Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
 Phlanhoa viết
 Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
 Văn hay sưu tầm
 Thú chơi tập Kiều
 Sưu tầm để ngẫm
 Tìm hiểu về thể loại câu đối
 Láo nháo
 Thư pháp
 Tâm hồn người Việt
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 2
 
(17h: 07-12-2020)
PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 2Bài viết của Phan Lan Hoa
***
Kỳ 2: HÀNH TRẠNG NGUYỄN DU QUA CHÍNH SỬ VÀ QUA NHỮNG DÒNG THƠ CHỮ HÁN

  

 

ĐỀ TÀI PHẢN BIỆN

 CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU 

                                                                                 Phan Lan Hoa

Kỳ 2: HÀNH TRẠNG NGUYỄN DU QUA CHÍNH SỬ VÀ NHỮNG DÒNG THƠ CHỮ HÁN

 

          I. Giai đoạn Nguyễn Du từ 6 tuổi đến 18 tuổi, chỉ sinh sống và học tập tại Tiên Điền, không đi đâu cả:

          Năm 1771, quan Tư Đồ Nguyễn Nghiễm cáo lão về hưu tại Tiên Điền. Nguyễn Du khi ấy 6 tuổi, đang độ tuổi ăn học, nên tất yếu phải theo cha về Tiên Điền. Chỉ có Nguyễn Khản ở lại làm quan tại Thăng Long. Nguyễn Điều thì nhậm chức Trấn thủ Sơn Tây. Nguyễn Du xác nhận việc này trong bài thơ “Giang Đình hữu cảm” rất rõ ràng:

          Ức tích ngô ông tạ lão thì,
          Phiêu phiêu bồ tứ thử giang my.
          Tiên chu kích thuỷ thần long đấu,
          Bảo cái phù không thuỵ hạc phi.
          Nhất tự y thường vô mịch xứ,
          Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi.
          Bách niên đa thiểu thương tâm sự,
          Cận nhật Trường An đại dĩ phi.

          Dịch nghĩa (Quách Tấn)

          Nhớ khi xưa cha ta cáo lão về hưu,
          Trên bến sông này xe bồ ngựa tứ trông phơi phới

          Thuyền tiên vượt nước như rồng đấu với nhau

          Lọng quy rợp không trung như chim hạc báo điềm lành bay chập chờn

          Từ khi bóng áo xiêm không thấy đâu nữa

          Nhìn khói vương trên cỏ ở hai bờ sông, khôn xiết buồn thương

          Trong cõi trăm năm, không nhiều thì ít, đâu đâu cũng có mối thương tâm

          Gần đây Tràng An đã đổi khác lắm rồi.

          Có tiến sĩ chất vấn tôi rằng, quan Tư đồ về hưu chỉ một năm, rồi lại được vời trở lại triều đình, nên vẫn ở Thăng Long? Việc đó đúng về sự kiện, nhưng xem ra tiến sĩ đọc chưa hết nội dung sử chép, nên xảy ra thiếu sót.

          Tổng hợp từ các bộ Quốc sử lại, có thể tóm tắt như sau:

          Mùa đông 1771, quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm cáo lão về hưu ở Tiên Điền. Nhưng liền sau đó họa Tây Sơn xảy ra ở Nam Hà (1). Triều đình cần tới tài cầm quân của Nguyễn Nghiễm, nên lại cho vời trở lại và bổ làm Tả tướng quân. Song sự trở lại của Nguyễn Nghiễm không phải để ra ngồi ở kinh thành Thăng Long, mà để nam tiến, đi đánh Nguyễn Nhạc ở Quảng Nam. Trận ấy Nguyễn Nhạc thua và xin hàng. Năm 1774, Nguyễn Nghiễm đang ở Quảng Nam thì phát bệnh, dâng sớ xin nghỉ, Trịnh Sâm chuẩn y, quan Tư đồ về lại Tiên Điền nghỉ dưỡng điều trị. Năm 1775 (có sách chép 1776) Nguyễn Nghiễm mất, Nguyễn Khản cáo quan về Tiên Điền chịu tang. “Vũ Trung tùy bút” là cuốn ghi chép những câu chuyện bên lề chính sử, có một bài viết dài về dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có chép về Nguyễn Khản: “...Ông phải xin cáo quan về cư tang quan Tư đồ, rồi lại được phụng mệnh triệu ra, đổi sang Vũ ban...”.

          Giai đoạn này, việc làm quan của Nguyễn Khản có nhiều gián đoạn. Từ 1775 – 1777, Nguyễn Khản chịu tang cha ở Tiên Điền. Năm 1777, phụng mệnh ra làm quan trở lại, được bổ vào Vũ ban, nhưng ông không ở Thăng Long, mà được cử đi sửa chùa ở núi Dục Thúy, Ninh Bình. Sau thì do Nghệ An bị đói to, Nguyễn Khản trình lên Trịnh Sâm một kế sách gồm 4 điều trong kế hoạch cứu đói, được chúa phê chuẩn và được cử về cứu đói tại Nghệ An. Năm 1778 – 1779, Nguyễn Khản và Nguyễn Điều được cử đi đánh bọn giặc cướp ở Tuyên Quang. Năm 1780, xảy ra vụ án Trịnh Tông, Nguyễn Khản bị bắt và bị nhốt tù, sau đó được tha, sử chép là ông trở về Tiên Điền. Đến tháng 7 năm 1783, sau khi Trịnh Tông nhờ Kiêu Binh mà lấy lại được ngôi chúa, lại cho vời Nguyễn Khản. Nhưng chưa được nửa năm, tháng giêng 1784, gặp họa Kiêu binh (2), Nguyễn Khản bị phá nhà, phải chạy trốn lên Sơn Tây. Lúc bấy giờ Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây. Ban đầu hai anh em tính chuyện lập kế hoạch giúp Trịnh Tông diệt Kiêu binh lập lại trật tự, nhưng việc bại lộ, nên cả hai người phải trốn về Tiên Điền ẩn náu. Lê – Trịnh đến lúc này đồng suy thoái, Tây Sơn lấn lướt Bắc Hà, nội chiến kịch liệt. Với hoàn cảnh thất thế như vậy, Nguyễn Du làm gì có cơ hội phong quan? Quốc sử cũng không có quyển nào chép Nguyễn Du làm quan thời Lê triều.

          Với một lịch trình dày đặc những năm tháng ở lại Tiên Điền của Nguyễn Khản, Nguyễn Du chẳng có cớ nào ở Thăng Long cả? Đó là chưa kể năm 1778, mẹ của Nguyễn Du và Nguyễn Nễ mất, theo tục thời đó ở Ta, con trai phải cư tang cha mẹ (chịu tang tại nhà). Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Quýnh, hay Đoàn Nguyễn Thục đều có những dòng lịch sử ghi chép rõ ràng là phải cáo quan về cư tang, đó cũng là chứng cứ chứng minh có tập tục này.

          Như vậy, cả thảy giai đoạn từ năm 1771 – 1783, tức từ lúc Nguyễn Du sáu tuổi đến mười tám tuổi, ăn học và sinh sống tại Tiên Điền. Sẽ tiếp tục bàn ở kỳ sau, giai đoạn Nguyễn Du đi hát Phường vải ở Trường Lưu.

          2. Nguyễn Du từ 1784 - 1791: Ẩn cư ở núi Hồng Lĩnh

          Chó khỏe lông vàng đốm trắng

          Cổ đẹp đeo chuông vàng

          Chàng thiếu niên mặc áo nhẹ

          Dắt chó về núi phía nam

          (Trích: Hành lạc từ)

          Chả phải hình ảnh chàng công tử trẻ tuổi của làng Tiên Điền đây sao?

          “Hoàng Lê nhất thống chí” và “Khâm định Việt sử” đồng chép, Trịnh Tông lúc này bị Kiêu binh tiếm quyền, nên không dám bênh vực Nguyễn Khản, chỉ thỉnh thoảng gửi tiền thuốc men thăm hỏi động viên. Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, Nguyễn Khản và Nguyễn Điều vội vàng từ Tiên Điền ra Thăng Long để bàn mưu tính giúp Trịnh đánh Tây Sơn, nhưng chưa kịp làm gì thì mất. Nguyễn Điều mất trước đó, khi vừa tới Thanh Hóa. Cứ cho là Nguyễn Du từng theo hai anh trai trong chuyến đi này, nhưng sau đó lại bị nhốt tù mười tuần tại Nghệ An vào năm 1791 vì vụ việc định vượt biển vào Nam theo chúa Nguyễn, thì đồng nghĩa Nguyễn Du đã quay về lại Tiên Điền sau sự kiện 1786. Xin hỏi tiến sĩ mười năm lang thang tại Thái Nguyên và Quảng Châu mà tiến sĩ gán cho Nguyễn Du là quãng nào?

          Nghiên cứu gì mà bồng bột, nghe Nguyễn Du nói “Thập tải phong trần” một cái thì liền lập tức tìm cho được mười năm bụi đời để gán ghép cho Đại thi hào? Phong trần thì đời người ai mà chả có, huống chi Nguyễn Du lấy đạo hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ, một kẻ đi săn ở núi Hồng Lĩnh? Tôi thì tôi hiểu hai chữ “phong trần” là từng trải, chứ không phải bụi đời, nên cho rằng những bài thơ về mười năm phong trần xa quê của Nguyễn Du là từ 1802 đến 1812. Làm quan toàn chức nhỏ, sống ở nơi thôn quê, để vợ con lại Tiên Điền, một mình ở trọ đất khách. Hai kỳ của bài “Đại tác cửu thú tư quy” (Viết thay người lính thú lâu năm nhớ nhà), thể hiện như vậy, nói hộ người lính thú, hay là mượn hình ảnh lính thú nói hộ lòng mình, tiến sĩ đọc lên tự hiểu?

          Kỳ I

          Gió thu ngoài ải đưa tiếng địch đi xa
          Ban Siêu đầu bạc vẫn chưa được về
          Mười năm dâng mình cho nước, ơn vua nặng
          Nghìn dặm lìa nhà, giấc mộng lữ thứ kéo dài
          Vinh hoa như áo gấm đi đêm, chỉ là ảo ảnh ngoài thân
          Danh lợi như bóng mây buổi sáng, đổi khác ngay trước mắt
          Bên đường đất
lũng, năm này sang năm khác ruộng dưa lại chín
          Hết khổ đến sướng còn có ngày về

          (Dịch nghĩa: thivien.net)

          Ở kỳ II của bài thơ, sự thể rõ ràng hơn:

          Hoành Sơn – Thiên Nhận liền một dải

          Ngoảnh nhìn mây trắng xa cách tận bên trời

          ...

          Thân trong trời đất lấy trung đổi hiếu

          Muôn dặm gió bụi vì nước quên nhà

          “Nguyễn Du toàn tập” có nhiều chỗ dịch thuật buồn cười, dịch giả vô tư thêm hai chữ “kinh đô” vào chỗ nào họ muốn, bất cần nguyên bản có hai chữ ấy hay không. Tràng An cách Thăng Long hơn trăm ki lô mét mà cũng vô tư giải thích là Thăng Long? Đó là chưa nói, nội dung dịch nghĩa và dịch thơ chả ăn khớp gì với nhau? Ví dụ như bài thơ nói hộ người lính thú ở trên, có câu dịch nghĩa thì là “ Bên đường đất lũng, năm này sang năm khác ruộng dưa lại chín”, Nhưng dịch thơ lại là “Năm năm dưa chín đầy bên lũng”?

          Nếu tôi không một lần nói hết bây giờ, thêm một trăm năm nữa, e là cái lo của Nguyễn Du xảy ra sẽ rất buồn thương, khó bề cứu vớt. Vì sự tô vẽ nghìn năm cho đất Thăng Long, tiến sĩ đang tâm bỏ bớt hai phần ba giá trị con người thật của Nguyễn Du để dễ bề điều chỉnh, xóa dấu vết Đại thi hào tại Nghệ An? Có tiến sĩ giọng điệu rất kênh kiệu về trình độ chữ Hán của mình?

          Năm 1783, theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du ứng thí tại trường thi Sơn Nam, đậu Tam trường. Sự kiện thi cử này quốc sử không chép, nên đành tạm tin gia phả. Thật ra, giá trị con người Nguyễn Du đã vượt ra ngoài tầm tri thức của một tiến sĩ, cao vợi hơn nhiều lần, nên chuyện thi cử không còn là vấn đề cần soi xét nữa!

          1783, cũng là thời điểm Nguyễn Khản ra Thăng Long nhậm chức Tham tụng. Song như đã nói ở trên, Nguyễn Khản chỉ ở Thăng Long chưa được nửa năm, thì tháng Giêng 1784 đã phải chạy loạn Kiêu binh. Gia trang họ Nguyễn ở phường Bích Câu bấy giờ đã chẳng còn, chỉ tư thất ở Tiên Điền thì vẫn bề thế. Nguyễn Khản, Nguyễn Điều lúc này cũng về ẩn náu tại Tiên Điền, cho nên rõ ràng Nguyễn Du cũng phải theo anh về Tiên Điền. 1786, Tây Sơn đánh chiếm Bắc Hà, nội chiến vào giai đoạn kịch tính, Nam nhi đến tuổi trưởng thành, đã đậu đạt nhưng chẳng may gặp phải thời loạn lạc, dòng họ cũng gặp vận suy, trong lòng lại không muốn làm quan triều Tây Sơn, vậy đây xem ra chỉ có thể là thời điểm bắt đầu chặng ẩn cư của Nguyễn Du. Điều này chứng minh rõ trong “Thanh Hiên thi tập”, mà tôi sẽ tiếp tục sử dụng để phân tích dưới đây.

          Song trước hết tôi phải có đôi lời bàn về tình hình nội chiến, tại sao nhân dân lúc đó gọi Tây Sơn là ngụy?

          - Lịch sử là phải công tâm. Lý do chỉ là theo quy luật tất yếu thôi. Đất Bình Định lúc này thực ra chưa hoàn toàn lệ thuộc Đại Việt, mà còn là vùng tranh chấp giữa chúa Nguyễn và anh em nhà Tây Sơn. Nghĩa là quân Tây Sơn không phải quân chính thống của triều đình Đại Vit. Huống hồ chi còn có chuyện anh em nhà Tây Sơn trước đó đã tự xưng vương ở Bình Định từ 1776. Chứng cứ là Nguyễn Nghiễm về hưu rồi lại bị triệu hồi trở lại cầm quân triều đình đi đánh dẹp Tây Sơn;

          - Lý do thứ hai chính là do Nguyễn Huệ khi chưa thu phục được Bắc Hà, đã sử dụng quân ô tạp, gây ra tội ác ở Nghệ An, khiến cho dân chúng phẫn uất. Nhà Tây Sơn lúc bấy giờ theo Đạo Thiên Chúa, nhưng hành động tàn ác của tướng lĩnh nhà Tây Sơn đã khiến cho các sứ giả truyền Đạo tại Việt Nam cũng rất bất bình. Họ gửi những lá thư báo cáo về Bồ Đào Nha, kể lại cuộc nội chiến ở Việt Nam. Đây là một góc nhìn sự thật lịch sử khác ngoài Quốc sử ở Việt Nam có thể dùng xem xét đối chiếu (theo "Một vài sử liệu về Bắc bình vương Nguyễn Huệ" - một nhóm tác giả là giáo sĩ).

          - Lý do cuối cùng đó là tục tôn thờ nhất vua trong lòng người của các triều đại phong kiến. Cho dù nhà Lê đã vào thời kỳ thoái trào, nhưng trong lòng dân Đại Việt, nhà Lê vẫn là chính triều, trí sĩ được giáo dục phải thủy chung phục dịch và bảo vệ. Phan Đình Phùng hy sinh tính mạng trong cuộc Cần vương chống Pháp cũng vì tục này, khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ vào nước Ta. Cho dù trước đó ông bị triều Nguyễn bấy giờ đối xử tệ mạt, nhưng khi cần vẫn một lòng chung thủy vua tôi, xả thân vì vua.

          Từ quan điểm Tây Sơn là ngụy, rất ít văn nhân trí sĩ của Lê triều chịu ra phục vụ cho chính quyền Tây Sơn. “Khâm định Việt sử” và “Đại Nam thực lục” đồng chép về những cuộc nổi dậy chống Tây Sơn xảy ra xung quanh chân núi Hồng Lĩnh. Phạm Nguyễn Du ở Chân Lộc, Nguyễn Tiến ở Thạch Hà, đều là những cái tên trong số các cuộc cần vương đó. Cho nên Nguyễn Du có lẽ cũng không ngoài danh sách yêu nước này. Tiến sĩ cho rằng Nguyễn Du làm giặc, có lẽ là do tình cảm cá nhân yêu mến cảm tình nhà Tây Sơn, quên mất rằng lịch sử là cần công tâm? Tôi thì không đưa lời phán xét đúng sai, chỉ nói lên bản chất sự việc một cách khách quan những nội dung liên quan đến vấn đề đang bàn luận này, nghĩa là trong bài viết chỉ có một góc nhìn nhỏ về lịch sử, chứ không bao hàm lịch sử cả giai đoạn Lê – Nguyễn. Chính bản thân Nguyễn Du cũng xác nhận bị ngồi tù mười tuần trong bài “My trung mạn hứng” (Cảm hứng trong tù).

          Chung Tử viên cầm tháo nam âm,
          Trang Tích bệnh chung do Việt ngâm.
          Tứ hải phong trần gia quốc lệ,
          Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
          Bình Chương di hận hà thì liễu,
          Cô Trúc cao phong bất khả tầm.
          Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
          Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.

          Dịch nghĩa (Quách Tấn)

          Chung Tử gảy đàn theo điệu Nam,
          Trang Tích khi ốm ngâm nga bằng tiếng Việt.
          Khắp bốn bể đầy gió bụi, nghĩ tình nhà việc nước mà rơi lệ,
          Mười tuần nằm trong lao tù, lòng thấp thỏm chuyện sống chết.
          Bao giờ mới hết mối hận Bình Chương?
          Khó mà có được phong cách cao thượng của người nước Cô Trúc.
          Ta có một chút tâm sự này, không biết bày tỏ cùng ai,
          Dưới chân núi Hồng, sông Quế Giang
(2) sâu thẳm.

          Cần phải tản mạn đôi chút về tình hình Phường vải, kẻo có người lại thắc mắc vì sao Nguyễn Du ở Tiên Điền, mà lại không tiếp tục tham gia vào cuộc hát Phường vải?

          Đến năm 1785, hai vị thầy dạy học tiếng tăm của Trường Lưu là Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Quýnh đều đã mất và chiến tranh xảy ra tàn khốc, khiến cho Trường Lưu không còn là nơi tao đàn hội ngộ của nho sinh với Phường vải được nữa. Tây Sơn là nhân tố đạp đổ cảnh sắc đầy thơ mộng này của Nghệ An! Lứa học trò đồng môn của Nguyễn Du lúc này cũng đã lớn và đã có ý thức việc nước. Người thì lo khởi nghĩa cần vương, người thì lên núi ẩn dật, chờ cơ hội. Với Đạo danh “Hồng Sơn Liệp Hộ” và những bài thơ tầm đạo dưới chân núi Hồng Lĩnh thể hiện tâm trạng Nguyễn Du thoải mái, an nhiên. Ông yêu mảnh đất Lam Hồng nhất mực, cho dù nắng hè, gió tung cát bụi mịt mù như sa mạc, vẫn cho rằng là nơi cư sĩ có thể sống thanh nhàn.

          Núi Hồng một màu soi xuống làn nước phẳng,
          Kẻ hàn sĩ có thể ở được nơi thanh tú tịch mịch này.
          Mây trắng từ nghìn dặm bay đến bên giường,
          Trăng sáng soi qua cửa sổ, chiếu vào túi đàn cặp sách
.

          (trích bài Tạp thi – kỳ II)

          Tại bài “Mộ xuân mạn hứng” và bài “Đạo ý” cho thấy Nguyễn Du bắt đầu nhập môn, Tâm pháp và Kiếm pháp đều trong thời kỳ tu luyện. Lời thơ lạc quan, tự tin, chứ chưa có dấu hiệu sầu đau như về sau. Dịch giả dường như chưa thấu được ý đạo của Nguyễn Du, nên tôi cáo lỗi dịch theo ý mình.

          MỘ XUÂN MẠN HỨNG

          Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật,
          Phao trịch xuân quang thù khả liên.
          Phù thế công danh khan điểu quá,
          Nhàn đình tiết tự đới oanh thiên.
          Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại,
          Thiên tuế trường ưu vị tử tiền.
          Phù lợi vinh danh chung nhất
tán,
          Hà như cập tảo học thần tiên ?

          Dịch nghĩa (Phan Lan Hoa)

          CẢM HỨNG LAN MAN MÙA XUÂN

          Một năm có chín mươi ngày xuân,
          Bỏ mặc cho cảnh sắc trôi qua thì thật đáng tiếc!
          Công danh ở đời
như cánh nhạn vụt bay qua,
          Ngoài sân vắng, tiết khí cũng theo chim oanh mà đổi dời
          “Trắc thân” là tư thế (tấn) không xuất lộ (trực diện) ngoại hình,
          Nghìn năm hoài cảm chuyện tử sinh

          Danh lợi hão huyền rồi sẽ tiêu tan
          Chi bằng sớm theo học đạo thần tiên!

          Trong bài thơ trên, Nguyễn Du mượn tên một thế võ để bàn về đạo lý và trong lòng dường như đã đạt đến được độ an nhiên tại bài “Đạo ý”

          Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
          Tỉnh thuỷ vô ba đào.
          Bất bị nhân khiên xả,
          Thử tâm chung bất dao.
          Túng bị nhân khiên xã,
          Nhất dao hoàn phục chỉ.
          Trạm trạm nhất phiến tâm,
          Minh nguyệt cổ tỉnh thuỷ.

          (Dịch thơ Phan Lan Hoa)

          Trăng rọi lòng giếng cổ
          Nước tĩnh không sóng xô
          Không
bị người khuấy đảo,
          Không xao động bao giờ
          Dù bị
người khuấy đảo
          Một lúc lại lặng tờ
          Tâm tịnh như lòng giếng

          Đáy trong soi ánh ngà

        Trong “Thanh Hiên thi tập” thể hiện lúc bấy giờ Nguyễn Du có nhiều bạn bè chí thân. Nguyễn Du đã rất nhớ bạn khi chia tay ở La Thành (thành bên bờ sông La).

          Hạc trời, cá đầm biết đâu mà tìm?
          Từ ngày chia xa ở La Thành chốc đã mười năm.
          Bạn đồng
môn mà xa cách nhau như trời với đất, khó lòng gặp mặt nhau,
          Chuyện năm trước nay ngoảnh đầu lại đã thành chuyện cổ kim rồi.
          Tóc bạc làm tiêu ma chí khí của kẻ sĩ nghèo,
          Chiếc áo sồi đủ chứng tỏ lòng quyến luyến của người bạn cũ.
          Chớ lo cho tôi ở nơi hẻo lánh này không có bạn,
          Sông Lam núi Hồng có nhiều cảnh đẹp, đủ để mà ngâm vịnh

          (Tặng Thực Đình – Dịch nghĩa Quách Tấn)

          Quốc sử Việt Nam rõ ràng là rất thiếu sót khi bỏ qua không ghi chép kỹ càng về Bụt Đạo. Dường như tất cả bá quan văn võ của các triều đại Việt Nam từ Lý – Trần – Lê – Nguyễn, mỗi trí sĩ đều có Đạo hiệu, không sót một ai. Việc tu hành thể hiện là dòng Bụt Đạo nguyên thủy. Khi rảnh có thể lên núi lập am tu tập vài ba tháng, hoặc vài ba năm, không trai tịnh cả đời như Phật giáo Đại Thừa, mà vẫn có thể về nhà lấy vợ sinh con. Nguyễn Du tự mô tả năm tháng làm đạo sĩ của mình:

          Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng,
          Giang nam giang bắc nhất nang không.
          Bách niên cùng tử văn chương lý,
          Lục xích phù sinh thiên địa trung.
          Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh,
          Nhất đầu bạch phát tản tây phong.
          Vô cùng kim cổ thương tâm xứ,
          Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng.

          Dịch nghĩa (Quách Tấn)

          Chân không bén rễ, mặc cho trôi giạt như ngọn cỏ bồng.
          Một chiếc đãy rỗng không, đi hết phía nam sông, lại phía bắc sông.
          Cuộc đời trăm năm, kiết xác với văn chương.
          Tấm thân sáu thước, lênh đênh trong vòng trời đất.
          Đội mũ vàng, đi muôn dặm, cảnh đã xế chiều.
          Mái tóc bạc lốm đốm, gió tây thổi tung.
          Chuyện kim cổ gợi lại bao nhiêu điều thương tâm.
          Dãy núi xanh đằng kia vẫn nhuốm bóng chiều hồng như cũ.

          Nguyễn Du 1791 - 1794: Lánh nạn tại  Ninh Bình - Thái Bình

          Họa Kiêu binh 1784, tư thất ở phường Bích Câu tan tành; họa Tây Sơn gia trang ở Tiên Điền cũng bị tàn phát nốt. Còn Nguyễn Du, lần theo những dòng thơ, thì biết rằng Đại thi hào đã phải chạy trốn ra tận Thái Bình, ăn nhờ ở đậu mất ba năm đất khách quê người (1791 – 1794). Việc lánh nạn ra Thái Bình không hề là vô cớ. Người đã mất thì tình cũng thường tan. Cả đất Bắc Hà lúc này, chỉ có Đoàn Nguyễn Tuấn ở Thái Bình là bạn thân của anh trai Nguyễn Nễ, có thể nương nhờ. Tình bạn giữa hai ông anh được Nguyễn Nễ thể hiện trong bài thơ “Để Đoàn Thành ký tâm hữu Đoàn Hải Ông” của mình:

          Cuối thu cùng đàn hạc đến nơi cửa ải
          Đầu đông đem cờ quạt đến thành một mình
          Tiếp nhau thơ rượu, nhớ càng thêm hận
          Vịnh núi sông xong mà đọc chẳng thành
          Muôn dặm tình bạn theo bước chân xa
          Một trời phong cảnh còn ai tranh nữa
          Sánh đôi đêm trăng có người thổi khèn
          Có nghĩ chăng đến cảnh người khách lạ lùng

          Dịch nghĩa (thivien.net)

        Thơ chỉ lờ mờ thể hiện vậy thôi, không có dòng nào, bài nào nói đến tình yêu trai gái. Lời lẽ Nguyễn Du cư xử với Đoàn Nguyễn Tuấn cũng chỉ là sự cung kính khách sáo, chưa thân mật kiểu anh em một nhà. Nếu nơi Nguyễn Du sống nhờ đã là quê vợ, chí ít cũng có tình cảm gia đình, chắc chắn rằng lời thơ không sầu não buồn thương, xa lạ như thế này:

          Quanh quẩn hết mùa nực lại đến mùa rét.
          Ta thì phải giã từ năm cũ ở đất khách quê người?
          Chẳng hay xuân từ đâu đến Quỳnh Hải,
          Đau lòng nhìn bãi cỏ xanh bên bờ nam

          (Trích: Xuân nhật ngẫu hứng)

          Và đây nữa, ở bài “Xuân dạ”. Nếu là người có vợ, sao ốm đau lại không người chăm nom?

          Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?
          Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.
          Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,
          Cuộc đời có khác gì vẻ xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.
          Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
          Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.
          Ở đó, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng lòng sông Long Giang
          Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ

          (Dịch nghĩa:thivien.net)

          Có lẽ đây là thời gian Đoàn Nguyễn Tuấn gặp và có cơ hội để nhìn nhận về con người Nguyễn Du, phải có sự cảm mến người trai trẻ Tiên Điền thế nào, thì ông mới đắc tâm lựa chọn làm chồng cho em gái mình. Năm Giáp Dần 1794, khi mà Đoàn Nguyễn Tuấn được triệu hồi về nhậm chức tại kinh thành Phú Xuân. Sau khi nhờ nhắn gửi điều muốn nói tới anh mình, Nguyễn Du cũng trở về Tiên Điền, rồi vào Phú Xuân thăm anh (Nguyễn Du đã kể vậy trong thơ). Duyên trăm năm của ông với người con gái út của Thiêm đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục, chính thức được hai người anh của hai người kết nối.

          Năm 1795, Nguyễn Du được Nguyễn Nễ giao cho việc phục dựng lại từ đường dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Từ năm 1795 - 1802, Nguyễn Du lấy vợ và ở Tiên Điền. Chứng cứ khó chối cãi là những bài thơ làm dưới chân núi Hồng Lĩnh xác nhận ông khi ấy ba mươi tuổi.           

                Trăng sáng giữa trời, tình bạn còn đó,
             Non Hồng trăm dặm, cùng chung một chính khí.
             Mắt xem việc đời như một đám phù vân,
             Thanh kiếm đeo lưng trước làn gió thu.

                  (trích bài Ký hữu - Dịch nghĩa Quách Tấn)

          Tổng kết lại, suốt “Thanh Hiên thi tập”, nội dung thơ thể hiện, ngoài thời gian khoảng trên dưới ba năm ở nhờ nhà Đoàn Nguyễn Tuấn tại Quỳnh Côi, Thái Bình, thì thời gian còn lại Nguyễn Du chỉ loanh quanh dưới chân núi Hồng Lĩnh, trong vai hàn sĩ nghèo, trên vai chỉ có trăng, hoa, phong, sơn, đàn, sách, kiếm, câu. Thơ viết ở đất Thăng Long chỉ có ba bài, thì hai bài viết ở La Phù, giáp với Thường Tín, nơi Nguyễn Du được bổ làm quan năm 1802. Nhưng mỗi bài đều mất vài dòng thương nhớ núi Hồng sông Lam khôn tả. Một nhân sĩ sinh ra và lớn lên tại đất Thăng Long, sẽ không thể bàng quan tình cảm của mình với Thăng Long như thế được, huống hồ chi một thi sĩ đa tình như Nguyễn Du?

          Một chứng lý cuối cùng xét thấy cũng nên nói ra. Ngoài những bài thơ chữ Hán, thì những bài thơ chữ Nôm, Nguyễn Du sử dụng Nghệ ngữ và Việt ngữ cổ rất đặc trưng. Việc này gây tranh cãi rất nhiều giữa các nhà nghiên cứu Truyện Kiều. Nhiều người không hiểu, tưởng là bản sao chép bị nhầm. Thật ra, bên bờ Long Vĩ Giang (cuối nguồn sông Lam), ngay quê nhà của Nguyễn Du, có tộc người Đan Nhai, nên cửa sông này còn được gọi là cửa Đan Nhai, đây là một nhóm người Việt cổ (4). Cho đến bây giờ vẫn dùng rất nhiều cổ ngữ, khiến cho người các vùng lân cận lắm lúc cũng không nghe ra họ nói gì. Phải là người sống lâu năm ở đất Nghi Xuân, mới sử dụng Nghệ ngữ và Việt ngữ cổ để đưa vào thơ nhuần nhuyễn được như vậy. Còn nếu như Đại thi hào là người sinh ra và lớn lên ở đất Thăng Long, sẽ không dễ dàng thấm nhuần được hai thứ ngôn ngữ này đến thế đâu.

          Hai trăm bảy tư bài thơ trong “Nguyễn Du toàn tập”, tôi thấy trật tự sắp xếp rất lộn xộn và chưa thể gọi là toàn tập vì nó thiếu ba bài thơ chữ Nôm rất quan trọng là: “Thác lời trai Phường nón”, “Văn tế nhị nữ Trường Lưu”, “Văn tế thập loại chúng sinh”. Ba bài này tầm ảnh hưởng và giá trị văn hóa cũng không hề thua kém Truyện Kiều. Nếu hai bài dành cho địa danh Trường Lưu nói lên rằng Nguyễn Du là một trong những đứa con đầu lòng của môn hát Phường vải – Một di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại; thì "Văn tế thập loại chúng sinh" đã trở thành di sản chung của Phật giáo. Riêng với nghiên cứu của tôi, ba bài thơ văn chữ Nôm là một trong những tư liệu thuộc diện chứng cứ.

          Ý kiến của tôi về “Thanh Hiên thi tập”, nên chọn theo trật tự:

          1 - Những bài về đạo học (dưới chân núi Hồng Lĩnh)

          2 - Những bài ở Thái Bình, Ninh Bình (3 năm chạy loạn)

          3 – Những bài hàn sĩ tóc bạc (dưới chân núi Hồng Lĩnh)

          4 – Những bài viết ở La Phù (thời gian làm quan ở Thường Tín)

          5 – Những bài viết về Hưng Yên và các vùng lân cận (Thời gian làm quan tại một huyện ở Hưng Yên)

          NHỮNG ĐỊA DANH TRONG “THANH HIÊN THI TẬP”

          - Địa danh thuộc Nghệ An: Giang Đình, Long Vĩ Giang, La Thành, Long Thành, Lam Thành, Lục Thành, Lam Giang, Quế Giang, Hồng Lĩnh, Thiên Thai, Hoành Sơn, Thiên Nhận, Hoàng Mai kiều, Càn Hải, Ninh Công Thành

          - Địa danh tại Ninh Bình: Trường An hay Tràng An, Thanh Quyết giang, Tam Điệp Sơn (đèo Ba Dội, ranh giới Thanh Hóa – Ninh Bình)

          - Địa danh thuộc Thái Bình: Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Quynh Côi

          - Địa danh thuộc Nam Định: Vị Hoàng Doanh

          - Địa anh thuộc trấn Sơn Nam (Nam Định - Hải Dương - Hưng Yên - Thái Bình): Đồng Lung, Phú Nông Giang (sông Luộc, ranh gii gữa Thái Bình - Hưng yên)

          - Địa danh thuộcThăng Long: La Phù (huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội), Nhị Hà (Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội)

                   

===

Chú thích:

(1)Trong nội chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, sông Gianh là chiến tuyến, lúc ấy từ bờ nam sông Gianh đổ vào gọi là Nam Hà; từ bờ bắc sông Gianh đổ ra gọi là Bắc Hà.

(2) Kiêu Binh: Một nhóm cựu binh Thanh Hóa – Nghệ An. Tương tự như Hội cựu chiến binh bây giờ. Tuy không còn là lính chính quy của triều đình, nhưng rất có thế lực.

(3) Đò Cài: Sông Hà Hoàng cổ xưa chảy quanh chân núi Hồng Lĩnh. Nay nhiều khúc đã cạn dòng. Đoạn chảy qua Nghi Xuân gọi là sông Cài; Đoạn chảy qua thị trấn Can Lộc gọi là sông Nghèn; Đoạn chảy qua thành phố Hà Tĩnh gọi là sông Hộ Độ; Còn lại đoạn cuối nguồn đổ ra cửa sót vẫn được gọi là sông Hà Hoàng. Vùng tả ngạn sông Hà Hoàng cũng đồng tên gọi là xã Hà Hoàng. Đất này mang nhiều dấu tích cội nguồn của hai tộc người Việt  - Chăm, bao gồm cả tên gọi thắng tích và di chỉ khảo cổ học.

(4) Đan Nhai: Tên cửa sông nơi sông Lam đổ ra biển, nhưng không phải cửa Hội Thống bây giờ, vì khi ấy nước biển ăn sâu vào tận chân núi Quyết. Xem xét địa hình thì bến Giang Đình sát với cửa sông Đan Nhai. Lịch sử Nghệ An có chép về người Việt cổ sống ở hai bên bờ sông này, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản và đi săn. Vào thời Lê triều, một ngày nọ họ cứu một con thuyền bị bão đắm ngoài biển, ngờ đâu cứu phải thuyền cướp biển. Lo sợ bị triều đình khép tội tru di, nên cả làng chạy trốn trong đêm, ngược ngàn lên miền rừng núi, sống trong tư thế bỏ chạy, luôn luôn ngủ ngồi. Còn lại ở Nghi Xuân chỉ thưa thớt, sống chui nhủi.

(5) Quế Giang: Theo mô tả trong thơ của Nguyễn Du, thì không phải là sông Lam, mà là sông Minh. Nếu sông Lam chảy phía sau làng Tiên Điền, thì sông Minh là con sông duy nhất bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh, chảy quanh dưới chân núi, rồi băng qua một quãng đồng phía trước Tiên Điền, đổ ra sông Lam, từ quốc lộ một rẽ vào thị trấn Nghi Xuân sẽ thấy con sông nhỏ này (xem ảnh).

 

***

NGUỒN TƯ LIỆU THAM KHẢO VÀ SỬ DỤNG:

- Đại Nam liệt truyện

- Đại Nam thực lục

- Quốc sử di biên

- Khâm định Việt sử

- Hoàng Lê nhất thống chí

- Lê quý dật sử - Bùi Dương Lịch

- Một vài tư liệu về Bắc bình vương Nguyễn Huệ - Một nhóm tác giả là giáo sĩ

- Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ

- Tố Như thi – Quách Tấn

- thivien. net

- Nguyễn Du toàn tập – NXB Văn học

 

***

LAM HỒNG PHONG CẢNH: (Ảnh chụp của Phan Lan Hoa)

Ảnh 1: Bến Giang Đình (Long Vĩ Giang) 

Ảnh 2: Sông Minh trước lối vào làng Tiên Điền

Ảnh 3: Hồng Lĩnh ban mai

 

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 PHẢN BIỆN CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU - Kỳ 1 (17h: 07-12-2020)
 MUÔN THÚ CHƠI THƠ KIỀU CỦA DÂN VIỆT NAM (23h: 09-03-2013)
 TẬP KIỀU GỬI HAI VỊ “HẬU SINH KHẢ UÝ” ĐỖ MINH XUÂN VÀ VŨ KHIÊU (19h: 12-04-2014)