
Các giả thiết khảo luận của Phan Lan Hoa về : NHÀ NƯỚC VIỆT THƯỜNG THỊ VÀ VAI TRÒ NGHỆ AN TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Ảnh Trần Nhân Tông sưu tầm Internet
***
Phụ lục 1: Trúc Lâm là một loại hình tôn giáo bản quyền riêng của Việt Nam, không thuộc sở hữu của Phật giáo.
NHÀ NƯỚC VIỆT THƯỜNG THỊ
VÀ VAI TRÒ NGHỆ AN TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT NAM
***
Phụ lục 1:
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một loại hình tôn giáo bản quyền riêng của Việt Nam, không thuộc sở hữu của Phật giáo.
***
Trước khi tiếp tục chương II, tôi cần có một phụ lục thảo luận về vấn đề tôn giáo chính thống ở Việt Nam, bởi nó sẽ dính líu đến hậu câu chuyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử ở thời vua Hùng. Tôi đã từng có lần nói về sự nghi ngờ của tôi về tư tưởng truyền đạo của Giáo phái Trúc Lâm. Nay, sau một thời gian nghiên cứu xin được mạnh dạn làm rõ như sau:
Tôi sẽ bắt đầu từ vị sư tổ Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông, làm một cuộc hành trình ngược thời gian:
- Tiền bối của Trần Nhân Tông là quốc sư Đạo Viên. Vị này được nhà Trần vời làm Quốc sư trong triều;
- Đạo Viên thiền sư là đệ tử của Hiện Quang thiền sư;
- Hiện Quang (現光, ? – 1221), tên tục là Lê Thuần, sinh trưởng ở kinh đô Thăng Long, là một đệ tử thuộc đời thứ 14 phái thiền Vô Ngôn Thông, đạt đạo tại chùa Uyên Trừng (Nghệ An). Sau già yếu lui về Yên Tử, được cho là vị khai sơn chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Đồng thời là vị tổ khai sơn phái thiền Trúc Lâm Yên Tử .
- Vô Ngôn Thông là đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải (720-814), là một thiền sư danh tiếng nhất đời nhà Đường, nối pháp Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Tư tưởng của Vô Ngôn Thông là:
一切諸法皆從心生
心無所生法無所住
若達心地所住無礙
非遇上根慎勿輕許
Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh
Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.
(Tất cả các pháp (phép) đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh, pháp không chỗ trụ
Nếu đạt chân tâm chỗ trụ không ngại
Không gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.)
Rõ ràng là triết lý của Đạo giáo. Như vậy, trước tiên cần xác định tư tưởng của Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng bởi sự dạy dỗ của một vị thiền sư thuộc phái Đạo giáo, hiệu là Đạo Viên.
Tuy nhiên, Giáo phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập không hoàn toàn là chuyên môn của Đạo giáo. Sẽ ngược về thời hậu Lý để xem thử thời kỳ này nước ta có những dòng đạo nào?
Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc. Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành bắt được được một số tù nhân đem về kinh thành Thăng Long làm nô dịch. Về sau phát hiện trong số nô dịch có một thiền sư. Vua Lý Thánh Tông vốn là người sùng đạo, bèn cho vời lên để đàm đạo. Thấy vị thiền sư đến từ nước Chiêm Thành tinh thông kinh điển, lại đức độ, thiền học có những nét mới lạ so với hai thiền phái đương thời là Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông, bèn phong làm Quốc sư (1069) và bổ nhiệm làm sư trụ trì chùa Khai Quốc. Thiền phái Thảo Đường được lập thành từ đó. Như vậy có thể coi Lý Thánh Tông là người chủ trương sáng lập ra Thiền phái Thảo Đường. Đồng thời đây có lẽ cũng là lý do khi khai quật kinh thành Thăng Long, mang khá nhiều dấu ấn văn hóa Chăm. Sau này đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, do thường xuyên qua lại đất Hà Tĩnh, Lý Thánh Tông đã cho xây chùa Bụt Đà ở đây để tiện việc tu hành, hiệu của ông là Lý Đạo Thành. Tên hiệu chứng tỏ tư tưởng lấy Đạo giáo làm trọng.
Khuynh hướng tư tưởng của Thảo Đường là trí thức và thi ca, lấy Đức kinh nhân học làm thiền học (Hữu thường), nên cư sĩ không nhất thiết phải tu trong chùa và vẫn được phép xây dựng gia đình và hành đạo tại gia. Bằng chứng là trong số 19 vị thiền sư của Thảo Ðường được ghi chép ở sách Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy có tới 9 vị không xuất gia, trong đó 6 vị là vua quan trong triều: (vua Lý Thánh Tông, vua Lý Anh Tông và vua Lý Cao Tông, quan tham chính Ngô Ích, quan thái phó Ðỗ Vũ, quan quản giáp Nguyễn Thức). Do trí tuệ uyên bác, nên học thuyết của Thảo Đường không chỉ thu hút được giới trí thức hưởng ứng mạnh mẽ, mà còn gây ảnh hưởng đến tư tưởng của hai giáo phái còn lại là Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông. Nhưng cũng vì giáo học của phái này lựa chọn bác học nhân học, nên không phù hợp để phát triển lực lượng đạo sĩ rộng rãi được nhiều tới tầng lớp quần chúng lao động. Đổi lại, thuyết học của phái Thảo Đường là nền tảng của ngành giáo dục học, là tinh hoa của Nho giáo Việt Nam.
Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Phật giáo) có nguồn gốc từ Ấn Độ, tư tưởng giáo học theo khuynh hướng Vô thường, mục đích tu hành là để thoát khổ. Tổ chức tu hành tuy chặt chẽ, nhưng tư tưởng giáo học đầy rẫy bị ảo mộng, mê tín. Chức danh của Phật giáo cao nhất là Phật, rồi tới Quán âm, tăng sư, tất cả đều trai giới, không thâu nạp nữ giới, kể cả Bồ Tát cũng là nam giới giả gái. Đệ tử của Phật giáo phải ăn chay trường và không được lập gia đình. Chùa của Phật giáo thường có tháp xá lị 7 tầng, trong tháp thờ ngọc xá lị là những viên xương sót lại sau hỏa thiêu thi hài Phật Thích Ca.
Còn Vô Ngôn Thông, tức một kiểu tu hành không để lại lý thuyết, mục đích tu hành là rèn luyện khả năng phi phàm của con người trong vũ trụ. Đạo sĩ thường tu hành đơn chiếc, dựng am trong rừng thẳm, ẩn dật trong hang núi, nơi được cho là năng lượng vũ trụ phát tán cao. Do không có ghi chép về mặt lý thuyết, nên pháp thuật của Vô Ngôn Thông mãi là bí ẩn không lời giải. Pháp thuật phù thủy được cho là có xuất xứ từ dòng đạo này. Theo sử liệu ghi chép thì Vô Ngôn Thông có nguồn gốc từ Đạo Lão, thời nhà Chu. Tuy nhiên căn cứ vào câu chuyện Bụt Quang truyền đạo cho Chử Đồng Tử ở núi Quỳnh Viên, thì lại thể hiện dòng đạo này có nguồn gốc từ dân tộc Chăm Pa của Việt Nam?
Sử liệu Nghệ Tĩnh cho thấy vào cuối đời hậu Lý, đầu đời Trần, thường xảy ra những cuộc tranh tài gay cấn giữa ba giáo phái. Tỳ-ni-đa-lưu-chi yếu thế nhất, gần như không đậu lại được trên đất Hồng Lam, trong khi phái Thảo Đường của Lý Thánh Tông lại chiếm ưu thế.
Đến đời nhà Trần, Quốc sư trong Triều là Đạo Viên, nên có thể suy ra nền tảng giáo dục cơ bản là Đạo giáo. Bài khấn cổ còn lưu lại ở chùa Hương Tích Hà Tĩnh:
Càn Đà La
Lý Thánh Tông
Trần Nhân Tông
Nhị tồ Pháp loa
Tam tổ Huyền Quang
Càn Đà La nghĩa là vũ trụ không gian. Sau Càn Đà La là Lý Thánh Tông, chứng tỏ nhà Trần chú trọng tiếp nối Đạo học của phái Thảo Đường đời Lý và rõ ràng là không có Thích Ca Mâu Ni trong bài khấn?
Ngoài chứng cứ Đạo Viên là quốc sư triều Trần, thì việc phong hiệu thụy cho Trần Quốc Tuấn là Hưng Đạo Đại Vương, cũng chứng tỏ Đạo giáo là Quốc đạo triều Trần.
Tuy nhiên theo sử liệu về Trúc Lâm để lại, thì sau khi lên Yên Tử, Trần Nhân Tông xét thấy giáo học của cả ba giáo phái ở Việt Nam đều có những mặt mạnh yếu riêng, nên có gia nhập chọn lọc một phần lý thuyết ưu việt của cả Tam giáo làm nền tảng cho Trúc Lâm giáo học. Do đó mà ba vị tổ sư của phái Trúc Lâm cũng được hỏa thiêu và lưu lại ngọc xá lị như Phật giáo. Dù vậy, xét về căn bản, tư tưởng của Trúc Lâm giáo phái vẫn là Đạo - Đức giáo, tức gồm cả pháp Vô thường và pháp Hữu thường. Khác với chùa Phật giáo chỉ có thành phần trai giới; Chùa của Thảo Đường và Trúc Lâm Việt Nam thường thờ phụng theo hệ tam tài Thiên - Địa – Nhân, tôn trọng quy luật của Đạo, cân bằng âm dương ngũ hành, nên trong chùa không phân biệt trai giới, mà có mặt cả thành phần ni cô.
Như vậy có hai vấn đề cần khẳng định:
- Một là lý thuyết của Trúc Lâm là sự tích hợp Tam giáo, hay nói cách khác là Đạo Đức giáo, chứ không đơn thuần là Phật giáo. Là thứ tôn giáo học do Vua Việt biên soạn để giáo dục Dân Việt. Bản quyền chính thống của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là thứ di truyền từ Phật Thích Ca ở nước Ấn Độ như ngày nay vẫn tuyên truyền?
- Hai là Trần Nhân Tông chưa bao giờ là đệ tử dưới trướng của Thích Ca Mâu Ni? Mà Ngài là Trúc Lâm Đầu Đà của một dòng Đạo Việt Nam chính thống. Do đó tôi nghĩ Trúc Lâm Đạo giáo cần được chọn là quốc đạo của việt Nam!
Hãy lắng nghe tiếng lòng của Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông để hiểu hơn về Ông:
Cư Trần Lạc Đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
Tạm dịch:
Cư sĩ đời Trần thả căn duyên Lạc đạo
(chữ Lạc ở đây theo tôi hiểu là Lạc Việt)
Ðói thì ăn, mệt thì ngủ
Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm
Ðứng trước cảnh vật mà vô tâm thì hỏi thiền làm gì.
Tôi tôn trọng Phật giáo, nhưng cần nghiêm túc mà xem xét, tuyệt đối không được đánh sòng lộn đạo. Việc đưa những bức tượng Thích Ca vào trong các ngôi chùa thuần chất Việt Nam (ngoại trừ chùa chuyên môn của Phật giáo, loại có tháp xá lỵ), kích thước bắt buộc phải nhỏ hơn tượng Lý Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Bởi xét về cả hai khía cạnh Đạo và Đức, Vô Thường và Hữu Thường, trí tuệ hai vị vua Việt Nam đều cao cả hơn Thích Ca! Tôi mong ngành Văn hóa vào cuộc giáo dục ý thức nhân dân. Bởi tôn trọng Đạo giáo Việt Nam cũng là hành động uống nước nhớ nguồn và bảo vệ nền văn hiến dân tộc!
***
Tài liệu tham khảo:
- An Tĩnh cổ lục - Hippolyte Breton
- Việt Nam Sử lược - Trần Trọng Kim
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục triều Nguyễn
- La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn
- Đại Nam nhất thống chí - Lê Quý Đôn
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Các ghi chép về Văn hóa Hồng Lam của nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh và Ninh Viết Giao.
- Làng cổ Hà Tĩnh
- Một số chi tiết từ các bài tham luận trên baohatinh.vn và vanhoanghean.com.vn
- Các dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Bùi Dương Lịch và các tư liệu khác trong kho tàng văn hóa lịch sử Nghệ An - Hà Tĩnh
- Tư Mã Thiên sử ký và một số sử liệu cổ Trung Hoa
============================================