 |
Thờ cúng trong nhà như thế nào cho đúng? |
 |
|
|
|
(12h: 06-08-2012) |
Bài và ảnh của Phlanhoa
***
Tôi đã có bài đăng “Phật giáo và Đạo Giáo thuần Việt nên hiểu thế nào cho đúng?” nhằm phân tích rạch ròi các quan niệm duy tâm, giúp cho bà con có thể phân minh rạch ròi về vai trò của Trời đất - Thần – Thánh – Gia tiên. Nay nhân dịp thư nhàn đầu xuân, tôi xin đăng đàn để tiếp tục nội dung. Từ chỗ nhận định được vai trò, vị trí ảnh hưởng của thần thần linh, tôi sẽ giới thiệu với bà con một bài tổng thể về cách tự viết bài vị, tự lập bát hương, ai thì được thờ ai, cấp bậc nào? bài trí và khấn vái như thế nào đối với các gia đình không theo đạo Phật giáo.
Việc khấn vái phải theo trật tự trên dưới rõ ràng. Phật có nguồn gốc từ con người, cho nên dù có phép thần thông quảng đại đi chăng nữa, thì cũng không ngoài vòng cương tỏa của Trời - Đất. Vậy thì khi khấn vái phải lạy Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ trước, Thần, Bụt, Thánh nước Nam. Tham khảo các bài sớ cúng của các dòng họ, tôi đều thấy các cụ xưa nhất loạt theo trật tự: Chư Thiên – Chư Địa – chư Thần – Chư Phật - Chư thánh – Thành hoàng làng – Gia Tiên trong lễ bái gia tiên.
Quay lại vấn đề chính đã nêu ra ở trên, để thờ cúng trong nhà bà con cần chuẩn bị những gì? - Xin thưa chúng ta cần:
1. Rường thờ
2. Hương án
3. Bài vị
4. Bát hương
5. Hoành phi
6. Đối liễn
7. Lễ vật (hương, đăng, hoa, quả, nước)
8. Sớ cúng
Và tôi sẽ giải thích ý nghĩa, phương cách thực hiện từng mục trên như sau:
Nhưng trước tiên tôi phải bàn về phương pháp khử tà khí và quy thần cho các vật dụng thờ cúng:
Bước 1: Trừ tà khí cho đồ vật:
Tất cả những thứ dùng để trên án thờ sau khi mua về thì đem ngâm rửa trong nước muối nồng độ 1 lít nước / 200gr muối. Cứ mỗi giờ thay một lần nước muối. Sau 3 giờ với 3 lần thay, ngâm bằng nước muối thì đem ra rửa sạch nước muối và lau khô. Nước muối có giá trị rất hữu hiệu để tẩy rửa tà khí, năng lượng xấu và những hóa chất độc hại do nhà sản xuất sử dụng trong chế tác.
Bước 2: Nạp thần khí cho đồ vật:
Đem đồ vật đã ngâm nước muối để lên một cài giàn. Giàn vừa đủ độ cao để có thể thắp hương bên dưới. Hương phải được cháy 24 /24 giờ trong suốt 7 ngày đêm. Khói hương phải tỏa được đều khắp đồ vật (có thể dùng hương vòng). Hàng ngày đến giờ Tý, chủ nhân đến chỗ xông hương khấn nguyện như sau:
- Cầu xin năng lượng thực tại tối hậu Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ. Cầu xin năng lượng linh thần Tam tài Định phúc Táo quân ngôi nhà số... Xin được chấp thuận và giúp cho gia chủ thâu nạp linh khí vũ trụ vào vật dụng thờ cúng.
- Cầu xin các chư vị gia tiên chấp thuận đồ vật thờ tự.
Việc xông hương phải được tiến hành 7 ngày đêm liên tục. Đối với án thờ trong ngôi nhà mới xây, tủ thờ mới mua về cũng vậy. Lau sạch sẽ bằng nước muối pha loãng (01 lít nước / 10 gr muối), đợi khô lại lau lại lần khác. Sau 3 lần lau nước muối thì xông hương 7 ngày đêm như trên rồi mới để đồ thờ tự lên làm lễ.
1. Rường thờ: có nơi gọi là giường thờ, gọi là giường thờ vì giường thờ vốn có mành hoặc rèm che, là nơi nghỉ ngơi của linh hồn tiên tổ. Nhưng vì giường là thứ dành cho người phàm tục, sợ phạm húy với tổ tiên, nên nhân dân gọi chệch thành “rường” chỉ khi cần thắp hương mới vén rèm lên. Khi xong rồi thì phải kéo rèm che kín lại không cho khách khứa nhìn thấy hương án, ngoại trừ ba ngày tết.
Phía trước cửa rường thờ, hai bên là hai câu đối, bên trên cùng là hoành phi, bên trong là hương án (bàn thờ), rường thờ được chia làm hai bậc cao thấp, trái phải, bên trái cao hơn một chút thờ ngũ vị tài thần, bên phải thấp hơn một chút thờ gia tiên; Hoặc phía sau cao hơn thờ tài thần, phía trước thấp hơn thờ gia tiên.
2. Hương án(香案) : “Án” là cái bàn, “hương án” là cái bàn để bày lễ vật thắp hương, nhân dân gọi nôm na là bàn thờ. Hiện nay các nhà ít khi có mành che nên có thể nói là không còn rường thờ mà chỉ có bàn thờ (hương án).
3. Bài vị (簰位)
“Bài” là cái thẻ bằng gỗ mỏng hay bằng giấy cứng có viết chữ trên đó. “Vị” là chỗ đứng. “Bài vị” còn được gọi là “Thần chủ”, là một tấm thẻ, trên đó có ghi đầy đủ tên họ người chết, năm sinh, ngày chết, chức tước, quê quán, dùng để tế lễ và thờ phụng.
Cách viết chữ lên bài vị:
- Chức danh của vị gia tiên được thờ phụng, ví dụ: Cao tổ khảo (kị), hoặc Tằng tổ khảo (cụ), Tổ khảo (ông); Hiền khảo (cha)
- Chức tước và công danh (nếu có) của vị gia tiên được thờ phụng;
- Tuổi thọ: nếu từ 60 tuổi đổ lại thì ghi hưởng dương, từ 61 trở lên mới ghi hưởng thọ
- Vai vế trong dòng họ: Con trưởng thì ghi họ rồi thêm “mạnh công”, nếu là con thứ thì ghi họ rồi thêm"trọng công", con út thì thêm “quý công”, sau đó mới tên huý của vị gia tiên.
Ví dụ: Người con trưởng có tên là Trần Văn An, sẽ được đề như sau:
- Hiền khảo / tiền đảng viên ĐCSVN-Đại tá quân đội nhân dân VN – Liệt sĩ chống Mỹ - Huân chương chiến công hạng nhất / hưởng dương ngụ tứ tuần Trần Mạnh Công tự Văn An phủ quân 1915 – 1968);
Xem thêm ở bài: “Cấu trúc thờ cúng trong nhà thờ họ và tổ chức tề lễ ”
4. Bát hương: Phương pháp làm bát hương hiện nay trong nhân dân thường phụ thuộc vào thầy cúng, hoặc thầy chùa. Có người nói sau khi làm bát hương phải được thầy chùa đem “Mật tông kinh” cầu nguyện làm phép mới linh, tôi e là không phải đối với những gia đình không là đệ tử cửa Phật?
Còn thầy cúng thì chẳng ai có thể kiểm nghiệm nổi thần thông quảng đại của thầy ở mức nào, mà chỉ thấy bát hương đắt đỏ thôi rồi, cho nên nhiều gia đình cũng than vãn “tiền mất tật mang”. Bởi vậy tôi mạnh dạn đưa lên đây phương pháp sắm sanh bát hương, ai tin tôi cứ theo mà làm. Thiết nghĩ, đạo nghĩa đã dạy việc thờ cúng phải làm theo tiếng gọi từ lương tâm, linh hồn có thể xâm nhập được vào trong trí não của mình để lắng nghe hư thực, nên có thờ ắt có thiêng mà không nhất thiết phải có “Mật tông kinh”. Chỉ cần ấn định danh phận cho vị gia tiên muốn thờ trong bát hương là đủ, cách làm bát hương như sau:
Chọn mua bát hương: Tuỳ theo khả năng tài chính có thể chọn đồ gốm hoặc đồ đồng. chữ khắc trên bát hương nên chọn chữ “Phước”. Hình con vật nên chọn một cặp rồng - phượng cùng châu vào biểu tượng của thái cực (vòng tròn âm dương). Chọn như vậy thì âm dương mới hài hoà, mới hỗ trợ cho sự sinh tồn vững bền của dòng tộc. Nếu bát hương chưa có biểu tượng âm dương thì vẽ nó lên giấy rồi dán bên dưới bát hương. Bát hương mua về phải rửa sạch bằng nước muối và nạp thần như hai bước hướng dẫn trên rồi mới để cốt hương vào.
Bỏ gì vào trong bát hương?
- Thần sa, chu sa: theo quan niệm của người xưa, thần sa, chu sa có khả năng từ tà khí, nghĩa là bát hương thỉnh cho vị gia tiên nào thì vị gia tiên đó hiển nhiên là chính khí hiển linh, tà khí không vào phá bát hương được. Thần sa, chu sa bà con có thể tìm đến tiệm thuốc đông y để mua, tuy nhiên tuyệt đối không được bỏ nhiều, mỗi bát hương chỉ khoảng 1 – 2gr.
- Tro: Dùng rơm sạch để đốt lấy tro, ở thành phố không có rơm thì mua thật nhiều hương, vàng mã về đốt lấy tro. Để tro thơm lâu, tăng thêm linh ứng, có thể mua thêm trầm hương, đinh hương, hồi hương, quế hương tán nhuyễn trộn vào với tro.
- Một chùm tua rua ngũ sắc nhỏ kết bằng 5 sợi chỉ năm màu (đỏ cam, vàng nâu, trắng, xanh lam, xám đen);
- Một tờ giấy mộc nhuộm đỏ viết nội dung giống như trên bài vị, nếu vị gia tiên được thờ phụng có mộ thì tốt nhất xin một chút đất mộ và rút ba chân hương ở mộ rước về càng linh; Nếu là bát hương chung thì lập danh sách tất cả những người muốn thờ cũng theo nội dung bài vị, hoặc ghi chung “Gia tộc hoặc chi tộc…(họ: Nguyễn Văn, Lê Huy…) bài vị linh thần”, rồi ghi thêm “Phúc lộc thọ toàn”;
- Tiền: Tốt nhất là hai đồng tiền đồng cổ. Nếu không có thì lấy một tờ xanh, một tờ đỏ tiền âm phủ thay thế cũng được.
- Đối với “thất bảo”, tôi chỉ thấy ở miền Nam ảnh hưởng của đạo Cao Đài, còn như Xứ Nghệ An đổ ra thì không có món này.
Gấp bài vị cho vuông vắn lại, rồi dùng một mảnh giấy trang kim (giấy kẽm tráng kim tuyến vàng mục đích là nhỡ có bị cháy cội hương, lớp giấy kẽm sẽ bảo vệ để bài vị không bị cháy lẫn vào cốt tro bên ngoài) gói tất cả các thứ: đất mộ, tiền, chỉ ngũ sắc, giấy bài vị, thần sa, chu sa tán bột mịn để vào, gói tờ giấy trang kim lại cho vuông vắn, để xuống dưới đáy bát hương, sau đó mới đổ tro lên cho đầy. Cắm 3 cội hương rước tứ ngoài mộ về, lau sạch bên ngoài và để trang nghiêm lên hương án, phía trước bài vị.
Chú ý: Bát hương mỗi khi được định vị trên hương án rồi thì kiêng kỵ bị xê dịch vị trí, gia đạo sẽ gặp chuyện chẳng hay. Do đó, nếu cẩn thận thì nên dùng keo hai mặt dính chặt xuống. mỗi năm chỉ được sửa sang bát hương từ sau 23 – 30 tháng chạp mà thôi.
Bát hương thờ ngũ vị tài thần theo phong tục thuần Việt hoàn toàn không giống với Trung Quốc. Ngũ vị tài thần của Việt Nam là Hoàng thiên, Hậu thổ, là vua trời vua đất của nước Việt và ba vị tam tài Đông trù tư mệnh Táo chủ thần quân chủ về cơm no áo ấm, sức khoẻ; Thổ địa long mạch tôn thần chủ về đất đai long mạch và sự tiềm ẩn của cải sinh sôi; Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần chủ về tiền tài, thóc gạo đã thu hoạch, gặt hái về (tôi đã có nói trong bài thờ cúng táo quân).
Đối với bát hương thờ tam tài thần, đứng trong nhà nhìn ra sân, trong khuôn viên đất nhà mình, thì bên trái là Thanh Long (long mạch chủ của khuôn đất). Tốt nhất là đào sâu xuống đến khi đụng phải nước mạch, lấy một chút đất lẫn nước ở đó, cùng với một chút tro giữa lòng bếp hợp lại trộn với thần sa, chu sa rồi cũng gói vào tờ giấy trang kim với tiền âm dương, tua rua ngũ sắc mà để xuống đáy bát hương trước khi đổ tro lên cho đầy. (Trong trường hợp nhà phố mua sẵn không thể đào sâu xuống tới mạch ngầm thì đành tạm chọn khu đất sạch trong khuôn viên, lấy đất dưới vài tấc cũng tạm được, tất nhiên là không tốt bằng đất long mạch).
(Ghi chú: Có bạn đọc hỏi tôi một câu rất thú vị: "Ở thành phố nấu bếp gas không có tro lòng bếp thì làm sao?" Tôi xin đưa ý kiến cải biên như sau: để một cái nồi rang lên bếp, bật bếp lên, thả một ít vàng mã với muối hột vào đốt cháy thành tro, dùng tro đó thay thế).
Lập bát hương cho người mới mất: Thủ tục lập bát hương như đã hướng dẫn trên. Sau đó giờ Tý nửa đêm, đem bát hương ra để trên nóc nhà để gọi nhập hồn. Cách khấn như sau:
- Kính lạy Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ
- Kính lạy Đông trù tư mệnh Táo chủ thần quân, Thổ địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần
- Kính lạy Thành hoàng bản xứ... (tên địa phương cư ngụ)...
-Kính lạy Cao, Tằng, Tổ, khảo... Gia tiên nhà..... (Nguyễn Trọng, Lê Huy....chẳng hạn)...
Cho phép hồn .... về nhập nơi cư ngụ!
Tiếp đến, cầm nắm hương lạy bốn phương tám hương xong thì bắt đầu gọi hồn:
- Hú ba hồn bảy (chín) vía ...(họ tên người chết)... về nơi cư ngụ! (một lần gọi xong thì tách một cây hương huơ một vòng tròn lên trời rồi cắm vào bát hương. Nếu người chết là nam thì gọi 7 lần; nếu người chết là nữ thì gọi 9 lần. Gọi đủ số lần thì đem bát hương để trên vào vị trí bàn thờ lập cho người mới chết phía trước quan tài. Khi đưa tang phải rước di ảnh, bài vị và bát hương đi theo. Sau khi chôn cất thì thắp một nắm hương trên mộ, chờ cho cháy hết, rút ba chân hương cắm vào bát hương và rước cùng với bài vị và di ảnh trờ về lại nhà đặt lên bàn thờ riêng dành cho linh hồn mới mất. Bát hương của người mới chết phải chờ hết khó mới được nhập vào bàn thờ gia tiên.
Thủ tục nhập bát hương của người hết khó vào bàn thờ gia tiên:
Bước 1: Làm lễ cẩn cáo với gia tiên để xin phép
Bước 2: Hoặc là đem nguyên bát hương của người hết khó để lên vị trí được quy định cấp bậc trên bàn thờ gia tiên; hoặc là chỉ rút phần cốt hương và ba cội hương, một chút tro từ bát hương của người mới chết nhập vào bát hương thờ chung của gia tiên. Bát hương cũ đem thả xuống sông, hoặc chôn xuống đất. Coi như hoàn tất thủ tục nhập.
Mỗi nhà chỉ nên có tối đa 3-5 bát hương trên một rường thờ mà thôi: Một bát thờ ngũ vị tài thần để ở vị trí cao nhất (ngũ vị tài thần của người Việt Nam tôi đã nói ở trên); Một bát hương thờ gia tiên, Một bát hương thờ bà cô ông mãnh; gia đình nào mà dân chủ thì lập thêm một bát thờ đàng ngoại, bát hương này để ở vị trí thấp hơn một chút so với bên nội. Tuy nhiên tôi cũng nói rõ, nếu gia đình cư ngụ trên đất hương hoả của nhà nội, thì không thờ ngoại được, mà chỉ có những cặp vợ chồng tự mua đất tạo dựng cơ nghiệp thì mới có thể thờ ngoại.
Thủ tục thay mới bát hương
Nếu sau khi đọc xong bài này, bạn những muốn tự tay làm lại bát hương thờ phụng trong nhà mình, thì thủ tục thay mới như sau:
- Việc lập bát hương thờ phụng phải chọn ngày lành tháng tốt.
- Nếu muốn giữ lại bát hương cũ vì xét thấy còn tốt, thì đổ cốt cũ ra ngoài, đem bát hương ngâm 3 giờ trong nước muối mặn ( 1 lít nước / 2 lạng muối) để khử tà khí. Sau đó vớt lên rửa sạch bằng nước lã, lau khô thì có thể đổ cốt tro mới vào;
- Nếu muốn thay bát hương mới, thì đem chôn bát hương cũ xuống đất vườn, hoặc đem thả xuống sông suối có dòng nước chảy.
Chú ý: hai trường hợp trên đây chỉ dùng cho những gia đình mà chủ nhân tự lập bát hương nhưng chưa có cốt hương cụ thể; hoặc đã nhờ thầy lập bát hương, nhưng thờ phụng không thấy linh nghiệm, không chắc chắn cốt hương thời cái gì?
Riêng trường hợp, nếu là cốt hương là của gia tiên, tức do ông bà cha mẹ mình lập trước đây, thì không được bỏ đi, vì theo thời gian, tàn hương rơi xuống, khói hương ám vào, cũng thành linh thiêng rồi. Trường hợp này, khi thay thế, phải lấy một ít cốt tro và ba chân hương ở bát cũ đem sang bát mới. cốt tro còn lại đổ vào gốc cây trong vườn. Bát cũ đem chôn xuống đất, vườn
5. Hoành phi: là vật trang trí bên ngoài cho thêm phần trang trọng, cho nên có thì đẹp đẽ hơn lên, còn như chưa có điều kiện thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc thờ cúng cả, đối liễn cũng vậy. Hoành phi còn gọi là “biển”, “bức hoành”, vốn là một bức thư họa. thay vì đối liễn được viết dọc, thì hoành phi được viết ngang, dạng như một câu khẩu hiệu ngắn khoảng 3 – 5 chữ treo ở phòng khách, nhà thờ…Thông thường hoành phi trang trí ngang bên trên, còn hai câu đối được treo dựng hai bên, ví dụ bức hoành phi dưới đây được treo ở bàn thờ gia tiên, hoặc ở nhà thờ tổ:
光留德
Đức lưu quang
(Đức độ tỏa sáng)
6. Đối liễn: Hay còn gọi là câu “đối liên” là những câu chữ Hán hay chữ Nôm, có nơi dùng chữ quốc ngữ viết từng cặp dọc đi đôi, và ý nghĩa cũng đi đôi, thể hiện trên chất liệu vải, gỗ, hoặc giấy, ví dụ như một số câu đối sau đây:
Mộc xuất thiên chi do hữu bản
Thủy lưu vạn phái tổ tùng nguyên
(Cây chung ngàn nhánh sinh từ gốc
Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn)
Hoặc là:
Nhật nguyệt quang chiếu thập phương
Tổ tông lưu thùy vạn tuế
(Vầng nhật nguyệt mười phương rạng rỡ
Đức Tổ Tông muôn thuở sáng ngời)
Ái Quốc mạc vọng Tổ
Nhân dân tiên mục thân
(Yêu nước chớ nên quên Tổ tiên
Thương dân trước phải hòa thân thích)
7. Lễ vật:
- Thứ bắt buộc phải có khi thắp hương : Hương – đăng (đèn) – hoa – ngũ quả - nước lã (5 chén + một bình) - gạo - muối - trầu cau
- Vàng tiền thì cúng đốt vào các dịp trọng đại như tết, giỗ, ngoài ra thì rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười. Khi cúng tiền vàng, phải ghi rõ tên của vị gia tiên được hưởng lộc trước khi hoá vàng.
- Đối với cỗ mặn, to nhỏ tuỳ tâm và tuỳ khả năng tài chính của gia chủ, nhưng chỉ nên bày lên mâm, đặt lên một cái bàn riêng rẽ để phía trước bàn thờ với đầy đủ bát, đũa, thìa, muỗng, chén uống rượu như thể dọn mâm tiệc đãi khách. Chờ cho cháy hết 2/3 chân hương thì con cháu được phép phá cỗ.
8. Sớ cúng: Tôi có xem dăm ba cái sớ cúng của các dòng họ ở Nghệ Tĩnh, Tất cả đều một phom mẫu như nhau nội dung thế này:
Sớ Khấn lạy Trời Phật Thần Thánh
(mẫu)
Cung duy!
Việt Nam Cộng Sản Hoàng Triều
… tỉnh, … huyện, … xã / làng (phường / phố),…(số nhà)…cư gia (nếu ở Từ đường thì đọc …(họ)…Từ đường gia tộc)
- Kính lạy Việt Nam Hoàng thiên Hậu thổ quang linh (một vái)
- Kính lạy! Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân - Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần - Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần (một vái)
- Kính lạy các Chư vị Việt Thần Tiên anh minh bao lượng
- Kính lạy Thành hoàng bản địa.... (tên địa phương)... công minh chính trực
Tín chủ con là:
…. và gia quyến, cùng nhất tâm cúi lạy Chư Thiên, Chư Địa, Chư Thần, Chư Phật, Chư Thánh;
Cúi lạy Thành hoàng bản thổ đại vương thần thánh gia ân, cho phép gia quyến chúng con được mời Tổ tiên của chúng con về tại địa chỉ: … tỉnh, … huyện, … phố,…(số nhà)…cư gia (nếu ở Từ đường thì đọc Lê / Nguyễn / Trần.... Từ đường gia tộc) để bàn bạc việc gia đình đại sự là … (nói nguyện vọng của tín chủ)...
Lòng thành lễ mọn, hương đăng, hoa quả, trà rượu, thanh tước chi nghi, dâng bày ra trước hương án, kính cẩn lạy dâng, kính cáo chư vị linh thần, cúi mong soi xét cho chúng con được thể theo sở nguyện. Đồng thời cúi xin linh thiêng phù hộ độ trì cho chúng con khởi sự dược hanh thông mọi bề, phúc đức an lành, gia đạo vẹn toàn như ý.
Cẩn cáo ! (Ba lạy)
Sớ khấn gia tiên
(Mẫu: Sau khi khấn Trời Phật Thần Thánh)
Cận di phỉ lệ chi nghi cảm kính cáo vu:
(Hoặc nói theo Quốc Ngữ: Hương đăng hoa quả thanh tước chi nghi lên trước linh đài kính cẩn báo cáo!)
- Kính lạy : Nguyễn Trọng (Bùi Mạnh / Trần Quý, vv...) Cao, Tằng, Tổ, Khảo, bào huynh, bào đệ... (Chú ý: Tổ là ông, khảo là cha, bào huynh là anh trai, bào đệ là em trai, nếu chưa mất thì đừng nhỡ mồm khấn vào)
- Đồng kính lạy các chư vị Tiên cô, Tiên mãnh của gia đình / của chi họ
Hậu duệ con là Lê/Nguyễn/Bùi quý công … (tên đệm và tên chủ nhà)…cùng toàn thể gia quyến. Nay nhân …( lý do cúng: thỉnh bát hương / giỗ / rằm / tết…)…
Cây có cội, nước có nguồn, ơn Tiên Tổ vun trồng công đức.
Lòng thành lễ mọn, hương, đăng, hoa, quả, thanh tước chi nghi, dâng bày ra trước hương án, kính cẩn lạy dâng. Cúi xin các Vị Cao, Tằng, Tổ, Khảo / Cao, Tằng, Tổ, Tỉ, cùng các vị Đường Bá (bác), Đường Thúc (chú), Đường Cô (cô), Bào Huynh (anh trai), Bào Đệ (em trai)… chứng giám lòng thành, âm phù dương trợ, sở nguyện tòng tâm, cho phép tín chủ được cử hành lễ …( nói lý do dâng lễ và nguyện vọng của tín chủ)...
Muôn vàn đội ơn Gia tiên linh thiêng phù hộ độ trì cho hậu duệ cháu con được muôn đời Tấn phúc, tấn lộc, tấn tài, tấn bình an, gia đạo vạn sự vẹn toàn như ý!
Cẩn cáo !
9. Ai thì được thờ ai? Tại chương I - "Tìm lại dấu tích nhà nước Việt Thường Thị..." tôi đã có lý giải về việc tại sao người Việt Nam nhận mình là "con Rồng cháu Tiên". Ở đây tôi giải thích thêm Tiên cụ thể là những ai?
Tiên của người Việt không phải là các tiên nữ ở trên thượng đế. Người Việt gọi chức danh của những người đã khuất trong bài sớ như sau:
- Cha/mẹ thì gọi là hiền khảo/hiền tỉ
- Ông/bà thì gọi là tổ khảo/tổ tỉ
- Cụ thì gọi là tằng tổ khảo/tằng tổ tỉ
- Kị thì gọi là cao tổ khảo/cao tổ tỉ
- Và từ vị thân sinh của cao tổ khảo đổ về trước đến đời thứ 2 được gọi là Tiên tổ khảo. Theo đó, phu nhân của các vị này gọi là Tiên tổ tỉ
- Đời thứ nhất gọi là thuỷ tổ
(Coi thêm cách gọi các chức danh khác trong thờ cúng ở đây)
Như vậy có nghĩa là các vị được rước về thờ cúng trong từ đường họ tộc (thân sinh của cao tổ trở về các thế hệ trước) được gọi là tiên, từ cao tổ đổ xuống gọi là tổ. Tập quán người Việt có quy định rõ ràng vị trí thờ phụng, các bậc hàng tổ do mới mất, linh hồn còn lẫn khuất ở cõi âm ti, nên chưa dứt được ham muốn ăn uống, tiêu pha, cũng như nhu cầu tình cảm còn cao, nên việc thờ phụng được quy định để trong gia đình của chi trưởng, con trưởng, mục đích là để cho linh hồn hưởng thụ được không khí ấm cúng gia đình. Các bậc hàng Tiên là những linh hồn đã tu hành hết kiếp âm ti, đã được siêu thoát lên trời để tiếp tục sống kiếp thứ ba trong chu trình "nợ ba sinh". Khi ấy linh hồn không còn những ham muốn tục trần, ngược lại năng lực phù trợ cao, nên tộc trưởng phải đứng ra lập từ đường để quy tụ năng lực tiên linh, "âm phù dương trợ" cho họ mạc. Từ đạo lý trên, một số chi họ những muốn xây nhà thờ sớm cho các hàng tổ cần suy xét kỹ, kẻo lòng hiếu thảo phản tác dụng, những tưởng sang cả, nhưng chưa chắc đã thực tốt? Ngoài quy định về vị trí thờ phụng, thì tập tục người Việt cũng có quy định rõ ràng về cấp bậc được phép thờ phụng tiên tổ như sau:
- Trưởng tộc: phải thờ tất cả từ thuỷ tổ, tiên tổ và các vị cấp dưới từ cao tổ đổ xuống không còn ai thờ phụng;
- Trưởng chi họ (nhánh): phải thờ 4 đời gồm : Cao tổ của chi, và tằng tổ - tổ - khảo của nhà mình (cao tổ được lên tiên khi trong chi họ có thế hệ thờ cúng mới, ví dụ khảo chết thì con trưởng đảm nhiệm ngôi vị thờ cúng, lúc đó Cao tổ khảo được rước bài vị sang nhà thờ tộc để làm lễ lên tiên. Sách phong tục của Phan Kế Bính có nói, nếu dòng họ nào chưa có nơi thờ tự dòng tộc chính thống, thì bài vị tiên tổ được xếp cất vào một hòm gỗ không tiếp tục thờ phụng nữa. Điều này cần xem xét lại, tôi có đăng đàn hỏi chư vị Việt tiên linh mà tôi thờ phụng trong nhà mình thì được trả lời vẫn có nhu cầu được hậu duệ hương khói bình thường);
- Con trưởng trong gia đình thì thờ 3 đời: Tằng – tổ - khảo
- Con thứ trong gia đình thì chỉ thờ khảo, hoặc tổ - khảo mà thôi
Như vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giới thiệu về phương pháp thờ cúng trong gia đình. Hy vọng ai đã quan tâm thì nên đọc cho kỹ, hiểu cho thấu đáo để thờ phụng cho đúng ý nghĩa, thoát khỏi sự u mê của các thầy cúng bày trò dị đoan lừa tiền dân chúng. Tu tâm mà giữ lấy cái chân thiện mỹ, cái phước đức lâu bền cho gia đình, cho dòng họ được hưng thịnh muôn đời.

|
|
|
Lê Ngọc Lợi |
Mến chào o Phan Lan Hoa. Cháu mới biết đến vidamdodua,thấy trong này có nhiều bài viết của o viết về về Việt Thường phong tục giúp cháu hiểu thêm về các phong tục cũng như các nghi thức, cách làm để thờ cúng trong nhà, nhà thờ họ. Đọc bài thờ cúng trong nhà cho đúng ,mục 9: ai thì đuợc thờ ai cháu thấy o viết trưởng chi thờ 4 đời, con trưởng thờ 3 đời, con thứ thờ 2 đời Cháu xem trong sách Việc Họ có ghi bản chi từ đuờng thờ vị từ vị tiên tổ đứng đầu khi xuất chi trở xuống,còn có một vị cao niên trong họ thì nói truởng chi thờ từ vị tiên tổ truớc một bậc của vị lập chi, tức là hiển khảo của vị đứng đầu khi xuất chi trở xuống Vậy cháu xin hỏi truởng chi thờ 4 đời hay hay thờ đến đời nào Gia đình cháu bố đã mất và đã mãn tang, anh cả là trưởng chi đã lập gia đình và xây nhà ở riêng,cháu chưa lập gia đình,nhà cháu,nhà anh cả, nhà thờ chi đều trong khuôn viên đất tổ tiên để lại,hiện tại mọi việc cúng rằm giỗ lễ tết đều diễn ra tại nhà thờ chi, trong nhà chỉ cúng ông táo, như vậy đã đúng chưa, khi cháu lập gia đình và ở riêng thì có cần lập bàn thờ cúng khảo và tổ khảo không hay vẫn soạn lễ cúng ở nhà thờ chi,con trai cả của cháu thì sẽ thờ những đời nào,con trai thứ sẽ cúng những đời nào hay tất cả đều cúng tại nhà thờ chi Cháu diễn giải hơi dài dòng, mong o giải đáp giúp cháu để cháu đuợc hiểu rõ hơn. Cháu xin chân thành cảm ơn o
Phlanhoa trả lời:
Cháu nên đọc lại kỹ càng thì sẽ hiểu ra vì o nói khá rõ, đại để
1. Nhà thờ họ thờ từ Thủy tổ đến Cao tổ
2. Các chi trưởng thờ từ Tằng tổ, nôm na là từ cụ cố nhà mình
3. Trưởng chi thờ chính, còn cháu khi lập gia đình muốn thờ thì xin chân hương thờ vọng (đã có hướng dẫn trong bài)
Chú ý 2 điều:
- Vai vế của Tiên gia thay đổi khi có thế hệ mới ra đời. Ví dụ vai vế Tằng tổ sẽ thành Cao tổ khi thế hệ các cháu lên chức ông chẳng hạn.
- Các vị trưởng bối có trách nhiệm thờ chính, điều đó không có nghĩa là con thứ không có quyền thờ phụng. Cho nên phân ra thờ chính và thờ vọng. Người thờ vọng vẫn phải có nghĩa vụ lễ lạt khi Trưởng chi triệu tập tế lễ. Đã nói hết trong bài rồi |
|
|
|
Nguyễn Thị Thanh Phương |
Thưa cô, Cháu có 01 câu hỏi muốn nhờ cô giải đáp. Vợ chồng cháu nhận chuyển nhượng 01 căn nhà phố, chủ nhà cũ để lại tủ thờ trước họ đã dùng. Cháu có thể sử dụng lại tủ thờ này được không? Nếu được cháu cần làm thủ tục gì nhờ cô tư vấn giúp cháu ạ Cháu cảm ơn cô!
Phan Lan Hoa trả lời:
Đồ dùng khác thì có thể tái sử dụng, riêng tủ thờ thì nên sắm cái mới, vì thờ lâu, linh hồn tiên tổ chủ cũ có thể theo hương khói lẫn khuất vào. Nếu muốn tiễn họ về theo gia chủ cho dứt khoát, thì phải trả tủ thờ cho chủ cũ, sơn sửa, vệ sinh, xông trầm rồi mới nên về ở. Còn để lại tu thờ, đồng nghĩa gia tiên chủ cũ vẫn có thể vào nhà mình. |
|
|
|
Đỗ Minh Hiệu |
Cháu chào cô! Trước đây vợ chồng cháu có mua một căn hộ chung cư để ở và theo hướng dẫn của cô cháu đã lập ba bát hương: một bát thờ ngũ vị thần tài, một bát hương thờ vọng (tằng tổ khảo, tằng tổ tỉ, tổ khảo, tổ tỉ), một bát hương thờ vọng (đường thúc, tiên cô). Thời gian tới, do vợ chồng cháu thay đổi công tác nên phải chuyển đến vùng khác ở và phải thuê nhà; căn hộ hiện tại sẽ cho thuê. Đã có nhiều khách đến xem nhà nhưng họ không muốn để ban thờ trong nhà, nếu thuê thì phải bỏ ban thờ. Vậy cháu sẽ phải làm thế nào? Mong cô trợ giúp. Vợ chồng cháu xin cảm ơn cô!
Phlanhoa phản hồi
Chuyển nhà thì phải chuyển bát hương gia tiên về theo chứ. Chỉ để lại bát hương táo quân, mọi thủ tục đã cótrả lời ở phần "Ý kiến bạn đọc" |
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Chào cô! Xin hỏi cô trước đây tôi làm nhà, có đọc 1 quyển "Bát cẩm trạch" tính hướng nhà theo Lạc Việt thì tuổi của tôi: Ất Mùi (1955) hướng nhà Tây-Bắc là phục vị. Sau này tôi có lên mạng xem phong thủy hướng nhà theo Hán cỗ thì tôi thuộc cung Ly, hướng Tây Bắc là tuyệt mệnh. Nhà thì đã làm, đất thì hẹp, không thể thay đổi được. Phiền chị chỉ dạy cho cách hóa giải. Xin cảm ơn!
Phlanhoa phản hồi
"Thiên y chế Tuyệt mệnh", tức nếu nhà mở cửa chính nhằm phải hướng tuyệt mệnh, thì mở cửa sổ ở Thiên y để hóa giải. |
|
|
|
Nguyễn Duy Bạo |
Kính chào Doduavidam!
Tôi sinh 25/6/1960 (nhuận), như vậy đến 25/6/2018 âm lịch tôi tròn 59 tuổi. Vậy tôi phải động thổ và làm nhà từ 26/6/2017-25/6/2018 (tức là tính từ 58 tuổi 1 ngày đến trọn 59 tuổi) hay là phải động thổ và làm nhà từ 26/6/2018-25/6/2019 (tức là tính từ 59 tuổi 1 ngày đến trọn 60 tuổi). Xin lời khuyên chân thành từ Quý Ban Biên tập.
Trân trọng cảm ơn!
Phlanhoa phản hồi
Thưa Bác, cách tính tuổi ta, thì tính năm chứ không tính tháng lẻ. Ví dụ: Cho dù Bác sinh tháng 1, hay tháng 6, thậm chí là sinh ngày 30 tháng 12, thì cứ qua Giao thừa là tính một tuổi. Cho nên từ mùng một tết đến 30 tết năm Mậu Tuất là Bác 59 tuổi. Từ mùng một tết năm Kỷ Hợi, tuổi của Bác là 60 rồi ạ. Hạn tốt xấu của Bác năm 60 tuổi được tính bắt đầu từ mùng một tết. |
|
|
|
Nguyễn Việt Hưng |
Hi cô Lan Hoa, Cháu mớilập bàn thờ, bát hương theo cách hướng dẫn của cô. Tuy nhiên, điều cháu đang phân vân bây giờ là làm thế nào để bát hương đã linh hay chưa. Các cụ, gia tiên tiền tổ nhà mình đã ngự được vào bát hương chưa hay là bát hương bị vong lạ ngự vào. Vậy cô có thể chỉ giúp cháu cách nào đó để biết bát hương mình tự bốc đã linh hay chưa được không ạ?
Phlanhoa phản hồi
Cháu hỏi vào một vấn đề mà cô nghĩ không có một thầy nào trả lời chính xác được đâu. Ai nói họ biết là nói láo tuốt.
1. Bài viết là phổ biến theo kiểu các cụ bảo sao, mình theo vậy. Nhưng thường thì gia chủ nếu để tâm sẽ cảm nhận được ngay khi thắp hương, mỗi gia tiên có cách báo linh khác nhau. Còn như khi ấn định tên tuổi, bài vị gia tiên, cẩn cáo trời đất rồi, thì vong lạ không thể vào ngụ, thầy nào nói vong lạ vào ngụ là nói láo, cô Hoa sẵn sàng đối chất liền à ? Điều này giống như trên dương trần, cháu làm nhà đứng tên cháu, thì đến bố mẹ, anh em ruột, mà cháu không cho vào cũng chịu nữa là. Theo các cụ ta, thì thế giới âm phần cũng có Thành hoàng bản xứ cai quản trật tự trị an làng xã. Định phúc Táo quân cai quản tư gia, nghiêm minh hơn dương trần, vong lạ đâu dễ vào nhà mình mà hoành hành ?
2. Linh ứng còn tùy gia tiên mỗi nhà, ví dụ gia tiên vốn dĩ xuất thân là quan, hoặc chết vào giờ linh, thì linh hồn mau siêu thoát, mức độ linh ứng mau hơn. Còn như gia tiên xuất thân bần hàn lại mất vào giờ hắc đạo, thì người dương trần phải chuyên tu cầu nguyện lâu dài hơn mới siêu thoát. Khi siêu thoát sẽ linh ứng. Họ nhà cô Hoa vốn dĩ cách mạng quá nên không vị đàn ông nào quan tâm đến thờ phụng. Vận động xây nhà thờ họ mãi không được. Cô về quê thắp hương khấn nguyện ngoài nghĩa trang, rồi xin ba chân hương với một nhúm đất đem vào, khuya nào cũng khấn xin mỗi một nguyện vọng đó thôi. Đúng ba năm thì mấy vị trong họ tự nhiên hối nhau xây nhà thờ. Túm lại, muốn có linh ứng, tâm phải thành, "dương trợ" trước rồi mới có "âm phù". Gia chủ phải tự thân, chả thầy bà nào xin lộc cho mình được đâu. Tam tài của người VN là ba vị Định Phúc Táo Quân, ở ngay trong nhà mình. Chả phải nói đâu xa, các quan nhớn trên TW, có hẳn một cục quản lý về tâm linh, toàn người khét tiếng, rốt cuộc thì thăng trầm lên voi xuống cho có thầy nào chịu trách nhiệm được đâu ?
3. Hoặc chờ đợi theo thời gian mà thấy gia đạo an lành hơn thì đồng nghĩa với linh ứng.
|
|
|
|
Lưu Quốc Bảo |
Chào chị! Xin chị giải thích thêm chỗ đoạn vai vế trong dòng họ. Con Trưởng thì ghi "Mạnh Công", con thứ thì ghi "Trọng Công", con út thì ghi "Quý Công".
1) Xin chị hướng dẫn thêm ghi vai vế như thế là ghi vai vế của người mất đúng không ạ?
2) Trường hợp nếu người mất là con trưởng, con thứ, con út trong nhánh thứ chứ không phải nhánh trưởng thì trường hợp này ghi vai vế theo nhánh đó hay sao ạ? Xin cảm ơn Chị, chúc chị và gia đình mạnh khỏe
Phlanhoa phản hồi
1. Thì tôi đang hướng dẫn ghi bài vị người đã khuất để thờ phụng chứ có nói về người dương trần đâu.
2. Cứ con trưởng thì ghi mạnh, con giữa ghi trọng, con út ghi quý, bất kể nhánh nào. |
|
|
|
Nguyễn Đức Long |
Xin chào chị planhoa. Trước tiên xin cảm ơn chị rất nhiều, khi đã lập ra trang này để phổ biến kiến thức, phong tục đến mọi người. Qua trang web này của chị Tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Nay xin mạn phép Chị, Chị có thể hướng dẫn thêm cho Tôi và mọi người về cách tiến vàng mã được không? Chẳng hạn theo Tôi được biết thì kho cúng Ngựa cho Thần Linh - Thổ Công thì dùng ngựa màu đỏ, còn cho Ngũ Phương thì sắm Ngựa đủ năm màu... như vậy có đúng không ạ? Xin chân thành cảm ơn chị.
Phlanhoa phản hồi :
Tôi khẳng định đây là dị đoan chứ không phải phong tục !
Hoặc là tục của nơi nào thâm nhập vào nước ta vì tôi có sách Nôm, chả nói đến vấn đề này ?
Ngoài ra Thổ Công và Ngũ Phương của ta đều nằm trong nhóm tam tài Định Phúc Táo Quân, nên cúng cá chép chứ không phải ngựa. Tham khảo Bài này |
|
|
|
Nguyễn Thanh Huyền |
Trước tiên rất cảm ơn sự chỉ bảo tận tình của chị, nhân đây có một câu hỏi nữa của Tôi cũng như một số người. Rất mong chị giải đáp thêm cho chúng tôi được rõ. Chúng tôi lập và làm theo hướng dẫn của chị về ban thờ. cảm nhận của chúng tôi đều là rất tốt, công việc gia đình... mọi cái thuận lợi hơn. hàng ngày Tôi và mọi người đều thắp hương cúng gia tiên trước khi đi làm vào mỗi buổi sáng, nhưng gần đây có ý kiến cho rằng người mất cũng có cuộc sống riêng của họ (họ cũng đọc bài viết về chủ đề này của chị), như vậy sáng nào mình cũng thắp mời gia tiên, ông bà về thì dễ bị qở trách,như một sự phiền nhiễu chỉ nên thắp hương ngày mùng 1, 15 hàng tháng thôi. còn lại ngày thường nếu có thắp thì chỉ thắp bát hương thờ Thần Linh - Thổ Công. vậy ý kiến như vậy có đúng không ạ? còn theo riêng cảm nhận của tôi, thì hiện nay ban thờ đều thờ chung Thần Linh - Gia tiên,nếu chỉ thắp hương mỗi bát hương Thần Linh mà không thắp hương bát hương gia tiên nó kỳ kỳ thế nào ấy. Xin chị hướng dẫn cụ thể giúp, để Tôi và mọi người thờ cúng sao cho đúng. Cảm ơn chị, chúc chị và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Phlanhoa phản hồi
Cảm ơn bạn đã thông tin tích cực cho bài viết của tôi.
Vấn đề bạn nêu ra hôm nay cũng rất hay. Tôi viết bài này trong thời gian luyện công và đọc được vài thứ trong trời đất nước Nam, về lịch sử Phật giáo có nguồn gốc VN, về linh hồn, về nhân quả... Nếu bạn quan tâm thì đọc bài này để biết có phiền nhiễu hay không. Ở đây tôi chỉ nói vắn tắt, "âm phù dương trợ" là quy luật, càng thường xuyên càng hiệu nghiệm. |
|
|
|
Nguyễn Thanh Huyền |
Xin chào chị Planhoa, đọc các bài viết của chị Tôi thấy mở mang thêm kiến thức phong tục tập quán rất nhiều. Nay xin mạn phép hỏi chị Tôi thấy một số nhà dùng vải đỏ che ảnh người mất lại trên ban thờ (ngày giỗ mới bỏ ra), vậy cách làm này có ý nghĩa gì? và có nên làm vậy không? Mong chị chỉ bảo để Tôi được rõ, cảm ơn chị rất nhiều
Phlanhoa phản hồi
Có lẽ không nên thế. Che bằng một cái rèm che từ phía ngoài án thờ là phong tục từ xưa. Ngày nay thiết kế án thờ không có rèm che, có thể vì vậy mà gia chủ phủ điều lên di ảnh? Cũng có một số vùng quê kị người lạ nhìn ảnh gia tiên và chụp ảnh án thờ nhà mình.
|
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Kính chào chị ! Tôi đã hiểu và thực hiện nhiều việc theo sự chỉ dạy của chị. Nay xin hỏi thêm: Phong tục cúng mụ cho trẻ như thời gian, đồ lễ, văn và sớ cúng. Mong chị giúp đỡ ! Xin cảm ơn !
Phlanhoa phản hồi
Coi tại đây |
|
|
|
Nguyễn bá Vĩnh |
Kính chào chị Lanhoa Tôi rất quan tâm và tâm đắc với những bài viết của chị. Nay có một việc xin nhờ chị tư vấn như sau: Gia đình tôi ở quê có mảnh đất trước kia Bố, Mẹ tôi sinh sống ở đó. Nay Bố tôi đã mất, Mẹ tôi theo chúng tôi lên thành phố ở cùng con cháu cho tiện bề chăm sóc đã hai mươi năm. Hiện tại mảnh đất đó đang bỏ không (Nhà cửa đã phá bỏ). Con, cháu không còn ai ở gần đó nữa. Nay chúng tôi muốn xây cất lại để lấy chỗ thỉnh thoảng đi về nhưng còn rất băn khoăn vì: nếu xây nhà ở thì không có ai chăm nom còn nếu xây nhà thờ thì cũng không có người hương khói thường xuyên trong ít nhất những ngày sóc vọng. Chúng tôi thì ở xa không có điều kiện thường xuyên về được. Vì vậy tôi xin nhờ chị tư vấn giúp có nên xây dựng lại không. Và nếu xây dựng lại thì một hai tháng mới vè thăm, quét dọn, hương khói một lần có được không. Chứ mỗi lần về thấy cảnh vườn không, hoang tàn rất áy náy và không đang tâm chút nào. Kính mong Chị bớt chút thời gian cho ý kiến tư vấn giúp. Xin cảm ơn Chị rất nhiều.
Phlanhoa phản hồi
Tôi nghĩ chả có gì khó khăn. Còn giữ được đất hương hỏa không phải ai cũng làm được. Nhà thờ họ dẫu có người ở quê vẫn mỗi năm chỉ hương khói ngày rằmg tháng giêng và ngày giỗ ai đó trong họ tộc, còn thì cũng đóng cửa thôi mà. Nếu lăn tăn thì thuê môt ai đó ở gần làm ô sin trông coi dùm, hàng tuần qua trọng coi, quét tước dọn vệ sinh cho khỏi ẩm mốc thì ổn mà. |
|
|
|
trần văn hóa |
Xin hỏi chị am thờ thập loại chúng sinh trong khuôn viên đình làng đặt ở vị trí nào. xin cảm ơn chị
Phlanhoa phản hồi:
Từ trong đình nhìn ra, vị trí nên ở bên phải sân đình
|
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Mong chị chỉ giáo cho: 1, Lễ tạ mộ Gia tiên thường lệ chúng tôi tạ 1 lần, nhưng nay gia đình tôi có tang bố, có Tạ mộ ông Cố được không ? 2, Thầy cúng mà có tang có đi hành nghề được không ? Hay phải kiêng ? Xin cảm ơn nhiều !
Phlanhoa phản hồi
1. Tạ mộ chỉ là hương khói khi có dịp viếng mộ; Tảo mộ là xủi cỏ, sửa sang, lau chùi xung quanh mộ. Thường thì nhưng ngôi mộ hết khó, mỗi năm con cháu tảo mộ một lần vào tiết thanh minh (tháng 3 al hàng năm). Riêng mộ chưa hết khó thì không động đến, phải chờ hết khó làm lễ xả tang mới được đụng vào. Nghĩa là các mộ khác trong nghĩa trang dòng họ có thể tảo mộ, trừ ngôi mộ chưa hết khó chỉ tạ mà không tảo.
2. Tục ở đất Bắc, bất kể ai mà có tang cũng bất động, không đi chúc tết, không dự đám cưới, không đến nhà khác có tang như mình. Cho nên tôi nghĩ người làm nghề thầy cúng có tang thì phải nghỉ nghề cho tới khi hết khó. (Tang tính trong kiêng kị là tang cha, mẹ, ông bà nội, vợ, con trai, các thành phần khác không phải chính tang, không cần kiêng cữ) |
|
|
|
Trần Văn Hóa |
Kính chào chị ! Đình làng tôi có từ năm 1958, đến năm 1945 Đình bị phá không còn thờ cúng nữa. Nay con cháu xây dựng lại Đình theo nguyên mẫu trước kia. Hạu Đình có 3 gian, tiền Đình có 5 gian. Xin chị hướng dẫn thờ cúng tại Hậu Đình, Tiền Đình. Hậu tại đã có 1 bàn thờ xây bằng gạch tại Hậu Đình. Tiền Đình có 3 bàn thờ bàng gỗ, bàn thờ gian chính to, bàn thờ 2 bên nhỏ. Xin chị chỉ bảo về cách bài trí tại các bàn thờ. Xin chân thành cảm ơn !
Phlanhoa phản hồi:
Đình làng thường có 3 điện thờ:
- Chính điện thờ Thành hoàng làng và thần linh nước Việt
- Tiền đình, hay còn gọi là Tiền hiền, thờ các vị có công với làng, với đất nước, những người con hiếu nghĩa của làng sinh ra trước thành hoàng làng.
- Hậu đình, hay Hậu hiền, thờ các vị có công sinh ra sau thành hoàng làng.
|
|
|
|
Trần Trọng Tính |
Cháu chào bác, cháu đã đọc bài biết của bác về cách thờ cúng gia tiên. nay cháu có một vấn đề mong bác chỉ bảo giúp cháu. Qua đời bố cháu có lập các bát hương thờ tự như sau: chính giữa là bát hương thờ các quan thần linh, Bên tay pải hướng nhìn lên bàn thờ có 1 bát hương thờ bà tổ cô, 1 bát hương thờ bà cô, cô bé tại gia. Bên tay trái hướng nhìn lên bàn thờ có 1 bát hương thờ mãnh tổ, 1 bát hương thờ ông mãnh tướng, ông mãnh, cậu bé tại gia. Chính giữa là bát hương Công đồng gia tiên thờ cụ, ông, bố. Tổng trên ban thờ là 6 bát hương. Thứ tự: bát hương thần linh các quan - thứ tự cao nhất bát hương mãnh tổ, bà tổ cô - thứ tự cấp 2 bát hương ông mãnh, bà cô - thứ tự cấp 3 bát hương công đồng to hơn và cao hơn 2 bát hương ông mãnh, bà cô. XIn bác chỉ bảo giúp cháu xem thứ tự bát hương, số bát hương như vậy có đúng không, mong bác tư vấn giúp.
Phlanhoa phản hồi
Chắc chắn là không đúng. Thầy nào mà nói đúng tôi giám đấu lý tay đôi liền. Vì sao không đã nói rõ trong loạt bài tại chuyên mục "Việt Thường phong tục". |
|
|
|
Trần văn Giám |
Kính Chị Như vậy bây giờ em phải làm cụ thể như thế nào, ngày giỗ hết tang em có được phép xin 3 chân hương và một ít tro trong bát hương đang thờ Vợ lên xin nhập bát nhang trên bàn thờ hiện nay không và xin chuyển di ảnh, bài vị , các chén đựng rượu, nước lên Ban thờ chính chưa ạ. đến ngày nào thì được lập thêm hai bát hương nữa và cách xin và đặt hai bát hương mới mà không ảnh hưởng, xúc phạm đến Các Thần linh, gia tiên trong bát hương đang thờ. Xin Chị giúp em với ạ Kính Chị.
Phlanhoa phản hồi
Trong bài đã có nói rõ không hỏi lại |
|
|
|
Trần văn Giám |
Kính Chào Chị Hoa Lan
Em rất băn khoăn trong thời điểm hiện nay chuẩn bị cho việc chuyển bát hương ban thờ của Vợ. Kính Chị, em năm nay tuổi đã 58, vợ em mất đến nay gần tròn hai năm và cũng chuẩn bị cúng hết tang em đang loay hoay không biết xử sự thế nào xin Chị giúp Em, Em là co trưởng trong gia đình, Bố em là con út, Vợ chồng em ở riêng đất tự mua, khi còn sống vợ em bị bệnh hiểm nghèo ( xin chị thứ lỗi có bệnh thì vái....). Em đã thay đổi toàn bộ Ban thờ theo hướng dẫn của Thầy ( xin được giấu tên ạ) trên Ban thờ chỉ có 01 bát hương ( thờ tại Gia) khi thắp hương em xin cả lạy Phật và các Quan đại thần, cũng tưởng rằng, bên cạnh đó Vợ em lại đi theo phật và được mang tên theo Phật nữa, Nay vợ mất đi em muốn chuyển di ảnh và bát hương lên Ban thờ chính ( Em có lập phòng thờ riêng ), hiện tại duy nhất chỉ có một bát hương, em không biết làm sao, thương vợ và em quá đau buồn lại không biết làm sao cho trọn nghĩa làm chồng, Trên Ban thờ em có đặt di ảnh của Bố vợ nữa, Em kính nhờ Chị hướng dẫn cho em với, Em trân trọng cảm ơn Chị.
Phlanhoa phản hồi
Theo tôi nhà ta nên có 3 bát hương:
1. Bát hương thờ Hoàng Thiên Hậu thổ & Định phúc táo quân
2. Bát hương thờ vọng gia tiên bên nội
3. Bát hương thờ bên ngoại, bố vợ và vợ có thể dồn chung một bát
Hình thức lập bát hương và cách nhập bát hương của người hết khó vào bát hương gia tiên đã nói rõ trong bài. Anh có thể coi thêm ở phần tội trả lời bạn đọc bên dưới bài viết này. |
|
|
|
Dang van phuc |
Cháu cám ơn cô Sau 49 ngày cháu rút 3 chân hương và chút tàn hương cho vào bát hương gia tiên, thả sông bát hương hiện tại thờ con cháu và đợi đến 23/12 âm lịch sẽ lập bát hương thần linh, gia tiên và ông mãnh mới. Như vậy có dc ko ạ
Phlanhoa phản hồi
Bạn phải đọc kỹ nội dung tôi trả lời chứ?
- Bát hương thờ con của bạn sau khi lập là bát hương ông mãnh rồi đấy. Cháu là ông mãnh nên phải thờ bát hương riêng, không nhập vào bát hương gia tiên được. Đồng thời phải thờ riêng cho tới hết khó mới đưa bát hương của cháu lên bàn thờ gia tiên được.
- Bát hương gia tiên và bát hương thần linh đợi đến 23 tháng chạp thì t1ch đôi thành 2 bát.
- Như vậy hương án nhà bạn có 3 bát hương. |
|
|
|
Dang van phuc |
Cháu chào cô ban thờ nhà cháu giờ có 1 bát hương, thờ chung gia tiên và thần linh. Mẹ cháu đi nhờ thầy cúng bốc nên cháu cũng ko rõ. Công việc làm ăn của cháu rất tốt. Gần đây con trai cháu mới ( con cháu 13 tháng tuổi) mất được vài ngày, cốt hương bốc tạm bằng gạo. Ý nguyện cháu muốn tự tay bôc bát hương thầm linh, gia tiên cho yên tâm. Con cháu mới mất như vậy thì cháu có được bốc bát hương bà cô ông mãnh ko ạ và khi nào thì có thể làm, ban thờ của con trai cháu cháu ko để ảnh chỉ làm bài vị khắc ngày mất trên đó sau này có cho lên ban thờ gia tiên được ko ạ. Cháu cám ơn cô nhiều ạ. Mong cô giúp
Phlanhoa phản hồi
Bát hương thời gia tiên và thần linh không chung làm một được.
Bát hương thờ con bạn chính là bát hương ông mãnh, vì cháu là ông mãnh. Sau khi mãn tang (hết khó), có thể đưa bát hương để lên án thờ gia tiên và nó là báthương ông mãnh, vị trí phải thấp hơn bát hương gia tiên một chút. |
|
|
|
Đỗ Minh Hiệu |
Rất cảm ơn cô đã hiệu chỉnh và mong cô thông cảm đã làm mất nhiều thời gian của cô. Cháu còn vấn đề nhỏ nữa muốn hỏi cô. - Bài vị của bà cô ông mãnh, theo như ghi chú của cô: bà cô nhà cháu là người con thứ tư của ông bà nội nên cháu viết thành Tứ nương tiên cô. Phần ông mãnh có cần viết theo nguyên tắc nhất, nhị, tam, tứ không hay chỉ viết Đường thúc ... trọng công là dùng chung cho tất cả các chú (trừ con út) - Hôm trước cháu có đi tìm người nhờ viết chữ lên bài vị cho đẹp. Cháu được giới thiệu gặp một cụ thạo chữ nho chuyên viết sớ, cúng bái... (cụ làm đã 4 đời, cụ ngoài 90 rồi thuộc dạng hiếm và có tiếng tại Hà Nội) cụ giải thích: Chỉ ngũ sắc là để hàn long mạch. Đối với nhà chung cư mà ở tằng trên, không chạm đất thì không cần cho vào cốt bát hương vì việc hàn long mạch là của những nhà ở tầng trên mặt đất. Cụ cũng nói: bát hương thờ gia tiên thì nên thờ chung toàn bộ công đồng gia tiên, không nên thờ cụ thể một vài người vì thờ cụ thể thì khi khấn không thể mời những người khác được. Nếu chỉ thờ cụ thể một vài người nào đó thì bài vị trong cốt bát hương gia tiên phải ghi mỗi người một tờ chứ không ghi nhiều người trên một tờ. Cụ giải thích, bài vị trong cốt bát hương như một thiếp mời nên của người nào thì ghi người đó, không ghi chung. Trên bài vị trong cốt bát hương và bài vị thờ bên ngoài không nên ghi ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, chỉ ghi tên họ (tên tự, hiệu nếu có). Những thông tin ngày tháng năm sinh, năm mất nên ghi trong gia phả. Cô có thể giải thích giúp cháu tác dụng cụ thể của những thứ cho vào bát hương không? (Cô thông cảm cháu hỏi nhiều nhưng thờ cúng là tín,nó cũng là đạo đức của ông cha nhưng u mê mà thờ tự thì khổ tâm lắm) Cháu cảm ơn!
Phlanhoa phản hồi:
1. Ý nghĩa các thứ cho vào bát hương coi ở đây
2. Mạnh dùng cho con cả, trọng dùng cho con giữa, quý dùng cho con út (đã nói trong bài). Đường thúc là chú, đường bá là bác.
3. Chỉ ngũ sắc là đại diện của ngũ hành kim - thủy - mộc - hỏa - thổ, dùng để tránh tà. Ví dụ cây nêu ngày tết cũng được người ta treo chỉ ngũ sắc lên để tránh tà quỷ vào nhà năm mới. Hay đeo vào tay trẻ nhỏ c4ng để tránh tà. Như vậy nó không phải để hàn long mạch?
4. Ngôi nhà dù 10, hay 100 tầng thì cũng cắm trên đất, cái móng nhà là sở hữu của cả tòa nhà chứ không riêng các nhà tầng trệt, do đó phàm những ai ở trong tòa nhà đều có trách nhiệm bảo vệ cái móng cũng như long mạch tổ thần vùng đất ấy. Đó là chưa nói đến tia năng lượng đất có thể xuyên thấu tòa nhà lên đến trời xanh, cho nên nghĩ rằng ở trên cao không phải thờ đất thì e là suy nghĩ thiển cận?
5. Cách ghi bài vị là tôi lấy từ sách gia phả của một dòng họ có 7 đời làm nghề thầy cúng ở Hà Nội, đem so sánh với một dòng họ có 3 đời làm nghề thầy cúng ở Hà Tĩnh để viết ra.
6. Bài vị không phải là giấy mời, mà là thần vị xác định vị trí ngụ hưởng của gia tiên. Mỗi bát hương chỉ có một cốt hương. Bát hương nhiều người thì phải ghi tên nhiều người chung trên một tờ, giả dụ bát hương ấy là 10 người mà ghi 10 người 10 tờ thì còn đâu chỗ cắm hương?
7. Có hai cách ghi: Ghi tên cụ thể từng người và ghi chung, ví dụ "Đỗ tiên tổ gia tiên thần vị". Nhưng đó là trường hợp nhà thờ họ có nhiều vị tiên tổ của nhiều chi. Khi ghi chung như thế thường có thêm cuốn sách ghi tên tuổi các vị tiên tổ để cạnh thần vị. Còn án thờ gia đình thì tằng tổ chỉ có một, nội tổ cũng chỉ có một, Khảo cũng chỉ có một. Trong khi các vị đường thúc, đường bá (ngoài tiên mãnh), đường cô (ngoài cô mãnh) lại đã có bát thờ riêng, thì những vị tiên linh khác đã có con cháu họ thờ phụng, cớ gì phải bỏ ngõ thần vị?
|
|
|
|
Đỗ Minh Hiệu |
Cháu cảm ơn cô đã phản hồi và hướng dẫn cháu. Cháu đang ghi bài vị như nội dung bên dưới, có gì sai cô sửa giúp cháu Bài vị ngũ vị tài thần: Việt Nam Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Tam Tài Định Phúc Táo Quân Linh vị Phụng thờ Việt Nam Hoàng Thiên Việt Nam Hậu Thổ Đông Trù Tư Mệnh Táo Chủ Thần Quân Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần Bài vị gia tiên Gia tiên chi họ Đỗ tại xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình Thần vị Tưởng vọng Tằng tổ khảo Đỗ mạnh công tự Như Cung phủ quân (không rõ ngày tháng năm sinh, mất ngày 28/10/1956 âm lịch) Tằng tổ tỉ y phu chức Đỗ mạnh công Như Cung chính thất Nguyễn Thị Ất nhũ nhân (không rõ ngày tháng năm sinh, mất ngày 12/01 âm lịch, không rõ năm mất) Tổ khảo Đảng viên ĐCS Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Lư, huyện uỷ viên, trưởng phòng Lao Động huyện Tiên Hưng, hưởng dương 46 tuổi Đỗ Mạnh Công tự Như Toái phủ quân (Không rõ ngày tháng sinh, sinh năm 1920, mất ngày 26/04/1966 âm lịch) Tổ tỉ y phu chức Đỗ Mạnh Công Như Toái chính thất Nguyễn Thị Thoan nhũ nhân (sinh năm 1928, không rõ ngày tháng sinh, mất ngày 07/05/2011 âm lịch hưởng thọ 83 tuổi Viết bài vị bà cô, ông mãnh Bà cô, ông mãnh bài vị Tưởng vọng Ông mãnh Đỗ trọng công tự Như Kiên (sinh năm 1956, ngày tháng sinh và ngày tháng năm mất không rõ) Bà cô Đỗ Thị Thơ (sinh năm 1960, ngày tháng sinh và ngày tháng năm mất không rõ) (do không rõ nghĩa của các từ hán Việt như: y phu chức, nhũ nhân, thụy chất trực phủ quân, từ thuận... nên không biết vận dụng. Những từ trên chỉ dùng cho cấp thủy tổ, các vị tiên tổ hay dùng được cho cả cấp cao tổ trở xuống? Trong bài cô viết về cách xưng hô, với em ruột bố thấy gọi là thúc phụ nhưng có lúc gọi là đường thúc, vậy khi viết bài vị thì dùng cách gọi này hay viết là ông mãnh như trên. Cháu có thể viết bài vị theo cách gọi thông thường đang dùng hàng ngày như ông nội, cụ nội được không?) Cháu cảm ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Tôi hiệu chỉnh hộ em:
Bài vị Ngũ vị tài thần Việt Nam gồm tam vị Định Phúc Táo Quân và Hòang Thiên Hậu thổ: Phần này thờ chung tất thảy các gia đình như nhau, nên tôi có mẫu viết sẵn, em chỉ cần in ra và cho vào khung là được.
Bài vị gia tiên Gia tiên :
Tằng tổ khảo Đỗ mạnh công tự Như Cung thụy chất trực phủ quân, tưởng vọng thần vị
(không rõ ngày tháng năm sinh, mất ngày 28/10/1956 âm lịch)
Tằng tổ tỉ y phu chức Đỗ mạnh công Như Cung chính thất Nguyễn Thị Ất từ thuận nhũ nhân, tưởng vọng thần vị
(không rõ ngày tháng năm sinh, mất ngày 12/01 âm lịch, không rõ năm mất)
Tổ khảo, Đảng viên ĐCS Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Lư; nguyên huyện uỷ viên, trưởng phòng Lao Động huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, Đỗ mạnh công tự Như Toái thụy chất trực phủ quân, tưởng vọng thần vị.
(sinh năm 1920, mất ngày 26/04/1966 âm lịch. Hưởng dương 46 tuổi)
Tổ tỉ y phu chức Đỗ Mạnh Công Như Toái chính thất thượng hương kỳ lão Nguyễn Thị Thoan từ thuận nhũ nhân tưởng vọng thần vị
(sinh năm 1928, mất ngày 07/05/2011 âm lịch hưởng thọ 83 tuổi
Bà cô, ông mãnh bài vị:
Đường thúc Tiên mãnh Đỗ trọng công tự Như Kiên tưởng vọng thần vị
(sinh năm 1956, ngày tháng sinh và ngày tháng năm mất không rõ)
Nhất nương Tiên cô Đỗ Thị Thơ tưởng vọng thần vị
(chú ý: nếu cô là thứ 2 , 3 thì ghi nhị nương, tam nương)
(sinh năm 1960, ngày tháng sinh và ngày tháng năm mất không rõ)
Ngày nay nhiều gia đình vẫn viết chữ quốc ngữ lên bài vị vẫn được. Tuy nhiên có một số chữ viết theo quốc am mới nghe không hay, ví dụ như "chính thất" mà thay bằng "vợ cả" thì nghe hơi kỳ
Một số chữ: phủ quân tức người đàn ông là chủ cao nhất trong ngôi nhà; chữ y trong y nữ, từ thuận nhũ nhân là người son sắt thủy chung, tòng phu, tòng tử... tóm lại là những từ dùng để ca ngợi công đức tiên linh.
|
|
|
|
Đỗ Minh Hiệu |
Chào cô: cháu nhờ cô tư vấn cách bốc cốt bát hương bà cô ông mãnh. Thấy trong bài viết cô nêu cách sắp xếp các bát hương nhưng theo thứ tự trong ra ngoài, cao thấp. Cháu thấy bây giờ thông thường có 3 bát hương đặt trên kệ tầm sơn, cao nhất ở giữa là thổ công, bên trái người thắp hương là bà cô, ông mãnh, bên phải người thắp hương là bát hương gia tiên. Sắp xếp như vậy có đúng không cô. Một vài ý kiến cho rằng bát hương không dùng màu vàng và đục vẽ rồng phượng vì những thứ đó dùng cho vua. Cháu sắp về nhà mới nên rất cần từ vấn. Cháu cảm ơn cô
Phlanhoa phản hồi
1. Bát hương người Việt xưa nay không bao giờ thiếu hình vẽ rồng phượng, vì đó là hình ảnh đại diện của "Con rồng cháu tiên". Dân tộc Việt cũng là dân tộc có nên văn minh đồng thau (văn minh Đông Sơn), bát hương phần lớn là đúc bằng đồng, nên nó đương nhiên màu vàng, Riêng phần án thờ (có thể tham khảo ở các nhà thờ cổ trên trăm năm) thì bằng gỗ mít, gỗ chò sơn đỏ. Như vậy cơ bản án thờ nổi bật bởi "sơn son thếp vàng"
2. Nếu án thờ có 3 bát hương thì sắp xếp như trên là đúng rồi |
|
|
|
Nguyễn Đình Anh |
Em chào chị Hoa!
Đầu tiên em cảm ơn chị đã mở trang này. Em đã được đọc một số bài của chị phải nói là hay và giúp ích rất nhiều cho những kẻ mơ mơ màng màng về tập tục thờ cúng như em. Xong em có câu hỏi này mong chị giúp. Gia đình em ở vùng núi tây bắc Nghệ An. Nơi em ở là nông trường quốc doanh. Mới đến ở khoảng năm 1980 còn truớc nữa vùng này là dân tộc Thanh ở. Em không đươc nghe kể gì về thành hoàng làng mà cũng không thấy có tục thờ thành hoàng làng. Vậy trong thờ cúng và sớ cúng có liệt kê thành hoàng làng vào không hay chỉ gia thần rồi đến gia tiên?Em mong chị trả lời sớm.
Phlanhoa phản hồi
Các bậc cao niên giải thích rằng: Nếu trên dương gian, chúng ta sống có đăng ký hộ khẩu, đi hay ở phải có báo cáo với CA phường xã để nắm bắt tình hình an ninh trật tự xã hội. Thì ở dưới âm phần cũng tương tự vậy, cũng có trật tự xã hội âm linh.
Thành hoàng làng là vị thần cai quản an ninh trật tự làng trong thế giới âm linh. Trong nhà thường không có bát hương thờ Thành hoàng riêng, vì vị này là quan âm phủ được ăn lương của Diêm Vương (hi hi...). Khi xưa thành hoàng làng được thờ ngoài đình làng. Sau cách mạng Xô Viết, chủ nghĩa CS nêu cao tinh thần vô thần, đập hết đình chùa nên thủ tục dâng lễ Thành hoàng làng từ đấy bị bỏ đi. Tuy nhiên hủ tục trong nhân dân thì cứ hễ ngày hôm sau có giỗ, thì ngày hôm trước gia chủ có cây hương bát nước lên án thờ cẩn cáo xin phép, các cụ ta cho rằng phải xin phép thì linh hồn mới được thần làng cấp phép về thăm con cháu và thọ lộc. Thành phần xin phép như bài khấn mẫu bên dưới bài viết chính. Dẫu biết tên hay không biết tên, thì khi khấn bái ta cũng không xướng tên húy của Thành hoàng lên, mà chỉ: Kính lạy Thành hoàng bản xứ thôi.
Riêng tôi thì những lễ lớn như giao thừa, rằm tháng giêng, rằm tháng 7, tôi thường có một phần vàng mã dành cho các chư vị Việt Thần Tiên, bao gồm cả Thành hoàng bản xứ. Vì tôi nghĩ bây giờ đình làng không có ai đứng ra tổ chức báo ơn, thì cá nhân mình tự giác báo ân thôi... |
|
|
|
Nguyễn thị hiền |
Trước hết xin cảm ơn các bài viết của chị . Em đọc và thấy chị viết rất có tâm. Vì vậy em mạo muội nhờ chị tư vấn giúp em một việc như sau: Tới đây em sẽ xây nhà vì đất hẹp nén em xay nhà ống nhưng em đang muốn đặt bàn thờ ở vị trí tầng 2 tầng này bố trí trong cùng là bếp đến giếng trời đến phòng khách phía ngoaif cùng ngăn làm một phòng nhỏ để đặt bàn thờ tầng 3 ở trên là phòng ngủ . Em thấy đa số họ đưa bàn thờ len trên cùng nhưng em thấy để trên đó thứ nhất là nóng thứ 2 là cao nén ít len chỉ ngày 1 mới len thắp hương một vài lần nén thấy cũng ko tiện . Em vẫn muốn để ở dưới thì hàng ngày có thể hương khói tốt hơn vậy theo chị thì nén như thế nào ah mong chị giúp cho e ah.
Phlanhoa phản hồi
Câu hỏi này ngoài khả năng trả lời của tôi. Vì khi xưa các cụ làm gì đã có nhà lầu như bây giờ để mà lưu bút lại rằng trên phòng thờ là phòng ngủ được hay không được? Thời của các cụ, nhà ngói dẫu 3,5,7 gian thì gian giữa cũng được gọi là "gian bảy", gian này luôn là nơi được bài trí trang trọng nhất trong nhà. Thờ phụng cũng đó, khách khứa cũng đó. Các cụ quan niệm ngọn khói phải bay lên được lên trên nóc nhà mới là thấu được tâm nguyện lên trời xanh.
Tuy nhiên nói qua thì cũng nói lại, ngày nay nhà ở thành phố building cao mấy chục tầng thì phòng ngủ nhà nọ chồng lên phòng thờ nhà kia cũng nhiều. Có lẽ các cụ cũng đành thông cảm cho con cháu thôi.
Riêng nhà bạn là nhà riêng, tôi nghĩ phải do bạn tự tính toán, điều chỉnh trong khả năng có thể thì nên cố gắng. |
|
|
|
Lý Trương |
Cô cho cháu hỏi :người mất mà thiêu thì bao lâu coi là hết tang. Khi hết tang thì đưa vào ban thờ gia tiên ngay được hay phải trờ đến cuối năm sau ông công
Phlanhoa phản hồi
Thiêu hay chôn thì thời gian chịu tang cũng như nhau. Mãn tang thì chọn ngày lành tháng tốt làm lễ đưa lên bàn thờ chính của gia tiên |
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Trước hết tôi xin cảm ơn chị đã quan tâm trả lời. Xin hỏi chị thêm như sau: Vừa qua, tôi đã thực hiện theo chĩ bảo của chị về việc cúng lễ gia tiên và cha tôi ở 2 nơi, nhưng tôi rất băn khoăn ở chổ, khi có giỗ ông bà, tôi về quê cúng cha tôi sau đó về cúng gia tiên ở nhà có được không ? hay là cúng gia tiên trước ? nếu có húy kỵ thì tôi có mời được cha tôi về thụ hưởng lễ vật tại bàn thờ gia tiên không ? Việc thứ 2 xin hỏi: Ở quê tôi thường đặt bát hương Hội đồng tại hương án (phía ngoài)cao hơn bát hương Tiên tổ phía trong có đúng không ? ví dụ từ trong ra: Tiên tổ, các cụ tứ đại, con cháu đến Hương án đặt bát hương Hội đồng) như vậy được không ? Ở nhà thờ họ Trần quê tôi đặt các bát hương tiên tổ trong nhà thờ. Ngoài sân đặt bát hương Hội đồng rất to bằng đá (>1 tấn) chúng tôi không hiểu bát hương này thờ những ai, có nhiều ý kiến khác nhau. Xin chị chỉ giáo. Xin cảm ơn !
Phlanhoa phản hồi
Bát hương Hội đồng? Một câu hỏi rất khó, bạn phải hỏi chính các vị cao niên trong làng xã xem họ dùng để thờ gì? Nếu là thờ Phật Thích Ca, thì dứt khoát không đúng với phong tục tập quán của ta, chắc chắn mới bị tăng thích nào đó chen tục lệ nhà chùa vào? Xưa nay ở Nghệ An, trong nhà chỉ có thờ Định phúc Táo quân và gia tiên. Bát hương ngoài trời dùng cho những lễ dâng cầu phải tổ chức ngoài trời, như cầu an người dương trần, cầu siêu linh hồn người mất, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trâu bò, vật nuôi khỏe mạnh, vv... quan niệm của nhân dân là cúng ngoài trời để quan binh trên trời nhìn thấy mà hưởng thụ và phù hộ.
Về tổ chức kị húy: Trước hôm giỗ một ngày, chỉ cần cây hương bát nước, đĩa quả thắp lên án thờ ở quê cẩn cáo, trình bày lý do (trong trường hợp quá bận rộn, mẹ bạn vẫn có thể cẩn cáo ở quê thay bạn) : ngày mai con tổ chức kị húy cho ông bà tại gia. Theo lễ tục phép tắc của đạo hiếu, con về đây cẩn cáo, xin phép Cha cùng chư vị gia tiên còn ở tại quê nhà được phép hành lễ tại gia đình. Đồng thời kính mời Cha cùng các chư tiên lên nhà con thăm chơi. Kính xin Thành hoàng bản cảnh cho phép gia tiên con được đi theo nguyện vọng và cầu xin bảo hộ an lành cho linh hồn đi đến nơi về đến chốn. (đốt một chút tiền vàng để làm lộ phí đi về).
Chỉ cần vậy thì hôm sau có thể làm giỗ bình thường. Chỉ một chìa khóa mở cửa tâm linh thôi, đó là hãy ứng xử với gia tiên giống như bạn ứng xử với họ khi họ còn sống: lễ phép, đạo hiếu, tâm tình. còn cỗ to hay nhỏ tùy theo năng lực hoàn cảnh. Tôi chắcchắn các cụ ta không bao giờ trách cứ, bạn đừng sợ điều đó.
|
|
|
|
Trần thị hương |
Cháu chào cô ạ. Trước tiên cháu xin chúc cô và gia đình mạnh khỏe. Cháu có thắc mắc trong việc thờ cúng gia tiên, mong cô chỉ bảo. Số là cháu có mua một đỉnh đồng (trong bộ ngũ sự) về đặt lên ban thờ, nhưng ko dùng thắp trầm,nay cháu định bỏ một ít đá thạch anh vụn (khoảng 1kg) vào trong đỉnh thì có được không ạ? Cháu mong được cô chỉ bảo. Cháu cảm ơn cô.
Phlanhoa phản hồi:
Tôi đã có bài viết về đá ở đây . |
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Kính chào chị ! Phiền chị thêm 1 lần nữa. Bố tôi vừa mới qua đời, những năm cuối đời ông sống với gia đình tôi, khi ông sắp mất theo chỉ dạy của mẹ tôi thì đưa ông về nhà (mẹ tôi đang ở) và mai táng ở nghĩa địa quê nhà. Trước đây bàn thờ gia tiên tại nhà bố mẹ tôi, nhưng khoảng 7, 8 năm nay do tuổi cao sức yếu, bố tôi lại lẫn, nên tôi rước về nhà tôi (tôi là con trưởng) cách quê nhà gần 15 cây số. Nay bố tôi mất việc thờ cúng thành ra 2 nơi: 1 Nơi thờ bố tôi ở quê nhà và 1 nơi thờ Gia tiên, vì vậy tôi rất lúng túng mỗi khi có lễ, tiết và khi có cúng giỗ gia tiên. Tôi có hỏi thầy thì mỗi người một kiểu. Xin chị chỉ dạy cho ! Xin cảm ơn nhiều
Phlanhoa phản hồi
Anh là con trưởng thì thờ bố cùng với gia tiên chính thức ở nhà anh là phù hợp với phong tục.
Nhưng hiện tại nhà ta đã lỡ để án thờ người mới quá cố ở quê thì trong thời gian chịu tang là không dịch chuyển được, cho nên tạm thời phải chờ hết khó đã mới có thể rước về, nếu muốn. Theo mê tín của nhân dân thì linh hồn mới mất tại làng quê, chưa hết khó cũng chưa đi ra khỏi làng quê ấy được để theo anh tới nơi thờ phụng mới, cho nên anh chịu khó về quê thường xuyên trng thời gian này, 15km cũng không xa gì cho lắm mà phải lăn tăn nhiều, phải không nào?
Tất nhiên đạo nghĩa ở đời, mẹ anh còn sống, nên quyết định chính phải do bà nữa, vì đó là chồng bà, nếu bà không đồng ý thì sau khi mãn tang, nếu thấy bất tiện, anh có thể lập bát hương thờ vọng cho cha tại nhà mình, bát chính ở quê do mẹ anh hương khói. Sau này bà mất thì anh rước một thể hai người nhập vào án thờ gia tiên nhà mình. Còn nếu sau mãn tang mà anh rước mẹ anh lên ở cùng gia đình mình thì có thể rước bát chính về luôn.
Kính chúc gia đình ta an lành, nhiều phúc phước. |
|
|
|
Nguyễn Đức Tâm |
1. Con chào cô, chúc cô và gia đình sức khỏe, bình an. Trong bài khấn, bắt đầu là Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ Hoàng Triều, nhưng Trời Đất nước Nam cũng là một phần trời đất trong càn khôn vũ trụ bao la này, vậy khi vái xin trong càn khôn vũ trụ này thì vái thế nào (Tại vì Phật giáo cho rằng miền Tây phương hoặc Chúa cho rằng Thiên Đàng là miền tối cao của vũ trụ, là nơi con người được giải thoát?).
2. Nếu như mình đem lư hương có chủ về để trong khuôn viên (để vậy chứ không thờ cúng gì) của gian đình có sao không ạ? Tại vì nhà con mua nhà mới và lập mới bàn thờ, còn bàn thờ tại nhà cũ vẫn để nguyên, sau thời gian thì tại nhà cũ không thờ nữa, nhưng lại đem lư hương của nhà cũ về để trong khuôn viên nhà mới. Ông cố con ba người con trai, việc thờ cúng chính tại chỗ người anh ông nội con, nhưng giờ tuyệt tự, ông nội con thì có bác và bố con, chỗ bác con ở là đất của nhánh anh ông cố con và bác con giờ chỉ thờ nhánh này, còn nhánh ông cố con thì không chịu thờ, còn bên em ông nội con thì cũng không chịu nhận nốt, mà theo con biết thì xưa kia chỗ nhánh ông cố và trên ông cố có mâu thuẫn. Như vậy ba con có thể xin ông bà tại chỗ anh của ông nội con về thờ cúng được không ạ. Tại vì trong gia đình con hiện tại rối ren, con không biết làm thế nào cho đúng để gia tộc lên lại. Con nhờ cô cho con ý kiến ạ. Con chân thành cảm ơn cô.
Phlanhoa hồi đáp:
1. Phật và Chúa nguyên là người phàm trần. Nhưng là người phi thường có tư chất thông minh hơn người. Phật và Chúa mỗi vị đều tạo dựng nên một dòng giáo lý do mình đứng đầu. Tuy nhiên trên thế giới không chỉ có Phật và Chúa, cũng như không chỉ có Phật giáo và Thiên chúa giáo, mà còn nhiều dòng đạo khác nữa, như đạo Hồi có thánh ALa chẳng hạn. Do đó việc Phật trụ trì Tây phương cực lạc chỉ là do đệ tử của Phật phịa ra đánh lừa chúng sinh để thu phục đệ tử cho mình. Cho nên trong con mắt tôi, đệ tử của Phật tuyên truyền như vậy là phạm vào tham si rồi. Tôi đây không nam mô a di đà phật bao giờ, mà thấy vẫn bình an. Việc siêu thoát linh hồn bạn đọc ở bài linh hồn, sắp tới tôi còn viết nữa để làm sáng tỏ vấn đề.
Nước Nam ta có không phận và địa của mình "rành rành định phận ở sách trời". Cõi dương trần thì theo luật quốc tế; cõi âm phần thì theo luật Thiên Địa. Việt Nam Hoàng Thiên Hậu Thổ là thần khí quốc gia Việt Nam, còn Phật hay Chúa dù linh thiêng cỡ nào cũng chỉ là linh hồn.
2. Trong bài tôi đã nói rõ. Nếu đúng nhiệm vụ thì thờ chính, không đúng nhiệm vụ mà muốn thờ cho phải đạo thì thờ vọng. Hướng dẫn có hết rồi, bạn đọc lại sẽ thấy.
Bát hương, án thờ nào không dụng nữa thì phải đốt bỏ, hoặc chôn xuống đất, thả xuống sông (đã có hướng dẫn). Nếu là bát hương cụ cố bị tuyệt tự thì có thể rước về nhà thờ tộc để tộc trưởng thờ cúng. Nếu không có nhà thờ tổng thì người trưởng chi tộc phải thờ. Không thờ là có tội đấy, không đùa đâu.
Để lay động được những chi nhánh trong họ mạc đoàn kết khó lắm đấy. Tôi bày mẹo cho bạn là tìm người có uy tín nhất trong hai chi, làm thân và tỉ tê thuyết phục cho họ hiểu lẽ phải, sau khi giác ngộ được, tư họ nói lên tiếng nói cần thiết. Một mặt năng hương khói cầu xin gia tiên phù trợ nguyện vọng của mình |
|
|
|
Nguyễn Sơn |
Chị Phan Lan Hoa kính mến!
Về việc thờ cúng thần linh, tổ tiên tại nhà, tôi muốn trao đổi với chị một vài suy nghĩ, rất mong chị dành thời gian xem và cho ý kiến về nội dung này. Tôi để ý thấy nhiều gia đình hiện nay (từ nông thôn đến thành thị) đều đã quan tâm đến việc thờ cúng tại nhà, họ dành một gian riêng trên tầng cao nhất với diện tích vừa đủ để thờ táo thần và tổ tiên. Mỗi lần giỗ chạp hoặc ngày sóc vọng thì mới lên mở cửa thắp hương, cúng lễ. Còn ngày thường thì đóng cửa, chắc là không ai ra vào gian đó. Kể cả ngày giỗ, ngày Tết thì con cháu, anh em họ hàng đến chơi cũng ngại lên tầng trên để thắp hương, họ chỉ vui chơi nơi phòng khách ở tầng dưới. Tôi thấy như vậy có phần không ổn, bởi tôi nghĩ ngày Tết, ngày giỗ ta thỉnh mời tổ tiên, ông bà về là để hiếu đễ, ông bà được thấy con cháu sum vầy, được vui cùng với con cháu, âm dương giao hòa; huống chi ngày thường ông bà muốn về thăm con cháu thì ngự ở đâu, không lẽ lại vào phòng thờ đóng cửa, quạnh hiu như vậy? Tôi có ý định làm nhà mới và bố trí ban thờ thần linh, gia tiên tại phòng khách ở tầng dưới để tiện bề hương khói, để không khí ban thờ luôn ấm cúng, để mỗi lần hiếu đễ được rước ông bà về cùng con cháu vui hưởng sum họp gia đình. Nhưng nhiều người cho rằng không nên đặt ban thờ ở tầng dưới mà phải đặt ở tầng cao nhất mới không phạm thượng. Tôi tự hỏi: thế đối với những khu chung cư nhiều tầng, người ở tầng dưới không lẽ lại lập ban thờ gia tiên ở tầng trên thuộc sở hữu của người khác? Và cũng có băn khoăn: trong khi tầng trên có phòng ngủ, phòng sinh hoạt mà mình lại thờ thần linh, gia tiên ở tầng dưới thì thần linh, ông bà có về ngự được không? Vài điều thành tâm, rất mong sự góp ý của chị! Xin trân trọng cảm ơn!
Phlanhoa phản hồi
Đây là một câu hỏi rất khó. Hôm trước tết về quê, có thăm thú vài nhà thờ các dòng họ, nói chung là to, đẹp, khang trang, thần mạch tốt, nhưng hơi mốc lạnh lẽo, những muốn viết một bài về dòng họ. Nhưng bận quá, từ hôm đó đến giờ chưa khai bút được. Tất nhiên tôi cũng chỉ sẽ phân tích các khía cạnh để mọi người tự suy nghĩ theo cảm thụ của mình thôi, chứ không đưa lời khuyên cụ thể được nếu sách vở các cụ ta xưa không truyền lại.
Tuy nhiên nhà tôi hiện nay cũng tầng 1, hơn thế nữa đến bữa cơm gia đình, tôi dọn ở bàn ăn trước án thờ, dọn thêm 5 bộ bát đũa, mời các chư tiên cùng xơi cơm với con cháu. Mỗi ngày tôi chỉ mua một loại trái cây, để lên thắp một tuần hương rồi thì đem xuống làm tráng miệng trong ngày... |
|
|
|
Trần Hữu Kiều |
Kính chào chị !
Tôi đã đọc rất nhiều về các bài viết của chị, thực tình tôi rất ngưỡng mộ ! Tôi nghĩ phải có những người như chị để khai mở sự hiểu biết về con người, xã hội và phong tục tập quán nhất là vùng đất miền Trung... Tôi viết mấy dòng này với mong muốn xin chị chỉ dạy cho cách tiến hành nghi lễ Tạ Mộ gia tiên (tạ cầu yên và tạ động)vì tôi thấy các thầy thực hiện nghi lễ này mỗi thầy một cách, không ai giống ai. Rất mong được chi bớt chút thời gian quan tâm giúp đỡ. Xin cảm ơn nhiều !
Phlanhoa phản hồi
Cầu yên là cầu bình an cho người dương trần, tức cầu cho chính chúng ta; còn cầu siêu mới là cầu cho linh hồn siêu thoát. Hai lễ này thường được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng đầu năm. Xem ở bài này
Hiện tượng động mả có hai trường hợp:
- Một là do mồ mả bị đặt trên tia bức xạ đất xấu, khiến cho linh hồn không yên. Trường hợp này nhất thiết phải di dời, chí ít là xoay mộ tránh tia đất. Cần phải có một thầy có khả năng cảm xạ học để đo tia đất mới làm được.
- Hai là huyệt đất tuy tốt, nhưng sau chôn một thời gian bị một vấn đề gì đó tác động như: gần nơi khai thác đá nổ mìn động đất, người ta trồng cột điện cao thế chạy vo vo trên mộ, người ta đào hầm hố gần kề khiến cho sụt lở, vv... trường hợp này muốn yên chỉ có ngừng tác động, hoặc không ngừng được các hành động gây ồn ào thì phải di dời, chứ cúng bái không mang lại hiệu quả.
Lễ tạ mộ trước tết (từ 23 - 30 tháng chạp): Gia đình cử người mang một mâm lễ hương hoa ra mộ cẩn cáo mời gia tiên về ăn tết. Có gia đình cẩn trọng thì mang theo một cái võng, hoặc một kiệu giấy tựa hồ như để đón rước linh hồn, nhưng có lẽ không cần thiết vì linh hồn bay được, nên chỉ cần cẩn cáo thành tâm mời thì được rồi. Bài khấn đã có trong phần trả lời bạn đọc. Sau khi rước về thì mới cúng tất niên, làm cỗ xôi gà rượu thịt đầy đủ và đốt một ít vàng tiền để các cụ xài tết. Sau tết thường mùng 3 đến mùng 5 thì cúng hết tết và tiễn ông bà về trời, cũng một cỗ đầy đủ các món và thủ tục như cúng tất niên.
Lễ tảo mộ trong tiết Thanh Minh (rằm tháng 3): Tục người Việt ta xưa nay rằm tháng ba là tiết được chọn để sửa sang tu chỉnh mồ mả. Mộ đắp cỏ thì trồng thêm cỏ mới, mộ xây gạch thì dọn vệ sinh xung quanh, lau tường thành sạch sẽ, sơn mới chữ trên bia mộ, vv... Đêm trước đó, chủ nhà sắm lễ lên án thờ cẩn cáo chư vị tôn thần và gia tiên xin phép. Hôm sau ngày rằm thì lại mang hương hoa ra mộ thắp xong một chầu thì tiến hành sửa sang.
Chỉ cần bấy nhiêu là đầy đủ. Lễ lạt tùy tâm và khả năng tài chính gia đình, không cần cố gắng linh đình. |
|
|
|
Trần Minh |
Xin chào!Tôi lại làm phiền lan Hoa nữa rùi: 1. Nhà tôi ở toàn bê tông, không có khuôn viên đất vườn gì cả. Tôi có thể cạy gạch sàn nhà lên để lấy 1 xíu đất trộn vào... (như hướng dẫn của Lan hoa) bốc bát hương ngũ vị Tài Thần được không? Hay làm bằng các nào đó, xin Lan Hoa chỉ giúp? (Chẳng hạn như cách làm tro bếp cải biên. 2. Xin hướng dẫn cách sắm lễ, làm lễ (văn khấn)bốc bát nhang và bàn thờ mới? 3.Tôi tuổi Nhâm Tý (1972)trong tháng 2 (tháng Tân Mão)này, có bốc được bát hương không? Nếu bốc được, ngày nào tốt? Xin "thầy" Lan Hoa chỉ giùm. Thanks!!!
Phlanhoa phản hồi
Mọi thứ bạn hỏi đã có trong bài đọc kỹ khắc thấy. Cả phần trả lời bạn đọc bên dưới
Riêng ngày: Chọn ngày rằm của tiết thanh minh mà làm
|
|
|
|
Trần Minh |
Thật là sáng mắt sáng lòng.
Cảm ơn Lan Hoa Nhiều nhá. Chúc Lan Hoa luôn luôn Mạnh, tinh tấn! |
|
|
|
Trần Minh |
Kính chào Lan Hoa!
Tôi có 2 vấn đề, xin Lan Hoa bớt chút thời giờ giảng giải giúp:
Một là: Khi tôi đi bốc bát hương, Cô đồng (13 ngõ 74, Ngọc Hà, Hà Nội) bảo chỉ cần bốc 1 bát công đồng là đủ, gồm: thần linh thổ công chư vị chân linh, gia tiên, bà cô ông manh, cô bé cậu bé tại gia đều phụng thờ chung bát nhang này. Cô còn nói, tôi là con thứ, chỉ bốc 1 bát nhang thôi, nếu có muốn bốc ba bát thờ riêng thần linh, gia tiên, bà cô ông mãnh… thì Cô cũng không bốc cho. Tôi rất băn khoăn, có hỏi Sư thầy chùa Ngọc Quán (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội), Sư thày bảo làm thế cũng được. Nhưng Khi hỏi anh Kiến Phong (một chuyên gia về lĩnh vực này) - Công ty kiến trúc Phong thủy Việt Nam, lại nói: "Nếu thỉnh gộp cả Thần Linh và Gia Tiên vào một bát thì không được phép vì các Quan sao ngồi chung với Gia Tiên được". Vậy tôi phải làm sao mới đúng, mới không bị "phạm"? Xin Lan Hoa tư vấn giùm tôi.
Hai là: Tôi mới đi xem bói (soi tiền), người ta bảo rằng, hiện tôi có bà cô (đây không phải là bà tổ cô đâu ạ) bên họ mẹ tôi. Mẹ tôi gọi bà bằng cô xưng cháu, còn tôi gọi bà bằng bà cô xưng cháu đang trách giận là bà không được ai quan tâm hương khói gì (bà không có con cái nhưng có cháu họ, là em trai mẹ tôi. Tôi gọi bằng cậu). Bà muốn được tôi bốc bát nhang, hương khói cho bà. Vậy, xin hỏi, tôi có đước phép bốc bát hương riêng cho bà không? Nếu được, tôi có được đặt bát hương đó bên cạnh bát hương thần linh và bà cô ông mãnh không? Nếu không được bốc bát hương riêng, tôi có được thỉnh bà vào chung với công đồng gia tiên họ nội không? Hay là chỉ được khấn vọng thôi? Mong Lan hoa sớm quan tâm cho ý kiến. Vì, theo thầy bói, từ giờ đến tháng Ba, nếu em không bốc bát hương cho bà, tôi sẽ bị ốm rất nặng. Hiện tại, con gái tôi (hơn 4 tuổi) tầm khoảng 11 h 30 đến 12 h 30 đang ngủ thì lồm cồm ngồi dậy, khóc, bé chỉ tay vào góc nhà bảo "SỢ". Thầy bói bảo, đấy là bà cô (như em nói ở trên) về trêu đấy... Tôi rất lo Lan Hoa ạ
Phlanhoa phản hồi:
Bạn hỏi hai câu nhưng tôi phải tách thành 4 câu để trả lời:
1. Bát hương: Con thứ hay con trưởng thì vẫn có quyền thờ gia tiên nếu muốn. Chỉ khác là con thứ thì đề thờ vọng. Tuy nhiên mỗi khi đã thờ thì phải có trật tự trên dưới. Bạn nên nghe anh Kiến Phong đi và theo hướng dẫn của tôi trong bài mà tự tay lập lấy bát hương, chứ cứ như bạn kể cậy thầy thì thầy những 5 thầy 7 ý, có lập rồi, thờ cúng rồi bạn vẫn phấp phỏng lo âu như chưa thờ vì không biết đúng sai.
Thần linh và Gia Tiên là hai bậc khác nhau. Trong bài chính tôi có nói rõ, muốn linh hồn gia tiên về thụ lộc được thì phải cẩn cáo Thổ Công Hà Bá trước để xin phép. Điều đó cụng đồng nghĩa âm dương muốn kết nối phải qua cổng Thần linh, do đó ngoài bát hương gia tiên thì phải có bát hương này trong mỗi gia đình.
2. Bà cô: Phong tục nước ta, bên nội mới gọi bà cô. Cô của mẹ thì bạn gọi là bà dì, chứ không phải bà cô. Người thờ cúng bà dì ấy phải là cậu ruột của bạn, sau này duy trì là con trai của cậu ấy. Bạn không có chức năng thờ cúng bà dì này. Hơn ai hết bà dì biết rõ thờ cúng bà không phải nghĩa vụ của bạn, nên không bao giờ trách cứ. Linh hồn bà dì cũng không vào nhà bạn được nếu bạn chưa cho phép (chưa thỉnh bát hương). Bạn cứ in đoạn tôi trả lời này đưa cho thầy bói đọc và bảo bà ta rằng Phan Lan Hoa nhắn thầy bói rằng không thông hiểu hủ tục tập quán thì đừng làm thầy bịp dân. Coi thêm bài viết "Bà cô ông mãnh là ai?" link đây
3. Nếu bạn có thành tâm, mỗi lần tới rằm tháng giêng, rằm tháng 7 và tết, bạn gửi một chút tiền hoặc chút lễ sang nhà cậu để bày tỏ lòng thành cầu xin "âm phù dương trợ" chứ không phải lập bát hương
4. Bệnh của em bé phát lúc giờ Tý thì mắc một trong hai chứng:
+ Bế tắc đường kinh Thủ thiếu âm tâm
+ Loãng xương, hoặc có chỗ dị tật nào đó trong xương
Bạn nên đưa em bé đi kiểm tra sức khỏe, đồng thời chú ý chế độ ăn giàu vitamine B.
Trước mắt bạn thử làm một số việc sau:
+ Thay đổi giờ ngủ cho bé muộn hơn 30 phút đến một giờ so với thói quen bình thường của bé, đồng thời chú ý đến giờ mà bé hay thức giấc thì bố mẹ nên thay phiên nhau vỗ về ôm ấp, canh chứng cho bé ngủ được yên.
+ Dịch chỗ nằm của bé đi một chút và xem lại hệ thống thông thoáng khí trong phòng ngủ của bé.
+ Có thể có trang trí nào đó trong góc phòng gây nên ảo giác khi bé thức giấc khiến bé giật mình. Trang trí hoa lá nhiều sắc màu tươi vui và đặt những thứ đồ chơi bé yêu thích vào góc mà bé thường chỉ vào và bảo sợ, làm sao khi nhìn vào đó bé thấy toàn những thứ yêu thích của mình thì sẽ hết sợ.
Tôi khẳng định, không có chuyện bà cô trách cứ, nên mong bạn bình tĩnh và xử lý tốt tình huống.
Tham khảo thêm bài viết này |
|
|
|
Vũ Văn Mỳ |
Kính gửi chị Phan Lan Hoa
Tôi đọc những bài viết của chị tôi thấy rất hay, nó phù hợp với phong tục Việt Nam chúng ta ngày nay. Nhưng có một vài toi chưa hiểu hết xin chị giải thích giúp cho tôi hiểu rõ thêm.
1. Trước kia tôi đã lập bàn thờ cha mẹ mình ở Bỉm Sơn, nhưng hai năm qua tôi đi vào Thành phố Thanh Hoá cói con cả để trong cháu cho bố mẹ cháu đi làm, toi có chuyển bàn thờ gia tiên đi theo toi có nhò thầy cúng yên vị bàn thờ ở Thành phố Thanh hoá. Nay cháu lớn tôi lại về Bỉm Sơn sinh sống, tôi muốn chuyển bàn thờ gia tiên về để thơi phụng có được không? Và nếu được tôi phải làm thế nào? Nhờ chị chỉ giúp.
2. Mẹ tôi mất năm 1991 hưởng thọ 73 tuổi, mẹ tôi mất do tai nạn giao Thông, năm 2015 cháu nó đi xem thày bói và thầy bói nói rằng " hồn mẹ tôi bị lạc không về được cho nen thò cúng không được. Chị xem có cách gì đẻ gọi hồn về được không chị giúp tôi với. Tôi xin chân thành cảm ơn chị.
Phan Lan Hoa phản hồi
1. Tôi đã có hướng dẫn cho nhiều người, xem ở phần "Ý kiến bạn đọc".
2. Thầy bói nói thế là thầy bói lừa gia đình để vòi tiền cúng quẩy. Linh hồn là một dạng siêu sóng, thầy bói có thể không gọi được vì không cùng tần số, nhưng người thân thì gọi được, thậm chí không cần tới hương khói chỉ cần người ruột thịt tưởng nhớ tới nhiều là có thể gọi được về rồi. Gia đình cứ lập bát hương như tôi hướng dẫn, linh hồn sẽ về ngụ. Nếu có tâm, trong vòng 1 năm mà ngày nào cũng được thành tâm khấn nguyện trước hương án, linh hồn sẽ siêu thoát và rất linh thiêng. Tin tôi đi, không cần lễ lạt gì cả, chỉ cần 3 nén hương và trong lúc nguyện cầu cần sự thành tâm yêu thương linh hồn. Còn như không có đủ điều kiện như vậy thì rằm, mùng một, giỗ, tết, sau 3 năm linh hồn cũng sẽ siêu thoát, có năng lực đi mây về gió.
Cần lập bát hương sớm kẻo linh hồn bị đói khát. Cứ nghĩ bao nhiêu linh hồn mất trong chiến tranh có ai thất lạc linh hồn đâu, sẽ thấy rõ thấy bói lừa bịp.
Kính chúc sáng suốt. |
|
|
|
Hoàng Văn Hiểu |
Cháu là con thứ trong gia đình, hiện nay cháu đang ở đất của bố mẹ vợ để lại, bố mẹ vợ cháu có 1 người con trai là liệt sĩ, khi còn sống, bố mẹ cháu lập 2 ban thờ: 1 ban thờ thần Linh và gia tiên, 1 ban thờ anh liệt sĩ. Sau khi bố mẹ cháu mất(2013 việc cải táng xong xuôi) vợ chồng cháu lập lại ban thờ. Chỉ lập 1 ban thờ , 2 cấp, cấp cao nhất thờ các vị thần , cấp 2 gồm 2 bát hương:1 bát hương thờ nội (bên nhà cháu), 1 bát hương thờ ngoại(bên vợ cháu) gồm có Ông bà ngoại, bố mẹ vợ và các bà cô ông mãnh. trong đó có cả anh liệt sĩ). Nhưng 3 lần mời vong đi chợ. anh liệt sĩ nhất định không đồng ý, anh yêu cầu chồng cháu phải lập riêng bát hương cho anh vì anh là liệt sĩ đã mất xác rồi lại không được thờ riêng, nếu không thì anh không về nhà nữa. cháu rất lúng túng, đi xem bói, 1 số thầy cũng bảo phải thờ riêng. Nếu cháu lập bát hương riêng thì trên bàn thờ nhà cháu sẽ có 4 bát nhang, cháu sợ không tốt. Vậy cháu nhờ cô tư vấn cho cháu. Nếu có lập thờ riêng cho anh cháu thì cháu định làm ngay TỪ sau ngày 23- 29 tháng chạp này. Vậy cháu mong cô hồi âm. Cháu cảm ơn cô nhiều! Cháu Hoàng Văn Hiểu
Phlanhoa phản hồi
Sao lại mời anh liệt sĩ đi chợ, tôi không hiểu?
Theo phong tục Việt Nam ta, anh chưa có gia đình tức là ông mãnh, nên phải lập bát hương riêng chứ không phải vì anh là liệt sĩ thì phải lập bát hương riêng. Liệt sĩ thì ở đất nước VN này thiếu gì, có ai đòi lập bát hương riêng đâu. Chỉ có thầy bói bịp đòi lập bát hương riêng để tính tiền thì phải? Thầy bói nào đó lừa bịp bạn đấy, mời thầy đó lên đây đối chất với tôi đi, nói với thầy đó rằng Phan Lan Hoa có năng lực nói chuyện với linh hồn và cô ta có thể hỏi linh hồn để bóc mẽ thầy bịp dân lành nhé.
Việc lập 4 bát hương cũng không có vấn đề gì, nếu duy tâm theo kiểu "sinh - lão - bệnh - tử" thì bát hương vốn là thờ "tử" chứ có thờ "sinh" đâu? Còn như vần tứ liên âm với vần tử thì xin thưa chữ tử có tới 4 nghĩa: con cái, màu tím, chết chóc, song đồng thời chữ tử trong "Lão tử đạo đức kinh" lại mang nghĩa là "sinh".
Giải thích rồi mà bạn vẫn lo lắng thì lấy công bằng nội ngoại mà xử, lập thêm một bát ông mãnh nhà nội nữa vị chi 5 bát. Nhưng tôi khuyên vợ chồng bạn nên theo hướng dẫn của tôi ở bài "thờ cúng trong nhà như thế nào cho đúng" mà tự tay lập lấy bát hương, chứ như bạn kể thì thấy rõ giai điệu lừa bịp của thầy bói bạn đang cậy nhờ rồi ?
Cứ mạnh dạn tự tay lập đi, tôi đảm bảo an lành đấy, không sợ gì cả, đó là không muốn nói tự tay bạn lập bát hương sẽ linh thiêng hơn thầy bói. Có lẽ bạn nên làm sớm từ giờ đến trước 30 tết, anh bạn sẽ về cư ngụ để phù hộ cho gia đình bạn.
|
|
|
|
Nguyễn Đức Cảnh |
Xin kính chào PhlanHoa.
Tôi ngày 19/1 (al) tới sẽ làm lễ nhập trạch nhà mới. Tôi có chút băn khoăn, mong được Phlanhoa giúp đỡ. Tôi định tự mình bốc 3 bát hương để thờ tự như ở ngoài miền Bắc (1 bát hương thờ thổ tcông, 1 bát hương thờ bà cô, ông mãnh, và 1 bát hương thờ bố mẹ của tôi (bố mẹ tôi thờ chung 1 bát hương). Bát hương nên bốc trước khi vào nhà mới (bốc trước, ngày 19/1 thì mang vào nhà mới), trước ngày 19/1 mình có thể bốc bát hương ở ngay tại nhà mới, rồi để lên bàn (không phải bàn thờ), đến ngày 19/1 chuyển vào nhà mới thì lấy đặt lên bàn thờ, như vậy có được không?hay đến ngày 19/1 nhập trạch vào nhà mới rồi mới bốc bát hương? xin Phlanhoa giúp tôi thủ tục bốc 3 bát hương trên, trong từng bát hương gồm có những gì. ghi hiệu thờ cúng cho từng bát hương như thế nào?(tên bố tôi: Nguyễn Đức Miêu; Tên mẹ tôi: Phạm Thị Xuyến). Mong sớm nhận được sự giúp đỡ của Phlanhoa. Tôi xin chân thành cảm ơn. Kính chúc Phlanhoa sức khỏe và nhiều niềm vui. Trân trọng Nguyễn Đức Cảnh
Phlanhoa phản hồi
Một là: Khi nào bát hương để lên án thờ, gia chủ làm lễ cắm vào ba thẻ hương, sự linh thiêng của ngôi nhà cũng như sự phù trợ của gia chủ bắt đầu từ đó. Cho nên bát hương đưa về nhà chưa đưa lên án thì chưa phát lộ giá trị. Các đồ vật khác muốn đưa vào nhà lúc nào không quan trọng, mà quan trọng là giờ làm lễ cầu xin thổ công hà bá công nhận quyền lực của gia chủ đối với nhà cửa, đất đai, đồ đạc, cũng như cho phép gia tiên được đi về phù trợ con cháu.
Hai là: Bát hương thổ công đưa lên án thờ khi nào, chủ quyền đất đai nhà cửa của gia chủ được công nhận từ giờ phút đó (về mặt tâm linh)
Ba là: thủ tục tiếp lửa, có hai cách:
- Anh mua một đèn dầu, bật bếp lửa nhà cũ lên, làm lễ con con khấn vái xong thì lấy lửa từ bếp thắp vào đèn dầu, bảo vệ ngọn lửa ấy cháy suốt từ nhà cũ sang nhà mới, để ngọn đèn lên án thờ và thắp hương từ ngọn đèn để làm lễ gọi là tiếp lửa, thủ tục này nhằm duy trì ấm cúng của gia đình được liên tục, đồng thời làm đuốc dẫn đường mời gia tiên cùng về;
- Cách thứ hai là mua một lò than củi và một ít than, bật bếp ở nhà cũ làm lễ xong thì để than lên bếp đốt cho cháy, gắp than sang lò than và đưa lò than về nhà mới, để ở cửa ra vào, bước qua, bước lại 9 lần để xả xui sau đó thắp lửa từ lò than vào đen để lên án thờ để thắp hương cắm vào bát.
Bốn là: Cách ghi bài vị và cốt hương, coi ở mục "3. Bài vị ". Anh phải coi kỹ, tự viết xong rồi gửi cho tôi , tôi sẽ hiệu chỉnh lại dùm, bởi thông tin của anh đưa ra mới chỉ được tên hai vị tiên sinh chưa đủ để viết gì cả.
|
|
|
|
Lý Trương |
Cháu chúc cô một năm mới an khang,hạnh phúc.Cháu đã đọc phần lập bài vị của cô ,xin cô hướng dẫn cháu : Bà nội cháu mất trẻ nên ảnh và ngày tháng năm sinh không có . Giờ cháu muốn viết tên Bà nội với ngày tháng năm mất vào giấy bằng chữ quốc ngữ rồi lồng vào khung kính ,treo ngang ảnh ông nội để thờ cúng có được không? Cô hướng dẫn cho cháu với.Cháu cám ơn cô!
Phlanhoa phản hồi
Nhiều người không có ngày tháng năm sinh, hoặc chỉ có năm sinh không biết ngày tháng cũng nhiều. Trong trường hợp đó cháu cứ ghi "ngày sinh không rõ; ngày tạ thế ...."
Cháu ra hàng bán đồ cúng mua một cái thẻ bài bằng gỗ, và lấy sơn viết lên. Bài vị người nào để phía trước di ảnh người đó. |
|
|
|
Phạm Quang Vũ |
Năm mới em kính chúc Chị và Gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Em có một câu hỏi muốn hỏi Chị mong chị bớt chút thời gian hồi đáp cho em với. Em đã đọc hết các câu hỏi của bạn đọc được Chị trả lời nhưng chưa thấy đó là: Bát hương gia tiên được thờ chung từ cấp Bố đổ lên là chung một bát hương. Bát hương gia tiên đã được bốc trước để thờ. người mất chưa mãn tang nhưng sau khi xả tang thì có được đổ tro cốt bát hương gia tiên để lấy tờ giấy đỏ ghi tên người cần bổ sung lên đó để thờ tự không? Em cảm ơn Chị nhé, em Vũ
Phlanhoa phản hồi
Năm mới gặp người đọc bài không kỹ chỉ thích hỏi thì chẳng vui gì !?
Trong bài viết có hẳn một mục : "Thủ tục nhập bát hương cho người hết khó" rồi cơ mà? |
|
|
|
Giang Thị Huệ |
Kính gửi Bác Hiện tại gia đình chồng con: Bố chồng mất cách đây hơn 10 năm,bên chồng con có 3 anh em trai. 1 anh cả thì ở liên xô cùng mẹ chồng, anh 2 thì xây nhà hà nội, còn vợ chồng con hiện đang sinh sống và công tác ở sài gòn, chúng con mới lấy nhau chưa có nhà riêng và đang đi ở trọ. Hiện giờ nhà chồng ở quê không có ai thờ cúng, hương khói tổ tiên cả ( có bàn thờ bát nhang bốc từ rất lâu rồi). Thật lòng vợ chồng em muốn bốc bát nhang thờ phụng tổ tiên, nhưng vì ở nhà trọ đi thuê nên không biêt nên làm thế nào ạ Hiện tại ngày giỗ bố chồng con vẫn sắp cỗ và để cốc gạo lên đốt nhang cúng. Ngày mùng 1 hàng tháng cũng thế ạ Bác cho con hỏi con đang làm thế có đúng không ạ. Con cám ơn bác nhiều
Phlanhoa phản hồi
Thì tốt chứ sao. Hiện có hai chế độ thờ cúng là thờ chính và thờ vọng. Thậm chí có người thờ chính cha mẹ, thì những người con khác cũng có quyền lập án thờ vọng. Bạn cứ lập bát hương và bài vị bình thường, chỉ khác là đề thêm chữ vọng tưởng nếu ở quê có người thờ chính, nếu không có người thờ chính thì lập hương đèn như người thờ chính đã hướng dẫn trong bài.
Ở nhà trọ chẳng sao, chỉ cần mỗi khi hương khói gia tiên thì cần khấn xin phép Thổ công Hà Bá nơi mình tạm trú cho phép linh hồn gia tiên về thụ lộc. Còn khi không ở nữa, chuyển nhà trọ khác, thì cứ làm lễ cẩn cáo xin phép di chuyển, rồi gói ghém bát hương và bài vị mang theo. Bạn cứ nghĩ như cha mẹ đang ở trên trần gian theo con vậy thôi, linh hồn cũng đi theo được như vậy. Khác nhau chỉ ở chỗ trên trần gian thì ta khai báo tạm trú với công an, người âm phủ thì ta khai báo tạm trú với Thổ công Hà Bá, vậy là linh hồn gia tiên được về thôi. |
|
|
|
Trần Minh Thanh |
Xin kính chào cô ạ. Xin cô chỉ dẫn giúp, con thấy mọi người 23 tháng chạp là tiễn ông công, ông táo về trời, nhân dịp đó thì lau chùi tỉa bát hương, sau đó thì không thắp hương nữa đợi đến 30 mới thắp lại. Vì vậy nên con có thắc mắc vị về chầu trời là táo quân (trông coi bếp núc), chứ còn các vị khác vẫn ở tại bản gia,vì vậy không thắp hương thì có mạo phạm gì không ạ? (ý con là thường ngày mình vẫn thắp nay vì tục đó không biết đúng sai, lại thôi không thắp mà đợi đến tận 30). mong cô chỉ dẫn thêm.Con cám ơn cô.
Phlanhoa phản hồi
Không phải là không thắp nữa, mà ngược lại phải nhang đèn suốt từ 23 đến 30 không ngừng. Đọc kỹ bài viết tôi có nói trong đó. |
|
|
|
ly truong |
Xin cô giúp cháu một việc .Nhà cháu vừa cải táng và xây mộ cho bố mẹ xong ,giờ muốn nhập bát hương riêng vào với gia tiên và thay bát gia tiên mới ngay trong tháng có được không ạ . Cháu muốn nhân tiện xây mộ cho ông bà ở quê nữa có được không .Thày xem bảo cháu không nên làm luôn ,nên cháu lo quá không biết làm thế nào.Xin cám ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Mọi điều tôi đã hướng dẫn kỹ càng. Bài này và các bài khác trong mục Việt Thường phong tục không thiếu điều bạn hỏi.
Từ 23 - 30 tháng chạp có thể thay. |
|
|
|
Bùi Ngọc Dũng |
Xin cô cho hỏi, cốt bát hương toàn bộ như : thần sa, chu sa, di hiệu,chỉ ngũ sắc... mình gói hết vào một tờ giấy trang kim, hay là để vào bát hương, sau đó mình đặt giấy trang kim lên trên rồi đổ tro ạ?
Xin cảm ơn cô.
Phlanhoa phản hồi
Gói hết vào trong tờ giấy trang kim. Phòng khi mình muốn thay đổi, ví dụ như muốn thay bát hương to hơn đẹp hơn chẳng hạn, thì chỉ cần nhấc gói giấy sang bát mới là được.
3 chân hương rút ở mộ, hoặc nhà thờ tổ cũng vậy, cần đánh dấu bằng cách bó lại với nhau bằng giấy đỏ ở phần chân, để khi chân hương trong bát hương đầy muốn rút bớt thì cũng không bị rút nhầm chân linh |
|
|
|
Nguyễn Thị Thảo |
Cháu xin kính chào cô!
Thưa cô đọc bài của cô cháu thấy rất bổ ích và đã làm theo chỉ dẫn của cô. Nhưng cháu có một thắc mắc thế này, mong cô chỉ bảo giúp. Hàng ngày buổi sáng cháu đều thắp hương, vì vậy nên chân hương rất nhanh đầy, tàn hương rơi xuống rất bụi và mất vệ sinh. Nay cháu có ý định là tỉa chân hương khi bát hương đầy (tất nhiên là bát hương cháu để nguyên,không xe dịch và cố làm cho không xê dịch, cháu tỉa rút từng chân hương một ra). Thì có được không ạ? chứ chỉ cần hai ba tháng thì đã rất nhiều chân hương và tàn rơi xuống rất bẩn. Mong cô chỉ bảo giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Đầy thì phải rút bớt là chuyện thường tình. Cứ nhẹ nhàng rút từng cây một phía ngoài cho có chỗ cắm hương mới không sao. Còn tàn rơi làm bụi bặm thì cháu mua thêm cái tán hoa sen vẫn bán trong các tiệm đồ cúng, để vào trên miệng bát hương thì tàn hương rơi gom vào trong bát mà không chảy xuống bàn án. Khi đầy thì gạt bớt tàn phía trên, không ảnh hưởng gì cốt hương bên dưới cả. |
|
|
|
nguyen nhu hung |
Chào chị, Vợ chồng tôi đi công tác và xây nhà ở riêng chứ không trên đất của họ bên nào nên tôi nhờ người bốc bát hương hộ gồm 3 bat là bát thờ thổ công, bát thờ họ nội, bát thờ họ ngoại, nhưng nay có người nói không nên thờ họ ngoại trên cùng ban thờ với họ nội. Xin chị cho biết vậy có được không nếu không được phải bỏ bat thờ họ bên ngoại thị cách bỏ và thay bát khác như thế nào mong chị giúp, xin cám ơn
Phlanhoa phản hồi
Chỉ trừ đất hương hỏa của nhà nội để lại thì không thờ ngoại được, còn như không phải thì hiện nay nhiều nhà thờ như gia đình anh vẫn yên lành, chả có gì là không được cả. Chỉ cần bát hương thờ ngoại để thấp hơn một chút xíu vì theo phong tục "phụ hệ", nội là chính của nước ta thì hợp đạo.
Chúc phúc gia đình ta an khang thịnh vượng. |
|
|
|
nguyen Thao |
Chào chị, hiện nay em muốn lập bàn thờ mới có 3 bát hương, thầy bảo bát hương cũ trước đây vì nhà em chưa làm thủ tục gì nên có thể thay. nhà em định về nhà thờ họ thắp hương để xin tổ tiên linh ứng vào bát hương tại nhà, rồi sau đó rút que hương ở nhà thờ họ về cắm vào bát hương ở nhà mình, chồng em là con thứ, vậy nhà em làm vậy có được không ạ. Rất mong nhận được tư vấn của chị. em cảm ơn chị.
Phlanhoa phản hồi
Ba bát hương thờ ai mới được chứ? Nhà thờ họ là nơi cư ngụ của linh hồn Tiên tổ và Thủy tổ. Gia đình làm gì có chức năng thờ Thủy tổ và Tiên tổ mà xin linh ứng? |
|
|
|
Trần xuân tiến |
chào chị Phan lan hoa Gia đình tôi có việc này nhờ chị tư vấn giúp anh em chúng tôi: bố tôi là con thứ và bố mẹ tôi đã qua đời nhà tôi có 4 anh em trai. Dòng họ nhà tôi hiện ở nam định nhưng không có nhà thờ mà chỉ có mộ tổ. Nay anh em chúng tôi muốn xây nhà thờ trên đất bố mẹ tôi để lại mà 4 anh em tôi đang ở thì có được không. Tôi là con út trong gia đình thì có nên ở đây không hay chuyển đi nơi khác. Mong chị giúp cho xin cảm ơn
Phlanhoa phản hồi
Bạn đã hỏi và tôi đã trả lời rồi mà?
coi lại ở đây
|
|
|
|
Trần Xuân Biên |
Thay mặt gia đình cám ơn Chị. Chúc chị sức khỏe, có nhiều bài viết hay, nhất là vấn đề thờ cúng gia tiên để mọi người làm theo, tránh việc thờ cúng không đúng lãng phí, bát nháo, mê tín dị đoan.Còn vấn đề chị tư vấn về viết Bài Vị tổ tiên, tôi có suy nghĩ như sau: 1, tôi không phải là trưởng họ, trưởng nhánh chỉ là con trai trưởng, hiện tại bố mẹ tôi đang thờ ông bà, tổ tiên nên tôi ghi bài vị Vậy tôi suy nghĩ thế có đúng không. mong hồi âm của chị.
Phlanhoa phản hồi
Tôi nghĩ là anh đúng rồi. |
|
|
|
Trần Xuân biên |
Sau khi đọc bài của chị . tôi rất tâm đắc và làm theo.nhưng có mấy điều phân vân hỏi Chị. 1. Bài vị Ngũ vị tài thần, tôi ghi: Phụng thờ Ngũ vị tài thần trên tấm gổ, trong bát hương thì ghi rõ tên 5 vị có được không. 2. Bàn thờ gia tiên có 3 bậc, bậc cao nhất bài vị ghi Cung vọng tiên tổ trần tộc, trong bát hương phần đất mộ và chân hương thì tôi lấy ở mộ tổ có được không. 3. Bậc 2 thờ 2 bát hương 1 của ông mệ nội, 1 của mệ ngoại vì mệ ngoại là vợ 2 và không có con trai chỉ sinh được một mình mẹ tôi; còn bậc 3 thờ bà o là liệt sĩ. Vậy tôi thờ cả ngoại và nội trên một bàn thờ có được không.(tôi là con trưởng đất đang ở là 2 vợ chồng mua không phải đất hương hoả ông bà)
Phlanhoa phản hồi
Tôi nghĩ là anh thờ đúng rồi.
Chỉ có ghi nhớ một chút, ngũ vị tài thần Việt Nam nhé, gồm: Hoàng Thiên (trời), Hậu Thổ (đất) và tam vị Định phúc Táo quân (Thổ công Hà bá) như trong các bài tôi đã nói nhé.
Ở bàn thờ gia tiên, anh ghi "cung vọng Tiên tổ Trần tộc". Câu này chỉ dành cho con thứ thờ vọng. Anh là con trưởng nên ghi bài vị rõ ràng thì tốt hơn. Tất nhiên nếu trường hợp không biết gia tiên tên tuổi ra sao thì đành vậy. Cốt vẫn ở tâm thành.
Kính chúc phúc gia đình ta. |
|
|
|
Vũ Thị Ngọc Lan |
Dạ thưa Bác, hiện ở nhà cháu có tự lập ban thờ có ba bát hương (một bát hương thờ Phật, một bát thờ Thổ công,một bát thờ bà cô) ban thờ này do cháu nghe mọi người mách nên thờ vậy nên cháu tự lập để thờ, nhưng do chồng cháu không hiểu và nói không biết thờ ai nên cháu muốn xin để tháo bỏ trang thờ nhưng không biết làm thế nào và có nên không. vậy nhờ Bác chỉ bảo giúp cháu ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn Bác
Phlanhoa phản hồi
Nếu chỉ là đổ cát hay tro vào cắm hương lên thì nên bỏ cả ba bát ấy đi, vì vô thần vô tiên khi bát hương không có cốt hương. Sau đó bốc lại hai bát hương thờ thổ công và gia tiên để thờ. Bạn muốn theo Phật thì mời lên chùa vào ngày rằm mùng một. Thờ Phật chung với gia tiên là trái đạo, người xưa không để lại quy định nào thế cả ?
Thiết nghĩ đã có nhà cắm trên đất thì phải có thổ thần long mạch, còn mình sinh ra trên đời thì phải có cội nguồn tổ tông, sao chồng cháu lại bảo không biết thờ ai? Các thủ tục đều có trong bài viết, đọc kỹ sẽ hiểu. |
|
|
|
Nguyễn Ngọc Nguyên |
Tôi thấy việc bốc bát hương trình bày trên rất hợp lý. Tuy nhiên, khi áp dụng thì địa phương tôi ở hơi khó theo. Thứ nhất, tôi định bốc lại bát hương cho đúng, nhưng chỗ tôi hình như không có bán giấy mộc nhuộm đỏ gọi là "Tờ Hiệu" để ghi tên người được thờ tự. Vậy phải làm sao? Thứ hai, Chùm tua ngũ sắc thì mình mua chỉ đủ 5 màu như đã nêu để kết thành vậy có ổn không? Thứ 3, đồng tiền cổ bỏ vào bát hương thì tôi ra tiệm đồ phong thuỷ mua tiền xâu đồng có được không? Cuối cùng, việc nạp thần khí cho đồ thờ khó thực hiện được vì cả nhà tôi phải đi làm từ sáng đến chiều mới về, không ai canh đốt nhang xông 24/24 và liên tục 7 ngày được vì sợ hoả hoạn. Có cách xử lý nào trong 1 ngày không? Cám ơn đã quan tâm thắc mắc của tôi!
Phlanhoa phản hồi
Hầy zà, hỏi hơi kỳ !
Thờ cúng mà hơi khó chút là kêu ca ư? Bạn cần nhớ tôi chỉ là người đi tích cóp các yếu tố từ nhiều sách vở tổng hợp lại, nhằm mục đích giúp mọi người hiểu được thờ cúng như thế nào cho đúng, tránh bị thầy cúng lừa gạt, chứ tôi có là người đặt ra đâu mà có quyền sửa chữa?
1. Tờ hiệu thì cũng chỉ là một tờ giấy mộc nhuộm phẩm đỏ. Không có thì mua một tờ giấy màu đỏ rồi mua mực tàu viết vào, thậm chí in bằng máy vi tính vào cũng được nữa là.
2. Hình kết gọi là linh phù. Không kết cũng được nhưng chỉ đảm bảo được yếu tố ngũ hành. Kết hình linh phù thì linh hơn (tuy nhiên cũng cần nói rõ, đó là quan niệm cũ của nhân dân không xác định được đúng sai).
3. Thì đó là đồng tiền cổ đấy. Tiền đồng có giá trị trừ tà. Mua về cũng phải xông hương khử tà đã mới được dung nhé.
4. Một ngày thì không được. Bạn có thể chọn thời điểm nghỉ lễ để thực hiện mà. Nếu là bát hương thì có thể làm ngược lại, ngâm nước muối 7 ngày, xông hương một ngày cũng được
|
|
|
|
nga phạm |
ở nhà chồng con giờ đang thờ cả ông nội và ông ngoại mỗi ông 1 bát nhang. con để ý thấy không nhà nào ban thờ có 8 bát, mà nhà con lại thờ 8 bát nhang. không biết như thế có ảnh hưởng gì không.
Phlanhoa phản hồi
Chẳng có văn bản nào quy định bao nhiêu bát cả. Nhưng quá nhiều bát hương thì chỉ tổ nhọc lòng người trần gian ngày rằm mùng một thôi. Với cả lại hương khói nghi ngút quá cũng dễ làm bất ổn linh hồn. Ngọn khói vừa phải, nhẹ nhàng thanh tao trên hương án thì linh hồn mới bình an. Bạn thấy đấy, chùa chiền được coi là nơi linh thiêng, nhưng vào những ngày lễ cũng vẫn xảy ra dẫm đạp, đâm chém nhau...
Tôi cho rằng gia đình nên dồn lại 3 - 5 bát là phù hợp. |
|
|
|
Phạm Thanh Nga |
Em muốn hỏi ông bà ngoại có được thờ cháu không hay bố mẹ cháu và nhà nội cháu phải thờ mới đúng ạ. Nếu bà ngoại đã thờ rồi thì có sai không. Nếu sai thì phải làm thế nào ạ
Phlanhoa hồi đáp
Bà cô ông mãnh, chỉ có bố mẹ cháu sẽ thờ cháu thôi. Trường hợp bố mẹ cháu sau này mất đi thì anh, em của cháu sẽ thờ cháu. Ông bà nội ngoại không phải thờ. Rút ba chân hương và một chút cốt tro để vào bát hương bố mẹ cháu thờ cháu, các bát con lại bỏ xuống sông, hoặc chôn xuống đất không thờ nữa. |
|
|
|
Tạ Hà |
Cô cho phép em được hỏi : Em mới mua 1 căn nhà, nhà này chủ cũ đang cho thuê chứ không ở và người ta cũng không lập ban thờ, bây giờ em mua lại căn nhà đó em lại cho thuê tiếp, em sẽ làm lễ nhập trạch để báo cáo thổ công biết em là chủ mới, em có cần lập ban thờ không, cô tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn Cô.
Phlanhoa phản hồi
Theo tôi em nên lập một bát hương thờ Thổ công. Khi có ai đến thuê nhà thì cứ nói rõ bát hương là thờ thổ thần long mạch của căn nhà. Họ muốn thờ thêm gia tiên thì thắp hương khấn thổ công hà bá rồi để bát hương gia tiên bên cạnh. Khi thôi không thuê thì chỉ mang bát hương gia tiên đi, để lại bát hương thổ công. Sự thờ phụng ấy bình an được cho cả chủ và người thuê. |
|
|
|
Truong phuong linh |
Cháu chào bác. bác có thể tư vấn giúp cháu chuyện này với. Cháu mua ở Bát Tràng 1 bộ tranh gồm 3 tranh gốm sứ hình vuông, kích thước tầm 60x60, mỗi tranh lần lượt là các chữ Phúc, Lộc, Thọ bằng tiếng việt, đượcj viết theo kiểu thư pháp. vậy cháu treo ở phía trên ban thờ có phạm điều gì ko ạ? cháu mong nhận được hồi âm sớm từ bác vì khaongr chục hôm nữa nhà cháu lên nhà mới rồi ạ. Cháu cám ơn bác
Phlanhoa phản hồi
Treo cái gì lên án thờ tôi đã hướng dẫn rõ trong bài viết. |
|
|
|
leanh |
Kính gửi chị Phlanhoa
Tôi đã đọc bài viết của chị trên trang mạng về thờ cúng rất tâm đắc. Hiện tôi đang làm nhà mới nhưng hiểu không sâu và còn rất lúng túng trong việc thờ cúng trong nhà nhờ chị tư vấn cho. Năm nay tôi đã 53 tuổi (không theo đạo) là cháu ngoại trong gia đình có 4 thế hệ, các em gái đã có gia đình ở riêng. Bố tôi quê ở Nghệ An hy sinh lúc anh em chúng tôi còn nhỏ. Mẹ và anh, em tôi được ông, bà ngoại đùm bọc nuôi dưỡng nay ông, bà ngoại đã mất (2011). Ông bà ngoại có các cậu, các gì là anh, chị, em của mẹ và đều đã mất khi chưa xây dựng gia đình do chiến tranh, bom đạn chỉ còn lại một mình mẹ tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Trước đây khi chưa làm lại nhà mới thì trong nhà có 2 bàn thờ: 1 bàn thờ thờ ông bà ngoại và các cậu, các gì và 1 bàn thờ thờ bố tôi đều chung trong phòng khách. Nay (2015) tôi làm lại nhà mới trên nền nhà cũ của ông bà ngoại, nhà mà lâu nay 04 thế hệ chúng tôi (ông, bà ngoại, mẹ, vợ chồng tôi và các con) đã sinh sống hàng chục năm. Kinh phí xây nhà mới có một phần của ông, bà ngoại để lại. Nhà mới bố trí 1 phòng thờ riêng (kích thước 3,9m x 4,5m) nhưng tôi chưa biết phải thờ những ai, thờ những vị thần linh nào ngoài ông bà ngoại, các cậu các gì và bố tôi. Và phải lập bao nhiêu bàn thờ, mỗi bàn thờ có mấy bậc, mỗi bậc có bao nhiêu bát hương và sắp xếp như thế nào cho đúng? kính mong sớm nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của chị.
Phlanhoa phản hồi
Trước hết bạn hãy xem thử bên nội ngoài bố thì còn ai thờ ông nội, cố nội không? Nếu bên nội không còn ai thờ phụng thì coi như bạn là con trưởng, lại lớn lên nhờ nhà ngoại, nên cần phải hương khói cả nội lẫn ngoại. Và theo quy định, con trưởng phải thờ 3 thế hệ bên nội, tức Tằng tổ khảo (cố. cụ), Tổ khảo (ông nội) và Khảo (cha). Cho dù bậc gia tiên vì điều kiện nào đó không nuôi dưỡng khi còn sống thì cũng cứ nên thờ sẽ được hưởng quy luật "âm phù dương trợ". Như vậy bạn nên thờ như sau:
1. Bàn thờ: bạn chỉ cần cả thảy một bàn thờ, nhưng có 5 cấp; hoặc tách riêng 2 bàn thờ gồm: một thờ ngũ vị tài thần và một thờ gia tiên, tùy ý lựa chọn:
- Cấp cao nhất: thờ ngũ vị tài thần. Tầng này nên thiết kế rộng hơn để có thể bày lễ, bởi lễ ngũ vị tài thần khác với lễ gia tiên (coi chi tiết ngay trong bài viết).
- Cấp thứ hai: thờ tằng tổ (nếu Tằng tổ, và Tổ đã có chú hay bác thờ phụng rồi thì anh có thể bỏ 2 cấp thờ này).
- Cấp thứ 3: có 2 bát hương: bát thờ nội tổ (ông/bà nội) đặt bên trái (tức khi anh đứng đối diện để lễ bái thì bát hương ở bên tay mặt anh); bát thờ ngoại tổ (ông/bà ngoại) đặt bên phải.
- Cấp thứ 4: Thờ khảo (bố và sau này là mẹ nữa)
- Cấp thứ 5: Thờ Tiên cô tiên mãnh, tức các thế hệ chết trẻ của nhà ngoại.
Coi thêm ở các bài: Cấu trúc thờ cúng trong từ đường họ tộc để biết về các thế hệ trong gia đình |
|
|
|
Phạm Quang Vũ |
Chị PhLan Hoa thân mến.
Em cảm ơn chị nhiều vì chị đã dành ít thời gian trả lời cho em về việc đóng bàn thờ gia tiên thế nào cho đúng. Em thường hay lên trang Web của chị để đọc nhằm thờ cúng thế nào cho đúng.Lần này em xin hỏi chị một việc như sau mong chị dành ít thời gian trả lời cho em với. Em xin cảm ơn chị nhiều. Sự việc là: Khi Bố em còn sống có lập bàn thờ gia thần riêng gồm 03 bát hương và để trên một tran thờ treo trên gian nhà ngoài. Còn gian giữa là thờ gia tiên (Ông Bà nội, Bà cô, Ông Mãnh). Nay Bố em đã mất, em muốn đóng mới 01 bàn thờ để quy về một chổ vừa tiện thắp hương, đở leo trèo. 03 bát hương đặt ở tầng thấp nhất của bàn thờ để cho dễ thắp hương. (3 bát đặt trên 01 kệ cao thấp khác nhau như chị đã hướng dẫn). Ý của em là tại bàn thờ gia thần em lấy mổi bát hương 03 chân nhang (9 chân nhang) cắm vào 01 bát hương mới đặt ở vị trí cao nhất trên kệ. Còn lại bát hương thờ ông nội thì biết rồi.03 bát hương còn lại không biết chắc chắn là của ai vì không có di ảnh, bài vị gồm: (Mệ nội, thúc bá (chưa có gia đình; Bà cô (chưa có gia đình); em trai (mất khi còn nhỏ). Em định mời thầy về làm lễ tuy nhiên phải xác định cho chính xác để lấy chân hương đặt vào 02 bát hương mới là bát hương gia tiên và bát hương Bà cô, Ông mãnh cho dù có mời thầy cúng đến. Trong trường hợp này em mong chị góp ý cho em với chị nhé. Em có hỏi mọi người trong nhà nhưng không ai biết chính xác. Một lần nữa em xin cảm ơn chị nhiều. Em Vũ
Phlanhoa phản hồi
1. Gom 3 bát hương thờ thần linh làm một là điều nên làm. Thần linh trong ngôi nhà thuần Việt xưa nay chỉ có Việt Nam Hoàng Thiên (Trời); Việt Nam Hậu Thổ (Đất); và 3 vị tam tài Định Phúc Táo Quân (hay còn gọi là Thổ công Hà bá). Tổng cộng lại là Ngũ vị Việt tài thần.
2. Cách nhận biết các bát hương như sau:
Bước 1: Bát hương trước bài vị tên ai thì của người đó. Bạn chỉ cần nhìn nhận bát hương của Mệ nội thôi.
Bước 2: Kiếm hai trự tiền đồng (tiền đồng cổ), quy ước mặt âm, mặt dương cho tiền đồng, xâu hai đồng tiền chập vào nhau vào một sợi chỉ làm sao cho hai mặt âm dương đối diện. Sợi chỉ dài khoảng một gang tay.
Bước 3: Quay tiền đồng xác định đúng sai: Bạn đừng trước bát hương, ngón tay trỏ và ngón tay cái của tay phải cầm đầu mút sợi chỉ dơ lên ngang bát hương, làm sao cho hai đồng tiền đung đưa ngay phía trước bát hương (cách 15cm để khi đồng tiên quay không va vào bát hương) và khấn niệm: Thưa Mệ nội, bát hương này có đúng của Mệ không? nếu đúng thì Mệ cho trự tiền quay vòng theo chiều kim đồng hồ; nếu không đúng thì xin mệ khiến đồng tiền lắc ngang để con được biết.
Ghi nhớ là cánh tay bạn phải cứng lại không động đậy. Sợi chỉ sẽ tự động quay đồng tiền sau khi bạn khấn niệm. Nếu đồng tiền quay vòng thì đúng bát hương của mệ nội, nếu lắc ngang thì hỏi sang bát khác. Đúng rồi, thì cũng cẩn thận hỏi lại 3 lần. Nếu cả 3 lần đều quay vòng thì chắc chắn đó là bát hương Mệ nội.
Mệ nội tức bà nội đúng không? Vậy theo tôi nên nhập bát hương mệ nội và ông nội làm một, gọi là bát hương Tổ
Những bát hương còn lại không cần phải xác định nữa, vì theo bạn nói thì họ đều là người chưa có gia đình, nên đều thuộc hàng Tiên cô tiên mãnh, tất cả nhập chung vào một bát, hương khói cho tiện.
3. Cho dù bạn nhập cả thần tiên vào một hương án, thì vẫn phải nhớ lễ cúng thần và lễ cúng tiên khác nhau:
Lễ cúng thần gồm: Gạo, muối, nước lã, hương, đăng, hoa quả, trầu cau
Lễ cúng gia tiên: cỗ mặn, ngọt, vàng mã, gạo muối, nước trà (không phải nước lã như cúng thần) và các thức khác tùy tâm của hậu duệ
Như vậy, tầng cao nhất bạn phải thiết kế để có đủ chỗ để các lễ cúng Thần riêng ra, chứ không chung đụng vào lễ cúng gia tiên nhé. Khi nhà có giỗ, bạn phải sắm lễ cẩn cáo Thần linh từ đêm hôm trước để xin phép cho linh hồn gia tiên được về hưởng lộc con cháu.
Chúc bạn sớm gặp điều tâm linh.
|
|
|
|
Phạm Quang Vũ |
Thưa Bác em đang đóng mới 01 cái bàn thờ (ở quê gọi như vây) với 5 bậc được bố trí như sau: Bậc cao nhất thờ gia thần; bậc tiếp theo thờ ông Bà nội; bậc tiếp thờ bố ruột; bậc tiếp thờ thúc bá, cô; bậc tiếp thờ sa sẩy, đồng hàng và cuối cùng là bậc để thức ăn, đồ cúng cơm. Vị chi là phải 5 bát hương. Cho cháu hỏi như thế có đúng không, cháu mong Bác chỉ dùm. Cháu cảm ơn Bác nhiều
Phlanhoa hồi đáp
Không đúng rồi bạn à.
Hàng thúc bá nhé:
- Nếu chú bác của bạn mà có gia đình thì vợ con họ thờ chính chứ không phải gia đình bạn;
- Còn nếu chú, bác là người chưa lập gia đình thì xếp chung vào hàng bà cô ông mãnh một bát hương (đọc bài "bà cô ông mãnh là ai" để biết nhé);
- Trường hợp chú bác có gia đình, nhưng vì một lý do nào đó không còn người thờ phụng, thì bát hương được để ngang hàng với bố. Hoặc chung bát hương với bố.
Như vậy cả thảy chỉ có 4 bậc thờ phụng thôi. |
|
|
|
nguyen thi hoa |
Chồng tôi là con thứ , con trưởng mất đã lâu, chồng tôi công tác xa quê, ở nhà còn em trai đang thờ tổ tiên, thừ mẹ chồng tôi. Tôi đac xin chân hương vè nhà lập bát hương thờ mẹ chồng.Nay bố chồng tôi mất chưa được 49 ngày, xin hỏi tôi có xin chân hương về thờ bố cùng bát hương thờ mẹ được không ?Tôi rất mong được trợ giúp ngay, tôi xin cảm ơn nhiều
Phlanhoa phản hồi
Trong bài thờ cúng tôi đã nói rõ: Người mới mất phải thờ riêng đến khi hết khó mới được nhập vào bát hương thờ gia tiên chung. Nay bố chồng chị mất chưa qua 49 ngày thì chưa được, phải 3 năm sau hết khó mới xin chân hương được chị à. Bởi theo quan niệm duy tâm thì những linh hồn mới mất không đi xa được, nên chị dẫu có tâm thờ ông cụ nhà ta cũng chưa đủ công năng đi mây về gió ra khỏi làng xóm. Cho nên hành động âm phù dương trợ (thờ cúng, cầu nguyện) chỉ thực hiện được ở trong phạm vi địa phương chôn cất người chết. |
|
|
|
nguyễn văn an |
Con chào cô, cô cho con hỏi là 2 vợ chồng con ở trọ, giờ con muốn thờ ngũ vị tài thần. Nhưng theo cô nói là khi bốc bát hương phải lấy đất trước cửa nhà, nhưng con ở trọ thành phố, trước phòng trọ đều lát gạch thì phải làm sao ạ. Nếu không có thì con lên chùa để bốc bát hương được không ạ
Phlanhoa phản hồi
Thì xin phép chủ nhà dỡ một vài viên gạch lên lấy đất xong rồi hàn lại cho đẹp đẽ như cũ thì được mà. Ngũ vị tài thần ở ngay mảnh đất nhà bạn trọ, chứ ở đâu trên chùa mà thỉnh? Có phải cái gì chùa cũng cho mình được đâu? |
|
|
|
Nguyễn Nhật Trường Duy |
Kính gửi cô Phlanhoa.
Mong cô hướng dẫn cho em lập được bát hương thờ mẹ cho đúng. EM thì không biết cha là ai, chỉ biết có mẹ. Mẹ em mất cách đây hơn bốn năm rồi (19/5/2011 tức 17/4/ Tân mão, hưởng thọ 74 tuổi). khi mẹ em mât thì cũng không có biết mà làm đúng như cô chỉ. Chỉ có làm cầm di ảnh, bát hương khi chôn và sau đó đem về nhà thờ, hai năm sau xả tang, thì bát hương khi mất của mẹ em được thay bang bát huong, cũng không làm thủ tục gì. Nay đọc bài thấy phải có dih hiệu của Người đã mất thì mới linh, em cung không biết cách ghi như thế nào, em muốn tự tay em lam cho mẹ, để đúng với lễ nghĩa, ghi nhớ công ơn của mẹ đã dưỡng dục. Ngoài ra trên bàn thờ nha em còn thờ một ngườii anh, mất lúc còn nhỏ rất lâu rồi, ngoài phan thiết. Rất mong cô hướng dẫn chi tiết để em lập lai 1 bát hương để thờ mẹ và anh, xin cám ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Bạn Nguyễn Nhật Trường Duy thân mến
Giọng văn thể hiện bạn là một người con có hiếu và có trách nhiệm. Trong mục Việt Thường phong tục ngoài bài viết này, thì các bài khác đều liên quan đến việc thờ cúng. Bạn nên tranh thủ đọc hết lượt sẽ thấy có đủ từ cách lập bát hương, bài vị, bài trí bàn thờ, mâm lễ, bài khấn, vv.. có đủ cả. Cách ghi bài vị ở đây
Đọc hết đi đã rồi còn thắc mắc chưa hiểu tôi sẽ trả lời tiếp.
|
|
|
|
Nguyễn Văn Ánh |
Kính gửi chị Phan Lan Hoa.
Trước hết xin cảm ơn chị rất nhiều đã trả lời câu hỏi trước của tôi ! Hôm nay tôi có một việc xin hỏi chị và nhờ chị hướng dẫn giúp để tôi lo thờ cúng tổ tiên sao cho đúng phép:
1/ Tôi là con trai đời thứ 10 của dòng tộc nhà tôi, nhưng tất cả những người con trai của các chi, nhánh bên trên tính đến nay không còn một người nào. Nếu tính ở đời thứ 10 thì hiện nay tôi là người con trai có vai vế lớn nhất trong dòng họ ( có thể nói là đích tôn đới thứ 10). Xin hỏi : Tôi có được phép kế vị nhiệm vụ Trưởng tộc hay không ?
2/ Nếu được phép kế vị trưởng tộc và trưởng chi thì tôi sẽ giữ 3 nhiệm vụ là Trưởng tộc, trưởng chi và trưởng gia. Như vậy nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên của tôi là : Thờ tất cả từ Thủy tổ, tiên tổ và các vị cấp dưới từ cao tổ đổ xuống không còn ai thờ phụng. Nhiệm vụ này hiện nay có nhà thờ tổ của dòng họ cũng đang thờ như vậy. Song song là nhiệm vụ thờ cụ tổ chi và Tằng, tổ, khảo nhà mình. Riêng nhà thờ chi thì chưa có nên tôi bây giờ muốn lập ban thờ chi và ban thờ Tằng- Tổ- Khảo tại nhà riêng của tôi. Vì tôi là trưởng tộc nên cũng phải thờ Thủy tổ, tổ chi tại nhà mình (?). Trong trường hợp này tôi xin chị tư vấn giúp : Khi lập ban thờ tại tư gia thì nên cấu trúc bàn thờ tại tư gia như thế nào cho đúng để vừa làm tròn trách nhiệm của Trưởng tộc, trưởng chi và trưởng gia nhưng sao cho bàn thờ nhìn vào nhẹ nhàng gọn gàng nhưng vẫn tôn nghiêm và đầy đủ trọng trách với gia tiên. Ý của tôi muốn hỏi là Ban thờ có nhất thiết phải lập 3 điện là Thượng, Trung, Hạ điện hay không ( ý tôi là nhà thờ tộc họ thì phải làm 3 điện nhưng ở tư gia thì nên hay không cần phải như vậy)? -Trường hợp có điều kiện về tài chính, diện tích nhà mà lập 3 điện thì bát hương của Tằng - Tổ - Khảo nhà tôi sẽ đặt ở điện nào? - Trường hợp không lập 3 điện thì các bát hương của Thủy tổ,Tiên tổ , Cao tổ, Tổ chi và của Tằng-tổ - khảo phải thu xềp thế nào cho vừa gọn gàng đơn giản nhưng đầy đủ, đúng phép lễ nghĩa tôn nghiêm ? Rất mong chị thông cảm và giúp đỡ. Chân thành cảm ơn ? Nguyễn Văn Ánh.
Phlanhoa phản hồi
1. Tôi có được phép kế vị nhiệm vụ Trưởng tộc hay không ?
Hỏi lạ? Tập quán người Việt xưa nay quy định rõ ràng “ĐÍCH TÔN LÀ NGƯỜI KẾ NHIỆM TRƯỞNG TỘC”. Đích tôn không kế nhiệm trưởng tộc chỉ trừ khi người này từ chối nhiệm vụ và tỏ ý uỷ nhiệm cho người khác; Hai là đích tôn mất sớm thì người em trai kế đích tôn giữ quyền đích tôn. Tức là một dạng cha truyền con nối. Như vậy anh hiển nhiên là trưởng tộc, ngoại trừ bố anh đang sống.
2. Mỗi khi đã xác định anh là trưởng tộc thì nhà thờ họ phải do chính anh quản lý và tất nhiên phải thờ tất thảy các chư vị tiên linh của gia tộc. Suy ra các vị thuỷ tổ, tiên tổ đã được chính tay anh chăm sóc.
3. Không nên thành lập nhà thờ chi họ, bởi các vị trưởng tộc khi mất được để bát hương trong nhà thờ họ. Nếu chi anh là chi trưởng, hiển nhiên cả cao, tằng, tổ, khảo đều là trưởng tộc. Như vậy hương án gia tiên được lập bình thường như các gia đình khác. Riêng các chú thì có con cái họ thờ phụng. Thủ tục lập hương án xem tài bài "Thờ cúng trong nhà như thế nào cho đúng".
4. Thượng, trung, hạ điện là tính trong nhà thờ họ. Còn trên hương án gia đình cũng đủ "Tam cấp", nhưng nhỏ hơn nên không gọi là điện, thường đã được người đóng tủ thờ bố trí sẵn tam cấp rồi.
Có lẽ anh nên đọc kỹ lại hết tất cả các bài viết của tôi trong mục “Việt Thường phong tục” sẽ thông tỏ các vấn đề còn lại.
Ơ… nhưng mà tôi không phải thầy đâu nhé, chỉ tư vấn thôi đấy.
Chúc anh thanh công trong sự nghiệp thờ cúng.
|
|
|
|
Nguyễn Quang Vinh |
Chào cô, xin phép cô cho em hỏi về vấn đề thờ gia tiên và Phật trong nhà em. Em 40 tuổi là tộc trưởng, có nhà thờ họ ở quê nhưng ở gia đình em thờ ông bà, 2 bác và bà cô đều chết trẻ và bố em. Vợ chồng em ở cùng mẹ, mẹ em theo Phật thờ Phật có lập bát hương và bàn thừ bên cạnh thờ tổ tiên. Vừa rồi có thầy ở ngoài bắc về làm nhà thờ cho bên ngoại có đến nhà xem bảo ko nên lập bát hương thờ Phật trong nhà vì em là con trưởng và một vài lý do khác. Riêng em thì cũng không muốn thờ Phật vì thực tâm mình chưa đầy đủ và chu đáo lắm. vậy em hỏi cô như thế nào cho đúng ạ, em đang hoang mang lắm.
Phlanhoa phản hồi
Em cần giải thích cho mẹ em hiểu. Phật là người chay tịnh, nếu để Phật trong phòng thờ gia tiên thì khi bày cỗ mặn trước mặt Phật là lỗi đạo của người theo Phật. Còn nếu chỉ bày cỗ chay thì lỗi đạo gia tiên. Nếu bà muốn thờ Phật thì nên bố trí ở một phòng khác. Nhưng xưa nay Phật ở trên chủa. Dạo mấy năm gần đây bỗng nhiên các nhà có phong trào rước Phật về tại gia, tôi thì tôi cho là lỗi đạo cả hai đường, lỗi đạo gia tiên và lỗi cả đạo Phật !?
Nhưng tôi cũng khuyên bạn, đừng ép mẹ từ bỏ ngày sung tín của mình khiến bà bất an trong lòng là lỗi đạo bất hiếu. Nên nhẹ nhàng thuyết phục dần dần, nói nhỏ với thầy, nhờ thầy thuyết phục dùm, chuyển bàn thớ Phật sang vị trí mới thanh tịnh hơn cho mẹ yên tâm. tóm lại là nên xử trí kheo khéo nhé. |
|
|
|
Trần Xuân Thành |
Thưa cô! con làm theo chỉ dẫn của cô, nhưng có một chỗ cô nói gói cả tiền vào trong giấy trang kim, cô có thể nói rõ hơn tiền ở đây là loại tiền gì và số lượng bao nhiêu không ạ? Con cám ơn cô
Phlanhoa phản hồi
Là tiền âm phủ bạn à, một tờ xanh, một tờ đỏ, loại có số 5 ở đầu, ví dụ như 50 ngàn, 500 ngàn ... |
|
|
|
Le đình Nghia |
Chào chị. Em muốn hỏi chi một việc xin chị giúp. E nhờ thầy boc bát hương nhưng ông thầy lại bốc.bát hương gia tiên to nhât đặt ở chính giữa và thấp nhất,bát ba tổ cô to bằng bát thổ công va cao hơn gia tiên,bat thổ công cao nhất nhưng to bằng bà cô.va e muốn đổi đế chân hương e có phải nhờ thầy cúng in vị nữa không.hay e tự khấn.e làm sau ngày 23 thang chap co được không. Mong chị giúp e với.
Phlanhoa phản hồi
Bạn phải tự tay làm lấy. Bài viết của tôi là để giúp mọi người có thể tự làm mà không phải nhờ thầy, vì mọi người nhờ thầy rồi không biết họ bỏ gì vào trong, mà cứ thế cúng thì khôngan tâm? Khi làm bát hương xong, tên tuổi gia tiên đã được định vị trong bát hương rồi, chỉ cần bạn thắp hương cắm vào và khấn nguyện theo lòng thành của mình. Chậm nhất sau 360 ngày sẽ thấy ứng nghiệm, tin tôi đi, với điều kiện bạn đọc bài cho kỹ, làm cho đúng những gì tôi viết trong mục "Việt Thường phong tục".
Bà cô dù linh mấy cũng không thể để cao hơn bát hương gia tiên được, bởi đó là đạo lý.
Chúc bạn sáng suốt |
|
|
|
Nguyễn An Hòa |
Nhà thờ họ tôi ở Nghệ An, bố tôi là tộc trưởng nên nhà thờ họ đại tôn đặt trong vườn nhà. Bao gồm nhà thờ Thượng đường và hạ đường. Nay tôi muốn hỏi thêm về cách sắp đặt bát hương, bố trí hương án và các dòng thờ trong và ngoài nhà thờ. Hiện nay theo cha ông để lại thì nhà thờ chỉ có 1 hương án và 3 bát hương. Trong nhà thờ có 3 dòng, dòng giữa có 1 hiệu bụt khi tế thường xuất chủ và nạp chủ ở đây cho tôi hỏi có phải là nơi thờ thủy tổ và các vị tiền nhân ( dòng họ tôi tính đến đời tôi là 10 đời)? Và cho tôi hỏi có phải phía hữu là thờ bà cô ông mãnh, phía tả thờ tam tài? Vị trí hương án hiện tại đặt chính giữa của nhà thờ thượng đường, trên có 3 bát hương, 1 cái ở giữa lớn, 2 cái hai bên bằng nhau và nhỏ hơn . Vậy cho hỏi tôi có nên thêm 1 cái hương án nữa đặt ở Hạ đường để khi tế thì tổ chức ở dưới Hạ đường kg? Và bát hương như vậy đã đúng chưa? Tôi dịnh lập 1 điện thờ ở ngoài để thờ thiên địa có nên kg? Một vài thắc mắc vì tôi là bậc hậu sinh ( mới hon 40 1 chút ) nên kiến thức về thờ cúng còn hạn chế. kính mong Phanhoa bớt chút thời gian chỉ bảo. Chân thành cảm ơn.
Phlanhoa phản hồi:
Mời bạn coi tiếp cho hết các bài hướng dẫn trong mục "Việt Thường phong tục", sẽ thông tỏ chính câu hỏi của bạn, bắt đầu từ link này |
|
|
|
Bùi Mỹ Linh |
Cô Phlanhoa kính mến!
Trước thêm năm mới Ất Mùi, cháu trân trọng kính chúc cô cùng gia đình An Khang Thịnh Vượng! Cô kính mến! Ông bà nội cháu sinh được 9 người còn (05 Nam + 04 Nữ. Bố cháu là út). Tuy nhiên, hiện bố mẹ cháu và các cháu hiện đang sống trên đất hương hoả của gia đình vì các bác trai nhà cháu được ăn học và đi công tác và cớ nhà riêng ở xa quê. Vừa rồi bác cả cháu có về mua đất của một gia đình thuộc dòng họ khác và xây nhà để ở và thờ gia tiên tại quê nhà. Tuy nhiên xây xong bác không ở đó thường xuyên (thậm chí có những ngày giỗ cụ, kỵ ...) cũng không về quê. Nhiều bác, bá và các cô chú khác đi góp giỗ nhưng không gặp bác rồi lại đành ra về. Vậy cháu kính hỏi cô bố cháu có thể thờ gia tiên trên đất hương hoả giống như vai bác Trưởng cháu được không? Cháu là trưởng nam của bố cháu vậy sau này cũng ở trên đất hương hoả của ông bà nội cháu thì cháu có thể thờ gia tiên như thế nào cho đúng ạ? Cháu kính mong cô hướng dẫn, giúp đỡ cháu. Một lần nữa cháu kính chúc cô cùng gia đình sang năm mới an lành, hạnh phúc!
Phlanhoa phản hồi
Bạn Bùi Mỹ Linh thân mến.
Chiểu theo quy định, vai vế của bác cháu và cháu khác nhau. Cháu chỉ có thể thay thế bác khi có sự uỷ quyền của bác cho cháu. Tất nhiên nếu cháu có lòng thành muốn được thờ gia tiên, cháu vẫn có thể tự lập hương án. Nhưng nên hiểu đó không phải là thờ chính thức mà thờ vọng. Ngày giỗ, ngày rằm nếu không có bác ở quê đứng ra tổ chức, thì mỗi gia đình có thể bày lễ tại nhà mình, chỉ khác là không được tự đứng ra thu tiền góp giỗ của các cô chú trong họ hàng, bởi đó là vai trò của bác trưởng. Cũng giống như trên dương thế, bố ở nhà con trai cả, nhưng thỉnh thoảng con thứ cũng có quyền đón về nuôi dưỡng, chăm sóc vậy...
Nhưng theo tôi, bố cháu có thể đề đạt với cô chú, anh em trong họ họp lại bàn bạc rồi có ý kiến với bác để uỷ quyền trông nom cho một người có uy tín và ở quê thường xuyên, để từ đường được chăm sóc hương khói thường xuyên. Như thế phải đạo trên dưới và đoàn kết gia tộc cao hơn. |
|
|
|
Hà Lã |
Xin cô cho cháu hỏi về việc sửa sang bát hương và việc thờ cúng. Cháu sống cùng bố mẹ chồng, mọi việc thờ cúng bố chồng cháu quyết định nhưng nhiều khi cháu thấy không hợp lí nhưng phận làm con dâu cháu không nói.Bố chồng cháu cứ khi nào bát hương chỉ hơi nhiều chân hương( cháu hay thắp nên hương cuộn đẹp và nhìn ấm cúng)thì bố chòng cháu lại nhổ đi và lấy cả tro đổ bớt đi chỉ để vơi.cháu thấy làm như thế nên hương khói lạnh lẽo.Bố cháu khi cúng thì chỉ mua tiền không mua vàng vậy theo cô như thế có saokhông ạ.mong cô chỉ giáo.cháu cảm ơn cô
Phlanhoa hồi đáp:
Về lễ, tùy ở lòng thành, gia tiên nào có ép buộc mình phải mâm cao cỗ đầy. Tỉ như nhà nghèo có mỗi nắm cơm với muối bày lễ thì sao? Cháu là con dâu có thể nhận phần đi mua đồ lễ thay bố được mà, nếu thấy không ổn.
Về phần chân hương, sửa sai người già là hơi khó, coi chừng mếch lòng. Tốt nhất là cháu tìm cách cho bố đọc bài này, may ra qua đọc ông cụ sẽ tự thấy. Tất nhiên, nếu cụ không nghe thì cũng đừng lấy đó làm quan trọng hóa vấn đề. Cháu có thể cáo lỗi trước hương án gia tiên rằng lễ chưa chu đáo vì phải tùy đạo dâu con, thế cũng đủ rồi. Đạo sinh từ tâm cháu ạ. Linh hồn gia tiên cũng là những linh hồn có đạo và tình yêu thương như cha mẹ trên trần gian, sẽ hiểu được tấm chân thành của mình.
Chúc năm mới vui vẻ và hạnh phúc nhé. |
|
|
|
Phạm Xuân Thắng |
Tôi muốn soạn các bài khấn mẫu cho mọi người trong gia đình. Ví dụ như tôi khấn, vợ tôi khấn, con trai tôi khấn hoặc con dâu tôi khấn. Như vậy, cách gọi các bậc gia tiên là khác nhau. Như vậy xin Cô hướng dẫn cụ thể cách gọi như thế nào cho đúng.
Xin cảm ơn Cô |
|
|
|
Trương Văn Thao |
Chào cô! Cháu muốn hỏi cô vấn đề. Cháu là con trai thứ, sắp cưới và được chuyển sang ở nhà riêng. Bố mẹ cháu có bàn thờ tổ tiên khá là to đẹp, nhưng anh trai trưởng cháu (ở nhà riêng khác) thì lại có bàn thờ nhỏ và là bàn thờ kiểu treo (bắn bàn thờ gắn vào tường). Vậy cháu muốn hỏi cháu muốn sắm bàn thờ 4 chân như kiểu của bố mẹ cháu nhưng nhỏ hơn bàn thờ của bố mẹ cháu 1 chút thôi (to hơn của anh trưởng) có được không ạ? anh em cháu đi thoát ly hết nên nhà nào cũng có bàn thờ riêng. Bố mẹ cháu còn sống.
Phlanhoa phản hồi
Chào cháu. Như trong các bài cô đã viết, trên dương thế, nhà con to hơn nhà bố là chuyện bình thường. Và con có nhà lầu xe hơi, mà bố mẹ vẫn ở nhà tranh trong quê thì sao. Sự linh thiêng không nằm ở bàn thờ to hay nhỏ. Cháu có thể lập bàn thờ to hơn của bố cũng chẳng sao, tùy vào diện tích nhà mình khang trang cỡ nào, thì nơi thờ phụng phải tương đương với gia trang cỡ đó.
Vậy vấn đề là coi kỹ mục nhiệm vụ thờ cúng xem mình được phép thờ các cấp bậc nào? để lập bát hương cho đúng đạo lễ, đó mới là vấn đề đáng quan tâm.
Chúc cháu vui vẻ và sáng suốt. |
|
|
|
Nguyễn Thị Thắm |
Cháu chào cô ạ! cháu đang rất rối trí và không biết phải làm thế nào. Do điều kiện không cho phép nên cháu đã bỏ thai 1 lần, đến khi cháu có bầu lại thai nhi được 6 tháng lại bị lưu.Hiện cháu đã có 1 bé trai 2 tuổi,nhưng hơn 1 tháng nay bé cứ khóc suốt đêm không chịu ngủ.cháu cho đi khám thì nói không bị bệnh gì, ban ngày bé chơi rất ngoan chỉ đêm đến là không ngủ và khóc khan cả tiếng. cháu đi xin thẻ trên đền và coi bói thì nói là có 2 vong âm mất trẻ về quấy phá nên bé không ngủ. Bây giờ cháu muốn lập bàn thờ gồm 2 cháu đã mất và 1 ông mãnh (anh trai của bố cháu bé)vào chung 1 bát hương được không ạ? cháu vẫn ở chung với bố mẹ chồng thì có được lập bàn thờ ở phòng mình ở không và có phải bốc bát hương thổ công nữa ko ạ? cháu muốn khấn để 2 cháu bé được siêu thoát nhưng không biết phải khấn thế nào cho đúng? cô có thể cho cháu bài khấn được ko ạ, cháu còn trẻ thiếu hiểu biết mong cô giúp đỡ cháu. cháu cảm ơn cô!
Phlanhoa phản hồi
Trẻ khóc đêm không dính dáng gì đến ma quỷ cả cháu à. Với kinh nghiệm nuôi con của tôi, Có các nguyên nhân sau đây:
- Trẻ có triệu chứng còi xương, thiếu canxi, hoặc phần lưng trẻ nhiều lông coặm gây ngứa;
- Giường chiếu chăn màn quá ấm hoặc quá phong phanh, thiếu thơm tho...
- Vị trí giường ngủ của bé đúng vào vị trí "sa" của căn nhà, hoặc quá gần với bếp nấu, hôi hám làm cho bé khó ngủ. (Trong nhà thường có sa khí và nguyên khí, sa khí là độc khí thì xấu, nguyên khí là sinh khí nên tốt cho sức khỏe con người)
Bạn cần kiểm tra lại các trường hợp trên. Có thể dùng là dâu tằm và lá vông nem non nấu canh cho con ăn để dễ ngủ, khử sa khí bằng cách mua vài lạng trà để vào một cái rổ, để vào góc phòng để trà hút mùi ẩm mốc, tạo nên không khí trong lành cho căn phòng.
Đó là nói về trẻ, còn nói về bà cô ông mãnh là ai thì tôi đã nói cụ thể trong bài rồi, không nói thêm nữa. Bạn đang ở trong nhà chồng, mỗi căn nhà chỉ có duy nhất một nơi thờ phụng thôi. Con bạn là bà cô ông mãnh nhà chồng... |
|
|
|
Nguyễn Hồng Cường |
Chào chị! Tôi mới xây nhà xong và cho thuê cả nhà luôn, xin hỏi chị nếu thế có cần làm thủ tục nhập trạch hay lập bàn thờ không ạ?
Phlanhoa phản hồi
Có chứ. "Nhập gia tuỳ tục". Bất kỳ ai, dù ở trong một ngôi nhà nào, chính chủ hay ở thuê, cũng đều phải năng hương khói cho Thổ công khu nhà đó. Chủ nhà vẫn là anh, nên anh phải lập bát hương thờ Định phúc táo quân (hay còn gọi là thổ công hà bá) nơi khu đất đó. Và nói rõ cho gia chủ đến thuê biết bát hương đó là thờ thổ công của ngôi nhà đó, để họ thắp hương. Họ có thể đặt thêm bát hương thờ vọng gia tiên nhà họ. Khi dọn đi không ở nữa, họ chỉ được mang bát hương gia tiên đi, còn bát hương thờ thổ công thì phải để lại.
Xin lưu ý, mỗi ngôi nhà có chủ, đều có một thổ công riêng, và bất kể là chính chủ hay chỉ ở thuê, thì cũng đều phải hương khói khấn nguyện thổ công của ngôi nhà đó để ăn ở được yên lành, phù trợ về lộc tài.
Có bạn hỏi: Vậy người ở thuê có rước mất lộc của chủ nhà không?
Xin thưa: Hoàn toàn không. Thậm chí bát hương năng hương khói thì không chỉ người ở thuê, mà chủ nhà dù không ở cũng có người ở thuê hành đạo giúp mình chu đáo, sẽ được thêm phúc phần. |
|
|
|
Phạm Thị Thanh Thúy |
Cháu chào cô ạ. Cháu có một băn khoăn cần được cô tư vấn ạ. Chồng cháu theo đạo Thiên chúa. Gia đình nhà cháu thì thờ ông bà tổ tiên, và thổ công. Cháu sắp tới sẽ xây nhà riêng. Chồng cháu thì muốn có bàn thờ thiên chúa. Cháu thì muốn thờ thổ công. Cháu muốn hỏi cô là trong một nhà có nên có bàn thờ chúa và bàn thờ thổ công không ạ? Nếu có thì nên làm thế nào a? Và cháu cũng không biết thờ thổ công thì nên khấn vào ngày rằm, mùng 1 thế nào cho đúng ạ. Trong đạo thiên chúa không cho đốt tiền vàng. Cháu còn trẻ và không biết nên làm thế nào cho đúng ạ. Bố mẹ đẻ cháu là người Lương. Bố mẹ chồng là người Đạo. Cháu cảm thấy rất khó ạ. Cháu rất mong cô tư vấn ạ. Cháu cám ơn cô nhiều lắm ạ
Phản hồi của Phlanhoa
"Qua sông thì phải lụy đò". Tập tục của người Việt là "Gái theo chồng". Cháu có thấy mấy ai lấy chồng mà thơ cúng nhà mình đâu cháu, ngoại trừ gia đình bên mình không còn người hương khói. Cháu thờ cúng theo ý chồng chứ cháu ? |
|
|
|
khổng Vũ Thành |
Cháu chào cô Hoa!Cháu có chuyện nhờ cô tư vấn giúp. Nhà thờ họ tộc của họ cháu trước kia được xây dựng bằng gỗ nhưng vào giai đoạn chiến tranh loạn lạc trước những năm 40 bị hỏa hoạn các cụ khi đó có chạy bát hương, thần chủ sang nhà thờ bản chi; nay họ có nguyện vọng tách ra để thờ phụng nhưng bây giờ không còn ai biết rõ bát hương này thờ ai cấp bậc như thế nào. Vậy có nên mở cốt ra xem để có thể biết rõ chân linh được thờ như thế nào không. Đây là vấn đề phức tạp có liên quan đến họ tộc mong cô tư vấn giúp ạ
Phlanhoa hồi đáp
Nhìn vào thần chủ đi kèm bát hương, thì biết bát hương đó thờ ai bạn nhé. Thần chủ hay còn gọi là bài vị (tôi đã có nói trong bài)
Gửi các bạn đọc khác
Phlanhoa không phải là thầy bói và vidamdodua.com không phải trang coi bói. Bài tôi viết với mục đích mong các bạn đọc kỹ và tỉnh ngộ, đừng quá u mê vào việc bói toán, dẫn đến thơ cúng không phải lối, tiên mất tật mang. Bởi vậy xin miễn trả lời các câu hỏi ở dạng coi bói. Mong các bạn thông cảm.
Kính chúc các gia đình năm mới an khang thịnh vượng. |
|
|
|
Tạ Thị Y |
Gia đình tôi mới sắm được án gian thờ. Trước đó,khi sơn nhà đã thắp hương xin hạ bàn thờ và bát hương xuống. Nay muốn đặt bát hương lên bàn thờ mới, có đổi vị trí và hướng khác với ban thờ cũ, thì phải làm thế nào? Xin chị giúp đỡ. Tộ xin chân thành cảm ơn!
Phlanhoa phản hồi
Cảm phiền chị đọc cho hết các bài viết trong mục Phong tục tập quán. Phlanhoa đã hướng dẫn đầy đủ kể cả phương thức đổi bát hương cũ sang bát hương mới, cách cúng bái... đều đã rất chi tiết.
Đừng quá lo lắng, linh hồn tổ tiên có thể đọc được suy nghĩ của ta, nên chỉ cần lòng thành là sẽ nhận được sự cảm thông của tiên tổ. Chị cứ chọn ngày lành tháng tốt, đặt bát hương lên, làm một mâm lễ mọn lòng thành khấn vái là được thôi.
Chúc chị và gia đình hạnh phúc an khang, luôn gặp điều may mắn. |
|
|
|
Nguyễn Nam Thắng |
Kính gửi ông Phlanhoa! tôi hiện nay đã lập gia đình và sống tại Đà Nẵng, quê quán tại TP Vinh(Nghệ An)sinh năm 1952. Vừa qua tôi có về quê có đi xin gặp người cõi âm gồm: cha, mẹ,anh trai. Họ nói bảo lâu nay nhà tôi thờ cúng nhưng bị người ngoài lấn người trong nhà không vào được, các người âm trên bày về nhà thờ tộc lấy ba chân hương về cắm vào bát hương trong nhà, tôi đã làm theo chỉ dẫn, ba chân hương tôi cắm vào một bát có được không? Bàn thờ nhà tôi làm 2 tầng theo kiểu bậc tam cấp. Tầng một thấp hơn thờ cha mẹ, tầng cao hơn khung ảnh cha mẹ nằm sau thờ ngũ tự gia đường. ở tầng một có hai bát hương để dọc theo một đường thẳng (nằm giữa hai khung ảnh cha mẹ). Trong đó có một bát thờ cha mẹ, một bát thờ bốn mạng. tôi có nhờ người đền xem và bảo đặt như vậy, ở tầng hai có một bát hương thờ ngũ tự gia đường. Ở bếp có một trang gồm một bát hương, ba chén nước, một lọ hoa thò tam vị Táo quân. Năm 2006 tôi có bị tai nạn, đi xem thầy bảo phải làm một cái trang ở ngài hiên, trên trang có giàn một tờ sớ màu vàng viết chữ như kiểu chữ nho và hai bát hương, hai ly nước, một lọ hoa. Trong hai bát đó có một bát nhỏ và bát lờn, trân bát lớn có cắm mốt cái lược và một cái gương. tất cả các bát hương trong nhà đều bỏ cát trắng. Khi tôi gặp người âm, có hồn đứa con gái đi theo mẹ tôi hiện về trách cha mẹ lâu nay không quan tâm đến cháu, cháu yêu cầu cho cháu vào nhà ở chung với ông bà. Như vậy có phải làm bát hương riêng cho cháu không hay chung với bát hương của ông bà? Vì cháu bị sẫy khi vợ tôi mang thai một tháng. Tôi xin ông chỉ cho cách thờ cũng, bố trí các bát hương, số lượng các ly nước, ly rượu trên từng vị trí thờ khi thờ cúng. và tôi làm bàn thờ như hiện nay có sai sót chỗ nào xin ông chỉ bày. Tôi muốn đưa bàn thờ Táo quân lên ban thờ chính, cách làm thề nào? Trong này Nam người ta không bán ảnh ba vị táo quân và hiện nay gia đình sử dụng bếp ga không có tro bếp nhưng nhà hàng xóm có dùng củi nấu đồ ăn sáng có tro vậy lấy tro đó thay cát bỏ vào bát hương có được không? Thân! xin chân thành cảm ơn ông.
Phlanhoa hồi đáp
Bạn Nguyễn Nam Thắng thân mến.
Tất cả những điều bạn hỏi đều có trong mục "Phong tục tập quán". Chỉ cần bạn đọc hết loạt bài đó, đọc kỹ, bao gồm cả phần tôi trả lời ý kiến bạn đọc tự khắc sáng tỏ bạn đang thờ phụng sai chỗ nào?
Tôi chỉ nhắc nhở bạn: Linh hồn của người thân trong gia đình có thể giận hờn, trách móc, nhưng cũng sẽ như người trần thế, không bao giờ hại bạn! Và bát hương gia đạo, chính chủ phải tự tay lập lấy mới có thể biết chắc chắn là chính đạo. Không có gì mờ ám, tà đạo. Và mới biết đích xác bát hương nào trong nhà mình thờ ai, vị thần tiên nào của gia đình mình.
Chứng cớ chắc nịch là bạn đã nhờ thầy vẫn cứ tai nạn như thường, thì có nên tin???
|
|
|
|
Nguyễn Thị Thu Hà |
Kính gửi cô! Cháu xin phép hỏi ý kiến cô, nhờ cô tư vấn giúp ạ: năm 2010, do có thai ngoài ý muốn ( lúc đó cháu đầu mới 7 tháng tuổi) nên vợ chồng cháu có bỏ đi một đứa con. Sau thời gian này, cháu khi nào cũng thấy có lỗi, và thường xuyên khấn cầu cho con được siêu thoát. Vừa rồi 2 vợ chồng cháu có đi xem một thầy thì thầy có nói về đứa con này và một bà cô bên chồng cháu (chị gái của bố chồng), vì bên ông bà Nội nhà chồng theo đạo nên ko thờ cúng gì cả. Vợ chồng cháu có nhờ thầy lập bát Hương để thờ ở nhà cháu (nhà riêng của 2 vợ chồng) - mới lập được 4 ngày ạ (bà cô và con chung 1 bát hương). Nhưng sáng nay, cháu có đi đền thì có 1 thầy khác lại nói là ko đc lập 1 bát Hương chung như thế, và trước khi thờ ở nhà thì nên gửi ở đền 2 năm 3 tháng đã. Vậy cho cháu hỏi cô lập như thế có được ko ạ? Có phải đưa gửi bát Hương của con lên đền nữa không? Vừa rồi cháu có lập thêm 1 bát Hương thờ tổ tiên nữa nhưng do cháu mua bát Hương thờ tổ tiên lại nhỏ hơn bát Hương thờ thần thánh. Vậy có bị gì ko ạ? Cháu nhờ cô tư vấn giúp và hướng dẫn cháu cách làm cho đúng ạ. Gia đình cháu rất cảm ơn cô ạ!
Phlanhoa hồi đáp:
Tôi đặt một giả thiết, nếu bạn làm theo thầy đền, rồi nhỡ may sau này bạn đi đến đền thứ 3 lại gieo một tình huống khác hai đền trước thì làm sao? Thầy đền bạn gặp là thầy bịp bợm! Bạn cứ nói với thầy ấy là Phlanhoa bảo thế và mời thầy lên trang mạng này chất vấn Phlanhoa nhé.
Thầy nào coi bói mà chả nói về vong nào đó? Không tin bạn cứ đi mười thầy đều nói như một rằng "có bà cô thiêng lắm, rằng có vong theo vv..." Nhà ai mà chẳng có trường hợp đó hả bạn?
Theo phong tục người Việt, bà cô ông mãnh là người đã thành hình hài, được sinh ra trên đời. Trường hợp hư thai khi chưa sinh nở không quy định lập bát hương thờ phụng. Sau này do các thầy cúng phịa ra đủ thứ bát hương thờ nọ thờ kia. Một thực trạng cho thấy xã hội thì ngày càng thờ phụng nhiều lên, cỗ bàn to lên, mà đạo đức xã hội thì xuống cấp trầm trọng, gian manh ngày càng nhiều hơn. Vì sao thế? Vì đám thầy cúng tầm bậy như thầy đền bạn gặp ấy đấy.
Thờ phụng là sự thành tâm, tự gia chủ phải lập lấy bát hương để thờ. Và thờ người thất nhất định phải thờ trong nhà mình, chứ không thờ trên đền chùa nào sất. Bạn thử bới cả lịch sử Việt Nam lên coi thử từ trước năm 1975 đổ về thời Văn lang, có ai thờ cha mẹ trên đền, chùa không?
Trong nhà chỉ nên có ba bát hương: Một bát thờ thổ công hà bá nơi mình cư ngụ; Một bát thơi gia tiên; một bát thờ bà cô ông mãnh. Nếu bạn không yên tâm thì rằm mùng một khấn con trong lời khấn của mình. Cứ thành tâm nhất định an lành, tin tôi đi. Bát hương to nhỏ không thành vấn đề. như trên dương thế nhà con to hơn nhà bố có sao đâu? Chúc bạn sáng suốt và nên bớt trò coi thầy đi để an tâm với cuộc sống. |
|
|
|
Nguyễn Trọng Thụy |
Cháu chào cô! khi đọc bài viết của cô cháu biết tuổi trẻ chúng cháu chưa hiểu hết được cách thờ cúng. Vì vậy cháu cũng muốn hỏi cô thêm. Gia đình cháu, cháu là con trưởng, hiện nay ông bà nội của cháu đã mất, bố mẹ cháu đang thờ cúng ông bà nội. Mà cháu lại đang sinh sống và công tác xa, mua đất xây nhà riêng ở xa. Cháu muốn thờ vọng ông bà có được không? Mà cháu mới chỉ lập mỗi 1 bàn thờ cúng ngũ vị thần, chứ chưa có bát hương thờ vọng ông bà nội. Vậy phải làm thế nào? Cháu đang rất băn khoan, mong cô giải đáp sớm dùm con. Cảm ơn cô nhiều!
Phlanhoa hồi đáp:
Đơn giản, bạn lập thêm bát hương thờ ông bà nội (tôi đã có hướng dẫn bốc bát hương rồi đấy). Cũng như trên dương thế, ông bà có nhiều con cháu, đứa nào chả dành phòng để các cụ có thể ở chơi nhà mình. Bát hương là nơi cư ngụ của linh hồn, con cái nào cũng có quyền lập. Ở quê thì thờ chính, ở xa thì thờ vọng. Nói là thờ vọng, thực ra thì bát hương cũng ngần ấy thủ tục cả mà thôi. |
|
|
|
Trần Quế Lam |
Cháu chào cô, Cháu mới biết tới những bài viết của cô về lễ tục Việt Nam qua bài báo này. Nhân đây, cháu có vấn đề này cần nhờ cô giúp đỡ ạ. Cháu hiện là con dâu trưởng của một gia đình ở Thanh Hóa. Nhưng hiện vợ chồng cháu đang thuê nhà ở Hà Nội, và 2-3 năm nữa thì có nhà chính. Thời gian còn dài nên cháu muốn lập một bàn thờ vọng ở nhà thuê để thắp hương cúng gia tiên nhà chồng, cúng bố ruột cháu và cúng thần linh để phù hộ cho gia đình cháu. Nhưng nhiều người khuyên cháu là không nên lập vì đây không phải là nhà mình, và khi chuyển đi thì khó khăn, phải làm lễ xin thần linh... Cháu xin cô lời khuyên về việc này. Và vì cháu còn ít tuổi, chưa cúng lễ bao giờ nên cô có thể chỉ cho cháu nên lập bàn thờ như thế nào, mua những gì. Vì nhà thuê của tụi cháu chỉ có hai phòng, một phòng ngủ, một phòng cho em chồng cháu và 1 góc hành lang và bếp. Nên bàn thờ cũng ko lập được to, và thú thực cháu cũng không biết để bàn thờ ở đâu cho hợp lý cả. Cháu có nhiều điều còn băn khoăn mong cô đọc và trả lời giúp cháu. Cháu cảm ơn cô nhiều nhiều
Phlanhoa phản hồi
Chào bạn.
Căn nhà nào cũng có Thổ công. Khi mình cư ngụ trong đó, bất kể khách hay chủ đều nên hương khói cho Thổ công là điều hợp đạo nghĩa. Bàn thờ cũng không cần to, đủ để một bát hương, bình hoa, chén nước và đĩa quả là đã đủ llòng thành. Khi có giỗ chạp bên nhà chồng, bạn bày hương đăng hoa quả trên bàn thờ Thổ công trước một ngày hoặc một buổi, xin phép ba vị tam tài Thổ công - Thổ địa - Thổ Kỳ cho phép gia tiên về hưởng lộc con cháu. Sau đó thì bày cỗ lên mâm để giữa nhà mà cúng vọng bình thường.
Vị trí bàn thờ thì căn nhà nào chẳng có một phòng khách và một vài phòng ngủ. Bàn thờ Thổ công tất nhiên để ở phòng khách. Dù phòng khách vì lý do chật hẹp được sử dụng để ngủ thì vẫn là phòng khách, vẫn có thề dành một góc trên tường để gắn trang thờ.
|
|
|
|
Hồng Thuý |
Cháu chào cô, lời đầu cháu chúc cô và gia đình cô nhiều sức khoẻ. Thưa cô, nhà cháu có 1 bát nhang không dùng thờ cúng nữa ( trong bát nhang vẫn còn vài chân nhang) nhưng cháu lại không biết bát nhang đó lúc trước thờ ai. Cháu suy nghĩ thì có 2 lý do: thứ 1 là bát nhang đươc chồng cháu lập ở nhà thuê khi chúng cháu cưới nhau lúc đó chồng cháu lập bát nhang tượng trưng để khấn vái và xin phép ông bà, thứ 2 là bát nhang của phật được lập lúc mẹ chồng cháu mất. Nhưng chồng cháu nói bát nhang thờ phật sau này gửi lại thầy sư lúc thầy đến cúng cho mẹ cháu. Nên giờ chắc là lý do thứ 1, giờ nhà cháu đang để bát nhang đó ở 1 góc trong ngăn kéo ở dưới bếp. Cháu xin cô cho cháu ý kiến là nếu giờ cháu mang bát nhang đó ra biển bỏ có được ko ạ. Nhà cháu ở bây giờ là nhà riêng, nhờ cô giúp đỡ cháu. Cháu cám ơn cô nhiều
Phlanhoa hồi đáp:
Trong bài đã có hướng dẫn cách hủy bát nhang rồi đấy bạn à. Đập vỡ chon xuống đất, hoặc thả xuống đáy sông, đáy biển...
|
|
|
|
Nguyen Thu Hien |
Cháu chào cô ạ! Hiện nay chồng cháu đang học cao học ở nước ngoài (thời gian 4 năm ạ) Sắp tới cháu và con cũng sang cùng. Có một việc cháu muốn hỏi cô là sang đó cháu ở nhà thuê thì vợ chồng cháu có nên lập bát hương Thờ cúng gia tiên ko ạ? Nếu có thì cách thức lập như thế nào? Cháu cảm ơn cô nhiều ạ.
Phlanhoa phản hồi:
Theo phong tục người Việt thì ông bà cha mẹ được thờ chính tại nhà con trưởng. Những người con khác muốn thờ đều gọi là thờ vọng. Em đi xa lại không phải nhà mình, nghĩa là thổ công hà bá nhà người ta có thờ cũng không tới được mà hưởng lộc.
Vậy chỉ còn cách thờ vọng. Khi có giỗ tết, hôm trước thắp hương vái thổ công hà bá cho phép hương khói gia tiên vào hôm sau. Ngày hôm sau đặt hương án ở cửa nhà hướng mặt vế quê hương mà khấn vọng.
Cách làm bát hương đã nói rồi không nói lại nữa. |
|
|
|
Đặng Minh Khuyên |
Cô Phlanhoa kính mến! Cháu xin cô giải đáp cho cháu một thắc mắc ah. Cổng nhà cháu và nhà đối diện nhìn thẳng nhau. Cả 2 nhà đều không treo gương bát quái hay treo bùa gi cả, nhưng đột nhiên mấy hôm trước nhà đối diện đó lại treo bùa cô ạ. Đó là 1 cái bùa màu vàng, ghi 1 dòng chữ màu đỏ và còn có 1 túm chỉ ngũ sắc gắn ở đầu bùa. Họ còn treo ở vị trí mà chiếu vào giữa cửa nhà cháu. Cháu thấy lo lắng quá cô ạ. Năm ngoái khi làm lễ trấn trạch ông thầy cúng khuyên vợ chồng cháu làm bùa và treo gương bát quái nhưng bọn cháu không làm vì sợ ảnh hưởng đến nhà người khác, bây giờ họ lại làm như vậy có làm sao không hả cô? Vợ chồng cháu nên làm gì ạ, xin cô chỉ giúp chúng cháu. Chúng cháu cảm ơn cô ạ.
Trả lời của Phlanhoa
Cửa chính hai nhà đối diện nhau mới phạm phong thuỷ, còn cổng đối diện thì TP đầy rẫy.
Treo gương bát quái, không có nghĩa là phản chiếu xui quẩy sang nhà đối diện. Tập tục treo gương bát quái, hay chùm tua rua ngũ sắc trước cửa nhà là để xua đuổi tà ma không vào quấy phá nhà mình.
Xét về phong thuỷ, người ta kiêng kỵ khi mở cửa chính, mà người đi đường, hoặc nhà đối diện nhìn thông suốt từ trước ra sau nhà mình. Trong trường hợp không dịch chuyển được cửa để khỏi phạm phong thuỷ, thì dùng mành có màu sắc tương phản với nhà đối diện để che chắn cho bớt thông thống khi nhòm vào, sau đó dùng gương bát quái, hoặc treo một chùm tua rua ngũ sắc trước cửa nhà để hoá giải phong thuỷ.
TB: Nhà tôi đang ở cũng bị đối diện của chính với nhà bên kia mặt phố, song tôi chẳng treo gì sất, chỉ từ phòng khách đi vào buồng, có dựng một bức mành bằng tre, trang trí hoa lá lên đó, thế thôi, mấy năm nay rồi không sao cả đâu.
|
|
|
|
Hà Thúy Uyên |
Thưa Cô, Cháu có một vấn đề về tâm linh xin được Cô chỉ bảo ạ. Gia đình cháu thờ phụng tổ tiên ở một căn phòng trên tầng 4(nhà cháu 5 tầng). Do phải sử dụng tầng 1 làm cửa hàng nên cháu đã chuyển ban thờ lên tầng 5 ( cháu đã cơi nới thêm một phòng nhỏ để làm phòng thờ). Cháu mới được biết phòng thờ mới này phạm mấy điều sai lầm sau: 1- Phòng cơi nới k được dùng làm phòng thờ 2- Cửa của phòng thờ luôn phải đóng kín để đảm bảo an ninh, vì phía trước là sân thượng, nên vô hình trung lại trở thành vô lễ với tổ tiên. 3- Dưới nền phòng thờ có một đường cống nước thoát của sân thượng. 4- Các bát hương dùng không được đồng bộ(mỗi cái một kiểu do cháu mua từ Trung quốc về) 5- Phòng thờ quá nhỏ chỉ để vừa bộ bàn thờ và chỗ đứng lễ Vì những lý do đó và cộng với việc nhà cháu có thêm một phòng do mẹ cháu vừa mất(gần được 1 năm), nên cháu đang suy nghĩ có nên chuyển ban thờ về chỗ cũ không(Phòng trang trọng ở tầng 4). Nhưng nếu chuyển về chỗ cũ thì ban thờ bắt buộc phải ngược hướng với hướng nhà, lại phạm vào một điều cấm kỵ. Cháu rất băn khoăn không biết nên quyết định thế nào. Xin Cô vui lòng chỉ bảo cho cháu được biết điều đúng đắn. Cháu vô cùng cảm ơn Cô ạ. |
|
|
|
NHOBANCU |
CHI HOA GIẢI THÍCH GIÚP 4 TỪ THANH TƯỚC CHI NGHI TRONG BÀI VĂN KHẤN
Phlanhoa hồi đáp
Bạn phải đọc nguyên câu "Hương - đăng - hoa - quả - thanh tước chi nghi".
Cả câu trên nguyên gốc tiếng Hán. Nghĩa là "Hương - đèn - hoa - quả - chén nước đồ lễ sạch sẽ tươm tất trang nghiêm".
Thanh tước (清爵 ), thanh là nước trong, tước là cái chén, là chén nước sạch trong. Chi nghi (之儀, chi chỉ là liên từ, nghi là đồ lễ trang nghiêm, là nghi thức sắp bày. Nghi lễ thờ cúng, thiếu gì thì thiếu, nhưng 5 thứ hương, đèn, hoa, trái cây, và nước lã là thứ bắt buộc phải có, không được thiếu.
|
|
|
|
Đỗthij vân |
Cháu chào cô, gđ cháu ở nước ngoài cách đây ba năm chuyển sang nhà mới cháu đem bỏ bát nhang cũ và bốc bát mới nhưng k co tro lên cháu bốc bằng gạo và muối để cắm nhang thú thật từ khi chuyển nhà gđ cháu gặp toàn chuyện k may mà trước đó ở nhà cũ đang rất tốt cô giup cháu xem cháu sai ở đâu và phải sửa ra sao cháu xin cảm ơn cô.
Phlanhoa hồi đáp
Chào bạn.
Việc bốc bát hương bằng gạo muối cũng được chẳng sao cả, cơ bản là có cốt hương chủ thể trong đó, có sợ là chỉ sợ chuột đánh chén mất gạo thôi. Còn chuyện nhà làm ăn xui xẻo còn tùy thuộc nhiều yếu tố, ví dụ như làm nhà không hợp tuổi, phong thủy ngôi nhà không hợp hướng, cửa mở không theo thước Lỗ Ban; và cũng có thể sau khi làm nhà tuổi của hai vợ chồng đi vào năm hạn vv... nói tóm lại để tìm nguyên nhân dài dòng lắm.
Tất nhiên bạn vẫn có thể loại trừ dần dân bằng cách lập lại bát hương thờ phụng.
Chúc bạn và gia đình năm mới bình an vạn sự may mắn.
|
|
|
|
Minh Khuyen |
Cháu cảm ơn cô nhiều ah, cháu sẽ làm theo sự chỉ dẫn của cô. Chúc cô và gia đình 1 năm mới an khang,thịnh vượng. |
|
|
|
Đặng Minh Khuyên |
Cô Phlanhoa kính mến! Cháu rất cảm ơn cô đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cháu. Nhưng cháu lại cúng ông Táo vào ngày 22AL vì ngày 23 cháu không có nhà nên đã bỏ lỡ mất ngày đó. Cháu muốn xin chuyển vào ngày 26 này được không ah?Cháu cần phải mua những gì và cháu thành tâm khấn hay là có bài khấn ah? Mong cô giúp đỡ cháu một lần nữa. Cháu xin cảm ơn và kính chúc cô mạnh khỏe!
Phlanhoa hồi đáp
Chào bạn. Ngày 23 tháng chạp dù bạn không cúng thì ông Táo cũng vẫn về trời bình thường. Là thần linh sẽ không trách cứ gì chuyện gia chủ vì cơm áo mà hành lễ chưa đủ đầy đâu.
Tôi hướng dẫn bạn phương pháp hành lễ khi mình không thể cúng đúng ngày nhé: nếu 22 bạn thắp hương thì nên là cây hương vòng, nó sẽ cháy được 24 giờ mỗi vòng, nên dù bạn đi vắng, ngày 23 trong nhà vẫn có khói hương trên bàn thờ, như vậy vẫn đã là hành lễ. Trong trường hợp bạn đi công tác từ trước nữa và đến sau 23 mới về thì khi về chỉ cần lập hương đèn cho sáng đến 30.
Việc hương đèn phải sáng suốt từ 23 - 30 là do quan niệm các cụ ta xưa dùng khói hương và ngọn đèn làm mối dây liên lạc khi trong nhà vắng thần linh. Sáng đèn để tam vị Định phúc theo dõi, nếu thấy tà ma quấy phá gia chủ, sẽ lập tức trở về bảo hộ cho gia chủ. Ngoài ra ý nghĩa của việc dụng cây nêu có chùm ngũ sắc và tràng pháo cũng là nhằm mục đích trừ ta ma quấy phá trong thời gian chuyển dời từ năm cũ qua năm mới, các vị thần linh bận rộn. Do vậy bạn không lo thần linh quở phạt gì đâu, bởi thần linh vốn thanh liêm và đức độ, nhìn thấu tâm can của mình. Sau khi đi công tác về, bạn đỏ hương đèn trở lại để cho thần linh thấy và theo dõi, bảo hộ cho nhà mình. Giờ Ngọ ngày 30 tết, định phúc Táo quân sẽ quay về lại trong nhà mình và ngụ tại nhà mình đến 23 tháng chạp năm sau.
Chúc bạn an vui ngày xuân năm mới.
|
|
|
|
đặng thu hiền |
Cám ơn bác rất nhiều,cháu cũng đã ngộ ra nhiều điều về đấng thần linh,chúc bác cùng toàn thể gia đình 1 năm mới an khang thịnh vượng |
|
|
|
đặng thu hiền |
Như bac nói "linh tại ngã , bất linh tại ngã " như vậy thì nhà cháu thờ cúng cũng chẳng ích gì sao.mong bác cho cháu biết cháu phải làm thế nào
Phlanhoa phản hồi
Tôi sẽ thêm cho bạn một câu nữa để bạn yên tâm "Sống theo Đạo, chết cũng vì Đạo". Nghĩa là bố mẹ bạn sống đã nhất tâm theo Đạo Công Giáo, thì khi thác xuống linh hồn cũng của Đạo. Dù mới theo 5 ngày thì vẫn là đã là linh hôn của Đạo rồi. Do đó cứ nhình theo quan niệm của người Công giáo để xứ thế, chỉ cần đặt câu hỏi: "Tại sao các gia đình người công giáo không cúng bái theo phong tục người Lương giáo mà gia khang vẫn thịnh vượng?" Tự bạn sẽ tìm ra câu trả lời an tâm nhất cho mình.
|
|
|
|
Minh Khuyen |
Chào cô Phlanhoa Cháu đang gặp 1 vấn đề và muốn nhờ cô giúp. Cháu chuyển ra ỏ riêng được 5 tháng, khi làm trấn trạch nhà mới, ông thầy để 3 bát hương ở phía ngoài cùng của bàn thờ vì vậy việc bày đồ cúng rất khó. nay cháu muốn xin chuyển 3 bát hương đó vào sát trong tường có được không ah? Nếu được thì phải làm như thế nào, mong cô giúp cho ah. Còn vấn đề thứ 2 là 3 bát hương trên bàn thờ, nếu nhìn từ ngoài vào thì bát bên trái là thờ bà cô, bát ở giữa là thần linh, còn bát bên phải là gia tiên đúng không ah?Nhưng chồng cháu khi chuyển chân nhang của mẹ chồng cháu từ quê xuống thì lại cắm vào bát hương bên trái, cháu rất lo lắng không biết là có làm sao không và phải sửa như thế nào, mong cô giúp đỡ cháu ah.
Phlanhoa hồi đáp:
Việc của bạn đơn giản thôi, an lành không có gì lo lắng cả. Hàng năm, cứ tới từ 23 - 30 tháng chạp, thì gia chủ có thể dịch chuyển bát hương để lau chùi, gạt bớt phần tàn hương cho khỏi quá đầy, khi đó bạn lựa chỗ để lại theo ý mình, miễn là cao thấp đúng thứ tự và nơi để trang nghiêm. Việc chân hương từ mộ mẹ nhỡ cắm nhầm, nếu nhớ thì rút ra cắm lại sang bên bát thờ gia tiên rồi thắp hương tạ lỗi bằng bốn lạy. Nếu không còn nhớ chân hương nào thì 23 tháng chạp, đem rút hết chân hương bên bàn thờ bà cô ông mãnh đốt hết, bón vào gốc cây, về quê thắp hương tạ lỗi và xin ba cây khác. Linh hồn, tính cách cũng như người trần thôi cháu à, khi xưa sống như thế nào, bây giờ vẫn vậy, nếu thấy mình vi phạm điều gì đó, chỉ cần thắp hương cúi xin tha tội, hiệu chỉnh sai sót rồi lạy bốn lạy là được tha thứ. Cô là người từng được nói chuyện với linh hồn rồi nên biết chắc như vậy. Đừng lo nhé.
Vui tết an lành. |
|
|
|
khổng Vũ Thành |
Một lần nữa cháu xin chúc cô Phlanhoa và gia đình một năm mới an khang-thịnh vượng! |
|
|
|
Pham Thi Hang |
Thưa Bác, nhà cháu đang có ban thờ (đặt trên lầu) và ban thờ Thần tài thổ địa đặt dưới đất giống như mọi gia đình ở Miền Nam đang thờ. Nếu theo bài hướng dẫn này thi đang không đúng, nhưng cháu không biết phải sửa thế nào. Nếu để chung 1 Ban thờ thì tượng 2ông Thần tài, Thổ địa sẽ để thế nào. Bác làm ơn hướng dẫn cháu. Cháu cảm ơn.
Phlanhoa hồi đáp
Thì bạn phải tự nghiên cứu xem hai ông thổ địa thần tài đó nguồn gốc từ đâu? Nếu không phải từ văn hóa tín ngưỡng dân tộc cha ông lưu truyền thì liệu thờ có linh hay chỉ tốn công, tốn tiền của, lại tốn chỗ thờ cúng? Mà khi đã biết thờ không linh thì chuyện đập bỏ đi là lẽ nên làm. Bởi Thổ Kỳ - vị thần tài VN là Bà, còn trong nhà bạn đang thờ là ông thần tài Trung Hoa. Bạn thử suy nghĩ sâu xa một chút sẽ thấy phi lý, thờ thần tài nước khác thì tài lộc làm sao rơi vào nhà mình, nước minh được. Khác nào đem lộc tài đi hiến nước người phải không?
Tôi không phải là thầy cúng, chỉ là trong quá trình nghiên cứu về bản sắc dân tộc, thấy có những điều bất cập thì viết thành bài để sẻ chia. Hy vọng bạn và những ai đọc được bài này, nếu thấy tin tưởng thì nên hiệu chỉnh. Còn hiệu chỉnh như thế nào thì bạn nên đọc hết cả những câu hỏi của bạn đọc khác bên dưới bài viết này và loạt bài trong Mục "Phong tục tập quán" tự khắc ngộ được điều nên làm là gì?
Chúc bạn sáng suốt.
|
|
|
|
khổng Vũ Thành |
Cháu chào cô Phlanhoa!Cháu là con trưởng của một gia đình,dòng họ mang trên mình trách nhiệm cao quý là thờ phụng gia tiên, gia tộc nhưng hiện nay cháu và gia đình vẫn chưa có những bài văn cúng phù hợp với tục lệ của cha ông.Qua nhiều đời những bài văn cúng cổ truyền đến nay không còn nữa và trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều bài văn cúng nhưng sản xuất ra với mục đích thương mại hóa nên không chú trọng đến nội dung ứng dụng,tính thuần phong mỹ tục của dân tộc sao cho hợp lí và càng làm cho việc thờ cúng linh thiên trở nên hỗn độn,thiếu tôn nghiêm.Vì lẽ đó cháu rất mong cô giúp cháu và gia đình có những bài văn khấn gia tiên và gia tộc vào các dịp lễ, tiết trong năm sao cho đúng với phong tục của cha ông ta. Mong sự giúp đỡ của cô rất nhiều!
Phlanhoa hồi đáp:
Cháu tham khảo tại mục này nhé (đúp vào link bên cạnh) : vidamdodua.com/index.php
|
|
|
|
đặng thu hiền |
Nghe lời bác cháu đã nói với anh chị thêm thờ ngũ vị thần tài nhưng anh chị lại ko muốn thêm vì thờ như vậy từ lâu rồi.vậy cháu muốn hỏi là cháu tự lập thờ ngũ vị thần thần taì có được ko ạ.
Phlanhoa hồi đáp:
Không nên cháu à, chỉ trừ phi vợ chồng cháu được cắt đất ra có quyền sỡ hữu riêng thì mới nên thờ riêng, thờ không đúng phản tác dụng.
"Linh tại ngã, bất linh tại ngã", anh chị cháu đã không có tâm thờ thần thánh, thì lập lên cũng chẳng ích gì.
|
|
|
|
Lê Thị Thu Hồng |
Chào bác, Cháu là con gái út, đã kết hôn và lập gia đình riêng, có xây nhà riêng. vấn đề của cháu như sau, rất mong Bác bớt chút thời gian chỉ dạy cháu cách thức để cháu thờ ông bà tổ tiên cho đúng ạ. Các anh chị của cháu đã lập gia đình và theo đạo công giáo, và mẹ cháu cũng đã theo đạo được 6 năm nay (còn Bố cháu nằm viện và gia nhập đạo công giáo vừa tròn 5 ngày thì mất). Vì cháu lấy chồng không có đạo nên cháu theo chồng (thờ ông bà). Năm ngoái khi vợ chồng cháu cất nhà riêng, cháu có lập bàn thờ như sau: Trên phòng thờ tầng 3 (cao nhất), cháu thờ bố chồng cháu (nhìn ra sân thượng), và bức tường phía tay phải (khi đứng thắp nhang bố chồng) thì cháu thờ bố ruột (hướng mặt thờ ra phía hông nhà), bàn thờ bố cháu đặt thấp hơn bàn thờ bố chồng cháu ( hai ông k thờ chung 1 bàn thờ). Trên mỗi bàn thờ có 1 bát nhang, hoa, đèn dầu và nến điện. Sau lưng bàn thờ bố chồng cháu để 3 hủ nước, muối, và gạo. Ở dưới phòng ăn, trên nóc tủ bếp bằng gỗ (rất cao), cháu thờ ông táo, ngoài sân thượng tầng 3, cháu thờ bàn thiên. Thực tế thì khi cháu xây nhà xong, vì anh chị và mẹ đã có đạo thiên thúa, không thờ cúng nên cháu k biết hỏi ai và chỉ làm theo cách ngày xưa mẹ hay làm thôi. Nay cháu đọc được bài viết của Bác thấy mình đã thờ cúng sai rất nhiều. Cháu muốn chỉnh sửa lại cho đúng với phong tục nhưng lại thấy bác nói rằng bát nhang k được xê dịch, vì vậy, cháu xin bác chỉ dạy cho cháu phải làm thế nào để việc thờ cúng đúng nhất và sửa lại như thế nào để không phạm thượng đến các vị thần thánh và các người đã khuất. Còn 1 vấn đề nữa là, vì anh trai của cháu cũng đã theo đạo, nên đến ngày giỗ bố cháu không cúng cơm, cháu muốn thực hiện việc này thì có được không? (vì cháu nghĩ bố cháu chỉ vào đạo trước khi mất vài ngày, chưa 1 lần đọc kinh hay đi nhà thờ vì bố nằm viện), cháu không biết linh hồn của bố rồi sẽ thuộc về nơi nào nữa bác ạ. Cháu rất bối rối trong chuyện này, mong bác cho cháu 1 lời khuyên. Cháu chân thành cám ơn Bác rất nhiều!
Phlanhoa hồi đáp
Thờ phụng tùy ở lòng thành, ngoài ra còn thờ theo tập tục quan niệm. Bên Công Giáo quan niệm về sự sống cái chết khác với phong tục tập quán người Lương giáo. Bố mẹ cháu sống là người của Đạo, thì chết vẫn là linh hồn của Đạo, Đạo nói thế nào, thì thờ cha cúng mẹ đúng như thế cháu à.
Tất nhiên dù là trai gái đều có quyền thơ cha cúng mẹ, nhưng cô khuyên cháu nên gom hết cả vào một bàn thờ, chỉ cần phân biệt cao thấp Thần - Thánh - Gia tiên, trong gia tiên thì Nội cao hơn ngoại một chút, vậy là đã có đạo lý rồi. Phân ra nhiều bàn thờ vừa không hợp đạo, vừa cực tấm thân tháng ngay lo lễ lạt. Muốn gì thì gì, người sống phải có tinh thần thì mới thờ phụng thành tâm được.
Chúc cháu sáng suốt. |
|
|
|
Đặng Thu Hiền |
Cháu là con dâu út,hiện tại nhà cháu có 2gian,gian ngoài anh chồng chị dâu cháu thờ 2bát hương là gia tiên và 1chú( em bố chồng cháu),gian trong là vợ chồng cháu ở (có bếp riêng). Nhưng vợ chồng cháu lại ko có ban thờ gì cả.cháu muốn lập 1ban thờ riêng ,cháu còn ít tuổi và ko hiểu rõ về vấn đề thờ cúng.mong bác giúp cháu ,cho cháu biết cháu có phải lập ban thờ rieng ko? Và nều lập ban thờ thì là thờ ai ?mong bac giup cháu
Phlanhoa hồi đáp:
Chào bạn Đặng Thu Hiền.
Nhà bạn hai anh em ở trong một nhà thì anh trưởng thờ là được rồi. Ngày rằm mùng một, giỗ tết, vợ chồng cháu thành tâm thì góp tiền, hay đồ lễ để cúng cùng anh chị. Chỉ khi hai vợ chồng làm nhà riêng thì mới lập bàn thờ riêng.
Thật ra khi xưa, nếu anh em ở trong cùng làng xã thì bàn thờ cha mẹ để ở nhà anh trưởng. Nói như thế không có nghĩa là nhà mình không lập bàn thờ, đã dựng nhà lên là phải có thờ phụng, nếu cha mẹ đã có người thờ phụng thì mình thờ ngũ vị tài thần gồm Hoàng Thiên Hậu Thổ và ba vị Táo quân. Rồi ví dụ những nhà mà vợ chồng sinh con đẻ cái rồi không thuận nuôi, sẽ có bát hương thờ ông mãnh, bà cô.
Người lập gia đình ở xa quê, vì giỗ tết không về được, có thể lập bàn thờ cha mẹ ông bà ở nơi mình định cư, bàn thờ này người ta gọi là thờ vọng.
Tuy nhiên anh chồng bạn thờ bị thiếu bát hương ngũ vị tài thần, nói với anh chị ấy thêm vào. Bởi theo quan niệm của các cụ, trước ngày có đám giỗ, gia chủ phải thắp hương khấn xin ba vị Táo quân cho phép gia tiên nhà mình được về hưởng lễ của cháu con dâng hiến.
Chúc bạn thông suốt tư tưởng
|
|
|
|
Trần Thị Hồng Cẩm |
Thưa bác, cháu là con dâu trưởng trong gia đình. Hiện tại mẹ chồng cháu đang nhận trách nhiệm thờ phụng bàn thờ tổ tiên, bố chồng cháu đã mất ạ (mẹ chồng cháu chỉ là dâu thứ ạ, nhưng ngôi nhà mẹ cháu đang ở là của các cụ để lại nên mẹ cháu vẫn thờ phụng. Tuy nhiên, do mẹ cháu không tín mà cũng chỉ là thờ phụng trên cái tâm mình có ạ. Cũng phận là dâu trưởng qua tìm hiểu và nhận định cháu cảm giác mẹ cháu thờ cúng bát hương trên bàn thờ chưa đúng ạ. Cháu xin trình bày với bác như sau: - Bàn thờ nhà cháu hiện thờ 2 cụ, 2 ông bà nội và bố chồng cháu. + 2 cụ: 1 bát hương ở giữa + Ông bà nội: Bát hương bên phải (theo hướng nhìn vào bàn thờ ạ) + Bố cháu: Bát hương bên trái Nếu như thế này thì mẹ cháu không thờ thần linh, thổ công, thổ địa đúng không ạ....... Nay vợ chồng cháu tìm hiểu và muốn thay mẹ, xin thay bát hương thờ cho đúng. Cháu muốn thay như sau ạ: 1 Bát hương cao nhất: Là thờ thần linh, thổ địa trong nhà 1 Bát hương thờ 2 cụ và ông bà nội cháu ạ 1 bát hương thờ bố cháu. Vậy bác cho cháu hỏi là vợ chồng cháu có thể làm thế không và thủ tục thay bát hương thế nào ạ? Bát hương nhà cháu hiện cũng không có cốt ạ, thấy mẹ cháu chỉ bảo bát này thờ 2 cụ, bát này thờ ông bà còn bát này thờ bố mày, thế thôi ạ. Điều thứ 2 ạ: Nhà cháu hiện treo ảnh thờ của 2 cụ, 2 ông bà nội và bố cháu. Theo ý mẹ chồng cháu, vì nhìn như thế quá nhiều ảnh, nên mẹ cháu muốn ghép ảnh 2 cụ vào 1 và ông bà cũng thế, theo bác thì có được không ạ? Rất mong sớm nhận được sự hướng dẫn của bác. Cháu xin chân thành cảm ơn bác.
Phlanhoa hồi đáp:
Bạn Hồng Cẩm thân mến.
Nếu có thời gian, bạn đọc cố gắng đọc cho thật kỹ các bài viết trong mục "Phong tục tập quán", Phlanhoa có nói hết cả rồi đấy, từ cách làm bát hương, đến quy định cấp bậc thờ cúng cho mỗi ngôi thứ...
Trường hợp của bạn, Phlanhoa xin trả lời như sau: Cơ bản là bài vị và bát hương, còn ảnh có người có có người không cũng phải thờ chứ biết làm sao. Bát hương riêng chỉ dành cho người chưa hết khó, còn như xả tang rồi thì từ cấp Khảo (Bố) đổ lên có thể thờ chung một bát hương, dưới bố (anh em, con cháu) nếu có phải làm bát hương khác. Ảnh thì chung riêng không thành vấn đề, có thể ghép hết vào một khung chẳng sao (ngoại trừ người chưa hết khó).
Cầu chúc phước lành đến với người thành tâm như bạn!
|
|
|
|
Trần Lê Hương |
Thưa bác, tôi là con gái duy nhất và kh. lập g/đ, nay tôi muốn thay 3 bát hương (Quan thần Linh,Đức Thần Tổ họ Lê (bên ngoại) và gia tiên (chủ yếu là đàng ngoại-vì đây là nhà của mẹ tôi, xưa nay cụ lập ra để thờ: tôi ông bà ngoại tôi), xin bác cho tôi hỏi tôi có thể thờ 2 họ nội của tôi (Trần) và họ ngoại tôi (Lê) cùng 1 bát hương không ạ? Vì các vị là ông bà nội ngoại của tôi chứ không phải họ nhà chồng( tôi kh. có g/đ riêng ạ)Xin chân thành cảm ơn bác!
Phlanhoa hồi đáp:
Chào bạn Trần Lê Hương
Câu hỏi của bạn Phlanhoa xin được trả lời như sau:
- Bạn là con gái độc đinh thì có thể thờ cha cúng mẹ dĩ nhiên rồi, nhưng nội ngoại phân minh, bạn cần có hai bát hương riêng rẽ, nội để bên trái, ngoại để bên phải ( chú ý: Phải trái ở đây là hướng bàn thờ nhìn ra, nghĩa là khi mình đứng đối diện để vái lạy thì nội bên phải và ngoại bên trái).
- Riêng bát hương mà bạn gọi là "Đức thần tổ họ Lê" thì tôi chưa hiểu đó là ai? Nếu đó là Thủy tổ họ Lê thì bạn đã thờ phụng không đúng chức năng, vị này chỉ có Tộc trưởng mới đủ tư cách thờ phụng thôi. Bạn cần rước nó ra gửi ờ nhà thờ họ và năng lui tới hương khói cầu nguyện xin phù trợ ở đó mới đúng lễ giáo. Bạn là con gái độc đinh thay quyền trưởng nam trong nhà chỉ được thời đến ba đời Tằng (Cụ) - Tổ (Ông) - Khảo (cha) thôi.
Chúc bạn mọi điều an lành.
|
Để gửi ý kiến nhấp vào đây
|
|