Tác giả: Nguyễn Văn Thơi (cuốn "Làng cổ Hà Tĩnh")
Có câu hát truyền từ lâu đời ở vùng Ngàn Sâu:
“Trai Chi Nại, gái Lộc Yên,
Về thưa với thầy mẹ, ta kết duyên Châu Trần.”
Chi Nại, Lộc Yên là hai làng ở đôi bờ sông Ngàn Sâu, Chi Nại bên tả ngạn, Lộc Yên bên hữu ngạn. Chi Nại có vực Mít ở cuối sông Tiêm, nơi đổ ra Ngã Hai hợp với sông Ngàn Sâu, có bãi phù sa màu mỡ, có nhiều cá nhất trong vùng. Lúc có lụt nhỏ, dân làng hò nhau ra cất vó, trăm người đi thì trăm người có cá đầy oi. Đặc biệt cá leo rất to, có con dài hơn sải tay, người khỏe cầm dơ lên cao đuôi vẫn chạm đất. Sông Ngàn Sâu chảy qua Chi Nại, dọc theo xóm đầu là Ngã Hai rồi Đượng Nậy, Đượng Làng.
Chi Nại là tên xưa, sau là Gia Phổ, chưa rõ đổi vào thời gian nào, chỉ biết triện lý trưởng đời Khải Định (1916-1925) ghi “Gia Phổ thôn, lý trưởng triện”. Thôn Gia Phổ, thuộc tổng Chu Lễ, huyện Hương Khê, phía đông giáp các làng Lộc Yên, Thịnh Lạc và một phần xã Hà Đông tổng Phú Lộc; phía tây giáp Phúc Ấm, Cạnh Lặn, Anh Nhi (1), Phú Gia; phía nam giáp Phú Phong, phía bắc giáp Thượng Thạch, cùng tổng. Làng có bốn giáp: Nhân Phổ (còn gọi là Cồn Phổ), Vạn Gia, Hòa Trung, Ninh Cường( còn gọi là trại Lụi); có các trại: trại Lăng, trại Lợn, trại Lụi, các xóm Cơn Vạng, cơn Mắt Cắt (cây cao có diều mắt cắt đỗ), xóm Mây…
Phía tây nam làng là dãy đồi núi, chóp thấp, chóp cao như rồng lượn nên có tên bàu Rồng, tiểu sơn lâm mà lắm kỳ quan, rừng rậm có nhiều gỗ quý như lim, gọ, nhiều thú rừng như hươu, nai, lơn lòi, xạ hương, và nhiều ong mật. Mỗi động núi được gọi theo hình dáng hoặc một câu chuyện: Động Cỗ Xôi, động Tréo Vàng, động Cột Rạp, động Lặt. động Mun… Động Cỗ Xôi hình như mâm xôi cao hơn cả, một phía nhìn về bàu Rồng, một phía nhìn về Cột Rạp. Động Tréo Vàng tương truyền đêm rằm trăng sáng, có con mèo vàng nằm trên sập vàng…Người ta kể rằng: Quan thường sai lính về dò xét, dân làng rủ nhau ghép đá làm hầm, giăng lưới treo thành vòng, đêm trăng sáng thấy như hình con mèo…Lính leo lên bị sập hầm, về đe dọa, dân bảo đây là động Treo Vòng chứ không phải Tréo Vàng. Từ đó chúng không giám về quấy nữa. Từ động Cỗ Xôi, đồi núi nhấp nhô kéo dài đến động Đá, động Đồn…Động Đồn khi chưa bị san ủi có dấu tích của một thành đất, nay ở vào vùng ga Hương Phố. Gần đó có động Lăng, hiện còn một cái mốc nền bia và một thân bia bằng đá, không thấy có chữ, theo lời kể của các cụ già thì đó là lăng quan Quân, trước năm 1945 còn thấy có một cối đá và một chày đá.
*****
Trong làng có nhiều dòng họ. Theo gia phả thì các vị Tổ đều từ Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên lên đây làm ăn, cư trú, mở mang làng xóm. Họ đến sớm nhất cũng chỉ từ 10 đến 12 đời, trong ngoài 300 năm. Đông người nhất là họ Nguyễn Văn (ở Vạn Gia), họ Trần Xuân (ở Nhân Phổ), họ Đặng (ở Hòa Trung, Nhân Phổ)… Các họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Trọng, Hà, Bùi, Lê, Phan, Lưu, Cao, Kiều, Võ, Dương, Chu…người không đông lắm. Họ nào cũng có nhà thờ tổ tiên.
*****
Làng có đền Vạn Gia, thường gọi là đền Voi Ngựa, chưa rõ thờ vị thần nào. Đền Nhân Phổ còn gọi đền Cơn Thau thờ thần “Khai sơn phá thạch đại vương”.
Chùa làng Gia Phổ là Nhật Minh Tự, chưa rõ có từ bao giờ, được trùng tu khoảng 1925, xây theo kiểu mái uốn cong vòm cuốn. Trước chùa kẻ bốn chữ quốc ngữ ” Không tham là phúc” và câu đối chữ Hán:
“Nhất thiết chúng sinh khai gíac lộ
Tam thiên thế giới độ mê tân”
(Nhất thiết vì chúng sinh mở con đường giác
Ba nghìn thế giới nhà phật đưa qua bến mế)
Trong chùa còn có nhiều tượng Phật: Các pho Tam thế, Cửu long, Di lặc…bụt ốc, “ông Thiện”, “ông Ác”. Hiện nay chùa vẫn được bảo vệ tốt và đón khách thập phương đến lễ Phật.
So với nhiều làng xã trong huyện Hương Khê thì Gia Phổ là một “điểm sáng” về giáo dục, văn hòa.
Thời Hán học, Hương Khê có bốn vị tú tài Thì Gia Phổ có một, là cụ Trần Xuân Đào, được phong hàn lâm đãi chiếu. Cụ để lại khá nhiều thơ văn và câu đối ở chùa làng, ở đền Thánh Mẫu Phú Phong (đền Cơn Chay). Khá nhiều người như các cựu Chánh tổng Nguyễn Hữu Đạo, Lưu Văn Tiến, các cựu lý trưởng Nguyễn Văn Thống, Kiều Viết Ân, Võ Văn Hoài, Trần Đình Kỷ, Nguyễn Văn Lai…, Nguyễn Hữu Đỗ và các chức sắc khác đều biết chữ, trong đó có những người học hành khá giỏi.
Dưới thời Pháp thuộc, Gia Phổ đã có trường sơ học ba lớp (đồng ấu, dự bị, sơ đẳng sớm nhất trong vùng, nên con em trong xã và các làng xã lân cận đều có điều kiện tiếp xúc sớm với tân học. Thời kháng chiến chống Pháp, trường trung học đầu tiên ở huyện Hương khê cũng đặt ở Gia Phổ, ngoài con em trong huyện, còn có học sinh từ Binh-Trị-Thiên ra học tập. Học sinh cũ của Trường trung học Hương Khê ở Gia Phổ nhiều người trở thành tướng lĩnh, nhà khoa học, giáo sư, nghệ sĩ nhân dân hoặc giữ cương vị chủ chốt trong một số ngành quản lý nhà nước, vẫn ghi đậm trong ký ức kỷ niệm về ngôi trường cũ, được gửi gắm vào tập sách “Đường về Ngàn Sâu”. Hiện nay, con em trong xã có 3 người là giáo sư, 8 phó giáo sư, 21 tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên cấp II, cấp III.
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Gia Phổ đã có bản Hương ước quy định các điều khoản từ chức dịch đến dân đinh phải theo để giữ gìn an ninh, trật tự, thuần phong mỹ tục và làm nghĩa vụ đối với làng nước.
Ngày nay, thực hiên nếp sống mới, nhân dân trong làng xã bỏ hẳn nhiều hủ tục, không mê tín dị đoan, không cúng tế ăn uống linh đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, nề nếp gia phong.
*****
Thời Cần Vương, khi cụ Phan Đình Phùng xây dựng căn cứ Vụ Quang, dân Gia Phổ đều hưởng ứng. Trong số tham gia phong trào, ông Đội Phấn là người nhiệt tâm lại tài giỏi, mưu trí, đến nay người ta vẫn kể chuyện ông vận động dân làng đưa thóc gạo giúp nghĩa quân. Một đêm ông vừa về làng thì bị địch bắt. Ở trong ngôi nhà ván thưng đóng kiên cố ông quyết tử thủ. Địch không làm gì nổi, bèn phóng lửa đốt nhà. Khi lửa cháy nghi ngút, khói tỏa mịt mù, ông nhảy lên nóc nhà, rồi lợi dụng làn khói che khuất, ra khỏi vòng vây.
Thời tiền Xô viết Nghệ Tĩnh lại có nhà giáo Nguyễn Văn Hậu, dạy ở trường tiểu học Hương Khê, tham gia “Hội bài Pháp” cùng với Tú tài Nguyễn Duy Phương (ở Hà Linh) và thầy giáo Lê Viết Lượng (ở Can Lộc), bị lộ, chuyển vào Huế hoạt động, bị bắt năm 1929 và hy sinh. Bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 3/7/1997, ghi: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Hậu, Phó bí thư Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội, nguyên quán xã Gia Phổ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh” (Theo ông Nguyễn Hữu Thừa).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân Gia Phổ đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong xã có tới 94 liệt sĩ. 70 thương, bệnh binh. Năm 1998, Gia Phổ được Nhà nước phong tặng danh hiệu” Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
*****
Gia Phổ ở bên sông Ngàn Sâu, đoạn cuối sông Tiêm chảy qua phía nam xã, thuận lợi đường thủy, đường sắt từ Chu Lễ đến Lộc Yên qua Gia Phổ từ cây số 385 đến cây số 388 giáp cầu Đá Lậu. Đường tỉnh lộ thường gọi đường thiên lý qua xã từ cầu Chợ Vạn đến Ngã Hai (cây số 42-47). Từ Gia Phổ lên đường Hồ Chí Minh (đi qua Hương Long, Phú Phong) cũng không xa. Gia Phổ lại ở kề sát Thị trấn huyện lỵ Hương Khê, và cũng gần ga Chu Lễ, huyện lỵ cũ, nay thuộc xã Hương Thủy.
Vị trí địa lý như vậy tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn, phát triển kinh tế, văn hóa.
*****
Có bến, có thuyền, người Gia Phổ từ lâu quen buôn bán xuôi ngược, nhất là xuống chợ Thượng (Đức Thọ), chợ Vinh (Nghệ An). Thuyền lớn gọi là đò choàn, đò đi chợ Thượng, chợ Vinh có phiên xuôi, phiên ngược, tính thế nào để xuôi đúng phiên chợ Thượng ngược đúng phiên chợ Un. Chợ Un (ở Thính Lạc) mỗi tháng 12 phiên, họp vào những ngày 2,5,8,10-12,15,18,20-22,25,28,30, tháng thiếu thì họp vào mồng một tháng sau. Còn đò thì phải tính đi về cách khác sao nhằm phiên chợ. “Chợ cứ no, đò cứ thiếu”. Hàng ở chở xuôi có tre nứa, lá nón, khoai, cam, bưởi, nâu và một số nông lâm sản khác. Hàng ngược về có vải vóc, gạo, lợn giống, chiếu lác, nước mắm, đồ mộc Thái Yên, đồ gốm (chum vại bình vò, chậu sành….)
“ Hỡi người xuôi ngược dừng chân,
Về đây buôn bán quen thân lắm hàng.
Nào là nông sản trong làng,
Nào là lâm sản mây dăng trong rừng.
Hai, năm, tám, mười, tưng bừng,
Là ngày phiên chợ tính từng đốt tay.”
(Câu ca về chợ Un)
Đây còn là việc buôn bán ở chợ quê và trong vùng. Lại còn phường buôn bán xa, đi tàu hỏa, ô-tô…
Cùng với nghề buôn, một số gia đình còn chế biến nước mắm, ruốc. Đây là một nghề kinh doanh du nhập từ Cương Gián (Nghi Xuân) chưa lâu lắm. Hiện nay có nhiều chủ chế biến, nuôn bán phát đạt như Nho Nhụy, ông Tuệ, ông Bính, ông Xoan…, có loại hàng hải sản này được khách mua ưa chuộng.
*****
Tuy nhiên đại bộ phận dân làng vẫn sống nhờ vào ruộng vườn, rừng núi.
Ở đây có nhiều vùng toàn ruộng nhất đẳng điền: Bàu Rải, bàu Làng, bàu Tuất, khe Dài, khe Su, bàu Nhung, cấy lúa tốt; ruộng lại ở ngay quanh làng, “ thượng gai hạ điền”, việc cấy cày thuận lợi.
“ Muốn no trồng màu”, màu chiếm vị trí quan trọng trong lương thực, có các loại môn, khoai, từ, vạc nưa…” Nưa Đồng Côn, môn Đồng Bãi, khoai Đồng Dè”. Trồng nưa công phu lắm, phải 12 lượt cày, 12 lượt bừa, lại phải đổ phân chuồng nhiều gấp nhiều lần các loại cây khác. Nhưng bèn nưa dùng muối nhút, ăn ngon tuyệt vời, củ nưa như cái ấm đất, xung quanh có nhiều củ phụ gọi là “ ánh”, phải nấu rất lâu mới bở, ăn ngon, no lâu. Khoai từ, khoai vạc, trồng khắp vùng đồi, lại còn có củ đậu là thực phẩm ngon, năm được mùa, gánh về đổ đầy nhà, đầy của để dành ăn dần hoặc chở đi bán ở các chợ. Về củ khoai từ, có bài hát “ Từ từ vạc vạc – Bên bác đem về - Chồng đi ngồi lê - Bắc nồi lên nấu…” chế chị vợ, và chuyện tiếu lâm “ Từ cha” cười anh chồng ăn vụng…
*****
Ngoài việc cày cấy, nông dân còn làm nhiều nghề khác, là nghề phụ nhưng thu nhập lại rất lớn.
Vườn nhiều cau nên dân làng có nghề bửa cau. Bửa cau vất vả lại phải có kỹ thuật mới đảm bảo mặt hàng cau khô, là một nghề kinh doanh thật sự.
Nhiều gia đình chỉ bửa cau vườn nhà, làm thêm phụ vào nghề nông. Nhưng với nhiều nhà lại là nghề chính. Ngoài cau nhà, họ phải tìm mua cau vườn, cau chợ Un, chợ Gia (Phú Gia), chợ Đồn (Lộc Yên) trong vùng để có đủ nguyên liệu. Trong nhà phải có đủ đồ đựng, cất giữ, thường là loại chum kiệu, cao ngang người đứng, đựng được 10 cóm, giá mỗi chiếc tới nén bạc, bằng 1 cây vàng bây giờ. Bửa cau dao phải sắc, “sắc như dao cau”, phải đặt thợ rèn giỏi, rèn nhiều loại khác nhau. Dao cắt ngàu, lưỡi hơi dài, mỏng, to bản một chút, xoẹt một nhát là phẳng lì; dao róc vỏ, ngắn hơn, sắc vừa phải, sắc quá sẽ đứt vỏ; dao bửa (bổ) chắc, sống hơi mập, bổ xuống là thẳng tắp; dao xiết, cán dài như cán mác, lưỡi đầu bằng, mỏng và rất sắc. Người róc cau, bổ cau trông như múa , tiếng nghe lách tách lách tách vui tai. Cau róc xong, phơi cho ráo, khỏi trơn, đưa vào bàn xiết. Cắp cán dao vào nách, đặt quả cau đúng vào vị trí, con cò bằng gỗ khoét lỗ vừa sát với quả cau, cho chụm cau nhô ra, người thợ với thao tác điêu luyện, đưa nhát dao nhanh như máy. Đồ đựng , đồ phơi cau cũng lắm thứ: rổ cạu đựng riêng từng loại, cau chưa tách vỏ, đã tách vỏ, đã cắt chụm và cau miếng vừa bửa xong, cau đã hong phơi khô v.v…Dụng cụ hầm cau có nống (nong) cót. Vây quanh bếp than phải thật khớp với nong cau đặt ở trên. Cau bửa xong, đổ lên nong, đặt lên bộ ván phẳng, phải khéo tay đổ cau để có nhiều miếng nằm ngửa… đỡ mất công lật. Người ta thường thuê đám trẻ con làm việc này. Có cháu dùng cả hai tay lật thoăn thoát như đánh máy chữ. Đong (lường) cau khô thì dùng cái “cỏm”, một dụng cụ đan bằng tre như cái giỏ ủ ấm nước chè, nhưng đẹp như một thứ đồ mỹ nghệ, người giỏi mới đan được; 10 “cỏm” là một đầu cau khô. Hầm cau cũng phải làm hai giai đoạn. Cau vừa bửa, đặt lên hầm qua với than hơi nồng gọi là “kéo mét”. Nếu gặp mưa thì phải hầm kiệt cho khô. Cau phơi nắng rồi cũng phải hầm để om thật đúng độ giòn mới đổ vào chum. Cau khô chủ yếu là bán sỉ ra Thanh, Nghệ, Hà Nội…
Nghề bửa cau, lại kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển: đan đồ tre, rèn dao, đốt than, làm quang gánh.
Cau là mặt hàng nặng, việc vận chuyển ngày xưa chỉ có đôi vai, nên quang gánh là dụng cụ thiết yếu. Thắt gióng dùng mây, song, còn làm vòng đế (khu gióng) dùng tréo đòi, vằng tắt mới bền. Trốc gióng thắt kép trông như đầu rồng, vấn trốc cũng tạo hoa văn rất đẹp. Người ta khoe đôi gióng:
“Đó soong đây cũng tréo đòi,
Đó con Tiến sĩ, đây nói Quận công.”
Đòn gánh tre, lại có loại đòn gánh đẽo bằng cây sắt chuột, gỗ dẻo, màu ngà, hai đầu uốn cong, có khuy sắt neo giữ. Đòn gánh cong nhẹ, gánh mát vai, nhún nhẩy theo bước chân đi, rất được đàn bà, con gái ưa chuộng.
Nuôi tằm , dệt lụa cũng là một nghề quan trọng. Trong vùng ven sông Ngàn Sâu có nhiều bãi phù sa, trồng dâu rất tốt, nên có điều kiện nuôi tằm. Nuôi tằm vất vả nhưng lắm lãi. ”Giàu lợn ba năm, giàu tằm ba lứa”. Phải chăm sóc tằm qua từng giai đoạn: Tằm băng khi mới nở, tằm ăn mốt, ăn hai, ăn ba rồi ăn rỗi. “ Ăn như tằm ăn rỗi”, đứng bên nong tằm nghe tiếng rào rào. Tằm ăn nhiều, chật nong lại có nhiều phân, trong vòng 7-8 ngày cứ hai ngày một, phải san sang nong khác, gọi là “cợt”… Nhà nuôi tằm phải kín đáo, “kín như buồng tằm”, để tránh gió, lại phải thật sạch sẽ, phải tuyệt đối tránh các loại côn trùng ruồi nhặng, kiến gián, thằng lằn, cóc là kẻ thù nguy hiểm của tằm. Lúc tằm ăn rỗi thì dâu bao nhiêu cũng vừa, ngày bốn bận, sớm, trưa, chiều, khuya, tằm ăn đủ dâu thì kén mới dày, tơ mới đẹp. Đoạn này người nuôi không được lơ là một phút. “Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng” chính là lúc này…
Đã một thời nghề nuôi tằm, dệt lụa thịnh vượng lắm. Xóm Đàng Ngang, từ bến bãi ra ga là nơi sầm uất nhất, tấp nập như phố xá. Nhiều o, nhiều bà ươm tơ, dệt lụa giỏi có tiếng như o Đoan, o Trang, o Nho, o Vinh, bà Cu Thông, bà Đỏ Yên, bà Cháu Đạo…
Trong cuộc đấu xảo năm 1936 ở hà Nội tơ lụa Gia Phổ từng được ban tổ chức tặng giải cao.
*****
Của rừng cũng là nguồn khai thác quan trong ngày trước, ngoài nghề lấy lâm sản, còn có nghề săn bắt.
Săn hươu không chỉ là “ lấy lộc” mà còn là một thú vui, một ngày hội mùa xuân trong vùng đồi núi rông lớn dài hàng trăm dặm từ Côn Chạn (Thượng Thạch) đến Trăm Năm (Phú gia), Miệu Thau( Gia Phổ), Cạnh Lặt (Hương Long). Đây là vùng lau lách, cây cối rậm rạp, giêng hai là mùa sinh sản, hươu tìm nơi làm tổ, phường mái (săn) các làng tổ chức đi mái.
Phường mái Gia Phổ là một trong những phường thiện nghệ. Phường có chó đòi (săn) tốt, được tập dợt cách đuổi con mồi và những tay săn giỏi. Săn hươu không dùng lưới bổ mà chỉ dùng chó truy đuổi.
Trong phường có người chuyên đi thăm dò biết đích xác nơi hươu nằm để về báo cho phường, gọi là đi “cắt dấu”.
Phường theo lệnh, tập trung, xuất quân. Mỗi người đều dắt theo chó bằng sợi dây thừng bền chắc, được phân công mai phục một nơi nhất định. Trùm phường đến nơi hươu nằm, đánh cồng phát lệnh; ngghe động, hươu vùng dậy chạy, đụng vào chỗ mai phục, liền bị chó số 1 chạy ra đuổi, đến điểm mai phục thứ hai thì chó số 1 nghỉ, chó số 2 xông ra rượt, cứ thế đến lượt chó số 3 , rồi số 4… Cả phường xông tới trói hươu gánh về và gióng cồng báo tin thắng lợi… Cả làng kéo ra đón mừng, hò reo vang dậy…Có câu thơ:
“Đồi sim vui ngắm mùa săn lộc,
Hội xã mê xem đám rước thần.”
Cảnh tượng ngày hội săn hươu từ lâu đã không còn. Nhiều nghề làm ăn cũng đã mất. nhưng dân làng vẫn mãi mãi được truyền lại mọi chuyện của một thời đã qua.
=========
(1) Anh nhi: trẻ nhỏ. Trước kia, làng Chi Nại, tức Gia Phổ, thuộc xã Chu Lễ; làng Hưng Thịnh thuộc xã Xuân Lũng, cùng tổng. Hai làng nằm gần bãi bồi bên sông Tiêm. Năm nọ có cái xác trẻ con chết đuối trôi tấp vào bãi. Không làng nào chịu nhận bãi bồi thuộc đại phận mình, vì sợ phiền hà phải báo quan khám nghiệm, chôn cất. Tổng xã báo quan về xét. Đứng trên bãi, quan nghe tiếng gà gáy, hỏi gà làng nào ở gần đây mà nghe tiếng gáy rõ thế? Được báo là gà Chi Nại, quan bèn xử bãi bồi là của Chi Nại và giao cho Chi Nại chôn cất tử thi. Bãi đất ấy gọi là xứ Anh Nhi. Trước 1945, làng Gia Phổ vẫn thu thuế đất ở đây, mặc dầu người canh tác đều dân Phú Phong, Xuân Lũng
Chú thích thêm của TKĐ: Tên Gia Phổ là tên hai giáp Vạn Gia , Nhân Phổ. Gia Phổ ở đây là thôn cũ thuộc tổng Chu Lễ. Sau 1945, Gia Phổ hợp với thôn Ninh Cường cùng tổng và Thịnh Lạc ( tổng Phúc Lộc) thành xã Gia Ninh; Năm 1949 đổi là xã Hiệp Phố; năm 1955 chia làm hai xã Hương Phố, Hương Thịnh; Năm 1971 nhập hai xã trên, lấy lại tên xã Gia Phổ.