Bài viết của Bảo Phan
Nguồn sưu tầm: vanhocnghethuậthatinh.org.vn
Sáng 15- 5- 2014, tại TP Vinh (Nghệ An), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại ( trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”. Trước khi hai mạc hội thảo, các đại biểu đã có chuyến tham quan thực tế và tham dự sinh hoạt thực hành dân ca ví, giặm tại cộng đồng thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) và phường nón Phù Việt, Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Tham dự hội thảo có 60 nhà khoa học quốc tế đến từ nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới: Nga, Pháp, Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Lào...; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật trong nước và các nghệ nhân đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh. Tiến sỹ Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ông Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã tới tham dự buổi khai mạc.

Việc bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo tồn bản sắc, tạo dựng sự phát triển bền vững. Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Nghệ Tĩnh, trở thành nét bản sắc riêng của tiểu vùng văn hóa xứ nghệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, loại hình sinh hoạt văn hóa này vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền, tiếp tục được trao truyền và gìn giữ trong đời sống đương đại. Với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo, dân ca ví, giặm nghệ Tĩnh được Chính phủ Việt nam đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và kỳ xét cuối năm 2014.
Tiết mục hát ví phường nón tại Phù Việt, Thạch Hà
Có 80 tham luận gửi về tham gia, trong đó có hơn 30 tham luận của các nhà khoa học quốc tế trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được trình bày tại hội thảo tập trung đánh giá khách quan, chân thực những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các hình thức diễn xướng dân ca truyền thống, trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Từ đó các bản tham luận cũng đề xuất về những giải pháp cụ thể, thiết thục trong việc bảo tồn và phát huy vai trò của dân ca trong đời sống, làm sao để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, tiếp tục lan tỏa và trường tồn với văn học dân tộc... Những tham luận khoa học công phu này sẽ bổ sung vào hồ sơ để ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới.
Bảo Phan