Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
 Video Clip
 Du lịch Hà Tĩnh
 Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu
 Du lịch Nghệ An
 Du lịch trong nước
 Du lịch nước ngoài
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Côn Đảo du ký - Kỳ 3: ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
 
(12h: 28-03-2014)
Côn Đảo du ký - Kỳ 3: ĐỊA NGỤC TRẦN GIANBài và ảnh của Phlanhoa
***

Ngày 1 tháng 2 năm 1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Từ đó, qua hai cuộc xâm lăng, Chủ nghĩa Thực dân Pháp và Chủ nghĩa Đế quốc Mỹ đã biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam. Nước Pháp tự hào là dân tộc văn minh, sao lại đẻ ra đứa con tồi tệ? Kẻ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo là đứa con ngu xuẩn và tối tăm về tầm nhìn. Bởi một nơi đáng nhẽ chỉ để dành cho loài người có những phút thư giãn tuyệt vời với khí hậu bốn mùa trong lành, bãi biển dịu êm, thì hắn lại chọn để làm nơi để giết người. Để giờ đây lịch sử của Côn Đảo mãi mãi là bài ca trường hận không thể xóa nhòa!

Bên ngoài nhà tù Phú Sơn

     Hàng loạt những kiểu nhục hình tra tấn man rợ như nhốt tù lao động trong hầm xay lúa bụi cám mù mịt đóng kín lỗ thông hơi, đập đá, bắt dầm cả đêm dưới hầm phân bò ngập đến miệng, xích trong chuồng cọp, dội nước vôi, nước ớt, nước xà phòng, dùi cui đánh dập dã man. Lao động cực nhọc, bỏ xác dưới biển sâu, dưới những phiến đá nặng hàng tấn… 

Tù nhân nữ bị nhốt trong chuồng cọp - ảnh do đoàn dân biểu Mỹ ghi lại năm 1970

Danh sách quản đốc Pháp ở Côn Đảo: 

Felix Roussel (1862-1863)
Bizot (1863-1864)
Benoist (1864-1866)
Boubé (1866-1869)
Stiedel (1869-1870)
Claudot (1870-1871)
Gaudot (1871-1872)
Chevillet (1872-1874)
Symphor (1874-1875)
Morin (1875-1876)
Pasquet de la Broue (1876-1877)
Disnematin Dorat (1877-1878)
Pasquet de la Broue (1878-1882)
Bosquet (1882-1884)
15. Caffort (1884-1887)
16. Sellier (1887-1890)
17. René (1890-1892)
18. Jacquet (1892-1896)
19. De Colbert (1896-1898)
20. Morizet (1898-1908)
21. Melaye (1908-1909)
22. Cudenet (1909-1913)
23. De Gailland (1913-1914)
24. Joseph O'Connell (1914-1916)
25. Royer (1916-1917)
26. Andouard (1917-1919)
27. Lambert (1919-1927)
28. Bouvier (1927-1934)
29. Cremanzy (1934-1935)
30. Bouvier (1935-1942)
31. Brouillonet (1942-1943)
32. Tisseyre (1943-1945)
33. Hilaire (1945)
34. Lê Văn Trà (1945)
35. Gimbert (1946)
36. Honecker (1946-1947)
37. Jacques Brulé (1947-1948)
38. Henri Lafosse (1948-1951)
39. H. Jarty (1951-1953)
40. Aloise Blanck (1953-1955)
 
Danh sách chúa đảo
 
Ngôi nhà của các chúa đảo, nay là bảo tàng chứng tích tù nhân
 
"Côn Lôn đi dễ khó về
Sống ngồi Phú Hải, chết về Hàng Keo"
 
          Phú Hải, tên đầy đủ là “Trung tâm cải huấn Phú Hải”, với một hệ thống cai trị tù nhân gồm 18 sở tù khổ sai, 127 phòng giam; 2 khu “Chuồng cọp” 504 buồng;  44 xà lim và 1 khu biệt lập “Chuồng bò”.  Được xây dựng như một trận đồ ma quái. Đến nỗi suốt 30 năm trời (1941 – 1970) không ai biết trong hệ thống nhà tù này có hệ thống buồng giam được xây theo kiểu chuồng cọp. Hàng bao nhiêu đoàn nghị sĩ, phóng viên báo chí quốc tế đến rồi về đều ca ngợi nhà tù Côn Đảo cư xử với tù nhân rất nhân đạo?!
Trại Phú Tường với hai lần cổng và là nơi ẩn dấu khu nhà tù chuồng cọp suốt 30 năm
Phía bên ngoài của dãy nhà tù chuồng cọp
Và bên trong nhà tù chuồng cọp. Nơi người cầm loa đang đứng là buồng giam anh hùng Lưu Chí Hiếu. Cũng là nới LCH hy sinh sau khi bị cai tù dội nước lạnh suốt đêm đông giá rét. Những cái vại là để đựng nước bẩn dội xuống thân thể người tù.
Chiều dài khoảng 2,3 mét, chiều rộng khoảng 1,4 mét mỗi buồng giam kiểu chuồng cọp. Mỗi chuồng nhốt 5 - 10 tù nhân.
Mô phỏng cảnh tù nhân trong mỗi chuồng cọp
Cứ một dãy chuồng cọp có mái xen kẻ một dãy không mái. Dãy không mái dùng để phơi nắng phơi mưa tù nhân cứng đầu và những tù nhân mắc chứng bệnh truyền nhiễm như ghẻ lở
Giếng nước, nơi tù nhân được tắm mỗi tuần hai lần bằng cách ngồi xếp hàng 10 người rồi dội nước qua một lượt
Bốt gác bên ngoài trại Phú Tường, nơi tạo nên cơ hội 30 năm có một, các tù nhân kịp nhìn quang cảnh bên ngoài khi cơn mưa bất chợt ập tới...
          Chuyện phát hiện ra Chuồng Cọp cũng thật ly kỳ. Người quản lý khu di tích Côn Đảo kể: “Vào những năm 1970, các nhà báo người Việt cũng như người Mỹ vẫn nghe đồn về một trại giam có tên Chuồng Cọp ở Côn Đảo, nhưng tất cả mọi sư điều tra đều bị thất bại, không ai tìm thấy Chuồng Cọp ở đâu, thậm chí trại giam Phú Tường (lao III) còn có tên là “Trại Bác Ái”và được báo chí Mỹ ca ngợi, đăng tải hình ảnh  tù nhân được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khám chữa bệnh tử tế, vv… Cho đến hôm, khi dẫn một đoàn tù nhân 20 người ra khỏi cổng trại Phú Tường, thì bất chợt một cơn mua lớn ập tới. Những người cai tù vội lùa tù nhân vào cái bốt gác nhỏ trước cổng. Nhân cơ hội này, lần đầu tiên tù nhân trong khu vực Chuồng Cọp mới có cơ hội liếc nhìn quang cảnh bên ngoài nhà tù, và ghi nhớ lại để chờ cơ hội, bởi trước khi bị đem đến đây, tù nhân nào cũng bị bịt mắt, cúi đầu không cho nhìn trời, để họ không thể biết mình bị giam ở trại nào? Sau đó nhờ có phong trào đấu tranh của sinh viên, nên 5 sinh viên Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long được trả tự do, từ Chuồng Cọp Côn Đảo trở về đã vẽ lại sơ đồ con đường đến khu Chuồng Cọp, tìm gặp và tố cáo với đoàn dân biểu Mỹ lúc đó đang có mặt tại Sài Gòn. Đến ngày 30/6/1970, phái đoàn dân biểu Mỹ cùng các nhà báo quốc tế cùng đến Côn Đảo để điều tra theo lời của các sinh viên kể trên. Chuồng Cọp bị phát hiện và bị đem ra chất vấn ở hạ nghị viện Mỹ, đồng loạt các tờ báo lớn đăng tải thông tin và hình ảnh về Chuồng Cọp Côn Đảo, đã gây ra một là sóng phản đối chiến tranh ở Việt Nam trên tòan thế giới. Một sự thật về những hành vi tra tấn người man rợ được phanh phui.
          - Nếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng bị chúng bắt lao động khổ sai trong hầm xay lúa mỗi ngày suốt 16 tiếng trong bụi cám mù mịt đến độ gần như không dám mở mắt để nhìn xung quanh, mỗi khi ra khỏi hầm xay thường khạc ra đờm đặc quánh bụi cám;
          - Thì Chí sĩ Phan Chu Trinh lại hàng ngày bị chúng bắt lao động trong khu đập đá. Và ông đã có bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nổi tiếng, tạo nên khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng trong lao tù.
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
          - TBT Lê Hồng Phong vì không đủ chứng cớ kết tội, chúng bèn đưa ông ra Côn Lôn giam vào ngục tối không có ánh sáng mặt trời, đánh đập ông tàn nhẫn cả khi đang lao động, cả trong lúc ăn, lúc ngủ cho đến kiệt sức. Xà lim số 5, banh II của nhà tù Côn Đảo. Lê Hồng Phong đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.
Mộ TBT Lê Hồng Phong
          - Chí sĩ Nguyễn An Ninh, bị biệt giam ở Banh II trong một xà lim “ví như cái hộp vừa đủ cho hai người xoay trở, thiếu ánh sáng và việc vệ sinh không thể có sự sạch sẽ đến mức cần thiết được. Ông đã bị đối xử theo “án cấm cố hầm” suốt ba năm, vì Nguyễn An Ninh là một nhà báo, chúa đảo e sợ tinh thần bất khuất cùng tài thuyết phục, tầm ảnh hưởng của ông sẽ làm nổ ra những cuộc đấu tranh của tù nhân. Khi một đoàn nhà báo quốc tế đến thăm, một viên chức của đảo đã kể lại: “khi ông Ninh bị bệnh phù thũng và kiết lỵ nặng, phải chuyển sang nằm ở khám Liệt, không có thuốc men gì, anh em tù nhân thi thoảng phải chuồn vào vài muỗng máu vích cho ông nuốt để cầm cự”…
Mộ chí sĩ Nguyễn An Ninh
          - Lưu Chí Hiếu bị tra tấn đến chết tại Chuồng Cọp đêm 24-12-1961 bằng cách không cho mặc quần áo và dội nước lạnh suốt đêm đông giá rét. Dưới đây là đoạn trích dẫn tôi copy từ Báo Đồng Nai qua lời kể của nhân chứng sống Anh hùng Phan Trọng Bình:
      “Phong trào chống ly khai của tù chính trị Côn Đảo kéo dài từ năm 1957-1964. Trong quãng thời gian 7 năm đó, trên một ngàn đồng chí đã hy sinh vì đòn roi tra tấn tàn bạo, vì chế độ nhà tù khắc nghiệt phi nhân tính nhằm bẻ gãy ý chí người tù của kẻ thù. Vào đầu tháng 4-1960, địch lôi hơn 1.350 tù chính trị ra Bãi Dương, nhà hát Côn Đảo và Lò Vôi đánh đập, phơi nắng, phơi mưa suốt mấy ngày liền nhằm bắt mọi người ký giấy ly khai. Đợt này, số tù nhân hy sinh lên đến mấy trăm người, nhưng vẫn còn 59 người không chịu khuất phục và bị tống vào Chuồng cọp, trong đó có ông Bình.
Anh hùng Phan Trong Bình và bút tích của ông - Ảnh: Thanh Thúy
      "Năm ngôi sao sáng" Côn Đảo
     Nhắc đến Chuồng cọp Côn Đảo là nhắc đến sự tàn bạo ở bậc cao nhất của nhà tù đế quốc. Bề ngang chỉ khoảng 1,5m, bề dài chừng 2m, nhưng mỗi gian chuồng cọp thường nhốt từ 5-10 người, lúc “cao điểm” người tù không có cả chỗ để ngồi, thiếu không khí và ánh sáng. Ăn thì toàn khô mục, mắm ươn có dòi, mỗi bận ra ngoài lấy cơm lại bị đánh. Đến nay, xương ức ông Bình vẫn còn bị lõm vào một khoảng lớn. Đó là dấu vết của một trận đòn lúc nhận cơm, khiến mỏ ác của ông cũng bị lõm, lúc nào cũng phải đội mũ ngay cả khi ở trong nhà. Mà không chỉ lúc lấy cơm, người tù có thể bị đánh bất cứ lúc nào, kể cả chuyện bị đánh chỉ vì bọn cai tù… cá độ với nhau. Đêm đêm, từ trên cao, bọn chúng lại xối từng thùng nước bẩn lạnh ngắt vào thân thể trần trụi của những người tù ở bên dưới, nhiều người vì thân thể ốm yếu, suy kiệt, không chịu nổi đã ra đi…
     Đến tháng 3-1961, số tù chống ly khai bị nhốt ở Chuồng cọp chỉ còn lại 17 người. Ngày 27-3, địch mở đợt chiêu dụ mới, nhưng 17 người là 17 chữ ký cương quyết không ly khai Đảng. Thế là, tối đó địch đánh đập, đàn áp rất dã man, khiến 5 người bị đánh chết tại chỗ, gồm: Ngô Đến, Hoàng Chất, Nguyễn Công Tộc, Phạm Thành Chung và ông già Cao Văn Ngọc. Mấy hôm sau, thêm 3 người nữa ra đi, gồm: Nguyễn Văn Đích, Hoàng Sơn và Trần Trung Tín. Trận này, ông Bình bị đánh gãy 3 xương sườn và 1 đốt xương sống, nằm mấy tháng mới bò dậy được. Đến đêm 24-12-1961, đồng chí Lưu Chí Hiếu cũng hy sinh, do bị bọn cai tù xối nước lạnh lên người suốt đêm giữa lúc trời giá rét nhất…
     Nhắc đến đồng chí Lưu Chí Hiếu, đôi mắt trong veo của ông Bình như mờ đi. “Trong số các đồng chí cùng đấu tranh ở Côn Đảo, tôi cảm phục nhất là anh Hiếu. Đó là một con người kiên cường, dù hoàn cảnh nào cũng một lòng với Đảng không hề dao động. Ở trong tù, cuộc đấu tranh căng thẳng nhất không phải là với kẻ thù, mà là đấu tranh với chính mình, rất nhiều người không tránh khỏi sự dao động tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, anh Hiếu vẫn cương quyết: “Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh anh dũng của Đảng, tôi cương quyết ở lại quyết tử” - ông Bình nói giọng rưng rưng.
      Sau cái chết của ông Hiếu, bọn địch đã phải đầu hàng ý chí của người tù cộng sản. Từ hơn ngàn người tham gia ban đầu, lúc này chỉ còn lại 5 người, gồm: Phan Trọng Bình, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một và Nguyễn Minh. Toàn thể tù nhân Côn Đảo đã kính phục đặt danh hiệu cho họ là “năm ngôi sao sáng”. Trước sức ép của dư luận và sự chuyển biến của tình hình chính trị, ngày 16-1-1964, “năm ngôi sao sáng” được đưa về nhà tù Phú Lợi và đến ngày 30-4-1964 thì được trả tự do. Vừa hồi phục sức khỏe, các đồng chí đã bắt liên lạc tìm đường vào chiến khu, trở về với dân, với Đảng.”
Phóng sự của Thanh Thúy - Báo Đồng Nai
***
          - Bà Rịa Vũng Tàu, nơi tôi đang sinh sống và làm việc, cũng chính là quê hương của cô Võ Thị Sáu. Nếu Lê Hồng Phong, vì không có chứng cứ kết tội, nên chúng hành hạ bằng cách đánh đập dã man cho chết dần chết mòn, thì cô Võ Thị Sáu lại là một tử tù mà giặc có chứng cứ rõ ràng, nhưng khi bị bắt, cô chưa đến tuổi vị thành niên (16 tuổi). "Tội" của cô Sáu to lắm,  dám cả gan ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, giết chết cai tổng Tòng và gây thương tích cho 20 tên lính Pháp. 
          Cuốn "Sổ giám sát tử vong 1947 - 1954", có dòng: "Le 23 Janvier 1952: 195 G.267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23/1/1952 7h P.Condor Par balles...".(Tù nhân số G 267 Võ Thị Sáu bị xử bắn vào ngày 23/1/1952).
          “Tù nhân mang số hiệu G267-Võ Thị Sáu, được chở tới Côn Đảo chiều 21/1/1952,  bị đưa vào nhốt trong Sở Cò (đối diện với văn phòng giám đốc đảo). Cô Sáu ở đấy đêm 21, ngày 22 và rạng sáng ngày 23/1/1952 lúc khoảng 5 giờ sáng, cô bị đưa đến văn phòng giám thị trưởng đặt trước sân banh 1 để làm lễ rửa tội như các tù nhân khác. Sau đó, cô Sáu bị lôi đến Sân Banh III phụ và bị bắn lúc 7h sáng... ”.
Lần theo ghei chép của tài liệu thì nơi cô Sáu bị xử bắn có lẽ là ở đây
          Cũng từ đây, câu chuyện ly kỳ về người nữ anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu được truyền tụng như sau:
          … Một buổi sáng tinh sương của mùa xuân, tháng giêng năm nhâm Thìn (23.1.1952). Cô Sáu với bộ bà ba trắng tinh, vóc hình mảnh mai xin tươi, bình thản bước ra pháp trường, vừa đi vừa hát vang ca. Tiếng hát du dương vọng vào núi rừng Côn Lôn khiến cho linh thiêng mãi đến bây giờ.
          Chúa đảo Jatty, chánh án, đội lính hành quyết và cố đạo Pháp không biết vì lý do gì? Hiếu kỳ? Ngạc nhiên? Hay vì kính phục? khí phách người thiếu nữ nước Nam mà kéo đến đông đủ. Jatty hỏi cô Sáu:
          - Có khai gì nữa không? 
          - Không.
Chúa ngục rót rượu đưa mời chị Sáu:
          - Cô uống đi một cốc, hơi rượu sẽ làm cô thêm can đảm.
Chị Sáu mỉm cười, trả lời:
          - Rất cảm ơn? Nếu các ông cần rượu để có thêm can đảm, xin mời cứ tự nhiên.
          Bọn họ trố mắt kinh ngạc nhìn cô gái. Cô đi hàng trước, chúa đảo Jatty, chánh án, đội lính lẽo đẽo theo sau, hai tay không bị xiềng xích, cô cúi xuống ngắt một nhành hoa dại cài lên mái tóc. Cô dừng lại khi thấy kíp phu hồ ngồi chờ ở đó, cô cười hỏi:
          - Các anh chờ đào huyệt cho tôi?
          Những người tù nghẹn ngào không dám trả lời. Cô rút bông hoa trên tóc xuống đưa cho những người tù, nhoẻn cười và nói:
          - Tôi tặng mấy anh bông hoa này. Cảm ơn mấy anh đào huyệt cho tôi. Hôm nay mấy anh mới đào một cái nhỏ. Nhưng ngày mai, mấy anh cần đào một cái huyệt thật to…
          Những người đào huyệt còn ngơ ngác chưa hiểu thì cô nheo mắt cười cợt, nhìn vào đám người theo sau cô và nói tiếp
          - Để chôn những kẻ bắn tôi hôm nay!
Cha cố xin phép được làm lễ rửa tội cho Cô, Cô bảo:
          - Tôi không có tội. Yêu nước không có tội.
Tên chánh án lại hỏi:
          - Có yêu cầu gì trước khi chết không?
Cô nói:
          - Yêu cầu không bịt mắt tôi. Hãy để cho tôi được ghi nhớ hình ảnh biển trời quê hương tôi lần cuối và để tôi nhìn thẳng họng súng của những kẻ bắn vào tôi hôm nay!
         
          Cảm phục trước khí phách người nữ liệt trinh, ngay tối hôm 23/1, kíp tù làm thợ hồ ở khám 2, banh I đã đúc cho cô Sáu một tấm bia mô bằng xi măng. Tin đến tai tên chúa đảo Jarty, gã lồng lộn đích thân dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ. Jarty không ngờ, sáng hôm sau, mộ Cô lại được đắp cao hơn trước và một tấm bia khác bằng xi măng lại được dựng lên trang trọng. Jarty lồng lộn, ra lệnh khủng bố kíp tù thợ hồ. Nhiều tù nhân đã phải nằm liệt trong bệnh xá, những người bị tình nghi phải nằm xà lim. Nhưng những người còn đi làm khổ sai vẫn lén giấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại mộ cô Sáu.
Lăng mộ của AHLLVTND Võ Thị Sáu với 4 tấm bia (ảnh sưu tầm Internet không rõ tác giả)
 
          Chuyện cô Sáu thực hư đến đâu khó giám định được, chỉ biết là lâu dần đã trở nên môt truyền thuyết tâm linh lưu truyền mãi đến bây giờ. Cứ mỗi lần chúa đảo ra lệnh đập bia, phá mộ cô Sáu, qua một đêm, bia mộ chị Sáu lại hiện lên như cũ. Một điều trùng hợp không ai lý giải được, là những kẻ tham gia phá mộ cô Sáu, sau đó kẻ thì chết "bất đắc kỳ tử",  kẻ thì bị khùng khùng, điên điên; kẻ thì lâm trọng bệnh nằm liệt giường không thuốc thang nào chữa nổi. Điều đó khiến cho bọn chúa đảo và lâu la của chúng ngày càng tỏ ra hoảng sợ, bắt đầu chùn tay. Thay vì hành động điên cuồng đập phá mộ cô Sáu, nhiều tên cai ngục, chúa đảo đã lén cho vợ con mang lễ đến tạ lỗi.
          Năm 1960, khi Tăng Tư ra Côn Đảo nhận chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Côn Đảo, vợ y đang mắc chứng bệnh nan y chạy chữa hoài không khỏi. Nghe kể về sự linh thiêng của cô Sáu, vợ chồng Tăng Tư đã âm thầm lập bàn thờ cô Sáu trong nhà mình, ngày đêm hương khói cầu khẩn, thế rồi vợ y khỏi bệnh. Tăng Tư lên chức tỉnh trưởng. Để báo ân cô Sáu, vợ Tăng Tư đặt một tấm bia có khắc rõ là: "Liệt nữ Võ Thị Sáu..." và tổ chức buổi lễ long trọng đặt bia trên mộ cô. Ngày nay, khi viếng thăm nơi này, du khách sẽ chứng kiến lăng mộ cô Sáu có tới 4 tấm bia (một tấm của các tù nhân, một tấm bia của vợ chồng Tăng Tư, một tấm bia phong tặng Anh hùng LLVTND cho cô Sáu, tấm bia lớn nhất là một phiến đá hoa cương màu đen, ở giữa chạm nổi khuôn trăng cô Sáu lồng trong mặt trăng bằng đá trắng)
          Cũng từ đó, nơi vùng đảo Côn Lôn xuất hiện câu cửa miệng: “thề có cô Sáu chứng giám!". Theo đồn đại, đến cả chúa đảo cũng phải thốt ra câu thề này. Lâu dần, những cư dân có mặt trên Côn Đảo bất kể là tù nhân hay cai ngục, chúa đảo, những quan viên người Pháp, mỗi lần ngang qua mộ cô Sáu, đều không quên đặt một viên đá, hay cắm một bông hoa, thắp một nén hương vái tạ…  
Vài dòng cảm nhận:
        Cũng là nhan sắc mỹ miều của người con gái cả thôi, nhưng mỗi dân tộc những nhan sắc có cách thể hiện khác nhau. Con gái của miền đất nào, mang hồn vía hương sắc dân tộc đó. Nếu như “tứ đại mỹ nhân” của nước Trung Hoa láng giềng là những nhan sắc từng làm khuynh đảo quốc gia của họ trong lịch sử, thì ngược lại ở Việt Nam, nụ cười của Võ Thị Thắng là nụ cười với hai tầng lịch sử, nụ cười của cô làm nổi danh khí phách Việt Nam trong chiến tranh và sau này trở thành nụ cười đại sứ của ngành du lịch Việt Nam trong thời bình; Hay vóc dáng mảnh mai của Võ Thị Sáu trong tà áo ba ba trắng nuốt, mái tóc cài hoa, hiên ngang vừa đi vừa cất tiếng hát trong xa, trước họng súng quân thù vẫn phơi phới sắc xuân, là vũ khí thiêng liêng có sức mạnh thần kỳ, làm chùn bước chân hung hãn của quân thù. Cô Sáu chính là Quan âm nước Việt!
Mộ cô Sáu lúc 12h đêm vẫn đông đúc dòng người lượt trong lượt ngoài...
          Tuy vậy, khi đến nơi này, tôi cũng nghe được nỗi niềm tâm sự khác của những người lãnh trách nhiệm quản lý di tích Côn Đảo rằng: Du khách đến đây khi nghe chuyện về sự linh thiêng của cô Sáu, thường chỉ chăm chăm cầu nguyện, lễ lạt cầu xin nơi ngôi mộ của cô Sáu, mà thờ ơ, ít quan tâm hơn với một lịch sử bi thương của biết bao nhiêu chiến sĩ đã vì cuộc đấu tranh mà bỏ mạng nơi đây. Kể cũng lạ? Không chỉ du khách trong nước mê tín, tôi bắt gặp cả một đoàn Việt Kiều đi cùng một tăng ni, hỏi thì biết họ về từ nước Đức xa xôi,  cũng không tiến bộ gì hơn, lễ rất lớn trước mộ cô Sáu để cầu xin may mắn và gần như ít ai đi tới những ngôi mộ nằm cách xa nơi cô Sáu yên nghỉ. Tôi cảm nhận, các cháu thanh niên có phần cư xử công bằng với người đã khuất hơn là người lớn tuổi! Họ biết cách cài kinh phật vào iphone. Và trong khi người lớn mải mê xúm đông xúm đỏ quanh mộ cô Sáu, thì các cháu thanh niên chia nhau từng nhóm đi sâu vào tận cùng các góc nghĩa trang. Nhờ ý thức đó, các linh hồn nằm sâu nơi các góc khuất cũng đỡ phần lẻ loi!
       Cô Sáu là một liệt nữ anh hùng! Nhưng những người đã hy sinh và cả những người may mắn sống sót từ nhà tù Côn Đảo trở về cũng anh hùng không kém! Thậm chí còn hơn, vì họ phải trải qua nhiều ngày hành xác trong chuồng cọp hơn Cô Sáu (Cô Sáu chỉ bị tù ở Côn Đảo đúng 3 ngày, từ 21 - 23.1.1952). Trong tâm thức của tôi, tất cả linh hồn của các anh hùng dân tộc đều là nguyên khí quốc gia, nên tôi ứng xử tôn kính như nhau. Cô Sáu nhỏ tuổi và là người đi sau, nên thắp mộ Cô Sáu Trước, cụ LHP và NAN sau là điều tôi cho rằng khiếm khuyết về lễ giáo. Thiết nghĩ, Cô Sáu trước hết là một anh hùng liệt sĩ, hy sinh không tiếc tuổi xuân vì độc lập dân tộc, nếu ta đến đây cư xử không đủ tâm đức với các đồng đội của Cô, chắc chắn Cô cũng sẽ buồn lòng, sẽ vợi đi bầu khí linh thiêng.

          Về khía cạnh duy tâm. Khi xưa, mỗi lần có giỗ, bà ngoại tôi thường bảo: ngày hôm trước phải xin thành hoàng làng, thổ công hà bá; khi cúng, nhớ bố thí cô hồn, vàng mã cho cô hồn phải đốt trước để họ không quấy quả vào miếng ăn của các cụ. Theo thuyết duy tâm,cây hương thắp lên có sứ mệnh xua đuổi tà khí, quy tụ chính khí. Trong nghĩa trang Hàng Dương không chỉ có các anh hùng liệt sĩ mà có cả những tù nhân chết bình thường và những người từng tham gia tra tấn tù nhân. Thắp hương phải thắp từ vòng ngoài vào để khi ta cầu nguyện, chính khí được quy tụ mạnh hơn.
          Bởi vậy, tôi muốn nhắn nhủ tới những ai đến sau. Cô Sáu là người nhỏ tuổi nhất ở khu nghĩa trang Hàng Dương, dù linh thiêng đến mấy, cũng nên hành lễ thứ nhất là ở tượng đài, thứ nhì là ráng kiếm một góc xa nào đó của nghĩa trang mà mình nhìn thấy ít có hương khói nhất hành lễ trước đã, rồi cuối cùng mới nên quay về hành lễ tại lăng mộ cô Sáu, phải như thế mới đủ tâm đức. Lời cầu nguyện cũng vậy, nơi đây là khu nghĩa trang của các tử sĩ vì non sông, nên lời cầu trước tiên phải cầu cho “Quốc thái Dân an”, phải thể hiện hậu duệ cũng có lòng yêu nước đã, sau mới nên cầu cho bản thân mình. Như thế sẽ đủ đầy tâm đức và trọn nghĩa vẹn tình hơn!

Ý kiến bạn đọc:
YEN NHI
Nếu nói như bạn Dương Đào, vậy tại sao tất cả các anh hùng liệt sĩ ở Côn Đảo lại quyết tử mà không chịu ký đơn ly khai ? nếu bản thân mình đến thắp nhang ở đó, mình sẽ cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An trước, thậm chí đi chùa hay thăm đền hay điện gì cũng vậy... Đọc xong thấy yêu nước hơn, mà thực ra là cảm phục tinh thần yêu nước của các vị anh hùng
DƯƠNG ĐÀO

Rất hiểu chân tình bạn dành cho cô Sáu, những lễ nghĩa theo lễ giáo đều đúng cả nhưng cũng xin cho tôi mạn phép nói lên ý kiến của mình. Thực ra trong cuộc sống cái gì cũng tùy theo thái độ của chúng ta, biết là không nên mê tín nhưng nguyện cầu cho bản thân thì cũng không có gì sai. Đất nước mà không có cá nhân thì không thành nước, ai cũng phải lo chu toàn cho bản thân, cho gia đình từ đó nước mới lớn, mạnh. Cơm ăn cho bản thân chưa có, lấy gì mà mong đi cầu cho "quốc thái dân an".khi ca nhân đã phần nào ổn định cuộc sống tự bản thân họ sẽ ý thức về gốc rễ, nói như vậy không có nghĩa là khi nghèo khó họ không yêu nước, mà khi đó lòng yêu nước khó được thể hiện. Chẳng phải cũng có câu" phú quý sinh lễ nghĩa" chắc cũng sẽ có một vài cá nhân cầu thành và sau đó mang lễ đến tạ ơn, họ chắc sẽ không chỉ thắp nhang cho cô Sáu. Nếu có thì chẳng qua là ở mộ cô nhiều trái cây và nhiều hoa hơn mộ các liệt sĩ khác. hy vọng mọi điều đều được đánh giá khách quan, đúng thời điểm. Ai là con nước Nam chắc chắn sẽ rấy tự hào về cha,ông,mẹ chúng ta.

N.Van.Trường

O Ví thân mến!

Bạn đã có bài mới và có thể sắp có bài mới hơn, nhưng Tôi thực hiện "khảo cổ" , Bạn bớt chút ít thời gian nha! Sau khi đọc 3 hồi trong bài ký về Côn Đảo của Bạn, trên cơ sở những điều biết qua sách vở và qua thực tiễn đến đó... Tôi thấy bài ký có chất lượng cao nhất trong những bài Tôi biết. Cùng với thủ pháp, cách thức, văn phong diễn đạt mang đậm sự sắc sảo, hằn dấu Phan Lan Hoa - O Ví .

Bạn còn hòa được lối chung với nhiều người là ở chỗ, viết về Côn Đảo, về Nghĩa trang Hàng Dương thường phải đề cập đến sự ly kì, thực hư, tâm linh... thông qua truyền tụng... Có thể do Bạn có điều kiện thuận lợi hơn, nhưng xét đến cùng thành công của bài ký là do năng lực và đức độ cùng với tính cách thẳng thắn của Bạn! Tôi ngưỡng mộ và rất cám ơn Bạn đã cho tôi thưởng thức một tác phẩm hay.

Có một chút, muốn trao đổi với Bạn về ứng xử tâm linh (thắp hương tưởng niệm, cầu khấn...) của những người đến Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo. Cách ứng xử mà bạn đề cập trong việc thắp hương mộ Chị Sáu... tôi thấy đây là một tư duy độc lập, tinh tế, thấm đẫm tính nhân văn. Với Tôi, chủ nghĩa duy tâm, đạo Phật... tâm linh luôn được tôn trọng với tính cách đó là những giá trị văn hóa. Và trong khi tôn trọng cái chung, cái truyền thống... Tôi rất chú ý và luôn tôn trọng cái đơn nhất, cái đặc biệt của từng sự vật, của từng vị trí, địa danh mà Tôi đến. Tôi cũng đã tâm sự nhiều với Cán bộ Bảo tàng, Sĩ quan Quân y, Cán bộ lãnh đạo... và người dân ở Côn Đảo (có thể điều này Tôi may mắn hơn Bạn-may hơn nhưng không tài hơn). Và theo đó, Tôi đã lập quy trình khi đến Nghĩa trang Hàng Dương (khi đi tự do-không có hướng dẫn viên cho bạn bè như sau: Thắp hương xin phép vào Nghĩa trang ở Cổng -> Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ... ở Đài tưởng niệm -> Thắp hương mộ Võ Thị Sáu -> rồi thắp hương ở tất cả các mộ khác, trong đó dừng lâu ở mộ Cụ Lê Hồng Phong, mộ Cụ Nguyễn An Ninh... Thế đấy O Ví. Có thể cũng là một cách Bạn nhỉ!

------

Chúc O Ví mạnh khỏe và tiếp tục có tác phẩm hay!

Phản hồi của Phlanhoa

Chào bạn N.V.Trường
Ví không ngờ cảm xúc của bạn và mọi người dành cho Côn Đảo lại nhiều rứa. 
Sự sắp xếp của Bạn có cái lý trong tâm thức của Bạn. Ví có chính kiến riêng của Ví. Có thể Ví sẽ chưng một bài dài về ý kiến của mình về "Đạo Trời" sau. Còn trong khuôn khổ phản hồi cảm nhận, Ví nói ngắn gọn thế này:

- Cô Sáu là một anh hùng. Nhưng những người đã hy sinh và cả những người may mắn sống sót từ nhà tù Côn Đảo trở về cũng anh hùng không kém! Thậm chí còn hơn, vì họ phải trải qua nhiều ngày hành xác trong chuồng cọp hơn Cô Sáu (Cô Sáu chỉ bị tù ở Côn Đảo đúng 3 ngày, từ 21 - 23.1.1952)

- Trong tâm thức của Ví, tất cả linh hồn của các anh hùng dân tộc đều là nguyên khí quốc gia, nên Ví ứng xử như nhau. Cô Sáu nhỏ tuổi và là người đi sau, nên thắp mộ Cô Sáu Trước, TBT Lê Hồng Phong và Nguyễn An Ninh sau là điều Ví cho rằng khiếm khuyết về lễ giáo. Tất nhiên như Ví đã cảm nhận trong bài rằng "Cô Sáu là Quan Âm nước Việt". Nếu bạn theo đạo Phật thì cứ tới mộ Quan Âm trước, sau thì tới các một khác. Còn Ví không theo đạo Phật, nên cư xử với linh hồn các anh hùng liệt sĩ theo sự công bằng lớn trước nhỏ sau.

- Khi làm giỗ ở nhà. Bà ngoại Ví dặn: ngày hôm trước phải xin thành hoàng làng, thổ công hà bá; khi cúng, nhớ bố thí cô hồn, vàng mã cho cô hồn phải đốt trước để họ không quấy quả vào miếng ăn của các cụ. Đều này liên tưởng đến nề nếp trên dương thế. Khi một gia đình có đám cưới, chú rể muốn rước dâu, vào làng những bị trẻ con giăng dây, phải thí tiền cho trẻ mới đi qua được. Hay như khi ta vào một cơ quan, muốn gặp giám đốc lại phải lụy hết bảo vệ rồi đến thư ký...

- Theo thuyết duy tâm,cây hương thắp lên có sứ mệnh xua đuổi tà khí, quy tụ chính khí. Trong nghĩa trang Hàng Dương không chỉ có các anh hùng liệt sĩ mà có cả những tù nhân chết bình thường và những người từng tham gia tra tấn tù nhân. Thắp hương phải thắp từ vòng ngoài vào để khi ta cầu nguyện, chính khí được quy tụ mạnh hơn.

Cám ơn Bạn đã có một cái còm rất cảm xúc. Ví thấy Bạn rất thành kính với Cô Sáu!


Để gửi ý kiến nhấp vào đây