Trích trong cuốn: Di tích danh thắng Hà Tĩnh-
Chủ biên Trần Tấn Hành - Sở VHTT Hà Tĩnh ấn hành năm 1997
Ảnh chụp di tích thắng cảnh của Phlanhoa
***
Tới ngã ba sông, nước bốn bề…
Câu thơ này nhà thơ Huy Cận viết về ngã ba Tam Soa, nơi bắt đầu con sông xinh đẹp La Giang của đất Chi La – Đức Thọ, sông rẽ nước vấn lấy bãi đảo Ngưu Chữ lượn một vòng cung về đông nam, luôn qua cầu sắt Thọ Tường, lại lượn vòng cung lên hướng bắc, rồi lẹ làng sà vào sông Cả - Lam Giang ở ngã ba Phủ, trước Lam Thành.

Tam Soa bến nước
Sông La chỉ có 15 km chiều dài, nhưng hai chi lưu thượng nguồn Ngàn Sâu (121km) và Ngàn Phố (69km) hàng năm đổ qua đây trên 6000 triệu m3 nước, với 100 vạn tấn phù sa, tạo nên màu xanh bát ngát đôi bờ. Dọc triền sông xưa kia là những xóm làng yên ả, với đồng lúa, đồng mía, bãi ngô, nương dâu… với những nghề thủ công cổ truyền: lụa Hạ, vải Hồ, nón Thượng, nón Hạ, dầu vừng, hàng mã chợ Hôm, miến bột chợ Cầu, đường phên chợ Trổ… và rộn rã hàng rèn Vân Chàng, Minh Lang, làng mộc Thái Yên, làng đóng thuyền Trường Xuân. Cái yên ả, cái rộn rã đã làm nên thơ ca:
Ai về Đức Thọ thì về
Nước trong, gạo trắng nhiều bề làm ăn
Lại còn tiếng hát bội ngày hội, trống sắc bùa dịp tết, cuộc rước sắc ngày xuân…và câu vì giao duyên trên sông, đầu bến…Bây giờ vẫn những ngôi làng ấy, những đồng bãi ấy, nhưng màu xanh được nhân lên, toả ra với ruộng lúa, cây vườn, ánh sáng càng rực lên với gương nước dòng kênh, với ngọn điện trong những căn nhà tường xây, mái ngói, không gian bị khấy động hơn bởi tiếng máy, tiếng còi tau, ô tô…
Từ thị trấn huyện lỵ đi về phía nam không xa, ta sẽ gặp ngọn rú Dầu (xã Đức Lạc) di chỉ xưởng chế tác đồ đá mới của người nguyên thuỷ và theo ý kiến của các nhà khảo cổ học thì vùng quanh rú Dầu, đã phát hiện được những chứng tích di chỉ đồ đồng Đông Sơn. Các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược để lại những địa danh rực rỡ: Bà Hồ - Bình Hồ, thủ đô kháng chiến của nhà Hậu Trần. Núi Thông Đồn của nghĩa quân Lam Sơn, Đông Thái, Trung Lễ căn cứ địa đầu tiên của phong trào Cần Vương… vùng đất này cũng đã sinh ra hoặc tạo nên công nghiệp của nhiều nghĩa sĩ, anh hùng, chí sĩ như Nguyễn Biểu, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Lê Bôi, Phan Đán, Trần Duy, Nguyễn Lộng, bà Bạch Ngọc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Phan Đình Phùng, Lê Ninh trong phong trào Cần Vương, Lê Văn Huân, Phạm Văn Ngôn, linh mục Đỗ Quang Lĩnh, Trần Phú… trong các phong trào yêu nước cận hiện đại.

Cầu Linh Cảm - dãy Thiên Nhận nhìn từ lăng mộ Trần Phú

Bàn Thạch (nay đà vắng khách thơ, cỏ mọc xanh um)
“Châu mặc thành non chữ nghĩa nhiều” (Ốc lâu thoại). Đúng vậy, đất này còn là đất của chữ nghĩa, quê ông Trạng Đào Tiêu, ông Khôi nguyên Đoàn Xuân Lôi (đời Trần), những ông nghè, ông cống, cựu học tân học… cùng với những tên tuổi lẫy lừng: nhà văn Hoàng Trừng, nhà địa chí học Bùi Dương Lịch, nhà triết học Phan Bá Đạt, các nhà thơ Mai Doãn Thường, Phan Nhật Tĩnh, Phan Trọng Mưu, các vị sư mô Bùi Sằn, Thái Tổn…thời Lê – Nguyễn. Thời hiện đại ở đây có các nhà thơ văn Phan Điện, Hoàng Ngọc Phách, nhà giáo Lê Thước, nhà toán học Lê Văn Thiêm, nhà sinh học Võ Quý và nhiều người tên tuổi khác.
Vùng ven sông có những đền miếu chùa chiền, nhà thờ… có giá trị lịch sử, văn hoá. Nhiều đền miếu nổi tiếng do thờ các nhân vật lịch sử kiệt xuất, hoặc do quy mô kiến trúc lớn, hay có giá trị mỹ thuật cao. Đó là đền nghĩa vương Nguyễn Biểu, đền Linh Cảm, đền Trung Mục vương Đinh Liệt, đền Ngũ Long, đền Tứ Phi, đền Trường Xuân, đền Cao Các…”gác chuông chùa Thượng, tam quan Du Đồng” đặc biệt đền Tam Lang và đền Thánh thợ Thái Yên là những công trình kiến trúc chạm khắc tuyệt tác. Chùa Diên Quang (chùa Am) vừa là một di tích lịch sử, một danh lam, vừa là một công trình kiến trúc đặc sắc thời Lê vãn. Các nhà thờ Thiên chúa giáo Nghĩa Yên, Thượng Tứ với kiến trúc gô tích to lớn, nhưng đáng chú ý hơn là các ngôi nhà thờ cổ kính, như Thọ Ninh, Yên Phú…
Nếu La Giang là thắng cảnh bậc nhất đất Chi La – La Sơn, thì Tam Soa là điểm hội tụ vẻ đẹp trong vùng La – Việt. Tam Soa nghĩa đen là ngã ba, từ lâu đã được coi là tên riêng. Phía dưới đầu bài Ngưu Chữ ngày trước có sở Tuần Ty, nên Tam Soa còn gọi là ngã ba Tuần. Ngọn Mồng Gà đỉnh cuối dãy Đại Hàm, như bức bình phong đứng sừng sững trước mặt tây Tam Soa, núi Việt hay núi Tằm là một ngọn thuộc sơn hệ Thiên Nhẫn đứng bên bờ bắc. Dưới núi có dòng khe và mười cái hồ, một hồ nước trong và ngọt có tiếng, nên người xưa gọi đất này là đất Việt Yên. Núi có hai cánh dang ra, với con mắt thơ mộng dân gian thì đó là hai cánh chim phượng. Trên nhánh nam có chùa Phượng Tường, nay còn gọi là ngọn tháp cao, phía trong có chùa Cao (hay chùa Tằm) dựng từ thơi Lê, nay không còn.
Mé dưới núi Việt, trên ngọn Kim Quy thuộc làng Ninh Thái, có ngôi miếu thờ một võ tướng đời Lê. Đối diện với núi Việt là núi Thông (Tùng Lĩnh) ở bờ Nam, đầu làng Tùng Ảnh. Trên núi có đền thờ Linh Cảm đại vương Đinh Lễ, tướng nghĩa quân Lam Sơn, nên thường gọi là núi Linh Cảm. Năm 1425, Đinh Lễ về đóng quân ở đây, làm tiền đồn bảo vệ khu căn cứ Đỗ Gia. Về sau nhân dân dựng đền thờ ông trên nền dinh trại cũ. Quanh đền là rừng cổ thụ bốn mùa xanh tốt:
Đinh Hầu cây miếu mây vờn lá
Đỗ Xá ghềnh thơi sóng đẩy thuyền
(Thơ Bùi Dương Lịch)
Năm Ất Dậu (1885) quân Pháp tấn công đại đồn Đông Thái của nghĩa quân Cần Vương. Phan Đình Phùng đưa lực lượng lên giữ Tùng Lĩnh. Quân Pháp không tiến lên được, đã nã súng vào núi mấy ngày đêm liền, đền bị hư hại nặng. Sau năm 1895, phong trào Cần Vương bị dập tắt, Pháp bắt dỡ chuyển ngôi đền lịch sử này sang núi Vọng Sơn, phía sau Tùng Lĩnh để xây đồn binh lên trên nền cũ. Đền Linh Cảm trở thành trung tâm thống trị, đàn áp phong trào cách mạng ở Đức Thọ. Quanh đồn có nhà bưu điện, trại giam, trại “con gái”, chợ búa, hàng quán, đồn kiểm lâm, nhà đoan (thương chính) cũng đặt ở đây. Trên đỉnh núi xưa Nguyễn Thân cho dựng bia ngợi ca “công lao dẹp loạn” của y. Nhưng chưa bao lâu, tấm đá bị sét đánh vỡ tan.
Dưới chân núi mé bờ sông, có tảng dá lớn bằng phẳng, văn nhân tài tử thường tới đây ngắm cảnh, ngâm vịnh, nên được gọi là Thạch Bàn là “thi đàn”, “giang sơn muôn thở mở đàn thơ” (Ốc lậu thoại).
Phía đông núi có chùa cổ Huyền Lâm, thường gọi chùa Đá (Thạch Động), chùa do nhân thân họ Võ (tương truyền đỗ tiến sĩ, bỏ quan về? lập nên dưới thời chúa Trịnh Khải đời vua Lê Hiển Tôn). Chùa nay đã mất, chỉ còn ngọn tháp xây bằng gạch nung.
Cũng trong xã Tùng Ảnh, bên kia núi Vọng Sơn, nơi hiện nay còn phế tích đền Linh Cảm mới, là núi Son (Châu Sơn), rú Mực (Mặc Sơn), trên Châu Sơn có khu lăng mộ vị lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng. Còn từ Tùng Lĩnh theo đê sông La về xuôi không xa là khu lưu niệm Tổng bí thư ĐCSVN đầu tiên Trần Phú.
Trong văn chương xưa, Tùng Lĩnh cũng thường gắn với Mai Hồ “Tùng Mai văn vật”, “Tùng Mai khí tiết”. Tùng Mai là hình ảnh biểu tượng của đất La Sơn – Việt Yên. Mai Hồ, tục gọi hồ mới là dấu vết một dòng cũ sông La, nằm vào giữa hai xã Tùng Ảnh và Đức Yên bây giờ. Xưa kia vào hạ, mặt hồ đỏ rực hoa sen, hương thơm ngát một vùng, bên bờ gần đây có di tích một ngôi trường học của Hành Khiển Bùi Sằn và ngôi đền thôn Yên Nội, thờ vị danh tướng Lam Sơn Đinh Liệt (em Đinh Lễ).
La Giang – Tùng Lĩnh xưa nay vẫn là đất văn chươngnghĩa khí, là vùng thắng tích nổi tiếng ở phía bắc Hà Tĩnh. Nhưng ngày nay, cùng với thời gian, nhiều cảnh quan và di tích thắng cảnh quan trọng đã bị xuống cấp.

