Lược trích trong “Hát ví phường vải” của Ninh Viết Giao
Nếu Phan Bội Châu tiêu biểu cho loại nghệ nhân dân gian có bước qua cửa Khổng sân Trình, thì Võ Thị Nhẫn tiêu biểu cho loại nghệ nhân tốt nghiệp “trường tại gia’. Trong làng hát ví nói chung, làng hát phường vải nói riêng, ở vùng Nam Xứ Nghệ, không mấy ai không biết tiếng o Nhẫn.
O Nhẫn – Võ Thị Nhẫn sinh năm 1895, tại làng Kẻ Dua (Đan Du – Kỳ Thư – Kỳ Anh – Hà Tĩnh). Đan Du là một vùng đồng chua nước mặn. Như nhiều nơi khác trên đất Nghệ Tĩnh, người dân sống ở đây chân lấm tay bùn, cần cù khắc bạc. từ xưa có câu hát:
Ke Dua ăn nói giọng dằn,
Đồng chua nước mặn, khó mần ăn đừng về.
Xuất thân là con gái của cai tổng Hữu. Nhưng số phận rủi ro, người cha mất sớm khi o mới được 7 tuổi, gia đạo trở nên sa sút khiến o phải đi ở đợ cho nhà bá hộ trong làng. Trong cái rủi có cái may, ở nhà bá hộ có nuôi thầy dạy học, o Nhẫn lại được thường xuyên ra vào hầu hạ quét dọn phòng học. Vốn bản tính sáng dạ và hiếu học, nên chỉ nghe lóm rồi nhớ, mà trở thành người thông hiểu khá nhiều điển tích trong Tứ thư, Ngũ kinh, Đường Thi, Nam sử, Bắc sử…
Năm o Nhẫn 18 tuổi, bá hộ chết. O trở về lại nhà mình và làm nghề cấy mướn để nuôi mẹ, nuôi em. Đó cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của ví dặm. O Nhẫn cũng như bao cô gái khác trong làng, đã gia nhập một cách tự nhiên vào phường hát. O Nhẫn tuy không phải là người nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cốt cách thanh nhã, có duyên. O lại có giọng hát hay và bản tính thông minh trời phú. Một thời gian sau đó, nhờ vào vốn liếng chữ nghĩa học lóm được và tài ứng khẩu sắc sảo của mình, o Nhẫn trở nên nổi tiếng khắp một vùng Xứ Nghệ. O Nhẫn đã khiến cho nhiều nho sĩ thời bấy giờ tò mò tìm đến để đấu trí, đọ sức. Lúc bóng xế về chiều, o Nhẫn trở thành người đạo diễn đứng sau hậu trường của phường vải, làm thầy gà (người bày đặt câu hát đối cho phường vải) cho đàn em.
O Nhẫn mất năm 1958, nhưng những giai thoại đẹp đẽ của o với các nho sĩ để lại thì vẫn còn lưu truyền mãi theo thời gian, đã góp phần không nhỏ tô điểm cho màu sắc huyền thoại của lịch sử ví dặm. Sau đây là một vài giai thoại giữa o Nhẫn với các đồ Nghệ:
Giai thoại o Nhẫn và cậu cả Canh
Cả Canh tên là Nguyễn Thức Canh, con trai của Nguyễn Thức Tự, quê ở làng Đông Chử, huyện Nghi Lộc. Hai cha con Nguyễn Thức Tự và Nguyễn Thức Canh đều là chí sĩ yêu nước theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Một lần vừa tới phường vải Đan Du, cả Canh đã nghe o Nhẫn hát:
Thiếp thương thân thiếp dãi dầu
Thương chàng đầu mang đai Tử Lộ, vai quảy bầu Nhan Uyên.
Người có chữ nghĩa nghe qua là biết o Nhẫn có kiến thức. Tử Lộ và Nhan Uyên đều là học trò giỏi của Khổng Tử. “Đai Tử Lộ” là cái đai mà Tử Lộ đặt trên đầu để đội gạo thuê kiếm tiến nuôi mẹ. Còn Nhan Uyên lại là người ưa cuộc sống thanh bạch “cơm một giỏ, nước một bầu”.
Một lần cả Canh đùa hơi quá:
Nhất cao là núi Hoành Sơn,
Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi
Ở Kỳ Anh, khi nghe mấy chữ “to lườn chợ Voi” là người ta ngậm cười với ý nghĩa xuyên tạc. Cả Canh liền bị o Nhẫn nghiêm sắc mặt phản pháo:
Chữ rằng nhân kiệt địa linh,
Có Hoành Sơn, Bàn Độ mới đỉnh sinh anh tài.
Nghe vậy cả Canh đâm ra lúng túng, còn chưa kịp đáp lời thì o Nhẫn tiếp tục:
Kẻ đi câu ngồi lầu tướng phủ,
ÔngLương Vũ chết đói bên thành,
Chắc rằng quân tử đã rành nguồn cơn,
Chàng đi vạn thủy thiên sơn,
Vương dân, vương thổ nơi mô hơn rứa chàng?
Bình tĩnh lại, cả Canh lấy sự tình nhân dân Hà Tĩnh lúc bấy giờ đang bị nạn thực dân Pháp bắt phu dịch bạt đèo ngang để gửi gắm tâm tư:
Hàn cửa Khẩu, hạ núi Hoành,
Trông giang san mà tức tối nghĩ cho mình trượng phu.
Thấy cả Canh đang có tâm sự nghiêm túc, o Nhẫn xúc động chia sẻ:
Tổ tiên ta xây dựng cơ đồ,
Chàng ra tay báo phục, thiếp chăm lo trị bình.
O Nhẫn và ông phó bảng Nguyễn Tiến Kỷ
Ông Kỷ đậu phó bảng năm 1910, quê ở làng Voi (Tuần Tượng – Kỳ Anh). Thoáng thấy diện mạo khách nho văn có vành râu quai nón khá rậm, gương mặt lại đen đen, o Nhẫn dí dỏm hát:
Em liếc bức tranh sơn thủy hữu tình,
Bức tranh này rạng rỡ, em say tình biết bao.
Lúc này, o nhẫn đã luống tuổi, nhưng chưa có chồng, Kỷ liền lấy tên o để chòng ghẹo chính o:
Nước lên nhẫn nhẫn bờ rào
Người ta sang cả, em còn cắm sào đợi ai?
O nhẫn ứng khẩu ngay bằng chính tên của Kỷ :
Nước lên nhẫn nhẫn bờ rào,
Em đợi người tri kỷ cầm sào cho em sang.
Một lần o Nhẫn đố chữ ông phó bảng:
Trống rồng chiêng bạc ra đi,
Con hươu nằm trên đất chữ chi rứa chàng?
Ông Phó bảng đáp lời:
Thầy mẹ cho anh học dăm ba chữ,
Không hay gì cũng được vinh thân,
Con hươu nằm trên đất có phải chữ “trần” không em.
Một lần, lâu ngày đi xa trở lại thăm phường hát cũ, ông phó bảng vẫn thấy o Nhẫn còn lẻ bóng một mình, tỏ ra quan tâm lo lắng:
Văn miếu trồng văn lân chi sự,
Võ miếu trồng bàng lân can qua,
Răng em không kết nghĩa kẻo già,
Trăng vàng tỏ mái em xây qua mấy hồi?
O Nhẫn biết rằng ông phó bảng thành tâm, nhưng o không thích ai nhắc tới chuyện riêng tư của mình nên trả lời:
Công cha nghĩa mẹ nặng lắm phu quân ơi,
Đạo chồng em sớm muộn là nhờ giời,
Vườn xuân em nở muộn, phu quân thời chớ lo.
Song Kỷ không chịu, vẫn cứ tiếp tục:
Mấy lâu nay đứng đó em trông,
Em ham gì sao mọc bên đông mà mơ màng.
O Nhẫn tránh né câu trả lời bằng một câu dân ca:
Thôi thôi thiếp giã ơn chàng,
Cá lui về sông Vịnh, để chim ngược ngàn kiếm đôi.
Nhưng Phó bảng Kỷ vẫn không buông tha:
Cá lui về sông Vịnh thì ta thả lưới đơm neo,
Chim lên rừng lót ổ, ta tạc dèo đơm chim.
Theo dòng sự kiện, thì có lẽ giữa ông phó bảng Kỷ và o Nhẫn có tình cảm sâu đậm. Nhưng do bất đồng giai cấp, ông phó bảng thuộc tầng lớp quyền quý, lễ giáo ngày xưa hà khắc, không cho phép họ đến được với nhau. Kỷ đi lấy vợ, còn o Nhẫn thì hình như không mấy mặn mà với ai sau đó nữa, những cuộc hát thể hiện khá nhiều lời chồi từ khéo léo của o. Ông phó bảng sau này là người có công danh thành đạt, gặp lại nhau lúc hai người đã già. Kỷ vẫn tỏ lòng thương nhớ khôn nguôi, o Nhẫn ngậm ngùi đáp:
Từ ngày Phượng cách ngô cây,
Lòng tương tư giọt lệ vơi đầy,
Bóng trăng kia thấp thoáng, ngọn đèn này năm canh.
Còn nữa…