ơn !
Hồ Đình Quý
Địa chỉ: Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An"
Thưa ông Hồ Đình Quý!
Phlanhoa không phải là thầy, bởi chưa bao giờ coi bói cho ai, đứng lễ cúng cho ai, nhà nào. Chỉ là vì cái tâm không yên khi thấy nhân dân mê muội, tốn kém trong đủ thứ tín ngưỡng hỗn tập. Lại nữa việc cúng bái của nhân dân có nhiều chỗ không giống với những gì Phlanhoa đọc được trong dòng văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, cũng như nhiều nội dung cúng bái tế tụng không giống với trong gia phả cũ xưa để lại của một số dòng tộc mà Phlanhoa may mắn đọc được. Từ trăn trở đó, Phlanhoa đã cố gắng tổng hợp lại một cách đầy đủ các bước, đặc biệt là việc phân tích ý nghĩa, ngôi thứ của thờ cúng, cũng như phương pháp điền danh phận các liệt vị gia tiên…
Sau đây là phần trình bày của Phlanhoa:
Cấu trúc thờ cúng tại nhà thờ họ
và nghi thức tổ chức tế lễ hàng năm
Nguồn tham khảo:
- Việt Nam Phong tục sách – Phan Kế Bính
- An Nam phong tục sách – Mai Vương Đoàn Triển
- Tập tục và nghi lễ dâng hương – Thượng tọa Thích Thanh Duệ
- Từ điển Việt Nam lễ tục – Bùi Xuân Mỹ, Phạm Minh Thảo
- Gia phả dòng họ Nguyễn Trọng – Đức Thọ Hà Tĩnh
- Sách cúng của dòng họ Lê ở Hà Nội
- Một số hướng dẫn, giải thích ý nghĩa của:
Bà Trần Thị Thực – con gái cụ đầu huyện Trần Hậu Thàng – làng Chợ Cồ - TP Hà Tĩnh
Bà Võ Thị Duyên – con gái dòng họ Võ Tá – Tiền Bạt – TP Hà Tĩnh
Ông Nguyễn Thất – Lão niên dòng họ Nguyễn Trọng – Đức Thọ, Hà Tĩnh
1. Ý nghĩa:
- Chân lý của Người Việt luôn quan niệm rằng “cây sống mạnh khỏe là nhờ rễ sâu; nước không cạn kiệt là nhờ có mạch nguồn chảy không ngừng nghỉ; con người được hạnh phúc bình an là nhờ trong gia tộc có được sự hài hòa âm phù dương trợ”. Do đó mà ai ai cũng đều lấy việc thờ cúng hương hồn tổ tiên làm nghĩa cử báo ơn.
- Quan niệm của người Việt cũng cho rằng, để con cháu dương thế nhận được “phúc - lộc - thọ - tài” một cách đủ đầy, thì trước hết phải thành tâm thờ phụng để các linh hồn nơi chín suối, không ai bị đói khát, lãnh lẽo cô đơn. Song le, tai họa hủy diệt nhiều khí thật bất ngờ, khiến cho không ít con người chết mất xác không ai biết; hoặc người trẻ vắn số đi trước người già, khiền cho không còn hậu duệ ruột thịt để phụng thờ hương khói (ví dụ thảm họa nạn đói năm 1945 chẳng hạn). Các trường hợp này, lắm khi không ngoại trừ cả vị thủy tổ của một dòng họ, cũng không còn đích tôn để thờ phụng.
- Các linh hồn khi không còn hậu duệ để khói hương, sẽ gặp cảnh đói khát lang thang. Bấy giờ, nơi có thể cứu vớt hiệu quả, đó là tấm lòng từ bi của bà con xa gần trong họ mạc. Nhưng cũng như người dương thế vậy, linh hồn không thể vào cư ngụ ở bất kỳ gia đình nào, dù biết đó là họ hàng. Cho nên nhà thờ họ là nơi duy nhất linh hồn có thể cậy nhờ làm nơi nghỉ ngơi nương náu.
- Ngoài các lý do đó, thì “trăm khe dồn thành một suối, trăm suối dồn thành một sông, trăm sông dồn về một biển” là chân lý về tập hợp sức mạnh đoàn kết của người Việt. Tuổi thọ của một từ đường nói lên bề dày văn hóa lịch sử của dòng họ đó. Trăm họ an khang thịnh vượng, thì nước Việt hùng cường.
Từ các lý do trên, việc thiết lập từ đường dòng họ là rất cần thiết cả về mặt tâm linh cũng như đạo lý xã hội. Tuy nhiên, nếu không thấu hiểu ngọn nguồn, thờ phụng trở nên tràn lan, hỗn tập, sẽ đánh mất đi sự linh thiêng, không chỉ không có có hiệu quả phúc đức, mà thậm chí còn gây họa anh em tranh cướp, chém giết lẫn nhau. Ví dụ như một số gia đình, họ tộc nghe lời thầy bói, chỉ chăm chăm một việc thờ phụng một bà tổ cô nào đó không rõ tuổi tên, không biết là có linh thiêng thực sự hay không…
2. Thiết kế cấu trúc thờ phụng trong Từ đường họ tộc:
Trong Từ đường nên lập bao nhiêu bát hương và thần chủ?
- Thần chủ và Bát hương thờ thần linh: Dù là nhà thờ của một họ tộc, thì theo quan niệm người Việt “đất có Thổ công, sông có Hà Bá” muốn gia tiên được phép về thăm hậu thế, nhận hưởng lòng thành cháu con dâng hiến, đêm trước ngày giỗ tổ phải dâng lễ trai đàn (lễ chay chỉ có hương, đăng, hoa, quả, nước) cầu xin Trời Đất Thần Thánh cho phép gia tiên được về. Bởi vậy bát hương đầu tiên kể đến phải là bát thờ thần linh (phương pháp lập bát hương xem ở đây )
- Thần chủ và Bát hương thờ thủy tổ: Đời thứ nhất của một dòng họ, được tôn vinh là thủy tổ
- Thần chủ và Bát hương thờ tiên tổ: từ đời thứ hai cho đến vị thân sinh của cao tổ khảo được tôn vinh là tiên tổ.
- Thần chủ và Bát hương thờ các vị cao tổ không có cháu con thờ tự (các vị cao tổ có cháu con đề huề, theo phân cấp được thờ tại các chi tộc).
- Thần chủ và bát hương thờ bà cô ông mãnh: Bà cô ông mãnh là người chết trẻ, người chưa lập gia đình một mình thân cô thế cô. Vì không có công duy trì hậu duệ nòi giống, nên theo quan niệm phong kiến thì không được coi là người lớn, dù là già mới mất cũng vậy. Vì không được làm người lớn, nên không được phép chung bát hương với các bậc tiên tổ khác. Tuy nhiên theo quan niệm duy tâm thì bà cô ông mãnh thường rất linh thiêng, nên được tổ chức thờ riêng trong một bát hương, vị trí để thấp hơn các bậc tiên tổ khác, thường là thấp nhất trên hương án (xem thêm ở bài "bà cô ông mãnh".
- Bát hương cô hồn: thờ phụng các vong hồn của họ tộc do vắn số yểu mệnh, vong hồn thất lạc không nắm được tên tuổi rõ ràng, không người hương khói (bát này thờ ngoài hiên không thờ trong từ đường chính).
Tương ứng với bát hương là vị trí để bày hương án: Có nhiều phương pháp bài trí từ đường. Nguyên tắc chung là Linh điện cao nhất
- Linh điện: được đặt tách riêng ở vị trí bên trái từ đường, cao hơn Thượng điện một chút.
- Điện thờ gia tộc: ngụ ở trung ương Từ đường gia tộc, thường có tam cấp hương án: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện;
- Vong điện: Một điện thờ vong ở ngoài hiên (hoặc lập riêng một miếu nhỏ bên phải, phía ngoài nhà từ đường)
Cách bày trí Thần chủ và bát hương như sau:
1. Thần chủ và Bát hương thờ thần linh: đặt ở Linh điện
2. Thần chủ và Bát hương thờ thủy tổ: đặt ở Thượng điện
3. Thần chủ và Bát hương thờ tiên tổ: đặt ở vị trí Trung điện
4. Thần chủ và Bát hương thờ các vị cao tổ: đặt ở vị trí hạ điện
5. Bát hương cô hồn (của dòng họ): đặt ở vị trí vong điện (ngoài sân)
Cách ghi Thần chủ (hay còn gọi là linh vị / bài vị):
Mỗi cấp bậc chỉ nên có một Thần chủ và một bát hương chung, không nên rườm rà mỗi người một bát, khiến cho hương khói trở nên nghi ngút quá mà vẫn thiếu sót, có vị không có bát hương, hoặc có nhưng không còn chỗ đặt bát hương...
- Thần chủ Thủy tổ ghi: Nguyễn Trọng/ Lê Văn/ Bùi Huy vv..Thủy tổ linh vị. (ghi vắn tắt tiểu sử bằng chữ nhỏ hơn tại phần dưới linh vị);
- Thần chủ Tiên tổ ghi: Nguyễn Trọng/ Lê Văn/ Bùi Huy vv...Tiên tổ linh vị và kèm theo hai tấm biển liệt kê danh sách các vị tiên tổ (nội dung như hướng dẫn ở cách lập danh sách) dựng hai bên Trung điện (nam bên trái, nữ bên phải). Trường hợp danh sách các vị tiên tổ quá dài không dựng biển được thì viết thành tập sách rồi thiết kế hai cây giá treo bằng gỗ hoặc đồng, treo danh sách lên hai bên. Khi có bổ sung thế hệ tiên tổ mới, chỉ việc hạ tập xuống ghi bổ sung thêm càng tiện (chú ý: Thủy tổ thì có một vị thôi, nhưng tiên tổ thì khá nhiều vị, do đó khi bài trí điện thờ, Trung điện luôn luôn phải xây dựng rộng hơn cả bề ngang và bề dài mới đủ để bày trí.)
Các vị cao tổ của các chi họ, khi được quy tiên, con cháu trong chi họ đó làm lễ cẩn cáo từ đường, rồi rước linh vị và bát hương sang để ở vị trí Hạ điện một năm. Sau một năm thì rút ba chân hương và hớt một chút tro cốt từ bát hương của vị cao tổ đó để vào bát hương chung của các vị tiên tổ ở Trung điện, coi như đã được thăng tiên. Bát hương cũ đem bỏ bằng cách đập bể rồi thả trôi sông, hoặc chôn sâu xuống lòng đất.
Các vị đích tôn kế ngôi trưởng tộc, dù chưa được quy tiên, khi chết vẫn được thờ chung tại Hạ điện trong từ đường. Điều này cũng có nghĩa rằng, trong nhà trưởng tộc vẫn phải có bàn thờ riêng để thờ những người còn lại ngoài các vị đích tôn thế tự.
Lập danh sách các vị liệt tông liệt tổ như thế nào?
Để có thể làm lễ cầu siêu, phải có tờ ghi danh sách các vị liệt tông liệt tổ để xướng tên trong văn tế và hỏa thiêu sau khi hoàn tất tế lễ. Nguyên tắc lập cần ghi như sau:
- Đời thứ và Ngôi vị (thủy tổ hay tiên tổ) và Tiền hương trung/thượng kỳ lão và chức quan (nếu có) à tên tuổi và ngày húy và Phần mộ an táng tại (chỉ ghi khi lập danh sách cầu siêu, còn khi đọc văn hiệu triệu thì không ghi phần mộ an táng).
Chi tiết cụ thể theo mẫu ghi sau:
Các bậc Thủy tổ:
- Thủy tổ ghi: Nhất thế (đời thứ nhất) Thuỷ Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ (trên 70 tuổi) / trung kỳ (từ 60-70) lão, và chức vụ xã hội nếu có…và (họ của vị thủy tổ)… và mạnh công tự (tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…và thụy chất trực phủ quân;
Ví dụ: vị tổ khảo của dòng họ Nguyễn có tên là Nguyễn B, thì được ghi:
Nhất thế Thủy Tổ Khảo Tiền hương thượng kỳ lão, kiêm Thập lý hầu Nguyễn mạnh công tự B thụy chất trực phủ quân.Phần mộ hiện nay an táng tại nghĩa trang dòng tộc, tại Hà Tĩnh tỉnh, Đức thọ thị trấn.
- Thủy tổ phu nhân ghi: Nhất thế Thuỷ Tổ tỉ y phu chức ... (họ của vị phu quân của thủy tổ bà) … mạnh công chính thất (nếu vợ thứ thì ghi là á thất) ... (họ tên của vị Thủy tổ bà) …từ thuận (nếu vợ thứ thì ghi là trinh thuận) nhũ nhân;
Ví dụ: Nhất thế Thủy tổ tỉ y phu chức Nguyễn Mạnh công B chính thất Võ Thị M từ thuận nhũ nhân.
Các bậc tiên tổ:
- Tiên tổ khảo ghi: Nhị thế (đời thứ hai)/ tam thế (đời thứ ba)/vv… Tiên Đại Tổ khảo Tiền hương thượng kỳ / trung kỳ lão …(họ của vị thủy tổ) …mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) tự…(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…thụy chất trực phủ quân;
- Tiên tổ tỉ ghi: Nhị thế / Tam thế… Tiên Đại Tổ tỉ y phu chức …(họ của vị thủy tổ) mạnh công (nếu con thứ thì ghi trọng công, con út thì ghi quý công) chính thất (á thất)…(họ tên của vị Thủy tổ bà)…từ thuận (trinh thuận) nhũ nhân;
- Tiên tổ cô (em gái, chị gái của của tiên tổ khảo, người không lập gia đình, khi chết được thờ phụng trong từ đường và được tôn là tiên tổ cô) ghi: Nhị thế/Tam thế/vv… Tiên tổ cô … Nguyễn thị/ Trần thị/ Lê thị nhất nương (hay nhị nương/tam nương/vv… – ngôi thứ sinh thành) …(tên và tên đệm của thủy tổ cô)…thần vị;
- Đường thúc tiên tổ (em trai của Tiên Tổ Khảo) ghi: Nhị thế/tam thế/vv… Đường thúc tiên tổ Tiền hương trung kỳ lão …(họ của vị thủy tổ) …mạnh công tự…(tên đệm và tên húy của vị Thủy tổ)…thụy chất trực phủ quân;
- Dòng cuối cùng của việc lập danh sách: không phải gia tộc nào cũng tập hợp được hết một cách đầy đủ tên tuổi các vị liệt tông liệt tổ, bởi từ nhiều lý do như: chiến tranh loạn lạc, lũ lụt, đói kém vv… khiến cho phải tha hương, chết không quê quán, không người hương khói. Muốn cho trọn đạo nghĩa, không bỏ sót các vị liệt tiền liệt tổ trong thờ phụng, khi lập danh sách, hay lập sớ khấn, luôn luôn nhớ phải ghi câu sau đây vào các sớ cúng:
Cùng toàn thể các liệt vị Tổ phúc, Tổ kỳ, bất kỳ danh hiệu mà hậu duệ sơ sót chưa có cơ hội nhận biết dung nhan, chưa cập nhật đầy đủ húy danh, cúi xin bỏ quá lỗi lầm, theo thứ tự ngôi vị tọa bàn, mời tất cả cùng về đây sum vầy hưởng thụ.
Ghi chú:
- Con cả : ghi tên đệm là mạnh công
- Con thứ: ghi tên đệm là trọng công
- Con út: ghi tên đệm là quý công
- Tuổi từ 50 - 70 ghi là : tiền hương trung kỳ lão
- Tuổi từ 70 trở lên ghi là : Tiền hương thượng kỳ lão
- Dưới tuổi 50 không ghi câu này
Ngày được chọn làm ngày tế tổ thường là:
- Ngày kỵ của vị thủy tổ;
- Nếu không xác định được ngày kỵ của thủy tổ rõ ràng, thì chọn ngày rằm tháng giêng thường được dùng để cầu siêu độ cho cho vong linh người âm và cầu an giải hạn cho người dương trần hàng năm;
- Hoặc ngày xá tội vong nhân (rằm tháng bảy);
Tế tổ gồm có ba nội dung cơ bản:
- Một là: Tế Trời – Đất – Thần – Thánh , trước là để yết cáo các chư vị thần linh xin phép cho gia tiên được về hưởng lộc con cháu; sau là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ...;
- Hai là: Tế cầu siêu độ cho vong linh người đã khuất. Trong nội dung này có hai nội dung nhỏ là cầu siêu cho gia tiên có tên tuổi chính quy; và cầu siêu cho các vong hồn yểu mệnh, vong hồn thất lạc, không người thờ phụng của gia tộc;
- Ba là: Tế cầu an giải hạn cho người dương thế.
Trình tự cúng lễ:
- Yết lễ: (lễ yết cáo thần linh, yết cáo tổ tiên): Đêm hôm trước tộc trưởng phải dâng lễ cầu xin Hoàng thiên Hậu thổ, Thành hoàng bản xứ, th6ỏ công hà bá cho phép gia tiên được về; đồng thời yết cáo Tổ tiên xin phép được tổ chức sự kiện vào ngày hôm sau.
- Tế lễ: Ngày hôm sau con cháu họ tộc tụ hội làm lễ cúng tổ tiên
- Cầu an và cầu siêu: Đến đêm thì dâng lễ trai đàn ngoài trời cầu siêu độ cho vong linh tiên tổ và cầu an giải hạn cho toàn thể mọi người trong gia tộc.
Ghi chú:
Ø Phần lễ cầu siêu độ vong linh bây giờ con cháu các dòng họ thường ủy nhiệm cho thầy chùa theo kiểu tùy nghi di tản, gia đình nào lo gia đình đó, thành ra lễ ở nhà thờ họ thực chất mới chỉ có phần giỗ chứ đa phần là thiếu mất phần tế;
Ø Tế lễ và Yết lễ là hai nội dung khác nhau, yết lễ thực chất chỉ là cây hương bát nước để báo cáo xin phép hành lễ chính thức ngày hôm sau; còn Tế lễ là lễ cúng tổ tiên và lễ cầu siêu độ cho vong hồn người chết và cầu an cho người sống, lễ này phải làm vào ban đêm và làm ngoài trời;
Ø Việc dâng sao giải hạn cũng có thể kết hợp tổ chức tại Từ đường chung cho tất cả mọi người trong họ tộc (chứ không nhất thiết phải lên chùa). Tuy nhiên việc dâng sao phải có sự chuẩn bị trước từ các gia đình (cụ thể xem ở mục cầu an).
Bày trí mâm cỗ:
- Linh điện: chỉ có hương, đèn, hoa, quả, nước
- Thượng điện – Trung điện – Hạ điện:
Ø Trên hương án thì bày hương, đăng, hoa, quả, xôi, chè, trà, rượu, tiền vàng, trầu cau;
Ø Phía trước điện thờ bày ba cái bàn, ý nghĩa tương ứng với ba cấp thượng – trung – hạ trên điện thờ. Do đó thượng bàn phải kê cao hơn trung bàn một chút, trung bàn phải kê cao hơn hạ bàn một chút. Trên bàn bày ba mâm cỗ mặn, trong mâm tổng cộng có 9 món tính cả cơm xôi. Trong đó 5 món bày trên đĩa, 4 món bày trong bát. Màu sắc món ăn phải hội tụ đủ ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành (vàng – trắng – đen – xanh – đỏ);
- Vong điện: cũng có một mâm cỗ đủ mặn, ngọt, thêm gạo muối, tiền vàng, bánh kẹo, âm binh xanh đỏ đủ màu
(coi tiếp phần II)
|
|
|
Nguyễn Hữu Tình |
Kính gửi cô, Cháu là người Hà Tĩnh. Đọc các bài viết của Cô đã cho cháu nhiều thông tin hữu ích. Cháu có một phân vân là trong bài Cô viết: 1 là Linh điện đặt bát hương thờ Thần linh, 2 là Thượng điện đặt bát hương thờ Thủy tổ, 3 Trung điện đặt bát hương thờ Tiên tổ, 4 Hạ điện đặt bát hương thờ Cao tổ, 5 Vong điện đặt bát hương tờ cô hồn. Như vậy thì Bà cô ông mãnh thì thờ ở điện nào và có cần đặt bán hương riêng không? Cháu cảm ơn
Phlanhoa phản hồi
Cháu đọc chữa kỹ, có nói trong bài rồi. |
|
|
|
Nguyễn Đức Dương |
Chào chị ạ, Em là Dương ở HN, hiện em đã đọc các bài viết của chị và các trả lời bạn đọc. Về cơ bản em đã hiểu về các lề luật phần âm nói chung, tuy nhiên phần cụ thể của gia đình em thì vẫn chưa được tỏ tường và còn có thắc mắc. Vốn em đang lập phòng thờ tại gia đình em và giúp các Bác và Bố em trong việc thờ phụng tại từ đường nơi đất hương hoả của ông bà em ở quê (Bố em là con thứ, em là con trưởng trong nhà em), ở quê họ nhà em cũng đã có nhà thờ họ. Em xin chị địa chỉ email để em gửi tổng thể các vấn đề em định làm để chị sửa và tư vấn giúp em cho đúng lề lối, em vốn là người cẩn thận và cầu toàn nhất là trong việc tâm linh và thờ cúng tổ tiên chị ạ. Mong chị chấp thuận giúp em và gia đình. Cảm ơn chị và chúc chị luôn luôn mạnh khoẻ, bình an và có nhiều bài viết hay, ý nữa nữa để việc thờ cúng của người Việt được giữ gìn cho hậu thế mai sau.
Phlanhoa phản hồi
Xin lỗi bạn, tôi không làm thầy cho riêng ai bao giờ. Bạn có thể nêu tình huống mà không nhất thiết nêu tên tuổi của mình. Nếu thấy có thể trả lời, tôi sẽ trả lời để mọi người cùng tham khảo. |
|
|
|
Nguyễn Sơn |
Xin hỏi chị Hoa, anh tôi là tộc trưởng đã mất, truyền ngôi lại cho con trai (tức cháu tôi). Vậy khi cúng tuyên đọc linh vị thì các danh xưng như cao, tằng, hiển tổ trước đây nay có phải nâng lên một cấp hay không? Cảm ơn chị nhiều.
Phlanhoa phản hồi
Có chứ. |
|
|
|
Nguyễn Sơn |
Chị Hoa kính mến ! Chúng tôi đang chuẩn bị xây nhà thờ họ, hiện nay phần mộc đã xong, dự kiến sau Tết Nguyên Đán sẽ khởi công xây dựng. Tuy nhiên vừa rồi trong Họ có một người mới mất. Nhiều ý kiến cho rằng trong họ có tang thì không xây dựng được nhà thờ. Tôi rất phân vân nếu cứ kiêng như vậy thì biết khi nào mới xây được, vả lại cơ hội tốt sẽ qua mất. Vậy xin chị lưu tâm tư vấn giúp. Người mất đó là em ruột tôi (chúng tôi là chú đời thứ 4 của tộc trưởng), vậy nếu xây nhà thờ thì tôi có phải kiêng gì không, có được tham gia cúng lễ, động thổ, các công việc khác của nhà thờ họ không? Xin cảm ơn chị rất nhiều!
Phlanhoa phản hồi
Thưa anh,
Vấn đề anh hỏi quá khó để trả lời. Vì tôi dẫu có ba đầu sáu tay cũng không dám đưa ra kế sách phá tục lệ ! Huống hồ chi tôi còn chưa có ngày nào làm thầy cúng cả.
Có hai cách tôi từng nghe kể:
- Trong một họ thường có nhiều chi. Chọn một chi không có tang và có người làm ăn phúc phước đứng tên động thổ để xây dựng, giả đò như chỉ xây nhà thờ của gia tiên chi đó. Sau thì cứ chi nào hết tang lại làm lễ nhập họ, dần dần sau khi nhập hết các chi vào rồi thì mới làm lễ khánh thành nhà thờ họ. Cách này có lẽ khả thi.
- Xả tang người mới mất sau 100 ngày. Tức là làm lễ hết khó trước thời hạn theo phong tục. Cách này tôi thấy trong miền Nam nhiều nhà bị vướng mắc giữa đám cưới và đám ma, thì họ tổ chức xả tang sớm để rước hỉ.
Cả hai cách trên, họ ta cứ viết sớ trình bày nguyện vọng với tổ tiên, rồi xin âm dương ba lần, nếu 3 lần đều được thì làm, nếu xin âm dương không được thì không nên làm. Đặc biệt là nếu xả tang thì phải xin nguyện vọng với chính linh hồn phải xả tang sớm. Tuy không còn đeo tang, nhưng hương khói, cúng đơm vẫn phải duy trì như cũ. Năng cầu nguyện hơn để linh hồn đỡ tủi thân.
|
|
|
|
lê hà thọ |
Chào cô (?) Tôi thấy trong các nhà thờ tộc, thường có 3 gian, gian giữa được xem như thờ tổ tiên chung, vậy 2 gian 2 bên người ta thờ những vị nào. Tôi rất cần thông tin này.
Phlanhoa phản hồi
Nếu một gian thì thường có 3 bậc cao thấp như trong bài viết. Với những họ tộc nhà thờ có ba gian, hai gian hai bên nhiều họ thờ khác nhau, mỗi họ thờ một kiều:
- Có họ thờ thủy tổ gian giữa, tiên tổ gian trái, tiên cô tiên mãnh gian phải
- Có họ lại thờ Tiền hiền bên trái, hậu hiền bên phải
- Ngày nay có họ còn đem Phật vào thờ trong nhà thờ, đây là một lối thờ không đúng phép tắc và phong tục tập quán của ta. |
|
|
|
chung |
Kính gửi Chị Hoa Tôi đang rất băn khoăn muốn hỏi nhờ Chị tư vấn giúp. Gia đình tôi thất lạc gia phả nên chỉ giữ lại được 6 đời. Can, Cố, Ông, các Bác, Bố tôi (đang sống), chúng tôi và con. Chúng toi đã xây dựng một nơi thờ phụng (xây một gian riêng biệt). Tuy nhiên chúng tôi đang rất băn khoăn không biết bố trí bát hương thế nào?? bao nhiêu bát hương?? Nhờ Chị tư vấn giúp. Rất cảm ơn chị
Phlanhoa phản hồi
Vậy thì chi ta không chắc chắn là dòng họ đã có nhà thờ hay chưa, thủy tổ tiên tổ đã được thờ phụng đàng hoàng hay chưa, cho nên để tránh thiếu sót chi ta cần thờ hai cấp:
Cấp thờ vọng là thủy tổ và tiên tổ. Theo tôi bát hương và bài vị có thể làm hai, hay gộp chung một bát cũng không sao vì chỉ là tưởng vọng. Cốt hương và bài vị ghi: TƯỞNG VỌNG THỦY TỔ, TIÊN TỔ DÒNG HỌ.....
Cấp thờ chính sẽ có các bát hương:
- Cao tổ: thì chỉ có 1 vị, nhưng thờ chính nên riêng một bát hương và một bài vị
- Tằng tổ: chung cho tất cả các con trai có gia đình là con của cao tổ; 01bát hương, 01 bài vị, kèm theo danh sách các vị cao tổ
- Tổ: chung cho tất cả các con trai có gia đình là con của tằng tổ; 01 bát hương, 01 bài vị và danh sách các vị tổ đã mất. Sau này có ai mới mất lại làm thủ tục bổ sung danh sách và nhập cốt hương như đã hướng dẫn.
- Bát hương thờ bà cô ông mãnh
Tổng cộng lại thì có 5 bát hương chưa kể bát hương thờ linh thần: Hoàng thiên hậu thổ, thổ công hà bá
|
|
|
|
Nguyễn Sơn |
Kính gửi chị Hoa!
Đọc bài viết của chị tôi hiểu ra được rất nhiều điều, tuy nhiên tôi vẫn có băn khoăn. Họ chúng tôi làm nhà thờ ba gian, theo cách bố trí của chị thì gian bên trái là Linh điện, gian giữa chia ra Thượng điện Trung điện và hạ điện Vậy còn gian bên phải thì để làm gì, có thể thờ bà cô ông mãnh hoặc làm nơi họp bàn công việc ở gian đó được không? Đôi điều chưa rõ. Rất mong chị giải thích cho.
Phlanhoa phản hồi
Bạn đọc chưa kỹ hướng dẫn cho lắm. Trả lời bạn đọc bên dưới tôi có hình ảnh ví dụ. Có nhiều cách bày trí từ đường:
- Nếu 3 điện xây theo hình dọc thì thượng điện thờ thủy tổ cao nhất và sau nhất. Ngay trên đầu thượng điện chếch bên trái là linh điện, tức cùng một gian thờ với Thủy tổ. Ý nghĩa là khi thủy tổ của một dòng họ siêu thoát thì sẽ được tuyển dụng vào đội quân nhà trời, vậy nên cao thấp giữa linh điện và thượng điện phải trong cùng một gian.
- Nếu 3 điện xây theo hàng ngang thì ở giữa là thượng điện cần phải cao hơn và ngay trong gian giữa
- Cũng có kiểu nhà thờ chi họ vì nhà thờ họ ở gần nên trong nhà thơ chi họ không có thượng điện. Khi ấy cao thấp tính tứ trái sang theo kiểu anh em huynh đệ.
- Cũng có dòng họ chỉ xây một gian duy nhất rộng lớn và đóng một án thờ bằng gỗ 5 cấp và bậc cao nhất trong cùng là linh điện, bậc thứ hai là Thủy tổ...
Tóm lại thứ tự cấp bậc thờ ăn thua ở cao thấp: cao nhất là linh điện thờ Hoàng Thiên Hậu Thổ và Thổ Công Hà Bá, cao nhì Thủy tổ, Tiên tổ, Tổ cô tổ cậu thấp nhất. Tùy theo kiến trúc xây dựng từ đường và trình bày. |
|
|
|
lê sĩ mạnh |
Chi họ tôi là Lê sĩ, gốc Mạc chưa có nhà thờ. Sau khi ông tộc trưởng quy tiên không có con trai, có ông em lại lập nghiệp ở xa ( Điện biên ) nên chi tôi là con của bà kế tách ra lập chi riêng để thờ tự. Nay có nhà thờ mới cấu trúc 3 gian. Xin hỏi chị để tư vấn cho mấy băn khoăn chưa rõ:
- Trong cấu trúc vị trí bàn thờ ở 3 gian theo như chị giải thích là từ phải qua trái là thứ tự thượng điện, trung điên và hạ điên thì bàn thờ bên phải, thượng điện có phải to hơn, cao hơn trung điện không? Tôi đi xem một số nhà thờ có cùng cấu trúc chiều ngang thì thường bàn thow giữa là to, uy nghiêm đầy đủ hơn hai bàn thờ bên. Có người nói bàn thờ giữa thờ dòng chính, hai bên thờ dòng sau là cụ thể ra sao? Có người giải thích là giữa thờ các bậc tiên tổ, bên phải thờ ông mãnh, bên trái thờ tổ cô? Thông thường các vị trí có đủ chiều sâu thì mỗi gian phia trươc đói diện với người vái lạy khi cúng là một án thư cao khoảng 1.2 đến1,3m rông 60cm chỉ đặt bát hương to, chân đèn hoa quả. Phía sau mỗi hương án( bàn độc) là một bàn thờ rộng có 2 hoặc 3 cấp trong cùng để long ngai rồi các đồ thờ,bậc thấp hơn rộng hơn để mâm cỗ măn khi tế lễ. Xin hổi rõ thêm vị trí hai bên phải trái trong cùng ở vị trí cao nên đăt long ngai hay khám thờ? Có nhà thì đặt bên phải long ngai, bên trái khám thờ, có nơi đặt hai bên đều là khám thờ. - Nếu có đoi hạc to đặt dưới nền nhà rồi trên mỗi vị trí có đặt hạc đồng thêo bộ tam sư, ngũ sự không? Bàn thờ hai bên có đặt vậy không, có phải nhỏ hơn không?
- Mỗi vị trí ( theo gian ) đặt mấy bát hương? To nhỏ, số lượng mỗi vị trí như thế nào? Vì đi khảo sát, xem tham khảo các nhà thờ để bố trí bàn thờ trong nhà thờ mới thâupys có nhiều cách bố trí, giải thích khác nhau,paan vân chưa biết bài trí thế nào cho phù hơp và đúng với ý nghĩa, không thừa xin chọ tư vấn, giải đáp, xin cảm ơn chị nhiều!
Phlanhoa phản hồi
Bạn cần đọc kỹ bài viết. Có ba kiểu bài trí:
- Trái qua phải: Trong trường hợp nhà thờ thờ tới ba chi họ, nhưng lại không thờ thủy tổ ví thủy tổ thờ ở nhà thờ tộc chính cũng ở trong vùng
- Sau cao trước thấp: Đại đa số bàn thờ gia tiên đều thờ ở hình thức này. Bậc trong cùng cao nhân thờ cụ, bậc cao giữa thờ ông nội, bậc thấp nhất phía trước thờ bố mẹ
- Thượng điện ở giữa: Trường hợp nhà thờ tộc có thờ thủy tổ
Mỗi điện chỉ duy nhất một bát hương. Bạn đọc các bài kỹ vào, đừng hỏi cái đã có tôi sẽ không trả lời. Bao gồm cả phần tôi thảo luận với mọi người ở phần "Ý kiến bạn đọc" |
|
|
|
Đặng Duy Thịnh |
Kg Chị Phan Lan Hoa,
Tôi đang tìm hiểu về cấu trúc thờ cúng tại các nhà thờ chi họ và bắt gặp được nhiều bài viết rất hay của chị về đề tài này. Tôi rất ngưỡng mộ sự hiểu biết sâu sắc của chị. Qua bài viết và các câu trả lời câu hỏi của chị, tôi biết: Nhà thờ chi họ chỉ thờ Cao tổ và Tằng tổ; nhà thờ họ thì thờ từ Cao cao tổ trở lên đến Thủy tổ; nhà thờ gia tiên (gia đình riêng) thì thờ Tổ khảo và Khảo. Thưa Chị,chi họ chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng lại nhà thờ chi họ và xin được chị tư vấn mấy điểm sau đây:
1. Tuy là nhà thờ chi họ nhưng chúng tôi có nguyện vọng thờ từ Cao cao tổ (thờ vọng/bóng) xuống đến Khảo (mặc dù Cao cao tổ đang được thờ ở nhà thờ họ; Tổ khảo và Khảo đang được thờ ở tại các gia đình (nhà nào cũng có bát hương gia tiên; bát hương bà cô, ông mãnh). Nhờ chị cho biết việc tổ chức thờ như vậy trong nhà thờ chi họ có được không?
2. Nếu theo cách trên thì cấu trúc thờ cúng sẽ như thế nào? Chúng tôi dự kiến tại Thượng điện sẽ có 1 bát hương và 1 linh vị/tượng Cao cao tổ; tại Trung điện sẽ có 1 bát hương và 1 linh vị/tượng(?) thờ từ Cao tổ đến Khảo; Tại hạ điện sẽ có 1 bát hương và 1 linh vị/tượng(?)thờ các Cao tổ không có cháu con thờ tự (người không có con hoặc không có con trai). Nhờ chị tư vấn xem sắp đặt như vậy có được không, việc thay các bài vị bằng tượng có được không?
3. Nhà thờ chúng tôi xây theo chữ Đinh (chữ T) gồm 3 gian bái đường (mái ngang chữ T) và hậu cung (thân chữ T). Hai bên đầu ngoài hậu cung giáp với bái đường chúng tôi định xây 2 bàn thờ và bố trí bát hương riêng bà cô 1 bên và bát hương riêng ông mãnh 1 bên (nhà thờ chi chúng tôi tương đối rộng rãi nên chúng tôi dự kiến bố trí như vậy). Xin chị cho ý kiến xem như vậy có được không hay nhất quyết bà cô, ông mãnh phải thờ chung vào 1 bất hượng và có thể đặt ở hạ điện nhưng thấp hơn các vị Cao tổ ở đó.
4. Trường hợp trưởng chi họ tôi danh nghĩa là người họ tôi (họ Đặng) nhưng thực chất không phải là họ Đặng (không cùng huyết thống). Vậy có cách nào xử lý trong việc thờ cúng hiện tại và sau này nữa. Chị tư vấn cho chúng tôi với nhé.
Xin đa tạ chị nhiều! Kính chị, Đặng Duy Thịnh
Phlanhoa phản hồi
1. Chỉ nên thờ từ Cao tổ đổ xuống thôi. Cao cao tổ gọi là Tiên tổ, vị này đã được thăng tiên thì phải thờ ở nhà thờ họ mới tương xứng ngôi vị. Chỉ trường hợp họ tộc không có nhà thờ mới hạ cố đặt linh vị ở nhà thờ chi họ. Giống như trên dương thế, được phong bộ trưởng thì phải có nhà nước lo nhà lo xe cho mới gọi là oai chứ? Thờ vọng chỉ khi ở quá xa nhà thờ họ, không nhang khói thường xuyên được mới phải vọng. Ý nghĩa khác tôi đã có nói trong bài " Sứ mệnh của cây hương trầm".
2. Cao tổ của chi ta chỉ có một người duy nhất thôi, làm gì có nhiều người? Anh em ruột của cao tổ không gọi là cao tổ và sẽ có con cháu của họ thờ tự ở chi họ khác, chỉ trường hợp họ tộc không có nhà thờ mới nên ôm đồm.
3. Bà cô ông mãnh chỉ một bát thôi. Không cứ rộng rãi thì vẽ ra nhiều bát hương.
4. Tôn người họ Đặng khác cùng huyết thống lên làm trưởng chi. Trường hợp vị kia tuy không cùng huyết thống, nhưng xét thấy có công lao lớn với chi họ, lại những đã được khai sinh họ Đặng thì cũng coi như người trong họ, thờ đồng cả hai người ngang vai vế. |
|
|
|
Nguyễn bá vĩnh |
Tôi rất tâm đắc với những tư vấn của chị giúp cho mọi người dân Việt hiểu biết đúng về việc thờ cúng tổ tiên. Tôi có một thắc mắc xin Chị chỉ giáo thêm: Nếu trên bàn thờ bày 3 bát hương thì mỗi khi cúng lễ vào dịp sóc vọng hay cúng lễ nào đó thì bày chung trên bàn thờ một lễ có được không hay bày đủ mỗi bát hương một lễ riêng biệt. Xin cảm ơn Chị
Phlanhoa phản hồi
Bản thân ngày sóc vọng đã thể hiện là cúng thần linh, cho nên mới quy định thứ bắt buộc chỉ là : hương - đăng - hoa - quả - nước, vậy thì chỉ cần một lễ là được rồi.
Khi bạn thờ chung Thần - Tiên vào một án, thì nên có một cái bàn riêng để thấp hơn trước án thờ, khi muốn cúng lễ mặn thì lễ mặn sẽ bày ở cái bàn đó để mời gia tiên hưởng thụ.
|
|
|
|
Nguyễn Tân |
Cảm ơn bác đã trả lời tuy nhiên, cháu vẫn băn khoăn, mong được bác tư vấn tiếp. 1. Vấn đề Quang Tiền và Dụ Hậu: Theo giải thích của họ Trần ở Quảng Nam thì: Ở giữa là bàn thờ Triệu thủy thờ thủy tổ, tổ tiên, bên trái Quang tiền thờ liệt tổ có con kế truyền bên Dụ hậu thờ liệt tổ không có con kế truyền (theo Phan kế Bính). Theo An tĩnh cổ lục mô tả tại nhà thờ Nguyễn Xí cũng tương tự. 2. Trong bài phần Lập bát hương bác nêu có 6 bậc(Thần linh- Thủy tổ- Tiên tổ- Cao tổ- Bà cô ông mãnh - Cô hồn, nhưng ở phần sắp đặt không thấy nói Bát hương Bà cô ông mãnh đặt ở đâu? Rất mong được bác chỉ dẫn!
Phlanhoa phản hồi
1. Bạn trích dẫn dùm tôi đoạn nào Phan Kế Bính nói về Quang Tiền - Dụ hậu nhé? Nhớ ghi rõ trang sách, tên chương mục để tôi còn tra cứu lại sách của mình?
2. Bạn đọc cho hết các phần bài viết về cấu trúc từ đường dòng họ của tôi sẽ biết. (đừng đọc hời hợt rồi hỏi vào cái đã có nhé)
3. Cương quốc công Nguyễn Xí: Ông nội Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Quê gốc ở làng Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Nguyễn Hợp dời nhà đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây Nguyễn Hợp đã cùng Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Xí có công rất lớn và là công thần qua 4 đời vua. Khi mất được phong là Phúc thần. Như vậy Đền thờ Nguyễn Xí (không phải nhà thờ) vừa thờ Phúc Thần vừa thờ Thần hoàng làng. Đây là ngôi đền do Nhà Lê chi kinh phí xây dựng để ghi nhớ công lao của cha con Nguyễn Xí.
|
|
|
|
Nguyễn Tân |
Xin chào bác! Bài viết của bác rất bổ ích, tuy nhiên có 1 số tài liệu nói về 2 bàn thờ Quang Tiền và Dụ Hậu ở 2 bên, trong khi đó cấu trúc bác trình bày không thấy nói. Bác có thẻ giả thích rõ vấn đề này được không?
Phlanhoa phản hồi
Bạn đang nhầm lẫn giữa thờ cúng gia tiên trong từ đường họ tộc với thờ người có công trong đình làng. Quang tiền (光 前), Dụ hậu (裕 後) là hai án thờ phụ để hai bên tả - hữu án thờ thành hoàng làng trong đình làng. Quang tiền bên trái thờ những vị tiền hiền có sắc phong; Dụ hậu thờ những vị hậu hiền có sắc phong của làng. Tức trong làng ngoài một người được nhân dân tôn làm thành hoàng làng, thì còn có những hiền nhân khác đáng tôn vinh. |
|
|
|
Nguyễn Tuấn Lộc |
Chào chị Hoa, cám ơn chị rất nhiều về những ý kiến tư vấn của chị và mặc dù chưa đọc hết các ý kiến của chị trên trang web nhưng em biết chị quả là người có nhiều hiểu biết sâu sắc về tập quán thờ cúng của người Việt. - Sau khi gđ sửa lại nhờ thờ chi họ và bố trí theo tư vấn của chị thì nếu sau này có người mất (bố, mẹ,...) có trước khi đưa tang có thể đặt quan tài ở gian bên trái hay bên phải (nhìn từ ngoài vào để làm lễ được không? - Sau khi đưa tang rước di ảnh và bát hương về thờ ở 1 trong 2 gian như đã nói trên trong nhà thờ được không? Rất mong chị bớt chút thời gian trả lời. Trân trọng cám ơn chị. NTLoc
Phlanhoa phản hồi
Nhà thờ chi họ chẳng qua là thờ hàng gia tiên chưa siêu thoát mà bạn. Thực chất xưa kia chỉ có nhà thờ họ tộc, làm gì có nhà thờ chi họ. Ngoại trừ những nhánh họ tha phương xa nơi có nhà thờ tộc mới nhất thiết phải lập. Nay nhân dân khá giả mới sinh chuyện. Nếu gian bên có án thờ gia tiên thì quan tài có thể để được mà.
Di ảnh của người trưởng chi và vợ của trưởng chi phải được đạt trong gian thờ chi họ vì họ đủ tư cách mà. |
|
|
|
Nguyendangan |
Cho tôi hỏi: dòng họ tôi có thể nhờ thầy chùa về làm lễ cầu siêu ở nhà thờ họ được không?
Xin cảm ơn.
Phlanhoa hồi đáp
Đây là một câu hỏi khó có thể trả lời là được hay không được, mà phải tùy vào sự tỉnh táo của gia đình, họ tộc. Tôi đã có một bài viết bàn về Thần là ai? Thánh là ai? Phật là ai?... Đúp vào link này để coi.
Bây giờ bàn thêm như sau:
Theo sách "Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính" và sách "An Tĩnh cổ lục” của Le Breton thì cho đến thế kỷ 18, tập tục ở các làng quê Việt Nam vẫn duy trì như sau:
- Thần cao nhất trong một gia đình Việt Nam có 2 ngôi : Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ và Định phúc Táo quân;
- Thánh cao nhất trong một làng mà các gia đình đều phải cẩn cáo xin phép trước khi cúng giỗ gia tiên là: Thành hoàng bản xứ;
- Tiên trong một dòng họ, một gia đình Việt Nam cao nhất là Thủy tổ.
Bằng chứng là các bản khấn cổ ở Nghệ Tĩnh, không có câu nào “Nam mô a di đà Phật” lấy làm câu cửa miệng bắt đầu như hiện nay. Nhân dân chỉ “Nam mô a di đà Phật” khi đi lễ chùa vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy hàng năm. Tuy nhiên ở Nghệ Tĩnh lại chỉ có một đôi chùa là thờ Phật riêng rẽ. Các ngôi chùa còn lại thờ Bụt, thờ Thánh quốc, Thánh mẫu, Thánh nương, đều là các hiệu bụt sau khi mất của những người có công với dân tộc được phong theo tập tục người Việt.
Việc cầu kinh (cầu an, cầu siêu) khi xưa ở trong các làng quê đều do các bà cụ chủ trì, không hề do thấy chùa nào cả. Các cụ ta thường thuộc lòng những bài kinh kệ cầu an, cầu siêu ở dạng thơ lục bát, như mẫu trong mục "cấu trúc từ đường dòng họ" tôi đã có. Cầu kinh diễn ra khi trong làng có người đau lâu ốm dài, người mới mất. Chủ nhà chỉ cần nấu một nồi nước, têm một cơi trầu và trải chiếu ở gian bảy mời các cụ trong làng đến khấn nguyện.
Nếu là người mới mất thì cầu nguyện cho đến khi đưa tang; Nếu là người đau lâu ốm dài, nằm dầm dề sống dở chết dở, thì cầu rằng nếu chưa đến số thì mau chóng phục hồi sức khỏe; nếu đã đến số thì mau bắt đi, không hành hạ thân xác người bệnh thêm nữa. Việc cầu này quả thực rất hiệu nghiệm, thường từ 3 ngày sẽ có chuyển biến đối với người bệnh. Nếu hết 7 ngày mà không có chuyển biến thì tạm dừng không cầu nữa.
Việc cầu an, cầu siêu ở nhà thờ họ phải do tộc trưởng đích thân đứng lễ. Tôi cũng không biết từ đâu, khi nào trong cuối thế kỷ 20 này, việc riêng của dòng tộc lại ủy thác cho thầy chùa ???
Chỉ lạm bàn về lễ lạt đã thấy không ổn. Nếu đã mời thầy chùa, cỗ bàn tất yếu phải chay. Nếu không phải cỗ chay mà thầy vẫn đến thì sư ấy chẳng phải sư; Còn nếu cỗ chay thì xem ra hiếu để là cho nhà Phật, chẳng phải để dành cho gia tiên, bởi gia tiên nhà mình xưa kia có chay tịnh gì đâu?
Tôi chỉ có thể nói được thế, chứ không nói được đúng hay sai.
|
|
|
|
hoàng ngọc bình |
kinh thưa bác toi đã đọc nhiều tài liệu về phong tục thờ cúng, nhưng khi đọc đến bài viết của bác tôi rất tâm đắc, đọc đi đọc lại rất kỹ các bài viết của bác tôi phấn khởi, xin cam ơn nhưng chưa hiểu lăm về các vị trí cụ thể đặt bát hương xin bác in cho một hình ảnh mậu về bàn thờ và các vị trí bát hương. xin đa tạ
Phlanhoa phản hồi
Tại phần trả lời ý kiến bạn đọc ở bài này, tôi đã có đưa hinh ảnh tượng trưng. |
|
|
|
ngô phúc hòa |
Em muốn nhờ cô hỗ trợ em về việc: Trong bài cúng họ của em thứ tự xưng các bậc từ thủy tổ khảo rồi xuống bặc dưới chưa được thống nhất và có thể nói là chưa đúng. Nhà thờ em đến bây gời đã 12 đời . Vậy nhờ cô cho em biết từ thủy thổ khảo xưng trở xuống như thế nào cho đúng cảm ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Thứ tự như sau:
1 - Thủy tổ khảo / tỉ
2- Các chư vị tiên tổ (khảo / tỉ) - Từ đời thứ hai (con trai của thủy tổ) đến đời cao cao tổ (bố của cao tổ) gọi là tiên tổ
3 - Cao tổ (khảo / tỉ)
4 - Tằng tổ (khảo / tỉ)
5 - Tổ (khảo / tỉ)
6 - Khảo / tỉ
7 - Tiên cô, Tiên mãnh
Ghi chú: Thủy tổ là vị khai sinh ra dòng họ. Có nhiều chi họ tuy ở Hà Tĩnh nhưng thủy tổ có thể ở đâu đó phía Bắc. Nên phải xác minh đúng, nếu chỉ là nhà thờ chi họ, thì vị thứ nhất vẫn thuộc hàng tiên tổ.
Khi đọc sớ vẫn phải khấn thủy tổ, tiếp đến là vị trưởng chi họ (đời thứ nhất của chi nhánh của bạn). Ví dụ:
Kính lạy: chư linh Ngô Phúc thủy tổ
Kính lạy: chư tiên Ngô Phúc..... Trưởng chi đời thứ nhất chi họ Ngô Phúc tại Thạch Hà, Hà Tĩnh
Kính lạy các chư vị tiên tổ chi họ Ngô Phúc tại...
Kính lại các chư vị cao, tằng, tổ..... chi họ Ngô Phúc tại....
Kính lạy các tiên cô, tiên mãnh chi họ Ngô Phúc tại...
Bạn đọc thêm ở nội dung các bài khấn.
|
|
|
|
hoàng Hữu Diễn |
Kính gửi Cô Phlanhoa
Từ lâu tôi rất muốn tìm hiểu về việc tại nhà thờ chi họ thờ những ai , cách thờ tự như thế nào ? Tôi đã tìm đọc nhiều cuốn sách về thờ cúng nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng . Rất vui mừng khi bắt gặp những chỉ dẫn trong các bài viết của cô :rõ ràng , cụ thể , dễ hiểu .Xin chân thành cảm ơn Cô . Tuy nhiên mỗi dòng họ thờ tự lại có những đặc diểm riêng . Bởi vậy tôi muốn xi cô chỉ dẫn thêm . Chi họ tôi có nhà thờ đến nay đã 12 đời , trong đó có 8 đời đã được thờ cúng trong nhà thờ . Vậy :
- Từ đời thân sinh cao cao Tổ khảo trở lên có chuyển về thờ ở nhà thờ đại tôn hay không ?
- Các cụ được thờ trong nhà thờ chi họ sẽ được tính từ Cao tổ khảo ( tính theo các tiểu chi ) vì con trưởng chỉ thờ 3 đời có đúng không ?
Trân trọng
Phlanhoa hồi đáp:
Theo lý lẽ thì Cao cao tổ cần phải được đưa về nhà thờ chính của dòng họ, bởi linh hồn đã siêu thoát. Tuy nhiên cũng như trên dương trần, phong tục quy định con trưởng phải tòng cha (phụng dưỡng), nhưng nhiều cụ vẫn do con giữa, con út tòng đó thôi. Thậm chí cao cao tổ dù đã được thờ ở nhà thờ tộc rồi, thì ở nhà thờ chi họ nếu muốn thờ nữa vẫn không sao. Người dương trần có quyền có vài ngôi nhà để cư ngụ, thì địa phủ cũng có quyền đó, các bậc chư tiên có thể cư ngụ nghỉ ngơi nơi nào hậu duệ có tấm lòng dành cho mình.
Nếu muốn thờ cả hai nơi, thì mua thêm một bát hương mới (thủ tục vẫn như tôi đã hướng dẫn ở bài "thờ cúng trong nhà như thế nào cho đúng". Sau đó xin một ít cốt tro tầng giữa bát hương cũ và 3 cội hương cắm sang, làm lễ cẩn cáo và rước bát hương cũ về nhà tờ dòng tộc, để bát hương mới lên vị trí cũ của cao cao tổ trong nhà thờ chi họ. Nhắc lại là rước bát hương cũ về nhà thờ chính nhé. bởi từ khi làm lễ, linh hồn cao cao tổ sẽ coi nhà thờ tộc là chính
Song theo tôi, bậc chư tiên nào đã đủ tư cách về nhà thờ chính thì nên rước về cho được quy tụ nguyên khí dòng tộc, điều này quan trọng. Chi họ ta có thể tham khảo thêm ở bài "Linh hồn" tôi đã trình bày khá kỹ để bà con có thể ứng xử tốt hơn với linh hồn gia tiên.
Kính chúc chi họ ta sáng suốt và nhiều phúc đức. |
|
|
|
Nguyễn Nhật Trường Duy |
CÔ ƠI, NẾU EM CHỈ THỜ PHỤNG ÔNG BÀ NGOẠI, MẸ VÀ ÔNG ANH MẤT TỪ HỒI NHỎ LÚC BA TUỔI, THÌ EM GHI HIỆU BỎ BÁT HƯƠNG ĐỂ THỜ CÚNG NHƯ BÊN DƯỚI THÌ CÓ ĐÚNG KHÔNG CÔ!!!!? "Nhất thế Thủy Tổ khảo Nguyễn mạnh công tự Văn Út thụy chất trực phủ quân. Nhất thế Thủy Tổ tỷ y phu chức Nguyễn mạnh công chính thất Nguyễn Thị Hai từ thuận nhũ nhân. Nhất thế Tiên Đại Tổ tỷ y phu chức Tiền hương thượng kỳ lão Nguyễn Thị Thu nhũ nhân, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1938, mất ngày 19 tháng 5 năm 2011 (tức ngày 17 tháng 4 năm Tân Mão)- Trọng công Mai Sĩ Luynh Thiên, sinh năm 1968, mất năm 1971 thần vị. Cùng toàn thể các liệt vị Tổ phúc, Tổ kỳ, bất kỳ danh hiệu mà hậu duệ sơ sót chưa có cơ hội nhận biết dung nhan, chưa cạp nhật đầy đủ húy danh, cúi xin bỏ quá lỗi lầm, theo thứ tự ngội vị tọa bàn, mời tất cả về đây sum vầy hưởng thụ."
Phlanhoa phản hồi
Ông ngoại thì đề là Ngoại tổ khảo Nguyễn (mạnh công nếu là cụ là con trưởng, con giữa thì ghi là trọng công, con út thì ghi là quý công)...
Bà ngoại thì đề là Ngoại tổ tỷ ...
Thủy tổ là người lập nên dòng họ em à. Bởi thế tôi mới bảo em đọc cho hết các bài ở mục "Việt Thường phong tục", bởi trong chùm bài đó có bài trả lời bạn đọc về cách xưng hô gia tiên theo Hán Việt. Đọc rồi Em sẽ biết Thủy tổ của mình là ai. |
|
|
|
Phan Văn Ạnh |
Kính gửi chị phlanhoa! Tôi rất mừng khi tìm được trang web của chị. Bản thân nhà thờ họ tôi tôi cũng thấy nhiều khiếm khuyết nên từ lâu đã chịu khó để ý tìm hiểu cách bài trí nhà thờ họ khu vực quê mình tham khảo. Tiếc là hậu thế không để ý nên đến nay hầu như các nguyên tắc thờ cúng bị mai một dần đi. Nhà thờ có sẵn thì cứ thế thắp hương mà có khi không biết mình đang thờ những ai, ban bệ gì; bài trí, lễ lạt thế có đúng không (tôi thấy không hiếm nhà thờ bài trí vô lý nhưng các cụ cao niên nên vẫn bảo đời trước sắp xếp thế nào cứ thế mà giữ, đúng sai không cần biết). Còn nhà thờ xây mới thì mỗi nơi một kiểu, có khi lai tạp linh tinh. Nay đọc được trang web của chị tôi rất tâm đắc và mong rằng mọi người, đặc biệt quê Nghệ Tĩnh mình thống nhất mà sắp xếp lại nhà thờ họ, ban thờ cho quy cũ, tránh lộn xộn như bây giờ. Trong bài viết này của chị có một số điều tôi chưa rõ xin dành thời gian chỉ giáo thêm cho: - Linh điện đặt bên trái Từ đường và cao hơn Thượng điện một chút: Cao hơn ở đây được hiểu là ban thờ trong Linh điện có cao độ cao hơn ban thờ đặt trong Thượng điện hay Linh điện phải đặt lùi ra phía sau so với Thượng điện? - Trong phần Bày trí mâm cỗ chị hướng dẫn bố trí 3 cái bàn cao thấp tương ứng Hạ, Trung, Thượng điện phía trước điện thờ. Như vậy là ta bày 3 bàn đó phía trước sân Từ đường để hành lễ Tế Tổ. Trong trường hợp mưa gió hay nắng gắt có thể bố trí trong Hạ điện không? - Điều này nữa tôi thấy cũng nhiều người thắc mắc nhưng cũng chưa thấu lý. Hiện nay đa số các nhà thờ đều có quy mô nhỏ nên chủ yếu chỉ có 3 gian thay vì 3 toà Thượng - Trung - Hạ. Cách bài trí có điểm chung là ban giữa thờ cộng đồng gia tiên (từ tiên tổ cho đến thuỷ tổ). Bên phải thờ Tổ cô ông Mãnh. Khác biệt chủ yếu là nội dung thờ cúng ban bên trái, rất lung tung, mỗi nơi 1 kiểu. Nơi thì thờ chi Giáp (là thờ các ông tộc trưởng gần nhất). Nơi thì thờ đại diện các chi. Nơi thì thờ thần linh, thậm chí là liệt sĩ chết trẻ... Như chị hướng dẫn ban thờ bày hàng ngang thì tính từ bên trái sang tương ứng Hạ - Trung - Thượng điện. Và như thế ban thờ sẽ cao dần từ trái sang phải. Thờ thần linh và tổ cô, bà cô ông mãnh đưa ra ngoài tôi thấy là đúng. Nhưng nếu bài trí theo hàng ngang này như thế này tôi cũng chưa gặp bao giờ. Có cảm giác rằng Tiên Tổ đựơc ngự ở nơi trang trọng hơn thuỷ tổ (đặc biệt những nhờ thờ làm theo kểu 1 gian 2 chái, giờ sắp xếp lại như cách này e rằng áy náy) Nếu có thể chị giải thích giùm thêm. Rất mong được chỉ giáo! Đa tạ!
Phlanhoa phản hồi:
Kính gửi anh Phan Văn Anh
Họ ta cần phân biệt rõ khái niệm "hương án" và "nhà thờ" anh à.
1. Cao tất nhiên là chiều cao tính từ mặt bàn án lên rồi. Linh điện thờ Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thộ và Định phúc Táo quân, long mạch thổ thần cho nên phải trên cả thuỷ tổ nhà mình là tất yếu. Theo các cụ dặn dò thì phải xin phép thổ công trước khi cúng giỗ, các cụ mới được về hưởng lộc cháu con. Khi xây dựng, nếu là chùa chiền, sẽ xây tách biệt 3 gian thượng-trung-hạ điện theo chiều dọc; Nhưng nhà thờ họ thì có một ngôi nhà lớn gọi là từ đường, trong từ đường có bàn hương án, và bàn hương án thường có tam cấp chính thượng - trung - hạ điện, thờ thủy tổ, tiên tổ và các bậc cao tổ trở xuống như trong bài đã có nói). Thường thì để dọc chứ ít ai để ngang, chỉ trừ trường hợp họ nghèo không đủ chỗ. Thượng điện dù để theo chiều ngang, hay dọc, mặt bàn án đều phải cao hơn trung, hạ điện. Tất nhiên vẫn có thể để thượng điện ở giữa thì án giữa sẽ cao nhất, án bên trái là trung điện cao nhì, án bên phải hạ điện thấp nhất. Thậm chí, tam cấp đôi khi chỉ là 3 cái đế gỗ cao thấp khác nhau trên một bàn hương án. Tuy nhiên, sắp xếp thế nào cũng phải tính toán để khi thắp hương, đặt lễ phải dễ dàng thuận lợi, không phải leo trèo, trằn người với qua với lại trên án thờ. Nếu không tính toán tới việc này, bàn thờ quá to ngang nậy dọc, dù là đặt đồ lễ mà cứ bò ngang với dọc e là còn phạm huý hơn? Như vậy tam cấp hương án là bàn thờ chính, còn hai cấp khác là thần linh (linh điện) và cô hồn (vong điện). Hai cấp này sở dĩ phải thờ riêng, tách biệt với tam cấp hương án chính vì lý do:
- Thần linh chỉ cúng cỗ chay (hương, đèn, hoa, quả, nước lã); Gia tiên phải cúng cỗ mặn.
- Về ngôi thứ, thần linh là bậc phi phàm; Gia tiên là bậc cao quý; Trong khi đó cô hồn là những thành phần không danh tính rõ ràng mà họ tộc phải cưu mang, là bậc bề dưới không thể ngồi ngang vai phải lứa với các cụ bề trên.
2. Như vậy, họ ta phải hiểu, khi xây dựng từ đường, phía trước hạ điện phải có một khoảng trống đủ để bày cỗ và con cháu đứng làm lễ. (tương tự như gian bảy của gia đình, nhưng lớn hơn). Tất nhiên nếu họ ta có điều kiện có thể xây riêng gian thờ thần linh và am thờ cô hồn trong họ, miễn là khi bốc bát hương phải phân minh rõ ràng và đặc biệt vị trí cao thấp ngôi thứ phải rõ ràng. Chú ý ngôi thứ trên bàn thờ rất quan trọng. Theo các cụ xưa dạy lại thì âm có trật tự thì dương mới ngoan đạo, người trẻ tôn kính người già, người bé vâng lời người lớn...
3. Cúng giỗ tổ không được phép bày ngoài hiên, ngoài trời, nhất thiết phải bày trong nhà. chỉ có cúng sao và cô hồn mới bày lễ ngoài trời.
Mọi thủ tục khác đã có trong bài viết. Chúc anh và họ ta thông suốt.

Đây là hình ảnh tam cấp án thờ theo chiều dọc của một nhà thờ họ

Đây là kiểu tam cấp thượng điện ở giữa (Tôi cho rằng mô hình này ổn nhất)

Còn đây, tam cấp đơn giản chỉ là 3 cái đế gỗ cao thấp khác nhau trên một hương án dùng để đặt bát hương |
|
|
|
Trần Văn Toàn |
Tôi vẫn chưa hiểu hết về số bát hương và tên từng bát hương trong nhà thờ họ. Kính mong tác giả bớt chút thời gian giải thích cho Tôi: - Theo Tôi hiểu từ đường thường gồm 3 ban: Trái, giữa và phải. Ở giữa lại bố trí 3 bát hương, 2 bên trái, phải mỗi bên bố trí 1 bát hương. Và vì thế: Ở ban trái bố trí bài vị và bát hương tổ cô ông Mãnh (Theo bài viết thì không có mà tổ cô ông mãnh nhà ai thờ nhà nấy). Ban giữa thì trong cùng sẽ là bát hương và bài vị của Thủy tổ, ở giữa là tiên tổ và ngoài cùng là cao tổ. Còn ban bên phải thì bố trí bát hương thần linh. Như thế có được không a? Tôi không hiểu vì Từ đường thì có 3 ban mà theo bài viết thì chỉ mới có bên trái là Thần linh và chính giữa chứ chưa có bên phải. Và nếu không chính xác được danh tính Thủy tổ, tiên tổ, cao tổ ...thì có thể dùng danh từ chung: Trần văn thủy tổ linh vị/TRần văn tiên tổ linh vị/Trần văn cao tổ linh vị được không ạ. Rất mong tác giả chỉ giáo sớm hộ tôi vì tôi sắp sửa bốc lại bát hương mà lúng túng quá a. Trân trọng cảm ơn tác giả.
Phlanhoa phản hồi:
Kính gửi ông Trần Văn Toàn
Để hiểu hết, ông nên đọc kỹ không bỏ sót chữ nào hết loạt bài trong mục "Phong tục tập quán" của Phlanhoa, ngoài ra phần trả lời bạn đọc bên dưới bài viết nữa. đọc hết thì tự khắc hiểu hết, từ việc soạn bát hương cho tới phương pháp an vị, bố trí quang cảnh từ đường, bà cô ông mãnh vv... đều đã có đủ như ông hỏi.
Kính chúc ông và gia đình mọi điều phúc lành
|
|
|
|
ngh |
Dòng họ tôi có ngôi nhà thờ chi có thờ 3 căn. trong chi có 3 đầu, nhưng 1 đầu ông nội đã chết, cha chết. vậy người cháu của đầu đó có tham gia vào lễ cúng bái với 2 ông ngang bậc ông nội của người cháu này có được không.
Phlanhoa hồi đáp
Vai vế trong các chi không phân biệt tuổi tác. Nhiều vị mới hăm mấy đã đứng vai tộc trưởng, các bậc bô lão trong họ vẫn phải trọng vọng đấy. Phong tục tập quán quy định vậy rồi, các cụ không nên tự ái, mà nên nghĩ đến thành tâm thờ phụng... |
|
|
|
Lê Đức Tùng |
Tôi ở Nghệ An, có cụ ông ( Ông nội của cha) đã mất lâu nhưng không có ảnh thờ do hoàn cảnh gia đình hồi đó. Tôi ấp ủ làm một cái bài vị để thờ cũng cụ ông mình cho phải lễ nghĩa. Nhưng tìm hiểu mãi vẫn chưa biết cách viết trên bài vị thế nào cho đúng, sợ sai phía dưới âm lại quở trách. Cha tôi vẫn còn sống. Ông nội tôi cũng đã mất. Trong gia đình tôi hiện tại đã có Tứ đại đồng đường ( Em trai tôi đã có vợ và con gái ). Vậy tôi muốn hỏi quý anh/ bác về cách viết trên bài vị với ạ. Tôi muốn viết bằng chữ tiếng Việt cho dễ hiểu có được không? Cách trình bày thế nào cho đúng ạ? Hiện tại bàn thờ gia đình tôi thờ từ Tằng tổ khảo trở xuống - Cha tôi và tôi đều là con trưởng trong gia đình. Tôi đã thoát ly nhưng cha tôi già yếu với lại ở quê nên ít tìm hiểu vấn đề này. Phận tôi làm con cháu về nhìn lên bàn thờ trống mất ảnh cố ông nên thấy vô cùng áy náy. Tôi rất thành tâm, vì vậy kính mong được sự góp ý chân thành từ các bác, các anh ạ. Vô cùng cảm ơn. Mọi sự hồi đáp xin vui lòng liên hệ với tôi vào địa chỉ email:... Kính chúc các anh, các bác sức khỏe, hạnh phúc
Phlanhoa hồi đáp:
Gửi bạn Lê Đức Tùng và các bạn đọc khác
Phlanhoa cáo lỗi, không có nhiều thời gian để trả lời riêng tư cho từng người. Chi tiết bạn hỏi đã có tại trang vidamdodua.com, bạn đúp vào đây để xem nội dung.
|
|
|
|
bạch ngọc Lan 60t |
TRƯỚC TIÊN XIN CẢM ƠN pHLANHOA đã hồi âm. tôi thật sự cảm động khi thấy hôi âm. vì tôi tìm hiểu rất lâu rồi mà không cắt nghĩa rõ ràng được.nhà thờ chi họ chúng tôi chỉ thờ từ Tằng tổ (cụ) trở xuống thôicòn kị trở lên đã có chi trưởng thờ rôi. làm ơn cho biêt muốn thờ cả Bố mẹ tôi thì tôn bát hwơng như thế nào cho hợp lý. và anh tôi không phải là trưởng nhưng đã thay chi trưởng đã có chắt rồi nếu khi lâm chung có được thờ tại nhà thờ này không. xin cảm ơn nhiều nhé
Phlanhoa hồi đáp:
Thưa bác Bạch Ngọc Lan
Cách đưa bát hương vào nhà thờ Phlanhoa đã nói rõ ràng trong bài viết, để hiểu rõ hơn Bác và gia đình nên chịu khó đọc kỹ hết các bài viết trong mục "Phong tục tập quán", Phlanhoa thực sự không có nhiều thời gian cho lắm, nên vấn đề nói rồi xin không nói lại, mong Bác thông cảm.
Người không đưa vào nhà thờ họ được chỉ có con gái đã đi lấy chồng, sẽ được thờ theo họ nhà chồng, còn lại con trai, con dâu trong họ nhà mình, khi quy tiên, hết khó đều có thể đưa vào nhà thờ khi gia đình có nguyện vọng, với điều kiện ngôi vị trên từ đường phải phân minh rõ ràng (như trong bài viết nêu rõ).
|
|
|
|
bạch ngọc Lan 60t |
Lâu nay tại nhà riêng của anh trai tôi thơ bao gồm Tằng tổ (cụ).Tổ khảo (ông), Khảo (Cha mẹ tôi). Hiện nay làm nhà thờ riêng chúng tôi rước toàn bộ các vị thờ lâu nay về nhà thờ mới. Bố tôi không phải tộc trưởng nhưng các bác đều mất hết tự lâu. Riêng có một bác đi thái lan từ 1945 .cách đây 5 năm thì một số cháu có về tìm họ. Nhưng việc thờ cúng họ thì chúng tôi vẫn duy trì chủ động như lâu nay bố tôi để lại. Các cháu chỉ về thắp hương thôi. Hiện nay chúng tôi có cúng giỗ bố mẹ tôi tại nhà thờ được không? vì từ khi bố tôi đang sống thì mọi việc cúng bái họ chi của chúng tôi vẫn diễn ra tại nhà anh trai tôi. Nếu bố mẹ tôi không thờ được tại nhà thờ thì nhà thờ được những vị nào? vì trên (cụ) chúng tôi đã có chi trên thờ rồi. Làm ơn cho biết thông tin trên.Xin chân thành cảm ơn
Phlanhoa hồi đáp
Thưa bác Bạch Ngọc Lan
Bác nói không rõ đây là Tộc họ, hay chi họ. Chức năng cáng đáng của Cụ nhà ta là thay thế tộc trưởng, hay chi tộc trưởng?
Tuy vậy, Phlanhoa cũng có thể trả lời chung các vấn đề như sau:
Ngoài quyền tộc trưởng, thì còn có quyền huynh thế phụ. Việc người em thay anh chăm non nhà thờ cũng là phải đạo (với điều kiện con trai/cháu trai Cao tổ khảo đồng ý gửi gắm cho chú thay quyền huynh thế phụ).
+ Trong một họ tộc: thủy tổ thì chỉ có một vị, nhưng tiên tổ đổ xuống thì gồm nhiều vị;
+ Trong một chi tộc cũng vậy, cao tổ thì một vị, nhưng tằng tổ thì gồm tất cả các vị con trai của cao tổ, nghĩa là gồm nhiều vị sau:
- Tằng tổ khảo (con trường của cao tổ),
- Tằng tổ bá (anh trai không có con trai thừa tự)
- Tằng tổ thúc (em trai tằng tổ khảo, người có lập gia đình).
Trật tự thờ cúng trong từ đường chi tộc được bài trí theo cấp bậc:
1. Cao tổ
2. Các vị Tằng tổ (gồm cả cụ ông và cụ bà)
3. Các vị Tổ (nếu không còn ai hương khói cũng được đem về thờ ở đây)
4. Các vị khảo (không còn người hương khói, hoặc còn có người hương khói, nhưng con cháu vẫn muốn rước sang cho đoàn kết cõi âm)
5. Các vị bà cô, ông mãnh
+ Nhà thờ tộc, hay nhà thờ chi tộc còn có nghĩa vụ thờ cúng tất cả những linh hồn không nơi nương tựa, không còn con cháu chăm nom hương khói.
Như vậy, việc thờ phụng các cụ thân sinh của Bác trong nhà thờ là đương nhiên không có gì phải lăn tăn.
Chúc bác mạnh khỏe và nhiều phúc đức.
|
|
|
|
trần trọng tăng |
Tôi có một chị gái họ đi lấy chồng và sinh được một cháu gái được 2 năm thì chồng chị tôi chết chị tôi bỏ về quê ngoại sinh sống và nuôi con, hiện nay chị tôi đã chết và cháu tôi đã lấy chồng bây giờ cháu tôi muốn hiến đất của mẹ cháu để lại cho chi họ tôi làm từ đường chi, tôi xin hỏi chị họ tôi có được thờ trong từ đường chi họ không - xin chân thành cám ơn...
Phlanhoa hồi đáp:
Có vài điều thuộc về lễ giáo để anh suy nghĩ:
- Nhà thờ Chi họ chỉ thờ Cao Tổ (kị) và Tằng Tổ (cụ). Tổ (ông), khảo (cha) nhà nào thờ nhà ấy. chỉ khi trong nhà có chắt, thì Tổ được lên ngôi Tằng tổ, khi ấy mới rước về nhà thờ chi họ.
- "Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Người đàn bà khi lấy chồng thì phải theo chồng, khi chồng chết thì theo con. Còn gái của chị họ anh còn sống sẽ là người thờ phụng bà ấy, chứ không phải chi họ. Dù con gái đi lấy chồng, mà con độc đinh thì vẫn phải "quyền huynh thế phụ" như con trai, chịu trách nhiệm phụng dưỡng khi sống, thờ phụng khi chết.
Nếu muốn ơn nghĩa với người có công, trong trường hợp của anh nên xây dựng một miếu nhỏ riêng bên ngoài nhà thờ chi họ để hương khói cho bà ấy. |
|
|
|
Nguyễn Đình Hòa |
Kính gửi BBT: Tôi lại nhận được thêm ý kiến tư vấn của BBT.Tôi rất xúc động và cảm ơn.Tuy nhiên tôi muốn biết được địa chỉ của BBT hiện nay đặt ở đâu kể cả số điện thoại để tôi muốn hỏi thêm nhiều vấn đề liên quan đến việc thờ tự trong dòng họ? sau đây tôi muốn hỏi thêm BBT 1 nội dung nữa,mong BBT quan tâm giúp đỡ ạ. sẮP tới dòng họ tôi định tôn tạo từ đường dòng họ.Tuy nhiên khuôn viên nhà thờ hiện nay hẹp,đường vào nhà thờ phải đi bên nách.Hiện tại có một mảnh đất nằm phía trước liền kề và vuống vắn với nhà thờ họ ở phía trước nhưng là của ông con vị Tộc trưởng đã qua đời nhưng họ không có con trai.Nay các cô con gái đã lấy chồng hết rồi.Vừa qua hội đồng dòng tộc muốn bàn với các cô con gái con ông đó để xin 1 cái đường để đi và chính cổng nhà thờ về phía chính diện nhà thờ(ý định cổng mở giữa nhìn thẳng vào chính diện từ đường - không để đi bên nách như hiện nay).sau khi bàn bạc thì các cô con gái vị tộc trưởng đã nhất trí hiến toàn bộ mảnh đất đó cho nhà thờ họ nhưng họ muốn xây 1 cái nhà thờ nhỏ(cũng nằm trong khuôn viên nhà thờ dòng họ nhưng nằm ở phần đất phía trước thuộc phần đất vị tộc trưởng để các cô con gái và con cháu họ tiện khi về thắp cho cha ông cây hương và có đ/k thì thờ cúng).Nếu làm như vậy thì có ảnh hưởng gì đến từ đường dòng họ không ạ ? Hiện nay vẩn có nhiều người trong dòng họ băn khoăn và mong BBT tư vấn giúp cho ạ Quả là hơi làm phiền BBT .Mong được thông cảm và quan tâm ạ. Kính !
Phlanhoa hồi đáp
Bạn Nguyễn Đình Hòa thân mến
Đây là website cá nhân của Phlanhoa, nên chỉ có cá nhân Phlanhoa viết bài, đăng bài, không có BBT. Do đó Phlanhoa sẽ không có nhiều thời gian để trả lời nếu như bạn hỏi quá dài và quá nhiều thứ.
Phlanhoa hiện nay là công chức nhà nước, ngày 8h vàng ngọc không vi phạm. Tối về cũng mất dễ đến ba bốn tiếng nội trợ (phụ nữ mà). Cho nên thời gian hiếm hoi còn lại trong ngày là nửa khuya, dành cho quê hương. Vậy để bạn biết Phlanhoa là người bận rộn, xin thông cảm. Sau phần trả lời này, Phlanhoa xin tạm dừng trả lời đối với các câu hỏi của bạn.
Hai nữa trang web này là VĂN HOÁ ẨM THỰC NGHỆ AN - HÀ TĨNH. Các bài viết về phong tục tập quán chỉ nhằm mục đích giới thiệu tập tục cúng bái cỗ bàn, phụ đề cho nội dung chính là "ẨM THỰC NGHỆ - TĨNH".
Trả lời vào vấn đề chính bạn hỏi: Mở rộng khuôn viên nhà thờ là điều tốt đẹp không có gì đáng lo ngại. Nhà thờ vẫn toạ lạc trên nền cũ đúng không? Các yếu tố cần xem xét sau đây:
Nền đất cũ vốn là nơi sinh hoạt gia đình, theo quan niệm duy tâm thì có chút ô uế phàm tục. Để cải thiện vấn đề này cũng đơn giản. Cho bóc lớp đất trên bề mặt tại khuôn viên dựng nhà của gia đình này, đặc biệt là khu chuồng heo, gà, nhà xí vv... đào sâu xuống chừng khi chạm phải nước rỉ, để vào đó một viên gạch vẽ hình đồ ngũ sắc (vàng, xanh, đỏ, đen, trắng) rồi phủ thay bằng một lớp đất mới sạch sẽ lên cho đầy. Bày hương án, lập thủ tục hợp đồng mua bán (dâng hiến), hai bên cùng ký kết, cẩn cáo với Tổ tiên, sao hợp đồng thêm một bản đốt theo sớ cúng, bản gốc do tộctrưởng giữ dể làm chứng lý pháp luật. Vị chi đất đai đó từ đây là của chung họ mạc.
Chúc bạn sáng suốt. |
|
|
|
Nguyễn Đình Hòa |
Kính gửi bác Planhoa.
Tôi đã nhận được ý kiến trả thời của BBT,tôi rất cảm ơn vì mình lại có thêm 1 kiến thức để bổ sung vào việc thờ cúng tổ tiên cho chu đáo. Tuy nhiên tôi xin hỏi thêm 1 việc sau đây: Vốn là nhà thờ họ chúng tôi được xây cách đây vài trăm năm.Phía trước nhà thờ (cách khoảng 2 m) hướng bên phải nhìn từ ngoài vào có 1 bàn thờ giống như bàn thờ Thiên hiện nay mà nhiều nhà đã làm.Rất khó xác định là các cụ trước đây xây để làm gì:để thờ Thiên hay thờ "bà cô" ? cho đến nay con cháu trong họ chưa ai biết được.Những người cao niên hiện nay cũng chỉ còn vài người nhưng họ cũng không rõ nên không giám khẳng định.Việc này rất khó khăn trong khi bày lễ và tế lễ. Vậy xin BBT tư vấn giúp cho chúng tôi biết cái bàn thờ nhỏ đó mục đích là để thờ ai?để con cháu dòng họ tôi biết được để khi tế lễ cho đúng ạ. Kính mong sự quan tâm giúp đỡ Xin trân trọng cảm ơn và kính chào tạm biệt
Phlanhoa hoa hồi đáp
Tôi nghĩ có lẽ đó là bàn thờ vong. Cũng là một dạng thờ bà cô ông mãnh, và những cô hồn không nơi nương tựa của dòng họ. Theo quan niệm duy tâm của các cụ ta xưa thì những bà cô, ông mãnh đã có khai sinh cũng có thể thờ trong nhà với điều kiện phải lập một bát hương riêng, đôi khi các cụ phân biệt chỉ để bát hương này bên dưới gầm bàn thờ chính.
Nhưng những bào thai bị sa sảy từ khi chưa chào đời thì vì do chưa khai sinh tên tuổi, nên chưa được gia nhập họ mạc. Đa số các gia đình thì không thờ vong, nhưng một số nhà duy tâm thì họ lập một cái ang nho nhỏ ngoài sân, hoặc bên chái nhà để thờ. Thờ vong thì có đủ hương đăng hoa qua, vàng tiền, xôi, chè, cháo, gạo, muối như tôi nói ở phần linh điện. tuy nhiên có thể vị trí phải trái đã bị các cụ xác định sai (ở quê mình rất nhiều trường hợp xác định sai vị trí trái phải. Đáng lẽ phải theo hướng từ đường tọa lạc nhìn ra của, thì nhiều nhà, nhiều họ tộc lại tính từ hướng nhìn trực diện vào từ đường, thành ra vị trí nam nữ, thánh thần và gia tiên bị đảo lộn)
Còn thờ Thiên Địa, sự thờ này nhân dân ta xưa nay thờ chung trong bát hương ngũ vị tài thần gồm: Hoàng thiên - Hậu Thổ và ba vị Định phúc Táo quân, bát hương này đặt ở vị trí cao nhất trong từ đường như đã hướng dẫn.
Cũng có một số văn miếu, chùa chiền hay các họ tộc lớn, có đàn thờ Thiên, nhưng đàn thờ này chỉ là một cái bàn tròn, hoặc vuông, không có phần miếu bên trên, và chính đặt giữa sân, nơi thoáng đãng, bên trên không được có cây cối rậm rạp che khuất, mặt trời hay trăng sao có thể rọi vào, dùng để tế thần cầu mưa thuận gió hòa, hay giải hạn sao xấu cho cả họ. Ví dụ mùng 4 tết khi xưa nhà nông có tổ chức tế Thần Nông chẳng hạn; hay đầu năm họ tộc trưởng lập đàn làm lễ cầu an cho cả họ... Tế thần, tế Thiên, chỉ có hương, đèn, hoa, quả, nước lã, có thể thêm xôi, chè, một con gà trống luộc nguyên con, hay một cái thủ heo luộc cả cái và sản vật đầu mùa của xứ sở quê hương, mùa nào thức ấy.
Từ ý tứ trên, bạn hãy xem xét thực trạng để xác định. Nếu đó là một cái bàn tròn hoặc vuông, thì xem xét hiệu chỉnh độ cao mặt bàn sao cho phải cao quá só với bậc thềm cao nhất của nhà thờ. Nếu là bàn thờ có miếu bên trên thì chỉ là để thờ bà cô ông mãnh (hay thờ vong), cần phải hiệu chỉnh nó sang bên phải nhà thờ (tức phía trái tính từ trước sân nhìn vào cửa nhà từ đường).
Chúc an lạc.
|
|
|
|
Nguyễn Đình Hòa |
Kính gửi:Ban Biên tập Được đọc các nội dung về Thiết kế cấu trúc thờ phụng trong từ đường dòng họ mà BBT viết liên đây thật là bổ ích.Tuy nhiên tôi cũng đăng băn khoăn và xin được hỏi nội dung sau đây ạ: Nhà thờ họ chúng tôi có 3 chi và mổi chi ý định mua 3 bàn thờ theo 3 câp (bằng gỗ) thì việc bài trí theo câp bậc để lập bát hương theo thứ tứ : -Thần chủ và bát hương thờ thần linh -Thần chủ và bát hương thờ Thủy tổ -Thần chủ và bát hương thờ Tiên tổ -Thần chủ và bát hương thờ các vị Cao tổ (không có con cháu thờ tự ...) -Bát hương cô hồn Theo như BBT viết thì thật là khó. Sang năm họ định Tôn tạo lại nhà thờ Vậy kính nhờ BBT tư vấn hộ cho ạ. Xin cảm ơn và kính chào tạm biệt.
Phlanhoa hồi đáp
Gửi bạn Nguyễn Đình Hòa
Bạn cần lưu ý phân biện nhà thờ họ và nhà thờ chi họ nhé. Trong bài tôi đã nói rõ cấp bậc và nghĩa vụ thờ phụng. Các điềm chính cần lưu ý sau đây:
Trong một dòng họ, chỉ có Tộc trưởng mới có quyền và nghĩa vụ thờ Thủy Tổ, tiên Tổ; các chi trưởng có nghĩa vụ thờ từ Cao tổ đổ xuống.
Trong một từ đường thờ phụng của dòng họ, chỉ có:
- Duy nhất một bát hương và bài vị thờ thần thánh
- Duy nhất một bát hương và bài vị thờ Thủy tổ
- Duy nhất một bát hương và bài vị thờ Tiên tổ
Trường hợp các chi họ không muốn lập trang thờ riêng tại nhà chi trưởng, mà muốn tập trung hết ở từ đường dòng họ cho sung túc cũng tốt, thể hiện sự đoàn kết họ mạc. Trường hợp này, cấu trúc từ đường nên có:
01 ban thờ chính cho thần thánh - thủy tổ - Tiên Tổ
Ba chi tộc sẽ sắm ba ban thờ riêng nhỏ hơn, nhưng chỉ được phép thờ Cao Tổ và Tằng Tổ thôi. Còn Tổ khảo và Khảo theo phép tắc chỉ thờ trong gia đình, chứ chưa đủ tư cách ngự trong từ đường họ mạc.
Bà cô, ông mãnh cũng vậy (những người chết trẻ chưa có gia đình), dù linh thiêng cỡ nào cũng không được phép thờ trong từ đường chính. Bà cô ông mãnh nhà nào thờ tại nhà đấy. Trường hợp bà cô ông mãnh là linh hồn không nơi nương tựa, thì thơ chung tại linh điện như tôi đã có hướng dẫn trong nội dung chính của bài viết.
Lòng trong tâm sáng mọi việc sẽ thông suốt. Chúc mọi sự thành công, Gia tộc thịnh vượng vũng bền.
|
Để gửi ý kiến nhấp vào đây
|
|