Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
BÁNH MỌI – CHIẾC BÁNH CỦA TÂM LINH VÀ NĂNG LƯỢNG
 
(21h: 19-09-2015)
BÁNH MỌI – CHIẾC BÁNH CỦA TÂM LINH VÀ NĂNG LƯỢNGBài viết của Phlanhoa
***
Người Hà Tĩnh ở Vũng Tàu mỗi lần về quê vào lại chia quà cho nhau vài bơ lạc củ, mẻ khoai khô, vài vốc hành tăm, vài chục gờ ram vừng đen. Quà quê nên trong lòng người Hà Tĩnh xa quê được xem là thứ “đặc biệt quý hiếm”, chẳng dám ăn mà chỉ để cất dành. Chỉ khi có đồng hương đến nhà thì mới đem ra mời mọc, cốt là có vật phẩm để khoe khoang chất quê của mình. Có anh người bên Đức Vịnh, chai mắm cáy cất ba năm trong tủ lạnh mới chỉ vơi khoảng một phần mười. Cơ mà một phần mười ấy tôi dám cá anh ta chỉ mời khách có một nửa thôi, nửa còn lại vơi là do tủ lạnh làm bốc hơi.

             Vậy đấy, trong nhà tôi cũng có đủ mấy thứ quà quê đó. Toàn do đồng hương san sẻ cho cả. Hôm nay là ngày nắng trong mùa mưa, nên tranh thủ đổ “báu vật” ra phơi phóng lấy cái thơm tho mặt trời, những còn để dành cho được lâu. Phơi ra rồi đứng ngắm. Nhìn những hạt vừng đen lấp lánh trong nắng thu, tôi lẩm bẩm: ai ngờ đâu những hạt mùa bé li ti thế kia lại có thể nắm giữ được cả công lực lớn lao của trời đất đến thế. Rồi lòng chợt mênh mang nhớ ruộng vừng vào độ nở hoa ở Cổ Đạm mà tôi sà vào trong lần về quê viếng đền Nguyễn Công Trứ. Hình ảnh những cánh hoa trắng mong manh của ruộng quê trong ký ức quyện vào hình ảnh lấp lánh của hạt vừng đen trước mắt, dường như linh hồn của ẩm thực Xứ Nghệ đang dậy hương trong nắng gió. Mùi lớ và bánh mọi tràn vào nỗi niềm day dứt món quê.

Hà Tĩnh có hai món ăn lạ, đó là lớbánh mọi. Một nhà cảm xạ học quê Hải Dương khi nghe tôi kể chuyện về bánh mọi đã nhận xét thế này: “Loại bánh này đủ tứ khí và ngũ vị. Có khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể rất tốt. Nguyên liệu được thụ hưởng thiên khí và địa khí vùng đất thiêng Hà Tĩnh. Ngoài khả năng nâng cao miễn dịch của cơ thể và cung cấp chất dinh dưỡng, bánh còn mang được năng lượng tâm linh để giải trừ mọi lam sơn trướng khí. Mong bánh thờ ngài Quận công được trở thành món ẩm thực đặc biệt của vùng đất quê hương khi du khách ghé thăm!”

Bánh mọi là thứ bánh chỉ có ở đền Tâm Phúc và chùa Bảo Lâm, vùng Tiêm Da (nay là xã Hương Vịnh, huyện Hương Khê). Lại hiếm hoi, mỗi năm nhân dân chỉ làm một lần duy nhất vào ngày lễ đền, để tưởng nhớ Quận công Trần Phúc Hoàn (thế kỷ XVIII) – Người đã có công khai mở con đường Trìm Trẹo sang Lào. Thành phần vỏ bánh gồm có bột nếp trộn với bột lớ, thêm chút muối biển để thêm đậm đà; Còn thành phần nhân thì có vừng đen rang vàng, gừng, quế chi và mật ong rừng cô đặc. Theo dân làng thì nguồn gốc bánh mọi vốn là món ăn đi rừng của những người mở đường.

Lớ là món ăn được làm từ cám gạo nếp. Lúa nếp xát vỏ thành nếp lứt. Sau đó cho nếp lứt vào cối đá giã cho tróc vỏ cám. Đem giần sàng tách nếp riêng, tấm riêng, còn lại thứ bột cám nếp mịn như bột mì thì đem rang lên, tựa hồ như thính rang, nhưng rang non vừa đủ thơm chứ không rang cháy như thính, nên độ ngọt thơm của cám rất đậm đà, khiến trẻ con rất ưa. Lớ là một món ăn vặt của con nít nhà quê. Tôi nhớ thuở nhỏ, chúng tôi thường gói lớ trong lá chuối nướng rồi đem ra góc bờ tre nào đó chia nhau ăn. Lớ ăn không khéo, hấp tấp là coi chừng bị sặc cho nghẹn cả cổ họng.

Cái món ăn thuộc về kỷ niệm xưa ấy cứ ngỡ là vì đói nghèo nên người lớn phải chế tác bất kỳ thứ gì ăn được cho mà ăn, miễn là no lòng con trẻ. Nhưng rồi quá trình đi vào nghiên cứu và xây dựng công thức cho món ăn Xứ Nghệ tôi mới ngờ ngợ, hình như món ăn hình thành không phải do nghèo? Bảo ăn cám rang thì còn có thể đổ cho nghèo, nhưng cớ chi một món đặc sản dùng để cúng tế như bánh mọi với nhiều thành phần nguyên liệu quý như nếp thơm, mật ong, lại trộn thêm cám?  Hà Tĩnh cũng có đầy đủ các món bánh nếp, tẻ như các vùng khác, cớ chi chỉ có bánh mọi lại phải thêm cám?

Thế rồi nhân hai sự việc khiến tôi phải tìm tòi sâu hơn về giá trị của gạo trần mễ và hạt vừng đen, ấy là:

- Khi tôi đăng tải bài viết về lễ tục trong ngày tết Đoan Dương, thì có bạn ở Can Lộc hỏi như sau: "Đọc bài của chị thấy có câu: Gạo trần mễ ai dễ được ăn. Nhân dân Can Lộc bầy tui, các nhà sau khi gặt xong vụ chiêm thường chừa lại một vạt lúa, đợi đến trưa mồng năm chính Dương mới ra gặt, gọi là trần mễ. Nhưng không ai biết giá trị đích thực để làm gì, quý ở mức nào. Nghe nói để làm thuốc là thuốc chữa bệnh gì?”

- Sự việc thứ hai là nhiều bạn bè xung quanh tôi thường bị chứng Cholesterol máu cao. Lại nhân đang tìm hiểu chút chút về món ăn bài thuốc. Để giúp bạn bè có được chế độ ăn uống phù hợp, giảm Cholesterol. Tôi những cất công lục lại “Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam” do Viện Dinh dưỡng Bộ y tế ban hành, để lập hẳn một danh sách các thực phẩm chứa Cholestero cao nên tránh và thực phẩm có Phytosterol cao giúp ngăn ngừa Cholesterol.

Khi bắt gặp thành phần Phytosterol rất cao trong cám gạo và vừng đen, tôi chợt nhớ lại cốc nước sắc từ gạo trần mễ và vừng đen rang mà khi xưa bà ngoại tôi thường gọi là nước tiêu độc, đem ra hướng dẫn cho bạn bè dùng thử và hiệu quả thật là tốt bất ngờ. Bây giờ thì tôi có thể tự tin viết rằng: lớ, bánh mọi và cả cốc nước tiêu độc của bà ngoại tôi nữa, thực chất là những món ăn bài thuốc vô cùng quý báu, mà cha ông người Việt đã tích cóp được trong vốn liếng để đời lại cho con cháu. Muối biển, vừng đen, cám gạo đều có chung chức năng giải độc, tránh tà khí của rừng thiêng. Còn nếp và mật ong rừng là hai loại thực phẩm chứa năng lượng calo rất cao, giúp thể chất con người khỏe mạnh, dẻo dai sức bền trong lao động.

Mở cửa kho sách đông y Việt Nam, vừng đen và gạo trần mễ là hai trong số những vị thuốc Nam được liệt kê trong danh sách những vị thuốc được gọi là “thập toàn đại bổ”. Đặc biệt là vừng đen, không chỉ làm nhuận máu huyết, nhuận da dẻ, sáng mắt, tăng tuổi thọ, mà còn có khả năng kháng thể cao. Nước sắc vừng đen rang có thể hỗ trợ tốt trong điều trị các căn bệnh ở thận, tiết niệu, dạ dày hành tá tràng, đặc biệt là bệnh ở hệ tim mạch, hỗ trợ điều trị ung thư, các di chứng do nhiễm độc hóa chất. Ngư dân Nghệ Tĩnh khi ra khơi triều lộng, thường mang theo chai nước mắm cốt ngâm với vừng đen rang vàng. Thứ thuốc “chuyên nghề” ấy của ngư dân giúp làm ấm cơ thể, ổn định huyết áp khi dầm mình dưới nước lạnh và ngăn ngừa trướng khí của biển khơi. Còn quế thì dân gian Việt Nam có câu thành ngữ "sâm, nhung, quế, phụ", vị chi quế đứng hàng thứ ba trong tứ quý các vị thuốc đông y.

Ngày nay có công nghệ thông tin hiện đại, nhanh chóng. Chỉ cần gõ từ khóa vào  Google, bạn có thể nhanh chóng biết thông tin về căn bệnh gọi là “Cholesterol trong máu cao” và những hệ lụy của nó là nếu để lâu không điều trị sẽ dẫn đến xơ vữa thành mạch, một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch. Ngược lại, Phytosterol là hoạt chất thuộc nhóm Sterol nguồn gốc thực vật, có khả năng ngăn ngừa tái hấp thu Cholesterol của ruột, vì vậy làm suy giảm độ tái hấp thu của Cholesterol vào máu. Xếp đầu bảng thành phần thực phẩm giàu Phytosterol là cám gạo (khoảng 1190 mg / 100 gam dầu cám gạo), thứ đến là vừng đen (714 mg / 100 gam vừng đen). Giải thích nguyên do vì sao hai thành phần thực phẩm này được ưu tiên số một trong thực đơn của các môn sinh phái thiền học khí công như nhân điện, yoga, rung động thư giãn, thái cực quyền, vv... Môn cảm xạ học còn chứng minh dầu vừng và dầu cám gạo có khả năng chấn tia bức xạ đất gây hại cho sức khỏe con người. Nếu sử dụng đều đặn một lượng 50gr vừng đen cộng với 5gr cám gạo (có thể thay bằng 20gr gạo lứt trần mễ), hai thứ rang vàng rồi sắc nước uống vào lúc đói và trước lúc luyện tập thể thao, chắc chắn bạn không bao giờ bị táo bón.

Bánh mọi, với giá trị sáu trong một của các thảo dược: Vừng đen, cám gạo, mật ong, gừng, quế, muối biển đều là những vị thuốc đông y quý mà không hiếm. Tứ khí ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, nhiệt, lương, ôn của phép cứu bệnh đông y hội đủ. Lại thêm hương vị tinh túy đậm đà khéo léo trong kết hợp các thành phần ẩm thực: dẻo, thơm, béo, bùi của hạt vừng, hạt lúa Việt Nam, cộng với tinh chất hương hoa của núi rừng do những chú ong cần mẫn tích cóp dâng tặng cho đời. Chiếc bánh mọi không còn là một chiếc bánh chỉ mang giá trị tâm linh không thôi, mà thực sự là một chiếc bánh tổng hợp của hai dòng năng lượng: năng lượng thực dưỡng (calo) và  năng lượng khí dưỡng (bovis), vô cùng có lợi cho sức khỏe còn người. Điều đó khiến tôi lăn tăn, tư lự: Nên chăng chỉ để bánh mọi ở chốn tâm linh để nâng tầm giá trị độc đáo của văn hóa tâm linh? Hay là nên khuyến khích nhân dân đem phổ biến bánh mọi ra cộng đồng, để du khách thập phương cùng được thưởng thức cả phần hồn và phần thực của bánh và đặc biệt là thưởng thức giá trị bổ dưỡng hiếm có của bánh mọi.

 ***************************************************************


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Bánh dày truyền thống và bánh dày cải biên của Phlanhoa (00h: 15-08-2010)
 Tết này Nhút nở hoa lòng... (11h: 18-01-2014)
 Phong vị Xứ Nghệ (17h: 02-04-2012)
 Mứt gừng ngày Tết và ý nghĩa tâm linh của “Gừng Cay Muối Mặn” (02h: 27-01-2013)
 CÂU CHUYỆN CON CÁ RÔ BÀU NÓN VÀ MÂM CƠM LÀNG SEN (12h: 18-05-2013)
 Đem văn chương đồ Nghệ xắt miếng ra mà nấu (00h: 17-08-2010)
 Cỗ Đại Tiết (phần I) - Chế biến, viết bài và ảnh của Phlanhoa (16h: 22-08-2010)
 Cỗ Đại Tiết (phần II) - Chế biến, viết bài và ảnh của Phlanhoa (17h: 22-08-2010)
 Thịt kho riềng – Món ăn ngày tết của người Hà Tĩnh (14h: 21-07-2010)
 Xắt miếng văn chương Thái Kim Đỉnh - Phần III. Miến bột chợ Cầu (00h: 17-08-2010)