CÁC LỄ CÚNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN
Kỳ 2: Ý NGHĨA CÁC MÓN DÙNG LÀM THỨC BÀY CỖ CÚNG TRONG CÁC DỊP GIỖ, TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT THƯỜNG
Phan Lan Hoa
٭٭٭
Tôi đã viết khá tỉ mỉ về cách thức lập hương án thờ cúng gia tiên, về cấu trúc từ đường dòng họ và cách thức tế lễ. Để cho trọn vẹn nội dung thờ cúng, đồng thời nhân trước dịp tết cổ truyền dân tộc, bài này tôi sẽ viết về nguồn gốc và ý nghĩa các lễ vật thức bày trên hương án gia tiên và trong cỗ cúng, nhằm giúp các gia đình có cơ sở chuẩn bị chu đáo, toàn đạo hơn trong sự nghiệp thờ cúng gia tiên trước thềm năm mới 2015.
CÁC LỄ CÚNG THƯỜNG CÓ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ THÁNG GIÊNG:
- Lễ dựng nêu và lễ cúng tiễn Táo Quân về trời báo cáo công tác vào ngày 23 tháng chạp. Tôi đã chia sẻ chi tiết ở kỳ 1, nay chỉ liệt kê theo trật tự từng lễ trong tết thôi. Sau lễ cúng này được coi là tết. Từ đây đến 30 tết có tục biếu quà tết, (rể biếu quà nhạc gia; cháu biếu quà ông bà; trò biếu quà thầy…). Sau lễ tiễn ông Táo, thì gia chủ dựng một cây nêu giữa sân để đuổi tà quỷ.
- Lễ cúng Tất niên, tức cúng tống cự năm cũ và cẩn cáo mời linh hồn gia tiên về ăn tết cùng con cháu. Cũng được coi là lễ cúng gia tiên chính trong dịp tết Nguyên đán. Đồng thời là bữa cơm liên hoan cuối năm của gia đình. Dịp liên hoan này có mời bạn bè làng xóm cùng tham dự. Thời gian lễ thường trong khoảng từ sau lễ tiễn Táo quân ngày 23 đến 30 tháng chạp. Trong lễ tất niên, vàng mã, ngũ quả được đưa lên hương án, hương đăng liên tục cho tới mùng 3 tết thì làm lễ tiễn ông bà xong mới hạ xuống.
- Lễ cúng Ba mươi, ngày nay, các gia đình thường kết hợp cúng tất niên với cúng ba mươi để giảm bớt lễ lạt. Cho dù vậy, từ giờ Ngọ đến giờ Tý ngày 30 vẫn phải có lễ nhỏ để rước Táo Quân trở về. Cỗ cúng ba mươi, thường có những thức ăn truyền thống của người Việt dùng trong ba ngày tết như bánh chưng, bánh dày, thịt luộc, giò lụa, dưa hành, vv...
- Lễ Trừ tịch, cúng vào đêm giao thừa, cầu Hoàng thiên Hậu thổ và các vì tinh tú, chiếu rọi may mắn và phù hộ an lành. Là lễ cúng chính trong đêm Giao thừa, được tổ chức ngoài trời. Thức cúng chính theo lễ là một con gà trống luộc, tượng trưng cho tiếng gọi bình minh. Hương đăng hoa quả thanh chước chi nghi. Đồ mặn khác tuy khả năng gia chủ. Vàng mã gồm 360 bộ âm binh (áo quần cho đội quân nhà trời).
- Lễ nghinh đón năm mới, cúng vào sáng sớm ngày mùng một. Lễ này thường cúng cơm mới và kỵ sát sinh. Chú ý, kị sát sinh không có nghĩa là cấm ăn thịt cá như nhà Phật, chỉ là kị giết mổ thôi. Thường thì các gia đình giết mổ vào năm cũ và để dành đồ ăn đã nấu chín qua 3 ngày tết. Sáng mùng một, chủ nhà thường nấu một nồi cơm mới, rồi dọn những món ăn đã chuẩn bị sẵn từ 30 tết. Cỗ này cúng nước trà, chứ không cúng rượu. Sau cúng, gia đình mỗi người ít nhiều ăn một miếng cơm nóng, uống một ngụm trà nóng, ý nghĩa của sự no đủ trong ngày đầu năm. Trong suốt ngày mồng một, kị nói những điều cay nghiệt, phải tịnh tâm hướng thiện, kị cãi nhau, chỉ nói lời đẹp đẽ, chúc tục, cầu an. Sau lễ cúng thì đi chúc tết theo trật tự lễ nghĩa “mùng một tết cha (tức chúc tết bên nhà nội), mùng hai tết mẹ (tức chúc tết bên ngoại), mùng ba tết thầy”. Sau ba ngày tết gia đình, thì sẽ đến hội làng vui chơi giải trí, lễ chùa cầu may cầu phước đầu năm.
Ở Bắc Bộ có tục hái lộc trong đêm Giao thừa, tục này có lẽ truyền từ Trung Quốc? Ngược lại ở Hà Tĩnh thì không có tục này.Sau khi cúng Giao thừa xong thì nhà nào nhà nấy đóng cửa. Sáng mùng một chủ nhà dậy sớm lo mâm cơm lễ, phải sau khi cúng nghinh năm mới xong, gia đình ăn uống rồi mới mở cửa đón khách xông đất. Từ đó đến mùng 3 tết cấm kị bẻ lá, hái rau, giết mổ vật nuôi. Chủ nhân gia đình còn phải lo cỏ cho trâu bò và lo rau bèo cho lợn từ 30. Sáng mùng một, con trâu, con lợn, con gà đều phải được ăn no như con người.
- Lễ hạ nêu và tiễn ông bà, tục ở Ta gọi là 3 ngày tết, tức 30, mùng một, mùng hai, qua mùng 3 đến mùng 5 các gia đình sẽ làm lễ hạ nêu, hết tết. Gia chủ làm một mâm cỗ mặn, cẩn cáo xong thì đem vàng mã trên hương án xuống đốt, vãi gạo, muối, nước ra sân, tiễn gia tiên về lại âm phần, hạ cây nêu xuống, phá mâm ngũ quả phát lộc cho cháu con. Gia đình ăn cỗ xong coi như lễ tết trong gia đình đến đây chấm dứt. Mọi người bắt đầu những cuộc chơi xuân, từ mùng 4 đến hết tháng giêng là hội làng, hội chùa.
- Lễ Khai canh, tức lễ của nông dân xuống đồng, thường vào từ mùng 4 đến mùng 7 tết. Đồng thời trong khoảng này cũng thường có lễ cúng tổ nghề của các làng nghề. Năm nay là năm Tân Sửu, tôi sẽ có một bài viết riêng về con trâu và truyền thống lâu đời về lễ khai canh của người Việt, ngay sau bài này.
- Lễ hội xuân, tùy theo quy định của các làng xã, thường thì mỗi làng lại chọn một ngày trong tháng giêng để hội làng. Ở quê tôi thấy có truyền thống đua thuyền, chơi đu treo, leo cột mỡ, hát Ví giặm. Người Kỳ Anh và Hương Khê thì có tục hát sắc bùa chúc tết nhau. Mỗi làng có một hội hát. Đoàn hát vừa đi vừa hát, rồng rắn đến từng nhà chúc tết. Gia chủ hảo tâm sẽ mời trà rượu, thức nhắm và thưởng tiên mừng tuổi. Nghi Xuân khi xưa nhiều làn có lễ tống tà quỷ, dân làng làm những hình nộm bằng rơm mặt quỷ, để lên một chiếc xe cút kít, hoặc xe bò, đẩy đi, cả làng theo sau hát nói những lời xua đuổi, khi đến bờ sông Lam thì tống hình nộm xuống sông cho trôi ra biển.
- Lễ Nguyên tiêu, tức ngày rằm tháng giêng, là ngày lễ họ mạc từ đường do tộc trưởng các dòng họ tổ chức. Nội dung chính của lễ này là cầu siêu độ các vong linh người đã khuất và cầu an cho cháu con (người sống) được an lành trong suốt cả năm. Tôi đã trình bày cách thức tổ chức lễ cầu an và cầu siêu trong các kỳ nói về cách thức thờ cúng trong từ đường dòng họ, ngày trong mục Việt Thường phong tục này.

NHỮNG THỨC BÀY TRUYỀN THỐNG TRONG MÂM LỄ CÓ TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG:
Nước: Là nước lã trong sạch tự nhiên, như nước giếng, nước suối, nước trời mưa. Nước sinh ra đầu tiên trong vũ trụ, có nước vạn vật mới có sự sống, do đó nước lã luôn luôn là thành phần bắt buộc không thể thiếu trong thờ cúng. Theo phép phong thủy, nước (hành thủy) tượng trưng cho sự khởi đầu suôn sẻ (của một công việc, một tháng mới, năm mới…)
Gạo: Phàm là người Việt Nam, ai ai cũng được giáo dục truyền đời rằng dân tộc Ta được mệnh danh là một Dân tộc lúa nước. Ở Hà Tĩnh có tục cúng Thần Nông, các thức bày kể từ xôi, chè, bánh, cá chép rán vv… đều chỉ làm từ nguyên liệu lúa gạo. Xin chớ có nhầm đó là cỗ chay nhà Phật, món ăn chỉ làm bằng bột gạo vì Thần Nông Việt Nam là vị thần lúa nước, các món ăn thể hiện báo đáp công lao Thần Nông, còn như mâm cỗ vẫn có nước mắm bình thường. Trên hương án gia tiên ngày giỗ, tết, không chỉ có các món ăn chế biến từ lúa gạo như xôi, cốm, bánh chưng, bánh dày, bánh lá… mà còn có cả một đĩa gạo sống.
Muối: Như phần lịch sử Việt Thường Thị tôi đã đưa ra dấu hỏi nghi ngờ vị tổ nghề muối ở Kỳ La – Nhượng Bạn chính là vua Hùng Vương thứ nhất. Bởi trong lễ tục cúng bái của người Việt Thường luôn luôn có đĩa muối sống. Có khi nhân dân gộp gạo và muối thành một đĩa cho gọn. Lĩnh Nam trích quái còn ghi rõ ở thời Hồng Bàng Thị, con trai lấy muối để làm lễ vật đi hỏi vợ, rồi sau đó mới thịt trâu để làm lễ cưới. Dân gian có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Ngày đầu năm đi chợ, quý bà quý cô mua gì thì mua, nhưng không quên mua về nhà một bịch muối để lấy may mắn hạnh phúc cho cả năm.
Mứt gừng: Với cỗ tết của người Nghệ Tĩnh luôn luôn phải có mứt gừng. Nghe bà ngọai tôi nói, khi xưa lễ cúng ở đình làng, mứt gừng phải do người con gái trinh tiết tự tay chế biến mới được coi là tinh diệu. Theo Lĩnh Nam trích quái, từ buổi khai cơ tổ tiên người Việt Thường đã “lấy rễ gừng làm muối”. Không biết tự khi nào, muối gừng được đổi thành mứt gừng, chỉ biết rằng mứt gừng thuộc một trong những thành phần bắt buộc phải có trong cỗ cúng tết ở Nghệ Tĩnh. Ngoài việc giữ gìn phong tục, mứt gừng còn là một vị thuốc đông y, vị cay tính ấm giúp an tì vị, trị chướng bụng đầy hơi, giảm được phần nào bệnh sinh ra từ việc ăn uống thiếu điều độ trong ba ngày tết.
Trầu cau: Xuất xứ từ thời vua Hùng Vương thứ tư với ý nghĩa tượng trưng cho nghĩa tình thủy chung và hạnh phúc may mắn. Tục ăn trầu ở Việt Nam xưa kia phổ biến rộng rãi khắp cả dân chúng, con trai, con gái đều ăn trầu. Tục này Duy trì mãi đến thời nhà Trần, rồi nhà Lê. Chuyên canh và buôn bán trầu cau là một nghề kinh doanh rất phát triển ở thời hậu Lê. Đền thờ sự tích trầu cau ở Nghệ An từng hai lần được sắc phong. Do đó khi cúng gia tiên, trầu cau cũng là chính lễ. Trầu cau cúng gia tiên thì phải têm đàng hoàng, trầu cau cúng thần linh thì để nguyên ba lá trầu và ba trái cau. “Cuối năm mua vôi”, sau ngày 23 tháng chạp, vôi phải được mua về châm cho đầy bình. Nhân dân ta khi xưa quan niệm trong nhà có ông bình vôi đầy đặn, đẹp đẽ, thì chủ tớ trên dưới đàng hoàng nghiêm minh, gia đạo sung túc cả năm sau đó.
Ngũ quả: Không nhất thiết phải quy định loại quả nào, thường thì dựa vào sản vật vùng miền, nhưng nhân dân lại thường mê tín màu sắc của quả, làm sao cho 5 thứ quả trong mâm ngũ quả phải tượng trưng được 5 màu của ngũ hành. Ý nghĩa là dâng lên thành quả hái trồng nông nghiệp để tạ ơn Hoàng Thiên Hậu Thổ, tạ ơn Thần – Tiên – Bụt Đạo – Thánh – Mẫu, tạ ơn Gia tiên đã phù trợ và cầu xin phù trợ lâu dài. Màu sắc của ngũ hành là tượng trưng cho sự cân bằng Ngũ hành trong trời đất.
Hoa: Hoa mai tượng trưng cho sự thanh cao, màu vàng mang đến tương lai tươi sáng; hoa đào mang ý nghĩa thanh xuân, quả đào là vị thuốc trường thọ. Ngoài hoa mai, hoa đào, thì hoa cúc vạn thọ có ý nghĩa sum vầy; hoa huệ, hoa sen mang ý nghĩa thanh khiết là những loài hoa đã được nhân dân lựa chọn để lên bàn thờ gia tiên trong những ngày lễ tết từ hàng ngàn đời nay.
Hương và đăng (đèn): Ngọn lửa mang ý nghĩa đem đến sự sáng sủa, ấm cúng, may mắn và sức mạnh. Kể từ ngày 23 tháng chạp, sau khi tiễn ông táo về trời. Hương và đèn trên bàn thờ phải được chăm sóc để cháy liên tục không thôi cho tới 30 tết đón Táo quân về. Quan niệm của nhân dân, sợi khói tỏa từ cây hương trầm nối miền cực lạc với trần gian. Khi Táo Công về trời, hương đăng phải tỏa sáng để Táo Công dù ở cao xa vẫn tiện bề theo dõi, trông coi cho gia đình được an lành. Ý nghĩa của cây hương trầm rất lớn lao trong sự nghiệp thờ cúng, do đó tôi đã dành hẳn một bài viết về cây hương (mời coi tại Link này).
Vàng mã, từ suy nghĩ con người có "nợ ba sinh", cái chết chỉ là chết thể xác, thực chất linh hồn vẫn sống kiếp thứ hai và thứ ba. Do linh hồn vẫn sống, nên 7 tầng tinh thức vẫn còn, vẫn biết nhìn, nghe, ngửi, vẫn có cảm giác đói khát, biết yêu thương giận hờn, nên nhân dân mới bày ra việc đốt vàng mã để an ủi người thân.
- Vàng mã cúng táo công đã nói ở kỳ 1. Vàng mã cúng gia tiên xưa chỉ có tiền, vàng. Ngày nay nhiều nhà bày vải vóc, sắm đủ đồ dùng như sắm cho người sống gồm giày dép áo mũ xe cộ vv… Thiết nghĩ, đừng mê tín thái quá và cần phải được chia từng phần và ghi tên từng vị rõ ràng.
- Vàng mã cúng ở mâm lễ Trừ tịch ngoài trời gồm vàng mã, âm binh 36 bộ.
- Vàng mã cúng cô hồn chỉ gồm một ít tiền lẻ.
Ba thứ vàng mã cúng táo công, cúng Trừ tịch và cúng gia tiên đốt trong góc sân và đổ tro vào gốc cây trong vườn. Vàng mã cô hồn cúng và đốt ở ngoài ngõ đổ tro ra sông hồ, hoặc bãi đất trống ngoài khuôn viên gia đình.
Cây gậy và nón lá: Tục cũ của người Việt Thường, bên trái bàn thờ thường có dựng khúc mía dài cỡ cây gậy, trên đỉnh khúc mía để cái nón. Tôi nghe các cụ giải thích là để làm gậy cho các bậc tiên linh đi lại được dễ dàng. Nhưng xem ra gậy và nón có lẽ là từ truyền thuyết Chử Đồng Tử ở thời Hùng Vương thứ ba, là biểu tượng muôn phép màu nhiệm của Đạo giáo. Bà ngoại tôi thì làm cả gậy và nón đều bằng nứa dán giấy ngũ sắc, khi hết tết thì đem hỏa thiêu luôn cùng với vàng mã.
Bánh chưng, bánh dày: Tục cúng bánh chưng bánh dày xuất hiện ở đời Hùng Vương thứ mười tám. Lĩnh Nam trích quái chép rằng sau khi phá tan giặc Ân (1027 – 1024 TCN), Vua Hùng có ý muốn truyền ngôi cho con, nên mở cuộc thi tài giữa các hoàng tử. Và vị hoàng tử thứ mười tám tên là Lang Liêu đã thắng cuộc chỉ với hai món ăn dân dã: bánh chưng và bánh dày. Cũng từ đó, tập tục cúng bánh chưng, bánh dày trong dịp tết cổ truyền ra đời. Bánh dày, bánh chưng cũng là món ăn được chế biến từ lúa gạo truyền thống, ý nghĩa được tiên tổ giải thích là sự tượng trưng cho “Trời tròn, Đất vuông”. Từ quan niệm này, trong tiếng Việt, trời thường được gọi là “bầu trời”, còn đất là “vuông đất”. Không chỉ bánh chưng, bánh dày, mà cách dọn cỗ tế cũng vậy, cái bàn thì vuông, cái mâm thì tròn.
Gà luộc: Phải là gà trống luộc nguyên con. Theo quan niệm dân gian, con cóc chỉ cần nghiến răng thì có khả năng gọi trời mưa, còn tiếng gáy của con gà trống lại có khả năng gọi ánh bình minh. Do đó vào đêm Trừ tịch, mỗi gia đình đều có một mâm cỗ cúng ngoài trời. Trên mâm cỗ nhất thiết phải có xôi, chè, ngũ quả, đồ âm binh và gà luộc nguyên con để bái lễ Hoàng thiên Hậu thổ đã bảo vệ an lành cho gia quyến trong suốt năm qua và cầu xin phù hộ năm mới sáng sủa an lành.
Tôi xin ghi chú ở đây vài điều. Nhiều nhà để con gà lên bàn thờ gia tiên và bỏ qua mâm lễ ngoài trời vì tưởng nhầm mâm lễ ngoài trời là cúng cô hồn. Hoặc có nhà lại nhập phần cúng cô hồn vào mâm lễ Trừ Tịch đều không đúng. Trừ tịch là lễ chính trong đêm giao thừa, nhưng là lễ cúng Hoàng thiên Hậu thổ và các linh thần sông núi, các vì sao tinh tú, nên mâm lễ không bày trong nhà, mà được bày ngoài trời, nơi quang đãng, sạch sẽ, không có bóng cây che khuất các vì sao. Và nên nhớ con gà trống được đặt trong mâm lễ này. Còn trong nhà, thường cúng bánh chưng, bánh dày, giò lụa. Cho nên, nếu gia chủ muốn cúng gà ở trong nhà nữa thì phải làm con khác.
Còn cúng cô hồn, phải để tiền, vàng, xôi, oẳn, gạo, muối , chè cháo, bánh trái vào một cái mâm con riêng ra ở đầu ngõ. Cúng bố thí cần làm trước khi vào lễ Trừ tịch, vãi hết gạo muối ra ngã ba đường, thiêu hóa kim ngân để lũ quỷ đói không quấy quả gia đình trong giờ linh thiêng.
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên: Các món trong mâm cỗ cúng gia tiên tùy ở lòng thành và khả năng kinh tế của gia chủ. Có gì cúng nấy với điều kiện thức cúng phải sạch sẽ và tuyệt đối không phải là đồ thừa thãi. Tục lệ của người Việt ta khi xưa trong mâm cỗ thường có 9 món, gồm 5 đĩa 4 bát. 5 đĩa thì có xôi hoặc bánh chưng, gà luộc, giò lụa, nem rán, cá chép rán; 4 bát thì có canh khoai sọ, miến nấu lòng gà, thịt kho tàu và một loại rau xào nào đó. Tất nhiên món ăn trong các đĩa, bát đều có thể thay đổi, với điều kiện phải thể hiện yếu tố ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành thì được.

Cây nêu: Khi xưa nhân dân thường dùng một cây tre trồng giữa sân, trên đầu ngọn cây tre buộc một chùm tua rua ngũ sắc, câu đối tết, hoặc câu chúc mừng năm mới và một chuỗi pháo. Pháo được đốt vào đêm trừ trịch, sau đó lại treo lên một băng khác và đốt vào sáng mùng một để xua đuổi tà quỷ. Cây nêu được dựng từ ngày 23 tháng chạp, sau lễ tiễn Táo quân về trời, nhằm xua đuổi tà quỷ không cho vào nhà trong thời gian Táo quân đi vắng.
Lời bàn:
Xem ra, tổ chức cuộc sống của tổ tiên người Việt Nam rất có khoa học, sắp xếp trật tự sự kiện, ý nghĩa rõ ràng. Ba ngày tết là ngày dành riêng cho sự sum vầy của mỗi gia đình. Về mặt tâm linh là dịp giao hòa âm dương phù trợ. Sau ba ngày sum họp gia đình, tiếp đến sẽ là sự vui chơi giao lưu ra ngoài xã hội. Mỗi thức bày trong cỗ cúng của người Việt Nam hôm nay, đều do các vua Hùng ban truyền lại, rất lâu đời khoảng trên dưới bốn ngàn năm trước, phong cách văn hóa ẩm thực rất riêng của người Việt, hoàn toàn không có thức lễ nào giống với văn hóa Trung Quốc, là tập tục chính thống của người Việt. Ý nghĩa mỗi thức lễ lại rất nhân văn, thể hiện sự tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Mong mọi người, mọi nhà hiểu được tận tường di sản của cha ông, để từ đó có được đức tin của chính mình!
Nếu cho tôi được đề nghị, tôi đề nghị giảm thiểu những ngày nghỉ lẻ tẻ vớ vẩn trong năm, dồn vào dịp tết Nguyên Đán, được nghỉ từ 29 tết đến 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Có như vậy thì họ mạc gia tộc có cơ hội gặp gỡ, đoàn tụ con cháu sum vầy đông đúc; đồng thời ngành du lịch cũng có lợi trong việc tổ chức các khu vui chơi giải trí, mọi người, mọi nhà cũng có thời gian dư giả nghỉ ngơi, chơi bời đúng nghĩa, đảm bảo được duy trì truyền thống gia đình và vui chơi làng nước.