Phần II - Hát đố, hát đối, hát nghịchChặng này chỉ có một bước, nhưng là bước quan trọng. có được tiếp tục hát, được mới vào nhà để hát x e kết hay không là ở chặng này. Đây là chặng phải suy nghĩ nát óc. Các chàng trai không những phải nhanh trí vì những câu đố, câu đối khá lắt léo, hóc hiểm, mà còn phải hiểu biết rộng vì bên nữ có thể hỏi mọi mặt tri thức của đời sống, hỏi cả tri thức trong sách vở, dân gian lẫn bác học.
Đến chặng này, trước kia người ta hay hát đố. Hát đố căn bản là quần chúng lao động. Nó gắn liền với sản xuất. Trai gái đố nhau tức là thử thách trí phán đoán, trí thông minh của nhau.
Về nội dung, trai gái hay đố nhau về những tri thức thông thường trong đời sống:
Trong triều chi đỏ hơn điều,
Chi vang hơn nghệ, chi nhiều hơn sao?
- Trong triều lửa đỏ hơn điều,
Hồng hoàng vàng hơn nghệ, cát nhiều hơn sao.
Đố nhau về tri thức sản xuất:
Đến đây hỏi khách nhà nông,
Một trăm mẫu ruộng mấy công cày bừa?
- Nhà nông đêm nghỉ ngày làm,
Một trăm mẫu ruộng một ngàn ngày công.
Đôi khi người ta đưa ra những điều không thể làm được, xem bên kia đối đáp ra sao:
Nghe tin anh hay hát hay hò,
Đó anh đếm được cổ có mấy lông?
- Em về đếm cát dưới sông,
Anh đây sẽ đếm được lông cổ cò.
Nhà nho tham gia hát phường vải đã mang vào câu hát lối thử thách về tri thức sách vở:
Hỏi chàng học sách Hán vương,
Ai câu sông Vị, ai cày Lạch Sơn?
- Anh đây học sách Hán vương,
Tín câu sông Vị, Thuấn cày Lạch Sơn.
Thử thách về chữ nghĩa:
Hỏi chàng học sách kinh thi,
Nghìn người đứng viết, chữ chi hỡi chàng?
- Anh đây học sách cửu chương,
Nghìn người đứng viết chữ “hương” rõ ràng.
Biết các nhà nho hay sính chữ, một lần tại một phường vải ở Nam Đàn, một cô gái đã hát hỏi một nhà nho:
Đồn rằng anh học Kinh Thi,
Cá nằm dưới cỏ, chữ chi rứa chàng?
Các cô định hãm nhà nho vào thề bí. Nhưng với tài đối đáp lanh lợi, chỉ sau vài phút nghĩ ngợi, nhà nho đã trả lời một cách hóm hỉnh:
- Anh đây chẳng học Kinh Thi,
Cá năm dưới cỏ có khi cá tràu.
Oái oăm hơn, một cô gái hỏi một chàng nho sĩ khác:
Con rồng kia phải bệnh ngáp dài,
Hỏi chàng nho sĩ uống bài thuốc chi?
Bệnh gì có bệnh ngáp dài? Sách thuốc chỉ nói chữa bệnh cho người hoặc có rộng ra nữa là những con vật nuôi trong nhà, chưa có sách nào dạy chữa bệnh cho rồng. Nghĩ mãi không ra, song vẫn láu lỉnh, nhà nho này đã trả lời một cách nghịch ngợm:
- Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kỳ,
Đem cho nó uống bệnh gì cũng thôi.
Chính vì hay trả lời nghịch ngược, nên có lần một nhà nho bị bên gái dùng thơ Kiều, lên giọng kẻ trên khen ngợi, nhưng thật ra là mỉa mai châm chọc:
Khen cho con …con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Trong “Đoạn trường tân thanh”, Nguyễn Du dùng chữ “con mắt” theo lối hoán dụ. Ở đây cô gái đã dùng câu thơ Kiều một cách sáng tạo, nghĩa là vừa dùng lối hoán dụ, vừa dùng lối ám tỉ. Song nhà nho này cũng không phải tay vừa. Anh ta cũng dùng thơ Kiều đốp lại:
- Vả bây giờ…mới thấy đây,
Mà lòng đã chắc những ngày còn thơ.
Chữ vả vừa là vả lại, vừa là vả vào mặt. Thật là vỏ quýt dày gặp moáng tay nhọn, kẻ tám lạng người nửa cân.
Về sau, cái chính mà nhà nho đem vào hát phường vải là hát đối. Hát đối với nội dung phần lớn là thử thách tri thức sách vở đã xa rời tính chất dân gian của hát phường vải. Với hát đối, nó lại càng xa rời hơn. Căn bản của hát đối là nghệ thuật chơi chữ. Về nguyên tắc, nó cũng như câu đối, nghĩa là danh tư đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ, thanh âm đối với thanh âm, màu sắc đối với màu sắc, chữ Hán đối với chữ Hán, địa danh đối với địa danh…Nhưng nó không chặt chẽ bằng câu đối liễn, hay như các câu thực và luận trong một bài thơ Đường thi bát cú. Bởi nó không yêu cầu phải đối dủ mọi chữ, mọi ý mà chỉ cần đối một số từ, một số ý mà câu hát của đối phương đã gửi gắm vào là được.
Đành rằng cách kiến trúc câu hát khá công phu mà giá trị nghệ thuật một số câu chẳng được bao nhiêu, song chúng tôi cũng xin giới thiệu một số lối mà các cụ thường vận dụng để sáng tác các câu hát đối trong khi hát:
- Lối đầu tiên là trong câu hát, ý rất thông, văn rất trôi chảy, nhưng có đối chữ đối nghĩa:
Cha con thấy thuốc về làng
Hồi hương phụ tử thì chàng đối chi?
Hồi hương là về làng, phụ tử là cha con. Hồi hương, phụ tử con là tên hai vị thuốc bắc. Câu đối lại:
- Con vua đi sứ cửa giời,
Thiên môn, quan tử đã tỏ lời chưa em.
Thiên môn là cửa giời, quân tử là con vua (nghĩa đen). Thiên môn, quân tử cũng là hai vị thuốc bắc, đối như vậy là rất chỉnh.
- Lối thứ hai là ghép chữ. Ví dụ câu:
Muốn cho nhật nguyệt động minh,
Ngày nghiêu tháng thuấn thái bình câu ca.
Chữ nhật và chữ nguyệt ghép lại thành chữ minh. Mà trong câu đã có chữ nhật lại có chữ ngày, đã có chữ nguyệt lại có chữ tháng, làm cho câu hát thêm khó đối. ví dụ khác:
Chờ chàng ngày một cho đến ngày mười,
Chữ rằng đán tảo, thiếp ngồi trông luôn.
Ngày một, trên nhật dưới nhất là chữ đán, ngày mưới trên nhật dưới thập là chữ tảo. Đán tảo còn có nghĩa là sáng sáng (từ nửa đêm cho tới gà gáy thì gọi là đán, từ gà gáy cho đến khi mặt trời mọc độ một cây sào thì gọi là tảo).
- Lối thứ ba là nói lái. Ví dụ:
Hay nôm gặp bạn hôm nay,
Thấy chàng có một tháng chầy không đi.
- Đi rông gặp buổi đông ri,
Thì đương bông vải thường đi cõi này.
- Lối thứ tư là dùng các từ có vẻ mâu thuẫn với nhau, ví dụ:
Dàn hoa bể cạn nước đầy,
Cá vàng hóa bạc, chàng rày đối chi?
- Thuyền tình sào ngắn sông sâu,
Tàu đồng neo sắt, gái đâu dám chèo.
- Lối thứ năm là hay dùng những từ có bà con họ hàng với nhau. Ví dụ:
Ngọn ngành cội rễ đã tường,
Chẳng tay lèo lá, cũng phường tài hoa.
- Hạt gai xác quả rõ ràng,
Một tay chánh (nhánh) đáng, một phường danh gia (da).
- Lối thứ sáu là trong câu hát đọc lên, nêu không suy nghĩ thì ta tưởng như không có gì, kỳ thực trong đó có các địa danh. Ví dụ:
Gái xuân liệu định còn lâu,
Trai nam tình tự trì lưu khoan về.
- Trai Nam Đàn hát khuya canh,
Xin đừng bố thiết ân tình còn lâu.
Câu ra có hai địa danh: Xuân Liệu và Tự Trì, cả hai đều ở Bam Đàn. Câu đối lại cũng có hai địa danh: Nam Đàn và Bố Ân. Bố Ân cũng là một làng ở Nam Đàn. Có lẽ do khó kiến trúc câu đối lại, nên người đối không để chữ bố ân liền nhau, phải cách một chữ, cho câu hát có nghĩa.
- Lối thứ bảy là sử dụng nhiều nghĩa của một chữ. Ví dụ:
Anh hùng đến đó thì vô,
Không vô rồi lại trách vô vô tình.
- Không vô có lẽ đi chi,
Đi chi đến đó, trách chi chi mà.
- Lối thứ tám cả câu đã xuôi mà từng chữ phải đối. Ví dụ:
Đồn rằng rắn hổ mang bò,
Chàng mà đối được, thiếp cho làm chồng.
Rắn hổ mang bò đã xuôi, đã thành một câu đơn hoàn chỉnh, song đó là bốn con vật: Rắn, hổ, mang và bò. Câu đối lại cũng tài:
- Ngỏ lời với khách thuyền quyên,
Gà mồng kiến gáy, anh liền đối cho.
Ngoài ra còn nhiều lối đối khác nữa, như khi người ta sử dụng lối đệp tự, khi người ta sử dụng hai ba nhóm từ có liên quan trực tiếp với nhau, khi thì người ta sử dụng những tiếng có màu sắc, thanh âm…Tóm lại đều là nghệ thuật chơi chữ mà có nghĩa, mà ngụ tình. Nếu không những câu hát ấy không thể tồn tại trong trí nhớ của nhân dân được.
Hát đối khó khăn mà bên nữ lại chủ động. Các chàng trai đến hát ngồi ngoài ngõ, ngoài đường, nếu nghĩ mãi không ra câu hát đối mà thèm điếu thuốc, cũng phải hát một câu ngụ ý mượn điếu, bên gái mới đem ra cho mà hút:
Đêm khuya lòng khát khao lòng,
Mương cơn trúc bạch cho rồng phun mây.
Muốn uống nước hay muốn ăn trầu, cũng đều phải hát những câu ngụ ý như vậy. Nói thẳng hay trực tiếp vào nhà mượn, xin, chị em cho là thô. Còn nếu như bên này hát nhỏ mà bên kia nghe chưa rõ, muốn bảo hát lại thì cũng phải nói bằng câu hát. Ví dụ bên nữ bảo bên nam hát lại:
Đèn treo trong sáo tờ mờ,
Thiếp nay chưa tỏ câu thơ chàng đàn.
Bên nam bảo bên nữ hát lại:
Ếch kêu trong bụi vang giời,
Nàng hiu hiu giọng xa với khó nghe.
Để dấu giốt, một nho sĩ đã lợi dụng giọng hát nhỏ nhẹ của bên nữ để trả lời câu hát đối:
Đồn chàng đã đọc Kinh Thi,
Cha ông Y Doãn tên chi rứa chàng?
Nho sĩ này không biết cha ông Y Doãn là ai, đã giả đò nghe ra là Đĩ Doãn (gần đó ở làng Mậu Tài có anh Đĩ Doãn là con cố Si) nên anh ta đã hát đối lại:
- Anh đây chẳng học Kinh Thi,
Cũng biết cha Đĩ Doãn là cố si, Mậu Tài*
Hát đối lúc đầu chỉ nằm chung trong chặng hát đố hát đối, nhưng càng về sau càng phiền toái, chiếm tất cả các bước các chặng của một cuộc hát phường vải. Vì dụ:
Mừng chàng nấu sử sôi kinh,
Học hành chín chắn công trình dẻo dai.
- Mừng nàng ráo vải hồ tơ,
Cửi canh lão luyện, tay đưa mỏng mềm.
Hát hỏi:
Vấn quân hà quận hà châu,
Hà danh hà tính xuân thâu kỷ hà?
- Anh đây sùng quận sùng châu,
Sùng danh sùng tính xuân thâu cũng sùng.
Hát mời:
Mời hàng mãi mãi không vào,
Bán mua chi đó làm cao rứa chàng.
Hát xe kết:
Mấy phen tri kỷ biết mình,
Trăng nhâm gác ngọ, gà canh gáy dần.
- Dù mà dó có thưởng lừ,
Rủi may may rủi, tương tư một lòng.
Hát tiễn:
Ra về dặn thiệt nhớ nha
Tối mai răng cũng lại nhà em chơi.
- Dặn lời thấu suốt can tràng,
Bền gan vững dạ mai sang đó dừ.