
Những tư liệu chủ yếu về thời kỳ tiền sử của An-Tĩnh là "những gò vỏ hàu"...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
THIÊN I. – THỜI KỲ TIỀN SỬ
Những tư liệu chủ yếu về thời kỳ tiền sử của An-Tĩnh là "những gò vỏ hàu". Nhưng xét về mặt này, người "ngoại đạo" có thể có những nhầm lẫn bởi vì có những gò tự nhiên và những gò nhân tạo. Những gò này thuộc về thời kỳ tiền sử. Gò tự nhiên thuộc về thời kỳ đệ tứ kỉ (ère quaternaire) theo các nhà địa chất. Đó là những mạch vỏ hàu do biển để lại sau khi nước rút. Muốn nghiên cứu tất cả những gò này, cần phải hiểu ít nhiều về công tác nghiên cứu địa chất học và tiền sử học.
Những gò vỏ hàu nhân tạo có thể chia làm hai loại:
1. Một loại mà theo một học thuyết hiện đang thịnh hành đã giải thích, thì có lẽ là do người đắp.
2. Một loại mà nguồn gốc không cần phải bàn cãi bởi vì đó là những di vật đồ ăn thừa hoặc "di chỉ" (“Kjokkenmedding").
Nói về những gò do người đắp, tôi thấy trước tiên cần phải giới thiệu cho độc giả một tài liệu đăng trong "Họa báo" (Illustration) số ra ngày 23 tháng 2 năm 1935, trang 231) nói về "Những núi đá vỏ hàu" của vùng Saint Michel en l’Herm ở xứ Vendée. Những gò vỏ hàu này đặt ra cho các nhà khoa học một dấu hỏi lớn. Có phải do biển để lại sau khi nước rút hay là do bàn tay con người tạo nên?
Một trong những gò của vùng Saint Michel hiện được khai thác để làm phân bón, nó chứa 83% chất vôi dùng để bón cho đất, và chất bột mịn dùng làm thức ăn cho gà vịt mau đẻ và thứ bột này đem trộn với cám lợn và rau cỏ sẽ có tác dụng làm cho xương gà thêm cứng rắn. Những người thợ thường tìm thấy trong gò sò những đồng tiền của thế kỷ XIII và dao găm; mới đây họ lại tìm thấy một bộ xương người. Nhưng khi cần phải xác định niên đại của gò sò, người ta đâm ra hoài nghi.
Về vấn đề này, trong các tài liệu lưu trữ của thôn xã cũng như của tu viện không thấy nói đến, không có chứng cớ gì để giải đáp. Nếu như những cồn sò của vùng Saint Michel không phải là vết tích do biển để lại khi rút lui, mà do người đắp, thì người ta có thể hỏi lý do vì sao con người của thời kỳ xa xưa đã đắp lên những đống sò ghê gớm ấy, như ở các tập tranh trong "Họa báo" đã cho thấy. Về câu hỏi cấp thiết này chưa có một ai có thể giải đáp được mà không sợ có ý kiến phản đối. Người ta chỉ có thể nêu ra những giả thiết để làm việc (hipothèses de travail).
Tại An-Tĩnh cũng có rất nhiều "mỏ vỏ sò" (xem Hình LXII và LXIII) và các tập địa phương chí về Nghệ An và Hà Tĩnh trong "Đại Nam nhất thống chí" cũng đã nói đến một vài loại mỏ này. Nhân dân gọi mỏ vỏ sò ấy là "Sơn điệp" hoặc "Cồn hàu" tùy theo trường hợp tạo thành: hoặc chủ yếu do những mảnh vỏ của một loại hầu bẹp thuộc loại Placuma, hoặc do vỏ trai kết lại. Những đồi hàu này có thể coi như gần giống các đồi hàu của xứ Vendée, và về các đồi ấy người ta cũng có thể đặt ra những giả thiết như đã nói trên.
Nhưng, tại Phủ Diễn, có cái gọi là "bãi sò", nghĩa là một bãi vỏ hàu biển (xem Hình LXV). Lớp vỏ hàu này đã cung cấp cho tôi trên sáu mươi loại khác nhau gồm vỏ hàu biển và cả những vỏ cua, san hô v.v... Tảng đá có vỏ hàu này cao nhất là ở điểm 6 và nằm sâu dưới đất ở điểm “-11", và rải ra theo chiều dài và chiều rộng trên nhiều cây số. Trường hợp này chỉ có thể là lớp vỏ hàu tự nhiên do biển để lại khi rút lui vào thời kỳ cuối đệ tứ kỷ. Theo lời các quan chức nói cho tôi biết thì người ta đã tìm thấy ở đây những xác khô giống như xác ướp, và có lẽ đó là những nơi mai táng mới đây, nhưng tôi cũng chưa có cơ sở nào để chứng minh điều đó. Các tác giả người Pháp gọi tảng vỏ sò ở Diễn Châu là một "bãi nổi" hay là một "mảnh nền đất ngầm", tùy theo quan điểm của địa văn hóa hoặc địa chất học.
Lớp vỏ sò của Phủ Diễn không phải là loại duy nhất có ở An-Tĩnh. ở Hà Tĩnh người ta cũng đã tìm thấy một nền đất dưới biển mà phương pháp họa đồ đã xác định rõ ràng, đồng thời còn có cả những vỏ sò trong các lớp đất. Vỏ sò không phải chỉ có ở lớp trên mặt đất mà còn nằm sâu dưới lòng đất nữa. Nền đất này dàn ra dưới chân đồi núi phía Tây trên nhiều cây số theo chiều dài và chiều rộng. Những lớp vỏ sò bên trên cao nhất ở mốc 12 ở phía Nam, hạ xuống mức thấp nhất ở mốc “-4", căn cứ vào một cuộc thăm dò mà tôi đã có thể tiến hành được lúc người địa phương đào một cái giếng năm 1927. Nếu tiến hành những cuộc thăm dò xa hơn một chút về phía Bắc thì tôi dám chắc rằng sẽ tìm thấy những lớp vỏ sò ở dưới mốc “-10", cũng như người ta đã có thể thăm dò được ở Vinh và ở Phủ Diễn.
Căn cứ vào những nhận định trên đây, thì có lẽ phải chia các đống vỏ hàu của An-Tĩnh thành ra ba loại:
1) Những mỏ vỏ hàu na ná như loại sò ở vùng Saint Michel en l’Herm. Việc nghiên cứu các mỏ này gợi lên cuộc tranh luận.
2) Các di vật đồ ăn thừa mà nguồn gốc không còn phải nghi ngờ gì nữa.
3) Những lớp vỏ hàu dưới biển và những lớp vỏ hàu ở vụng biển [18].
Chúng ta sẽ gác lại những lớp vỏ hàu này mà việc nghiên cứu nó thuộc về lĩnh vực địa chất và của Khoa Nghiên cứu về vỏ ốc sò (Conehyliologic).
Còn về các mỏ hàu na ná với loại ở vùng Vandée thì cô Colani vừa mới cho xuất bản một cuốn sách mà tôi không được thỏa mãn lắm bởi hai lẽ sau đây: nội dung cuốn sách không để ý đến các điều kiện cấu tạo địa chất mới đây của đồng bằng ven biển vùng An-Tĩnh, và chỉ có thể nêu lên những giả thuyết để làm việc (ở trình độ hiểu biết của chúng ta hiện nay) về quá trình hình thành của các mỏ hàu ấy [3 và 4].
Nhưng đối với những đống vỏ hàu mà trong đó có lẫn lộn mảnh vỏ của đồ gốm thời cổ và công cụ bằng đá mài (thời kỳ đồ đá mới) thì không có gì phải nghi ngờ nữa: đây là những vật chứng do người của thời tiền sử để lại, đấy là những di chỉ (kjokkenmodding). Nhiều khi người ta thấy các di vật đồ ăn thừa nằm ở đồi núi. Vậy thì trên đỉnh các đồi núi ấy xưa kia có người của thời đại đồ đá mới ở. Đống di vật đồ ăn thừa to nhất tìm thấy ngày nay ở vùng An-Tĩnh là đồi Nghĩa Sơn mà tôi đã phát hiện được cách phía Tây Nam Hà Tĩnh mấy cây số (xem ảnh số LXIV). Qua việc nghiên cứu đống vỏ hàu tích tụ ở Nghĩa Sơn, tôi đã tìm thấy rất nhiều loại hàu hến trong đó đại bộ phận là những giống sau đây: Oxtrea, Placuna, Arca, Cyrina v.v...
Vả lại cũng cần phải nhớ rằng khoa sinh vật học chuyên nghiên cứu về loài nhuyễn thể chỉ cho ta biết rằng các giống hàu hến ấy sinh sống ở các phá biển. Và căn cứ vào nơi ở của các sinh vật này, người ta biết được rằng xưa kia con người của thời đại đồ đá mới vùng Nghĩa Sơn đã dùng hàu hến này làm thức ăn và họ đã cư trú bên bờ của một phá mà tôi gọi là "phá Hà Tĩnh", đầm phá này bây giờ đã bị bồi lấp (18).
Những "di vật đồ ăn thừa" vùng An-Tĩnh có lẽ cũng không thể đồng sinh cùng một thời, mặc dù chúng đều thuộc thời đại đồ đá mới. Với sự dè dặt đó, có thể đem liên hệ những di vật này với những vật tìm được ở Quảng Bình (Đồng Hới): Hang mộ ở Lạc Sơn (tức là hang Minh Cầm), động hang Rào và động Khe Tong; trạm di trú tiền sử(1) ở Bàu Tró [8, 22, 23]. Cần phải chú ý rằng Bàu Tró nằm sát bờ biển, trên bờ tây của một cái bàu. Bàu này là dấu tích cũ của một cửa sông của sông Nhật Lệ. Sông này đã bỏ cửa ấy vào thời kỳ có sự khởi chuyển của lục địa tạo thành đầm phá và đồng bằng Đồng Hới vào cuối thời kỳ đệ tứ kỉ. Phá hiện nay là do từ thời kỳ ấy mở rộng xa về phía Tây mà có, điều này được xác nhận bằng nhiều lớp vỏ hàu ở phá biển cũng như lớp vỏ hàu ở các vùng phụ cận của ga Thuận Lý (Đồng Hới) [18].
Tất cả những hiện vật của thời kỳ tiền sử đã chứng minh rằng con người của thời đại đồ đá mới (đồ đá mài) chỉ xuất hiện ở các đồng bằng ven biển của An-Tĩnh (và cả ở Quảng Bình nữa) sau khi có sự khởi chuyển của toàn bộ lục địa vào cuối thời kỳ đệ tứ kỉ của các nhà địa chất và cần phải nhớ rằng thời kỳ đệ tứ khớp về thời gian với thời kỳ mà các nhà tiền sử học gọi là thời đồ đá cũ. Về vấn đề này, không có một vật chứng nào về con người của thời đại này đã được phát hiện tại An-Tĩnh (ngay cả các nơi khác khắp Đông Dương cũng vậy). Con người của thời kỳ đệ tứ kỉ của các nhà địa chất hay là con người thời đại đồ đá cũ của các nhà tiền sử học, đã sống ở thời kỳ địa chất mà biển lan rộng tới những đồi núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Vậy thì, muốn khám phá đất cổ An-Tĩnh để tìm dấu vết mà con người cổ sơ (nguyên thủy) ấy có thể lưu lại, thì phải lần theo "con đường thượng đạo" cổ sơ - con đường mà một trong những nhánh của nó dẫn tới "Cánh đồng Chum" của cao nguyên Trấn Ninh - một vấn đề mà tôi đã nêu lên trong Tập san số 2, tháng 4-6 năm 1935, tr.234 của Hội ta để các nhà nghiên cứu lưu ý.
Tập kỷ yếu này về thời tiền sử của An-Tĩnh chẳng qua chỉ là để báo trước cho một tác phẩm khá đặc biệt mà tôi sẽ cho xuất bản sau này.
--------------------
(1) Station préhistorique: trạm di trú tiền sử (thời xưa trên đường di cư, các bộ lạc có dừng lại ở từng nơi và sống ở đấy một thời gian lâu rồi lại di cư đi nơi khác) - N.D.