Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
 An Tĩnh cổ lục
 Đại Nam nhất thống chí - Dư địa chí Nghệ An
 Đại Nam nhất thống chí - Dư địa chí Hà Tĩnh
 Các bài lịch sử khác về An - Tĩnh
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
An - Tĩnh cổ lục - Phần dẫn nhập (tr. 31 - 44)
 
(11h: 05-01-2011)
An - Tĩnh cổ lục  -  Phần dẫn nhập (tr. 31 - 44)

Có một trình tự logic về nhận thức. Tất cả mọi môn học đều phải bắt đầu từ cái cụ thể rồi mới đến cái khái quát. Đảo ngược trình tự ấy chỉ gây ra tình trạng hỗn độn.
...

 

AN-TĨNH CỔ LỤC

(LE VIEUX AN-TĨNH)

Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936

(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)

 

Tác giả: HIPPOLYTE BRETON

Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ

Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU

 

*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách

 

***

 

DẪN NHẬP

(Tiếp theo)

 

 

 

 

Có một trình tự logic về nhận thức. Tất cả mọi môn học đều phải bắt đầu từ cái cụ thể rồi mới đến cái khái quát. Đảo ngược trình tự ấy chỉ gây ra tình trạng hỗn độn.

Vậy thì, nói tóm lại, nên tổ chức một cách có ý thức cái môn địa phương học này. Đó là điều mà tôi đã cố gắng thực hiện ở Thanh Hóa, Vinh và Huế.

 

Chủ nghĩa địa phương trước hết là một loại tình cảm tình cảm trên cơ sở cùng chung một nguồn gốc. Khi có một số đông người đã có thể cảm thấy họ là chủ nhân chung của một cảnh vật, một lâu đài, miếu mạo, một tổ tiên, thì họ có quyền nói: Chúng ta cùng một gia đình mà ra.

Về phương diện tinh thần, điều quan trọng là không nên bỏ rơi sợi dây liên lạc tự nhiên đó.

Người ta khuyên dùng lịch sử địa phương để dạy lịch sử dân tộc. Thật vậy, không gì nói với trí tưởng tượng và tình cảm thanh niên hùng hồn hơn là những chuyện thuật lại sự tham gia trực tiếp của tổ tiên vào những sự kiện của cuộc sống dân tộc.

Chủ nghĩa địa phương không những là một tình cảm, mà còn là một phương pháp logic. Học sinh chúng ta ở các tỉnh còn ít biết đến các trường Đại học ở Hà Nội. Hãy nói với họ về tỉnh của họ, họ cần phải biết trong hiện tại, quá khứ và cả trong tương lai cái tương lai, như nó sẽ có thể xảy đến.

Làm sao mà có thể tin được kẻ từ chối không thừa nhận tổ tiên mình, kẻ thờ ơ, bàng quan với người và vật chung quanh mình, kẻ đã không biết phân biệt đẳng cấp của những tri thức và cả những tình yêu của mình? Người đó không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của môn học cổ điển. Nếu các học sinh chúng ta đã được học kỹ hơn để yêu tỉnh mình nhiều hơn, thì chắc chi họ còn ra Thủ đô để tìm kiếm việc làm?

Làm cho đứa trẻ tiếp xúc trực tiếp với môi trường trong đó tổ tiên đã từng sống và chính đứa trẻ sẽ phải sống, như thế là chuẩn bị cho con người ấy vào đời một cách chu đáo.

***

 

Từ những cuộc du lãm của chúng tôi trên đất cổ An- Tĩnh, nên rút ra những hiểu biết gì?

Trong tình hình hiện tại sự hiểu biết của chúng ta, không thể vạch lại lịch sử thời cổ đại của xứ này theo phương pháp của khoa học Tây phương. Vì rằng còn nhiều tài liệu cũ chưa được khảo sát, ít nhất là vào thời kỳ trước thế kỉ XI. Còn nhiều vấn đề bí ẩn phải giải đáp. Tuy thế, tôi không có ý giấu đi một vấn đề nào, mà trái lại, cốt đem bộc lộ hết ra đây để làm thành tập tư liệu đầu tiên cho những ai rồi đây có ý muốn theo đuổi công việc nghiên cứu.

Về vấn đề này, tôi xin có mấy lời khuyên đối với các sinh viên An Nam của các trường Đại học ở Hà Nội và ở Pháp. Và trước hết, tôi xin mượn của ông Đào Đăng Vỹ một vài ý nghĩ rất phải chăng:

"Tôi lấy làm lạ rằng những sinh viên An Nam ở Pháp, khi phải trình bày luận án Tiến sĩ, lại đi nghiên cứu những chuyện ở nước Pháp hơn là những chuyện của Đông Dương. Tuồng như là ở Pháp người ta đang cần họ để làm cho người ta thấy rõ bộ mặt của nước Pháp. Tuồng như là ở Pháp không có nhà văn nào đủ tài ba để nói về nước họ, và như là Đông Dương không xứng đáng để họ chú ý tới. Riêng tôi nghĩ rằng, một trong những nghĩa vụ của thanh niên trí thức ta là không những tìm hiểu để biết nước Pháp và người Pháp, mà còn phải tìm cách làm cho người Pháp biết Đông Dương và hiểu biết chúng ta. Cái đó sẽ giúp cho sự hợp tác mà người ta nói đến rất nhiều, nhưng không phải khi nào cũng được thực hiện một cách mỹ mãn trong thực tế".

Đến lượt tôi, tôi sẽ nói với những người bạn An Nam trẻ của tôi là: "Đất nước của các anh là một kho vô tận, là những luận án vừa phong phú vừa thú vị. Nước Đại Việt cần được con em mình hiểu biết sâu hơn, hiểu biết về tất cả mọi lĩnh vực, tất cả, nghĩa là cả văn học, triết học, khoa học và sử học. Hãy nên nuôi cái chí phục vụ cho sự nghiệp đó, và nước Pháp bảo hộ sẽ giúp các anh trong công việc này, như đã làm và đang làm cho một người học trò có tài năng của đất An-Tĩnh, là anh Hoàng Xuân Hãn, sinh viên Đại học Bách khoa".

Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ, và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên.

Nếu hiểu biết địa phương quê hương mình hơn, có lẽ các tầng lớp thượng lưu An Nam sẽ tán thành cái công thức hiện được người ta ưa chuộng ở Pháp, công thức những "Quyển sách địa chí" (Những quyển sách quê hương).

Với những người An Nam học rộng tài cao có ý muốn sáng tác thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tôi xin chuyển tới một tin, mà tôi vừa nhận được từ quê hương nhỏ của tôi là xứ Normandie. Vả lại nên chú ý rằng, những gì là đúng với lẽ phải cho xứ này, đều đúng cho tất cả các tỉnh khác.

Gần đây, người ta đã ca ngợi một cách đúng đắn những "Quyển sách địa chí", sản phẩm của một chủ nghĩa địa phương chân chính ra sức cổ vũ tình yêu Tổ quốc nhỏ bằng cách biểu Dương cái quá khứ vẻ vang, cái gia tài lớn là những giá trị tinh thần, những danh lam và thắng cảnh của Tổ quốc nhỏ ấy.

Đất Normandie, một trong những tỉnh được ban phát của cải đầy đủ về mọi mặt, có những thuận lợi nhất định cho những đoàn thể sinh ra trong lòng hay ngoài tỉnh, những đoàn thể gồm có những người đã bảo vệ Tổ quốc nhỏ vừa nhiệt tình vừa bền bỉ, trong đó nên kể đến những người Normands ở Paris.

Về phần mình, Hội các nhà văn Normands đã ra sức chiến đấu cho chính nghĩa, và cũng nhờ Hội có sáng kiến đề nghị mà Tổng Công ty Hàng hải xuyên Đại Tây Dương đã bổ  sung vào thư viện trên chiếc tàu Normandie một số tác phẩm địa phương chí.

 

Nên hiểu nghĩa danh từ "sách" hay "tác phẩm địa chí" như thế nào? Lẽ tất nhiên, tôi để ra một bên những sách mang tính chất chỉ nam, chỉ dẫn cho khách du lịch lần đầu tiên tới một xứ như còn nguyên sơ những dấu chân. Song những quyển sách địa chí nói đây nên được hiểu là những tác phẩm nói về các phong tục, tập quán, y phục, truyền thống, truyền thuyết do môn folklore học phổ biến mà thành ra được quần chúng hoan nghênh.

 

Điều không quan trọng là những sách ấy có thể còn là những sách nghiên cứu bác học, mà cũng có thể là những tiểu thuyết, truyện ngắn hay thi ca. "Những con thủy quái ở cửa sông" của Julien Guillemard, "Những đám cưới kỳ quái" của Jehan Le Povremoyne, "Những người lấm đất" của Gaston Demongé, chỉ kể chừng ấy thôi, cũng thấy một điều rõ ràng là sách địa phương chí, mỗi quyển một đều có một phong cách riêng, cũng như những tập địa phương chí trình bày rất nghệ thuật về Núi Thánh Michael, Lisieux, Coudebec và Rouen.

Thật là không đủ cho một tác giả, dù là có danh tiếng, dựa vào lai lịch Normands của mình để đòi cho được những sách của bản thân được nhận vào một thư viện địa phương thuần túy. Người ấy chỉ có thể làm hài lòng một kẻ có thói quen hay sưu tập, sung sướng được tập hợp lại trong tủ sách mình những tác phẩm của các nhà văn trong tỉnh, nhưng điều đó không đáp ứng được với ý muốn của khách du lịch muốn biết những gì về xứ sở mà mình tham quan.

Quyển tiểu thuyết của Raoul Gain "Mỗi người mỗi lạc thú" sẽ giúp ích cho khách nhập môn vào phong tục của xứ La Hague. Laurent Cernières cũng sẽ cần cho khách để giới thiệu "Làng nhỏ" của ông hơn bất kỳ tác giả được yêu chuộng nào, thậm chí bỏ quên cả việc chỉ ra địa điểm của câu chuyện mình sắp kể, không coi trọng việc chú ý đến bản sắc địa phương, mặc dù đó là một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng.

Tôi cũng không thích cái thói của một số nhà văn thay đổi một cách vô lý tên tuổi của một thành phố mà họ đã chọn để làm sân khấu cho tấn tuồng hay kịch của họ, trừ phi trường hợp nội dung của kịch hay tuồng đó là một sự công kích kịch liệt dễ gây bất bình cho người dân ở đấy.

Người đọc vốn thích theo dõi một câu chuyện mà nhân vật hoạt động trong một khung cảnh nhất định hơn là trên một sân khấu mơ hồ.

Sự thành công của tác phẩm "Bà Bovary" nếu không kể những ưu điểm thuộc về văn chương, phải chăng là do chỗ  công chúng đã nhận ra chung quanh nhân vật chính và những nhân vật khác hoạt động trong một khung cảnh quen thuộc từ Ry đến Rouen. Vì thế, quyển tiểu thuyết này căn bản là một quyển sách địa chí, trước khi người ta đặt tên cho nó.

Về phương diện này, Guy de Maupassant đã được độc giả cả trong và ngoài nước hoan nghênh cũng vì những lý do trên. Có những bài bình luận địa lý về tác phẩm của ông đã được đăng trên các tạp chí ở Đức và ở Mỹ.

Điều hợp lý là, mặc dù có giá trị, những sách phi địa lý, theo ý tôi, phải được loại ra ngoài các thư viện địa phương. Vì tôi coi như một cách dũng cảm việc của một nhà văn cố ý làm cho người đọc yêu quê hương của mình, những người đọc ấy vốn có những mối lo nghĩ riêng của họ. Tác phẩm "Đồ phụng nạp" (L’Ex-Voto) của bà Delarue Mardrus đã gây tiếng tăm cho Honfleur nhiều hơn là bất kỳ sự quảng cáo  khéo léo nào.

Hãy dành vinh dự cho những ai vì muốn cho quê hương nhỏ của mình, nếu không hơn người thì cũng có tiếng tăm, đã không ngần ngại nhân mọi cơ hội để làm cho xa gần hiểu biết.

Về phần tôi, tôi để lên các ngăn tủ sách của mình, ở những chỗ hàng ngày tôi vẫn dùng đến, những tiểu thuyết có tính cách tư liệu, và tôi dồn những quyển khác vào một góc kín đáo, chỗ dành cho các tác phẩm tưởng tượng, là những tác phẩm không dạy thêm cho tôi được gì.

Đó là một cách trừng phạt nhỏ do sở thích riêng của tôi đặt ra, để thưởng cho những người đã đem hết cả tâm hồn ra yêu Tổ quốc nhỏ của mình (Theo E. Spalikowski).

Tôi tha thiết khuyên các bạn thanh niên trí thức của nước Đại Việt nên đọc những sách địa chí của các cây bút bậc thầy ở Pháp. Họ nên mô phỏng theo đó; nhưng cũng tránh trở thành nô lệ của người ta: phải biết thích ứng với hoàn cảnh của Đông Dương.

Đất An-Tĩnh cung cấp cho những ai biết dùng tư liệu để viết những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cổ tích, những ai muốn dùng làm khung cảnh từ một quá khứ vẻ vang, những truyền kỳ, những danh lam thắng cảnh, những tục lệ và truyền thống đặc sắc. ở Thanh Hóa, Hòn Vọng Phu gợi cho người ta chủ đề của một vở kịch mang tính chất An Nam thuần túy.

Hồ Hoàn Kiếm là một "viên ngọc quý mà Hà Nội được dùng làm hộp đựng", chỉ một mình nó với câu chuyện "Trả lại Gươm thiêng" và chuyện "Con rùa vàng" đã hoàn toàn xứng đáng được biểu Dương.

Một vài thí dụ ấy chỉ gợi cho ta một ý niệm nhỏ về vô số những tư liệu có thể dùng để viết những sách địa phương ở An Nam. Những tác phẩm đó sẽ được hoan nghênh ở Pháp bởi những độc giả thích chuyện lạ nước ngoài.

Tin tức của báo chí bên Pháp cho hay, đầu tháng 4 năm 1935, "Viện Đại học Montmartroise" đã được thành lập. Một chương trình giảng dạy đã được xây dựng theo nguyên tắc địa phương học của người Paris. Những buổi diễn thuyết về văn học nghệ thuật đã được dự trù, do những người Montmartroise thuần túy, trong số đó tôi rất sung sướng khi biết có nhà văn Pierre Mac Orlan (Pierre Dumarchais) là bạn cùng lớp với tôi ở trường Sư phạm Ruen.

Cái thị hiếu chung ngày nay đang hướng về địa phương học. Điều đó báo hiệu một thời kỳ mới nhiều hứa hẹn, để tiếp máu mới cho tất cả mọi sản phẩm trong mọi lĩnh vực, nghệ thuật và văn học, sử học và khảo cổ học, cả các ngành folklore học, nhờ đó mà người ta có thể viết được những chuyện thú vị.

 

***

Những tư liệu mà tôi đã dùng cũng khá phong phú và độc giả có thể tìm thấy trong thư mục ở cuối sách.

Nhưng chính những nguồn tư liệu địa phương về lịch sử đất cổ An-Tĩnh là tôi đã sử dụng nhiều hơn cả, mà trước hết là:

1. Nghệ Tĩnh tạp chí - Nhiều ghi chú về Nghệ An và Hà Tĩnh, của Phan Hoa Phú và Phan Huy Sảng, thế kỷ XVIII.

2. Nghệ An phong thổ ký - Chuyên luận về địa lý Nghệ An và Hà Tĩnh, của Tồn Trai (Bùi Dương Lịch).

3. Hoan Châu phong thổ ký - Chuyên luận về địa lý của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thế kỷ XVIII.

Sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí", sách địa lý tổng quát về An Nam, biên soạn theo lệnh của vua Gia Long, 1806, và quyển "Dư địa chí", sách địa lý của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV, cũng giúp ích tôi rất nhiều, đồng thời với các quyển "Sự tích" hay "Nham Cảo", lịch sử của các thôn xã, đặc biệt là của các xã duyên hải.

Quyển "Đại Nam nhất thống chí", sách địa lý tổng quát về nước Đại Nam (một pho sách biên soạn gồm có những địa phương chí của các tỉnh Trung Kỳ), biên soạn dưới sự chỉ đạo của Bộ Học ở Huế năm 1917, đối với tôi rất là quý. Nhưng tôi đã tìm thấy trong đó nhiều sai lầm và tôi cũng đã phải bổ sung, sửa chữa thêm. Sở dĩ có những sai lầm như thế là vì những người biên soạn đã quá câu nệ theo các sách cổ, do đó mà có một số đoạn thuộc về địa-văn hóa không thể coi là căn cứ để quan sát trực tiếp. Thí dụ một đoạn chú giải về Hồ Nước mặn, sau này chúng tôi sẽ phê phán.

Có những nhà biên soạn khác, năm 1917, lại kể rằng, những vùng đất và những kiến trúc lịch sử ở An-Tĩnh đã bị nước sông Lam cuốn đi từ hơn 50 năm nay, đó là điều mà không ai được quên. Thí dụ đền Triều Khẩu và thành Bình Ngô.

Sau cùng, xin có một nhận xét cần thiết về quyển sách nói trên, là phần lớn chúng đều thuộc về truyền thuyết dân gian. Đó dường như là một khuynh hướng có tính bẩm sinh của người An Nam, thích những chuyện phi thường. Đó không phải là một điều hoàn toàn có hại, vì truyền thuyết dân gian giúp cho người ta biết và hiểu thêm cuộc sống - tâm hồn của người dân ở một tỉnh.

 

Dù sao, những ai muốn làm sống lại quá khứ của những tỉnh An Nam sẽ không thể nào không dịch quyển "Đại Nam nhất thống chí", là tài liệu trước tiên phải khảo cứu nhưng phải sửa chữa và bổ sung cho tác phẩm. Và chỉ những người nắm vững tiếng Việt thì mới thành công trong việc đó. Dịch sẽ là phản, nếu như người nào khi dịch không kiểm tra lại bản dịch thì rất dễ mắc phải sai lầm.

Những nguồn tư liệu địa phương của lịch sử An-Tĩnh không đủ và đối với các tỉnh khác ở An Nam cũng vậy. Phải nhất định tham chiếu các pho sử Hán Việt để đưa lịch sử địa phương vào trong khuôn khổ rộng lớn của lịch sử dân tộc (Quốc sử).

 

Nhưng chính là nhờ các gia phổ, những bản viết tay, vừa là sách sử gia đình vừa là phổ hệ của các vọng tộc mà tôi có được những tư liệu rất chắc chắn và rất phong phú. Về phương diện này, tôi không sợ phải nhắc lại điều tôi đã nói ở phần chú thích trong Tập san số 2 của chúng ta, tháng 4- 6/1935, trang 219. Những tư liệu ấy rất quý đối với lịch sử Đại Việt trong tất cả mọi lĩnh vực, từ văn học, lịch sử, phong tục đến môn cổ văn học, mặc dù điều đó có thể nhiều người  cho là lạ lùng. Những quyển gia phổ đó đã giúp cho tôi bổ sung hay xác minh một vài kiến giải có ở trong các sách thông sử. Tất cả những ai muốn đúc kết lại lịch sử tổng quát của nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài và Đàng Trong) sẽ phải khảo cứu những quyển sử đó của các dòng họ lớn, ngoài những tư liệu mới khác phải nghiên cứu. Nếu một ngày kia người ta muốn minh chứng lịch sử Nam tiến của người An Nam, thì phải tìm đến những quyển giả phổ của các dòng họ. Những ý kiến trên đây đã đến với tôi trong khi tôi dịch và sắp xếp quyển gia phổ của bốn dòng họ chính mà tôi sẽ gọi bằng tên của mỗi xã: họ Hồ Quỳnh Đôi, họ Nguyễn Thượng Xá, họ Nguyễn Tiên Điền, và họ Chế Thu Lũng; những hậu duệ của dòng họ Chế này bị đuổi khỏi Tổ quốc mình bởi một người cướp ngôi và được vua nhà Trần cho đến nương náu ở đất An-Tĩnh. Chúng tôi còn có nhiều dịp khi triển khai các thiên II và III nói về, những danh lam thắng cảnh và những danh nhân, để chứng minh tầm quan trọng rộng lớn của các gia phổ trong việc làm sống lại quá khứ của một xứ.

 

Để tiện cho việc dịch các nguồn tư liệu địa phương về lịch sử của đất cổ An-Tĩnh, tôi đã nhờ vào sự hợp tác của ông tú tài Nguyễn Đức Tánh, một trong những nhà Nho học rộng của An-Tĩnh mà tinh thần tự do phê phán, tự do phán đoán không bao giờ có khiếm khuyết. Đó là những đức tính của các môn sinh nền giáo dục cổ truyền không được đào tạo ở các trường học Phương Tây. Tôi phải thừa nhận rằng trong số các bậc túc nho bạn tôi, có nhiều người có trình độ học vấn rất cao, có trí phán đoán minh mẫn khiến không rơi vào kiểu học vẹt. Tôi hàm ân ông Tú Tánh rất nhiều trong công việc soạn các sách về tỉnh quê hương của ông. Ký ức tôi sẽ mãi mãi giữ các kỷ niệm của bốn năm hợp tác.

***

Tất cả những văn bản An Nam, thi ca hay luận văn cử tử, sử ký và địa chí v.v... đều đầy rẫy những trích dẫn và điển cố văn học rút trong những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Không thể nào có những bản dịch sát nghĩa của những sách đó nếu không chồng chất lên bản dịch rất nhiều trang chú giải và bình luận. Tôi đành theo sở thích riêng mà phỏng dịch, tuy vẫn tôn trọng tinh thần của nguyên bản. Tuy thế, tôi cũng sẽ đưa ra những kiến giải về lý do những trích dẫn và điển cố trong những trường hợp thấy cần phải làm sáng tỏ văn bản.

 

Mặt khác, những chức vụ, nhiệm vụ, phẩm tước, cấp bậc càng nhiều lên gấp bội và càng phân chia ra nhiều đẳng cấp vô cùng, và vấn đề lại càng rắc rối vì có các chức tước phong khi sống và sau khi chết. Vả lại, từ triều này sang triều khác, những chức tước ấy lại càng khác nhau; rõ ràng là cần phải có cả một môn học riêng để nghiên cứu về vấn đề này. Cuối cùng những thứ ấy cũng không có gì gọi là tương tự như ở Phương Tây, thành ra nếu dịch nghĩa đen từng chữ thì khó hiểu. Tôi chỉ phiên dịch ra tiếng Việt để giúp ích cho những người An Nam không đọc được chữ Hán. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, tôi mới dịch ra tiếng Pháp, đó là trường hợp mà tiếng dịch tỏ ra rõ nghĩa không những đối với những đầu óc Tây phương, mà cả với những người Việt Nam vì họ đã bỏ rơi hết ý niệm về đẳng cấp trong xã hội Trung Quốc và An Nam. Ngoài ra, cũng nên công nhận rằng, những tác giả muốn làm cái việc vô cùng khó khăn là dịch các tước phẩm, hàm vị Hán-Việt đều không đồng ý với nhau. Về phần tôi, tôi nghĩ rằng, chỉ là muốn trưng bày một sự uyên bác vô ích nếu tôi đem dịch những dây chữ dài về đẳng cấp An Nam và làm như thế thì tôi sẽ phải chất đầy ở phần dưới trang những chú giải dài dòng vô vị. Tốt hơn là dành công việc này cho một quyển sách riêng có tính cách chuyên đề mà bạn đọc của Tập san chúng ta có thể tham khảo.

 

***

Về tiểu sử của các danh nhân, sách "Đại Nam nhất thống chí" theo một phương pháp rất vụng, và tôi xin nói rõ vì sao. Quyển sách xác lập trước hết ba loại người: đàn ông, đàn bà, trẻ em; và về mỗi loại, thứ tự niên đại đem dùng là thứ tự của mỗi một triều đại mà các nhân vật đã sống. Do phương pháp này, sự thống nhất của mỗi dòng họ bị cắt nhỏ ra, và trong cái thế lẫn lộn đó của những danh nhân, không kể đến dòng họ riêng của các nhân vật, chỉ có "tính địa phương" mới lập lại được trật tự. Đó là lịch sử các dòng họ cần phải làm cho sáng tỏ ở đây, không những tổ chức xã hội An Nam vẫn còn mang tính gia trưởng, mà bởi vì gia đình là tế bào của quốc gia, và cũng bởi lý do chính rằng lịch sử địa phương của các dòng họ giúp cho sự giải thích nhằm hiểu nhiều hơn lịch sử chung của nước Đại Việt.

 

Để chứng minh khuyết điểm của các tài liệu về lịch sử An Nam làm hỏng tính thống nhất của các dòng họ lớn như thế nào, tôi chỉ cần lưu ý độc giả đến tác phẩm bậc thầy của ông Emile Gaspardone, hội viên Trường Bác Cổ, nhan đề: "Khoa thư tịch học An Nam" (Tập san Viễn Đông Bác Cổ, quyển XXXIV, 1935). Trong tác phẩm đó, tôi tìm thấy tản mát những danh nhân của An-Tĩnh, người thì thuộc về họ Hồ (họ đã cung cấp hai vị vua); người thì họ Nguyễn Tiên Điền (mà nhà thơ bất tử Nguyễn Du là thế hệ con cháu). Đó là hai dòng họ đã đóng một vai trò lớn lao trong lịch sử Đại Việt không còn nghi ngờ gì nữa, mà cái phương pháp đáng trách là đã làm sử chung của đất nước rồi mới viết đến sử riêng của địa phương.

Vì vậy, tôi căn cứ vào từng dòng họ mà viết lịch sử của các danh nhân đất An-Tĩnh. Nhưng do khuyết điểm nói trên, việc làm của tôi sẽ không tránh được thiếu sót, vì tôi không thể nghiên cứu được hết các gia phổ của tất cả những vọng tộc ở An-Tĩnh. Tôi phải từ giã miền đất này sớm quá trái với ý muốn. Những bản tiểu sử danh nhân của tôi cần phải được xem lại để xếp theo phương pháp địa phương học tốt nhất, phương pháp làm nổi bật đời sống của các dòng họ.

 

***

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 An - Tĩnh cổ lục - Phần dẫn nhập (tr. 44 - 46) (22h: 06-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên I: thời kỳ tiền sử (tr.47 - 52) (22h: 06-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II : NHỮNG DANH LAM THẮNG TÍCH CÓ TÍNH CHẤT TRUYỀN KỲ (tr.53 - 59) (23h: 08-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II : NHỮNG DANH LAM THẮNG TÍCH CÓ TÍNH CHẤT TRUYỀN KỲ (tr. 59-64) (22h: 09-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II : NHỮNG DANH LAM THẮNG TÍCH CÓ TÍNH CHẤT TRUYỀN KỲ (tr.65-72) (12h: 10-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên 2 - Chương I : Xứ Diễn Châu (15h: 11-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên 2 - chương I : Xứ Diễn Châu (trang 79 - 85) (11h: 12-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên 2 - Chương I : Xứ Diễn Châu (tiếp theo từ trang 86 - 89) (00h: 15-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (từ trang 89 - 97) (00h: 15-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (tiếp theo từ trang 98 - 104) (22h: 17-01-2011)