Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa
 
(17h: 13-07-2010)
Đò đưa ví dặm trôi vào giấc mơ ...Phlanhoa(Tôi thì đang vẽ giấc mơ của tôi về Hà Tĩnh, còn Hà Tĩnh thì đang biến giấc mơ của tôi thành hiện thực từng ngày…) 

Đường vô Hà Tĩnh quanh quanh, hai ngả Bắc Nam đều có hai cái cổng chào thật lớn, đẹp như rồng bay phượng múa, với dòng chữ “Welcome To Hà Tĩnh”,  một cổng đặt ở đoạn cua, nơi mà “Sông Lam - Núi Hồng quấn quýt bên nhau” là hiện hữu của biểu tượng lòng người Xứ Nghệ thủy chung; một ở trên “đỉnh đèo Ngang bóng xế tà”,  bên cái cổng cũ kỹ là di sản của ngàn xưa để lại. Một khu nghỉ mát ở giữa non ngàn với “cỏ cây chen lá, đá chen hoa”, sẽ là nơi của các văn sĩ tao đàn, tụ hội về đây hàng năm để tạo nguồn cảm hứng. Đất và người Hà Tĩnh vốn dĩ là nguồn thơ dạt dào mà.

 

Con đường ven biển thật đặc biệt, bởi nó mang cốt cách của một con đê chắn sóng, nên ý nghĩa của nó cũng nhân đôi. Với thân hình cao ráo vạm vỡ, chắc chắn của  con đê kết hợp với vẻ mềm mại lượn dài ven biển của loại hình đường du lịch, sẽ được ví như là một con rồng nằm ườn mình phơi nắng giữa ngút ngàn phi lao xanh và cát vàng êm dịu. Khi tiết trời trong thanh gió mát, du khách sẽ được đứng trên lên lưng rồng,  tha hồ mà đùa nghịch, tận hưởng vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên; còn khi bão tố cuồng phong, lũ lụt dâng tràn, người dân Hà Tĩnh được yên lòng bởi đã có một cái lưng rồng vững chãi che chắn. Biển có hung dữ mấy cũng không còn có thể lấn đất Hà tĩnh được nữa; lũ có điên cuồng bao nhiêu cũng không còn có thể cô lập Hà Tĩnh được nữa.

 

Cuối con đường ven biển xinh đẹp ấy, du khách sẽ có cơ hội qua Cửa Hội, chiêm ngưỡng đường đi của thánh thần. Đôi  hòn Song Ngư mắt sáng long lanh, dõi ra khơi xa vừa như bảo vệ, vừa như  mong chờ du khách thập phương neo thuyền vào chơi bến Hội, nơi mà khởi đầu của những cuộc đối đáp phường vải thâu đêm, còn là nơi để Việt Nam có thể tự hào về sự uyên sâu của văn học nước nhà, bởi đó chính là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Nhìn từ trên máy bay, du khách sẽ thực sự hấp dẫn bởi hòn Song Ngư như hai chú cá thờn bơn vẫy mình tung tăng trong sóng biển.

 

Con đường làng xinh xắn, lòng đường lát bằng gạch thẻ, màu nâu non của gạch nổi bật giữa hai bờ cỏ xanh. Con đường nhỏ điệu đà ấy không chỉ vòng vèo trong những thôn làng, qua những bờ tre rì rào kể chuyện Phu Tử La Sơn, mà nó còn chạy thẳng ra cánh đồng bát ngát xanh, ở đây con đường không chỉ có gạch nâu và bờ cỏ xanh mà còn được trang điểm thêm những khóm bụi đường, khóm hoa sim, hoa mua lung linh sắc màu. Lúa đang thì con gái như thảm nhung uốn lượn rập rờn. Không chỉ có thế, nương khoai, bãi ngô cũng chẳng chịu kém cạnh. Tiếng sáo vút lên giữa không gian yên bình, du khách như bị mê hoặc, vội  bước chân nhanh về phía gọi mời. Một bãi cỏ xanh và một hồ nước trong vắt hiện ra ngay giữa cánh đồng, đó là thứ “cỏ ăn được” mà người dân Việt Nam gọi là rau muống. Một cái cầu lắt lẻo vươn ra tới tận giữa lòng hồ, trên cái cầu có cụ già áo nâu, tóc búi tó bình thản ngồi câu cá. Tiếng sáo là của chú mục đồng đang vắt vẻo trên lưng trâu. Vài cô bé con quần lận ống cao ống thấp đang phùng má thổi lửa nướng khoai. Ở đó còn có mấy cái túp lều tranh nâu, có bà cụ già bán nước chè xanh và mấy cô thôn nữ buông lơi câu hò ví dặm.

 

Vào những đêm rằm, Tam Soa trăng sáng soi bến nước, bên này là dãy Thiên Nhẫn, bên kia là dãy Hồng Lĩnh nằm dài như hai con sư tử mơ màng ngắm trăng. Rồi bỗng giọng hò ai vang lên man mác, quyện theo cả tiếng mái chèo khua vọng vào vách đá, tiếng gió mời gọi mây bay, lá bay, trăng trôi, sông trôi…

 

Phường Vải của Hà Tĩnh xuất phát từ bến Tam Soa. Du thuyền xuôi dòng sông La, hai bên bờ sông có tới vài chục cái bến neo, những con đò cắm sào đứng đợi dưới trăng. Ấy là con đò đang đợi “Du thuyền hát Phường Vải” để sẵn sàng đối đáp những câu gọi mời từ trên du thuyền vọng vào, hễ mà ai đối đặng thì được đò đưa lên du thuyền, bằng không thì ngồi tựa mạn thuyền mà chén tạc chén thù cũng say chán…

 

Phường Vải của Nghệ An xuất phát từ Bến Thủy, ngược dòng sông Cả mênh mang, cũng có những bến hát giao duyên đò đưa chèo kéo du khách…

 

Hai du thuyền của hai Phường Vải, một xuôi dòng, một ngược dòng, thể nào mà chả gặp nhau. Nhưng Tuyệt vời nhất là ở nơi hai du thuyền gặp nhau cũng chính là nơi ba con sông Lam – La – Minh gặp nhau để rồi hòa đàn thành một dòng Cả xuôi về nơi biển lớn. Có gì tuyệt vời hơn là đứng nơi đó để mà hát câu đò đưa, rồi thể nào mà chẳng có khối người nên “câu đợi câu chờ”.

 

Ước mong của những người con đi xa trong ngày cố hương há chẳng phải chi giản dị là được ăn một đọi cơm cà với canh hến tập tàng? được uống một đọi chè xanh thơm chát, được nghe một câu hò vì dặm mộc mạc quê mùa đó sao? Nếu như sau khi rời khỏi những chuyến phi cơ, họ được về nhà không phải bằng ô tô, taxi mà là ngồi trên những con thuyền có nước chè xanh, có câu ví dặm đò về, được như thế há chẳng phải đã được quê hương đón về bằng ân tình lắm sao?

 

Vào Hà Tĩnh thật dễ dàng từ muôn ngả, bạn có thể đi từ đông sang Tây, từ Bắc vào hay Nam ra, quốc lộ nở đầy hoa đón chào. Đến Hà Tĩnh, nhà khảo cổ có thể đi tìm chứng tích lịch sử mấy ngàn năm oai hùng của dân tộc Việt Nam nơi con đường thượng đạo, hay là căn cứ địa Phan Đình Phùng, ngã ba Đồng Lộc; du khách có thể kiếm tìm một chốn bình yên để thư giãn với bến Tam soa, biển  Thiên Cầm; doanh nghiệp có thể tìm kiếm nơi đầu tư vốn kiếm lời từ tiềm năng về sắt thép dư dôi.

 

Và rồi một ngày không xa, du khách đến nơi này sẽ phải ấn tượng bởi một bản sắc văn hóa rất riêng, không hề pha trộn. Sẽ dễ dàng hiểu ra thôi, vì sao từ xưa kia nơi đây đã được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt…”

 

……….. Tôi sẽ còn viết tiếp ước mơ này…

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Các nhà khoa học học sẽ nhân bản ra giống người không có trái tim trong tương lai... (20h: 03-04-2011)
 Ví dặm ơi sâu lắng chút mồ (15h: 22-03-2011)
 Công thức làm bếp trong lời ru của mẹ - Bài và ảnh của Phlanhoa (14h: 03-08-2010)
 NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN HÀNG RONG - Phlanhoa (18h: 28-07-2010)
 Tri âm cùng bạn đọc của vidamdodua.com (16h: 04-08-2012)
 Vợ chồng bà bạn cùng phố (19h: 15-06-2013)
 Nhút cà ơi bớt mặn ! (16h: 16-03-2011)
 Quà tết (01h: 29-01-2012)
 Thư giãn: Tiêu chuẩn của anh về phụ nữ (14h: 27-08-2013)
 Seri; Section; Seiso; Seketsu; Shetsuke - Truyện vui 5S ! (22h: 17-03-2011)