Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Daisy lỗi nhịp vần thơ
 
(13h: 07-08-2012)
Daisy lỗi nhịp vần thơTruyện ngắn của Phlanhoa
***

Ngày đầu bên nhau, Đình Giang ví May như nụ bưởi hiếm hoi cuối mùa. Còn May, lại thấy mình mong manh như sợi cỏ tím bên đường, mai này rồi khó lòng mà “níu chân người xa xứ”.

May ý tứ hỏi Đình Giang:

-         Anh thần tượng hình ảnh người đàn bà nào ?

 

Đình Giang trả lời:

-         Anh thích Xuân Quỳnh. Chỉ có người đàn bà dịu dàng như Xuân Quỳnh mới viết nổi những vần thơ ru lòng đến thế.

 

Rối anh xuýt xoa:

-         Tay Lưu Quang Vũ đúng là quá hên khi có trong đời người vợ như thế!

 

May nói tỉnh không:

-         Tưởng gì khó chứ dịu dàng cỡ Xuân Quỳnh thì em làm được cho anh mà.

 

Đình Giang mừng rỡ:

-         Thật ư em? Hứa với anh nhé ?

 

Mừng là mừng vậy, nhưng Đình Giang vẫn còn chút nghi ngờ trong lòng. Anh nghĩ : “Thời buổi này làm gì còn có cô nào biết tảo tần như bà các mẹ ngày xưa đâu?”. May như đã đọc được suy nghĩ của Đình Giang, nên việc cô hứa nhập vai Xuân Quỳnh không chỉ là để thỏa lòng khát khao tức thời của Đình Giang không thôi, mà May còn muốn làm điều sâu xa hơn thế, May muốn chứng minh cho Đình Giang tin rằng cái vạc, cái nông sẽ còn và mãi còn, thậm chí còn một cách xuất sắc hơn xưa trong cuộc sống ngày nay. Nên chỉ cần Đình Giang có niềm tin, có công kiếm tìm là sẽ gặp được trong hạnh phúc của mình.

 

Có điều May rất hiểu, đàn ông thường có tính hoài cổ, họ thần tượng những gì thuộc về xa xưa trong lịch sử; hoặc nữa là thích thứ mới lạ họ chưa có trong tay bao giờ hơn là thứ đang sẵn có trong tay mình. Thực ra thì Lưu Quang Vũ của mấy chục năm về trước, với chân lý tình yêu chỉ cần  “một túp lều tranh hai trái tim vàng” là có thể hạnh phúc, nên nhu cầu có khi chỉ với mảnh chiếu hoa và cái quạt mo thôi là Lưu Quang Vũ đã có thể thăng hoa được ngòi bút rồi. Thời của Lưu Quang Vũ, đàn ông sống “chay tịnh” hơn bởi xã hội không có tiệm mát xoa, cũng chưa có ai nhắc đến cụm từ “nghệ thuật ái tình“ bao giờ cả, thành ra tiêu chí về dịu dàng cũng đơn giản hơn, Xuân Quỳnh mới chỉ cần dạ thưa sao cho ngọt là đã làm ngất ngây Lưu Quang Vũ rồi.

 

Còn Đình Giang của May bây giờ, liệu chiếu hoa và quạt mo có làm anh thỏa mãn giữa đêm nam nồm khô cháy? Chỉ cần xét cái ánh mắt anh nhìn May từ gót chân nhìn lên cũng đủ biết, để đạt được cái nết dịu dàng thời nay, May không chỉ cần cái êm ru trong mỗi lời nói của Xuân Quỳnh, mà phải nhẹ tơ đến tận gót chân, dịu dàng đến từng đầu ngón tay mới đạt. Tóm lại, cũng là cái nết dịu dàng của người đàn bà đó thôi, nhưng nay đà khác xưa, tiêu chí bị thay đổi theo nhu cầu, nên May sẽ phải khó khăn hơn nhiều so với Xuân Quỳnh.

 

Người ta nói không sai rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi đời sống khấm khá lên, con người sẽ ngộ ra, quả cà để trong đĩa ngọc sẽ có cảm giác ngon hơn để trong bát mẻ. Cái sự hưởng thụ của con người ở “thời phú quý” đòi hỏi cao gấp bội lần so với thời Lưu Quang Vũ. Cho nên tiêu chí về cái nết dịu dàng xem ra cũng nhiều cung bậc lắm: dịu dàng làn hương trên chăn gối; dịu dàng đôi đũa trên mâm cơm; dịu dàng đôi tay nâng chén thôi cũng đã là dịu dàng. Thế mà con người “thời phú quý” còn muốn điều sâu xa hơn, ấy là sự đòi hỏi được hưởng thụ cung bậc dịu dàng trên từng huyệt đạo cơ thể. Nhưng thời nào thì khó nhất vẫn là sự dịu dàng được toát ra từ tâm hồn, điều đó đòi hỏi người đàn bà phải có đức tính thánh thiện mới có thể tu luyện được.

 

Là May nghĩ thế, vả lại tấm lòng của May cũng mong Đình Giang thực sự cảm thấy hạnh phúc mĩ mãn, dù May biết cỏ dại rồi khó mà níu giữ được bước chân người lãng tử. Thây kệ chuyện gì rồi sẽ xảy ra chuyện gì. Quan niệm về hạnh phúc của may là phải biết ky cóp, tiết kiệm từng mảnh đời để ghép vào, dù có mảnh buồn, mảnh vui, mảnh đau thương, mảnh hạnh phúc, miễn là mảnh đời đó có ý nghĩa sâu xa với cuộc đời mình. Việc May dẹp sĩ diện riêng tư, chịu nhập vai Xuân Quỳnh cũng bởi có Đình Giang đang thực lòng khát khao kiếm tìm dịu dàng.

 

Rồi để đạt đạo về sự dịu dàng tâm hồn dành tặng cho Đình Giang, May đã cậy nhờ đến cả thiên nhiên trời đất cùng vỗ về Đình Giang với mình. Khi đó, May không thể biết được cảm xúc của Đình Giang mãn nguyện đến đâu, chỉ thấy anh nhắm nghiền đôi mắt, kệ cho cái nắng, cái gió, cái sóng và đá cuội cứ mặc nhiên hôn mình vô tư. Chỉ đến một ngày, Đình Giang nói với May rằng: “- Tuy em không giống Xuân Quỳnh, nhưng em thực sự đã làm anh không còn thấy khát khao Xuân Quỳnh nữa!”, thì May đã xòe bàn tay mình ra, đón một đồng tròn hạnh phúc rơi vào. Với kiểu đàn bà cầu thiện như May, quan niệm về sự thành công của đàn bà là khi đàn ông nói họ hạnh phúc. Và May mừng khi Đình Giang đã ngộ ra, sự dịu dàng Xuân Quỳnh chỉ phù hợp ở thời Lưu Quang Vũ mà thôi, May vẫn có thể dịu dàng mà không cần phải mượn cốt cách của Xuân Quỳnh mà chi.

 

Đình Giang ôm May vào lòng, thì thầm:

- Vợ ơi! ở bên em thực sự là những ngày hạnh phúc tuyệt vời nhất trong cuộc đời sương gió của anh!

 

May tin là Đình Giang đã rất thật lòng khi nói điều đó. Nhưng đồng thời May cũng hiểu rằng dù như thế, cũng không có nghĩa May sẽ là duy nhất trong cuộc đời anh, bởi Đình Giang trước sau vẫn là một khách văn chương hào hoa. Có thể khi thỏa mãn cơn khát Xuân Quỳnh, Đình Giang sẽ ngộ ra dịu dàng đến từ muôn vẻ, và Xuân Quỳnh hay May chỉ là hai trong muôn vẻ dịu dàng mà thôi, thì rồi trước sau gì trong lòng Đình Giang cũng sẽ nảy nở ham muốn khám phá những vẻ dịu dàng mới. May hình như đã nhìn thấy trước những rủi ro đường đời.

 

***

 

…Và một ngày nọ, Đình Giang đánh thức May dậy rất sớm để khoe rằng anh đã thức suốt đêm qua để viết về “Dịu dàng hoa bưởi”, rồi anh háo hức đọc cho May nghe. Vậy mà khi nghe rồi May lại thấy điếng lòng, Đình Giang ca ngợi hoa Bưởi mà sao giống hệt Daisy!

 

May lật ngược đồng tròn hạnh phúc trong tay và chợt thấy, mặt trái của nó là đắng cay. Người đàn bà dù giỏi giang đến đâu, dịu dàng đến đâu, thì việc níu giữ một người đàn ông cho đời mình vẫn đều phải cậy nhờ vào rủi may của số phận.

 

Dù Đình Giang vẫn không muốn công nhận về thân phận Daisy và cớ vì sao Daisy lại khiến anh lỗi nhịp vần thơ viết về hoa Bưởi. Song với trí thông minh của mình, May cũng có thể lần theo bước chân lãng tử, những cảm xúc của của Đình Giang về những vùng miền anh qua để đoán biết được Daisy đang ở nơi nào.

 

May nghĩ, có lẽ trong lòng Đình Giang, Daisy đã bám được rễ sâu từ trước khi May quen anh, nên mới xảy ra nhầm lẫn. Có lẽ chỉ là do trước đó, Đình Giang còn mãi mê muội với những vần thơ ru lòng của Xuân Quỳnh, nên tạm thời chưa nhận ra sự dịu dàng của Daisy đã ngự trong lòng anh lâu nay mà thôi? Và May, từ thành ý dịu dàng ban đầu, đã tự biến cái hữu duyên của mình trở thành vô duyên.

 

Dù buồn, nhưng nghĩ mình có thể thông cảm được, May nén lòng tự trong làm vui, vẫn như tấm tình hoa bưởi về đêm, vắt lòng tỏa hương ru tình…

 

***

 

Và hạnh phúc lại như dòng sông êm đềm trôi xuôi, những ngày xa nhau, Đình Giang gọi cho May không biết bao nhiêu lần mà kể, thường xuyên nhất là khi vừa mới thức giấc và trước khi đi ngủ. Thậm chí lắm lúc kể cả đang họp, đang viết báo, hay đang lúc nhậu với bạn, lúc đi với mẹ và chị gái mà anh vẫn không muốn tắt điện thoại, những muốn chứng minh cho May thấy anh nhớ May mọi lúc, mọi nơi. Cho đến một ngày, khi chuyến du lịch một tuần lên miền ngược của Đình Giang kết thúc, về nhà rồi Đình Giang bỗng buột miệng than thở:

 

-         Giá mà được ở lại xứ sở hoa dong riềng lấy 5 ngày mới thỏa!

 

May chợt giật mình ngờ ngợ:

 

- Năm ngày ư? Yêu thích về một vùng miền thì nhiều người nói tới, nhưng năm này là con số thời gian của Đình Giang và May thường có với nhau mà? Sao Đình Giang lại lấy số 5 làm chuẩn nhỉ?

 

Sự ngờ vực của May càng tăng lên, khi những ngày tiếp theo, cuộc gọi của Đình Giang trở nên thất thường, lúc nào Đình Giang cũng vội vã. Có hôm cả ngày im lìm, mãi đến khuya khoắt rồi anh mới gọi và ra bộ xuýt xoa:

 

-         Húi zà ! Bận suốt ngày giờ mới vể đến nhà, mệt quá!

 

Đình Giang đã vô tư nói dối, mà không hề biết May đang như muốn khóc. Bởi hôm qua, do cả ngày không thấy Đình Giang gọi, lại nghĩ giữa hai người có chút lục đục, Đình Giang đang giận dỗi May, nên tính chủ động gọi cho anh. Nhưng, sao cái điện thoại của Đình Giang tít tít báo bận liên miên hơn tiếng đồng hồ, khiến May bất lực không thể gọi. Linh tính lúc đấy đã mách bảo May rằng hình như xảy ra chuyện bất ổn rồi? Vậy mà …

 

Nén cảm xúc, May nhẹ giọng:

 

-         Dạ thế thì anh ngủ sớm đi cho lại sức!

 

Điện thoại cúp vội, khiến May chưng hửng. Bấy nay, May đã quen với kiểu Đình Giang gọi cho May rồi vì bận, cứ để điện thoại thế không tắt, và May nghe được cả tiếng nước xối trong phòng tắm, tiếng dép lẹp quẹp anh bước trên sàn nhà; Tối đến, khi anh kêu mệt thì May bảo anh nằm yên để May kể chuyện hoặc hát ru cho anh nghe, đến khi thấy anh im lặng, biết anh đã ngủ, May tự động tắt máy và để sẵn bên gối mình nằm, bởi May biết tảng mai ra, anh sẽ lại đánh thức May dậy từ rất sớm. Lúc ấy, dù đang ngái ngủ May cũng vội vàng quờ máy để anh không phải chờ lâu.

 

Ban đầu May nghĩ, có lẽ do dạo gần đây Đình Giang chưa hết giận, nên anh ít khoe bài mới viết với May hơn. Nhưng hình như May đã ngộ nhận. Nguyên do hình như không phải thế?

 

Những ngày về sau, càng ngày Đình Giang càng tỏ rõ thái độ lười biếng trong những cuộc gọi cho May đã đành, thời điểm gọi cũng rất kỳ quặc: gọi lúc khóa cổng để đi; gọi lúc sắp tới cổng cơ quan làm việc; lúc vào đến cửa buồng tắm, nghĩa là lý do ngừng cuộc gọi vì phải tắm, phải khóa cổng, phải vào làm việc…những lý do này trước đây Đình Giang sẽ không chịu tắt máy nếu May không nhắc anh.

 

Cách đây mấy hôm, Đình Giang cúp máy ngay giữa câu hỏi khi chính anh đang hỏi May về chuyện nhà, đến hơn một ngày sau mới gọi lại. Khi May hỏi sao lại hỏi chưa xong mà cúp máy, Đình Giang buột miệng:

 

-         Anh đã nói chuyện với em hơn ba mươi phút rồi còn gì!

 

Câu trả lời của Đình Giang không ăn nhập với nội dung câu hỏi của May. May nhận ra, Đình Giang bây giờ đối xử với May lơ là đến độ nói giữa chừng chưa hết câu cũng không để ý.  So về tháng trước thôi, khi May nhắc anh gọi cho May ít thôi để dành thời gian viết báo, thì anh nói cùn: “ - Em không thể cấm được anh đâu, cứ nhớ thì anh gọi, mà nhớ quá chịu không thấu là anh bỏ việc anh tìm về với em, đến đâu thì đến!” Nghĩa là bây giờ anh không còn thấy nhớ May, việc anh gọi như là nghĩa vụ bắt buộc.

 

Ấy là chưa kể, trước nay khi nghe máy, Đình Giang và May vẫn thường hỏi nhau những câu rất đời thường như bao cặp yêu thương khác: hôm nay làm gì? Ăn cơm chưa? Nhớ không? Tò mò hơn thì: viết gì vậy? vv… Cũng câu hỏi đấy, bây giờ khi May hỏi tới, Đình Giang lại lúng túng thanh minh:

 

- Anh bận sửa lên sửa xuống bài báo cho đủ số chữ quy định, mà anh chưa bao giờ gọi cho ai nhiều như gọi cho em còn gì, thôi anh tắm cái nhé!

 

Đình Giang bây giờ đâm ra so đo tính toán với May cả về thời gian những cuộc gọi, chuyện mà mới tháng trước đây, dù May có nhắc nhở anh cũng không chịu  ngừng. Thái độ của Đình Giang ngày càng thể hiện sự không bình thường, bởi ngay lúc gọi, Đình Giang biết rõ May đang bị cảm do thời tiết, mà dường như thờ ơ, cúp máy một cách vội vàng chỉ vì lý do đi tắm. Vả lại như bao hôm, May vẫn quan tâm tới cuộc sống của anh nơi xa ngái, chỉ hỏi rằng bận gì mà gọi em muộn thế. May đâu có nặng giọng trách cứ chi anh, sao lời của Đình Giang lại ý chừng như “cô đừng có mà đòi hỏi, tôi đã gọi cho cô nhiều thế còn gì…”

 

Tối đến, một phần vì May có tâm sự cần được chia sẻ, một phần vì tò mò về những biểu hiện lạ lùng của Đình Giang mấy ngày qua, nên vào giờ mà Đình Giang dành cho mình, không thấy anh gọi, May đã bấm máy. Như hai hôm trước, điện thoại của Đình Giang lại bận. May chợt hiểu, hình như đã có người thế chỗ những cuộc gọi thay cho May rồi? Số điện thoại cặp đôi mà May và Đình Giang cùng mua, anh đã dặn dò May sẽ chỉ dành để gọi cho nhau cơ mà nay anh dùng gọi cho ai?

 

Thường ngày, May vẫn tếu táo với mọi người, một ngày qua đi trong đời mà May không gặp chuyện buồn mới lạ, còn như gặp phải chuyện buồn mới là bình thường. Dù đã quen sống trong nỗi buồn làm vậy, thì điều Đình Giang gieo cho May quả là như tia sét ngang lòng! May lao ra ngoài trời đêm, sương lạnh bao phủ quanh mình, hoa bưởi như thảng thốt ê chề:

 

- Người mà từng ca ngợi May là hòn ngọc dẫu lấm bụi trần vẫn sáng, một ngày bỗng nhầm lẫn không phân biệt được đâu là đá ngọc, đâu là ánh lấp lánh của thủy tinh;

 

- Người mà mới tháng trước đã thốt lên rằng “anh yêu hoa bưởi vô cùng!”, thì dù vậy, tháng sau đã vội say túy lúy mật ngọt của loài hoa dong riềng!

 

May nghĩ, chưa chắc Đình Giang đã yêu Daisy hơn hoa bưởi? nhưng Đình Giang có lẽ cũng như nhiều đàn ông khác trong xã hội ngày nay, chỉ vì chút sĩ diện bản lĩnh, họ lấy việc thâu nạp càng nhiều đàn bà vào cuộc đời là sự thể hiện sức mạnh. Việc làm của họ gây ra bao nỗi đau đàn bà! Xã hội càng ngày càng có nhiều những người đàn bà vốn dĩ bản chất là chịu thương chịu chịu khó, nay bỗng trở nên hoặc là nhẫn nhịn một cách thái quá, thu mình sống im lìm vô tri vô giác như loài hoa nhựa đặt trên bàn thờ; hoặc là nổi loạn phá rào thành loài hoa hoang dại.

 

May không muốn làm loài hoa nổi loạn, càng không muốn làm hoa nhựa vô tri, để cố chiếm cho được chỗ thờ trong lòng Đình Giang. Hoa bưởi dù xấu đẹp, vẫn là loài hoa có cốt cách và hương thơm riêng. Cái đáng nói là từ khi hé nụ, dù ngắn ngủi về thời khắc, hoa bưởi đã rất cố gắng vắt kiệt mình để gieo hương đêm cho đời. Nên khi bị nhầm lẫn với Daisy, sự tổn thương trong lòng hoa bưởi là rất lớn. May nghĩ: nay Đình Giang đang như con ong đã say mới mật hoa dong riềng, thì hoa bưởi nên khép mình lùi vào dĩ vãng. Bởi hoa bưởi không muốn bị nhầm lẫn thêm nữa.

 

May nhắn tin cho Đình Giang: “hãy coi như hoa bưởi đã qua mùa anh nhé…”. Nhắn rồi May thấy lòng nhói đau, nhưng không trách cứ, dù Đình Giang có tham lam muốn ôm hết cả muôn vẻ dịu dàng của các loài hoa vào mình. May chỉ  mơ hồ lo sợ cho những vần thơ mai rày sẽ cất cánh ra sao? May sợ nhầm lẫn của Đình Giang là triệu chứng của sự đã bảo hòa cảm xúc trong anh ?!

 

Chia xa, May còn chút phân vân để lại: nếu quả lời Đình Giang đã nói rằng “May là niềm hạnh phúc thực sự của anh ?!” mà đúng như trong lòng anh nghĩ, thì coi như anh đã tự đánh mất hạnh phúc của chính mình trên con đường chạy đua sĩ diện!

 

Và May tiếc nuối vì còn một nhẽ, hạnh phúc đến rồi đi ngắn ngủi như tia chớp, May còn chưa kịp về quê nhà, để nấu một bát yến dâng lên mẹ già như ước nguyện, bởi theo lời Đình Giang thì mẹ chưa được hưởng lấy một ngày đức phúc thảo hiền. May thấy chua chát trong lòng biết bao. Bởi nếu May ra đi, May nợ mẹ một món nợ thảo hiền, món nợ mà có thể khiến May không bao giờ trở thành người đàn bà hoàn hảo về đức hạnh ; còn nếu May ở lại với Đình Giang, thì cuộc sống sẽ là sự gen đua sắc màu giữa các loài hoa trên ngòi bút thi sĩ, sự sống như vậy thì quả là ê chề…

 

 

 

Ý kiến bạn đọc:
luuxuanthanh

     Em đã mượn hai nhân vật nổi danh trong nền văn học VN để nói rõ quan điểm của mình ...Thật ra cuộc hôn nhân Vũ - Quỳnh cũng là tình không đẹp và ngắn ngủi . Theo anh, dù thủy chung thể xác, đôi lúc cũng ngoại tình trong tư tưởng. Anh không ngoại lệ... Em chê cười anh hả. Xin mời , em cứ cười cho thanh thản. Cầu mong Ut Lan Vàng vui may, hạnh phúc.

=====

Phlanhoa

Cám ơn anh Thái đã đọc và còm men (comments)

Cốt chuyện không chú trọng ở ngoại tình mà anh. Cốt truyện có hai mục đích hướng tới:

  • Dịu dàng đích thực nằm ở đâu? Như thế nào?
  • Chiều sâu của tâm hồn: anh có thể đa tình thi sĩ, nhưng phấn hương quá đà đến mức nhầm lẫn, thì tác phẩm của anh trở nên vô giá trị. Hoa  nở rồi tàn là chuyện luân hồi kiếp hoa, nhưng đứa con tinh thần của người thi sĩ, mỗi khi in thành tác phẩm là chịu sự khen chê của người đời. Dạo gần đây có vài nhà thơ viết thơ tình mà VD đọc rồi cảm giác như người ta lột áo quần một cô gái rồi miêu tả từ A - Z một cách vô cảm. Thật là tai họa kinh khủng cho thơ phải không ạ?  Điều VD muốn nói trong truyện "Văn là Người". Khi trái tim thi sĩ đã không thật lòng yêu mến một loài hoa, thì dù văn chương có tài nghệ đến đâu cũng không miêu tả nổi cốt cách của hoa...
  •  

Nguyễn Vạn An

     Hiểu và tha thứ hình như bao giờ cúng đi đôi với nhau. Hiểu và tha thứ người khác thì có thể, còn áp dụng cho mình thì khó hơn nhiều phải không ? Vẽ sai ư? Rất nhiều. Nhưng tự tha thứ thì không tiến được!

=====

Phlanhoa

     Hì hì, anh An thấy không, con ong tìm nhụy phấn, bay qua hết loài hoa này sang loài hoa khác, đến hồi viên phấn hoa trong chân nó là một tổ hợp lẫn lộn không còn phân biệt được nữa. Đa tình nghệ sĩ xưa nay cũng nhiều, nhưng VD nghĩ nên giới hạn mình một chút, Văn, Thơ, Họa của ai đều thể hiện tâm hôn người đó. Cái là người đời đọc được tâm hồn tác giả trong tác phẩm sáng tác...

 

vidamantinh

Cám ơn Anh đã ghé thăm và có lời khen. Điều May lo lắng không phải nỗi buồn của mình, mà ở sự bảo hòa cảm xúc trong tâm hồn Đình Giang. Điều đó nói lên sự nguy hại từ hai chiều. Nếu không phải là May, có thể Đình Giang sẽ gặp rắc rối. Nhưng nguy hại nhất vẫn là Đình Giang không gửi hồn được vào tác phẩm nghệ thuật, khiến nó trở thành vo giá trị... Hoa sĩ, anh sẽ thế nào, nếu nhỡ may mình lỡ tay phết vào bức tranh hoa loa kèn đang vẽ một gam màu tím của hoa khế? Trong trường hợp đó dù May có thông cảm, anh cũng khó mà tha thứ cho chính mình, đúng không ạ?

Nguyễn Vạn An

     Suy nghĩ nhận xét tế nhị, sâu xa, chính xác, cấu từ rất riêng, rất nhiều hình ảnh độc đáo và đẹp trong cách diễn tả câu chuyện. Vào đọc VD là say mê đọc đến cuối, không thể ngưng. Trong đời tôi đã biết những người như Đinh Giang và những người như May. Người đàn ông rất thương yêu, rất tận tụy, rất thành thật. 100% với một người tình. Nhưng chỉ trong một thời gian. Sau đó ông bỏ đi, sống hoàn toàn như vậy với một người khác. Ông ta vẫn giữ liên lạc thăm hỏi những người cũ, đến giúp đỡ khi gặp khó khăn. Điều lạ là những người đã yêu ông đều đẹp,giầu tình cảm và thông minh, nhưng không ai giống ai, và suốt đời không một người nào có thể quên ông. Họ biết ông là ai nhưng không cưỡng lại được khi ông đến, và rất sáng suốt biết những dấu hiệu ông sẽ ra đi…

PHƯƠNG THẢO

   TÌNH YÊU CŨNG NHƯ TỨ THƠ, KHÔNG AI BIẾT TRƯỚC VÀ CÀNG TỰ NHIÊN, CÀNG TỐT, KHÔNG NÊN BẮT CHƯỚC XUÂN QUỲNH. NGÀY TRƯỚC TÂY THI NHĂN MẶT THÌ CÀNG ĐẸP, CON GÁI ĐUA NHAU BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT THÌ AI CŨNG PHÁT SỢ. VỚI TÌNH YÊU KHÔNG GÌ HAY HƠN CỨ TỰ NHIÊN. TÌNH YÊU AI YÊU AI Ở TRÊN ĐỜI MAY RA CHỈ CÓ ÔNG TRỜI MỚI HAY KHÔNG TOAN TÍNH, KHÔNG SẮP BÀY TỰ NHIÊN NHƯ TRÁI ĐẤT NÀ NGÀN NĂM PHƯƠNG THẢO.

=====

Vigiamgantinh

   Trong chuyện, May nhận đóng vai Xuân Quỳnh bởi Đình Giang khao khát, nhưng rồi cô không diễn rập khuôn  vai diễn  Xuân Quỳnh anh Phương Thảo à!

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ 2: Chợ Cầu trên bến dưới thuyền (13h: 24-03-2012)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa (17h: 13-07-2010)
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)
 Ví dặm ơi sâu lắng chút mồ (15h: 22-03-2011)
 Công thức làm bếp trong lời ru của mẹ - Bài và ảnh của Phlanhoa (14h: 03-08-2010)
 NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - Phlanhoa (18h: 28-07-2010)
 Tri âm cùng bạn đọc của vidamdodua.com (16h: 04-08-2012)
 Vợ chồng bà bạn cùng phố (19h: 15-06-2013)
 Nhút cà ơi bớt mặn ! (16h: 16-03-2011)
 Quà tết (01h: 29-01-2012)