Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Lò đúc đồng, lò luyện sắt và Di chỉ Văn hoá Đông Sơn tìm thấy ở Hà Tĩnh
 
(19h: 21-09-2014)
Lò đúc đồng, lò luyện sắt và Di chỉ Văn hoá Đông Sơn tìm thấy ở Hà TĩnhNguồn tư liệu: “Hà Tĩnh – đất văn vật Hồng Lam” – NXB Trẻ
Tác giả: Thái Kim Đỉnh


***

 Lò đúc đồng, lò luyện sắt và Di chỉ Văn hoá Đông Sơn tìm thấy ở Hà Tĩnh

Đến nay, dấu tích Văn hoá Đông Sơn được phát hiện nhiều nơi ở Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh…), tiêu biểu là di chỉ Xuân An.

Di chỉ Xuân An ở xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, nằm sát bờ sông Cả (sông Lam). Di chỉ này ở gần Rú Cơm, nên cũng có nơi chép là Di chỉ Rú Cơm.

Từ năm 1960, do nước sông xói lở, địa điểm khảo cổ mới lộ ra. Dân địa phương nhặt được 20 lưỡi rìu chiến bằng đồng thau kích thước khá lớn, trong đó có một chiếc hình lưỡi xéo, có lá chắn ở chuôi. Lại có chiếc có hình dánh đặc biệt: Đó là công cụ có vai, lưỡi hình chữ V xoè rộng, chiều rông lưỡi là 8cm. Họng tra cán có mặt cắt ngang hình lục giác rộng 2,5m, có trổ lỗ để tra chốt hãm; từ mép họng đến đỉnh nhọn của lưỡi là 7cm. Vai có thêm một gờ tròn, làm cho lưỡi thêm chắc chắn. Có người cho công cụ này là cuốc, có người coi là loại cày. Sau người ta cũng tìm thấy loại này ở làng Vạc và Đồng Mỏm (Nghệ An). Rõ ràng đây là công cụ có tính địa phương. Người ta cũng tìm thấy ở đây mũi tên và dao găm đồng.

Tháng 10.1962, Đội khảo cổ Vụ Bảo tồn bảo tàng tiến hành khảo sát, nghiên cứu. Phạm vi di chỉ hẹp, không quá 100m2   vùng đất phù sa ven sông lại bị lũ lụt, nước sông xói lở phá hoại. Tầng văn hoá nằm sâu 0,60m dưới mặt đất, dày khoảng 0,40m là phù sa lẫn nhiều than tro màu đen nhạt, có nhiều mảnh gốm vụn, nhưng mật độ không cao. Trong diện tích 3m2, sâu 0,40m, có 106 mảnh gốm là nồi miệng hơi loe, đáy bằng, đường kính miệng khoảng 29 – 42cm, ngoài có hoa văn răng lược, ô vuông thô, và quấn thừng rất giống gốm ở di chỉ Đồng Thau, Thiệu Dương (Thanh Hoá).

Ở đây cũng tìm được nồi gốm có dấu vết xỉ đồng, chứng tỏ đồng được đúc tại chỗ. Ngoài những đặc trưng chung của văn hoá Đồng Sơn, công cụ đồng ở Hà Tĩnh cũng có những đặc điểm địa phương, chẳng hạn như ở mép trên hay phân vai của lưỡi thường có một đường gờ nổi, làm cho rìa công cụ dày hơn, cứng cáp hơn. Những lưỡi cày ở Xuân An, lưỡi rìu xéo ở Rú Dầu (Đức Thọ) đều có đường gờ nổi như vậy.

Xét cấu tạo tầng văn hoá thì Xuân An là di chỉ cư trú và cũng có thể một phần di chỉ cũng được dùng làm khu mộ táng.

Các địa điểm văn hoá đồ đồng khác:

Ngoài Di chỉ Xuân An, còn phát hiện được nhiều địa điểm văn hoá thời đồ đồng khác trên đất Hà Tĩnh và thu thập được nhiều di vật Văn hoá Đông Sơn.

Tại Di chỉ đá mới Thạch Đài (Thạch Hà), người ta đã tìm thấy một chiếc rìu đồng giống như rìu ở di chỉ Xuân An.

Dưới chân Rú Dầu (Đức Thọ), cũng phát hiện một số đồ đồng và mảnh gốm thô, có lẽ là một khu mộ táng cổ thuộc Văn hoá Đông Sơn, gần đây nhân dân vẫn tìm thấy một số di vật thời đồ đồng dưới chân Rú Chùa, cách Rú Dầu 3km và ở Rú Cấm, cách Rú Dầu 2km.

Trong bộ công cụ đồng tìm thấy ở xã Sơn Phú (Hương Sơn), ngoài chiếc rìu lưỡi cân, hai mặt lưỡi có hoa văn (một mặt đã mờ, còn có một đàn chim cổ dài như cò hay ngỗng trời hơn 10 con, đứng với các tư thế khác nhau) chưa hề thấy ở đâu, còn có loại rìu xéo gót nhọn, giống như rìu Đức Đồng.

Bộ công cụ đồng thau phát hiện ở xã Đức Đồng (Đức Thọ) rất độc đáo: Hai chiếc rìu có họng, (1 chiếc dài 8,5cm, 1 chiếc 11cm), lưỡi xoè rộng (chiếc nhỏ rộng 7cm, chiếc lớn 10cm) mép lưỡi thẳng ngang, có hình dạng như cái chắn thợ mộc ngày nay. Loại rìu này ít gặp trong các di chỉ Văn hoá Đông Sơn khác. Đặc biệt có một chiếc rìu lưỡi xéo họng bầu dục, lưỡi khá rộng, từ mũi tới gót là 14,5cm, gót nhọn và ở cao (rìu lưỡi xéo trong Văn hoá Đông Sơn phổ biến là gót tròn hay gót vuông), loại gót nhọn như ở Đức Đồng cũng có đường gờ trên lưỡi như đường gờ ở cái “cuốc” Rú Cơm. (Xuân An) hay một số công cụ đồng ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.

Ở Đức Đồng còn có chiếc dáo bị gãy mũi nên không biết được chính xác chiều dài, nhưng có thể thấy rõ dáo hình búp đa, có sống nổi ở giữa. kiểu dáo này cũng hiếm thấy trong Văn hoá Đông Sơn ở khu vực sông Hồng, sông Mã…

Dấu vết Văn hoá Đông Sơn cũng tìm thấy ở mạn bắc sông La. Ở Dăm Đồng Tới xã Đức Châu, nhân dân làm thuỷ lợi nhặt được nhiều mảnh gốm thô có hoa văn chải. Và ở Dăm Tẩu, xã Đức Tùng, ngoài các mảnh gốm như vậy, người ta còn nhặt được rìu xéo đồng Đồng Sơn và hạt chuỗi bằng đá ngọc.

Ở Trại Trắn, xã Đức Hoà nhân dân cũng phát hiện được một số hiện vật đồ đồng: 2 thuổng, 2 rìu (1 lưỡi cân, 1 lưỡi xéo), 1 dao găm, 1 dáo, 1 lưỡi cày và nhiều đồ đồng khác. Gốm ở đây cũng có kiểu dáng, hoa văn, chất liệu, độ nung… như dạng gốm Rú Trăn.

Cán bộ Viện khảo cổ và Bảo tàng Hà Tĩnh đã bước đầu khảo sát (1991) trong xóm và đào hố thám sát nơi phát hiện các hiện vật đồng và gốm, xác định đây là di chỉ cư trú của người cổ vào giai đoạn sớm thời Đông Sơn, tương đương với di chỉ Rú Trăn.

Di chỉ lò luyện sắt ở Xuân Giang (Nghi Xuân)

Ở những nơi sạt lở ven bờ sông Lam thuộc đất huyện Nghi Xuân, người ta thường thấy lộ ra một lớp xỉ sắt dày lẫn những mảnh gốm cổ. Trên mặt đất Nghi Xuân, ở đâu cũng gặp xỉ sắt rải rác đôi ba hòn hoặc tập trung từng cồn, hoặc lộ thiên, hoặc vùi sâu dưới bãi cát. Ở xã Xuân Viên, trong  dãy núi Hồng Lĩnh, người ta cũng thấy những bãi quặng hematit. Như vậy thời Xuân An xưa, vùng Nghi Xuân đã là một vùng luyện sắt quy mô lớn mà trung tâm có thể là địa bàn xã Xuân Giang, nay thuộc thị trấn huyện Nghi Xuân. Ở đây mật độ phân bổ xỉ sắt khá dày đặc kéo một vệt dài khoảng 2km từ đền Huyện qua cánh đồng màu, bãi phi lao đến các thôn Hồng Khánh, Hồng Thịnh. Ở các xóm An Tiên, Hồng Tiến, xỉ sắt kết thành lớp dày dưới cát, hoặc trên những mô đất cao, hoặc mặt ruộng các cánh đồng Bụt (thôn An Tiên), Trại Dầu (thôn Lam Sơn) và cả khu vực sân vận động, uỷ ban huyện…

Năm 1977, đoàn cán bộ giảng dạy và sinh viên khoa sử, Trường đại học tổng hợp Hà Nội, phát hiện một khu luyện sắt cổ ở Xuân Giang. Trong 5 hố thám sát ở các thôn Hồng Thịnh, An Tiên đã tìm thấy 6.415 hòn xỉ sắt, 40 hòn quặng, 14 cục than, 175 mảnh đất nung, 73 hòn đá kèm, 373 mảnh gốm, 3 mảnh sắt… Đó là bằng chứng chắc chắn về vết tích của những lò luyện sắt, rõ rệt nhất là ở hố số 5. Lò có các đặc điểm: Lò được xây trên gò đất cao để lợi dụng sức gió, nhất là hướng gió Lào mùa hè; Lò hình tròn, đường kính 1,44m; thành lò được kè bằng đá hoặc xỉ sắt, và trét bằng đất sét trộn rơm, trấu; Thành lò khá dày, khoảng 8 – 10cm; Lò cao từ 40 – 60cm. Căn cứ vào cơ cấy của lò, hình dạng và tính chất của xỉ sắt, thì sắt ở đây được luyện theo phương pháp hoàn nguyên trực tiếp. Loại lò này cũng thấy ở Diễn Châu (Nghệ An).

Trong bước đầu có thể tạm coi niên đại khu luyện sắt Xuân Giang là vào giai đoạn Đông Sơn Sắt.


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Răng người vượn hóa thạch ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu - Nghệ An) (10h: 17-09-2014)
 Phát hiện mới, lạ về khảo cổ học ở Nghệ An năm 2013 (hang núi Bò - Anh Sơn - Nghệ An) (23h: 16-09-2014)
 Văn hóa Quỳnh Văn (15h: 16-09-2014)
 Đời sống ông cha qua di chỉ Cồn Sò (Thạch Hà - Hà Tĩnh) (10h: 15-09-2014)
 Văn hoá tiền sử Phái Nam (Thạch Hà - Hà Tĩnh) (21h: 13-09-2014)
 Hang Đồng Trương có phải là mộ phần Thủy tổ người Việt? (15h: 10-09-2014)
 Hang Đồng Trương có phải là nơi cư ngự đầu tiên của Việt Thuỷ Tổ (16h: 21-08-2014)