Trích trong bài: ĐA BÚT, QUỲNH VĂN, CÁI BÈO TRONG BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỪ HÒA BÌNH SANG HẬU HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM - Sách: “Văn hóa tiền sử Việt Nam” – NXB Khoa học xã hội - Tác giả: Bùi Vinh
Nguồn ảnh: baotangnhanhoc.org
***
Văn hóa Quỳnh Văn mang tên địa điểm đầu tiên của văn hóa này do M.Colani khai quật năm 1930 ở gần cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mà bà gọi là đống rác bếp (Kiokkemodding). Thuật ngữ văn hóa Quỳnh Văn được các nhà khảo cổ Việt Nam xác lập sau này (Hoàng Xuân Chinh 1966:73-104). Cho đến nay đã phát hiện được 21 địa điểm thuộc văn hóa Quỳnh Văn, trong đó có một di chỉ đã được khai quật. Các di tích văn hóa Quỳnh Văn phân bổ ở đồng bằng ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh, tập trung nhất ở Vịnh Cổ huyện Quỳnh Lưu (Nguyễn Trung Chiến 1998).
Văn hóa Quỳnh Văn thuộc loại hình cồn sỏ điệp, chủ yếu là vỏ điệp (Placura placenta Lin), xen lẫn sò gai (Arcagransa Lin), vỏ hầu (Ostrea Cuculata Boru), ốc sắt, cua, cá, rùa, mực cùng xương thú rừng, than tro, mùn cát. Trong các cồn này còn có nhiều con điệp chết vẫn còn ngậm miệng. Điều đó khiến việc thảo luận về sự thành tạo của cồn điệp này là do thiên tạo, nhân tạo hay cả hai yêu tố đó vẫn chưa kết thúc.
Đặc điểm nổi bật về công cụ đá là sự tồn tại công cụ ghè đão có dáng vẻ thô sơ, kém định hìanh bên cạnh một số ít công cụ hình móng ngựa, hình mai rùa, hình bàn là, hình đĩa, hình rìu ngắn, có rất nhiều chày và hòn nghiền bằng cuội, một ít mảnh tước, phiến tước mỏng và rất hiếm rìu mài. Đồ gốm có số lượng lớn, chủ yếu là loại đáy nhọn, xương gốm dày, thô; kích thước lớn, văn chải hai mặt. Sự phát triển giữa đồ đá và đồ gốm có xu hướng ngược nhau: Càn về muộn đồ đá càng ít về loại hình, còn đồ gốm lại càng phát triển cả về số lượng lẫn chủng loại.
Cư dân văn hóa Quỳnh Văn chôn người trong huyệt gần tròn tại nơi cư trú, theo tư thế ngồi bó gối hay nằm co, thường di cốt không đầy đủ. Về chủng tộc là người Australoid và có nét Monogoloid. Hoạt động kinh tế chủ đạo là khai thác nhuyễn thể nước mặn, đánh c1 không phát triển, săn bắt cá ở vị trí khiêm tốn với thu lượm hải sản ven bở. Hiện vẫn chưa thấy những dấu hiệu trực tiếp của hoạt động sản xuất như trồng trọt và chăn nuôi. Văn hóa Quỳnh Văn thuộc Sơ kỳ, Hậu kỳ, hay Trung kỳ Đá mới vẫn còn thảo luận. Niên đại C14 văn hóa Quỳnh Văn, sơm nhất (địa điểm Quỳnh Văn) là 4.875±100BP.
Trước đây, trong khi tiến hành khảo sát những chuyển biến này sinh nối tiếp nhau – mang tính truyền thống – dựa trên cơ sở nguyên liệu chế tác, giáo sư Hà Văn Tấn, đã đi đến kết luận rằng: “Chúng ta không thể tìm nguồn gốc của văn hóa Quỳnh Văn ở văn hóa Hòa Bình, vì văn hóa Quỳnh Văn giữ một truyền thống khác – truyền thống chế tác đá gốc” và có thể theo dõi truyền thống này lên tới đầu phía trước. Đó là đồ đá cũ Sơ kỳ Núi Đọ (Thanh Hóa) (Hà Văn Tấn 1969:19).
Tuy nhiên, cho đến nay, các di tích pháthiện được dường như không thích hợp cho việc đi tìm một gốc trực tiếp cho văn hóa Quỳnh Văn dựa trên tình trạng nguyên liệu. Trong khi đó thì mối liên hệ giữa văn hóa Quỳnh Văn với văn hóa Hòa Bình, lại được bộc lộ qua sự bảo lưu của phương thức hoạt động kinh tế thu lượm các loài nhuyễn thể, cũng như sự gần gũi giữa hai hình thức chôn cất người chết “nằm co” và “ngồi xổm” bó gối tồn tại ở trong cả hai nền văn hóa này. Đặc biệt mấy năm gần đây, sự tương đồng về mặt loại hình và kỹ thuật học cũng đã được một số người nghiên cứu nêu ra, thông qua sự tồn tại của một số lượng lớn công cụ được chế tác kỹ thuật ghè một phía, hướng tâm kiều Hòa Bình, cũng như sự gần gũi mang tính chất tương ứng về hình dáng khi so sánh giữa các loại hình công cụ “dạng bán nguyệt” Quỳnh Văn với rìu ngắn Hòa Bình; giữa công cụ “hình mai rùa” với công cụ hình đĩa Hòa Bình; giữa công cụ “kiểu bàn là” Quỳnh Văn với các dạng mũi nhọn Hòa Bình.
Điều lý thú là khi bàn về sự tương ứng này, Hà Hữu Nga và Nguyễn Trung Chiến đã phát hiện ra rằng chính các thuật ngữ “mai rùa”, “bàn là” cũng đã từng có tên trong bản phân loại công cụ của Heekeren và Knuth ở địa điểm Asiyok – một địa điểm thuộc văn hóa Hòa Bình ở Thái Lan (Hà Hữu Nga, Nguyễn Trung Chiến. 1984:97). Khi giải thích sự hiếm hoi của rìu cuội mài lưỡi, cũng như sự khác biệt rõ ràng về mặt nguyên liệu đá trong văn hóa Quỳnh Văn, các tác giả này cho rằng: Điều đó là bắt nguồn từ điều kiện địa lý cảnh quan đặc biệt của khu vực này khác với người Hòa Bình, người Quỳnh Văn sống ở bờ biển, thường trú trong những vùng vịnh nông, kín; thức ăn của họ chủ yếu là các loại nhuyễn thể, cua, cá… Đây là đối tượng phù hợp với bộ công cụ ghè, đẽo thô sơ cũng như tình trạng khan hiếm nguyên liệu cuội buộc họ phải dùng các loại đá khác có sẵn ở đây.
Hiện nay, khi đặt văn hóa Quỳnh Văn vào công cuộc khai triển từ miền rừng núi xuống các vùng bờ biển kế cận của những người mang truyền thống Hòa Bình, Nguyễn Gia Đối đã xác định rõ cụ thể hơn dưới cái gọi là con đường đá mới hòa Điều (Hòa Bình địa phương ở tây Thanh Hóa) – Quỳnh Văn, mà cơ sở của nó chủ yếu là dựa trên so sánh công cụ đá. (Nguyễn Gia Đối:2002). Theo tác giả thì kỹ nghệ đá Quỳnh Văn không giống với kỹ nghệ đá Hòa Bình điển hình, mà nó rất gần gũi với kỹ nghệ Điều trên hầu hết các mặt kể cả nguyên liệu kỹ thuật và loại hình (Nguyễn Gia Đối 1998, 1999).
Trong kỹ nghệ Điều cũng như Quỳnh Văn, nguyên liệu được sử dụng phần lớn là đá gốc dạng “cuội tảng” kích thước lớn, có các mặt và góc cạnh. Loại nguyên liệu này không thể ghè trực tiếp thành công cụ mà phải thông qua một công đoạn ghè tách mảnh sau đó dùng mảnh để chế tác công cụ. Những loại hình điển hình nhất của Quỳnh Văn như công cụ hình bàn là, hình mai rùa, hình quả trám bổ dọc, phần lớn được tách ra các mảnh tước lớn, vết tách ở một hoặc cả hai mặt nhưng thường là ở mặt bụng công cụ.
Trước đây trong một số công trình nghiên cứu về đồ đá Quỳnh Văn, có một tác giả đã nói đến kỹ nghệ mảnh tước được tách ra từ hạch đá hình lăng trụ, hình nêm (Hoàng Xuân Chinh 1966). Trên cơ sở xem xét đặc điểm nguyên liệu, kỹ thuật chế tác chúng tôi nhất trí với ý kiến coi một trong những đặc trưng của Quỳnh Văn là kỹ nghệ mảnh tước lớn.
Cũng giống với kỹ nghệ Điều cách thức ghè mảnh tước thành công cụ thường là ghè từ một mặt tách sang mặt còn vỏ cuội tạo nên công cụ có mặt bụng phẳng và mặt lưng nhô cao. Tuy nhiên, kể cả Điều và Quỳnh Văn khai niệm kỹ nghệ mảnh tước lớn ở đây là không trọn vẹn bởi vì bên cạnh nó còn tồn tại khác đậm nét truyền thống công cụ cuội. Kỹ nghệ Điều – Quỳnh Văn thể hiện sự đan xen giữa kỹ thuật tách mảnh lớn và kỹ thuật cuội.
Ở Mái Đá Điều, loại công cụ hình bàn là, mai rùa, móng ngựa, tam giác, quả trám bổ dọc đặc trưng cho giai đoạn giữa muộn, nó giống hệt với Quỳnh Văn từ hình dáng, kích thước và kỹ thuật chế tác. Hơn nữa các công cụ ghè hai mặt hình bầu dục, rìu dài, bầu dục dãy đôi và đặc biệt là những công cụ hình chữ nhật hoặc hình vuông như phác vật rìu mài hậu kỳ đá mới phổ biến trong giai đoạn muộn ở Mái Đá Điều cũng rất giống với các loại trong văn hóa Quỳnh Văn.
Như vậy, nguồn gốc văn hóa Quỳnh Văn gân như đã được làm sáng tỏ. Truyền thống kỹ thuật chế tác đá Điều – Quỳnh Văn được xác lập. Quỳnh Văn có thể có nhiều nguồn gốc hợp thành nhưng trong đó kỹ nghệ Điều hiện lên như một nguồn hợp chủ yếu tạo nên văn hóa này. Như vậy, ngoài con đường Hòa Bình – Đa Bút chúng ta lại phát hiện con đường đá mới hóa Điều – Quỳnh Văn và hơn nữa con con đường phát triển nội tại ngay trong các hang động Hòa Bình.
So sánh giữa Quỳnh Văn và Đa Bút, ta thấy con đường đá mới hóa Đa Bút là quá trình “động”, cách tân từng bước và phát triển theo tuyến tính thì Quỳnh Văn là con đường “tĩnh” bảo lưu truyền thống lâu dài, thích ứng tôi đa với môi trường tự nhiên.
Con đường đá mới hóa Quỳnh Văn diễn ra chậm và có xu hướng bảo lưu truyền thống. Một bộ phận người Quỳnh Văn vẫn cư trú bám vào các lèn đá vôi. Họ vẫn chú trọng chế tác và sử dụng công cụ ghè đẽo ít phát triển thuật mài. Điểm này có lẽ liên quan đến nguồn gốc vì ở kỹ nghệ Điều kỹ thuật ghè đẽo phát triền khá cao nhưng ngược lại kỹ thuật mài không phát triển. Con đường đá mới hóa Điều – Quỳnh Văn có lẽ là bảo lưu và khai thác triệt để nhất kỹ thuật ghè đẽo đá. Người Quỳnh Văn khai thác các loài nhuyễn thể biển, cá, loài thú nhỏ là chủ đạo, ít có dâu hiệu của kinh tế sản xuất. Có lẽ ở Quỳnh Văn công cụ ghè đẽo được bảo lưu lâu dài và không phát triển kỹ thuật mài một phần do nguyên nhân từ đặc thù nền kinh tế săn bắt hái lượm quy định.