Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Sự tích “Cá gáy hóa rồng” ở thác Vũ Môn liên quan đến lịch sử hai lần khởi đánh quân Nguyên Mông của nhà Trần.
 
(00h: 11-01-2015)
Sự tích “Cá gáy hóa rồng” ở thác Vũ Môn liên quan đến lịch sử hai lần khởi đánh quân Nguyên Mông của nhà Trần.
Các giả thiết khảo luận của Phan Lan Hoa về "DẤU TÍCH NHÀ NƯỚC VIỆT THƯỜNG THỊ VÀ VAI TRÒ NGHỆ AN TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT NAM"
Hình cá gáy - tranh Đông Hồ
***


 DẤU TÍCH NHÀ NƯỚC VIỆT THƯỜNG THỊ

VÀ VAI TRÒ NGHỆ AN TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT NAM

***

Phụ lục II:  Sự tích “Cá gáy hóa rồng” ở thác Vũ Môn liên quan đến lịch sử hai lần khởi đánh quân Nguyên Mông của nhà Trần.

***

Đã có khá nhiều sự giải thích vì sao cá gáy được dân gian cho hóa rồng, mà các loài cá khác thì không. Hiện ở Việt Nam có hai lối giải thích khác nhau:

Sách “Thủy kinh chú” chép: “Vũ môn nguyên gọi là Long Môn (cửa trời), là hai mỏm núi đá đứng sững hai bên bờ trên một khúc sông Hoàng Hà, làm eo hẹp khúc sông lại và có hình hài như cái cửa, nước chảy xiết như thác giữ rất khó qua lại. Khi ông Hạ Vũ đi trị thủy, đã cho đục phá nới rộng thêm ra, nên đổi gọi là Vũ Môn (cửa ông Vũ). Vũ Môn là nơi là nơi sóng dữ, thác ghềnh, về tiết tháng ba, con cá chép nào vượt qua được Vũ  Môn sẽ được hóa rồng”.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” tại chương viết về Nghệ An lại chép khác đi: “ Suối Vũ Môn: ở núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Sơn. Trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 4, cá chép vượt được suối này thì hóa rồng, phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước  không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc không ai dám đến gần…”.

Tìm về với suối Vũ Môn, hương Khê, Hà Tĩnh, dân gian còn lưu câu hát:

Tháng ba cá đi ăn thề

Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn

          Hay:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn

          Lần theo câu ca, tôi đã có ý lục tìm nguyên nhân. Tại sao cả dân tộc cúng cá chép vào ngày hai ba tháng chạp, còn Hà Tĩnh thì nhân dân lại đem cá sang hát ở tháng ba, tháng tư? Sau khi lục lọi các tư liệu về văn hóa, lịch sử mà tôi có, thì tôi đi đến kết luận, sự tích “Cá gáy hóa rồng” và “Cá gỗ đi thi” đều có xuất xứ từ sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Đại Việt hai lần đánh tan quân Nguyên Mông ở đời nhà Trần!

Tôi xin được ông lại một vài mốc lịch sử các trận chiến giữa quân đội nhà Trần và quân Nguyên Mông:

          Khoảng cuối tháng 12 năm 1284, Toa Đô lúc này đang chiếm giữ ở đất Chiêm Thành, phía Nam nước Đại Việt, đã viết tấu thư gửi vua Nguyên rằng: "Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý, Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc".

Từ  tấu thư  của Toa Đô, lấy cớ mượn đường, Hốt Tất Liệt sai sứ đòi nhà Trần phải cho quân Nguyên mượn đường và cung cấp lương thảo để chinh phạt Chiêm Thành. Biết đây chỉ là kế "Mượn đường diệt Quắc", nên vua Trần từ chối.  Giặc Nguyên liền chia làm 3 đạo tiến đánh Đại Việt;

-  Đạo chủ lực do Thoát Hoan và Ariq Qaya chỉ huy từ Ninh Minh tiến vào Lộc Châu (nay là Lộc Bình, Lạng Sơn);

- Đạo thứ hai chỉ gồm hơn 1 nghìn quân Mông Cổ và Vân Nam do Nasirud Din từ Vân Nam vào Đại Việt qua vùng Tuyên Quang tiến theo sông Chảy;

- Đạo thứ ba do Toa Đô chỉ huy từ Chiêm Thành tiến vào Đại Việt.

Ngày 21 tháng 7 năm 1284, Hốt Tất Liệt phong con trai thứ 9 của mình là Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, sai Tangutai đến Chiêm Thành để truyền lệnh của hốt Tất Liệt điều đạo quân 20 vạn binh của Toa Đô đang chinh phạt ở Chiêm Thành quay sang chinh phạt Đại Việt.

Tại phía Bắc, sau 5 ngày xảy ra đại chiến, quân nhà Trần bị tổn thất nặng nề, tướng Đoàn Thai của Đại Việt bị bắt. Trần Quốc Tuấn phải thu quân về Vạn Kiếp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quân nhà Trần lúc này đã gần như tan vỡ; Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ có Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng.

Ngày 11 tháng 2, thủy quân của giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh (Hải Dương). Đại kịch chiến đã xảy ra. Tuy giết được tướng Nguyên là Nghê Nhuận, nhưng quân Trần cũng thương vong nặng nề, Trần Quốc Tuấn tâu trình với nhà vua cho lui quân để tránh thế giặc mạnh. Thấy bề tôi lo lắng, vua Trần cho khắc hai câu thơ cuối thuyền ngự:

Cối Kê việc cũ khanh nên nhớ

Hoan, Diễn vẫn còn mười vạn quân

Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây đánh Trần Hưng Đạo. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần Nhân Tông phải đích thân đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn rút lui khỏi Vạn Kiếp. Quân Nguyên từ Vạn Kiếp đi theo đường qua Vũ Ninh, Đông Ngạn. Đến sông Đuống, quân Nguyên và quân Trần giáp chiến. Trận này, quân Trần bị thiệt hại nặng, nhiều thuyền chiến bị lọt vào tay quân Nguyên.

Chủ trương sơ tán khỏi thành Thăng Long của vua Trần được ban ra. Để có thời gian chuẩn bị, vua Trần sai Đỗ Khắc Chung giả đò đưa thư cầu hòa dù biết thế nào cũng bị cự tuyệt. Ngày 17.2 quân Nguyên vào thành Thăng Long thì thành đã trở nên trống không. Giặc liền chia làm 2 mũi thủy, bộ đuổi theo quân nhà Trần tới tận Thiên Trường (Nam Định). Phát hiện quân Nguyên không đóng ở Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn đem quân trở lại Vạn Kiếp chờ cơ hội phục thù.

Đầu tháng 3 năm 1285, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra tới vùng Bố Chính (Bố Chính bấy giờ thuộc Châu Hoan Nam Giới, tỉnh Quảng Bình chưa thành lập). Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản chỉ huy quân Trần ngăn địch, nhưng thất bại, phải rút lui. Trần Kiện đem một vạn binh của nhà Trần hàng giặc tại Bố Chính. Có sự hỗ trợ của Trần Kiện, Toa Đô chia quân làm hai mũi. Một theo sự dẫn đường của Trần Kiện đi đường biển cấp tốc đánh ra Thanh Hóa vì hay tin vua Trần Nhân Tông đang ẩn náu tại châu này. Mũi do Toa Đô trực tiếp chỉ huy tiến ra Hoan, Diễn. Trần Quang Khải, lúc này là thượng tướng, thống lĩnh mười vạn quân Hoan, Diễn, đóng tại Chi La tổ chức ngăn địch, nhưng do thế giặc lúc này còn mạnh, nên phải rút lui vào núi Vũ Môn. Toán quân của Toa Đô theo Trần Kiện tiến ra Vệ Bố (Quảng Xương, Thanh Hóa) đánh úp quân Trần tại đây, tướng Đinh Xa và Nguyễn Tất Thống của nhà Trần hy sinh trong trận này. Mặt trận tại Thanh Hóa thất thủ. Vậy “Tháng ba cá đi ăn thề” chính là sự kiện quân của Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật quyết tử với Toa Đô tại Hoan Châu. Ở đây xin có một lời bình luận: Theo các nhà sử học thì tổng số quân Nguyên khoảng 30 vạn; tổng số quân nhà Trần khoảng 20 vạn. Vậy thì “Hoan Diễn vẫn còn mười vạn quân” vị chi chiếm hết một nửa rồi? Trên thực tế, chính Trần Quang Khải là người thắng trận lẫy lừng ở Chương Dương và kéo quân vào giải phóng thành Thăng Long, vị chi đấy cũng là đạo quân ở Hoan, Diễn.

Tình hình nguy biến, khiến Trần Quốc Tuấn phải bỏ Vạn Kiếp, đem quân về cứu vua Trần ở Thanh Hóa, rồi theo đường biển rút về Hải Phòng, giặc lại truy đuổi ra Hải Phòng, nhà Trần phải rời tới vùng bờ biển ở Quảng Ninh. Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến về Trường Yên (Ninh Bình), Trần Quốc Tuấn vội vàng hộ giá  vua Trần Nhân Tông vượt biển, quay lại Thanh Hóa. Từ đây, tắt rừng theo con đường thượng đạo tới Hương Khê và ẩn nấp tại núi Vũ Môn trong dãy Màn Trướng (chính là nơi có thác Vũ Môn).  Do địa hình hiểm trở, rừng núi âm u, nên khi quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi truy đuổi từ Thanh Hóa đến Hoan Châu thì mất dấu, lại gặp quân cảm tử của Trần Quang Khải đánh trả quyết liệt, nên không thể vượt qua sông Lam, đành phải cắm chốt lại tại núi Lam Thành (TP Vinh) để chờ cơ hội. Như vậy cũng giống như trước đó, cuộc chiến giữa vua Hùng với Thục Phán; rồi  cuộc chiến Việt – Chăm; và sau này là cuộc chiến tranh giữa Lê Lợi với quân Minh, sông Lam nhiều lần là ranh giới chiến tuyến. Với trận quyết chiến cùng giặc Nguyên Mông (1285-1287), quân của nhà Trần do Trần Quang Khải (và có lẽ là cả vua Trần Nhân Tông) trực tiếp chỉ huy, lấy đất Chi La (Hồng Lam) thuộc  bờ Nam sông Lam là căn cứ địa. Quân của Toa Đô đóng tại núi Lam Thành ở bờ Bắc sông Lam. Tháng 5, mùa hạ, khi thám quân về báo, quân của Toa Đô vì nóng nực mà đổ bệnh, mệt mỏi, đang có ý rút quân ra Bắc. Trần Quang Khải cho rằng thời cơ tấn công quân địch đã đến, bèn tấu trình xin được xuất quân.

Sách An Tĩnh cổ lục- HIPPOLYTE BRETON, (tr.296) chép:  “… Cuối thế kỷ XIII, nước Đại Việt hai lần bị quân Mông Cổ xâm lấn dưới đời Thái Tôn (1225-1258) và đời Nhân Tôn (1279-1293) (triều đại nhà Trần). Thời kỳ gay go nhất kéo dài trong những năm 1285 đến 1287. Quân Nguyên (tước hiệu triều đại Mông Cổ) đã đến tận An-Tĩnh và dò hỏi địa điểm của Đồng Trụ. Vua Thánh Tôn (1258-1278) và con trai là Nhân Tôn, người đã được phụ vương nhường ngôi, chạy trốn đến miền Trung, châu Thanh Hóa. Một phần lớn các đội quân của hai Ngài ẩn náu ở Chi La (Hà Tĩnh) và "con đường thượng đạo". Từ  xứ này và từ con đường này, người An Nam đã đổ xuống để đánh úp quân Mông Cổ. Tướng Tàu là Toa Đô lúc đó đang chiếm giữ Lam Thành (núi Lam Thành – TP Vinh) phải rút lui. Như vậy Chi La là nơi phát xuất cuộc tấn công giải phóng cho đất nước thoát khỏi một cuộc xâm lăng ghê gớm làm cho nền độc lập của Đại Việt có lúc suýt bị diệt vong.”

Theo các sách lịch sử Việt Nam ghi chép thì quân Trần từ Quảng Ninh về đến Thanh Hóa là ngày 7.4.1285.  Suy ra, “Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn”, hay “Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn” đều là nhắc đến sự kiện trên. Từ Thanh Hóa vào Hoan Châu chỉ một ngày đường là tới, nếu đi tắt bằng con đường thượng đạo thì chóng hơn. Vị chi mùng 8.4.1285 chính là ngày Trần Hưng Đạo hộ tống vua Trần Nhân Tông “vượt Vũ Môn” vào đến địa phận Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây nhà Trần được nhân dân Hà Tĩnh quyết một lòng tử thủ bảo vệ vua. Quân Trần nhờ đó, đã mau chóng phục hồi lấy lại sức mạnh đúng như lời ghi nhớ vua Trần Nhân Tông đã khắc lên ngự thuyền “Hoan, Diễn vẫn còn mười vạn quân”.

Tại sao lại “Cá gáy hóa rồng” mà không phải là loài cá khác?

Họ Trần ở Thái Bình có xuất xứ từ người Vạn Lạc. Vạn là vạn chài. Là một cộng đồng cư dân Lạc Việt chuyên nghề sông nước. Người Vạn Lạc khi xưa không có địa phận mà chỉ có thủy phận. Vạn quản lý hộ dân của mình theo nóc thuyền thay cho nóc nhà, người chết được thủy táng. Dù vậy cư dân Vạn Lạc vẫn có phân chia thủy giới đàng hoàng, có tổ chức đơn vị hành chính quản lý vạn tương tự như một xã. Vạn có chức lý trưởng, phó lý và ngũ hương và được quản lý bởi triều đình như cư dân trên bờ. Cư dân Vạn Lạc sống rải rác ven biển từ Hà Tĩnh tới Quảng Ninh và một nhóm ở lưu vực sông Hồng.

Do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần, nên khi sinh con đẻ cái, thường lấy tên các loài cá để đặt. Tổ họ Trần vốn tên là Trần Lý, chữ lý trong lý ngư (鯉)nghĩa là cá chép. Con của cá Chép là cá Dưa (Trần Thừa). Hai con trai của cá Dưa là cá Leo (Trần Liễu) và cá Lành Canh (Trần Cảnh). Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), chỉ khi là hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Nhưng ở Thái Bình nhân dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".

Vũ Môn là một suối nước chảy ra từ núi Vũ Môn, ở độ cao trên 1000m, thuộc dãy núi Màn Trướng (tên khác là Giăng Màn, Trường Sơn). Không khí ở đây quanh năm mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa, hoa cỏ, muông thú đa dạng. Do tiết khí thường xuyên có mây phủ bồng bềnh lưng núi như buông màn, nên mới đặt là Màn Trướng. Suối có ba bậc thác, mỗi bậc cao trên dưới 50 mét. Ở bậc thác thứ hai, cảnh sắc kỳ thú bởi cầu vồng bảy sắc luôn thường trực ở lưng chừng dòng suối. Dưới cầu vồng là một hồ nước trong suốt, có đáy bằng đá, thật sự là nơi bồng lai tiên cảnh. Cuối chân thác cũng là đầu nguồn sông Tiêm trong sự tích “Cá gáy hóa rồng” (Hà Tĩnh gọi cá chép là cá gáy). Thắng cảnh ở đây tuyệt đẹp, hùng vĩ, cho đến nay vẫn còn hoang sơ nguyên thủy. Có điều, cả suối Vũ Môn và sông Tiêm đều không có cá gáy, mà đặc sản của dòng sông này là cá mát. Vậy hình ảnh cá gáy vượt Vũ Môn hóa rồng ở đây chỉ có thể là sự ví von của nhân dân An Tĩnh về  Lý Ngư, đấng tối cao nhất của dòng dõi nhà Cá (họ Trần) mà thôi!

Tìm tới được đầu ngọn suối Vũ Môn cao chạm trời này, là  họ hàng nhà Chép đã tìm tới nơi thần khí hùng thiêng của đất thủy tổ Lạc Việt. Đã lĩnh hội được nguồn sức mạnh của Rồng Tiên truyền xuống, để giúp dẫn dắt quân và dân một quốc gia nhỏ bé, đánh tan cả đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới. Lý giải cho sự tích “Cá gáy hóa rồng” chỉ có thể là như vậy mới thấu đáo về ý nghĩa tâm linh của dân tộc!

Tại sao nho sinh Nghệ Tĩnh thường đem cá gỗ đi thi?

Tôi khẳng định chắc chắn không phải vì nghèo!

Sự lý giải sự tích cá gỗ xuất phát từ ông trạng họ Hồ tôi cũng đánh giá là tự ngộ nhận? Sự ngộ nhận thể hiện không nắm rõ lịch sử. Đất Kẻ Chợ (Hà Nội) xưa còn lưu câu ca: “Cơm cầu Giáp, táp cầu Giền, chè quán Tiên, tiền Thanh Nghệ”. Nói thẳng tuột, đất An Tĩnh chỉ nghèo đi từ nửa thế kỷ XX. Có lẽ là do đập phá chùa đền mà mạt vận. Còn như ở thế kỷ XIX đổ về trước, Thanh Nghệ là đất vương giả. Vì là biên giới phía Nam của Đại Việt, nên thời gian vua đi tuần thú, ngụ ở Hồng Lam thường xuyên. Là nơi chủ lực về cung cấp lương thảo, quân binh trong các cuộc chiến giữa đại Việt và Chăm Pa. Tính cả đất Hồng Lam qua các triều Lý, Trần, Lê thì có trên dưới hai mươi phi tần, hoàng hậu, đó là chưa nói đến vô số quan quân tướng lĩnh, không lý gì để quê nghèo đói. Sách cổ ghi chép về xứ này, lễ hội chùa đền miếu mạo đông vui bốn mùa, làng nào cũng có tới vài ba đền, chùa, thậm chí như ở Nghi Xuân sự thờ phụng có đến từng xóm nhỏ, các sách cổ đều chép đầy đủ cả, tôi không nói ngoa. Cho nên xin đừng lấy cái nghèo ngày nay mà bịa đặt cho sự tích ngày xưa.

Cá chép là biểu tượng vượt ải gian nan đi đến thành công của nhà Trần. Hình tượng cá trong triều đại này, không chỉ là câu chuyện “họ hàng nhà Cá” đem Vũ thác hủy diệt Nguyên Mông. Mà trước đó còn có chủ trương cải cách thất học trong dòng họ nhà Trần do Trần Thủ Độ đề xướng. Nhà Trần từ khi dời lên kinh thành Thăng Long, đã áp đặt một chế độ quyết liệt và bắt buộc gắt gao về sự nghiệp học hành trong hàng ngũ con cháu, nhằm mục đích chuẩn bị nền tảng trí thức cho một cuộc cách mạng chính trị “vượt ải long môn” đem cá Chép ngự lên bệ rồng.

Mang theo con cá chép gỗ trong hành trang ứng thí của nho sinh Nghệ An, có hai ý nghĩa: vừa để cầu may phù hộ, vừa là mang theo hình tượng kiểu mẫu về vượt khó đổi đời của dòng dõi nhà Trần để noi gương phấn đấu. Tử sĩ nhìn vào cá gỗ để tự nhắc nhủ mình phải quyết tâm thi đỗ. Bởi đỗ đạt là đồng nghĩa với đổi đời, từ áo thâm đổi sang áo gấm, từ tầng lớp nông dân thấp hèn lên quyền quý cao sang. Cá vượt long môn hóa rồng là nghĩa làm vậy.

Phlanhoa bên dòng sông Tiêm cổ tích, từ nơi này ngược nguồn khoảng 3 km thì tới suối Vũ Môn

                                 ***

Tài liệu tham khảo:

- An Tĩnh cổ lục - Hippolyte Breton 

- Việt Nam Sử lược - Trần Trọng Kim

- Khâm định Việt sử thông giám cương mục triều Nguyễn

- La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn

- Đại Nam nhất thống chí - Lê Quý Đôn

-  Đại Việt sử ký toàn thư

- Các ghi chép về Văn hóa Hồng Lam của  nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh và Ninh Viết Giao.

- Làng cổ Hà Tĩnh

-  Một số chi tiết từ các bài tham luận trên baohatinh.vn và vanhoanghean.com.vn

-  Các dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Bùi Dương Lịch và các tư liệu khác trong kho tàng văn hóa lịch sử Nghệ An  - Hà Tĩnh

- Tư Mã Thiên sử ký và một số sử liệu cổ Trung Hoa

***

Kỳ sau: Phụ lục III - Các nàng hằng nga tái thế ở đất La Giang làm thống lĩnh công tác hậu cần trong nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi.

    =========================================================


Để gửi ý kiến nhấp vào đây