Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
 An Tĩnh cổ lục
 Đại Nam nhất thống chí - Dư địa chí Nghệ An
 Đại Nam nhất thống chí - Dư địa chí Hà Tĩnh
 Các bài lịch sử khác về An - Tĩnh
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (tiếp theo từ trang 98 - 104)
 
(22h: 17-01-2011)
An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (tiếp theo từ trang 98 - 104)
...Nguyễn Biên và con thứ là Nguyễn Xí và mười lăm người con trai của Nguyễn Xí đã đóng góp cho bốn vị vua đầu tiên của Triều Lê)...


AN-TĨNH CỔ LỤC

(LE VIEUX AN-TĨNH)

Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936

(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)

 

Tác giả: HIPPOLYTE BRETON

Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ

Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU

 

*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách

 

***

Thiên II

Chương 2 : Xứ Vinh

(Từ trang 98 – 105)

 

Tiếp theo từ trang 98 - 104

...

Ở mỗi bên của gian giữa dành để thờ Nguyễn Hội, là bức tượng hai con hổ, ở chân tượng có một bàn thờ. Ở đây con hổ được tôn thờ như vị thần phù hộ của dòng họ. Theo gia phổ ghi lại, thì trong bất kỳ một cuộc chinh chiến nào, Nguyễn Hội đều nhận được sự giúp đỡ kỳ diệu của một con hổ, và chính nhờ sức mạnh kỳ diệu của "Chúa Hổ" mà họ có được vận mạng tốt đẹp.

 

Khi Nguyễn Hội chết, hổ mang thi hài của ông đem chôn tại một ngọn núi do hổ chọn lấy. Ngày hôm sau, các con trai đi tìm xác bố và đưa về nhà. Thấy sự việc như vậy, con hổ gầm thét kinh hoàng. Các con liền hiểu ý muốn của hổ và đồng ý chọn nơi chôn cất thi hài bố mình do "Chúa Hổ" đã chọn. Các gian bên phải và bên trái dành để thờ mười lăm người con trai của Nguyễn Xí.

 

Đền thờ anh hùng Nguyễn Xí được trùng tu lại năm 1928 do người tộc trưởng của họ hiện nay là cụ Tú tài Nguyễn Huy Xán phụ trách. Cụ là vị hào mục đứng đầu của Thượng Xá. Nhân dịp sửa lại ngôi đền, tất cả các chi họ ở khắp trong nước An Nam đều cố gắng đóng góp để trang trải mọi phí tổn, và triều đình cũng cho một số tiền.

 

Từ các cửa của ngôi đền thế kỷ XV, người ta đã giữ được hai cái cột của lối vào cũ (Hình LXXVIII).

 

Các ngôi đền khác nổi tiếng chủ yếu là:

1. Ở giáp Đồng Thịnh, là ngôi đền thờ một người dòng dõi năm đời của Nguyễn Xí là Nguyễn Bá Ký và con trai ông là Nguyễn Bá Kỳ, cả hai cha con đều lập chiến công hiển hách trong các cuộc giao chiến với nhà Mạc, vào thế kỷ XVI.

2. Ở Thượng Xá, có đền thờ Nguyễn Đình Đắc, (hậu duệ 12 đời của Nguyễn Xí) đã đánh quân Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII.

 

Ở trong vùng lăng mộ và đền đài của họ Nguyễn có rất nhiều đồi núi mà người ta đã đặt tên theo hình thù như:

-        Núi Mão (mũ của tướng).

-        Núi Cờ (cờ chỉ huy).

-        Núi Kiếm hay núi Gươm.

-        Núi Voi: voi trận.

-        Núi Trống quân: trống trận.

 

Và do đó, theo thuyết phong thủy (địa lý), họ Nguyễn Thượng Xá đã sản sinh ra rất nhiều võ quan danh tiếng.

 

Gia phổ của họ Nguyễn Thượng Xá đã cung cấp cho ta những cứ liệu chính xác về bờ biển của huyện Nghi Lộc vào thế kỷ XV, và về các đầm phá hoặc eo biển mà sau này trở thành đất trồng trọt.

 

Vào đầu thế kỷ XV, Cửa Lò chưa có, ngọn núi nằm từ đường cái quan đến Cửa Lò hồi đó là một hòn đảo mà hai dòng chảy của sông Cấm lượn quanh bắt đầu từ làng Đò Cấm ngày nay (gần ga Đò Cấm). Nhánh Bắc của sông vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay. Nhánh Nam hình thành Cửa Xá, ngày nay hầu như đã bị cát bồi lấp hoàn toàn. Ngay từ hồi đó, ở Cửa Xá đã có những đầm phá do Lê Lợi ban cho Nguyễn Hội, và trên các vụng này, Nguyễn Hội lập làng Thái Xá, ngày nay là Thượng Xá. Trên đất đai của mình, Nguyễn Hội lập nhiều nại muối và trở nên giàu có. Các nại muối này, ngày nay không còn nữa, do đất phù sa bồi lấp dần vào, cho nên nại muối nay lại cách hai cây số về phía Đông (Hình LXXII).

 

Nguyễn Xí được cấp lãnh địa cả miền duyên hải nằm giữa Cửa Lò và Cửa Hội (Hội Thống) ngày nay. Trong số các đầm phá này có Bàu ó, cái bàu mà theo các sách Dư địa chí thì gọi là Hồ Nước Biển. Dọc theo bờ Bàu ó, Nguyễn Xí lập nên làng Bàu ó mà đất đai thì do một đám tù binh người Tàu mà Nguyễn Xí bắt được trong các cuộc chiến tranh ở An-Tĩnh (1418-1428) khai khẩn. Trên những đầm phá khác, Nguyễn Xí lập ra rất nhiều làng. Đất đai mới nổi lên đều do những người Champa khai khẩn. Những người này do Nguyễn Xí bắt được trong cuộc đánh nhau với nước Champa năm Thái Hòa thứ 3, đời Nhân Tôn, tức là năm ất Sửu (1445).

 

Các thủ lĩnh Champa bị bắt làm tù binh là Chế Hiệp, Chế Lâu và Chế Đa. Nguyễn Xí bèn cử họ làm thủ chỉ "Hội đồng kỳ hào" của những làng mới lập [15].

 

Con trai của Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi được ban cấp đầm phá Cây Bằng, trên miền đất đai mới bồi đắp này, các làng Vạn Lộc và Tân Lộc được hình thành (Hình LXXX ở dưới).

 

Theo chiếu chỉ của nhà vua, tất cả các làng được thiết lập vào thế kỷ XV bởi họ Nguyễn Thượng Xá đều được miễn thuế và mọi đảm phụ hành chính hoặc quân sự (phu phen, tạp dịch v.v...). Những người thuộc họ Nguyễn này đều là lãnh chúa tuyệt đối trên thái ấp của họ.

 

Ở đây, tôi cần nhắc lại một lần nữa, - bởi vì tôi thường hay ám chỉ đến vấn đề khi kể lại lịch sử của các "danh nhân An-Tĩnh": - Những đầm phá và đất phù sa do các sông ngòi để lại sau khi nước lụt rút khỏi, cũng như đất đai mới khai phá của vùng trung du đều thuộc quyền quản lý của nhà vua. Vua có thể sử dụng tuỳ ý, ban cho các trung thần có tên tuổi của triều đình và cả đến các thân vương nữa. Vua có thể trưng dụng các làng xã. Như vậy là một số thái ấp được lập nên qua nhiều thế kỷ. Riêng đối với việc khảo sát những dải đất phù sa do biển hay sông ngòi bồi đắp trong thời hiện đại thì chắc chắn về phương diện sử học, lịch sử của các lãnh địa cũ có đóng góp vào việc làm sống lại địa lý của đất cổ An-Tĩnh. Sự tích ở thôn xóm xác minh thêm những tư liệu ghi trong các gia phổ. Tuy nhiên cũng cần phải nhớ là một phần của mỗi một lãnh địa ấy do một lớp nhân công đặc biệt khai khẩn: đó là những tù binh người Tàu hay người Chăm do các tướng lĩnh tên tuổi bắt được qua các chiến dịch. Sau hết, các gia phổ và sự tích sẽ bổ khuyết và sửa chữa cho quốc sử.

 

Nói về lịch sử của làng Đông Sở, người đọc sẽ lấy làm thú vị khi xem Tập san số tháng 4-6 năm 1935, trong đó tôi đã có đăng một tiểu luận về "Những đảo tộc người gốc tích người Chăm" (trang 192-219). Nhờ tiểu luận này, tôi đã chỉ ra một số in nhầm: ở dưới trang 213 là "chú thích (1)". Cần phải đọc như thế này: "Cùng ở trong vùng biển Đông Sở, có những phần đất khác của Nguyễn Xí do các tù binh Tàu khai khẩn (và không phải người "Chăm", như đã in sai).

 

Các gia phổ và sự tích còn cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý khác, nhắc nhở các cán bộ nghiên cứu, sưu tầm tài liệu cần phải đề phòng những trường hợp biên tập vụng về trong các sách "Dư địa chí" gần đây.

 

Tôi sẽ nêu ra đây chỉ một vấn đề để chứng minh, vấn đề này được cung cấp cho chúng tôi do lịch sử phát triển về địa chất của cái vụng nước mặn mang tên Bàu Ó trong gia phổ họ Nguyễn ở Thượng Xá và tên Hồ Nước mặn trong các sách dư địa chí. Trong phần địa chí của Nghệ An nằm trong "Đại Nam nhất thống chí", được biên soạn dưới triều Tự Đức (1847-1873) và Bộ Học sửa chữa tại Huế năm 1917, có nói đến các vụng đó. Người ta còn nói rõ là ở trong nước của vũng này có những con hàu, con nghêu hay con ngao, con vẹm v.v... Đó là loại hến hàu sống ở các cửa sông, các nơi nước cạn hoặc có nước mặn. Tất cả những điều đó là đúng cách đây 5 thế kỷ, và những tài liệu này đều lấy ở các sách địa lý biên soạn dưới triều Lê (1428-1793); nhưng nay thì sai. Sai sót này là do một người biên tập không chịu khó đến quan sát tại chỗ và đi hỏi thêm mà chỉ nô lệ dựa vào các bài bản cũ. Cuốn gia phổ họ Nguyễn Thượng Xá và các sự tích của làng xã xung quanh vùng này sẽ chỉ cho anh ta biết là Hồ Nước mặn không có giao lưu với biển nữa kể từ đời Gia Long (đầu thế kỷ XIX), lạch ngày xưa nay đã trở thành một cửa lấp. Cái vũng ngày xưa đã biến thành một hồ nước ngọt, nhưng lúc nước tràn thì chảy vào sông Cả theo một con ngòi song song với bờ sông ngày nay. Sau cùng, người biên tập đã nhận thấy là ngày nay trong nước của hồ này chỉ còn các giống hàu hến ở nước ngọt: ốc thủy, ốc nhồi của ao hồ, v.v... Để kết luận về cuộc tranh cãi này, tôi sẽ nói rằng: cần phải biết sửa chữa lại các xuất  bản phẩm cho đúng, mặc dù đã xuất bản chính thức, bởi vì dù sao cũng không thể tránh khỏi được sai sót lầm lẫn. Việc nghiên cứu gia phổ của họ Nguyễn Thượng Xá và các sự tích của những làng xã ven biển của Nghi Lộc cho chúng ta biết rằng đường bờ biển ngày nay cách đường bờ biển ở thế kỷ XV gần hai cây số về phía Đông. Như vậy chúng ta biết được rằng đất liền lấn ra biển một cách nhanh chóng. Những đụn cát nổi lên trên các dải đất do biển bồi đắp sau thế kỷ XV có chiều cao đến mấy thước. Như thế là người ta cũng nhận thấy rằng, các đụn cát hình thành cũng rất nhanh chóng.

 

Thái ấp và đền thờ của họ Nguyễn Tiên Điền (Hình LXXIV đến XVI). - Trên hữu ngạn Hội Thống (Cửa Hội, cửa sông Cả) là một vùng đất lòng chảo chạy dài song song với bờ sông. Về phía Nam, vùng lòng chảo này giáp cận với cao điểm 2 của cửa sông cho đến dưới địa đồ, và thoai thoải đi xuống về phía cửa sông cho đến dưới mốc số "0". Dải đất cuối này luôn luôn ngập dưới nước bị bỏ hoang, chỉ mọc một thứ cói chiếu là một loại thảo thuộc họ cây củ gấu, tức cây "cói lác" hay "cói trang" như người An Nam thường gọi. Khu vực phía Nam có nhiều ruộng hai mùa rất tốt vì ở đây có nhiều ngòi lạch chảy qua mang nước nguồn tới; những ngòi lạch ấy đều chảy một hướng song song với bờ biển hiện nay và đều quy tụ lại khu vực dưới cao điểm 0 trên địa đồ.

 

Ở trung tâm miền đất phì nhiêu này là làng Tiên Điền, do đó mà trong các bài nghiên cứu về địa chất của tôi, tôi đã gọi là "Miền Tiên Điền", vì lẽ gì thì lát nữa tôi sẽ nói [17, 18].

 

Miền Tiên Điền là đất thái ấp của nhà vua ban cho một vọng tộc, "họ Nguyễn Tiên Điền" vào thế kỷ thứ XVI, như tên tôi đã gọi trong các bài nghiên cứu của mình về những "Danh nhân" của An-Tĩnh. ở đây tôi chỉ tả lại những đền thờ có tiếng của dòng họ này.

 

Sách gia phổ của họ Nguyễn Tiên Điền cho ta biết rằng người sáng lập ra dòng họ quyền thế này là Nguyễn Thuyến, Thự Quận công, sống vào thế kỷ thứ XVI. Người này được phong thái ấp Tiên Điền là do có nhiều công trạng với nhà Lê. Hồi ấy Tiên Điền là một miền đất ngập nước, không có sự sống. Cứ mỗi lần thủy triều lên là nước mặn của Cửa Hội tràn vào nên không thể trồng trọt được gì cả. Các vị tiền bối khai sáng ra dòng họ đã đắp dần những con đê theo hướng của miền đất ngập mặn, khiến cho sự xâm nhập của nước cũng dần dà bị chặn lại, và bởi thế, những bãi đất nước mặn được khử sạch và biến thành ruộng tốt.

 

Địa phận hiện thời của làng Tiên Điền được ngăn cách về phía biển bởi một doi đất lồi trên có đụn cát. Một sự tìm hiểu đúng đắn gia phổ họ Nguyễn Tiên Điền cho biết rằng những đất bồi của biển từ thế kỷ XVI cho đến nay làm thành một dải đất rộng chừng một cây số, và chính trên dải đất này đã nổi lên những đụn cát mới hơn. Như vậy là những đụn cát đó chỉ mới hình thành bắt đầu từ thế kỷ XVI.

 

Còn đối với những cư dân đầu tiên của nơi đây, những kẻ bằng tài năng của mình đã khai thác nó, gia phổ của họ Nguyễn Tiên Điền cho biết nhiều điều hữu ích. Không phải chúng tôi có dụng ý nói trước những điều sẽ nói trong "lịch sử của dòng họ" này, nhưng chúng tôi cũng thấy cần phải nói một vài lời về bề dày thanh thế của dòng họ này.

 

"Theo gia phổ, đó là vào hồi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê (1527-1592). Vị thủy tổ của họ là Nguyễn Thuyến sinh ra ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Nam (nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông). Ngài thi Hội đỗ Trạng nguyên, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính, triều vua Mạc Đăng Dung. Nhưng về sau, quân nhà Mạc bị tiêu diệt ở Thanh Oai (1555), từ đó, họ Mạc chỉ còn cai trị ở tỉnh Cao Bằng, miền Bắc Đàng Ngoài cho đến lúc bị mất ngôi hẳn. Sau thất bại này, Nguyễn Thuyến quay sang làm tôi nhà Lê. Ngài làm đến chức Thượng thư, được phong tước Thự Quận công và được ban thái ấp Tiên Điền".

 

Chính người cháu trai của Nguyễn Thuyến là Nguyễn Nhiệm tước Nam - Dương Quận công (Gia phong Nhuận Quốc công sau khi chết) là người đã có công đầu biến miền đất vùng Tiên Điền thành đất ruộng canh tác. Miền này xưa kia thuộc địa phận phủ Đức Quang (ngày nay là phủ Đức Thọ mà huyện Nghi Xuân hiện thời là nơi có xã Tiên Điền trước kia cũng thuộc về phủ Đức Quang). Sau khi chết, Nguyễn Nhiệm được tôn lên là thành hoàng của xã này. Ngôi đền thờ vị thần này được coi như một kiến trúc lâu đời nhất trong vùng, vì nó được xây dựng vào thế kỷ XVI (Hình LXXXIV ở trên). Chính nơi đây, những người trưởng chi trong họ đều họp bàn về các vấn đề có liên quan đến lợi ích chung của dòng họ. Đền lợp bằng thứ ngói "hài" là thứ ngói đuôi cong lên như chiếc hài An Nam. Trong đền hình trang trí duy nhất là một bức hoành phi treo trên bàn thờ có bốn chữ: "Hồng Sơn thế phả".


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (tiếp theo từ trang 105-109) (22h: 19-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (Từ trang 109 - 117) (22h: 19-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương II : Xứ Vinh (Tiếp theo từ trang 118 - 123) (21h: 21-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 2 : Xứ Vinh (Tiếp theo từ trang 123 - 135) (21h: 21-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 3 : Xứ Hà Tĩnh (Tr. 136 - 142) (23h: 22-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 4 : Xứ Kỳ Anh (tr. 143 - 151) (11h: 11-04-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương IV : Xứ Kỳ Anh (từ trang 142 - 151) (22h: 12-09-2010)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương 5 : Lưu vực sông Lam (từ trang 152 - 157) (11h: 26-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chuong 5 : Lưu vực sông Lam (tiếp theo từ trang 158 - 164) (11h: 26-01-2011)
 An Tĩnh cổ lục - Thiên II - Chương V : Lưu vực sông Lam - Vùng Tràng Đen (tr. 164 - 174) (12h: 28-01-2011)