GỐC TÍCH VÀ PHÁT TÍCH ẤN ĐỘ GIÁO
Phan Lan Hoa
d ⁕ c
Kỳ 2: NHỮNG TÊN SÔNG, TÊN NÚI, TÊN CHÙA, AM MANG DẤU TÍCH PHẬT GIÁO CỔ NHẤT THẾ GIỚI Ở HÀ TĨNH
Sự ghi chép của nhà “Thổ địa học Hà Tịnh” Thái Kim Đỉnh để lại rất nhiều trang tin quý giá cho Văn hóa lịch sử Việt Nam. Hà Tịnh cho đến cuối thời Pháp thuộc, tuy khoảng 30% dân số đã theo đạo Thiên Chúa, thì vẫn còn tới 417 ngôi chùa Phật giáo. Có những xã mà trong xã ấy có bao thiêu thôn, thì có bấy nhiêu ngôi chùa Phật giáo. Chỉ nghe tên chùa thôi đã thấy bóng dáng của Bụt Đạo rồi: Chùa Bụt Tổ, chùa Bụt Mọc, chùa Phật Cấu, chùa Phật Học, chùa Cam Lộ, chùa Già Lam, chùa Đại Hùng, chùa Đông Sơn, chùa Tháp Ngạn, chùa Tháp, chùa Thích Ca, chùa Phong Phạn, chùa Yên Lạc (chùa này lưu giữ 100 hiện vật cổ của Phật giáo, trong đó có tượng Thích Ca sơ sinh)…
Núi thì có: Cực Lạc, Bụt Sơn, Long Mã, Phụ Đồ, Đông Dương, Côn Lôn, Côn Sơn, Đà Sơn, Đại Hùng, Thượng Hùng, Hùng Lĩnh, Càn Hương, An Giả, Quỳnh Viên…
Sông thì có: sông Gang (gange?), sông Tiêm, sông Hà Hoàng, sông Lạc Hạ, suối Vũ Môn, đầm Hồ Lô…
Làng xã thì có: xã Phật Kệ, xã Cổ Kinh, xã Trúc Lâm, làng Phù Lưu (nơi phát tích truyền thuyết trầu cau)…
Vào khoảng năm 1947 – 1961, đội quân “cháu ngoan” đã đập phá mất khoảng 80% số chùa Phật ấy, cho nên nhiều chùa chỉ còn là lời văn mô tả trong những trang sử. Những ngôi chùa còn sót lại thường là chùa được xây cất nơi thâm sơn cùng cốc, đường đi hiểm trở khó vào. Quả là một sự phá hoại ghê gớm hơn bom nguyên tử?!
“Nỗi niềm tưởng đến mà đau!” (Nguyễn Du)
Không phải nhân dân Hà Tĩnh không chống lại sự phá hoại ấy. Nhiều làng đã mau tay bí mật cất dấu được bi ký, tượng Phật, chuông đúc và các sách phong. Nhưng cũng có nhiều làng do bất ngờ, đành ngậm ngùi để người ta lấy đi từ rui mè, cột kèo. Tôi lớn lên, chứng kiến cảnh ấy ở cả 2 quê nội, ngoại và cũng chứng kiến có sự báo ấn ở cả hai quê. Đất Thiên Lộc thì có cả thiên tình lục về sự nghiệp bảo vệ ba bức tượng Phật cổ của chùa Hương Tích. Nơi đất ấy, cho đến thế kỷ 21 vẫn còn những câu chuyện thực mà như hư…
Nhân dân Hà Tĩnh ngày nay đang cố gắng phục dựng lại ít nhiều trên nền tảng mất còn ghê gớm ấy!
NÚI LONG TƯỢNG LƯU GIỮ TRUYỀN THUYẾT ĐỨC PHẬT XUẤT THẾ
Theo Nghệ An ký, núi ở xã Bàn Thạch, huyện Thạch Hà. Phía đông nam có những hòn đá đứng thẳng, vây quanh bốn bên là những hòn đá nhỏ, Dân địa phương trong vùng lưu kể truyền thuyết rằng Phật xuất thế tại núi ấy, xây chùa thờ Phật theo truyền thuyết này.
LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ, là một cuốn sử mà tư liệu của nó được tác gia lấy từ kho lưu trữ lịch sử Nhật Bản, trong phần lời tựa chép:
“Lịch sử Phật giáo có trên 2500 năm. Lúc đầu Phật giáo được triển khai từ Ấn Độ, rồi dần dần lan tràn ra hai ngả Bắc phương và Nam phương. Bắc phương là các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản, cùng các nước thuộcđịa vực Tiểu Á Tế Á. Nam phương là những nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên, đảo Java, Sumatra trong Nam Dương quần Đảo…”.
Tại mục “III. Trạng thái chính trị và xã hội trong thời Đức Thích Tôn”, chép:
“… Duy chỉ có hai nước Magadha (Ma-kiệt-đà) và Kosala (Kiểu-tát-la) là chế độ Cộng hòa vẫn còn tồn tại. Nước Magadha ở phía nam sông Gange (Hằng Hà), đô thị của nước này là Rajagrha (Vương-xá-thành). Nước Kosala ở phía bắc Ấn Độ, đô thị của nước này là Sravasti (Xá-vệ-thành). Hai nước là trung điểm cho nền văn minh Ấn Độ lúc đương thời và rất có quan hệ mật thiết với Phật giáo. Phía đông bắc nước Ma-kiệt-đà có dòng họ Anga (Ương-già-tộc), đóng đô ở thành Campà (Chiêm-bà)… và dòng họ của đức Phật là Sàkyà (Thích-ca tộc), đóng đô ở Capilavastu (Ca-duy-la-việt) phương bắc nước Kosala thuộc trung Ấn Độ…”
Hai đoạn trích này đưa ra 3 thông tin quan trọng:
1- Đoạn trích dẫn trên nói Bắc Ấn Độ giáp Việt Nam, Nam Ấn Độ giáp Cao Miên. Vậy toàn xứ Ấn Độ nằm trong đất miền Trung Việt Nam.
2 - Nam sông Hằng là nước Ma-kiệt-đà có một đô thành tên là Chiêm-bà, suy ra là đất Chăm-pa thuộc miền nam Ấn Độ. Vậy bắc Ấn Độ là Việt Thường. Thủy kinh chú chép rằng khi đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, Phạn Chí bỏ thành chạy vào núi Chiêm-bất-lao, cho nên lấy tên nước là Chiêm-bà. Chiêm-thành là đô thị nước Chiêm-bà, nhưng sử chép nhầm thành tên nước. Tôi nghĩ tên nước là Chăm-pa, phiên âm tiếng Hán thành ra Chiêm-bà. Cũng có người nói rằng người Chăm-pa không thích gọi họ là người Chàm, cho rằng đó là từ khinh miệt. Đây chỉ là ngụy biện theo cảm tính của một số người, không có căn cứ, bởi vì chính người Chàm viết sử Chàm và đặt tên sách là “Dân tộc Chàm sử lược”. Tôi thấy rằng nguồn gốc từ Chàm có lẽ là từ Phạm/Phạn (Varman), họ của dòng dõi vua chúa Chăm-pa.
3 – “… Dòng họ của đức Phật là Sàkyà (Thích-ca tộc), đóng đô ở Capilavastu (Ca-duy-la-việt) phương bắc nước Kosala thuộc trung Ấn Độ…”, vậy thì núi Long Tượng có truyền thuyết Phật xuất thế cũng đúng vào vùng mô tả trong Lịch sử Phật giáo vậy?
NÚI QUỲNH VIÊN (NAM GIỚI), NƠI CHỬ ĐỒNG TỬ - TIÊN DUNG ĐẮC ĐẠO
Sách LĨNH NAM TRÍCH QUÁI, chép: “… Tiên Dung cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố xá, cùng nhân gian mậu dịch. Dần dần nơi ấy thành một khu chợ lớn, thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán… ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Viên Sơn, trên núi có một chiếc am nhỏ, người đi buôn ghé thuyền ở đấy mà lấy nước(suối Hiêu Hiêu theo ghi chép của Bùi Dương Lịch trong Nghệ An Ký). Đồng Tử lên chơi trên am, có một thiền tăng tên là Phật Quang truyền pháp cho Đồng Tử… Đồng Tử về đem chuyện Bụt Đạo nói với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo…”.
Sách THỦY KINH CHÚ: “…theo Tề thư, nước Lâm Ấp liền với Cửu Đức ở phía bắc…”
Cửu Đức, theo TÙY ĐỊA LÝ CHÍ: “Quận Nhật Nam, đời Lương đặt làm Đức Châu, năm Khai Hoàng (581) đổi gọi Hoan Châu. Trước Ngô đặt Cửu Đức, bỏ bớt Nhật Nam, về sau lại đặt. Nhà Tùy lại để Nhật Nam, bỏ bớt Cửu Đức. 9.915 hộ, 8 huyện: Cửu Đức (lị sở Nhật Nam), Hàm Hoan, Phố Dương, Việt Thường, Kim Ninh, Giao Hợp, An Viễn, Quang Yên”.
NGHỆ AN KÝ: “Núi Nam Giới (Quỳnh Viên) ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà. Ngày trước phía Nam nước ta giáp giới nước Chiêm Thành, nên đặt là núi Nam Giới…”.
LĨNH NAM TRÍCH QUÁI, truyện Dạ xoa vương, chép: “Xưa ngoài nước Âu Lạc có nước Diệu Nghiêm… nước ấy phía bắc giáp Hồ Tôn Tinh... Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập-xoa-vương… nước Hồ Tôn Tinh là tinh loài khỉ, bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.”.
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ (Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ và một quyển vô danh), đồng chép: “… Theo sử cũ thì nước phía đông giáp Nam Hải, phía tây đến Ba Thục, phía bắc đến hồ Động Đình, phía nam đến nước Hồ Tôn, tức Chiêm Thành ngày nay…”
Như vậy gốc gác xưa nhất của Chiêm Thành chưa phải là cái tên Lâm Ấp, mà còn có 2 cái tên khác cổ hơn, đó là Hồ Tôn Tinh và Thập Xoa Vương.
Cứ theo mô tả các sách trên, núi Quỳnh Viên là biên giới Việt Thường – Hồ Tôn từ thời cổ đại. Đến đời Hán thuộc, núi ấy đổi gọi là núi Nam Giới. Cửa biển thương cảng ấy gọi là cửa Giới Hải (nay là cửa Sót). Đó là một thương cảng quan trọng trên con đường tơ lụa kết nối văn minh Hy Lạp với văn minh Ấn Độ và Trung Hoa từ trước Công Nguyên, có ghi chép trong sử Tàu và hồi ký của các thương nhân Hy Lạp. THỦY KINH CHÚ cũng chép, các vật cống phẩm ở Nhật Nam chủ yếu là: vàng, quế, lụa tơ tằm, ngà voi.
Trên núi Quỳnh Viên có am Quỳnh Viên, có suối Hiêu Hiêu, dưới núi có chùa Quỳnh Viên, nay vẫn còn cả. Tương truyền vua Lê Thánh Tông đi đánh Chăm-pa, lúc ghé qua đấy có đề thơ “Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (tên núi do truyền thuyết cũ mà có). Hà Tĩnh cũng có đủ cả chợ Hà và làng Chử Xá như trong truyện mô tả, nay thuộc Vụng Áng, huyện Kỳ Anh. Biên giới phía nam của Hồ Tôn giáp với nước Diệu Nghiêm, không xác định được ở Đâu? Chỉ biết rằng, cho đến khi Lâm Ấp đổi tên là Chăm-pa, nước ấy cả thảy trên dưới 70 thị tộc hợp lại, nước Diệu Nghiêm đã thuộc vào đất Chăm-pa từ cuộc chiến tranh giữa Thập-xoa-vương và Dạ-xoa-vương.
Theo ghi chép của Tùy sử, thì vào đời nhà Tùy bên Trung Quốc, Lâm Ấp qua lại trao đổi giao dịch thư tín với nhà Tùy không phải bằng chữ Hán, mà bằng Hồ tự. Hồ tự là tiền thân của chữ Phạn (đã có bài “Chữ Phạn là trí tuệ Chăm-pa”).
NÚI HƯƠNG TÍCH, NƠI PHẬT BÀ TRĂM TAY NGHÌN MẮT XUẤT THẾ
(Vì sao chỉ Việt Nam có Phật Bà và chùa sư nữ, sẽ bàn trong nội dung chính của Phật giáo nguyên thủy).
Sự tích Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, có lẽ là chỉ 99 cái đỉnh đá của vua Trang Vương trên ngọn Hương Tích, vì dãy núi này nhiều hơn 99 ngọn. Thời cổ đại vốn là thủ phủ đất Việt Thường, mỗi một ngọn núi trong dãy núi ấy đều cõng trên lưng một sử tích nào đó. Có truyện đã chép vào sử sách, có truyện còn trong lời kể dân gian.
Hương tích là một ngọn núi trong rừng thẳm của dãy Hồng Lĩnh. Thắng cảnh thanh u đẹp đẽ, suối hương ngọt lành, là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” được nhà Nguyễn chạm khắc trên đỉnh lư ở Kinh thành Huế. Trên núi có một hang trời mà đáy của nó thông ra biển. Tương truyền công chúa Diệu Thiện tu thành Phật bà trăm tay nghìn mắt ở đấy. Truyền thuyết ấy như sau:
Vua Trang Vương có 3 người con gái, 2 người chị đã lấy chồng theo sắp đặt của vua cha. Riêng công chúa Diệu Thiện trót yêu quan ngự y Triệu Chấn. Vua cha không bằng lòng, ép nàng phải lấy một vị tướng quyền lực trong triều. Diệu Thiện bèn bỏ cung cấm tìm đến chùa sư nữ đi tu. Vua Trang Vương tức giận, đốt chùa của các sư nữ. Đức Phật bèn cử một con hổ đến đem nàng lên núi Hương Tích và từ đó nàng bắt đầu sự nghiệp tu hành trong một cái hang trời trên đỉnh núi ấy. Triệu Chấn cũng theo chân người yêu tìm đến và ở lại trong một hang núi bên cạnh núi Hương Tích, hang ấy sau gọi là hang Dược Sư (nay vẫn còn tên ấy), ngày ngày cưỡi voi đi khắp Ngàn Hống hái lá cây làm thuốc cứu chữa cho nhân dân trong vùng.
Một hôm có người lên báo với Diệu Thiện, vua cha của cô bị bệnh rất nặng, cần phải có bàn tay và tròng mắt của trinh nữ mới cứu được. Diệu Thiện không ngần ngại, bèn móc mắt và chặt tay của mình để cứu vua cha. Trang Vương khi khỏi bệnh, mới hay người hy sinh tính mạng cứu mình là đứa con mà mình đã đuổi đi. Sự hối hận khiến ông vua này nhường ngôi cho người khác và lên đỉnh Hương Tích lập chùa tu hành. Tương truyền nền Trang Vương có 99 đỉnh đá. Nay còn nền, nhưng không còn đủ 99 đỉnh đá. Triệu Chấn sau chuyện này, vì thương xót người yêu, đã viết ra kinh Dược Sư, ngày ngày tụng trước cửa hang, nguyện cầu giải thoát cho nàng Diệu Thiện. Phật Tổ cảm kích trước đức hy sinh của người con gái, bèn hóa kiếp cho nàng thành Phật Bà trăm tay nghìn mắt. Quan Ngự y vẫn ở lại trong hang Dược Sư cho đến cuối đời và đắc đạo ở đấy.
Đời Lý, nhà vua cho xây am thờ trước cửa hang. Đến đời Trần, vua cho xây chùa thờ Phật dưới chân hang Phật Bà. Đời Lê, đời Nguyễn về sau đều có công đức trùng tu. Chùa trải qua nhiều lần cháy rừng, trùng tu lại, riêng hang Phật Bà thì vẫn nguyên sơ theo thời gian. Trong chùa có nhiều tượng Phật rất cổ xưa.
Ở đây cũng xin nhắc về vua Trang Vương, là vua của nước Việt Thường, chứ không phải Sở Trang Vương của nước Tàu như sử gia bịa đặt? Tất cả những ai thuộc sử đều biết rõ, nước Sở và Lạc Việt chưa bao giờ đánh nhau trong lịch sử, thì làm gì có chuyện vua nước ấy cai trị vào đất Việt Thường được? Trên dãy Hồng Lĩnh, ở núi Sư Tử còn có chùa Phật Cấu, tương truyền là kho lương thực của vua Trang Vương, nên chùa này còn gọi là chùa Gạo. Hương Tích ngày nay là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Tĩnh.
NÚI CỰC LẠC VÀ CHÙA CỰC LẠC
Sách Thiên Lộc phong thổ chí, chép: “ … Phía nam ngọn Độn sơn (thuộc dãy Hồng Lĩnh) là mấy ngọn núi có tên chung Cực Lạc, ở đó có ngôi chùa tên là Cực Lạc, còn có chùa Bụt Mọc và Cồn Tháp…không rõ ngày xưa trên núi có xây tháp, hay vì núi đứng giữa đất bằng hình như ngọn tháp nên gọi thế?”. Có thể ở đó từng có tháp Chàm nên mới có tên gọi ấy. Nay chùa vẫn còn, nhưng tháp thì không còn.Chùa nhiều lần bị cháy, đến nay chỉ còn lại trên nền một ít ngói cổ, gạch có hoa văn hình rồng bay, hình đài sen, có loại gạch có mộng hèm sàm cặp. Năm 2000 dân trong vùng dựng lại chùa bằng tranh tre, để hương khói.
Cực Lạc trong Phật Giáo rất nổi tiếng, nhưng dường như là một miền xa xăm mây ngàn, phật tử đã không tìm đến được. Xem ra vì chiến tranh loạn lạc và vì sự tráo trở của lòng người mà thành xa xôi.
CỬU DIỆN THÁP TRÊN NÚI NGHÈN
Núi này đối diện với dãy Hồng Lĩnh, thuộc xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà. Trên núi có chùa Ngạn Sơn. Sách Nghệ An ký, chép: “…xưa trên núi có một cái tháp cao chín tầng không biết đời nào dựng lên. Năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774), đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, một đêm hè vào hồi canh năm, đang lúc trời quang mây tạnh, một đám khí đen bốc lên ở phía tây bắc, rồi tháp vô cớ tự nhiên đổ, mà nhà của các sư bên cạnh tháp không có người nào việc gì…”
Sách Nghê An cổ tích lục, chép: “Tháp ở xã Trảo Nha, do vua Lý Thái Tông (1028-1054) dựng. Xưa Thái Tông vào nam, đóng quân ở đây, đêm mộng thấy Đức Quan âm Bồ tát cho vua y bát. Khi tỉnh dây vua sai dựng chùa, bên ngoài xây ngọn tháp cao hơn trăm thước. Tháp này có chín mặt, thường gọi là “Cửu diện tháp”.
Theo KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ, năm Thiên Thánh thứ tư (1031, từ Hoan Châu về, vua Lý Thái Tông ra lệnh cho xây dựng 950 ngôi chùa. Năm Giáp Thân (1044), vua lại đi đánh Chăm-pa và qua Hoan Châu lần nữa, không biết tháp được xây vào quãng nào trong hai lần ấy?
Kỳ 3: CON ĐƯỜNG LAN TỎA ẤN ĐỘ GIÁO ( PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY)
***
Tài liệu tham khảo và sử dụng:
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Khâm định Việt sử - Tiền Biên
- Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn
- Lịch sử các nước Đông Nam Á – Nguyễn Thế Anh
- Địa lý Việt Nam – Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Đình Tiếu
- Văn hóa Tiền sử Việt Nam – Bùi Vinh
- Lược sử Ấn Độ Giáo – TS Thích Thanh Kiểm
- Phật giáo Việt Nam – Trần Văn Giáp
- Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục
- Phật giáo – Trần Trọng Kim
- Phật giáo sử lược – Thượng tọa Mật Thể
- Nhật Bản sử lược – Phan Khoang
- Dân tộc Chàm lược sử - DOROHIÊM, DOHAMIDE
- Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp – Onishi Kazuhiko
- Bụt sử lược biên thiệt truyện – Pierre REY
- Nam phương Phật tích – Huyền Mặc Đạo Nhơn
- Phật giáo Nam tông kinh – Thiện Hậu
- Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam – TS Lê Mạnh Thát
- Thiền uyển tập anh – Kim Sơn (phái Trúc Lâm)
- Chùa cổ Hà Tĩnh – Thái Kim Đỉnh
- Nghệ An ký – Bùi Dương Lịch
- An Tĩnh cổ lục – Le Breton
- Lĩnh Nam trích quái – Trần Thế Pháp