Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
 Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
 Thơ hay sưu tầm
 Thơ Đường cổ phong và thơ Đường luật
 Cảm thơ
 Thơ Phlanhoa
 Thơ bạn tặng Phlanhoa
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Bàn về phép đối thơ
 
(23h: 08-01-2014)
Bài viết của Phan Lan Hoa
***
Có một vị tiến sĩ nói “...Con phải hơn cha nhà mới có phúc. Chỗ các cụ làm chưa đúng ta phải hiệu chỉnh lại cho đúng...”. Đồng ý! Nhưng phải xem xem cha có làm sai, hay là do con ăn học hời hợt, không hiểu ý cha mình rồi tưởng cha sai? Tôi thì nghĩ trong cái chân lý “con hơn cha”, trước hết con phải hiểu được di sản cha để lại có gì? Hiểu cho thật tường tận ngọn ngành đã, phải bằng cha đã mới nên nuôi hy vọng phát triển hơn cha được. Nếu không khiêm tốn với phép tắc này, “con hơn cha” chỉ là sự ảo tưởng của con mà thôi ?!

 

 

 

BÀN VỀ PHÉP ĐỐI THƠ

Phan Lan Hoa

***

Có người cho rằng tôi quá khiêm tốn khi nhận mình là học trò thơ. Không phải vậy đâu ạ. Mọi người sẽ thấy tôi nói rất thật lòng, rằng tôi mới chỉ là học trò thơ thực sự, khi đọc xong bài này. Mức độ hay và mức độ uyên thâm chữ nghĩa của cổ nhân là một công cuộc “lao động thơ” như Xuân Diệu từng nói. Để duy trì thành quả người xưa thực sự đã khó khăn cho trí tuệ của mình. Vậy mà còn đòi hỏi phát triển nữa thì đúng là cực khó, chẳng thể đùa cợt được.

Có một vị tiến sĩ nói “...Con phải hơn cha nhà mới có phúc. Chỗ các cụ làm chưa đúng ta phải hiệu chỉnh lại cho đúng...”. Đồng ý! Nhưng phải xem xem cha có làm sai, hay là do con ăn học hời hợt, không hiểu ý cha mình rồi tưởng cha sai? Tôi thì nghĩ trong cái chân lý “con hơn cha”, trước hết con phải hiểu được di sản cha để lại có gì? Hiểu cho thật tường tận ngọn ngành đã, phải bằng cha đã mới nên nuôi hy vọng phát triển hơn cha được. Nếu không khiêm tốn với phép tắc này, “con hơn cha” chỉ là sự ảo tưởng của con mà thôi ?!

A. TÌM HIỂU CÁC THỂ LOẠI CÂU ĐỐI

1. Câu tiểu đối:

Câu tiểu đối trong văn nói: Có từ ba đến bốn chữ, vế xướng chỉ có thanh trắc hoặc thanh bằng và vế đối ngược lại, ví dụ:

Trời xanh thiên thanh (4 chữ đều thanh bằng)

Nước bạc trắng tuyết (4 chữ đều thanh trắc)

Câu tiểu đối trong thơ: hay còn gọi là Cú trung đối:

+ Câu tiểu đối trong thơ Lục bát: Trong một câu thơ có hai ý nhỏ đối nhau. Ta thường gặp nhiều trong thơ lục bát, ví dụ:

Làn thu thuỷ - nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm - liễu hờn kém xanh

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

+ Tiểu đối trong thơ Thi luật:

Cướp của đánh người quân tệ nhỉ

Xương gà da cóc có đau không

(Nguyễn Khuyến)

2.  Câu đối phú: Là một thể văn vần có cấu trúc phức tạp, bao gồm câu, vế ngắn, vế dài, lại có lối diễn đạt lai văn xuôi, nên có thể định nghĩa Phú là một dạng biến văn kết hợp giữa vần lai văn xuôi.

Ví dụ:

Ai nấy dại vô cùng, pháo pháo nêu nêu kinh những quỷ

Ta nay nhàn bất trị, chè chè rượu rượu sướng bằng tiên

(Nguyễn Khuyến)

Câu đối phú nhiều khi dài dằng dặc tới mấy dòng:

Hành niên qua nạo đến cùn xương, nào tiền nhà, nào tiền học, nào tiền thuế, nào tiền ăn, nghĩ đời sống lắm phen chớ phở.

Mùi tết mới tha hồ béo mỡ, này chén rượu, này chén chè, này chén anh, này chén chú, gặp ngày xuân thoả sức đá gà.

3. Câu đối thơ: Thường có hai dạng:

         - Đối trong thơ Đường: Gồm có phép công đối và khoan đối (sẽ chi tiết ở phần sau).

          - Đối trong thơ Lục bát: Hoặc là đối nguyên cả hai câu 6-8 này với hai câu 6-8 khác; hoặc là dụng câu tiểu đối để xây dựng hai vế đối nhau trong một câu:

Ví dụ:

Đối nguyên hai câu 6-8:

Tướng chàng nho sĩ tốt tươi

Ước chi thầy mạ (mã) xe đôi cho cùng.

(Vế ra đối của các O phường vải Xứ Nghệ)

Lên voi, xuống ngựa, tốt chiều,

Chàng gan tướng sĩ, thiếp liều pháo xe.

(Vế đáp của các Đồ Nghệ)

Sẽ tiếp tục bàn phép đối trong thơ Lục Bát ở mục chơi chữ trong hát Ví Phường Vải xứ Nghệ ở mục C.

Tiểu đối:

Một mai ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm  sắt mài nên kim

B. CÁC PHÉP ĐỐI CHÍNH CỦA THỂ LOẠI CÂU ĐỐI NÓI CHUNG:

1. Biền ngẫu: là cách kiến trúc câu theo cú thể song song, đặt thế nào cho các lời, các ý tương xứng.

2. Đối chữ: Hán đối với Hán, Nôm đối với Nôm, Việt đối với Việt, Hán Việt đối với Hán Việt;

3. Đối ngữ: danh từ đối danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ, đơn thanh đối với đơn thanh, điệp thanh đối với điệp thanh, hiệp thanh đối với hiệp thanh…

4. Đối cú: Cấu tạo của hai vế đối giống nhau, cùng một kiểu loại, vế trên có những thành phần nào, thì vế dưới cũng có thành phần ấy.

5. Đối ý: Đối ý là đối về nội dung:

- Đối tương đồng hay đối bổ sung: Hoặc là hai vế cùng một ý nhằm tăng cường điều cần diễn đạt

Hiểu tùy thiên trượng nhập

Ộ nhạ ngự hương quy

(Sớm theo xe vua mà đến,

Chiều mang hương ngự trở về)

Sầm Tham – Kỷ ta tỉnh Đỗ thập di

-  Đối tương phản: Hoặc ý trong hai vế trái ngược nhau về mục đích hay phạm trù diễn đạt

Bạch phát bi hoa lạc

Thanh vận tiện điểu phi

(Tóc bạc nên thương hoa rụng

Mây xanh phơi phới cánh chim bay)

Sầm Tham – Kỷ ta tỉnh Đỗ thập di

- Đối thừa tiếp: Hoặc giữa hai vế có mối lý luận nhân quả, so sánh nhượng bộ

Tức phòng viễn khách thùy đa sự

Tiện sáp sơ li khước thậm chân

(Người ta e dè khách xa, tuy lắm chuyện đấy

Nhưng bởi mình cắm rào thưa, họ tưởng cấm thật)

Đỗ Phủ - Hựu trình Ngô Lang

6. Đối nghĩa: Bao gồm nghĩa đen và nghĩa bóng.

- Nghĩa đen: Nội dung tổng thể phải luận bàn nhất quán về một vấn đề, ví dụ xuôi - ngược, khó - dễ, yêu – ghét, màu sắc, muông thú vv…

- Nghĩa bóng: là nghệ thuật sử dụng chữ, hoặc là một chữ có nhiều nghĩa, hoặc là nhiều chữ trong câu có cùng một nghĩa.

7. Âm tiết: Trắc bằng nghịch nhau ở chữ cuối của mỗi tiểu vế, và tiết tấu phải đồng nhất.

8. Số lượng:  Vế ra bao nhiêu chữ, vế đối cũng bấy nhiêu chữ. Phải cân xứng số lượng chữ cả trong từng ý nhỏ.

C. MUÔN DẠNG ĐỐI PHONG PHÚ KHÁC TRONG NỀN THƠ CA VIỆT NAM:

1. Phép đối được triển khai trong thơ Đường luật ở Việt Nam:

         Trên các diễn đàn thơ Đường luật Việt Nam hiện nay, chủ quan mà nhận xét thì cơ bản mới chỉ sử dụng tới phép đối biền ngẫu là chính, nhưng biền ngẫu cũng đang bị hiểu có phần sai lệch, máy móc. Từ chỗ bấu víu vào biền ngẫu để xét nét nhau, nên nhiều người đem chặt nhỏ câu thơ thành từng chữ, so đọ trên dưới để phán, mà quên mất yếu tố ngữ pháp? Ví dụ, từ còn có từ đơn, từ kép, từ ghép (*); quên cả xem xét về mặt cấu trúc câu xem vị trí của tự đang cáng đáng là gì, động từ, tính từ, hay chỉ là bổ ngữ? Bởi thế, không thiếu trường hợp chữ trong câu thơ sắp bày ra trước mắt, nhòm vào thì có vẻ biền ngẫu đấy, nhưng hồn vía của thơ thì chẳng thấy đâu; Ngược lại, người đưa được hồn vía vào thơ thì bị chê tơi tả rằng không chỉnh đối, cũng vì lối chặt chữ máy móc.

         Thật ra, đó là do phần đọc lý thuyết mới đọc một mà chưa đọc hai. Không phải cứ chữ trên song song với chữ dưới cùng một loại tự là biền ngẫu? Cũng như câu đối thơ không chỉ có phép đối biền ngẫu, mà còn có nhiều phép đối khác. Trang 123, cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm định nghĩa:

“Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.

1.) Đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau

2.) Đối chữ thì vừa phải đối thanh tức là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng; vừa phải đối loại của chữ nghĩa và phải đặt hai chữ cùng một tự-loại để đối với nhau (như cùng là hai chữ danh t, hoặc động từ, vv...)”

Trang 199, mục đối ngẫu, Thi pháp thơ Đường – Nguyễn Thị Bích Hải, viết: “… Về hình thức thì có “công đối” (đối chỉnh) và “khoan đối” (đối không chỉnh)…”

         Xem lại Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn, thì tác giả này liệt kê và phân tích hàng loạt các phép đối, nào là lục đối, bát đối, 8 nội dung đối, 8 hình thức đối. Nhưng cuối cùng, Quách Tấn quy tụ lại 5 phép đối cơ bản gồm: chỉnh đối, tá đối, cú trung đối, tựu cú đối, lưu thủy đối.

Sau khi đọc hết các nội dung đối do Quách Tấn giới thiệu, tôi thấy các phép đối sau đây có phong cách riêng, khác với lối đối của văn biền ngẫu.

1. Cú trung đối (tiểu đối):

Cô vân độc tiểu xuyên quang mộ

Vạn tỉnh thiên sơn hải khí thâm

(Mây côi chim lẻ ánh sáng xuyên qua dòng sông chiều

Muôn giếng nghìn non biển khí dày đặc)

2.  Phiến đối (cách cú đối): Câu thứ nhất đối với câu thứ ba, câu thứ hai đối với câu thứ tư

Tiền niên gia thuỷ đông

Hồi thủ tịch dương lệ

Khứ niên gia thuỷ tây

Thấp diện xuân võ tuế

(Năm trước nhà ở phía đông sông

Quay đầu bóng chiều đẹp

Năm ngoái nhà ở phía tây sông

Ướt mặt mưa xuân dịu)

3. Lưu thuỷ đối: Ý đối trong hai vế đi liền một hơi như nước chảy

Lũ lương tâm thượng sự

Tương dữ mộng trung lân

(Hằng đem việc bên lòng

Bàn cùng người trong mộng)

4.  Giao cổ đối (đối tréo cẳng ngỗng)

Địch lư tranh lợi thiệp

Lai vãng tiếp phong trào

(Thuyền bè tranh nhau trước

Qua lại tiếp gió sóng)

Địch lư đối với phong tràolợi thiệp đối với lai vãng

5. Tá đối (đối tiếng, đối bóng):

Quyển liêm huỳnh diệp lạc

Khai hộ tử qui đề

(Cuốn rèm lá vàng rụng

Mở cửa tiếng cuốc kêu)

Tử (trong tử qui) đồng âm cùng tử là màu tím, nên mượn tiếng để đối với huỳnh là vàng (huỳnh điệp). Trong hát ví Phường Vải, sẽ gặp tá đối nhiều hơn.

6. Tựu cú đối (đương đối): Đương là vừa cân xứng, chữ đồng loại này nhóm trong câu này đối lại với chữ đồng loại kia trong nhóm kia trong câu được cân xứng một cách vừa phải.

Bạch thủ đơn tâm y tử cấm

Nhất huy ngũ bộ tịnh tam biên

(Đầu bạc lòng son nương cung tía

Một lần hươi bút trong khoảng 5 bước dẹp yên được ba phương)

Lấy nhất, ngũ, tam đối với bạch, đơn, tử

7. Bất đối chi đối (trên mặt chữ thì không đối, nhưng ý vẫn đối nhau)

Bất tác tân phong tuý

Kỳ như quyện thể hà?

(Chẳng làm kẻ say trong cơn gió sớm

Thì làm sao cho ra tấm thân đã mỏi mệt)

Có lẽ trước khi đem lòng muốn họa một bài thơ của ai đó, cần có những xem xét thận trọng, kỹ lượng thơ của người xướng:

- Thơ sáng tác ở thể loại nào?

- Có hay không phép đối trong thơ, đang ở dạng nào?

- Ta đã hiểu được tâm ý của tác giả hay chưa?

- Có hay chăng triết lý nhân sinh trong Luận – Kết của tác giả?

- Ngôn ngữ (Hán, Nôm, Việt,vv...)

Phải thận trọng thì Xướng – Họa mới tương xứng về nội dung. Tương xứng nội dung cũng là tương xứng trình độ. Đồng thời là phép tắc thể hiện tôn trọng lao động trí tuệ của nhau. Còn như chỉ căn cứ vào đối ở bốn câu Thực – Luận và 5/8 chữ cuối câu phải vần, hai chữ liền nhau không cùng thanh, thì hình như chưa đạt được mục đích cao vời nhất của thơ là nhạc tính và ý từ phải hàm súc của thơ?

Tôi thấy cuộc rượu, chén trà của cổ nhân mỗi khi có bày ra, là có để lại lịch sử thi ca cho nhân loại. Chơi vậy mới là tay chơi. Nếu Nguyễn Du chơi mà lụy tình nên nỗi Ví Giặm, thì Nguyễn Công Trứ lại đem Ca Trù làm vũ khí nâng tầm uy danh đại tướng quân của mình. “Chơi cho lịch mới là chơi / Chơi cho đài các cho người biết tay”. Chơi của Nguyễn Công Trứ là như thế đấy. Ví Giặm và Ca Trù cùng với tên tuổi hai “tay chơi” Nghệ An, nay đã trở thành di sản đáng ghi nhớ của nhân loại.

D.  ĐỐI TRONG HÁT VÍ XỨ NGHỆ LÀ ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ:

         Tôi từng viết “Ví Giặm không đơn thuần là một làn điệu dân ca”. Bởi đối đáp trong Ví Giặm còn là đỉnh cao của nghệ thuật chơi chữ. Mấy o phường vải, phường nón, phường cấy ở Nghệ An, tưởng là hạng thấp hèn, chữ nghĩa không bằng ai. Đâu  ngờ đã tạo ra một sân chơi đầy chữ nghĩa, góp công kích hoạt cả một thế hệ nhân tài đất nước có tên gọi chung là Đồ Nghệ. Những ông Đồ mang ba dáng dấp trong một: Tướng sĩ – Nho sĩ – Nghệ sĩ. “Nước chảy cho đá trôi nghiêng / Chàng lo chung thiên hạ, thiếp sầu riêng một mình”. Phan Bội Châu lụy tình o Diên để rồi nối gót Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đi vào lịch sử Việt Nam với hình dáng một chí sĩ kiêm nghệ sĩ.

Lời của hát Ví chủ yếu là hai loại hình thơ Lục bátThất ngôn lục bát. Vận dụng các phép Cú trung đối, Lưu thủy đối, Tá đối, Bất đối chi đối.

         Hoặc trong một câu có hai vế đối nhau (tiểu đối):

Khuyên chàng đọc sách - ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót - đèn mờ thiếp khêu

(Ví Giặm xứ Nghệ)

         Hoặc đối nguyên cả hai câu 6-8. Tôi xin được trích sao một vài nội dung lời hát đối đáp giữa Phường với Đồ Nghệ để thể hiện.

         Tá đối (đối tiếng, đối bóng): Là khi nói tới cái gì, người ta gò gập những tiếng cùng loại vào một câu.

Ví dụ: Muốn nói về thú uống rượu:

Ấm thân hồ hởi chai lơ

Bàn hoàn chung chén nhắm chờ ai đây?

         Cái nghĩa chính của câu là: Thân phận của thầy nho đã đầy đủ, hả hê, say say, tỉnh tỉnh rồi, bây giờ còn rắp ranh nhòm ngó ai đây? Nhưng chỗ dụng công của câu ví lại là ấm, chai, bàn, chung, chén và còn thêm cả nhắm thì thật là đầy đủ về tửu soạn lẫn tửu hứng.

         Vừa tá đối vừa đương đối:  Nói về thú chơi cờ, cũng như thú uống rượu, phường ví đưa ra vế đố:

Tướng chàng nho tốt tươi

Ước chi thầy mạ xe đôi cho cùng.

(Vế xướng của Phường Vải)

         Mạ trong một số vùng ở Hà Tĩnh từ gọi mẹ, nhưng mã (ngựa) trong tiếng Nghệ cũng được phát âm là mạ. Ta thử xem: Tướng, sĩ, tốt, mã, xe, toàn là quân cờ. Và các thầy Đồ Nghệ đưa ra lời đáp cũng toàn quân cờ

Lên voi, xuống ngựa tốt chiều,

Chàng gan tướng sĩ, thiếp liều pháo xe.

         Đối chữ và đối ngữ:

Muốn cho nhật nguyệt đồng minh

Ngày Nghiêu, tháng Thuấn thái bình câu ca.

         Mới nghe ta hiểu đơn giản là phường ví tỏ ý muốn mặt trăng, mặt trời được tỏ rạng như nhau và ngày tháng nào cũng được thái bình, vui vẻ như đời Nghiêu, Thuấn. Nhưng các thầy nho đi nhởi thì phải hiểu rằng nếu dễ thế thì phường Ví chẳng có gì hấp dẫn. Dụng công của câu ví ẩn trong từng chữ, nên thầy nho phải dò xét kỹ càng từng chữ để đoán biết trò chơi mà phường ví đưa ra: chữ nhật ghép với chữ  nguyệt thành chữ minh, lại còn có nghĩa chữ  nhật là ngày, nguyệt là tháng (đều có trong câu ví).

Câu ví đố dưới đây của phường ví còn thể hiện mức độ chơi chữ cao siêu hơn:

Muốn cho một tháng đôi trăng

Muốn cho lưỡng nguyệt tác bằng cho vui.

         Cứ hiểu đơn giản theo nghĩa đen thì các o phường Ví có lẽ mong mỏi lương duyên được tác bằng hòa hợp nên mới hát vậy. Chỉ thầy nho thông chữ mới hiểu: nguyệt là tháng, nguyệt là trăng, lưỡng nguyệt nghĩa đen là đôi trăng, nhưng ở đây thông điệp mà các o phường Ví gửi cho thầy nho là hai chữ nguyệt ghép lại thì thành chữ bằng. Cho nên vế đáp của các thầy đồ Nghệ cũng phải tương đồng về phép chơi chữ:

Muốn cho tử tế nhất môn

Nhị văn khẩu vấn rể con một nhà.

         Chữ môn mà thêm chữ nhị vào sẽ thành chữ văn. Mà nếu thêm chữ khẩu sẽ thành chữ vấn. Lại còn “tử tế nhất môn” và “rể con một nhà” như ta đã thấy trong câu ví.

          Đối Nôm mà lại Hán, Hán mà lại Nghệ

          Câu ví chỉ bằng tiếng Nôm như ta thường dùng như nó lại có thể vặn sang âm chữ Hán: 

Dần dà một tý can chi,

Quý ra khỏi ngọ vị chi đến nhà.

         Ngọ trong tiếng Nghệ là cái ngõ, ra khỏi ngọ là ra khỏi ngõ. Chỉ một câu giản dị, bình thường như thế, ta thử lượm xem: dần, tý, can, chi, ngọ, vị. đó là những chữ thuộc về bộ Can Chi. Hoặc một lối khác mà phường vải có thể vặn ra vừa chữ, vừa nghĩa cùng nằm trong câu ví: 

Ra về thiếp dặn thiệt nha

Mai răng cũng lại đàng nhà thiếp chơi.

         Lưỡi: tiếng Hán là thiệt, tiếng Nghệ nói thành lại; Răng: tiếng Hán là nha. Chữ nha trong tiếng Nghệ là nhé (ra về thiếp dặn thiệt nhé).

Một âm ra đôi ba chữ, một chữ ra đôi ba nghĩa

Mấy phen tri kỷ biết mình

Trăng nhâm gác ngõ, gà canh gáy dần.

        Chữ kỷ ở trong câu này biến thành ba chữ và ba nghĩa khác nhau. Kỷ là mấy, kỷ là mình, lại còn chữ kỷ thuộc về bộ can chi, để cùng đi luôn một chuỗi với nửa dưới câu ví: nhâm, ngọ, canh, dầnVế đáp của Đồ Nghệ chắc chắn là không thể để kém cạnh.

Chưa khi hương vị ngát nồng

Bóng dần trước dậu sao đông láy đoài.

         Chữ vị trong câu này cũng gánh đủ ba nghĩa như chữ kỷ của câu ví trên. Vị là chưa, vị là đắng cay mặn ngọt, lại còn chữ vị trong bộ can chi để cùng một chuỗi với dần dậu, đoài. Mà ý nghĩa của câu ví cũng đã họa lại cùng nhau rất chỉnh.

         Cặp câu hát đối đáp sau đây tương truyền một thầy cai đội bị phường vải thách đố, quá khó đã phải cậy nhờ thầy gà tiếp sức mới có thể đáp lại được:

Dở dang, dang dở vì sông

Ngày làm công nhật, đêm mong dạ chàng.

         Vế đáp:

Hởi hồ, hồ hởi làm sao

Trưa ra đứng ngọ, tối vào mộ phu.

          Chỉ hai câu 6-8, nhưng gồm bốn kiểu đối, đó là: đối chữ, đối ý, đối tiếng, đối câu. Giangsông, đối với hồ, nhưng chữ Hán Nôm hồ còn là sao. Bốn tiếng: trưa = ngọ, tối = mộ, đều đối trúng vào vị trí của bốn tiếng: ngày = nhật, đêm = dạ.

         Đi chơi phường ví mà gặp phải lời hát như thế thì ngang với gặp tai nạn. Bởi nếu không đối được mà thác cớ ra về, tức thời bị chị em đưa chân một câu nghe rồi về cay mắt khó mà ngủ được:

Nghe chàng học thuộc ngũ kinh

Đến đây chàng lại làm thinh ra về?

         Hát phường vải được gọi là cuộc hát, bởi phải chờ khi đồ nho đối đặng, thì mới ngã ngũ, mà chờ đối đặng được nhiều khi mất cả tháng trời, thậm chí có những vế ra của phường vải đến nay chưa có vế đáp:

Thơ đông tuyết, cờ thu phong

Đờn vui hạ nguyệt, rượu nồng xuân hoa

         Khó không đối đặng là vì câu này được phường ví gộp cả ba khoản trong thú ăn chơi của đồ nho vào một là: “cầm kỳ thi tửu”, “tuyết nguyệt phong hoa”, “xuân hạ thu đông”.

Lời kết: Sử chép rằng: Mùa thu tháng 8 năm 1282, thời vua Trần Thái Tôn, ở sông Nhị Hà (Phú Lương) có con cá sấu từ đâu đến. Có người họ Nguyễn quê ở phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, làm tới chức hình bộ thượng thư trong triều bấy giờ được vua sai làm bài văn tế thả xuống sông, cá sấu tự bỏ đi. Vua cho việc ấy giống Hàn Dũ bên Tàu, nên đổi là họ Hàn. Từ đó người đời gọi ông là Hàn Thuyên. Sử cũng chép rằng, Hàn Thuyên có tài làm thơ phú chữ Nôm. Nhiều người thấy hay bắt chước làm theo. Cho nên thơ Quốc âm thời bấy giờ cũng được gọi là thơ Hàn luật. Dương Quảng Hàm thừa nhận dòng thơ Quốc âm của ta có nhiều sáng tạo nghệ thuật khiến cho đa dạng và phong phú về hình thức hơn nhiều so với Thi luật của Tàu.

Kỳ sau: Nghệ thuật chơi chữ trong dòng Thơ Quốc âm Việt Nam

=============

Tư liệu tham khảo và sử dụng:

- Thi pháp thơ Đường – Quách Tấn

- Nghệ thuật chơi chữ - Triều Nguyên

- Đố Kiều đối Kiều – Phạm Đan Quế

- Hát phường vải – Ninh Viết Giao

- Lãng Nhân chơi chữ

**********

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 PHÉP CHƠI THƠ QUỐC ÂM VIỆT NAM (17h: 23-10-2020)
 Nói lái dân gian Việt Nam (16h: 09-04-2016)