Trích trong cuốn “Lãng du trong văn hoá Việt Nam” của Hữu Ngọc
Năm ngoái, suýt nữa xảy ra một “sự cố ngoại giao”.
Nguyên do là thế này. Cúp bóng đá thế giới 2002 diễn ra ở Hàn Quốc, nước có truyền thống thích món “mộc tồn”. Chủ tịch FIFA đòi hỏi người Hàn Quốc ngừng ăn thịt chó! Một kênh truyền hình New York tung ra chuyên mục Người cắn chó để tố cáo người Hàn Quốc ăn thịt chó. Phản ứng này cũng dễ hiểu vì dân Mỹ rất quý chó. Mới đây, đi uống bia, tôi gặp một bác Việt Kiều hơn 90 tuổi kể về chó ở Mỹ. Bị bắt quả tang ăn thịt chó là ngồi tù ba tháng, giết chó ăn thịt ngồi tù năm tháng. Về trật tự trong đối xử, chó được coi trong hơn người. “Nhất chó, nhì phụ nữ, ba trẻ nhỏ, bốn nam giới” là câu châm ngôn phổ biến. Khi chó chết, có chủ làm tang lễ to hơn ngu7òi và khóc thảm thiết như người thân.
Trở lại câu chuyện Cúp bóng đá thế giới 2002. Đáp lại lời lên án ăn thịt chó, giáo sư Yi O-ryong đặt vấn đề ngược lại. “Sao các ông không đòi nước Nhật, nơi cũng diễn ra cúp bóng đá phải bỏ món Sashimi làm bằng cá sống? Sao năm 1988, khi cúp bóng đá diễn ra ở Pháp, các ông không đòi cấm người Pháp nhồi ngỗng để có gan ăn? Năm 2008, Trung Quốc sẽ tổ chức thế vận hội. Các ông có gan bắt một tỷ ba trăm triệu người Trung Quốc nhịn ăn thịt chó không?
Chó có mặt hầu như trong khắp các nền văn hoá với chức năng huyền thọai phổ biến là dẫn dắt con người khi còn sống dưới ánh mặt trời và linh hồn con người trong bóng đêm ở cõi chết. Ở các nước Đông Á, chó biểu tượng hai mặt đối lập. Lành vì bảo vệ và giữ nhà cho chủ, dữ vì nó có họ hàng với chó sói, chó rừng, nên được coi là không sạch sẽ. Ở Tây tạng, chó là biểu hiện của nhục dục, cả ghen. Đức Phật dạy: “Ai sống như chó thì khi chết, tan nhũn sẽ đi với chó”. Ở các nước theo đạo phật, phật tử và nhất là sư không được ăn thịt chó.
Có đến 2.412 địa danh ở Triều Tiên liên quan đến chó. Dân Triều Tiên ăn thịt chó đã lâu đời, cũng như dân Việt Nam, Trung Quốc vv…Chiến dịch phương Tây chống ăn thịt chó đụng đến một vấn đế lý luận về văn hoá, về tính chất phổ biến và tính chất địa phương của văn hoá. Nói cho cùng, nó thể hiện tư tưởng “phương Tây (Châu Âu) là trung tâm thế giới” (Eurocentrisme), có quyền cấm các dân tộc không thuộc văn hoá phương Tây ăn những thức ăn họ không thích.
Nếu hiếu văn hoá là cái mà một cộng đồng con người tự tạo ra để phục vụ cho chính cộng đồng ấy, thì các nền văn hoá đều có giá trị như nhau, không thể xếp cao thấp được. Không nên nhầm văn minh với văn hoá.
Biện luận cho việc Hàn Quốc ăn thịt chó, ông Yi O-ryong nhấn mạnh về tính độc đáo của từng nền văn hoá. Ông giải thích là sự khác nhau về tục lệ cưới xin và ăn uống của mọi nền văn hoá đều bắt nguồn từ khái niệm khoảng cách. Người ta không kết hôn với một người trong họ quá gần, không ăn những con vật sống gần gia đình. Nhưng tiêu chuẩn khoảng cách lại được đánh giá khác nhau giữa các nền văn hoá. Ở xã hội Triều Tiên, hai người mang cùng một tên họ không thể lấy nhau được; Phương Tây, anh em con chú con bác có thể lấy nhau được. Ở phương Tây, chó được tôn trọng như người, ở chung phòng với người. Đối với người Triều Tiên (và các nước từng chịu ảnh hưởng của Nho giáo) vị trí của chó không thể ngang người được, không vào ở phòng người được. Mèo và cá vàng thì được, người ta kiêng ăn chúng.
Người Việt Nam truyền thống không chịu được mùi bơ, pho mát, cũng như người phương Tây không chịu được mùi nước mắm, mắm tôm. Ngoài những giá trị văn hoá có tính phổ biến của nhân loại, lại có những giá trị văn hoá địa phương phải được tôn trọng.