GỐC TÍCH VÀ PHÁT TÍCH ẤN ĐỘ GIÁO
Phan Lan Hoa
c⁕d
Kỳ 6: CON ĐƯỜNG LAN TỎA ẤN ĐỘ GIÁO
3.6 – TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC THỜI ĐẠI THÍCH- CA-MÂU-NI XUẤT THẾ.
Thần học không phải là mê tín dị đoan, nó phải được hiểu bằng một tư tưởng tích cực, đó là năng lượng siêu nhiên. Ngày nay các nhà khoa học đã tìm được nguyên lý bay vào vũ trụ, còn ngày xưa con người chỉ mới có thể cảm nhận bằng tu luyện và rõ ràng là đã có được khả năng tiếp cận nhất định với năng lượng vũ trụ. Tôi ít nhiều cũng có khả năng tiếp cận ấy và thấy rằng trí tuệ con người không ở trong não người, mà ở trong không gian. Cho nên não người chỉ là văn phòng giao dịch thông tin mà thôi, không phải nơi lưu trữ kiến thức.
Trải qua 3 thời kỳ tiến bộ về tư tưởng ở giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 6 trước Tây lịch. Bước sang thời đại đức Phật Thích Ca xuất thế, có thể nói là Duy vật biện chứng, chứ không phải Duy tâm. Tăng già tu luyện trên nền tảng thực luận và tư duy, chứ không cắm đầu gõ mõ Nam mô mù quáng như bây giờ. Nhưng rồi qua tu luyện, nhờ tư tưởng được tự do phát triển, các vị đạo sĩ mỗi người giác ngộ theo một kiểu, từ đó họ viết ra những dòng triết học khác nhau về quan điểm nhân sinh quan và vũ trụ quan. Có thể chia nó ra làm 3 nhóm tư tưởng:
- Nhóm tư tưởng ngoại đạo, tức không theo Bà-la-môn giáo
- Nhóm phát triển trên nền tảng chính đạo, nhưng lẫn yếu tố ngoại đạo
- Nhóm chủ trương duy trì chính đạo Bà-la-môn
3.6.1 – LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO PHÁI (Sat-tirthakarah): tức 6 phái triết lý ngoại đạo.
1- Phái Phú-nan-đà Ca-diếp (Pùrana Kàssápa): Phái này không tin vào thuyết Nhân quả, mà chủ trương thuyết Ngẫu nhiên, cho rằng họa phúc đều là ngẫu nhiên xảy đến.
2 – Phái Mạt-già-lê Câu-xá-lợi (Makkhali Gosàla): Chủ trương thuyết tự nhiên, mọi vui khổ đều là tự nhiên, không có bất kỳ nguyên nhân nào.
3 – Phái A-di-đa Thúy-xá-khâm-bà-la (Ajitakesa Kambali): Chủ trương thuyết Duy vật luận. Cho rằng cơ thể con người do 4 yếu tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong kết hợp với nhau tạo thành, khi chết thì lại trở về tứ tố cũ. Phái này không trọng dụng tinh thần, mà chú trọng khoái lạc cho nhục thể làm mục đích.
4 – Phái Bà-phù-đà Ca-chiên-diên (Pakudha Katyàyana): Chủ trương Sinh mệnh và Vật chất đều thường trụ. Vạn vật được tạo thành từ 7 yếu tố bất diệt: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Khổ, Lạc, Sinh mệnh. Sinh tử là sự tụ tán của 7 yếu tố trên.
5 – Phái Tán-nhạ-gia Tì-la-lê-tử (Sãnjaya Belatthiputta): thuộc phái ngụy biện, chủ trương tu định, cho rằng chân lý không phải là không biến đổi, nên tu Đạo là vô ích, chỉ chú trọng thiền định.
6 – Phái Ni-kiến-đà Nhã-để-tử (Nigantha Nàtaputta): Chủ trương tu khổ hạnh, cho rằng họa phúc, khổ đau, vui buồn đều do tiền nghiệp, đày ải bản thân trong khổ hạnh ở kiếp này để mong cầu giải thoát kiếp sau.
Sáu dòng tư tưởng bị coi là ngoại đạo trên không hẳn là không có lý, tuy nhiên lý thuyết mỗi phái đều chưa đầy đủ, triết học chưa thực sự chắc chắn để thuyết phục. Nhưng rõ ràng là đã manh nha hai dòng triết học Hữu luận và Không luận về sau.
3.6.2 - KỲ-NA-GIÁO (Jaina):
Tổ của Kỳ-na-giáo là Vardhamana (Đại Hùng). Chủ trương về Vật hoạt luận, tư tưởng căn bản là Thực thể (Dravaya). Thực thể được chia làm hai trạng thái là Sinh mệnh yếu tố (Java) và Phi sinh mệnh yếu tố (Ajava).
- Sinh mệnh yếu tố gồm hai thứ: Lý trí và Tình cảm
- Phi sinh mệnh yếu tố gồm 5 thứ:
+ Không (Akasa), là nguyên lý bao gồm mọi nơi mọi chốn
+ Pháp (Dharma), là nguyên lý vận động
+ Phi pháp (Adhama), là nguyên lý đình chỉ vận động
+ Vật chất (Pudgala), là nguyên lý tạo thành nhục thể
+ Thời gian (Kala), là nguyên lý biến hóa.
Quan điểm của Kỳ-na-giáo cho rằng Sinh mệnh yếu tố và Phi sinh mệnh yếu tố khi tác động vào nhau sinh ra phiền não, đau khổ luẩn quẩn trong vòng luân hồi, nên chủ trương giai thoát luân hồi bằng tu hành khổ hạnh. Tôi thấy Phật Như- Lai Cù-đàm ban đầu dường như đã chọn con đường tu hành hổ hạnh, đức Phật đã không ăn, chỉ uống nước lã, đến khi kiệt sức mà vẫn chưa giác ngộ được điều gì, cuối cùng nhờ vào bình sữa dê của một nữ nhân chăn dê để hồi phục sức khỏe. Từ đó đức Phật đã quyết định ăn uống bình thường trở lại. Tư tưởng Phật Thích Ca thì không như thế, chỉ khuyên đệ tử muốn giải thoát, thì không quá độ về mọi nhu cầu mà thôi.
Các tiền bối viết về Phật học nói Kỳ-na-giáo không thuộc triết học chính thống Bà-la-môn có lẽ chưa đúng? Tôi thì thấy rằng Kỳ-na-giáo được phát triển trên nền tảng chính thống Bà-la-môn, nhưng tư tưởng đã có bước tiến bộ mới về nhận thức. Vật hoạt luận không hề là một lý thuyết tồi, chỉ tiếc là sự kết luận tu khổ hạnh làm cho nó sai lệch tư tưởng.
3.6.3 – SÁU PHÁI TRIẾT HỌC ĐƯỢC XEM LÀ TƯ TƯỞNG ĐẠI CƯƠNG CHÍNH THỐNG CỦA PHẬT GIÁO.
Tôi xin không dài dòng phân tích sâu nội dung này, chỉ nói ngắn gọn, vì nó đã được tranh cãi trong các đại hội Tăng già sau khi đức Thích Ca tịch diệt, để sau đó ra đời bộ Tam Tạng (Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng) chính thống của dòng Phật giáo nguyên thủy.
3.6.3.1 - CHÍNH LÝ PHÁI (Nyàya): Tổ phái là Aksa-pàda (Túc Mục). Kinh điển của Chính Lý phái là Nyàya-Sùtra, gồm 538 câu, tư tưởng triết học đa nguyên luận. Về quan niệm nhân sinh, lấy phương châm lìa khổ giải thoát làm mục đích. Nội dung đại loại, con người sinh ra nơi trần thế đầy rẫy sự khổ đau; nguyên nhân sinh ra khổ đau là do tác nghiệp; tác nghiệp là cơ sở sinh phiền não; phiền não là căn bản của vô tri; cho nên muốn lìa khổ thì phải diệt vô tri. Có lẽ đây là lý thuyết đại cương của thuyết 12 nhân duyên trong thời đại Thích Ca.
3.6.3.2 – THẮNG LUẬN PHÁI (Vaisésika): Còn gọi là phái Thanh thường trụ phái (âm thanh thường còn), hay Nguyên tử luận phái. Tổ phái là Ca-na-đà. Kinh điển là Vaisesika- Sùtra, gồm 370 câu. Thuộc trường phái lập trường tư nhiên vũ trụ vạn hữu. Gồm có 6 phạm trù triết lý: Thực, Đức, Nghiệp, Đồng, Dị, Hòa hợp.
Về triết học nhân sinh quan, phái này cho rằng con người cấu thành bởi 8 yếu tố:
* Atman(linh hồn): thự thể bất sinh bất diệt
* Ý (Manas): Atman là trung tâm, Ngũ căn (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) là cơ quan liên lạc Ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, súc) trong quá trình nhận thức của Atman. Các thứ ấy tạp nên Nghiệp dẫn; Nghiệp dẫn huân tập nên bị luân hồi; muốn thoát luân hồi phải diệt Nghiệp dẫn.
3.6.3.3 – SỐ LUẬN PHÁI (Sàmkhya): Tổ phái là Kapya (Ca-tì-la). Chủ trương Nhị nguyên luận (Tinh thần và Vật chất). Tinh thần và Vật chất kết hợp tạo thành sinh vật. Tinh thần nắm giữ phần hồn; Vật chất nắm giữ phần thể của sinh vật. Tinh thần thì không biến động; Vật chất thì luôn biến hóa dao động, nương theo Guna (3 đức nguyên chất) là: Sattva (hỷ); Rajas (ưu); Tamas (ám). Số luận phái căn cứ vào 3 đức nguyên chất này để thuyết minh vạn hữu.
3.6.3.4 – DU-GIÀ PHÁI (Yoga): Tổ phái là Patanjali (Bát-tử-sà-lê). Kinh điển là Yoga-Sùtra. Chủ trương tu thiền định để mong cầu giải thoát. Hành trình tu tập trải qua 8 giai đoạn:
* Cấm chế (Yama), cụ thể là 5 điều giới cấm: Không sát sinh, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không tham lam.
* Khuyến chế (Niyama), phải làm 5 việc: thanh tịnh, mãn định, khổ hạnh, học tập kinh điển, định thần.
* Tọa pháp (Àsana), để điều hòa thân thể
* Điều tức (Prànàyàma), điều chế hô hấp
* Chế cảm (Prasyàkàra), thống ngự Ngũ căn
* Chấp trì (Dhàranà), tập trung tư tưởng
* Tĩnh lự (Dhyàna), thống nhất tâm hồn
* Đẳng trì (Shamàdhi), làm cho tâm vắng lặng hư không
3.6.3.5 – PHÁI NHĨ-MAN-TÁT (Mimàmsà): Tổ phái là Jaimini (Sà-y-nhĩ-ni). Kinh điển là Mimàmsà-Sùtra. Chủ trương phục tùng mệnh lệnh và cấm chế của kinh điển Véda và thuyết Âm thanh thường trụ. Lý tưởng giải thoát là đức hy sinh.
3.6.3.6 – PHÁI PHỆ-ĐÀN-ĐA (Vedànta): Tổ phái là Bàdarayjana (Bà-đạt-la-gia-na). Lấy kinh điển Vedànta làm căn cứ. Chủ trương Bràhman là tổng nguyên lý vũ trụ. Thế gian vạn vật đều bao hàm trong Bràhman, là đối tượng triển khai thế giới. Bràhman trước hết triển khai ra hư không, hư không sinh ra gió, gió sinh ra lửa, lửa sinh ra đất, đất sinh ra nước. 5 nguyên tố ấy sinh ra vật khí và hữu tình thế gian. Atman của con người và vạn vật khi lìa xác thì thuộc về Bràhman. Nhưng tác nghiệp huân tập gây ra sinh tử luân hồi, do đó cần phải dụng công phu tu hành để giải thoát luân hồi.
3.6.4 – CÁC TRƯỜNG PHÁI TU HÀNH CỦA 3 VỊ PHẬT: THÍCH CA, A-DI-ĐÀ, NHƯ LAI.
“Phật có hơn ngàn vị”. Nhưng hiện diện trong đời sống loài người có ba vị được nhân dân sủng ái, cầu nguyện hàng ngày, đó là Thích-ca-mâu-ni, (Kàkya Muni), A-di-đà và Như-lai-cù-đàm. Không khó để nhận ra phong cách tu hành của từng vị, nhưng không hiểu sao thế giới tăng già lại nhầm lai lịch Phật Thích-ca với Phật Như-lai được?
3.6.4.1 - PHẬT THÍCH-CA-MÂU-NI
Nếu căn cứ theo những gì hiện có tại làng Thổ Hà, thì Phật Thích-ca xuất thế vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, tại miền Trung xứ Ấn Độ (miền Trung Việt Nam), tương đương đời Chu Thành Vương bên nước Tàu.
Nhận biết Lão Tử kinh (Đạo Đức Kinh) là của đức Phật Thích-ca không khó:
- Thứ nhất: Lão Tử sinh ra bên hông mẹ và Thích-ca cũng vậy
- Thứ hai: Căn cứ vào câu chuyện “Lão Tử hóa Hồ Kinh” của Phật giáo, kể rằng Lão Tử viết Hồ Kinh dạy dân Hồ làm Phù đồ (Phật-đà). Nếu Lão Tử là tổ của Đạo giáo, tại sao lại dạy dân Hồ tu thành Phật được? Chỉ có là đức Phật mới biết cách dạy dân tu hành thành Phật được.
- Thứ ba: Theo những mô tả trong sử sách Ấn Độ giáo, thì đức Thích Ca sinh ra ở nước Hồ Tôn Tinh, tức gốc tích tổ tiên người Chàm ở vùng nam Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình ngày nay.
Thứ tư: Thời đại Thích-ca-mâu-ni trụ trì thế giới, nội dung tư tưởng thuyết giáo chỉ quay quanh Đạo và Đức, Thế giới quan và Nhân sinh quan. Đức Phật không chủ trương chay tịnh, mà chỉ khuyên đệ tử không nên quá độ về mọi nhu cầu và chú trọng Bát chính đạo (nội dung này sẽ trình bày cụ thể tại phần kinh sách của Bụt Đạo nguyên thủy).
Như đã trình bày tại các mục 6.3.1 đến 6.3.3, thời đại của Phật Thích-ca, con người đã có ý thức đi tìm nguồn gốc loài người, nguồn gốc vạn vật và nguồn gốc vũ trụ, tức là đại cương về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đều đã được khai mở. Các luồng tư tưởng triết học nảy sinh, gây ra tranh luận xã hội, chủ yếu là Hữu luận và Không luận, thế giới quan và nhân sinh quan. Đây không hề chỉ là trường phái Duy tâm, càng không phải mê tín dị đoan, mà rõ ràng là song hành cùng lúc hai thuyết Duy vật (Hữu) – Duy tâm (Vô).
Cái tai không phải con người, cái mắt không phải con người, cái tay không phải con người, mỗi bộ phận của cơ thể khi đứng riêng lẻ không cấu thành con người. Chỉ khi tất cả tai, mắt, chân, tay, vv… kết hợp lại mới cấu thành con người.
Bràhman trước hết triển khai ra hư không, hư không sinh ra gió, gió sinh ra lửa, lửa sinh ra đất, đất sinh ra nước, 5 yếu tố căn bản cấu thành vũ trụ, do đó con người và vạn vật cũng đều được cấu thành từ 5 yếu tố đó.
Thời đại của đức Phật Thích-ca đã hình thành chữ viết, cụ thể là Hồ tự. Hồ tự là tiền thân của Phạm ngữ (Phạn ngữ). Thích-ca viết Đạo Đức Kinh trên lá cây (tôi cho rằng đó là lá mít), cả thảy 5 ngàn chữ, gồm những điều răn dạy về sự cấu thành của vũ trụ (Đạo kinh) và những quy tắc ứng xử của con người và vạn vật để duy trì sự vận hành của Đạo (Đức kinh). Nói cách khác, Đức là phép điều khiển vạn vật nhất tâm hướng vào quỹ đạo (Bràhman).
ĐẶC ĐIỂM KHÁC BIỆT TRONG THỜI ĐẠI THÍCH-CA-MÂU-NI TRỤ TRÌ THẾ GIỚI BỤT ĐẠO:
* Đặc điểm quan trọng nhất để nhận biết cái gốc của xứ Ấn Độ ở đâu, đó là thời đại của Thích-ca-mâu-ni trụ trì thiên hạ. Bụt đạo nguyên thủy có Tứ chúng tu hành, so với các nước khác chỉ có Nhị chúng.
- Hai chúng Bà-la-môn xuất gia là: Tăng đoàn:(Bhiksu), còn gọi là Tỉ-khưu, là chúng xuất gia của nam giới; Ni đoàn (Bhiksuni), còn gọi là Tỉ-khưu-ni, là chúng xuất gia của nữ giới.
- Hai chúng tại gia là Ưu-bà-tắc (nam giới), Ưu-bà-ni (nữ giới).
Có lẽ trên con đường truyền bá Đạo Bụt, chỉ có Tăng già “Du hành kì” vượt biên giới, còn Ni già thì không “Du hành kì”, nên Bụt Đạo truyền bá vượt biên ra ngoài chỉ có Tăng mà không có Ni. Hai chúng tu nữ, dường như chỉ có ở Việt Nam, nhờ vậy mà cái gốc nguyên thủy được chứng minh chắc chắn là tại Việt Nam.
3.6.4.2 – PHẬT A-DI-ĐÀ
Tôi đã có bài viết riêng “Phật A-di-đà là ai?”, nên không lặp lại dài dòng. Xuất thân là một vị vua từng chinh chiến oanh liệt, thâu tóm cả một vùng đất đai rộng lớn đến già nửa diện tích Đông Nam Á ngày nay. Giác ngộ nhờ chính đức Phật Thích Ca. Từ đó ngài quy hoạch nên thế giới Phật giáo đầy uy quyền, bao gồm hệ thống tu viện, trường đại học và cả việc phân phát Xá Lợi Phật truyền bá ra chín phương nhân gian, đánh dấu bước chân du hành của đức Phật Thích Ca.
Ở đây đặt ra yếu tố xác định, Phật A-di-đà chỉ sinh sau đẻ muộn hơn Thích-ca-mâu-ni khoảng mấy mươi năm thôi, nhưng trong cùng thế kỷ, cụ thể là vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, trong thế giới loài người hai vị đã gặp nhau và truyền đạo pháp cho nhau.
A-du-già (A-di-đà) cũng không chủ trương khổ hạnh đày đọa thân giác, mà đặt ra phép Du-già (Yoga) gồm 8 pháp tu để giải thoát bản thân như đã trình bày ở mục 3.6.3.4.
3.6.4.3 – PHẬT NHƯ-LAI CÙ-ĐÀM
Theo câu chuyện Thích-ca-mâu-ni trên đường truyền đạo, khi đến nước Capilavastu (Ca-duy-la-việt), thì dự đoán 100 năm sau tại nước này có Phật xuất thế. Tức vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch và Như Lai Cù Đàm là vị Phật hiện tại trụ trì thế gian.
Tiểu sử của Phật Như Lai, tên là Gaudama (Cù-đàm), con vua Suddhodana (Đồ-đầu-ra) và bà Maya (Tịnh-diệu). Khác với Thích-ca-mâu-ni mang họ Sàkyà (Thích-ca), tên là Sàkyà Muni (Thich-ca-mâu-ni), con vua Tịnh Phạm.
Các vị Ba-la-môn dẫn đạo cho Thái tử Cù-đàm có lẽ thuộc trường phái lấy khổ hạnh làm đường lối giải thoát. Thời đại của Phật Như Lai xuất hiện thủ tục trao Y bát cho người kế nhiệm.
Có một tục lệ truyền thống cần được xác định lại thời gian ra đời, đó là LỄ TỊCH ĐIỀN xuất hiện từ thời Thích-ca-mâu-ni. Trong bộ sách “Bụt sử lược biên thiệt truyện” đã có hẳn một chương mô tả chi tiết một buổi lễ Tịch điền này (xem hình ảnh chứa nội dung lễ Tịch điền bên dưới).
TÓM LẠI:
- Phật Thích-ca lấy lý thuyết Đạo và Đức làm giáo học
- Phật A-di-đà đặt Yoga làm phép giải thoát
- Phật Như Lai lấy Y bát và khổ hạnh làm phép giải thoát.
Nếu ai đó đề nghị tôi đưa ra một lời khuyên, tôi sẽ nói với họ rằng, bỏ hết mọi lý thuyết rườm rà, chỉ chọn lấy lý thuyết Đạo và Đức của Phật Thích-ca và pháp Yoga của A-di-đà kết hợp lại, chí ít trí tuệ của bạn sẽ không bị giới hạn bời điều gì.
Đừng chọn Y bát vì 2 lý do:
- Bạn đang muốn tu hành để thoát luân hồi, nếu thoát được luân hồi thì làm gì có kiếp sau mà cần phải đày đọa khổ hạnh kiếp này?
- Bràhman không phải là chốn chỉ có hạnh phúc không còn khổ đau? Các vị Bà-la-môn có lẽ đã nhầm tưởng? Một nén hương đưa khói thơm làm thanh tao đất trời được, thì một dòng khói nhà máy cũng đưa khí độc ô nhiễm bầu trời được. Vũ trụ luôn luôn tồn tại chiến tranh giữa các luồng năng lượng Tà – Chính. Cho nên đức Phật Thích-ca chỉ dạy loài người phép cân bằng Tà – Chính để duy trì trạng thái vận hành ổn định của Vũ Trụ.
Nói vậy chả nhẽ không cần tu hành vì Atman khi hòa nhập với Bràhman vẫn chưa nguôi khổ đau?
Hãy nghĩ đơn giản thế này, nếu ta có một mái nhà, thời nắng mưa không dầu dãi; nếu ta không có một mái nhà, thì gặp bão tố thường xuyên. Người không nương tựa cửa Phật, thì khi Atman lìa thể xác, linh hồn phiêu bạt giữa hai dòng năng lượng Tà – Chính, có thể bị va đập bên này bên kia, khiến cho hạnh phúc và khổ đau luân hồi không dứt; người nương tựa cửa Phật, tu hành tốt thì Atman có thể hòa trong dòng năng lượng chính đạo ngay lúc ta còn sống, điều đó cũng giống như ta có mái nhà chở che, đem lại ấm cúng vậy.
Một giá trị đặc biệt về trí tuệ. Nếu ta thấm nhuần Đạo và Đức trước, rồi mới tiến tới bước thiền định, tập trung ý chí hướng tâm để có thể kết nối Atman với Bràhman, sẽ gặp Atman của người xưa ở trong hư không, bất diệt, kiến thức của Tiên Tổ lưu trữ ở trong đó cả, ta có cơ hội lĩnh thụ. Bốn thời kỳ tu tâm tích đức của Ấn Độ giáo không được bỏ qua thời kỳ nào vì mỗi giai đoạn có giá trị đích thực của nó đối với một đời người.
Kỳ sau: 3.6.5 – CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA GIÁO LÝ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY



***
Tài liệu tham khảo và sử dụng:
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Khâm định Việt sử - Tiền Biên
- Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn
- Lịch sử các nước Đông Nam Á – Nguyễn Thế Anh
- Địa lý Việt Nam – Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Đình Tiếu
- Văn hóa Tiền sử Việt Nam – Bùi Vinh
- Lược sử Ấn Độ Giáo – TS Thích Thanh Kiểm
- Phật giáo Việt Nam – Trần Văn Giáp
- Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục
- Phật giáo – Trần Trọng Kim
- Phật giáo sử lược – Thượng tọa Mật Thể
- Nhật Bản sử lược – Phan Khoang
- Dân tộc Chàm lược sử - DOROHIÊM, DOHAMIDE
- Sự tích về Phật Triết của Lâm Ấp – Onishi Kazuhiko
- Bụt sử lược biên thiệt truyện – Pierre REY
- Nam phương Phật tích – Huyền Mặc Đạo Nhơn
- Phật giáo Nam tông kinh – Thiện Hậu
- Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam – TS Lê Mạnh Thát
- Phật giáo triết học – Phan Văn Hùm
- Thiền uyển tập anh – Kim Sơn (phái Trúc Lâm)
- Chùa cổ Hà Tĩnh – Thái Kim Đỉnh
- Nghệ An ký – Bùi Dương Lịch
- An Tĩnh cổ lục – Le Breton
- Văn hóa VN với các nước Đông Nam Á – Nguyễn Đăng Thục
- Sử lược Phù Nam – Lê Hương
- Lĩnh Nam trích quái – Trần Thế Pháp