Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Người đẹp và nhành Phong Lan dưới mưa
 
(16h: 15-12-2012)
Người đẹp và nhành Phong Lan dưới mưa Bài và ảnh của Phlanhoa
***

Mặc khách tuy đều là bậc trượng phu đáng nể trọng, họ đến để ngắm Phong Lan, hoạ sắc đẹp của Phong Lan, nhưng Phong Lan biết chắc các bậc trượng phu kia chỉ như cây kiếm để trong vỏ không tuốt ra bao giờ, nên không hề trông mong ở mặc khách một sự bảo vệ. Khi bão táp mưa sa, mặc khách sẽ không đến tao đàn để thơ hoạ gì đâu, sương gió riết rồi Phong Lan lại thấy mình bền bỉ hơn về nhan sắc...


 Người đẹp và nhành Phong Lan dưới mưa

      Mưa đến giữa mùa gió chướng thật lạ lùng, nó rả rích than sầu với đêm gì đó mà cứ lâu lâu lại rơi lệ, rồi lại ngưng. Bản chất của đêm vốn một mình tĩnh lặng, nhưng đêm qua mưa đã làm cho đêm lao xao chập chờn thức thức ngủ ngủ.

           Sáng ra cơn mưa đã bỏ đi rồi, con bướm tìm về, nhưng nó không nhìn thấy hoa nở để mà đậu. Cũng chẳng có gì lạ, bản chất của bướm vốn chỉ thích bay lượn la đà, từ giữa không gian mênh mông, bướm bay thì nhanh và nhìn thì lướt qua, nên những loài hoa mang màu sắc rực rỡ thường dễ dàng lọt vào đôi mắt xanh của bướm hơn. Nhưng sáng nay, sắc hoa đã bị mưa phủ dày một làn nước, mặt trời vốn rất ngại nhìn thấy mưa khóc nên đã tránh đi đâu đó, không có mặt trời hoa nở trong mờ mịt, dáng vẻ ủ dột, u sầu…

 Trong vườn, chỉ có Phong Lan là vẫn giữ được dáng vẻ cốt cách của mình. Cái nhành chìa dáng kiêu sa, cong vuốt một đường điệu đà, vài giọt nước li ti đậu chênh chao trên lớp nhung tơ của những chiếc cánh mỏng sắc tía, nhìn vào hình dáng của Phong Lan lúc này sẽ hiểu vì sao người đời lại đặt tên cho Phong Lan là Mỹ nhân.

         Người Đẹp đến bên Phong Lan, tay nâng nhẹ cánh hoa mê mẩn ngắm nghía dường như muốn hỏi: “- làm thế nào mà ngươi có thể đẹp đến nhường vậy hả Phong Lan, ta thật ghen tị với nhan sắc của ngươi đấy?” Phong Lan nguýt khẽ Người Đẹp như ngầm bảo: “- Nhan sắc của cô thì có thua gì tôi? Nhưng cô hãy nhớ sắc đẹp chưa hẳn để lấy làm kiêu hãnh, thậm chí nó là mối hoạ vô lường, là một kiếp nạn mà số phận cô và tôi phải mang theo”.

 Người Đẹp hỏi:

-         Phong Lan có tâm sự gì chăng? Hãy kể cho ta nghe đi?

         Phong Lan khẽ rung nhành hoa, một giọt cam lồ rơi xuống lòng bàn tay Người Đẹp, chảy loang thành một câu chuyện hoà chung hai số phận Người Đẹp và Phong Lan truyền tụng đến ngàn đời sau…

       Ngày xưa, Phong Lan vốn sinh ra ở vùng sơn cước, và chỉ có màu trắng trong. Nàng Phong Lan lớn lên với dòng suối, mặt trời, cơn gió và những làn mây bồng bềnh trên đỉnh núi. Một hôm, cơn gió rong chơi lang thang đem về một thông báo rằng ở kinh thành sẽ có một cuộc thi sắc đẹp của các loài hoa, loài hoa nào chiến thắng thì sẽ đuợc tôn vinh là nữ hoàng của tình yêu và sắc đẹp và sẽ được làm hoàng hậu. Vùng sơn cước thơ mộng bỗng nhiên ồn ào náo nhiệt, ai cũng mong muốn Phong Lan xuống núi để tham gia cuộc thi ấy. Làn mây bồng bềnh tặng cho nàng một chiếc váy trắng tinh, dòng suối và mặt trời thì dệt vào váy của nàng Phong Lan những hạt kim sa lấp lánh và những sợi tơ vàng óng ánh, khiến cho sắc đẹp của nàng vô cùng lộng lẫy, khi nàng buớc đi, cơn gió cố tình thổi phồng chiếc váy làm cho buớc đi của nàng luớt nhẹ như bay luợn...

       Khi vừa đến kinh thành, nhà vua chợt nhìn thôi đã bị mê hoặc ngay bởi vẻ đẹp kiêu sa, trong trắng của nàng và người quyết định chọn nàng để tôn vinh sắc đẹp. Nhưng oan trái thay, điều lệ trong triều quy định, nữ hoàng phải là những loài hoa xuất thân từ vườn thượng uyển và thế là hoa Hồng lên ngôi. Nhà vua từ đó đâm ra sầu tương tư, trong lúc đó hoa Hồng biết chuyện đã rất ghen tuông với nàng, với quyền lực của mình, hoa Hồng biến Phong Lan thành cung nữ ngày ngày đứng hầu ở cửa loan phòng, bắt phải chứng kiến cảnh tượng hoa Hồng cùng vua tình tự. Mỗi ngày qua laị, để thoả cơn ghen, hoa Hồng đã đâm những cái gai của mình vào thân thể Phong Lan, những tia đỏ tím trên cánh hoa Phong Lan tồn tại cho đến ngày nay, chính là vết tích ghen tuông của hoa Hồng. Trong khi nhà vua, ở trong phòng loan tay ôm hoa Hồng nhưng tâm can lại thương nhớ về Phong Lan nên cứ ngóng hoài ra cửa. Nước mắt đau xót của Phong Lan rơi hoà lẫn vào máu loang lổ trên váy của mình, khiến cho chiếc váy có thêm sắc màu nên càng lộng lẫy. Càng buồn đau, Phong Lan càng đẹp hơn. Thần tình yêu đã nhìn thấy nỗi đau buồn đó của Phong Lan nên quyết định giải thoát cho nàng, bằng cách hoá kiếp cho nàng trở thành loài hoa mỹ lệ, chúa tể nhan sắc của thế giới loài hoa. Nhà vua đau xót, lập vườn tao đàn rồi đem Phong Lan treo lên giàn để mỗi ngày qua lại tưởng nhớ, thi nhân mặc khách ghé qua cũng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp bí ẩn của Phong Lan, mà  từ đó hoa Phong Lan có ý nghĩa là mỹ nhân, ngoài ra Phong Lan còn có ý nghĩa của sắc đẹp vĩnh hằng…

 Người Đẹp chép miệng: Sao nỗi niềm của ngươi với ta giống nhau thế. Trong cuộc sống, miệng lưỡi người đời thường rêu rao rằng ở đâu có quân tử thì ở đó có mỹ nhân, mỹ nhân cậy nhờ quân tử để sống. Nhưng người quân tử tính cách vốn phóng khoáng ưa rày đây mai đó làm sao mà lo nổi cho cuộc đời mỹ nhân, nên mỗi ngày mỹ nhân vẫn miệt mài quay tơ dệt vải để tự nuôi mình, và sống trong lặng câm đợi chờ.

           Phong Lan: Người đời vẫn tưởng nhầm rằng Phong Lan sống được là nhờ thân gỗ mục nuôi nấng, mấy ai đã hiểu Phong Lan tự nuôi sống mình là nhờ quang hợp từ những chiếc lá qua bao mưa nắng dầm dề?

 Mặc khách tuy đều là bậc trượng phu đáng nể trọng, họ đến để ngắm Phong Lan, hoạ sắc đẹp của Phong Lan, nhưng Phong Lan biết chắc các bậc trượng phu kia chỉ như cây kiếm để trong vỏ không tuốt ra bao giờ, nên không hề trông mong ở mặc khách một sự bảo vệ. Khi bão táp mưa sa, mặc khách sẽ không đến tao đàn để thơ hoạ gì đâu, sương gió riết rồi Phong Lan lại thấy mình bền bỉ hơn về nhan sắc.

 Người Đẹp: Ta cũng giống như một nhành Phong Lan vậy, càng đẹp cuộc đời càng đầy sương gió. Những vị quân tử vốn quan niệm việc chinh phục mỹ nhân là một trò chơi, họ xây dựng tiêu chuẩn hình mẫu người đẹp và đạo tạo theo ý đồ, sau đó lao vào cuộc trổ tài chinh phục, họ ném ta vào cuộc chiến tranh chấp lẫn nhau.

          Dẫu vậy, ta hiểu quân tử chinh phục ta không phải để mang đến cho ta  một tình yêu vĩnh hằng như họ dùng miệng lưỡi để thề thốt. Ta biết trước, qua cơn mê say, ta có thể bị xếp vào bộ sưu tập nhằm mục đích tôn vinh sức tài chinh phục của quân tử. Nói dại, khi điều đó xảy ra ta thà ước làm một nhành Phong Lan xông xênh hội cùng mây gió ở tao đàn, còn hơn là tự biến mình thành bà tiên cô trong lịch sử của một gia tộc ngay cả khi cơ thể mình còn chảy máu.

 Người đẹp và Phong Lan dẫu lộng lẫy bao nhiêu, trước sau gì cũng sẽ là tội đồ trần thế, bởi đạo lý của loài người là do quân tử đặt ra, nên trên đời này, quân tử không bao giờ là kẻ có tội …


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Bức thư tháng mười (2) (00h: 21-10-2012)
 Em xin làm lẽ Nguyễn Công Trứ (16h: 07-05-2012)
 Câu chuyện đấu tranh dành quyền bình đẳng của vung và nồi (23h: 20-10-2011)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ 2: Chợ Cầu trên bến dưới thuyền (13h: 24-03-2012)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa (17h: 13-07-2010)
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)
 Ví dặm ơi sâu lắng chút mồ (15h: 22-03-2011)
 Công thức làm bếp trong lời ru của mẹ - Bài và ảnh của Phlanhoa (14h: 03-08-2010)
 NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - Phlanhoa (18h: 28-07-2010)
 Tri âm cùng bạn đọc của vidamdodua.com (16h: 04-08-2012)