Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Phát hiện mới, lạ về khảo cổ học ở Nghệ An năm 2013 (hang núi Bò - Anh Sơn - Nghệ An)
 
(23h: 16-09-2014)
Phát hiện mới, lạ về khảo cổ học ở Nghệ An năm 2013 (hang núi Bò - Anh Sơn - Nghệ An)Tác giả: Phan Văn Hùng – Hồ Mạnh Hà
Nguồn ảnh: vietnamnet.vn

 Trong hội nghị những phát hiện mới về Khảo cổ học do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26/ 9/ 2013 có một báo cáo của cán bộ Ban quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An trình bày với nội dung: “Phát hiện tảng đá có nhiều ký tự cổ của người tiền sử ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An”. Báo cáo này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà khoa học có mặt tại hội nghị. Một cuộc tranh luận sôi nổi và kéo dài giữa các nhà nghiên cứu đã diễn ra xung quanh phát hiện vừa mới, vừa lạ này. Sức nóng mà những thông tin từ bản báo cáo đem lại, đã khiến Viện Khảo cổ học cử ngay Thạc sĩ Lê Hải Đăng - Phó trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đá (từng được tập huấn về phương pháp tiếp cận và nghiên cứu các loại hình di tích nghệ thuật, hình khắc trên đá tổ chức tại Thái Lan năm 2012), đi Hang Bò, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nhằm phúc tra những thông tin mà bản báo cáo đã nêu.

Ngày 04/10/20013 đoàn khảo sát gồm có đại diện Ban quản lý Di tích - Danh thắng, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa huyện Anh Sơn, UBND xã Hoa Sơn đã tiến hành khảo sát dưới sự chỉ đạo của chuyên gia khảo cổ học Lê Hải Đăng - Viện Khảo cổ học, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Qua một ngày làm việc cật lực, quan sát bằng trực quan và bằng cả cảm quan nghề nghiệp, bước đầu chúng tôi xin cung cấp độc giả có cái nhìn tổng quan về kết quả cuộc khảo sát Hang Bò như sau:

Hang Bò nằm ở bản Yên Hòa, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; tọa độ 18o 52’53’’ Vĩ Bắc, 105o 20’47’’ Kinh Đông. Hang cách trung tâm huyện Anh Sơn khoảng 10 km về phía Tây Nam. Hang Bò có chiều dài 55m, rộng 25m, chiều cao của hang có số đo 20m. Bề mặt nền hang khá bằng và cao hơn mặt ruộng phía trước 2m. Cạnh Hang Bò có dòng suối nhỏ khá nhiều nước, (thời điểm tháng 9/ 2013). Phía trước Hang Bò là một thung lũng khá rộng, được bao bọc bởi nhiều núi đá mà dân địa phương thường gọi là lèn đá.

Trên trần và vách mái đá có rất nhiều tảng trầm tích màu vàng thuộc giai đoạn Toàn Tân. Trong các mảng trầm tích này có những viên cuội là công cụ lao động của người tiền sử, như công cụ bằng cuội dùng để ghè đẽo, hay các chày nghiền... Mái đá có nhiều tảng đá lớn bị sập xuống. Ở giữa mái đá, giáp với vách trong có một khối đá lớn bị sập xuống. Hiện tượng đá từ vách hoặc trần sập/ rơi xuống khá phổ biến ở hệ thống các hang động, mái đá ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của giới địa chất thì đây là hệ quả của những chấn động mạnh như động đất, đã diễn ra cách ngày nay trên dưới 10.000 năm.

Bề mặt của phiến đá cũng như những họa tiết có chỗ đã bị bào mòn, vết mòn rất rõ, nhiều chỗ mòn bóng lên. Bên cạnh những tác động rất lớn của thiên nhiên như gió, mưa, phiến đá này còn chịu sự tác động trực tiếp của các loài động vật và cả con người qua nhiều thời đại. Theo anh Lê Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết, trước đây khu vực này là rừng rậm. Những người dân sống xung quanh Hang Bò cho biết, ngay từ khi còn nhỏ họ từng chơi trên phiến đá này. Còn theo ông Nguyễn Văn Lịch thì từ nhiều năm nay gia đình ông dùng hang này nhốt trâu, bò, dê... Những hoạt động đó, vô tình góp phần bào mòn hệ thống ký tự có trên bề mặt tảng đá.

Trở lại với khối đá lớn bị sập nằm sát vách trong Hang Bò. Phần tách ra của khối đá có bề mặt khá phẳng. Điều gây ra sự quan tâm của giới khảo cổ trong và ngoài tỉnh trong thời gian qua là trên bề mặt của tảng đá có nhiều vết do người tiền sử đục, chạm, khắc với những hình khác nhau. Khảo sát kỹ tảng đá có ký tự cổ chúng tôi có các thông số sau:

Mặt trên của tảng đá có chiều rộng: 0,84m; Mặt dưới rộng: 2,85m; Từ chân lên đỉnh cao: 2,82m; Bề dày của tảng đá: 0,75m.

Quan sát các hình khắc và các ký tự cổ trên tảng đá, ta có thể phân thành 2 nhóm chính, nhóm gồm các chấm tròn và nhóm khắc vẽ các hình người.

Về nhóm các chấm tròn ở đây có đặc điểm chung nhất là được bố cục theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Theo kết quả khảo sát thì các chấm tròn này được tạo ra bởi kỹ thuật đục/ chạm thô. Các chấm tròn có đường kính khá đồng đều từ 2cm đến 2,5cm; độ sâu các chấm tròn có số đo từ 0,2cm đến 0,3cm. Hiện tại, chúng tôi chưa có điều kiện thống kê tảng đá có toàn bộ bao nhiêu chấm tròn, chỉ biết số lượng chấm tròn khả năng lên đến con số hàng trăm.

Về các họa tiết khắc hình người: Có ít nhất 4 hình người được khắc trên đá mà hiện nay chúng ta còn quan sát rõ bằng mắt thường. Khảo sát kỹ 4 hình người, căn cứ vào phong cách thể hiện và căn cứ vào công cụ chạm khắc, chúng tôi tạm thời chia làm 2 nhóm.

Cụ thể có 2 hình người nét khắc thể hiện hình dạng rất tượng hình, nét khắc sơ khai đầy biểu trưng, không thể hiện bằng hình khối. Hình người ở đây khá sinh động, với đầy đủ mắt, tay, chân. Các nét khắc thể hiện hình tượng con người ở trạng thái vui vẻ, phấn khích như giang tay, giang chân. Khi tiếp cận 2 hình khắc này, có ý kiến cho rằng cả 2 hình khắc đều thể hiện giới tính là 1 nam, 1 nữ. Chúng tôi cho rằng: nhận xét trên là có cơ sở, tuy nhiên vấn đề này cần được khảo cứu bởi các nhà khoa học chuyên ngành. Khi đem những hình khắc này so sánh và liên hệ đến những hình khắc trên đá ở Di tích đồi Pa Kan, tỉnh Lam Pang thuộc Đông Bắc Thái Lan chúng tôi thấy rằng kỹ thuật tạo hình khắc vào đá ở đây là đục và chạm, và có thể công cụ đục và chạm ở đây đều bằng đá, chứ không phải bằng dụng cụ kim loại. Hai hình người này có cùng kỹ thuật chạm khắc tương đồng với nhóm chấm tròn, với độ mòn nhẵn đều

Cụ thể có 2 hình người nét khắc thể hiện hình dạng rất tượng hình, nét khắc sơ khai đầy biểu trưng, không thể hiện bằng hình khối. Hình người ở đây khá sinh động, với đầy đủ mắt, tay, chân. Các nét khắc thể hiện hình tượng con người ở trạng thái vui vẻ, phấn khích như giang tay, giang chân. Khi tiếp cận 2 hình khắc này, có ý kiến cho rằng cả 2 hình khắc đều thể hiện giới tính là 1 nam, 1 nữ. Chúng tôi cho rằng: nhận xét trên là có cơ sở, tuy nhiên vấn đề này cần được khảo cứu bởi các nhà khoa học chuyên ngành. Khi đem những hình khắc này so sánh và liên hệ đến những hình khắc trên đá ở Di tích đồi Pa Kan, tỉnh Lam Pang thuộc Đông Bắc Thái Lan chúng tôi thấy rằng kỹ thuật tạo hình khắc vào đá ở đây là đục và chạm, và có thể công cụ đục và chạm ở đây đều bằng đá, chứ không phải bằng dụng cụ kim loại. Hai hình người này có cùng kỹ thuật chạm khắc tương đồng với nhóm chấm tròn, với độ mòn nhẵn đều.

Đối với 2 hình người còn lại có kích thước nhỏ hơn, quan sát kỹ các vết khắc ta thấy có những vết mẻ nhỏ trên hình khắc, thể hiện người xưa đã dùng một loại dụng cụ mũi nhọn và sắc (có khả năng bằng kim loại). Về hình dáng thể hiện, 2 hình người này mang tính hiện đại hơn, công cụ chạm khắc cũng có niên đại muộn hơn. Vì vậy, 2 hình người này có niên đại muộn hơn.

Tiếp tục khảo sát Hang Bò chúng tôi càng có thêm dữ liệu để khẳng định đây là địa điểm khảo cổ học thời tiền sử. Cụ thể đoàn đã phát hiện 3 hiện vật đá là công cụ của người tiền sử nằm trong khối trầm tích tuổi HoLocene.

Dựa vào các trầm tích có chứa các di vật cho thấy ở đây có sự tác động rất lớn của các yếu tố thiên nhiên như lũ cuốn, động đất... Các công cụ đá nằm gắn chặt trong các khối trầm tích tuổi HoLocene là bằng chứng rất rõ của dòng nước lũ đã cuốn trôi và đưa các hiện vật này ra khỏi vị trí ban đầu của chúng.

Khảo sát kỹ hơn trong các ngách và hốc đá, chúng tôi đã phát hiện thêm 3 công cụ bằng đá, gồm 2 công cụ cuội ghè đẽo và một công cụ mảnh.

Từ những phát hiện các di vật trên, để có thêm cứ liệu cho việc nghiên cứu đánh giá bước đầu chúng tôi đã tiến hành đào thám sát thăm dò. Hố thăm dò được mở sát vách hang, diện tích 50 cm2, tầng văn hóa có độ dày 0,7m (nếu đào ở vị trí trung tâm chắc địa tầng văn hóa sẽ dày hơn). Cấu tạo tầng văn hóa ở đây bằng đất mùn màu xám, độ ẩm cao, chứa nhiều vỏ ốc suối, rất ít ốc núi và có nhiều công cụ đá. Diễn biến về địa tầng và di vật khảo cổ từng lớp như sau:

Lớp 1: Đất mùn màu xám, mềm, cấu trúc hạt mịn lẫn một số vỏ ốc suối, phát hiện có 3 công cụ bằng đá cuội, gồm 1 chày và 2 công cụ ghè đẽo.

Lớp 2: Đất mùn tương tự lớp 1, nhưng số lượng vỏ ốc suối nhiều hơn, phát hiện có 5 công cụ bằng đá và 3 mảnh tước.

Lớp 3: Đất mùn màu xám, độ dính kết cao hơn lớp trên, nhiều vỏ ốc suối hơn lớp 2. Phát hiện có 4 công cụ bằng đá và 7 mảnh tước.

Lớp 4: Đất cùng loại, nhưng ẩm hơn nên độ kết dính cao hơn, lớp này chúng tôi thu được 3 công cụ ghè đẽo và 6 mảnh tước.

Lớp 5: Đất cùng loại, ít vỏ ốc, có 2 công cụ cuội, 1 mảnh tước, sinh thổ là đá nền hang.

Qua khai quật 5 lớp, trên diện tích rất hạn chế (50 cm2), chúng tôi đã thu được tổng cộng 17 công cụ đá, 17 mảnh tước. Như vậy mật độ phân bố di vật, hiện vật là công cụ và mảnh tước bằng đá trên một đơn vị diện tích ở Hang Bò là rất cao

Dựa vào tư liệu địa tầng và những di vật ở Hang Bò, giúp chúng tôi đi đến những nhận xét bước đầu:

Hang Bò là một địa điểm thời tiền sử, thuộc thời đại đá mới (văn hóa Hòa Bình). Những di vật đá ở đây có nhiều nét gần gũi với nhóm di vật lớp dưới hang Đồng Trương cách Hang Bò 3 km về phía Đông đã khai quật vào năm 2004. Rất có khả năng Hang Bò còn là một địa điểm khảo cổ học phản ánh quá trình phát triển lâu dài của người tiền sử, từ đá mới đến kim khí, có thể có mộ táng. Cùng với Hang Bò ở đây còn có cả một hệ thống hang động với nhiều mái đá rất thuận lợi cho người tiền sử cư trú, sinh sống... Tại đây đã có những phát hiện về rừu đá hình tứ giác mài toàn thân, cùng với đồ gốm thời đại Kim khí.

Những hình khắc trên đá ở Hang Bò là do người tiền sử tạo ra với kỹ thuật sơ khai, thể hiện trình độ tư duy về thẩm mỹ của người tạo ra chúng. Việc xác định niên đại và nội dung của những hình khắc này đòi hỏi một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống với sự tham gia của các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Việc phát hiện tảng đá có ký tự cổ ở Hang Bò xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An là một phát hiện mới, lạ về khảo cổ học, vì từ xưa đến nay chưa có một phát hiện khảo cổ nào ở Nghệ An nói riêng, cả miền Trung nói chung có loại ký tự, hình khắc trên đá của người tiền sử như ở Hang Bò. Phát hiện mới, lạ ở Hang Bò góp thêm tư liệu về nghệ thuật cổ trên đá ở Việt Nam. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đang dần thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Thiết nghĩ trong tương lai gần rất cần một cuộc khai quật, nghiên cứu quy mô tại đây.

          Trước khi chia tay, chúng tôi thực sự cảm động khi chính quyền và người dân địa phương tạo mọi điều kiện để chuyến khảo sát thành công ngoài mong đợi. Để bảo vệ di tích Hang Bò, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An đã có công văn gửi UBND huyện Anh Sơn, yêu cầu chính quyền cần làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ để giữ nguyên hiện trạng di tích. Hơn ai hết những người dân hiện sống gần di tích là những người bảo vệ di tích tốt nhất, trước khi chúng ta triển khai những biện pháp bảo vệ hữu hiệu hơn.

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Văn hóa Quỳnh Văn (15h: 16-09-2014)
 Đời sống ông cha qua di chỉ Cồn Sò (Thạch Hà - Hà Tĩnh) (10h: 15-09-2014)
 Văn hoá tiền sử Phái Nam (Thạch Hà - Hà Tĩnh) (21h: 13-09-2014)
 Hang Đồng Trương có phải là mộ phần Thủy tổ người Việt? (15h: 10-09-2014)
 Hang Đồng Trương có phải là nơi cư ngự đầu tiên của Việt Thuỷ Tổ (16h: 21-08-2014)