Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
TIÊN KHÔNG HỌC LỄ, THÌ TIÊN NÊN HỌC GÌ THƯA ÔNG GIÁO SƯ?
 
(16h: 28-11-2021)
TIÊN KHÔNG HỌC LỄ, THÌ TIÊN NÊN HỌC GÌ THƯA ÔNG GIÁO SƯ?Phan Lan Hoa
***
Văn ngôn câu chữ của “Tiên học Lễ, hậu học Văn” là kết quả học vấn của chính học trò Việt Nam. Nó tuyệt đỉnh, nó khúc triết, nó chân lý, nên nó đã không thể phai mờ...

 

 

TIÊN KHÔNG HỌC LỄ, THÌ TIÊN NÊN HỌC GÌ THƯA ÔNG GIÁO SƯ?

Phan Lan Hoa

⁕⁕⁕

Kính gửi ông giáo sư Trần Ngọc Thêm.

Ông là giáo sư, là tầng lớp trí thức cao nhất trong nghiệp làm thầy. Còn tôi là một người mẹ, tôi thuộc hàng ngũ cao nhất trong sự nghiệp sinh tồn nòi giống, mà cũng là người thầy đầu tiên trong đời của con mình. Bây giờ tôi sẽ học chuyện về vấn đề “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” từ tầm thức người thầy đầu tiên, xem xem “Tiên” chúng tôi dạy gì cho con mình nhé.

Đứa trẻ chào đời, 2 tháng biết lẫy, 5 tháng biết ngồi, 7 tháng biết bò và đứa nào mau thì 8 tháng, đứa chậm thì 10 tháng biết ạ (dạ). Từ 8 tháng đổ đi, chúng tôi bắt đầu tập cho con biết cách giao lưu với người lớn. Khi có ai đó xuất hiện trước mặt bé, người mẹ sẽ bảo con:

- Dạ ông (bà/cô/chú…) đi con!

Dăm bảy lần người mẹ lặp lại câu này, não của đứa bé tự nhiên có ý thức, dù chưa nói rõ được tiếng “dạ”, vẫn ngọng nghịu phát âm:

- Ạ!

Dạ là thuộc Lễ rồi phải không ông? Vậy thì tự nhiên như nhiên, “Tiên học Lễ” là chân lý bất biến của giáo dục rồi thưa ông!

Khi con chập chững biết đi, cùng với tiếng “dạ”, chúng tôi dạy con thêm hành động vòng tay lại, cúi nhẹ đầu xuống rồi mới ạ. Đó gọi là Hành lễ?

Khi con nói suôn sẻ được câu dài. Người mẹ dạy con khi hành lễ phải nói có đầu có đuôi:

- Con chào ông (bà/cô/chú/…) ạ!

Khi trẻ nói được một câu có đầu có đuôi, thì đó là “Văn” phải không ông? Tóm lại công thức giáo dục của những người mẹ chúng tôi như vậy ông nè:

Bước 1: Dạy con tiếng Dạ, tức là dạy Lễ

Bước 2: Dạy con vòng tay dạ, tức là dạy cách Hành Lễ

Bước 3: Dạy con vòng tay dạ và nói có đầu có đuôi, tức là dạy kết hợp Hành Lễ + Hành Văn.

Từ đó suy ra công thức giáo dục của người mẹ là: “Tiên dạy Lễ, hậu dạy Văn”. Cho nên đứa con tất yếu cũng phải “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” thưa ông.

Đó là bàn cái sự “Tiên học Lễ” từ trong nhà. Còn khi đến trường công thức ấy còn giá trị không?

Cha mẹ dạy con chào thầy cô giáo trước khi vào lớp. Vào trong lớp rồi thầy cô giáo lại dạy “em về nhà em chào cha mẹ”. Những tháng ngày đầu tiên đến trường của bé, vẫn là “Tiên học Lễ”, không có gì thay đổi. Đó là chỉ mới bàn cái lễ thực dụng nhất là chào hỏi thôi, mà giả thử nếu Tiên không học Lễ thì sẽ ra sao đây?

- Trẻ ra đường gặp người lớn không chào; đến trường cứ lùi lũi vào lớp ngồi, thầy cô bước vào lớp lặng thinh không đứng dậy; về nhà lùi lũi vào nhà vứt cặp sách cái xoạch không chào cha mẹ, ông bà. Chao ôi!

Tôi có xem ông trả lời phỏng vấn trên các báo điện tử. Nội dung cơ bản ông biện luận cho ý kiến của mình là, muốn cho học sinh thay đổi tư duy, thoát khỏi Nho học cổ hủ. Việc này tôi xin lạm bàn như sau:

Thứ nhất, ông nhầm lẫn rồi, “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”, không phải của Khổng Tử, mà đó là ngôn từ triết học của người Việt Nam ta. Ngũ Kinh, Tứ Thư, xin mời ông đọc lại cho kỹ xem có câu này không?

Tuy nhiên tôi thừa nhận hàm ý của Nho học cũng là như vậy, cũng là dạy dỗ học trò “Tiên học Lễ”. Tuy không có câu nguyên bản “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”, nhưng có câu tương tự trong sách Luận ngữ: “Không học Kinh lễ thì không biết đi đứng ở đời”.

Ngoài “Tiên học Lễ”, cha ông ta còn có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Khi gặp một ông Tây ngoài đường phố, hay trong văn phòng làm việc, tôi thấy họ cũng xởi lởi chào hỏi và rất giỏi cách nịnh khéo phụ nữ. Cho nên tôi hiểu bên trời Tây kia, giáo dục của họ cũng là “Tiên học Lễ”, chứ không riêng gì Ta. Tôi nghe nói, người Pháp có câu: “Không đánh phụ nữ dù bằng một nhánh hoa hồng”, đây cũng có vẻ thuộc về Lễ phải không ông?

Thứ hai, trả lời phỏng vấn báo chí của ông thể hiện ông không thấu hiểu nội dung Kinh Lễ trong Nho giáo có gì ?

Nguồn gốc Lễ ký của Nho học, do đệ tử của Khổng Tử tên là Lưu Hướng biên soạn vào thời Chiến Quốc gồm 130 thiên. Đến đời Hán, Đức Đới cập nhật lại từ 130 thiên giảm xuống còn 85 thiên, đặt là Đại Đới Lễ Ký. Cháu của Đức Đới là Đới Thánh sau đó cập nhật lại lần nữa, nội dung còn 46 thiên, gọi là Tiểu Đới Lễ Ký (xem danh mục thiên ở hình dưới).

Trong 49 thiên cập nhật sau cùng, hai thiên đầu gọi là Khúc Lễ, gồm có các nội dung:

Lễ đối với cha mẹ

Lễ với bậc trưởng lão 

Lễ với thầy giáo

Lễ giới hạn giữa nam và nữ

Lễ giáo dục thiếu niên nhi đồng

Lễ sinh hoạt cộng đồng

        Theo ông giáo sư, Lễ mà nội dung như trên đây có nên bỏ? Còn 47 thiên sau nữa bao gồm từ tang gia, hiếu, hỉ, cho đến đối nội, đối ngoại, dụng binh, khiển tướng, vv…?

Tôi thì tôi thấy “Tiên học Lễ” là quy luật tự nhiên của Đạo, bất biến không thể bỏ. Nhưng cập nhật lại nội dung cho phù hợp với thực tại thì lại là vấn đề có thể. Hiểu nôm na theo kiểu ngôn ngữ quốc tế ISO (International Organization for Standardization), thì nó là một bộ tiêu chuẩn về phép hành xử trong xã hội. Còn nói theo ngôn ngữ tiếng Việt ta, thì đó là Đức hành xử của con người. Mà mỗi khi là Đức hành xử của con người, mục đích của nó là để duy trì Đạo. Phép hành xử của Đức ngoài 6 tiêu chí trên, còn có Lễ với Trời Đất, Lễ với muôn vàn Tinh tú, Lễ với Vạn vật. Nếu bỏ thì coi như thiên hạ không còn Đức, sẽ duy trì Đạo như thế nào đây?

Xét cho cùng thì sách Lễ ký ban đầu tới 130 thiên, sau giản lược còn 85 thiên, rồi lại giản lược lần nữa còn 49 thiên. Như vậy, Lễ tuy không bỏ, nhưng đã có sự cập nhật cho phù hợp thời đại.

Ở nước Ta, Kinh Lễ nói riêng và Ngũ Kinh nói chung, là thứ giáo dục không phải chỉ là “ảnh hưởng” như nhiều nhà nghiên cứu nói tránh, mà là nội dung giáo dục chính thống ở thời đại phong kiến, bị nước lớn áp đặt phải học ở nước Ta. Cho tới triều đại nhà Trần, vua Nhân Tông đã có ý thức tổng hợp tri thức Tam giáo đưa vào thuyết pháp của Trúc Lâm để giáo huấn con dân. Như vậy, lại có sự cập nhật mới lần thứ tư trong giáo dục ở Việt Nam rồi đấy.

Cho nên, nếu muốn sinh viên tư duy sáng tạo, hãy khuyến khích họ thảo luận, cập nhật lại một bộ Lễ ký tiêu chuẩn Việt Nam. Thông qua cập nhật, có thể một công đôi lợi. Việt Nam có tiêu chuẩn giáo dục Việt Nam riêng, từ đó mà không phụ thuộc; Tiêu chuẩn mới cập nhật tất yếu bỏ được những hủ tục không còn phù hợp, nâng tầm tiến bộ. Tư duy tương lai há chẳng phải là như vậy sao?

Nhưng cho dù cập nhật, hay giữ nguyên bản thể cũ, thì “Tiên học Lễ, hậu học Văn” là quy luật tự nhiên, nên nó bất biến trong giáo dục đào tạo con người thưa ông. Nó không phải là của riêng Nho giáo, mà là chân lý đào tạo con người của cả nhân loại.

Có điều tôi thừa nhận, Văn là vô vàn, nên cùng một ý nghĩa mà có thể biến tướng thành nhiều câu cách ngôn khác nhau. Có thể lấy một vài ví dụ để so sánh:

Học sinh Nhật Bản có câu:

Hãy chào nhau bằng cả tấm lòng”.

Hay slogan bằng tiếng Anh:

Sow a thought, and you reap an act. Sow an act, and you reap a habit. Sow a habit, and you reap a character. Sow a character, and you reap a destiny. (Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận).

Xét về nội dung cũng không ngoài đạo lý “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Nhưng xét về khúc triết câu chữ, thì “Tiên học Lễ, hậu học Văn” văn chương ngắn gọn mà ý nghĩa hàm súc “lại là phần hơn”.

Thật ra không có văn bản nào quy định trường học nhất định phải treo “Tiên học Lễ, hậu học Văn”? Chẳng qua chỉ vì nó quá chân lý khiến cho người đời tự nhiên mặc định trong đầu nó là quy định phải có. Khi không có quy định, thì cũng không có tuyên bố hủy bỏ. Trường học có quyền tự do thay slogan khác.

Tôi chỉ đề nghị rằng nên suy nghĩ kỹ càng, vì văn ngôn câu chữ của “Tiên học Lễ, hậu học Văn” là kết quả học vấn của chính học trò Việt Nam. Nó tuyệt đỉnh, nó khúc triết, nó chân lý, nên nó đã không thể phai mờ.

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 BÀN VỀ BỐN CHỮ: CAO SƠN CẢNH HÀNH - 行景山高 (18h: 08-04-2014)
 Dùng than hoạt tính trấn yểm tia đất liệu có trấn được không? (19h: 23-12-2016)
 Trấn yểm là chuyện có thật, có cơ sở thưa ngài Thích Quảng Nguyên ! (16h: 27-11-2016)