Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Giai thoại Phan Bội Châu - Lược trích trong cuốn "Hát phường vải" của Ninh Viết Giao
 
(10h: 30-07-2010)
Giai thoại Phan Bội Châu - Lược trích trong cuốn "Hát phường vải" của Ninh Viết GiaoPhan Bội Châu là người mẫn tiệp, nhanh trí, uyên bác, nhiệt thành. Trong cuộc đời mình, Phan Bội Châu đã đi chơi hát ví ở nhiều nơi. Câu hát thể hiện tư chất thông minh, tài ứng khẩu đối đáp đầu tiên phải kể đến câu Phan đã hát đáp lời câu hát hỏi của phường vải:



Vấn quân hà quận hà châu
Hà danh, hà tính, xuân thâu kỷ hà?

Trong câu hát này có chữ “Châu” là tên nhà chí sĩ, chữ “hà” có nghĩa là sao, là chi, là bao nhiêu. Nhưng chữ “hà” tiếng Việt lại là một loài côn trùng hay ăn mọt ruỗng các củ khoai lang…Phan đã trả lời rất tài tình:

 

Anh đây sùng quận, sùng châu,

Sùng danh, sùng tính, xuân thâu cũng sùng.

 

Đem chữ “sùng” đối với chữ “hà” thì thật là tuyệt, cả Hán và Việt đều có ý nghĩa.

 

Một đêm, Phan hát tại một phường vải ở Thanh Chương. Biết Nam Đàn có nhiều người anh Tuấn, một cô gái ân cần hát hỏi:

 

Nam Đàn tứ hổ là ai

Nói cho em biết để mai em chào?

 

“Tứ hổ” là chỉ bốn người hay chữ, có tài nhả ngọc phun châu bậc nhất của Nam Đàn thời bấy giờ. Thời đó bà con vùng này ca ngợi bốn nho sĩ, mỗi người một vẻ, đó là:

 

Mẫn tiệp bất như San

Thông minh bất như Quý,

Cường kỳ bất như Lương,

Thâm thúy bất như Song.

 

San  chính là Phan Bội Châu, Quý tức là Vương Thúc Quý , Lương là Trần Văn Lương, hai người này ở làng Kim Liên, còn Song là Nguyễn Đình Song quê ở Xuân Hồ. Trong bốn người thì có Nguyễn Đình Song đỗ tiến sĩ, ba người còn lại đỗ cử nhân. Chưa rõ đêm đó bốn người có đi hát cùng nhau hay không, nhưng khi nghe xong câu hát, Phan liền đáp:

 

Nam Đàn tứ hổ là đây,

San, Song, Lương, Quý, một bầy bốn anh.

 

Một hôm San đi thi hỏng về, buồn bực nên qua phường vải Nam Kim hát cho khuây khỏa, nào ngờ bị một cô tên Diền hát lỡm:

 

Nghe chàng ứng thí mới về

Bài ra nặng nhẹ, quyển đề làm sao?

 

Biết  các o chế diễu mình, Phan trả miếng:

 

Ơ tề, ngồi rứa không lo,

Người ta chị tú, cô nho cả rồi!

 

Các o cong cớn đáp lại:

 

Ơ hay, ngồi rứa làm sao?

Chờ cho tuấn kiệt, anh hào ra tay.

 

Đến đây Phan mới thổ lộ lòng mình:

 

Hỏi ta, ta cũng tạ lòng,

Trời xanh còn hãm anh hùng chút chơi.

 

Đêm hôm ấy có lẽ là do phường vải có thầy gà sắc sảo, nên o Diền đã hát một câu khá hóc hiểm:

 

Độc đạo nam thành chí bắc thành

Thiên trung bán nguyệt lộ tam tinh,

Tam nhân đồng tọa vô ngưu giác,

Nhất điểm tam hoành giữ khẩu thanh,

Chàng mà giải được thiếp đinh ninh theo về.

 

Lẽ nào lại đi chơi chữ với đầu xứ San? Ai tinh ý một chút cũng biết được: một con đường từ thành nam đến thành bắc là chữ “nhất”, nửa vành trăng với ba ngôi sao giữa trời là chữ “tâm”; ba người ngồi trên con trâu không có sừng là chữ “phụng”; một chấm ba ngang với chữ khẩu và chữ thanh là chữ “thỉnh”. Phan đã vận câu hát khá hóm hỉnh để trả lời, không những thế câu hát của Phan lại có phần bày tỏ thán phục đức độ của o Diền:

 

Nhất – tâm - phụng - thỉnh, ơn nàng

Một lời nàng tạc đá vàng thủy chung.

 

Một lần đến phường vải Hoàng Trù, biết rõ Phan là tay học giỏi, một cô gái thẩm vần chí hướng sau này của Phan:

 

Nhất vui thơ túi rượu bầu,

Biết ai khánh tướng công hầu là ai?

 

Phan đáp:

 

Mặc ai khanh tướng công hầu,

Dưới thành luống những muốn câu cá kình.

 

Cô gái khen:

Rõ ràng cốt cách trượng phu,

Nước non muốn dậy cơ đồ có phen.

 

Quả cô gái có con mắt tinh đời. Ở Nam Đàn không ai xa lạ cô gái ấy, đó chính là bà Dũng Thơn, tên thật là Hoàng Thị Lượng – chị gái của bà Hoàng Thị Loan – mẹ của Bác Hồ.

 

Một lần khác, Phan lại qua Nam Kinh hát với phường o cháu Ban. Hình như giữa Phan và o cháu  Ban cũng có mối tình thanh khí, nên nhiều câu hát của hai người mang đầy ẩn ý. Gặp nhau lần ấy o cháu Ban hát :

 

Kháp nhau một gánh nặng nề

Giang sơn bịn rịn, tình quê nghẹn ngào.

 

Vượt lên tình cảm riêng tư, nghĩ đến nước non hai vai, Phan hát:

 

Đêm xuân gặp gỡ giữa đường,

Non sông một đội, cương thường hai vai.

 

Cô Ban hiểu được tấm lòng người quân tử đang để tâm đến chuyện lớn lao hơn là chuyện lứa đôi, nên cô nghĩ không cần che dấu lòng mình, thật thà thổ lộ :

 

Chung vui chung cả đồ đầy,

Cho em chung mẹ, chung thầy với anh.

 

Với câu hát này, trả lời của Phan không những tỏ ý mở lòng đón nhận tình cảm của o Ban, mà còn mở rộng tình cảm đôi lứa thành tình nước non:

 

Chung binh, chung tướng, chung vương

Cùng anh chung cả tứ phương sơn hà.

 

(…Còn nữa…)


Để gửi ý kiến nhấp vào đây