Trich : Lãng du trong Văn hóa Việt Nam – Hữu Ngọc
Một hôm, chị bạn Diane, nhà báo và nhà dịch thuật Mỹ, hớt hải đến tìm tôi ở văn phòng, nét mặt băn khoăn. Chị bảo : “Trên báo chí Việt Nam và ở các bản tuyên bố chính thức, tôi luôn luôn thấy khẩu hiệu : “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Cứ mỗi lần phải hạ bút dịch từ “văn minh là civilized” tôi lại tự hỏi : Tại sao các bạn luôn luôn nói là dân tôc mình có ba bốn nghìn năm “văn hiến, văn minh” mà bây giờ, mới bắt đầu xây dựng xã hội văn minh ?
Ấy là chưa kể chế độ thực dân Pháp cũng đã từng huênh hoang là đã mang lại văn minh cho dân Anam ! Lẽ nào nhân dân Việt Nam đã từng thắng hai cường quốc văn minh Pháp và Mỹ lại tự coi là thiếu văn minh, có nghĩa là còn “dã man”* ? Tôi cứ suy nghĩ mãi trong trườn hợp này vì từ “văn minh”, bạn ạ. Tôi cho có lẽ là các bạn dùng từ “văn minh” với một khái niệm đặc biệt cho một thời kỳ lịch sử. Vậy thì nội dung khái niệm ấy là gì ?”
Tôi rất cảm kích khi nghe tâm sử của Diane, của một người phiên dịch có lương tâm nghề nghiệp và một người bạn thân thiết của Việt Nam, đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược.
Chị Diane suy nghĩ mung lung về từ “văn minh” và đi hỏi các bạn Viêt Nam. Các bạn Việt mỗi người trả lời một cách như sau :
Có người giải thích : “Xã hội văn minh có nghĩa là khi ăn trầu, không nhổ nước bọt đỏ lòm ra ngoài phố”. Người khác bảo : “Ứng xử văn minh ư ? Thí dụ, ra ngoài đường đi xe đạp, xe máy, đi bộ vv...theo đúng luật lệ giao thông”. Bà vợ nói thêm : “văn minh còn có nghĩa là hành động theo lẽ phải, làm đúng không phải chỉ vì luật pháp hay có ai đó bắt buộc mình phải làm”. Một người khác lại bảo : “ có nghĩa là cố gắn làm cái gì tốt đẹp, thật”. Chị vợ thêm “Cần như ở Âu, Mỹ, ở các nước phát triển châu Á, nghĩa là phải hiện đại”. Nhưng “hiện đại” là gì ? Có người giải thích cho chị Diane: “Văn minh có nghĩa là không đánh vợ; không đẻ ra một đàn con để chu1g nhếch nhác, không dùng ma túy...”
Chị Diane bình luận với tôi: “Tôi nghĩ đến những quang cảnh bạo lực diễn ra ở những phố của nước Mỹ, những cảnh phụ nữ bị làm việc qua sức, vấn đề buôn bán ma tuy nan giải trên quốc tế, ma túy xâm nhập vào Việt Nam. Rồi tôi tự hỏi ai phải gọi là “văn minh” nhỉ ? Thế nước Pháp đến thực dân hóa Việt Nam thì cũng là “văn minh” à ? Có người trí thức Việt Nam trả lời tôi: dĩ nhiên thực dân là xấu, là thiếu văn minh, nhưng troang văn hóa Pháp, vật chất và tinh thần, cũng có yếu tố “văn minh”. Tôi hơi ngượng vì tôi là một sản phẩm Âu-Mỹ, mà lại nhìn văn hóa của tôi phiến diện”.
Có người gợi ý cho Diane là “Xây dựng xã hội văn minh” nêu ý chủ yếu là chống lại “sinh hoạt nông thôn lạc hậu”. Chị cho biết: “có lần tôi không đặt báo trước vấn đề thăm một người bạn ở nông thôn. Gia đình giữ lại ăn cơm trưa. Sau bữa ăn, một người em họ đọc một bài thơ của mình để từ biệt làng xã của mình vào Nam đánh Mỹ. Năm đó chưa kết thúc chiến tranh. Sau đó một ông bác ứng khẩu tặng tôi một bài thơ kỷ niệm chuyến viếng thăm của tôi. Rồi tôi được đi thăm 11 gia đình có họ với nhau, và cả ngôi đình làng mới được xây dựng lại. Vậy thì qua sự việc này, cái gì là thiếu văn minh ở làng xã Việt Nam?”
Chị Diane lại nhận được một số góp ý nữa:”Văn minh không có nghĩa là học vấn kiểu hàn lâm, mà là các mối quan hệ nhân sự, ứng xử. Một người có thể hiểu biết về khoa học uyên bác mà vẫn thiếu văn minh”. Có ý kiến nêu “văn minh là không ích kỷ, nghĩ đến tập thể”. Lại có ý kiến đưa ra nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của khổng học. Có vị giáo sư đại học trình bày: “Có nhiều nền văn minh, Việt Nam có nền văn minh lúa nước đã mang lại những giá trị văn hóa nhân văn, đạo đức, lễ độ, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, cần bảo vệ chống lại những yếu tố dã man của hiện đại”.
Chị Diane tán thưởng ý kiến này: “Văn minh có nghĩa là thực hiện tất cả cái gì tốt đẹp, tiến bộ, tức là tinh hoa của truyền thống cổ Việt Nam, và điều gì hay nhất của cái mới, bất cứ từ đâu đến. Vậy thì thay vì phản đối từ “văn minh” khi dich nó, có lẽ ta nên kêu gọi tất cả các nước trên thế giới hãy treo biểu ngũ đề cao văn minh, treo ở khắp mọi nơi cho đến khi bạo lực, ích kỷ và tham lam biến khỏi mặt đất!”
Chị Diane hiểu từ ‘văn minh” như vậy đã đúng chưa? Xin độc giả góp ý cho, vì chị vẫn chưa hết thắc mắc. Ôi, chị bạn thật dễ mến...
1997
======
- Có trường hợp khác nhau do dùng từ văn minh (thường với tính chất tính từ) để đánh giá (jugement de valeur), đối lập với dã man.
Ý kiến của Phlanhoa:
Tôi cho rằng “văn minh” chẳng có gì là khó hiểu, hay khó giải thích cả. Chỉ cần bám sát vào nghĩa của từ là có thể diễn giải được ngay. “Văn” là “văn hóa”, “minh” là “thông minh”, “nền văn minh” là nền văn hóa thông minh, nghĩa là duy trì và phát triển văn hóa truyền thống một cách có tinh lọc và bổ sung nhưng tiến bộ.
Trở lại với bài viết “Văn Hóa là gì?” của chính tác giả Hữu Ngọc mà tôi đã đăng, có đoạn về định nghĩa từ văn hóa: “…là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối tư duy, cách ứng xử (người với thiên nhiên, người với người) và các mối quan hệ trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng. Có lẽ cũng nên nhấn mạnh thêm Văn hóa bao gồm hệ thống những giá trị để đánh giá một sự việc, một hiện tượng (đẹp hay xấu, đạo đức hay vô luân, phải hay trái, đúng hay sai...) theo cộng đồng ấy”.
Như vậy thì cũng đủ hiểu câu khẩu hiệu : “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, nghĩa là trong đường lối xây dựng đất nước, ngoài việc làm sao cho đời sống nhân dân được ấm no, Nước nhà được hùng mạnh, xã hội được công bằng, còn phải dựa vào yếu tố văn hóa dân tộc, mà ở đây là thứ văn hóa tinh lọc trên cơ sở duy trì về bản sắc và phát triển theo chiều hướng tiến bộ xã hội.
Tóm lại theo tôi, “văn minh” có nghĩa là thứ văn hóa mà thể hiện được sự uyên bác về trí tuệ dân tộc. Hoặc cũng có thể hiểu đơn giản hơn “văn minh” là thứ văn hóa nổi trội và đặc sắc.
Tuy nhiên dùng từ “văn minh” ở đâu và lúc nào trong văn chương viết lách lại là chuyện khác. Lạm dụng từ có thể dẫn đến khó hiểu cho bạn bè năm châu. Văn minh Việt Nam, hay văn hóa trí tuệ Việt Nam có từ bốn nghìn năm trước và bây giờ vẫn phải tiếp tục xây dựng và duy trì, chứ không phải là bây giờ mới xây dựng như nhà báo Mỹ Diane hiểu nhầm.
Văn hóa Việt Nam với truyền thống lâu đời của 54 dân tộc gộp lại, hoàn toàn có thể xây dựng để trở thành một nền văn hóa nổi trội và đặc sắc trên thế giới, nếu như mỗi một công dân nước Việt đều được giáo dục cẩn thận về ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc mình. Chỉ tiếc là từ ngày có câu khẩu hiệu đến nay, “văn minh” vẫn chưa thực sự được đầu tư xứng đáng với giá trị vốn có của nó. Mỗi khi “văn minh” không được đầu tư xứng đáng thì nguồn thu kinh tế từ du lịch cũng bị thiệt hại theo, thậm chí mục tiêu hướng tới “nước mạnh” cũng bị chậm lại. Bởi Văn hóa trí tuệ của một đất nước luôn luôn nằm trên bàn cân ngoại giao của nước đó.
Tôi cho rằng câu khẩu hiệu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” là một câu châm ngôn chuẩn cho tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Và Việt Nam, muốn trở thành một cường quốc, phải kịp thời đầu tư xứng đáng mục tiêu “văn minh” vào đường lối như đã đề ra.