Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Nhút và niềm tin thoát Trung
 
(23h: 19-10-2014)
Nhút và niềm tin thoát Trung(Bức thư tháng mười số 3 - đăng trên Tạp chí vanhoanghean.com.vn)

Gửi anh, người con trai xứ Nhút.

Hôm nay là 20.10, chúng mình hoán đổi vai trò đàn ông đàn bà của nhau một chút để hiểu về nhau hơn anh nhỉ. Em sẽ thử đàn đúm “chén rượu cuộc cờ”, thử nói chuyện trái đất cũ kỹ từ triệu năm trước và nền khoa học hiện đại ngày nay một bận xem sao. Còn anh đảm việc chợ búa cơm nước chắc là có phần khó khăn đấy. Làm nhút thực ra cũng không phải là việc nhẹ nhàng gì cho lắm, nếu em để anh làm hết cả các công đoạn từ việc bổ, băm, nhồi, ủ… thì vất vả cho anh quá, thôi thì chúng mình vừa chung tay làm nhút vừa cùng nhau đàm luận chuyện đường lối xây dựng đất nước nhé …

 

 

 

 

BỨC THƯ THÁNG MƯỜI SỐ 3

(Đã đăng trên Tạp chí vanhoanghean.com.vn)

Gửi anh, người con trai xứ Nhút.

Hôm nay là 20.10, chúng mình hoán đổi vai trò đàn ông đàn bà của nhau một chút để hiểu về nhau hơn anh nhỉ. Em sẽ thử đàn đúm “chén rượu cuộc cờ”, thử nói chuyện trái đất cũ kỹ từ triệu năm trước và nền khoa học hiện đại ngày nay một bận xem sao. Còn anh đảm việc chợ búa cơm nước chắc là có phần khó khăn đấy. Làm nhút thực ra cũng không phải là việc nhẹ nhàng gì cho lắm, nếu em để anh làm hết cả các công đoạn từ việc bổ, băm, nhồi, ủ… thì vất vả cho anh quá, thôi thì chúng mình vừa chung tay làm nhút vừa cùng nhau đàm luận chuyện đường lối xây dựng đất nước nhé …

Mình thương à.

Mỗi ngày trên mâm cơm, nhút vẫn trắng trong thanh khiết, vẫn cố gắng giữ lấy dáng vóc mặn mòi gốc quê, nên có thể là anh đã không nhận ra sau sắc màu thuần khiết kia, nhút vì đâu ẩn chứa nỗi buồn. Em nói khí không phải, mong anh đừng giận, nhưng lý do nhút bị người đời khinh khi chính là vì giọng văn quá ư hàn lâm của anh đấy. Xứ Nghệ chúng mình vốn là đất sinh ra những ông Đồ xuất chúng về chữ nghĩa, nên khi nhút đi vào văn thơ của anh, đã trở nên ôi chua nhất trần gian, mặn mòi nhất thế giới, khiến cho ai đọc tới cũng thấy nhút kinh khủng vô cùng. Thật là oan uổng cho nhút phải không anh?

Ngày ra Hà Nội nhập học, em cũng như nhiều con em xứ Nghệ khác, thường phải hứng chịu lời diễu cợt “dân nhút” một cách có phần khinh khi của người Hà Nội. Các bạn người Nghệ khác đã lấy làm xấu hổ, thường len lét tụm nhau vào một góc và ngại lộ diện trước đám đông vì sợ bị cười là quê mùa. Riêng em thì hỏi rắn:

- Thế các bạn đã ăn nhút bao giờ chưa?

Bọn họ đều nói:

-  Chưa, nhưng qua sách báo và nghe thiên hạ đồn thì ghê lắm.

Vậy đấy mình thương. Họ chưa ăn nhút bao giờ, chỉ đọc sách báo và nghe đồn thổi mà sẵn miệng chê bai không tiếc lời. Khinh khi nhút đã đành, họ khinh khi luôn người dân quê làm ra món nhút, bất kể nơi ấy là nơi từng sinh ra nhiều nhất Việt Nam những vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; và là nơi từng xuất phát những cuộc tiến công giải phóng dân tộc. Âu cũng là thói quen của người cậy mình xuất thân phố xá ấy mà.  Khi ấy em đã không cam lòng, tự nhủ có cơ hội là sẽ lừa được người Hà Nội ăn nhút thì thôi. Rồi cơ hội “phục thù” cũng tới,  một hôm chúng em cùng nhau dạo chơi lên đồi Thanh Tước. Giữa hoang vắng núi đồi có một cây mít mọc dại. Lưng chừng thân cây có một quả mít cỡ bằng đầu người, em liền bảo với các bạn:

-  Quả mít đó đem về xào ngon lắm đấy!

Cảnh học trò ký túc xá thì lúc nào mà chả thiếu đói, nghe nói ăn được là mừng, bèn rủ nhau trảy đem về. Em hì hụi bổ, băm chế ra được hai món xào và muối chua. Học trò nghèo chẳng có thịt, chỉ mấy cái lá rau húng trồng được và vài hạt lạc rang trộn vào, nhưng đứa nào cũng khen ngon. Xét cho cùng, so với thứ rau rệu bọn họ lượm bên bờ ruộng để nấu canh, thì mít non vừa ngon hơn lại vừa có thể no bụng. Em đã chờ cho đến khi  cả đám đánh chén hết quả mít, mới làm mặt tỉnh mà nói:

  -  Bạn nào chưa biết ăn nhút bao giờ thì nay đã biết rồi đấy. Nhút là thứ các bạn vừa ăn đấy.

  Anh thấy không, sự khinh khi không hẳn vì nhút mặn, nhút chua, mà phần nhiều do ác cảm của con người ta. Nguồn cơn của sự thiếu thiện cảm về nhút lại  chính là bởi họ đã đọc được những trang viết kể nghèo kể khổ về thủa thiếu thời của anh. Cũng tại vì văn chương thuộc hàng xuất chúng, nên anh đã mô tả bữa cơm của mẹ mặn thấu trời xanh. Lối miêu tả ấy, khiến cho người đọc phải trào dâng nước mắt về một cuộc sống vô cùng nghèo hèn cơ cực mà những nhân tài xứ Nghệ phải trải qua, đồng thời cũng làm cho người ta đầy cảm phục sự vượt khó để thành danh của những ông đồ xứ Nghệ. Chỉ có nhút là ngậm ngùi một nỗi niềm, đem thân nuôi lớn những nhân tài để rồi nhận được sự dè bỉu chê bai?

  Em đồng ý là lỗi ấy anh không cố ý, chỉ là tại cái sự văn hay chữ tốt quá mà thôi; em cũng đồng ý rằng xứ Nghệ từng có những vại nhút vừa mặn vừa khú, nhưng không phải là tất cả nhút xứ Nghệ đều mặn và khú phải không anh? Đâu đó ở góc quê vẫn có những đĩa nhút trộn với rau húng, thịt luộc và lạc rang, vị thơm cay thấm đẫm cả tâm hồn. Có thể do anh không đi chợ không biết rằng khi bấy giờ, ngay giữa lòng thủ đô, chợ Đồng Xuân cũng bán đầy rẫy loại cà muối trường, dưa cải muối trường mặn chát như nhút vậy thôi. Suy cho cùng, cũng chỉ là một món dưa chua, cũng hai kiểu muối trường, muối xổi ấy cả thôi. Khác chăng với các loại dưa chua khác của Việt Nam chỉ là khâu sử dụng nguyên liệu, không phải cà, không phải cải bẹ, mà là mít non. Mít lại là một giống quả ngon lành phổ biến ở Việt Nam, không phải thứ gì bẩn thỉu hay độc hại ghê gớm, sao nhút phải chịu lời cay nghiệt thị phi?

  Mình Thương à. Nếu chỉ vì một tiếng chê bai mà lấy làm xấu hổ tự ti, lâu dần xứ Nghệ có thể mất đi hương vị đậm đà của nhút trong dòng lịch sử, mất thêm một chút riêng tư khác người của miền nắng gió chúng mình!

  Tất nhiên, em không phải là hạng người bảo thủ, mà là người có tinh thần cầu tiến. Sau ngày lừa được bạn khác xứ chịu ăn nhút, em đã không lấy làm đắc thắng, mà nghĩ ngay đến việc cần phải khắc phục nhược điểm của nhút, phải làm cho nhút trắng hơn, mềm hơn, nhạt hơn… và phải mời được người tứ xứ ăn nhút xứ Nghệ. Em muốn nhút của quê hương chúng mình được hoà nhập một cách bình đẳng với “cộng đồng” dưa muối trên toàn thế giới. Xét cho cùng, chuyện cải tiến công thức một món ăn cũng là điều bình thường thôi, không có gì ghê gớm cả. Người Hàn Quốc cũng đã mất gần 3000 ngàn năm cải thiện, để có được món kim chi nổi tiếng như bây giờ; món bánh mochi của người Nhật cũng thế, từ sơ khai ban đầu chỉ là những miếng bột nướng, họ đã sửa đổi dần từng chút để mochi được trở thành món bánh với nhiều hình thù rực rỡ sắc màu hôm nay. Họ khác chúng ta chỉ một điểm duy nhất đó là chí tiến thủ, họ bình tĩnh chấp nhận cả sự hay và dở của một dân tộc để khắc phục đi lên. Vậy thì chúng ta không có lý do gì để bảo thủ rằng phải mặn mới gọi là nhút, phải không anh?

  Nếu em nói điều này sớm từ 5 đến 10 năm trước, chắc sẽ khó thuyết phục được anh. Nhưng đến nay thì em tự tin để nói. Điều em làm cho nhút  tuy chưa được nhiều nhặn lắm, nhưng em nghĩ bước đầu em đã thành công. Em không chỉ mời được  người Hà Nội ăn nhút không thôi, mà còn mời được cả nhiều người bạn xứ khác, thậm chí em đã từng đem nhút mời thầy Jeft, một thầy giáo dạy Anh văn người Mỹ ăn nhút quê mình rồi đấy. Đặc biệt có một đầu bếp Việt Kiều nhận định  rằng, nếu duy trì được nhút có mặt trên thị trường thường xuyên, thì việc dọn nhút trên mâm cỗ sang trọng hơn các món dưa muối khác vì có màu trắng thanh khiết.

  Mình thương.

  Em nói ra bây giờ không phải để trách cứ mình đâu, mà chỉ là nhân chuyện nhút để bàn về nhân tình thế thái, bàn về ý thức thoát Trung của người Việt Nam hôm nay. Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta hãy bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm những gì ông cha để lại. Khắc phục yếu điểm để gìn giữ, duy trì và phát triển bản sắc truyền thống là nghĩa vụ của con cháu chúng ta hôm nay. Mới rồi em cũng có đọc bài viết của ông Nguyễn Ái Việt nói về “Mục đích” và “mục tiêu”, em mạn phép xin bàn luận như sau:

  -  Em sẽ lấy một ví dụ trước ngày hội bắn chẳng hạn, một xạ thủ đưa ra một quyết tâm, phải bắn trúng cả 3 vòng mười. Điều đáng chú ý là cách diễn tả trong tiếng Việt, sự kiện bắn trúng vòng mười thì chúng mình thường gọi là “bắn trúng mục tiêu”, chứ chả ai gọi đó là “bắn trúng mục đích” cả; nhưng sự quyết tâm bắn trúng cả 3 vòng mười để dành chiến thắng, chúng mình lại chẳng ai nói hay viết rằng “Bắn trúng vòng mười với mục tiêu là dành chiến thắng” cả, mà phải diễn đạt là “Bắn trúng vòng mười với mục đích là dành chiến thắng”? Như vậy, “mục đích” và “mục tiêu” rõ ràng là được người Việt sử dụng trong các trường hợp khác nhau đấy chứ phải không anh?

  Cá nhân em có nhận xét rằng, trong mỗi một bộ từ điển, bất kỳ là từ điển tiếng Việt, hay tiếng Anh – Nga – Hoa – Pháp - vv… đều sẽ gặp các trường hợp giống nhau: một từ có nhiều nghĩa; nhiều từ có cùng một nghĩa; hoặc phát âm từa tựa như nhau nhưng cách viết thì khác. Xin anh đừng quy kết chủ quan, cho rằng bộ từ điển này chuẩn hơn bộ kia? Tiếng Anh phổ biến chưa hẳn vì tiếng Anh chuẩn hơn các thứ tiếng khác, mà sở dĩ tiếng Anh phổ biến hơn các thứ tiếng khác, cơ bản bởi vì nó là thứ tiếng của hai đế chế hoàng kim nhất trong khoảng năm thế kỷ gần đây (Anh và Mỹ) mà thôi.

  Ông Nguyễn Ái Việt cho rằng “Người Việt không có từ để phân biệt xanh lá cây và xanh da trời”, thì tiếng Anh: green & blue cũng chưa hẳn là xanh lá cây và xanh da trời?  Còn với công nghệ pha màu bằng vi tính hiện nay thì green hay blue đều có ngót nghét cả trăm tông khác nhau từ nhạt (light) đến đậm (dark). Cho dù dùng từ light green/ blue hay dark green/ blue vẫn chỉ là xanh đậm hay xanh nhạt chung chung chứ chưa miêu tả được chính xác cụ thể là đậm nhạt cỡ nào. Nhưng nếu dùng theo kiểu tiếng Việt: xanh cốm, xanh da trời, xanh nước biển, xanh nõn chuối thì lập tức hình dung được ngay; em đánh đố ông Nguyễn Ái Việt dùng các từ chỉ màu sắc của tiếng Anh mà miêu tả được một cách chính xác các màu: tiết dê, mắm tôm, mõm chó, cứt ngựa đấy?

  Hoặc tỉ như cách xưng hô trong tiếng Anh, chỉ mỗi từ “” cho ngôi thứ nhất và mỗi  “You” cho tất cả các ngôi thứ hai. Ai cho đó là hay ho thì cho, còn em, em  thấy rằng bất tiện. Chí ít, “I & You” không thổ lộ nổi như mong muốn các lớp tình cảm yêu thương, kính trên nhường dưới theo tập quán của người Việt nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung ?

Đừng khinh dưa nhút tương cà  

Tuy không lịch sự nhưng mà sạch trong.

  Cách gọi màu của người Việt Nam tuy dân dã, nhưng em cho là chính xác anh à. Em đồng ý với ông Việt là cần phải chỉnh đốn lại tiếng Việt. Nhưng trước khi chỉnh đốn, cần phải có một cái nhìn công tâm về ngôn ngữ dân tộc từ mọi góc độ. Hay nói một cách trắng phớ là cần chỉnh đốn ý thức tôn trọng tiếng Việt của các nhà ngôn ngữ Việt Nam trước đã. Đừng vì nước chúng mình nghèo mà cho rằng cái gì cũng lạc hậu, kể cả ngôn ngữ? Chỉnh đốn phải đặt yếu tố hồn cốt dân tộc lên hàng đầu. Có thể hôm nay đất nước họ giàu sang, hiện đại hơn Ta, nhưng như thế , chúng mình cũng chỉ nên học tập họ ở đường lối chính sách điều hành quốc gia. Còn văn hóa, ngôn ngữ là bản sắc riêng, phải bảo tồn gốc rễ mới hòng có dáng đứng tươi xanh Việt Nam trong tầm thế giới! Khách du lịch đến Việt Nam sẽ không vì Việt Nam thay được màu da vàng thành da trắng, mà sẽ vì Việt Nam có bản sắc riêng khác với họ.

  Ông Việt cho rằng: “Chỉnh đốn tiếng Việt là một sự nghiệp kỳ vĩ vì nó thay đổi tính cách của một dân tộc, vốn không ưu những điều kỳ vĩ”? Em không biết ông ấy quan niệm thế nào về hai từ “kỳ vĩ”? Còn em thì em thấy rằng, những bức họa và các ký tự trên vách đá ở hang Rú Bò (Anh Sơn, Nghệ An) chứng tỏ người Việt chúng mình đã có chữ viết từ 5000 năm trước là sự kỳ vĩ; Những nét hoa văn vẽ hình con thuyền cong điệu đà và ngôi nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn cũng vậy, là sự kỳ vĩ về nghệ thuật thẫm mỹ của người Việt; và cả những di sản văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể của Việt Nam nữa, cũng là sự kỳ vĩ. Nếu vịnh Hạ Long, hang Thiên Đường chứng tỏ Thiên nhiên Việt Nam kỳ vĩ; thì những cánh đồng bậc thang ở Mù Căng Chải khiến du khách ngỡ ngàng, là chứng tích kỳ vĩ được tạo tác từ đôi bàn tay lao động của người nông dân Việt Nam…

  Năm 2014, Việt Nam vừa được xếp thứ nhì trong top các điểm đến hạnh phúc. Anh không thấy đó là một minh chứng chúng ta có nền tảng của văn minh, văn hóa ư ? Có thể sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo đất nước có chút sai lầm trong đường lối giáo dục, đã để cho mấy thập kỷ liền con người Việt Nam sống quá vô tư, thiếu dần ý thức rèn luyện về hành vi văn hóa, nên phần nào nhãng quên đi nghĩa vụ của một công dân sống trong một quốc gia là phải góp phần tôn vinh văn minh, văn hóa dân tộc mình. Tật xấu của người Việt bị liệt kê hôm nay chỉ là lỗi trực diện từ phương pháp giáo dục không đúng của hôm nay. Đó không phải là lỗi hệ thống của một nền văn hóa truyền thống từ trong lịch sử.

  Anh và em, chúng ta khác nhau ở chỗ, góc nhìn của em bắt đầu từ vi mô; còn góc nhìn của anh thì ở chiều ngược lại, bắt đầu từ vĩ mô. Giá trị tầm nhìn của anh là bao quát, đường lối; giá trị tầm nhìn của em là tỉ mỉ, cẩn trọng, tránh thiếu sót. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần biết rõ giá trị của một hạt cát thì mới tính được chính xác sự hợp lực của một triệu hạt cát tạo nên sức mạnh nào; biết một tia nắng mặt trời chứa bao nhiêu năng lượng để tính được cả một ngày nắng sẽ gây nên những gì cho cuộc sống muôn loài.

  Nhút với thiên hạ chỉ là một món dưa chua, nhưng với người Nghệ là phong vị. Anh thấy không, xứ Nghệ có nhiều món ngon đấy chứ, nào cháo lươn, nào canh gà, thậm chí miến lươn Nghệ An còn được xếp top món ngon châu Á… cớ sao người tứ xứ không gọi chúng mình là “dân miến lươn”, “dân canh gà” mà lại gọi là “dân nhút”? đơn giản là vì nhút chỉ có ở xứ Nghệ, nghe đến nhút người ta nghĩ đến xứ Nghệ, cũng như nhắc đến kim chi, người đời sẽ nghĩ đến phong vị nước Hàn. Dù hôm nay, những người đàn bà xứ Nghệ chúng em chưa làm cho nhút nổi tiếng được như kim chi xứ Hàn. Nhưng nhút đã trải hơn ba thế kỷ thăng trầm để đi vào dấu ấn xứ Nghệ. Trong hơn ba thế kỷ thăng trầm ấy, Quang Trung từng lấy Nghệ Tĩnh làm nơi xuất phát đánh tan 20 vạn quân Thanh; Và cuộc cách mạng của thế hệ anh chẳng phải cũng khởi đầu từ cao trào xô viết Nghệ Tĩnh hay sao? Biết bao nhiêu đồng chí của anh đã nương nhờ vào vị mặn của nhút để tồn tại qua cuộc chiến tranh tàn khốc. Vậy thì những người con của mảnh đất xứ Nghệ chúng mình đâu được phép chối từ hương vị mặn mòi của nhút. Từ góc nhìn vi mô, em mong anh đừng coi thường sự góp mặt nhỏ nhoi của nhút, đừng xem nhẹ vi mô. Có sự động viên từ phía anh, đàn bà xứ Nghệ chúng em sẽ hết sức cố gắng, và biết đâu có một ngày chúng em sẽ đưa được nhút vào tầm nhìn chiến lược của anh trong tương lai...

  Mình thương.

  Có lần em nằm mơ thấy giấc mơ kỳ lạ. Một con bướm ngũ sắc bay vào giấc mơ và bảo với em rằng: “- Họ Hồ không phải người phương Bắc đâu, là hậu duệ của Động Đình Quân đấy!”.  Em hỏi lại con bướm rằng “Động Đình chẳng phải thuộc đất Trung Hoa sao?”. Con bướm lại nói: “ - Không phải đâu, xứ Động Đình về sau gọi là Cửu Chân, nhưng vẫn còn ngọn núi tên là Động Đình, mộ hai vị vua họ Hồ ở tại nơi này, chứ không phải ở phương Bắc…” Các nhà khoa học thì giải thích giấc mơ chỉ là sự gặp lại điều trước đó mình đã gặp. Vậy mà giấc mơ của em là điều kỳ lạ, người dân Việt Nam chưa ai dám nghĩ tới bao giờ, không hiểu sao em lại tin tưởng điều trong giấc mơ là có thực!

  Xét cho cùng các nhà khoa học cũng đâu đã giải thích được một cách hoàn toàn thuyết phục các hiện tượng tâm linh để mọi người cùng nhất tâm  tin tưởng? Vậy thì cũng xin đừng vội vàng phỉ báng những hiện tượng. Em từng rất tích cực chống mê tín dị đoan, viết nhiều bài viết về lễ nghi phong tục Việt Thường để hy vọng nhân dân thoát khỏi sự u mê, lừa phỉnh của các trò cúng đơm bói toán. Nhưng em muốn nói với các nhà khoa học rằng, chính các ông cũng đang mỗi ngày chắp tay vái lạy trước bàn thờ gia tiên, vậy thì ít nhiều có mê tín mà các ông không chịu thừa nhận đó thôi. Nhìn từ góc độ đạo lý, tâm linh ở một mức độ nào đó đóng vai trò lớn trong việc níu giữ nền tảng văn hóa truyền thống, làm nổi bản sắc riêng của từng dân tộc. Khi con người tin là có tâm linh, người ta sẽ chùn tay trước những hành động độc ác. Duy tâm và duy vật cần phải hiểu thấu đáo về giá trị của nhau mới hòng cân bằng xã hội.

  Gần đây, người dân Việt Nam thường bày tỏ ước mong làm thế nào để “thoát Trung”? Hơn ai hết anh hiểu rất rõ vì cớ làm sao dân chúng lại mang nỗi niềm kỳ lạ ấy?

  Em đành mạo phạm lần nữa mà nói rằng lỗi này cũng do anh. Nước Việt Nam ngày nay có 54 dân tộc, chứ không chỉ có mỗi một dân tộc Việt. Nếu như Bách Việt bị phương Bắc thôn tính quá nhiều, thì cũng còn nhiều tộc người khác của Quốc gia Việt Nam mang bản sắc riêng, khác biệt với phương Bắc cơ mà. Tôn vinh văn hóa của cả 54 dân tộc không chỉ làm cho văn hóa Việt Nam sôi động đa sắc màu, nổi bật trên nền văn hóa thế giới, mà còn góp phần đoàn kết các dân tộc anh em trong nước. Giá trị to lớn thế, sao anh chỉ mới tôn vinh mỗi một lăng mộ vua Hùng thứ VI? Trong khi dân chúng thì ngày đêm kêu ca phàn nàn rằng, chúng ta chẳng có gì riêng thì thoát Trung làm sao ?!

  Mình thương ơi.

  Gần đây em có đọc hàng loạt bài viết tranh cãi về nguồn gốc người Việt. Em có nhận xét rằng các nhà nghiên cứu đang bị nhầm lẫn giữa khái niệm tổ tiên loài người và tổ tiên người Việt. Chủng người Mongoloid đâu chỉ là tổ tiên riêng của người Bách Việt, mà là tổ tiên chung của nhiều dân tộc châu Á khác anh à. Đồng thời Việt Nam ngày nay cũng không phải là của riêng người Lạc Việt khi xưa. Vậy nên chăng, anh hãy giúp các nhà nghiên cứu xác định giới hạn tổ tiên người Việt bắt đầu từ đâu? Theo em, sự khởi nguồn nên 3 dòng văn hoá nổi tiếng của Việt Nam ở thời kỳ sơ sử (Lạc Việt, Sa Huynh và Đồng Nai) mới là tổ tiên trực diện của người Việt Nam hôm nay.

  Vậy xứ Nghệ chúng mình có ý nghĩa gì trong công cuộc đi tìm cội nguồn tổ tiên của người Việt Nam, anh biết không?

  Không chỉ những dòng ghi chép của lịch sử, mà các di chỉ khảo cổ khai quật được trên quê hương Nghệ Tĩnh chứng minh rằng, hai trên ba tộc người nổi tiếng nhất Việt Nam là Lạc Việt và Chăm Pa có xuất xứ từ nơi này. Nếu ở đèo Ngang, các nhà khảo cổ tìm thấy hang núi với xương cốt và những đồ dùng được cho là nơi cư ngụ của tổ tiên người Chăm Pa; thì hang Đồng Trương, hang Rú Bò ở Anh Sơn lại thể hiện một cuộc sống liên tục từ thời tiền sử, xuyên qua thời kỳ sơ sử (± 14.000 năm cách ngày nay). Đặc biệt, di cốt và di chỉ tìm thấy thuộc nên văn hoá Đông Sơn chồng lên văn hoá Hoà Bình ở hang Đồng Trương chứng minh rõ nét nhất nơi đây chính là hang hốc đẻ ra tổ tiên tộc người Lạc Việt!

  Chúng mình hãy cùng về thăm hang Đồng Trương đi anh, về nơi ngôi nhà và những mộ phần tổ tiên người Việt để mà thắp lên một nén hương tạ lễ. Về mà chạm tay mình vào mặt trống đồng Đông Sơn nơi làng Vạc để nghe âm thanh vọng về của năm ngàn năm đất Việt Thường mở cõi. Anh sẽ nhìn thấy thành trì hình tròn xoáy trôn ốc, những  lẫy nỏ, tên đồng, của thời khai quốc dựng nước; và những nét hoa văn tinh xảo của ông cha vẫn tồn tại nguyên hình hài theo thời gian, anh sẽ biết ngay chúng mình đang có hàng triệu những di sản quý giá để chứng minh cho nền văn minh văn hóa gốc rễ Việt Nam.

  Ừ thì em vốn chỉ nói được điều nhỏ nhặt, vi mô. Dù hôm nay trong thư phòng đầy sách vở hàn lâm của anh, vẫn không ngoài tầm nhìn vi mô ấy. Em muốn thưa rằng, chỉ cần anh làm sống lại hình ảnh nhà nước Việt Thường Thị của thủa sơ khai ở nơi quê mình. Tự tin khoe ra với du khách chiếc trống đồng ±5000 năm có đường kính 90cm với những hoa văn tinh xảo, cái mũi thuyền cong cong điệu đà, cái nhà sàn xinh xắn; khoe cái chõ đồ xôi của mấy ngàn năm lúa nước. Khoe những dấu tích hòa Bình, Đông sơn, những xưởng chế tác đá, lò đúc đồng, lò luyện sắt; Khoe cái giường đá, bộ bàn ghế đá, cái lục lạc đeo chân bằng đồng và cả đống tro tàn của tổ tiên chúng ta trước hang Rú Bò… chỉ cần vậy thôi, con cháu người Việt và cả bạn bè năm châu sẽ lập tức tin ngay Việt Nam là một trong những dân tộc có nền văn hóa cổ đại nhất nhì thế giới!

  Hãy nhìn diện mạo quê hương một cách toàn diện đi anh, mộ phần Việt Thủy Tổ vẫn còn kia nguyên hình hài xương cốt ở hang Đồng Trương, sao chúng ta không triệu tập con cháu về bàn chuyện góp tiền xây lăng để thờ phụng cho tròn đạo nghĩa? Nay anh mới chỉ chủ trương chi tiền xây lăng tẩm cho thế hệ của mình thôi thì liệu đã vẹn tròn đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” chưa? Anh và em đều biết rõ, không có một nhà nước Việt Thường Thị thủa sơ khai, thì làm gì có Việt Nam hôm nay. Từ đời Nguyễn đổ về xưa, tập tục của người Việt là sống thì mừng ngày sinh, thác thì nhớ thương ngày giỗ, nay ở thế hệ anh cầm quyền, lại những đem tiền thuế của nhân dân tổ chức linh đình cả ngày sinh cho người đã khuất, làm như vậy liệu đã đúng với thuần phong mỹ tục chưa? Rồi nhỡ mai kia, lâu dần thành tập tục, ngàn năm sau liệu cháu con có nghèo vì tiệc tùng không? Em mong anh suy xét lại!

  Người đứng trên muôn dân khi thác rồi thành bụt, hay thành ma còn tùy ở lòng dân xây dựng hình tượng cho mình là ma hay là bụt. Việc tâm linh ấy không do lăng cao mộ dài, mà do đức độ của người quân tử. Anh thử đi viếng lễ chùa mà nghe, trong lời nguyện, dân chúng đương xếp Hoàng thiên Hậu thổ cao nhất, rồi đến Đại thánh Hưng Đạo Đại Vương. Anh thấy không, trong đám chúng dân sì sụp khấn cầu kia, nào mấy ai đã biết lăng mộ của Trần Hưng Đạo lớn nhỏ ra sao, có ai nhìn thấy tờ quyết định nào phong ông là Đại Thánh? Vậy mà Trần Hưng Đạo đang là Đại Thánh bậc nhất trong lòng dân suốt mấy trăm năm nay đấy anh à. Em tin rồi nay mai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người vĩ đại, tài, đức, phúc, thọ đủ đầy ắt sẽ hóa bụt trong lòng dân sớm thôi.

  Mình thương.

  Nhút thì em đã muối chín thơm ngon rồi. 24 giờ của ngày 20.10 năm nay, em chỉ nhờ anh một việc nhỏ thôi. Anh hãy chia đôi số nhút, một phần anh dọn lên một cái đĩa gốm sứt mẻ cổ xưa và để nó lên cái mươn của mẹ ở phía sau chái bếp; phần nhút còn lại, anh dọn lên một chiếc đĩa mạ nhũ vàng lóng lánh, điểm hoa lá trang trí và dọn lên bàn tiệc sang trọng. Dọn xong rồi anh hãy nhìn lại và tự đánh giá xem hồn phách của nhút khi ở hai vị trí đó khác nhau điều gì? Liệu có phải chăng chỉ vì chúng ta bảo thủ về cái áo khoác không chịu đổi thay mà khiến cho nhút bị người tứ xứ khinh khi? Em hy vọng anh sớm thoả  mãn được lòng dân, tìm được đường lối “thoát Trung” từ công việc trình bày món nhút. Phần em, em nghĩ rằng, chỉ khi thoát được cái bóng to lớn của nước láng giềng kia, lòng dân mới nhất tề theo anh, vững niềm tin xây dựng một Việt Nam hùng cường.

  Kính chúc anh thành công trong sự nghiệp cai quản điều hành đất nước hôm nay, Mình Thương!

Xứ Nghệ, ngày 20.10.2014

Người em xứ Nhút – Phan Lan Hoa

 

 

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Có một "Miền khát vọng" (01h: 01-12-2012)
 Người đẹp và nhành Phong Lan dưới mưa (16h: 15-12-2012)
 Bức thư tháng mười (2) (00h: 21-10-2012)
 Em xin làm lẽ Nguyễn Công Trứ (16h: 07-05-2012)
 Câu chuyện đấu tranh dành quyền bình đẳng của vung và nồi (23h: 20-10-2011)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ 2: Chợ Cầu trên bến dưới thuyền (13h: 24-03-2012)
 Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa (17h: 13-07-2010)
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)
 Ví dặm ơi sâu lắng chút mồ (15h: 22-03-2011)
 Công thức làm bếp trong lời ru của mẹ - Bài và ảnh của Phlanhoa (14h: 03-08-2010)