Phan Lan Hoa tổng hợp các tư liệu sưu tầm.
***
Làng Vạc, một ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hiếu, thuộc địa bàn xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu từng quả quyết nơi đây chính là kinh đô của Thục An Dương Vương xưa kia. Mời tham khảo bài viết của ông Thái Doãn Hiểu: Đúp vô đây

Cổng vào khu di tích làng Vạc (tiếc thay hình hài không giống văn hóa Việt !?)
Kết quả khai quật ở làng Vạc chứng minh sự nghi vấn của ông Thái Doãn Hiểu là có cơ sở. Trên một diện tích khai quật rộng lớn 1.438m2, với dấu tích thành lũy hình tròn xoáy trôn ốc đắp bằng đất, 347 ngôi mộ cổ và 1.228 hiện vật, các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã đi đến kết luận: Di chỉ làng Vạc thể hiện một Trung tâm Văn hóa Đông Sơn ở thời kỳ đồ đồng phát triển rực rỡ nhất.

Trống đồng được đánh giá là nơi phát hiện nhiều nhất và đẹp nhất, lớn nhất cho tới hiện nay: gồm 4 chiếc trống lớn và 4 chiếc nhỏ, chiếc trống được đặt tên Đông Hiếu phát hiện ở Nghĩa Tiến, có đường kính 90cm (chiếc lớn thứ 2 có đường kính 80cm là trống Mật Sơn ở Thanh Hóa). Niên đại của trống đồng Làng Vạc vào khoảng 2100 năm TCN.
Di chỉ làng Vạc thể hiện, thời kỳ này, con người đã biết đúc các công cụ, Đồng được chọn để làm các công cụ sản xuất như rìu, đục, lưỡi cày, cuốc, xẻng, thuổng… chứng tỏ người Việt thời kỳ này đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Trong một số ngôi mộ còn tìm thấy những chiếc răng trâu. Năng suất lúa nước thời kỳ này cũng đã cao hơn trước, con người đã có của ăn của để. Những chiếc thạp và âu ở làng Vạc đều có trang trí rất đẹp.

Ở đây, đồng còn được dùng làm đồ trang sức, loại thường gặp là khuyên tai và vòng đeo tay, bao chân bao tay có lục lạc, các loại trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác tinh xảo, các loại khuôn đúc, mảnh trấu thóc. Vòng ống chân là loại lần đầu tiên được phát hiện ở Làng Vạc mà cho đến nay cũng chưa tìm được ở nơi nào khác trong cả nước.

Vũ khí gồm , rìu, dao găm cán tượng người phụ nữ, dao găm cán tượng người đàn ông bằng đồng, dao găm cán hình rắn quấn chân voi ... đặc biệt là lẫy nỏ và mũi tên đồng như trong truyền thuyết nỏ thần mô tả là thứ vũ khí mà cho đến nay làng Vạc là nơi duy nhất phát hiện.

Suy nghĩ cá nhân: Lý do tôi phản biện bài viết của ông Bùi Xuân Đính thì tôi đã nói rõ trong bài viết đó. Và ông Bùi Xuân Đính cũng có bài trả lời cho tôi. Nhưng bởi vì trong bài, ông Đính không nhận đó là ý kiến cá nhân ông mà chỉ là bài tổng thuật (cho dù tôi vẫn nhận ra những đoạn nội dung thuộc quan điểm của ông Đính), nên tôi không tiếp tục tranh luận, mà tìm cách phơi bày lên các trang mạng những nội dung và hình ảnh chi tiết, cụ thể các kết quả khảo cổ để chứng minh, Viện Khảo cổ học Việt Nam cố tình ỉm đi những thông tin đáng giá nhất, quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc Việt, mà theo tôi nghi vấn thì có thể nếu chưng ra sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt kết luận nghiên cứu trước đó của Viện? Liệu có phải thế chăng?
Chứng cớ là di chỉ thuộc nền Văn hóa Đông Sơn không nơi nào nhiều đến mức dày đặc như ở Nghệ Tĩnh. Không nơi nào thể hiện phát triển rực rỡ và lâu đời như ở Nghệ Tĩnh. Nhưng trong bài tổng thuật lại thể hiện nội dung tọa đàm có tên gọi “Tọa đàm quốc tế về Văn hóa Đông Sơn” lại thể hiện xem nhẹ vùng di chỉ này !?
==========================================================================================================