Nguồn tư liệu rút trích từ: “Hà Tĩnh – Đất văn vật Hồng Lam” – XNB Trẻ
Tác giả: Thái Kim Đỉnh
Nguồn ảnh: baohatinh.vn
***
Rú Dầu nằm giữa hai xã Đức Đồng, Đức Lạc, cách bờ nam sông Ngàn Sâu khoảng 1km theo đường chim bay. Dưới chân núi có con suối chảy ra sông nay đã bị lấp, gọi là Hói Cạn – Hạc Giang. Tháng 5/1974, đoàn nghiên cứu khảo cổ học của khoa Sử, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội đã phát hiện Xưởng chế tác đá của người nguyên thủy ở Rú Dầu (có niên đại khoảng trên 4000 năm TCN).
Trên sườn núi người ta nhặt được rất nhiều chiếc rìu mới đẽo – những phác vật rìu. Ở Đây người nguyên thủy không dùng, hay không biết dùng kỹ thuật cưa đá. Nhưng kỹ thuật ghè đẽo đá rất thành thạo. Cạnh các phác vật rìu có vô số những mảnh tước tách ra khi ghè đẽo, cạnh đấy cũng tìm thấy một ít rìu mài. Phác vật rìu Rú Dầu có kích thước khá lớn. Trong số phác vật nguyên vẹn, chiếc bé nhất dài 9,5cm, dày khoảng 2 – 3cm; có những chiếc dài đến 16cm, rộng 6-8cm, tương ứng với hình dạng rìu mài trong các di chỉ Đá mới ở Hà Tĩnh. Phần lớn rìu mài ở Rú Trò, Thạch Lạc… cũng làm bằng loại đá trầm tích giống như đá Rú Dầu. Có thể Rù Dầu là xưởng chế tác đá thuộc cùng văn hóa với các di chỉ trên. Tuy nhiên chưa thấy phác vật rìu có vai gằp trong các di chỉ Đá mới ở Trung Bộ.
“Xưởng chế tác” đá Rú Dầu có vài chỗ giống “xưởng” Đông Khối (Thanh Hóa) như không chế tạo đồ trang sức, không dùng kỹ thuật cưa, nhưng có rất nhiều điểm khác với văn hóa Đông Khối và Gò Ghè (Vĩnh Phú), Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Hà Bắc). “Xưởng” Rú Dầu cũng khác với các “xưởng chế tác đá” khác ở Đông Nam Á, chẳng hạn ở nam Giava. Do tính chất riêng biệt của nó, Rú Dầu là một di chỉ khảo cổ rất quan trọng đối với việc nghiên cứu thời đại Đá mới ở Việt Nam.
“Xưởng” Rú Dầu cho biết rằng thời đó đã có sự phân công lao động khá cao. Nhưng người thợ đá ở đây là những thành viên thị tộc đã phần nào được chuyên môn hóa trong sản xuất. Sự tồn tại của “xưởng” này còn cho biết quan hệ trao đổi đã phát hiện trong các bộ lạc. Trong nhiều di chỉ ở Hà Tĩnh có nhiều loại rìu được làm bằng loại đá giống đá Rú Dầu. Có thể những sản phẩm của “xưởng” Rú Dầu được chở đi khá xa và trao đổi ở nhiều nơi trong vùng. Việc vận chuyển có thể được thực hiện bằng đường bộ hay đường thủy, bằng thuyền, mảngm theo Hói Cạn ra sông Ngàn Sâu, rồi xuôi sông La, đi đến những nơi có dân cư để trao đổi.
|