Trích trong cuốn "Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ " của Ninh Viết Giao
Một anh học trò Nghệ ra tỉnh đi thi. Cô em gái vợ gửi ba tiền nhờ mua cho một vuông ướm (yếm) đỏ.
Hôm vào trường, anh cầm bút viết vào quyển thi được ba chữ mở bài theo công thức: “đối sĩ văn…” rối tịt. Chữ nghĩa tự nhiên bay đâu mất cả. Anh đặt bút, ngồi nhổ râu, sực nhớ ra chưa mua ướm cho em vợ. Thế rồi “thần hứng” bỗng xuất hiện, anh nghĩ ngay ra bài tuyệt cú:
Ba tiền mua chuông ướm cho dì,
Lên phố bao lần cứ lảng (quên) đi,
Cầm bút làm bài, kinh sử lú,
Phúc mà sực nhớ ướm dì mi !
Sợ quên mất, anh ta liền cầm bút chép ngay bài thơ vào quyển thi. Hết ngày, cũng chẳng viết thêm được chữ nào, anh đành mang quyển đi nộp.
Hôm chấm thi, quan giám khảo đọc bài thơ, bật cười chép miệng: “Hay thật, văn chương hay thật!”, rồi trao cho quan sơ khảo. Quan sơ khảo bảo: “Hay thì quan lớn phê ưu!”. Sợ phép, quan giám khảo liên hạ bút phê “ưu”.
Khi quan sơ khảo chấm lại bật cười chép miệng: “Văn chương này quả là thần!”. quan phúc khảo lại bảo cho “ưu”. Đến lượt mình chấm, quan phúc khảo mới giật mình: “Bài này mà nội trường giám cho hai ưu thì đi đày chứ chẳng chơi!”. Quan bèn bàn với các ông giám, sơ làm chung một bài thi rồi thay lòng quyển chép vào…và cho thêm một ‘ưu’ nữa.
Cuối cùng quan chánh chủ khảo thấy bài được ba “ưu” liền xếp đỗ đầu bảng.
=====
Câu đối tết
Anh chồng mới võ vẽ học đòi đôi ba chữ nho, cũng muốn tự làm lấy một câu đối mừng xuân. Nồi bánh chưng gần xong thì chó sủa vang ngoài ngõ, thế là anh ta viết:
"Tối ba mươi ngoài nhà con chó sủa"
Viết được một cau rồi bí, đi ra đi vào mãi không thêm được câu thứ hai, rồi phải lo cỗ cúng giao thưa nên anh ta quên lãng đi. Sáng mùng một vừa tỉnh dậy dã nghe tiếng ho của vợ trong bếp vọng ra, anh ta reo lên "Tìm được vế thứ hai rồi!", và vế thứ hai của anh ta là:
"Sáng mồng một trong bếp vợ tui ho"
Anh ta đem câu đối dán lên tường, vợ đọc xong giận tím mặt: " - Hừm ! đối vợ với chó, anh thật là quá quắt !". Anh nhà nho vốn rất sợ vợ, hoảng quá, nhưng cũng lanh trí, anh ta chỉ vào câu đối mà rằng:
- Nhà nó nhầm rồi, chữ thứ bảy trong vế thứ hai là "tôi" mới đối với "chó" ở vế thứ nhất, vậy tôi mới là chó chứ có phải mẹ nó đâu.
Biết tỏng là chồng chống chế, nhưng chị vơ vẫn phải phì cười!