
...Tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyền xây thành đắp lũy bao quanh núi Hai Vai và các miền lân cận, một vùng đất trũng lòng chảo tự nhiên, rộng mênh mông, luôn luôn ngập nước - vết tích của phần phía Tây đầm phá cũ của Diễn Châu, phòng giữ cho núi này chống lại kẻ địch muốn đến gần. Phan Tích, Lai Quốc Quận công, từ Thanh Hóa đem quân đến để bao vây Nguyễn Quyền, bắt được Quyền làm tù binh và bình định được xứ này....
...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II - Chương I : Xứ Diễn Châu
(tiếp theo từ trang 86 - 89)
CÁC ĐỒN TRẠI VÀ THÀNH QUÁCH XỨ DIỄN CHÂU
Thế kỷ thứ XIV đối với Đại Việt là một giai đoạn gay go. Bằng đường biển, người Chăm có nhiều cuộc tấn công thắng lợi vương quốc nhà Trần. Chính lúc bấy giờ, nhà Trần cho xây thành đắp lũy khắp các cửa sông trên đất An-Tĩnh. Có rất nhiều công trình phòng thủ từ thời kỳ này, ngày nay đã bị bỏ, đó là những quân, những bảo, những đồn, những tấn, theo thứ tự quan trọng giảm dần, từ đồn to kiên cố cho đến lũy nhỏ chỉ dăm ba người bảo vệ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là "quân" thường là để chỉ một đồn trại ở biên giới, còn "tấn" là một đồn bảo vệ một bến, cửa vào của một con sông.
Ông Ninh đã sửa sang lại các công trình này vào thế kỷ XVIII, lúc đó diễn ra các cuộc tranh chấp giữa các chúa ở Đàng Ngoài và các chúa ở Huế, họ Trịnh và họ Nguyễn.
Chúng tôi chỉ nhắc lại lai lịch của những thành quách quan trọng.
Thời đô hộ cuối cùng của Trung Quốc, tức là triều đại nhà Minh (1407-1428), quân địch cho xây thành Cự Lại về phía Bắc phủ lỵ ngày nay của Diễn Châu. Đã từ lâu, thành này bị bỏ hoang, chẳng bao lâu sau nơi đây đã thành lập một làng gọi là làng Tây Lũy ghi lại nơi lịch sử này. Cự Lại đã được xây bằng "đá của Phủ Diễn", nghĩa là với loại đá vụn mà cả đến ngày nay cũng vậy, người ta vẫn đẽo trong các tầng sò của Phủ Diễn. Thành lũy này một bề là 100 trượng (1 trượng = 4,259 m.), tường cao 5 thước (1 thước = 1,487m.) Bao quanh là một con hào luôn luôn ngập nước.
Cũng từ thời kỳ này, có một thành lũy do Lê Thái Tổ (Lê Lợi) xây khi tiến hành "cuộc chiến đấu mười năm" (1418-1428) chống quân Minh. Thành này do Đinh Lễ bảo vệ. Công trình bao quanh đỉnh Đông Đình Sơn. Ngọn núi này nằm ở sách (thôn) Quy Lai, huyện Yên Thành; sông Bùng bắt nguồn ở phía Tây ngọn núi. Ngày nay, người ta chỉ tìm thấy những phế tích của thành trì, nhưng người ta còn có thể nhặt được ở đấy những viên đạn bằng đá. Đông Đình Sơn là một pháo đài tiền tiêu tự nhiên của dãy núi ngăn cách xứ Diễn Châu với xứ An Sinh (Đô Lương). Như vậy thì thành nhỏ này đã án ngữ các đường hẻm dọc lưu vực Sông Lam (sông Cả) và từ đó đi đến "con đường thượng đạo".
Dãy thành bảo vệ phủ lỵ Diễn Châu và nhà cửa của cơ quan đại lý hành chính cũ của Pháp, ngày nay là nơi đặt trường tiểu học, cũng chỉ xây dựng vào năm thứ ba của triều Minh Mạng (1822). Tường lúc đầu chỉ làm bằng đất nén. Đến năm thứ 13 dưới triều ấy (1832) các tường bên trong được xây thêm cho chắc bằng đá hàu, và thành ngoài bằng đá ong kết tụ. Trung tâm công nghiệp làm đá ong này ở huyện lị Nam Đàn.
Thành Phủ Diễn chu vi 177 trượng 2 thước, cao 9 thước, hào bao quanh rộng 1 trượng và sâu 6 thước, xưa kia thường xuyên thủy triều lên đưa nước vào, nhờ có con sông đào thông với cửa Bang, cửa của sông Bùng gần đó. Những tấm đá ong kết tụ chống giữ bờ của hào. Phần nhiều các tấm đá ong này đã được đem dùng lại để xây công sở. Thành có ba cửa, cửa tả, cửa hậu và cửa tiền: có ba cái cầu cong bắc qua hào.
Nơi đây ngày nay chỉ là trụ sở của phủ. Phía trước nha môn hay là chốn công đường, nơi quan tri phủ xử kiện, có hai cỗ súng bắn đạn bằng gang có chữ nổi khắc ghi niên đại chế tạo: triều Minh Mạng (1820-1840). Các cỗ súng này là công trình của các chủ lò rèn Nho Lâm, làng này ở cách đấy không xa lắm [14].
Dưới triều nhà Lê, trụ sở của phủ nằm ở làng Đông Lũy ("Lũy của phía Đông") trên một tòa thành đã đổ nát.
Dưới triều Tây Sơn (1778-1801), thủ phủ dời về làng Tiên Lý, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
Ở gần thành Phủ Diễn có cái mà các nhà Nho gọi là "Bạng Lạp Sa", thông thường gọi là bãi sò. Về lớp sò biển này, nhà Nho Bùi Huy Bích đã làm một bài thơ tóm tắt như sau:
"Nguồn gốc của bãi sò này là ở đâu? Từ nơi đền thờ Hoàng đế Thục (An Dương Vương) cho đến sông Bùng. Chính giữa đồng bằng nổi lên một cồn (đống) sò biển ăn sâu trong lòng đất. Những người thợ đá lấy đá ở đây, đẽo rất khéo và đem phơi khô cho cứng lại. Người ta dùng đá này để xây các đền đài miếu mạo, và làm những con ngựa và voi để trang trí các cổng đền, chùa, miếu, điện. Nơi này xưa kia là biển, một biến cố lớn đã đưa nó từ đáy biển nổi lên. Hiện tượng này đã bắt đầu từ thời kỳ nào? Không ai có thể nói được điều này. Phía trước nơi này, biển đã lùi ra nhưng có thể một ngày kia nó sẽ chiếm lại chỗ của nó. Đó là biểu hiện của những đổi thay thăng trầm của số phận con người".
Từ lớp sò này đã có tên chữ Hán Bạng Thành (lũy sò). Hai chữ này thường người ta dùng trong khi làm các câu đối mừng tri phủ vào dịp mồng một Tết hoặc khi quan được thăng trật. Bạng Thành cũng dùng trong văn học để chỉ xứ Diễn Châu, một điển cố của thi ca dùng để nói lên sự khởi sắc gần đây của xứ Diễn Châu nhờ các mỏ sò mà có được.
------------------------
Đón đọc kỳ sau: Xứ Vinh