ĐỀ TÀI PHẢN BIỆN
CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY VỀ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI NGUYỄN DU
Bài viết của Phan Lan Hoa
Kỳ 4: HÀNH TRẠNG NGUYỄN DU QUA NHỮNG DÒNG THƠ NÔM NGOÀI TRUYỆN KIỀU
٭٭٭
Danh xưng Đại thi hào thôi chưa đủ tôn vinh hết giá trị con người của Nguyễn Du, bởi vì danh xưng ấy chỉ mới tôn vinh được tài thi phú, còn hai giá trị lớn lao khác từ hiện thân con người Nguyễn Du là Nghệ sĩ tạo nên di sản văn hóa phi vật thể và Người giác ngộ viết nên kinh luân chưa được khai thác một cách nghiêm túc? Ý tôi muốn nói đến ba bài văn thơ chữ Nôm: “Thác lời trai Phương nón”, “Văn tế nhị nữ Trường Lưu”, “Văn tế thập loại chúng sinh”. Chỉ ba bài thôi, nhưng mang tầm tới hai giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghiên cứu gì mà lại bỏ qua những giá trị lớn như vậy không tôn vinh, thì chưa gọi là nghiên cứu chân chính được?
Lịch sử văn hiến Nghệ An - Hà Tĩnh xác nhận Phường vải Trường Lưu là cái nôi của Làn điệu Ví phường vải xứ Nghệ. Điều đáng quan tâm, là những nhân vật sắm vai con cả nằm nôi của sự kiện lớn lao này là ai? Có hai danh nhân Việt Nam được xác định tên tuổi, đó là Đại thi hào Nguyễn Du và quan Tả tư giảng Lê triều Nguyễn Huy Quýnh (1). Trong khi Nguyễn Huy Quýnh sắm vai thầy bày, thì Nguyễn Du sắm vai con hát, tức là một nghệ sĩ thực thụ. Bản thân Nguyễn Du cũng thừa nhận đã từng đi hát và hò hẹn Phường vải trong hai năm, cho nên là chứng cứ lịch sử miễn cãi và càng không thể cho qua? Vì cho qua, tức bỏ đi tới hơn một nửa giá trị con người Nguyễn Du. Lời thơ của Nguyễn Du trong “Thác lời trai Phường nón” nhiều câu đã thành lời của Ví Giặm.
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu
(Điệu hò khoan đi đường – Ví Giặm xứ Nghệ)
***
Chưa chi đông đã rạng ra
Đến giờ vẫn giận con gà chết toi
Tím gan cho cái sao Mai...
(Ví phường vải)
Tản mạn một chút về tục hát Phường vải ở Nghệ An. Bắt đầu từ việc nghề phụ của các cô gái nông thôn là trồng bông, xe sợi, dệt vải. Ban ngày các cô đi làm đồng. trồng trọt, cày cấy, ban đêm thì nghề khung cửi vá may. Để có bầu có bạn, nhà nào có sân rộng thì các cô tập trung lại cùng làm cho có phường có hội. Rồi vừa làm, vừa hát hò vui vẻ. Trai làng, nho sinh đi ngang chạnh lòng muốn vào giao lưu, bèn đứng ngoài ngõ bụm tay hát vọng vào để ướm lời. Các cô thấy thế cũng nghịch ngợm không vừa, đưa ra những câu hát bề ngoài thì ra vẻ chào hỏi cung kính, nhưng mặt khác là đòi các chàng khai báo lý lịch họ tên, trình độ học vấn. Các chàng trai phải trả lời được trúng những lới hát đố của Phường vải, mới có người ra chào đón, mời vô uống nác chè xanh. Nếu trả lời không được, thì dù ngõ không có cổng rào cũng chả dám vào, dễ bị các cô hát đuổi về. Lâu dần, Phường vải thành sân chơi thử thách anh tài, đỉnh điểm thì kể cả hoàng giáp, tiến sĩ, quan chức triều đình đều bị cuốn hút vào cuộc hát. Đại thi hào như Nguyễn Du, Sào Nam Phan Bội Châu cũng không ngoài danh sách từng “cân sức” tại Phường vải. Cuộc chơi hấp dẫn đến độ nhiều khi khiến cho các thầy đồ tự giác chong đèn sách vở cẩn thận, rồi mới dám khăn áo, tay nải vượt đường xa cả trăm ki lô mét chỉ để đi tìm phường vải.
Nguyễn Du của một thời thanh xuân ở Tiên Điền là một thanh niên đầy sôi nổi, một tài tử hào hoa, chứ không u buồn sầu não như về sau. Đời tư của ông cũng là một cuốn phong tình lục để đời.
Xôi nếp cái, gái Trường Lưu
Văn nhân tài tử dập dìu
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang
(Ca dao dân ca xứ Nghệ)
Hãy nghe Nguyễn Du tự kể về cuộc chơi của mình trong bài “Văn tế nhị nữ Trường Lưu”
Nhớ hai ả xưa
Tính khí dịu dàng
Hình dung ẻo lả
Rạng làu làu gương đan quế vừa tròn
Non mơn mởn đoá hải đường chưa nở
...
Đêm đêm thường ví hát xôn xao;
Ai ai cũng trầu cau đãi đoã.
Ả nọ, o này đông đúc, gái một thì gặp tuổi sang xuân;
Anh kia chú nọ rình mò, trai ba phủ quyết chơi mãn hạ.
...
Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;
Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn toạ.
...
Thương vì nỗi mưa dầm rỉ rỉ, chận chắc với con trâu đực, ả cầm đèn, ả đi trước dẫn đường;
Đau vì khi lửa cháy phừng phừng, tím gan cho cái gà toi, ả vác búa, ả đứng ra lấp sá.
...
Ba sinh đành một kiếp hẹn hò;
Hai năm được mấy lần chung chạ
...
Tôi thì tôi nghĩ rằng cái cớ ban đầu sang Trường Lưu của Nguyễn Du đó là sang để đi học. Phường vải là chỉ duyên gặp gỡ trên đường đi học mà nên phong tình. Dòng họ Nguyễn Huy tại Trường Lưu bấy giờ có trường học rất nổi tiếng. Nhiều nho sinh khắp vùng lân cận quy tụ về đây nhập học. Gái Phường vải Trường Lưu lại vốn có tiếng là đẹp người đẹp nết trong vùng. Trai thanh gái lịch tập trung vào một chốn, tất yếu nên chuyện phong tình. Sự việc được Nguyễn Du xác nhận tại câu chuyện cô gái lái đò ở sông Cài.
Cô ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trợt, nhỡ nhàng tôi ra
Câu chuyện được truyền miệng trong dân gian Hà Tĩnh rằng, khi ấy học trò Nghi Xuân qua Trường Lưu đi học phải qua Đò Cài. Cô lái đò thấy học trò hôm ấy đi học muộn, nghịch ngợm muốn chòng ghẹo, nên chèo đò ra xa bờ sông rồi cắm sào ngồi đó. Đám học trò gọi mãi, song cô đòi phải làm thơ hò lên nghe vừa lỗ tai mới lái đò vào. Vừa lúc Nguyễn Du đi tới, nghe bạn kể mà hiểu chuyện, bèn bụm tay hò với ra sông. Bấy giờ cô gái mới chịu ghé thuyền để chở học trò qua sông. Hai từ “trưa trợt” là Nghệ ngữ, nên nó khó mà xảy ra tại sông Nhị Hà như tiến sĩ bình luận?
Hát Phường vải được gọi là “cuộc hát”, vì hát chỉ là phương tiện đưa lời, còn thực chất là một cuộc chơi chữ trí tuệ, cho nên Nguyễn Du mới tả trong bài rằng “trai ba phủ quyết chơi mãn hạ” (2).
Tôi lờ mờ đoán, “Văn tế nhị nữ Trường Lưu” là Nguyễn Du làm về sau này, khi đi xa về lại. Bởi vì ngoài việc mô tả chi tiết quang cảnh hát Phường vải ở Trường Lưu, thì giọng văn có vẻ dỗi hờn hai ả Phường vải là o Uy, o Sạ. Xem ra tài tử đa tình Nguyễn Du yêu tới hai cô trong làng, nhưng do đi thi, rồi do loạn lạc, đến khi tìm về thì hai o đã lấy chồng, trong làng gọi hai o bằng mụ, nọ mụ kia cả rồi. Lại cũng đã lâu, nên trong làng không ai còn nhận ra Nguyễn Du, cũng không ai nhớ chuyện cũ “tắt đèn, nổ lói” của trai làng chơi đểu dẫn đến Nguyễn Du suýt đánh lộn nữa. Vậy thì tại bài văn tế có ba giá trị khảo cứu được xác lập:
- Nguyễn Du là người trong cuộc thì mới mô tả được chi tiết cảnh hát Phường vải ở Trường Lưu sống động như vậy;
- Nguyễn Du tự xác định thời gian qua lại Trường Lưu là hai năm và ở tuổi đã biết yêu.
- Mối giao lưu dẫn dắt Nguyễn Du đến Trường Lưu là “quan họ” thông gia với họ Nguyễn Tiên Điền, đó chính là họ Nguyễn Huy. Theo tư liệu ghi chép của Ví Giặm xứ Nghệ, người có mối quan hệ trực tiếp này là Nguyễn Huy Quýnh trong vai thầy bày của Phường vải.
Việc còn lại là xác nhận mốc lịch sử nào cả Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Du cùng kháp mặt nhau tại Trường Lưu, để đưa vào dòng chảy Nguyễn Du mà thôi. Lần theo Quốc sử, đã xác định giai đoạn từ 6 – 18 tuổi, Nguyễn Du sống ở Tiên Điền. Đồng giai đoạn lịch sử, Nguyễn Huy Quýnh lúc này làm Đốc thị Thuận Hóa. Ngày 2 tháng mười, năm 1781, Mẹ của Nguyễn Huy Quýnh mất, ông vì tang mẹ, mà cáo quan về quê chịu tang. Cư tang cha mẹ theo phong tục là phải đủ 3 năm, vị chi từ tháng 10 năm 1781 đến tháng 10 năm 1784, Nguyễn Huy Quýnh ở Trường Lưu và theo gia phả ông dạy học tại trường học của gia tộc Nguyễn Huy. Tham gia làm thầy bày sau hậu trường Phường vải, có lẽ là do ông thầy muốn thử tài học trò của mình, khích lệ học tập mà thôi. Chứ hát hò văn nghệ giải trí gì mà “trai ba phủ quyết chơi mãn hạ”, lại còn đòi “đối địch” đến cùng như thế này:
Đồn đây có gái hát tài
Để ta đối địch một vài trống canh
Dẫu thua, dẫu được cũng đành
Bõ công đèn sách học hành bấy lâu
(Ví Phường vải xứ Nghệ)
Năm 1783, Nguyễn Du ứng thí tại trường thi Sơn Nam. Vậy thời gian gặp gỡ giữa Nguyễn Du và Nguyễn Huy Quýnh chỉ có thể xác định trong quãng từ tháng 10 năm 1781 – 1783, tức khoảng hai năm như Nguyễn Du tự kể. “Thanh Hiên thi tập” chỉ có ba bài thơ viết về Thăng Long, nhưng lần theo địa danh La Phù, thì là thời điểm ông làm quan tại Thường Tín năm 1802. Cho nên chỉ có thể kết luận rằng Nguyễn Du sau sự kiện năm 1784 đã về lại Tiên Điền, ẩn dật dưới đạo danh Hồng Sơn Liệp Hộ vì không muốn xuất thân làm quan tại triều Tây Sơn.
Nguyễn Huy Quýnh mất năm 1785. Sách “một vài tư liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ” của một nhóm tác giả là giáo sĩ có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ chép rằng, tại Nghệ An bấy giờ có tên tướng dưới quyền của Nguyễn Huệ, tên lá Vách Quich rất tàn ác, giết người, cướp của, thu vét thóc lúa của dân đến khánh kiệt, Nghệ An tang thương vô cùng, khiến cho kẻ sĩ tụ nhau cần vương cũng nhiều (ảnh tư liệu đính kèm). Phường vải có lẽ vì vậy mà không còn có thể sinh hoạt vui vẻ được như trước. Thời gian thể hiện ở những bài thơ chữ Hán trong cụm thơ “Dưới chân núi Hồng Lĩnh” trải dài xuyên suốt “Thanh Hiên thi tập” cũng chứng minh Nguyễn Du sống chủ yếu tại Tiên Điền.
Giai đoạn 1781 – 1783, Nguyễn Du khoảng từ 16 – 18 tuổi, độ tuổi của yêu đương, cho nên say đắm Phường vải đến độ “Mới đêm hôm trước, lại chiều hôm ni”. Đây là giai đoạn lịch sử duy nhất xác định được hai nhân vật nằm nôi lịch sử của Phường vải Trường Lưu gặp nhau cùng một địa điểm. Dù là về tình, hay về lý, đều phù hợp bối cảnh.
VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH
Ở kỳ 2, nhưng vần thơ chữ Hán chứng minh hai việc: Thứ nhất là từ nhỏ đến lớn hầu như Nguyễn Du chỉ sống tại Tiên Điền, hiếm khi đi xa khỏi dãy núi Hồng Lĩnh; thứ hai là Nguyễn Du từng đội mũ vàng, khất thực. Bài “Văn tế thập loại chúng sinh” không đánh giá về những dấu mốc lịch sử cuộc đời Nguyễn Du, mà đánh giá giá trị đạo đức và tầm ảnh hưởng của Đại thi hào trong thế giới Phật giáo. Hay nói cách khác, đánh giá mức độ giác ngộ trong tu hành của Nguyễn Du.
Nhưng bài văn tế này cũng đồng cảnh Truyện Kiều thơ Nôm. Cũng bị đem soi xét với “Du già tập yếu thí thực nghi quỹ” (瑜 伽 集 要 施食 儀 軌) của người Hán, xem có phải là Đại thi hào phổ thơ lại bản chữ Hán của Trung Quốc hay không?
Vấn đề này, ý kiến của tôi lại cũng có cái nhìn khác. Du-già là tên đức Phật Di-đà trong các bản Kinh Phật bằng tiếng Hán (阿輸伽 – A-di-đà). Theo tôi hiểu thì tác giả “Du già tập yếu thí thực nghi quỹ” là Châu Hoằng đời Minh, cũng như Nguyễn Du là tác giả “Văn tế thập loại chúng sinh” đời Nguyễn ở Việt Nam, đều là những người giác ngộ, dùng văn thơ của mình để phổ kinh. Nghĩa là gốc gác của việc tế “Lục đạo cô hồn” là từ nhà Phật, cụ thể nội dung này thuộc bộ Di-đà Kinh. Hai vị danh nhân có lẽ đều mong mỏi tìm cách phổ cập giáo lý Phật giáo sâu rộng vào trong dân chúng, nên đã dùng văn ngôn viết thành bài. Tuy vậy hai nội dung cho thấy mức độ giác ngộ của hai vì khác nhau.
Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn ở Viện Hán Nôm đưa ra ý kiến: “...Điều đáng nói là bản Văn tế - bản Nôm, tác giả đã không kể người Tăng ni xuất gia đầu Phật và Đạo sĩ như trong bản Du già. Chúng tôi không rõ tác giả có dụng ý gì khi loại trừ hai loại cô hồn trên. Các bản Nghi quỹ Du già không loại trừ Tăng ni xuất gia và Đạo sĩ trong “lục đạo cô hồn”, cho thấy hoàn toàn phù hợp với thế giới quan của Phật giáo...”.
Tôi thấy việc này càng chứng tỏ mức độ giác ngộ của Nguyễn Du cao hơn Châu Hoằng đời Minh một bậc, bởi đây là văn tế những linh hồn không mồ mả, không còn người thân ở cõi dương trần hương khói. Tăng ni và đạo sĩ là người của thế giới Bụt Đạo, đâu phải cô hồn không nơi nương tựa? Theo thuyết pháp, thì tăng thích, hay đạo sĩ, nếu tu hành đạt đạo, linh hồn đã siêu thoát ngay khi còn sống, cần chi đến chuyện chiêu hồn? Người viết văn tế là Đạo sĩ, nên thấm nhuần lẽ đạo rằng ông không thuộc diện cô hồn.
Như vậy là có tới ba giá trị văn hóa phi vật thể trong một con người Nguyễn Du: Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới với những tác phẩm thi ca bất hủ, hai trăm năm không ngừng lan tỏa; Nghệ sĩ đầu đàn của một dòng dân ca mang tầm di sản phi vật thể của nhân loại – Ví Giặm xứ Nghệ; Người giác ngộ thảo “Văn chiêu hồn” đem lại giá trị tâm linh cho thế giới Phật giáo.
Tầm ảnh hưởng của Nguyễn Du cho đến hiện tại thực sự như là biển rộng...
Kỳ tới: PHẢN BIỆN VỀ NGUỒN GỐC TRUYỆN KIỀU – kỳ 1
***
Tài liệu tham khảo và sử dụng:
- Hoàng Lê nhất thống chí
- Việt sử thông giám
- Đại Nam thực lục
- Trang web: hannom.org. vn
- Cầm ca Việt Nam – Toan Ánh
- Hát Phường vải – Ninh Viết Giao
Ghi chú:
(1) Nguyễn Huy Quýnh: Quốc sử các quyển đều chép là Nguyễn Quýnh, tuy nhiên xem quê quán thì vẫn đúng.
(2)“Trai ba phủ quyết chơi mãn hạ”: Ba phủ ở đây là phủ Đức Quang, phủ Anh Đô và phủ Hà Hoa. Phủ Đức Quang gồm : Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc; Phủ Anh Đô gồm các huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương; Phủ Hà Hoa gồm Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh