Thư trả lời độc giả: NĐS - ĐC: xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
*****
...Những nội dung này nghe ra thì ai cũng cảm thấy là bình thường nhưng thực chất khi đưa ra bàn trước Dòng họ thì rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn biết công việc của Chị rất bận rộn nhưng tôi cũng mạnh dạn gửi ý kiến mong chị quan tâm tư vấn giúp....
Kính gửi chị: PhlanHoa
Tôi đã được đọc nhiều lần trên trang báo này của chị và thấy nhiều nội dung rất bổ ích, đặc biệt những người ham muốn tìm hiểu như tôi thì thật là giá trị. Tôi xin làm phiền Chị ít phút. Mong chị thông cảm nhiều cho tôi.
Quê tôi thuộc xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ và nhà thờ dòng họ tôi nằm sát sông (lạch con) ,hàng năm lụt lút sâu lắm. Hiện nay, dòng họ tôi ý định nâng cấp nhà thờ lên để tránh lụt bằng 2 cách:
- Bao móng và kê nền lên khoảng 3,5-4m
- Làm theo kiểu 2 gác: Đổ sàn và đưa nhà thờ lên trên tầng 2(nhà thờ cũ bằng gỗ).
Tuy nhiên,nhiều người trong họ lo lắng và đặt ra câu hỏi tôi xin ý kiến tư vấn của chị luôn:
1. Làm theo kiểu 2 tầng thì có “liền mạch” âm dương không? Và có ảnh hưởng gì về mặt tâm linh không?
2. Về kích thước nhà thờ (dài, rộng) trước đây cha ông để lại nhà thờ chật hẹp nay muốn nới rộng ra thì có ảnh hưởng gì không?
3. Vừa qua, dòng họ có sáng tác ra cái biểu trưng (logo) thì khi làm nhà thờ nên gắn nó vào chổ nào cho thích hợp? Người thì bảo gắn ở tecmoon; người thì bảo gắn trên nóc nhà thờ?
4. Nội dung tiếp theo là hiện nay người con trai cả của ông Chi Trưởng chi 3 mất chưa đầy năm (mất tháng 01/2013). Hội đồng Dòng Tộc ý định năm sau (tức là người này được 1 năm) thì xin làm nhà thờ không biết có ảnh hưởng gì không?
Những nội dung này nghe ra thì ai cũng cảm thấy là bình thường nhưng thực chất khi đưa ra bàn trước Dòng họ thì rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn biết công việc của Chị rất bận rộn nhưng tôi cũng mạnh dạn gửi ý kiến mong chị quan tâm tư vấn giúp.
Kính thư!
NĐS - xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
PHẢN HỒI CỦA PHLANHOA
Kính gửi anh Sinh và các Bạn đọc của vidamdodua.com
Phlanhoa đã nói khá nhiều lần, Phlanhoa không phải là thầy cúng, hay nhà phong thủy gì, nên các nội dung chỉ là sự chia sẻ từ các sách vở Phlanhoa đọc được và những diễn giải theo sự hiểu biết của mình qua cái sự đọc này. Bởi vậy Quý vị chỉ nên sử dụng nội dung này làm tài liệu tham khảo bổ túc thêm cho sự hiểu biết của mình. Nhưng thiết nghĩ, khi đọc sách, khi nghe thầy... gia chủ đều phải có suy nghĩ thật cẩn trọng, phải xét thấy có tình, có lý, có đạo nghĩa mới nên đắc dụng. Và đặc biệt là cần so sánh với sự thờ cúng hiện tại của gia đình, của dòng họ, để đưa ra một giải pháp tốt nhất trong sự nghiệp thờ cúng tiên tổ.
Ví dụ như khi Phlanhoa về quê, thấy nhiều dòng họ thuê cả thầy từ Tây Ninh ra Hà Tĩnh để cúng? Xin thưa rằng, Tây Ninh đa phần theo đạo Cao Đài - một dòng đạo biến dạng của đạo Phật nên quan niệm thờ cúng thần linh có nhiều sự khác biệt so với Đạo Phật ở Hà Tĩnh, huống hồ gì cơ bản người dân Hà Tĩnh không theo đạo Phật. Phlanhoa luôn tôn trọng các dòng Đạo như nhau, nhưng sự cúng bái không đúng tập tục của Đạo sẽ không đem lại hiệu quả!?
Và xin quý vị yên tâm một điều, linh hồn tiên tổ đọc được lòng thành của chúng ta, nên khi ta có lòng thành thì đừng sợ những điều vớ vẩn. Bởi hơn ai hết, tiên tổ mong muốn chúng ta sống có đạo đức, hiếu để. Tiên tổ sẽ phù hộ khi chúng ta thành tâm thờ phụng! Sợ sệt là mầm mống cho sự lừa đảo của các thấy mo sinh sôi!
Lý tình đã giải bày, bây giờ Phlanhoa xin phép lạm bàn vào câu hỏi của anh Sinh:
1.Làm theo kiểu 2 tầng thì có “liền mạch” âm dương không? Và có ảnh hưởng gì về mặt tâm linh không?
Để biết có liền mạch âm dương không, trước hết ta phải bàn xem âm dương là gì phải không anh Sinh?
- Dương là trên, là bên ngoài, là Thiên, vv…
- Âm là dưới, là bên trong, là Địa, vv…
Vậy thì thử hỏi Thiên và Địa có chỗ nào liền nhau không nhỉ, mà sao âm dương vẫn giao hòa? Còn nếu muốn cố tìm xem nó có liền mạch hay không thì cũng dễ, nhà thờ dù hai tầng hay bao nhiêu tầng thì cái chân móng cũng phải cắm xuống đất thôi. Đó là chưa nói tới theo lý thuyết âm dương, thì "trong âm có dương, trong dương có âm", nên dẫu cách một khoảng không gian cao xa như Trời với Đất vẫn liền mạch được, huống hồ chi dăm ba mét chiều cao của một ngôi nhà thờ! Các gia đình ở thành phố thì bàn thờ gia tiên luôn luôn ở tầng trên cùng anh Sinh à.
Tuy nhiên có một điều ngoài câu hỏi, nhưng rất nên để ý. Chúng ta thờ phụng là thờ phụng người âm, do đó nội trong khuôn phòng, tại nơi để hương án thờ cúng tiên tổ, không được để ánh nắng mặt trời (là dương) soi rọi vào. Ví dụ như hành động trổ một miếng kính trên mái ngói để lấy ánh sáng cho gian phòng, vô ý để sáng dọi vào hương án; hoặc là mở cửa sổ vào hướng đông, tây, phía sau hương án, khi mở cửa sổ ra sẽ bị nắng xuyên thắng vào hương án… tóm lại nơi thờ phụng người âm thì kỵ ánh dương.
Và Phlanhoa đoán thế nào anh cũng lại hỏi tới hướng nhà thờ, vậy thì tiện thể xin trả lời luôn, để các độc giả khác cùng có cơ hội tham khảo.
Chú ý: hình những ngôi nhà trong bản đồ là hướng lưng nhà đối diện với cửa chính,
hướng lưng đất đối diện với cổng chính
(Coi ý nghĩa các cung ở đây)
Căn cứ vào bản đồ trên đây, nguyên tắc cần nhớ như sau:
- Không có hướng nào xấu, hướng nào tốt cụ thể, mà chỉ có cung tốt hay xấu trong một khuông viên đất, một khuôn viên nhà ở.
- Hướng được xác định phía sau lưng, đối diện với cổng chính, hoặc cửa chính (sẽ phân tích bên dưới). Ví dụ nhà thờ có cửa chính mở hướng Đông Nam, thì sau lưng sẽ là hướng Tây Bắc, ngôi nhà thờ đó được gọi là hướng Tây Bắc (gọi theo hướng cửa ra vào như hiện này là các thầy phong thủy bị nhìn nhầm sách vở).
- Phương pháp xác định hướng sinh khí để mở cửa nhà thờ:
+ Lấy cổng ra vào làm căn cứ (hướng đất dùng để tính cung được tính ở phía đối diện), chia khuông đất thành 9 cung đều nhau, nhìn vào biểu đồ để chọn hướng Sinh khí, hoặc Thiên y cho cửa chính (hoặc cửa hông của nhà thờ nếu không thể mở cửa chính ở vị trí đó). Nếu hướng Sinh khí, Thiên y không thuận thì mới chọn hướng Ngũ quỷ, Diên niên;
+ Khi xác định được vị trí mở cửa, lấy cửa chính để làm căn cứ (hướng nhà được dùng để tính cung ở phía đối diện), chia nền móng nhà thờ thành 9 cung đều nhau, chọn cung Thiên y, hoặc Ngũ quỷ làm nơi đặt hương án.
2.Về kích thước nhà thờ(dài,rộng) trước đây cha ông để lại nhà thờ chật hẹp nay muốn nới rộng ra thì có ảnh hưởng gì không?
Nói dại mồm, lịch sử chùa Hương Tích của Hà Tĩnh cháy biết bao nhiêu lần, cháy rồi nhân dân xây lại trên nền đất cũ vẫn linh thiêng lắm lắm đấy thôi! Chùa / nhà thờ dột, hỏng, sửa chữa, cơi nới là chuyện bình thường. Xây mới để linh hồn tiên tổ được cư ngụ khang trang hơn là việc làm hiếu để, cớ sao phải lo lắng?
Vậy thì việc đáng bàn còn lại là nên làm như thế nào để được trọn nghĩa vẹn tình? Tiên tổ có trách chăng là trách ở con cháu "có mới nới cũ", cậy có tiền là vô tư đập bỏ không còn để lại dấu tích chi? Ứng xử thế nào để có thể lưu giữ được dấu tích lịch sử dòng họ, duy trì môt cách có bằng chứng truyền thống gia phong là điều ta cần phải suy nghĩ thấu đáo.
Phlanhoa xin đề nghị vài sáng kiến thế này:
- Trước hết, để tránh làm mất mát dấu tích lịch sử, dòng họ ta nên chụp ảnh, ghi lại hình hài nhà thờ cũ, phóng ảnh to, đóng khung trang trọng để treo lên vách tường nhà thờ mới, lập hồ sơ ghi lại lịch sử nhà thờ họ theo thăng trầm thời gian;
- Kiểm duyệt lại mọi thứ trong nhà thờ cũ, lựa chọn những thứ cần lưu giữ lại, ví dụ như hoành phi, câu đối, bát hương, hoa văn cửa, cổng, vv… tóm lại là những thứ có giá trị văn hóa truyền thống dòng họ, dấu tích tiên tổ. Thứ nào còn sử dụng lại được thì tiếp tục duy trì, thứ nào muốn thay mới cho đẹp, thì thứ cũ cần lập hồ sơ ghi chép và đưa vào bảo tàng của dòng họ. Như vậy có nghĩa là nhà thờ ta nên có thêm một phòng bảo tàng để cất giữ và trưng bày các bảo vật của tiên tổ. Phlanhoa chắc chắn rằng, con cháu đời sau sẽ rất xúc động với những cổ vật này, nên theo Lan Hoa cần trân trọng, chớ thấy có mới mà phế cũ đi một cách hoàn toàn thì thật không nên!
- Những thứ không có giá trị lưu giữ, đem chôn xuống ba tấc đất bên dưới nền đất nhà thờ. Đó cũng là một cách lưu giữ gián tiếp dấu tích tiên tổ.
Làm được như vậy thiết nghĩ, cũng đã trọn nghĩa vẹn tình rồi phải không ạ?
3. Vừa qua, dòng Họ có sáng tác ra cái biểu trưng (logo) thì khi làm nhà thờ nên gắn nó vào chổ nào cho thích hợp? Người thì bảo gắn ở tecmoon; người thì bảo gắn trên nóc nhà thờ?
Món này là văn hóa mới, nhưng Phlanhoa thấy cũng rất hay! Ý nghĩa của logo là biểu tượng, phù hiệu dùng để quảng bá, để nhận biết, nên theo nguyên tắc phải đính vào chỗ nào đập vào mắt nhìn rõ nhất. Ví dụ có thể treo ở cổng tam quan của nhà thờ, đính ngay cửa ra vào nhà thờ, trên nóc nhà thờ, mặt trước bát hương, bên trên bài vị, hoặc cũng có thể đính ở tất cả những chỗ đó. Thậm chí có thể dập thành huy hiệu phát cho con cháu mang theo để cầu an lành khi xa quê có tổ tiên phù hộ, và cũng là tín vật để có thể nhận ra anh em họ hàng nơi đất khách quê người…
(Cây Thánh giá là biểu tượng nhận biết của Đạo Thiên Chúa Giáo, luôn luôn cao ngất ngưởng hơn so với mái nhà thờ dễ đến mấy mét, mục đích là để người có đạo đi từ xa đã biết trước mặt có nhà thờ. Và cũng hình hài cây Thánh giá đó bên trong nhà thờ Đạo cũng có, trên cổ người theo Đạo cũng có… Vậy thì ta cứ học tập đó mà làm)
4. Nội dung tiếp theo là hiện nay người con trai cả của ông Chi Trưởng chi 3 mất chưa đầy năm (mất tháng 01/2013). Hội đồng Dòng Tộc ý định năm sau (tức là người này được 1 năm) thì xin làm nhà thờ không biết có ảnh hưởng gì không?
Nếu là cải táng mộ, thì Phlanhoa được biết căn cứ vào ngày mất của người chết, anh em họ hàng trong 3 đời liền kề, nếu còn tang thì không được động mả, phải chờ hết tang mới được hành sự. Còn Nhà thờ thì không nghe tính đến chuyện này.
Nhà thờ thường có sự thay đổi nào đó trong các trường hợp sau đây:
- Dòng họ đang đi vào vận suy, dù khang trang cũng phải thay đổi hướng nhà thờ, kích thước… để cứu vớt dòng họ khỏi sự suy tàn;
- Dòng họ đang đà thịnh vượng, ví dụ như có người đỗ đạt cao, hoặc có người trở nên giàu có về tài lộc hơn thiên hạ, vv… thay đổi khang trang hơn để báo công tiên tổ;
- Nhà thờ sập sệ, khói hương lạnh lẽo, theo duy tâm của người đời là người dương bất hiếu với người âm, sợ bị quở phạt, nên phải tu bổ khi xuống cấp.
Cuối cùng, Phlanhoa xin kính chúc anh Sinh cùng Đại gia tộc vạn sự bình an, mạnh khỏe, nhiều phúc đức và sáng suốt!