Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
 Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Nhạc tính trong thơ
 
(21h: 17-08-2013)
Bài viết của Phan Lan Hoa
***
Tôi chưa bao giờ dám gửi thơ đăng báo. Đó là vì đọc phải văn chương chữ nghĩa của người xưa tự thấy xấu hổ. Càng đọc càng xấu hổ. Trong thơ của tiền nhân đâu chỉ có nhạc họa thường tình, mà còn có cả Quân – Thần – Dân – Sự - Vật; có cả Âm – Dương – Thái cực, Trời – Đất vần vũ bao la. Tư tưởng trong thơ tiền nhân rất lớn lao, thật sự tôi chưa đạt tới, nên đành khiêm tốn nhận mình chỉ mới là kẻ học làm thơ thôi. Dẫu vậy, cũng to gan xin chia sẻ kiến thức mình mới thu thập được cùng với người yêu thơ...

 

 

 

NHẠC TÍNH TRONG THƠ

Phan Lan Hoa

***


Tôi chưa bao giờ dám gửi thơ đăng báo. Đó là vì đọc phải văn chương chữ nghĩa của người xưa tự thấy xấu hổ. Càng đọc càng xấu hổ. Trong thơ của tiền nhân đâu chỉ có nhạc họa thường tình, mà còn có cả Quân – Thần – Dân – Sự - Vật; có cả Âm – Dương – Thái cực, Trời – Đất vần vũ bao la. Tư tưởng trong thơ tiền nhân rất lớn lao, thật sự tôi chưa đạt tới, nên đành khiêm tốn nhận mình chỉ mới là kẻ học làm thơ thôi. Dẫu vậy, cũng to gan xin chia sẻ kiến thức mình mới thu thập được cùng với người yêu thơ..
.

Có hai lý do mà trước tiên cần phải dạo qua luật Trắc - Bằng, Thanh – Vận – Điệu trong thơ Đường luật:

- Lý do thứ nhất: Đây là thể loại thơ có quy định (bằng văn bản) khá kỹ càng về âm thanh và giai điệu nên khi cần “nói có sách” thì đương nhiên phải dụng để làm căn cứ;

- Lý do thứ hai: Là gần đây có tranh luận về dòng thơ “Đường luật ngũ độ thanh”. Có người cho rằng ngũ độ thanh là thể loại mới sáng tạo của thơ Đường luật, có người lại cho rằng nó có xuất xứ từ nhạc phủ. Vấn đề này tôi xin đưa ra ý kiến như sau:

Các thể loại thơ Đường:
* Thơ tự do
* Thơ Ngũ ngôn và Thất ngôn

Trong thơ Ngũ ngôn và Thất ngôn chia làm hai thể:
- Ngũ ngôn trường thi và Thất ngôn trường thi
- Ngũ ngôn bát cú và Thất ngôn bát cú

Trong Ngũ ngôn bát cú và Thất ngôn bát cú lại đường chia thành hai thể loại:
+ Ngũ ngôn bát cú cổ phong (cổ thể) và Ngũ ngôn bát cú thi luật (cận thể)
+ Thất ngôn bát cú cổ phong (cổ thể) và Thất ngôn bát cú thi luật (cận thể)

Phải nhắc qua, vì rất nhiều chiếu thơ Thi luật đã không hiểu, tưởng Đường thi tức là Đường luật. Vì hiểu nhầm nên các Thi sĩ Đường luật bạo gan chê cả thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Hành, cho rằng các thánh thi đều thất luật. Không phải thế ạ. Thi luật, hay còn gọi tên khác là Cận thể, chỉ là một thể loại trong tổng thể khái niệm Thơ Đường. Thi luật là loại thơ dùng để thi cử trong các kỳ thi đời Đường.

Luật thể của thơ Ngũ ngôn bát cú và Thất ngôn bát cú: Được chia thành hai thể: THỂ CHÍNH CÁCH và THỂ THIÊN CÁCH.

Cấu trúc thể Ngũ ngôn bát cú thi luật chính cách - Bằng thể
TTT B vần
bằng
BB TT vần
bằng
BBB T T
TTT B vần
bằng
TT BB T
BB TT vần
bằng
BBB T T
TTT B vần
bằng

Cấu trúc thể Ngũ ngôn bát cú thi luật chính cách - Trắc thể
BB TT vần
trắc
TTT B vần
trắc
TT BB T
BB TT vần
trắc
BBB T T
TTT B vần
trắc
TT BB T
BB TT vần
trắc

Cấu trúc thể Thất ngôn bát cú thi luật chính cách – Bằng thể
BB TTT B vần bằng
TT BB TT vần
bằng
TT BBB T T
BB TTT B vần
bằng
BB TT BB T
TT BB TT vần
bằng
TT BBB T T
BB TTT B vần
bằng

Cấu trúc thể Thất ngôn bát cú thi luật chính cách – Trắc thể
TT BB TT vần
trắc
BB TTT B vần
trắc
BB TT BB T
TT BB TT vần
trắc
TT BBB T T
BB TTT B vần
trắc
BB TT BB T
TT BB TT vần
trắc

Thể thiên cách: là có thể sử dụng “nhất, tam, ngũ bất luận” (chữ thứ 1,3,5 trong mỗi câu không nhất thiết phải gò vào luật trắc bằng)

Ngũ thanh là gì?
Là 5 âm thanh chính của nhạc cổ là : Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ (Kinh thi)
- Cung
là: Quân , là Thái Cực, là nốt Fa
- Thương
là:Thần , Thiếu Dương, là nốt Sol
- Giốc
là; Dân , Thiếu Âm, là nốt La
- Chủy
là;Sự , Thái Dương, là nốt Đô
- Vũ
là;Vật , Thái Âm, là nốt Rê

Về sau, Văn Vương là người thêm hai cung phụ là Biến Cung và Biến Chủy . Tương ứng với nốt Mi (E) và Si (B), ta sẽ có toàn âm giai tương ứng một gamme diatonique của nhạc phương Tây.

Về ý nghĩa của ngũ thanh: Ngũ độ thanh là trường độ một âm giai gồm 5 nốt nhạc chính thống Fa, Son, La, Do, Re mà các thi nhân cổ xưa đã đặt làm luật cho thể thơ Ngũ ngôn, là Chính cách thơ Đường luật thể Ngũ ngôn. Và theo phán đoán, có thể sau khi Văn Vương thêm hai dây Biến Cung (Mi) và Biến Chủy (Si), thì đồng thời thể thơ thất ngôn ra đời, 7 tiếng thơ trong một cú có thể là sự tương ứng với 7 nốt nhạc Fa, Mi, Son, La, Si, Do, Re. Bởi vậy, xin các môn đệ trường phái thơ Đường luật đừng hiểu nhầm là cứ đủ huyền, không, sắc, nặng, hỏi, ngã là đã làm thơ Đường luật ngũ độ thanh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, nếu một câu thơ năm chữ mà đủ cả dấu huyền, không, sắc, nặng, hỏi, ngã, thì cơ bản có thể đã gần tương ứng với ngũ thanh. Nhưng còn phải tùy thuộc vào sự sắp xếp dấu thế nào cho tương ứng với quy luật trật tự của một âm giai mới có thể tạo nên giai điệu mượt mà.

Nhiều môn đệ dòng thơ Đường luật ngày nay lấy làm kiêu hãnh khi hoàn thiện một vài bài ở dạng Ngũ độ thanh, thậm chí có người giọng điệu rất kiêu căng: “Tôi chỉ có làm ngũ độ thanh thôi!”. Vấn đề này tôi xin có đôi điều phân tích như sau:

Nếu ta nhìn vào bảng luật ở Thể chính cách, mỗi bài tuy có 8 câu (bát cú), nhưng chỉ có 4 kiểu tiết tấu: câu 1-4-8 cùng một tiết tấu; câu 2-6; câu 3-7 cũng trùng tiết tấu, chỉ có câu 5 là mỗi mình riêng một tiết tấu.

Vấn đề đáng nói ở đây là âm giai và tiết tấu được cổ nhân biên soạn sẵn, tựa hồ như một làn điệu dân ca, chỉ được phép thay lời chứ không được phép thay nốt nhạc. Môn đệ làm thơ Đường luật ngũ độ thanh không được quyền chế tác gì thêm về phần âm nhạc, mà chỉ được quyền chế tác phần lời ca. Điều này gây nên những bất hợp lý cho cảm xúc thơ, bởi cung bậc của cảm xúc thì có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Chỉ tính nụ cười không thôi mà người đời đã liệt kê được trên 36 điệu, thì thử hỏi chỉ với 4 kiểu tiết tấu của Thể chính cách làm sao diễn tả hết được mọi điều vạn vật muốn ngân ca?

Trong phần đầu của bộ sách “Đường thi tuyển dịch”, Lê Nguyễn Lưu có viết: “ Những nhà thơ lớn thời kỳ đầu như Lý Bạch, Vương Duy, Thôi Hiệu vv… cũng đã làm luật thi, nhưng không chịu gò bó trong quy ước cứng nhắc, và nhiều bài thơ nổi tiếng rõ ràng là thoát ra ngoài khuôn phép, như Chước tửu dữ Bùi Địch (Vương Duy), Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu), Đăng Kim Lăng phụng Hoàng Đài, Anh Vũ châu (Lý Bạch)…”

Như vậy lý do ra đời của thơ Đường luật thể thiên cách là do các vị Thánh thi không chịu gò bó khuôn phép mình trong giai điệu tiết tấu của một bài dân ca, họ muốn được sáng tạo. Nhưng đồng thời các vị Thánh thi cũng rất có ý thức về lịch sử, không muốn phá bỏ những gì đã đi vào truyền thống nề nếp. Chính cách và Thiên cách được đồng thời soạn ra để gìn giữ và phát triển.

Cũng trong cuốn sách trên, Lê Nguyễn Lưu viết: …” Đến Đỗ Phủ, thơ luật mới được vận dụng rất nhuần nhuyễn, những bài Vịnh hoài cổ tích, tám bài Thu hứng… đã đưa thơ luật lên đỉnh cao của quá trình phát triển. Người đời sau gọi ông là Thi thánh là vì thế. Đồng thời, thể bát cú được phát triển một bước thành thể bài luật, mở rộng một số câu nhưng vẫn giữ niêm luật, thậm chí cả đối ngẫu… Về sau không ai còn sáng tạo thêm thể cách gì mới nữa…”

Nhưng Chính cách và Thiên cách cũng chỉ là trong phạm vi thể loại Thi luật thôi. Còn nói rộng ra thì thơ Cổ phong có nhiều giai điệu phóng khoáng hơn, nên có lắm bài bay bổng hơn. Còn như mà nói “...Về sau không ai còn sáng tạo thêm thể cách gì mới nữa…”, thì có lẽ đó là bên Trung Quốc thôi chăng? Còn ở Việt Nam thời được triển khai thành muôn kiểu chơi chữ vô cùng thú vị, tôi sẽ xin giới thiệu ở một bài khác.

Ý nghĩa của ngũ thanh trong Cổ thi còn là sự tương ứng với Ngũ hành Kim - Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ; tương ứng với vũ trụ Thái cực - Thái dương - Thiếu dương - Thái Âm - Thiếu âm; và với Quân – Thần – Dân – Sự - Vật.

Nghệ Nhân chắc đã từng nghe bậc thánh thi Việt Nam là Xuân Diệu nói đến cụm từ “vũ trụ trong thơ”. Nhạc cổ ý nghĩa sâu xa là vậy. Nên thơ Đường luật ở thể chính cách - một dòng thơ xuất xứ từ dân ca nhạc cổ cũng đòi hỏi tư tưởng lớn và tâm hồn rộng trải. Khi làm thơ Đường luật thể chính cách, ta không chỉ chú trọng về ngũ âm, mà còn phải đặt mình ở vị trí Quân – Thần – Dân – Sự - Vật để phóng tác ngòi bút. Ở thể Thiên cách, vượt ra ngoài yếu tố Quân – Thần – Dân – Sự - Vật, còn là sự biến thiên của Thái cực (biến Cung) và vần xoay của Sự vật (biến Chủy), khiến cho sự phóng tác đạt đến tuyệt đỉnh. Có lẽ đây là lý do vì sao trong danh sách những bài thơ Đường luật bất hủ lưu truyền lại, ta hầu như tìm thấy những bài ở Thể thiên cách nhiều hơn.

Vậy làm thế nào để thiết kế được tiết tấu, giai điệu cho thơ?

Trước khi bước sang phần đàm đạo về nhịp điệu, tiết tấu của thơ, tôi xin trình bày sơ qua về định nghĩa một số từ và cụm từ chuyên môn: Bằng trắc; Thanh – Trọc; Phù – Trầm; Bình – Thượng – Khứ - Nhập; Hướng – Lượng; Dương - Ức là gì?

- Thanh trắc gồm: sắc, nặng, hỏi, ngã

- Thanh bằng gồm: huyền và không dấu

- Thanh là trong; Trọc là đục; Phù (đoản, thượng) là Thanh; Trầm (trường, hạ) là Trọc.

- Dương là bổng; Ức là chìm; Bình thanh là Dương; Thượng thanh là Ức; Khứ thanh là Dương; Nhập thanh là Ức.

- Như vậy trong Dương có Thanh có Trọc; trong Ức cũng có Thanh có Trọc. Thanh – Trọc chia 4 thanh gốc ra thành 8 nhánh, cao thấp theo hai nhóm dấu.

(Vì không đưa được Table lên web, nên tôi sử dụng hình chụp tổng hợp bên dưới bài viết cho dễ mường tượng)

Thanh còn được chia ra Hướng và Lượng. Hướng là những thanh ngân dài đọc nghe kêu tựa như tiếng chuông, tiếng sáo. Lượng là những tiếng có sức nặng về ý nghĩa, mĩ từ.

Vậy thì, trong một câu Đường luật ngũ độ thanh không chỉ cần có quân, thần, dân, sự, vật; mà còn cần đủ phù, trầm, bình, thượng, khứ ; và phải cẩn trọng ở yếu tố nhập, hướng, lượng nữa. Quả là khó khăn lắm thay!

Cổ nhân xưa dạy:

Bình thanh ai nhi an
Thượng thanh lệ nhi cử
Khứ thanh thanh nhi viễn
Nhập thanh trực nhi xúc

Nghĩa là:

Bình thanh buồn mà êm
Thượng thanh đẹp mà cao
Khứ thanh trong mà xa
Nhập thanh thẳng mà gấp

Vậy thì phải chăng, ta lắng nghe theo hướng dẫn của cổ nhân để biết mà tạo âm thành phù hợp với cảm xúc. Bình – Thượng – Khứ - Nhập, lúc nào thì buồn êm, lúc nào thì cao đẹp, lúc nào thì trong xa, lúc nào thì dồn dập.

Để có một câu thơ đẹp, mỗi một chữ đều có giá trị riêng của một chữ. Cho nên thiết nghĩ, nếu chỉ chăm chăm vào việc tìm mĩ từ mà quên đi việc sắp xếp vị trí các mĩ từ cho phù hợp với giai điệu của câu, của bài, thì cũng chưa đáng gọi là sành điệu trong phép dụng chữ. Nó ví như người ta hay nói “người đẹp vì lụa”, nhưng chớ quên còn có vế ngược lại “lụa đẹp bởi người mặc”. Người đẹp mặc áo nâu sồng thì tuy cũng có đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn lên khi thân hình đó được khoác áo lụa; ngược lại, dẫu có lụa Hà Đông, đưa cho người thô kệch, liệu lụa có còn là lụa mềm được chăng? Mĩ từ được đặt trong một toàn âm giai đầy xúc cảm, cũng giống như một cô gái đẹp được mặc lụa là, lại được tạo dáng trong một khu vườn thơ mộng, khiến cho trở nên cốt cách cao quý.

Về Thanh – Vận – Điệu của thơ thì đã có quá nhiều bài lý luận vấn đề này. Tôi không dài dòng thêm nữa. Chỉ đề cập ở đây một vấn đề nhỏ, đó là chữ thứ 3 trong thơ ngũ ngôn và chữ thứ 5 trong thơ thất ngôn được các thi nhân bậc thầy gọi là Thi nhãn, nghĩa là con mắt của Thi cú. Lý do có lẽ là do nhịp phách của câu ngũ ngôn đại đa phần là 2/3; và thơ thất ngôn là 4/3, nên chữ thứ 3, 5 này thường rơi vào phách mạnh tạo nên điểm nhấn trong câu.

Xin lấy ví dụ:

Hang sâu nước đổ / tê sương giá
Cửa vắng hoa phô / rực áo người

(Quán đạo đồng bách – Chu Phác)

Đầm xa / trăng vằng vặc
Núi biếc / suối bời bời
(Nhớ ngày xưa ở sông Sở - Mã Đái)

Theo ý kiến của Quách Tấn thì cổ nhân chỉ dụng Thực tự cho vị trí Thi nhãn, hiếm lắm mới có cao nhân dám dụng Hư tự ở vị trí này. Nhận xét của tôi có phần khác hơn một chút: Không cứ chữ thứ 3, hay thứ 5, mà nên tuỳ thuộc vào nhịp điệu của thơ mà gieo Thi nhãn. Thi nhãn nên là chủ ngữ hay vị ngữ trong câu, hoặc là mĩ từ có giá trị làm đẹp câu thơ. Và vị trí thi nhãn phải rơi vào phách mạnh của câu. Có như vậy thì khi ta đọc câu thơ lên, ý tứ ta muốn thổ lộ đã được tự nhiên nổi bật.

Về cao độ và trường độ của bài thơ, tại bức thư số ba - cuốn Thi pháp thơ đường của Quách Tấn có đoạn: “…Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp là phép chung trong việc làm văn. Trong một câu có Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp của câu. Trong một thủ có Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp của thủ. Trong mười thủ có Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp của mười thủ…”. Nghĩa là viết một câu ý phải gọn gẽ một câu, trong một bài nội dung phải trọn vẹn một bài. Mà tiêu chuẩn để nhận xét xem có trọn vẹn hay không thì phải dựa vào Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp

Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp (Đề - Thực - Luận -Kết), tuy chỉ có thơ Đường luật quy định, nhưng trên thực tế nó là phép tắc chung trong làm văn, làm thơ. Kể cả thơ tự do, cũng nhất thiết phải nhớ thơ là một loại hình nghệ thuật được tách ra từ dân ca nhạc cổ, nên nó luôn luôn có tính nhạc. Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp phải nối tiếp nhau nhịp nhàng trong giai điệu. Tự do có chăng là không bị gò bó theo kiểu tất cả các câu trong một bài phải năm chữ, bảy chữ, hay sáu/tám chữ, nhưng giai điệu thì phải hợp lý mới gọi là thơ được.

Có người cho rằng thể thơ tự do xuất xứ từ Tây phương, mới du nhập vào ta. Nhưng tôi lại nhìn thấy thể tự do ngay trong dòng thơ cổ của Đông phương cũng đã có từ xưa, không lấy làm mới mẻ gì.

“…
Núi ngàn ngoắt ngoéo đường lắm hướng,
Mê hoa tựa đá bỗng tối om.
Beo gầm rồng kêu núi khe dồn,
Run rừng sâu hề rợn từng non.
Mây xanh xanh hề mưa chớm,
Nước mờ mờ hề khói un.
Sét đánh chớp lòa,
Gò nhào cồn tan.
Động trời cửa đá,
Ầm ầm mở toang.
Xanh mờ thăm thẳm chẳng thấy đáy,
Ánh trời ánh trăng ngấn bạc vàng.
Mặc áo ráng hề cưỡi ngựa gió,
Thần trong mây hề bời bời bay xuống đó
…”
(Bài: Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt – Lý Bạch)

Sự thiếu trong thơ ca Việt Nam hiện nay, nhìn chung không chỉ thiếu hụt về giai điệu âm nhạc, mà còn rất thiếu về cấu trúc nội dung. Có người khi đọc thơ của bạn bè tặng rồi ngán ngẩm ca thán: “ - Người đời nay không thể nào làm thơ hay như người đời xưa được!”. Tôi hỏi lại: “- Bạn nghĩ lý do vì sao?”. Người ấy lắc đầu: “- Không biết! có lẽ là do cuộc sống bây giờ thực dụng quá làm cạn kiệt thi hứng…”. Tôi nghĩ không phải thế. Thực dụng cuộc sống thì đời nào chẳng có, người xưa còn đói kém cơ hàn hơn ta đời nay, cớ sao không bị cạn kiệt thi hứng? Một nguyên nhân căn bản cần đề cập tới chỉ có thể là do giáo dục! So với cổ nhân, Cầm – Kỳ - Thi - Họa là bốn trong một môn học mà chơi của các nho sĩ. Người giỏi Thi có biết căn bản về Cầm – Kỳ - Họa; người giỏi họa có biết ít nhiều về Cầm – Kỳ -Thi… Do đó khi vẽ tranh, trong tranh có thơ; khi làm thơ, trong thơ có giai điệu, có hoạ…

Còn chúng ta ngày nay, đại đa phần là học văn lại không được học nhạc, họa, nên sự hiểu biết về nghệ thuật bị hạn chế, Nhiều người khi nghe nói đến “tính nhạc trong thơ”, cũng gật gù: "ừ phải có tính nhạc!". Nhưng chẳng mấy ai tận tường phải làm thế nào để thơ của mình có tính nhạc? Nói như vậy không có nghĩa là tôi giỏi giang gì mấy thứ này, cũng lơ mơ như nhau thôi, bởi nào có được trường phổ thông đào tạo gì đâu. Và cũng bởi lơ mơ, nên tôi mới phải tự lục tìm tư liệu để nghiên cứu xem “nhạc tính trong thơ” là gì. Những thứ viết lên đây với tôi cũng chỉ là mới đọc, mới học. Rồi mai này cũng còn cần phải kiểm thảo lại mình, cần soát xét lại những bài thơ cũ của mình coi đã có chút gì gọi là "tính nhạc" hay chưa?

Vài lời đàm đạo với đời. Tâm sự này chỉ như là ngọn gió thu động rèm lay cửa. Biết ai là người lĩnh hội được hồn phách xưa...

“Hồng hồng tuyết tuyết” tiếng tơ lòng
Ngàn dặm trường sơn ai biết không
Trơ trọi non hoang bời suối lệ
Còng queo rêu chết xác khô cong
Nguyễn cầm so phím duềnh oan khúc
Tiến sĩ xem tuồng dìu dập đông
Quân tử hảo cầu sao ngóng mãi
Thăng Long ai chỉnh sợi đàn chùng?

Phan Lan Hoa (cổ thể)
====

Tài liệu tham khảo:
- Kinh thư
- Thi pháp thơ Đường - Quách Tấn
- Phép làm thơ - Diên Hương
- Nghệ thuật chơi chữ - Triều Nguyên
- Việt Nam văn học sử yếu - Dương Quảng Hàm
- Đường thi tuyển dịch - Lê Nguyễn Lưu
- Và một số tư liệu trong nhiều sách viết về giai thoại văn chương khác

 

 

 *************

 

Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Bàn về phép đối thơ (23h: 08-01-2014)
 PHÉP CHƠI THƠ QUỐC ÂM VIỆT NAM (17h: 23-10-2020)
 Nói lái dân gian Việt Nam (16h: 09-04-2016)