
Những cuộc nghiên cứu địa chất gần đây về An-Tĩnh giải thích cho ta hiểu rõ hơn tiền sử và lịch sử của tỉnh này. Đó là điều tôi xin chứng minh trước tiên dưới đây:
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
DẪN NHẬP
Những cuộc nghiên cứu địa chất gần đây về An-Tĩnh giải thích cho ta hiểu rõ hơn tiền sử và lịch sử của tỉnh này. Đó là điều tôi xin chứng minh trước tiên dưới đây:
Thuộc về nguồn gốc sự hình thành địa chất của miền đồng bằng duyên hải An-Tĩnh, những thu hoạch của tôi qua các cuộc du lãm và khảo sát đều phù hợp với một thực tế địa chất khá đơn giản. Đầu đệ tứ kỉ, nước bể tràn vào đến tận chân dãy núi Trường Sơn. Miền đất bằng duyên hải theo đó nổi lên từ cuối đệ tứ kỉ cho đến những vùng đất ở bờ biển hiện nay không đổi khác bao nhiêu. Vì thế mà có nhiều vùng nước mặn bị tách ra khỏi biển cả và dần dần hình thành nên các bãi bồi [17].
Trên bờ những vũng được tạo ra trong điều kiện đó, con người của thời kì đồ đá mới đã sinh cơ lập nghiệp, điều mà nhiều di chỉ tiền sử còn lưu lại bằng chứng, nhất là di chỉ do chính tôi đã phát hiện ra ở Hà Tĩnh, trên đỉnh đồi Nghĩa Sơn [18].
Những cuộc chuyển động tạo thành địa hình đồi núi ở vào đầu thời kì hình thành của các vũng đã tạo ra những đồng bằng và thung lũng, nguyên lúc đầu chỉ là những nền đất do các con sông bỏ lại khi mà do sự nổi lên của lục địa, lòng các con sông ấy phải đào sâu xuống đất hơn trước. Những nền đất này ở tại lưu vực sông Lam, cùng niên đại với bờ của những đầm phá cũ, nhưng người ta đã không tìm ra được một di chỉ nào. Các nhà nghiên cứu về thời tiền sử đã may mắn hơn ở phần hạ lưu của thung lũng sông Lam, nơi có hang mộ của thời đồ đá mới Lạc Sơn (Minh Cầm) [22].
Bây giờ chúng ta đã tới cửa ngõ của lịch sử. Giữa một địa hình bằng đầm phá, nổi lên những cù lao. ở trên đỉnh của những cù lao hay bán đảo đó những người thổ dân văn minh đầu tiên của xứ An-Tĩnh cổ đã định cư, chủ yếu là người Chăm. Sau đó là sự mở rộng bờ cõi của người An Nam về Phương Nam. Một trong số những cù lao xưa ấy là núi Đồng Trụ mà trên đỉnh cao đó, viên tướng Tàu Mã Viện đã lập đồn vào thế kỷ thứ nhất. Bán đảo quan trọng nhất là Hoành Sơn (dãy núi chắn ngang) mà ngày nay gọi là Đèo Ngang.
Mặt khác, những yếu tố kết thành dãy Đại Ngàn kéo xa ra cho đến vịnh Bắc Bộ, đã chia An-Tĩnh thành từng xứ nhỏ về mặt địa lý. ở miệt bờ biển, xứ được giới hạn một cách rõ rệt nhất là Diễn Châu.
Xứ Diễn Châu được bao vây tất cả mọi mặt bởi đồi núi, chỉ mở ra mặt biển về phía Đông. ở thời kỳ đệ tứ kỉ, xứ này làm thành cái mà tôi gọi là "vịnh Diễn Châu" thông về phía Bắc với vịnh Thanh Hóa bởi eo Hoàng Mai, và về phía Nam với vịnh Vinh bởi eo Đò Cấm. Cuộc nổi lên của lục địa vào cuối thời kỳ đệ tứ kỉ biến vịnh thành vũng, và hai eo bể thành đèo, ngày nay mang tên của hai làng Hoàng Mai vàĐò Cấm. Vào thế kỷ thứ IX, Tiết độ sứ Cao Biền, người Trung Quốc, sai đào hai con kênh ở hai đèo để nối liền với nhau các vũng Thanh Hóa, Diễn Châu và Vinh.
Về phía Nam, phá Diễn Châu thông với bể do một hải cảng mở ra ở sườn phía Bắc núi Mộ Dạ. Chính ở chỗ này, vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, vua An Dương Vương bị Triệu Đà đuổi ở đất Bắc đã chết đắm. ở sườn Tây của núi Mộ Dạ có đền thờ vị vua này. Hải cảng nói đây có thể gọi là "Cảng An Dương Vương" để ghi lại một sự kiện vừa có tính địa chất học, vừa có tính lịch sử; ngày nay cảng đó là một "cửa lấp", nghĩa là một cửa sông bị bồi như người An Nam thường gọi [18].
Cho đến thế kỷ thứ X, xứ Diễn Châu phần lớn hãy còn là đầm phá. Điều đó đã được nói đến trong gia phổ của họ Hồ, một dòng họ nổi tiếng đã từng cung cấp cho lịch sử hai vị Hoàng đế. Ông tổ đầu tiên của họ này lúc ấy là người cầm đầu việc cai trị Diễn Châu và đóng ở trung độ miền đất phía Tây. Chỉ đến cuối thế kỷ XIII thì chi trưởng của dòng họ này mới xuống lập nghiệp ở miền Bào Đột, phía Tây phá mà giới hạn hồi đó có thể nằm vào chỗ đường cái quan. Rồi vào khoảng thế kỷ XV, hai chi khác của dòng họ này đã đắp đập để mở thêm đất cày ruộng ở những đầm phá mà ngày nay là địa điểm của huyện lị Quỳnh Lưu và Yên Thành.
Tôi phải nhắc lại ở đây rằng trên bờ đất phía Tây của phá Diễn Châu, người của thời kỳ đồ đá mới đã để lại những vết tích.
Qua việc phác họa lại quá khứ của đất cổ Diễn Châu, người ta thấy địa chất học, tiền sử học và sử học tương trợ cho nhau. Và tôi cũng có thể chứng minh theo cách này cho các "xứ" khác của An-Tĩnh. Nhưng việc đó sẽ đưa tôi đi quá xa. Vả chăng tôi phải chỉ ra rằng công việc chứng minh đó sẽ tự nó thực hiện thông qua việc vạch lại những nét về quá khứ của các danh lam thắng tích và các dòng họ có danh tiếng. Chúng ta sẽ thấy rằng lịch sử địa chất gần đây của các đồng bằng duyên hải giải thích cho ta hiểu vì sao ở trên mảnh đất này, người ta tìm thấy ít dòng họ cũ và đất cũ.
Trái lại, những "xứ thung lũng" và trên hết là những xứ thuộc hạ lưu thung lũng sông Lam cung cấp cho ta những tài liệu liên quan đến những thế kỷ đầu của Công nguyên, vì lý do những nền đất ven sông đã được người ta đến ở ngay sau khi các dòng sông rút đi.
Trong phần thứ I của Dẫn nhập, tôi đã muốn chứng minh rằng để vạch lại quá khứ của các đồng bằng An Nam, phải kêu gọi sự góp sức của nhiều khoa học: Địa chất học,Địa văn học, Tiền sử học và Sử học. Những kẻ vô cớ dựng lên giữa các khoa học ấy những bức tường ngăn cách đều không phải là những nhà khoa học: những điều họ nhận xét đều có khuyết điểm và sai lầm; sự làm sống lại quá khứ không được đầy đủ hoàn toàn. Có những vấn đề mà người ta chỉ có thể lý giải được với điều kiện là phải kết hợp được cả ba thứ hiểu biết về địa chất, tiền sử, và lịch sử.
Theo đúng lôgíc thì sự phân tích phải đi trước sự tổng hợp. Khi nào bạn đọc đã nắm được tài liệu về những vùng đất và những dòng họ có tên tuổi, tôi sẽ xin trình bày trong một sự tổng hợp chung về quá khứ của đất cổ An-Tĩnh mà nhờ đó, lịch sử sẽ hiện ra dưới mắt chúng ta một cách rõ nét hơn là bằng các phương pháp khác. "Lịch sử" mà tôi nói đó sẽ là đối tượng nghiên cứu của một số Tập san sau này.
Trong phần thứ nhất về việc làm sống lại quá khứ của An-Tĩnh, tôi sẽ cố gắng làm rõ những danh xưng cũ và hệ thống hành chính của tỉnh này. Đó là những vấn đề rất phức tạp mà tôi chưa dám đề cập trong quyển sách này.
***
Trong quá trình nghiên cứu về địa chất, tôi đã phải trích từ kho tàng truyền thuyết Hán - Việt ra những điển cố ám chỉ hai hiện tượng mà các nhà địa chất gọi là "thủy triều lên xuống", nói một cách đơn giản hơn là sự di chuyển của bờ biển. Bạn đọc chắc sẽ thích thú khi được biết những trích dẫn đó; đặc biệt nó chứng minh rằng tổ tiên của người An Nam và người Trung Hoa đã được chứng kiến những cuộc xâm chiếm của lãnh địa đối với lãnh hải, hiện tượng mà người ta phải đặt vào đầu thời kỳ hình thành các đồng bằng duyên hải của Trung Quốc và của An Nam [16].
Tài liệu xưa nhất nói về vấn đề này mà tôi biết là quyển Sơn hải kinh(1), tập truyền thuyết về núi và biển được viết ra từ đời Tần và đời Hán, nghĩa là vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đoạn trích có giá trị nhất đối với chúng ta là chuyện truyền kỳ Nàng công chúa muốn lấp bể. Sau đây là bài học bao hàm trong câu chuyện đó.
Vào khoảng thế kỷ thứ XXVIII trước Công nguyên, Viêm Đế trị vì bên Trung Quốc, đó là ông vua thường được người ta biết dưới cái tên Thần Nông (vị thần coi về nông nghiệp). Trong một cuộc du lãm, người con gái của Viêm Đế đã bị chết đắm ở biển Đông. Hồn oan của công chúa hóa thành chim Tinh Vệ. Từ đó, con chim này không một phút nghỉ ngơi, cứ ngậm đá lấy ở núi phía Tây để lấp biển Đông.
Một con chim yếu ớt mà lại nuôi ý đồ lấp bể bao la thì quả là một chí lớn khôn lường. Vì thế mà trong nhiều tác phẩm Hán-Việt, người ta tìm thấy điển cố này để phê phán những kẻ hợm mình dấn thân vào những cuộc phiêu lưu. Cũng từ đó mà sinh ra những thành ngữ như "Tinh Vệ hàm thạch" hay "Hàm thạch điền hải" (Tinh Vệ ngậm đá hay Ngậm đá lấp bể).
Nhà địa chất học hay nhà sử học có thể giải thích được truyền thuyết trên đây như thế nào? Kẻ nào tự cho mình có thể giải quyết được vấn đề này một cách triệt để chắc hẳn là người không thực tế! Nhưng chúng ta cũng thử đem đối chiếu một vài sự kiện lạ lùng! Viêm Đế được thờ làm thần vì ông vua này đã sinh ra nghề nông. Dưới thời ông, con người còn sống trong tình trạng mông muội, chỉ biết sống bằng nghề săn bắn và đánh cá. Vua Viêm Đế dạy cho dân trồng "ngũ cốc". Có phải chính ông vua này đã dạy cho dân sử dụng những đám đất bồi ở gần biển bằng cách đắp đê ngăn nước mặn để bảo vệ những đất ấy chống với sự trở lại của những con sóng hay không? Như vậy thì truyền thuyết về nàng công chúa và đứa con của bà tượng trưng cho sự xây dựng những đê đập bằng đá dọc theo một đường bờ biển mới. Và việc đó đã xảy ra cách đây gần 5 ngàn năm, hay chắc chắn hơn là vào thời kỳ mà ở Trung Quốc người nguyên thủy mới dùng đồ đá, nói cách khác, là vào thời kỳ tiền sử. Cách giải thích truyền thuyết của tôi có phần táo bạo chăng? Biết đâu?
Cho dù thế nào đi nữa, người ta vẫn có thể nói là truyền thuyết ám chỉ hiện tượng đất ăn ra bể bắt nguồn từ những thời xa xưa. Đó là kết luận có thể rút ra từ nhiều câu chuyện hoang đường trong kho thần thoại của người An Nam và Trung Hoa. Phong tục học cho ta biết nhiều điều về vấn đề này, tôi có thể đưa ra đây một ý niệm về việc đó bằng cách chỉ ra những tác phẩm mà tôi đã tham khảo. Trước hết là những sách của Trung Quốc mà tôi kể sau đây, và để giúp cho sự tham chiếu, tôi xin mách độc giả là: Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã có đăng những bài viết giới thiệu các sách ấy (Tập XVI, số 1, trang 50; Tập XXIII, tr. 155, 156, 159; Tập XXV, tr. 229).
1. Thần tiên truyện, tập truyện truyền thuyết viết vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên dưới đời Tần. Từ quyển sách này, tôi trích ra đoạn dưới đây:
Ma Cố nói với Vương Phương Bình: "Tôi nghiệm thấy đã ba lần biển Đông biến thành ruộng dâu. Giữa bờ biển và đảo Bồng Lai, bể dần dần thành ra ruộng. Chắc chắn một ngày kia tôi sẽ thấy những đảo này biến thành đồi núi".
2. Thái bình ngự lãm, tập Bách khoa toàn thư viết vào thế kỷ thứ X, thời kỳ thái bình của nhà Tống, mà dưới đây là một đoạn trích dẫn:
Một hôm, ba cụ già gặp nhau trên bờ biển Đông. Ba người hỏi nhau về tuổi. Một cụ nói: "Tất cả mọi điều mà tôi có thể biết, là cứ mỗi lần nước biển rút lui, cho phép tôi khai khẩn thêm những ruộng dâu mới, tôi đánh dấu sự chiếm hữu đó bằng cách cắm những cái cọc. Và từ buổi hoa niên đến giờ, tôi tính ra có đến mười cái cọc như thế".
Từ chuyện này sinh ra thành ngữ "Hải ốc thiêm trù" (Nghĩa là Chúc cho cơ nghiệp của ngài ở trên bờ biển ngày càng phát đạt), câu nói mà người An Nam và người Trung Quốc ngày nay thường dùng để chúc thọ nhau.
3. ấu học cố sự tầm nguyên, tập Sưu tầm những sự tích về sự vật dùng cho những học sinh trẻ tuổi. Sách này được viết ra vào thế kỷ XIV dưới triều nhà Minh. Chính là từ trong sách này, tôi trích ra tư tưởng dưới đây và đã được các nhà thơ Hán-Việt nhiều lần vay mượn: "Thương hải biến vi tang điền" (Biển xanh hóa thành nương dâu).
Những cuốn sách của người An Nam đã đóng góp cho tôi những điều sau đây:
1) Trước tiên tôi xin nhắc lại sơ lược một đoạn trong Quốc sử: Thời kỳ nửa tiền sử của lịch sử dân tộc An Nam bắt đầu từ triều vua An Dương Vương, vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Từ thời ấy xuất hiện chuyện đánh nhau giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh (thần Núi và thần Nước).
Sử sách lại chép rằng: Chuyện này đã được đặt ra để giải thích rằng các trận bão và lụt phá hoại miền Bắc là do sự thù hằn của Thủy Tinh đối với Sơn Tinh. Riêng tôi lại muốn tìm thấy ở trong đó một ý nghĩa tượng trưng cho những cuộc chiến tranh giữa những cư dân miền trung du chống lại giặc xâm lăng từ Trung Quốc sang theo đường bờ biển, để chiếm những đất phù sa mới nổi lên ở châu thổ Bắc Bộ vẫn đang tiếp tục được hình thành. Hồi đó, nghĩa là cách đây hai mươi hai thế kỷ, bờ biển đi qua địa điểm Hà Nội ngày nay. Nếu cho rằng thành phố này vào thế kỷ thứ VII là một hải cảng là sai lầm [18].
2) Quyển Đại Nam nhất thống chí được biên soạn dưới triều Tự Đức và được Bộ Học ở Huế in lại năm 1917, cung cấp cho ta nhiều tư liệu mà tôi xin trích một vài đoạn dưới đây để bạn đọc có một chút ý niệm.
Trong phần nghiên cứu về tỉnh Nam Định, có đoạn viết:
a. Cửa biển hay sông Liêu Hải thuộc huyện Đại An, dưới triều Gia Long còn có thể nhận được những chiếc thuyền trọng tải hạng lớn; về sau, nó bị cát biển bồi lấp.
b. Đền thờ Trần Minh Công ở huyện Vũ Tiên, thuộc địa phận hai xã Kỳ Bồ và Bồ Xuyên phụ trách việc tế tự.
Minh Công sống vào giai đoạn Ngũ Đại trong lịch sử ở Trung Quốc. Giai đoạn loạn ly kéo dài 53 năm (907-960) này đã cho những sứ quân Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ một cơ hội tốt để tự tuyên bố độc lập. Đó là giai đoạn trong Quốc sử An Nam gọi là Thập nhị sứ quân. Minh Công là một trong mười hai sứ quân đó. Ông ta phải đánh chiếm thành Bố Hải Khẩu để bảo vệ những vị trí của mình ở tỉnh Nam Định hiện thời. Nhưng Hải Khẩu có nghĩa là hải cảng ở cửa sông và xã Bố Hải ở thế kỷ X, ngày nay là Kỳ Bố. Vậy thì ở thế kỷ thứ X, đường bờ biển ở đây đi theo giới hạn phía Tây hiện nay của xã Kỳ Bố.
Qua hai việc trên liên quan đến tỉnh Nam Định, chúng ta thấy việc nghiên cứu các tỉnh duyên hải ở Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ trong Đại nam Nhất thống chí có thể giúp ích được cho khoa Địa lý và Lịch sử những gì? Tôi cũng sẽ chứng minh trong quyển sách này sự cần thiết phải có thái độ hoài nghi đối với những tập địa phương chí đó, vì có những đoạn chỉ là sự sao chép một cách vụng về. Vì thế mà trong phần thuộc về lịch sử Trần Minh Công tôi vừa mới tóm tắt lại, bạn đọc sẽ biết rõ sự thật khi tham chiếu Tập san của Trường Bác Cổ (tập IV, trang 628 và 629), trong đó có đoạn chú thích giới thiệu về Đại Việt Sử ký ngoại kỷ (tài liệu bổ sung cho Quốc sử Đại Việt).
3) Về văn học tiếng Việt, tôi chỉ chú ý đến tập thơ bất hủ là Kim Vân Kiều mà tác giả là một danh nhân An-Tĩnh. Tên sách này nhắc lại ba nhân vật chính của quyển bi tình diễm sử này. Tác phẩm phỏng theo một quyển tiểu thuyết chữ Hán của Trung Quốc có tên là Thanh nhân tài tình lục, cũng được người ta gọi là Đoạn trường tân thanh, cái tên mà tôi thích hơn nhiều vì nó nói rõ được cuộc đời bi đát của nhân vật chính. Tôi xin mượn mấy câu sau của tác phẩm mà ông René Crayssac đã dịch ra tiếng Pháp bằng thơ:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Chủ đề này nằm trong bốn câu đầu của tác phẩm Đoạn trường tân thanh đã được nhắc lại trong "Truyền thuyết thần tiên" cũng thuộc tập thơ này.
Để kết thúc đoạn trích dẫn trên đây, tôi xin phép nhắc lại một tư tưởng rất đẹp của Pierre Termier, - một bậc thầy trong khoa học địa chất, vừa mới mất cách đây vài năm, - tư tưởng trích ở tác phẩm Vinh quang trái đất chúng ta, thật là một trường ca bằng văn xuôi:
Phải có bài ca của những đồng bằng,
Những đồng bằng, ngày hôm qua còn là bể thẳm,
Và trên đó, ngày mai đây, những làn sóng sẽ trở về.
Những truyền thuyết dân gian không hẳn là lịch sử, nhưng mỗi truyền thuyết đều có một ý nghĩa kín đáo và nghệ thuật của người viết sử là rút từ truyền thuyết ra một sự giải thích phù hợp với sự thật, và được căn cứ trên những sự kiện hiển nhiên.
***
Ở An-Tĩnh có câu phương ngôn rất nổi tiếng: "Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần", nghĩa là: "Tỉnh Thanh Hóa dựa vào ân huệ của vua, đất Nghệ Tĩnh được thần phù hộ". Nếu cho đến ngày nay, Thanh Hóa là đất được hưởng những đặc ân của triều đình thì bởi vì đất ấy là quê hương của triều Nguyễn. Nhưng Nghệ Tĩnh không ganh tị về chuyện đó vì Nghệ Tĩnh lại là đất được lựa chọn của những vị thần bảo hộ. Và các vị thần ấy đều được thờ cúng một cách trang trọng vô chừng. Nghệ An lấy làm hãnh diện có bốn trong số những ngôi đền đẹp nhất ở An Nam: "Đền Cần, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng".
Đất An-Tĩnh chẳng những là đất có nhiều truyền kỳ, mà còn là đất nổi tiếng trong lịch sử. Tôi tin có thể khẳng định rằng không có tỉnh nào đã đóng vai trò lớn hơn trong lịch sử của nước Đại Việt (hay Nam Việt), ít nhất là cho đến thế kỷ XV, như đất An-Tĩnh.
An-Tĩnh là quê hương của nhiều triều vua. Đất này đã sinh ra những vị đế Vương, những loạn thần, những võ tướng và những thi nhân. Mỗi một địa phương lưu giữ một góc lịch sử. Cho đến thế kỷ X, đất Nghệ Tĩnh đánh dấu giai đoạn quan trọng nhất của sự nghiệp Nam tiến của nòi giống An Nam: cuộc chiếm lĩnh đất đai của người Chăm. Nhưng nước An Nam đã phải khuất phục dưới sự đô hộ của Trung Quốc. Người giải phóng đất nước là Lê Lợi (đầu thế kỷ XV). Ông vốn người Thanh Hóa. Nhưng không nên quên rằng chính ở Nghệ An, ở các thung lũng của miền sơn cước mà Lê Lợi đã tìm ra được địa điểm thích hợp như là tiền định đối với mình, ở đó trong vòng mười năm, ông đã có thể nuôi dưỡng và tập trung lực lượng để cuối cùng đuổi hẳn quân Trung Quốc ra khỏi nước Đại Việt.
Đất An-Tĩnh là thành trì cuối cùng của bộ hạ vua Hàm Nghi (chiến dịch 1885-1887). Người chỉ huy của lực lượng này là Phan Đình Phùng, kẻ mà thiếu tá Masson [20] đã gọi là Kẻ địch trung chính. Ông Phan quê ở Hà Tĩnh, phủ Đức Thọ. Ông ta thuận đầu hàng (?!) với điều kiện là những người tùy tùng của mình được trở về quê quán một cách yên ổn. Nhưng khi điều kiện đó được thỏa mãn, thì viên tướng lĩnh này, với tinh thần nghĩa liệt của người xưa, đã tự kết liễu đời mình.
Đất An-Tĩnh là quê hương của những bậc đại nho ở An Nam lừng danh một thời. Thế hệ trẻ hiện nay đang làm vẻ vang cho truyền thống văn học của cha ông. Dẫn chứng là người học trò cũ của trường Trung học Vinh, sau khi đã học qua trường Bách khoa và là học sinh giỏi của Trường Cao đẳng cầu đường ở Paris, đã vừa thi đỗ Thạc sĩ Toán học(2).
***
Không phải chỉ vì yêu những cây xà chạm trổ tinh vi của các ngôi đền cổ và những dấu vết vinh quang của những thành trì và đô thị xưa mà tôi đã đi vào cuộc khảo sát để phát hiện đất cổ An-Tĩnh. Mà đó cũng là vì muốn bổ khuyết cho sự giáo dục những người học trò của tôi ở trường Trung học Vinh. Người ta nói với người thanh niên rằng: Muốn mạnh thì anh hãy tự biết mình.
Chỉ một tấm gương tự kỷ quan sát của Socrate không đủ. Khoa Tâm lý học hiện thời đã tìm ra ảnh hưởng rất sâu rộng của di truyền và đồng thời của môi trường. Sự tự tu bao hàm sự hiểu biết những người khác, nhất là những người bà con của mình trong không gian và thời gian. Phải biết tổ tiên trực tiếp của mình, những người đã xây đắp nên cái Tổ quốc nhỏ mà ở đó ta đang sinh sống, đó là làng xóm và tỉnh thành. Phải biết những người đã khuất đã tác thành cho tâm hồn mình, và vẫn đang tiếp tục tác động đến chúng ta.