
... Hoành phi và câu đối cho ta biết được ít nhiều về cái gọi là vinh hoa trong cuộc đời của Xuân Quận công.
...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
Chương 2 : Xứ Vinh
(Từ trang 109 - 117)
Bức hoành phi trên bàn thờ, ghi: Đời đời hưởng phúc lộc.
Hai dòng đứng viết bằng chữ nhỏ, (bên phải) “Ngự phủ”, (bên trái) “Viết vào mùa xuân năm Canh Dần”(1737). Nghe nói bức hoành phi này của vua Lê ý Tôn (1737-1740) ban cho vị Quận công. Trên bức hoành phi bên trái đề: Hương thơm của các danh nhân nghiệp văn mãi mãi truyền qua các thế hệ (trong họ). Hai bên cạnh có ghi:
(Bên phải) “Mồng 7, trước ngày lạp nhật (8 tháng Chạp) năm Tân Tị, niên hiệu Kiền Long”. (Bên trái) “Sách phong chánh sứ Đức Bảo tặng”.
Kiền Long, là niên hiệu của một ông vua Trung Quốc, triều Mãn Thanh, tiếng Việt gọi là Càn Long, năm Tân Tị niên hiệu Kiền Long trùng vào năm 1728. Bức hoành phi này là một thứ quà ngoại giao mà Trung Cần công đã nhận được trong khi cầm đầu một Sứ bộ sang Bắc Kinh. Trên bức hoành phi về bên phải người ta đọc:
- “Người có thể đi qua hương môn dưới lọng che”. Ý nói quyền thế rộng lớn của họ Nguyễn Tiên Điền.
Giữa có đôi câu đối nghĩa như sau:
Bên phải : “Ngài là Vị Tể tướng lừng danh của hai triều”.
Đây muốn nói “Triều nhà Lê” (Vua chính thống) và “Triều nhà Trịnh” (là các húa thực tế đã cướp quyền vua Lê).
Bên trái: “Bình sinh Ngài là một danh nho và một vị phụ đạo lớn”.
Những câu đối trên đây đều do vua nhà Lê và chúa Trịnh tặng gia đình Xuân Quận công lúc mai táng vị công thần này.
Hai chiếc kiệu gác ở xà trên nóc là kiệu của Quận công và người vợ. Trong hai cái thì chỉ còn cái của người vợ là chưa hư hỏng; đáng để ý là những hình chạm lộng trên kiệu, sản phẩm của một nghệ thuật ít thấy trên các tác phẩm của những người thợ thủ công An Nam ngày nay (Hình LXXXVI).
Đền thờ nhà thơ bất tử Nguyễn Du, là một ngôi đền giản đơn hơn cả. Đền này được dựng lên khi đem hài cốt của thi sĩ về, ba năm sau khi Ngài mất ở Huế, năm 1820, hồi đó Ngài làm Thượng thư ở Kinh đô.
Ở đây, tôi thấy cần phải nhắc lại một lễ tục của An Nam được người ta theo nhiều nhất ở Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ [9]. Ba năm sau khi mai táng, hài cốt của người chết được nhặt lên và đưa sang một chiếc tiểu sành (0m37x0m,15). Rồi lại đem chôn cất một lần thứ hai ở nơi do các thầy địa lý chỉ định. Theo lễ tục trên đây, hài cốt của Nguyễn Du được “cải táng” về vùng đất quê hương ông, ở một nơi gần đền thờ Ngài. Nhưng từ năm 1823, hài cốt của nhà thơ còn được hai lần di đến nơi khác, vì lẽ vong linh của Nguyễn Du không được yên nghỉ ở nơi cũ (ý nói phần ác khí ở trong vong linh người chết) nên đã quấy nhiễu con cháu.
Trên ảnh ở Hình LXXXIX ở trên chụp trong cuộc tham quan ngày 23 tháng 3 năm 1928, tổ chức cho học sinh các lớp trên của trường Quốc học Vinh, đứng bên phải tôi là vị trưởng chi hiện nay của Nguyễn Du (một nhà Nho nghèo) và bên trái là ông nghè Nguyễn Mai, tiến sĩ (đỗ khoa thi Hội ở Kinh đô, mà các nhà làm sách Pháp dịch là docteur là không đúng) là người cháu bốn đời của Xuân Quận công. Nên nhớ rằng chi này, mặc dù có nhiều tiến sĩ, nhưng xưa nay vẫn từ chối các chức tước của triều đình Huế, do tấm lòng trung với nhà Lê là triều vua đã gây dựng tất cả cơ đồ sự nghiệp cho họ Nguyễn Tiên Điền. Chính ông nghè Mai là người hướng đạo sáng suốt nhất cho chúng tôi trong việc tìm hiểu đất cũ của họ Nguyễn Tiên Điền với những danh tích của họ này.
Trong đền thờ Nguyễn Du, bài trí rất sơ sài. Trên bàn thờ xây bằng gạch để bài vị của người quá cố, trên đó là một bức hoành phi; hai bức khác được đặt ở hai gian tả và hữu. Thêm vào đó là hai câu đối treo hai bên. Đó là tất cả những đồ vật bày biện ở trong đền (Hình LXXXIX ở dưới). Bức hoành phi treo ở gian giữa bên trên bàn thờ, ghi mấy chữ:
Hồng Sơn thế phả
Kính tặng dòng họ lừng danh ở Hồng Lĩnh.
Hồng Sơn là chữ của thi ca dùng để chỉ đất An-Tĩnh. ở hai bên là dòng chữ sau:
Bên phải: “Ngày lành tháng năm âm lịch, năm thứ 55 Kiền Long” (1790).
Bên trái: "Hoàng Phủ Thái, Trung hiệu đại phu Thiên triều phân tuần tá giang binh bị đạo, tỉnh Quảng Tây, Chánh ngũ phẩm kính tặng".
Năm thứ 55 hiệu Kiền Long: (Càn Long, là vị vua trị vì từ 1736 đến 1796). Năm 1790, Nguyễn Du 27 tuổi. Chính năm 1790 này, Nguyễn Du tham gia một sứ bộ sang Bắc Kinh nộp cống. Và trong khi ở bên đó, Nguyễn Du được tặng món quà ngoại giao này.
Bức hoành phi để ở gian bên phải có ghi:
"Khá khen người được ban thưởng nhiều đạo sắc rồng (sắc của triều đình, đời nhà Lê)".
Hai bên có dòng chữ:
Bên phải: "Ngày lành tháng 5 âm lịch, năm thứ 55 niên hiệu Kiền Long" (1790).
Bên trái: "Hoàng Phú Thái, Trung Hiến đại phu Thiên triều... (xem trên)
Bức hoành phi bên gian trái có những chữ:
"Hai lần được phái đến trước Thiên môn".
Thiên môn là chữ của thi ca dùng để chỉ "Hoàng cung" ở Bắc Kinh, và dòng chữ ghi nhắc rằng Nguyễn Du hai lần tham gia sứ bộ Trung Quốc.
Ở một bên người ta đọc:
Bên phải: "Tháng giêng năm Bính Thìn, năm thứ nhất niên hiệu Gia Khánh".
Vua Gia Khánh trị vì từ năm 1796 và 1820, năm thứ nhất của triều vua này là năm 1796, năm mà bức hoành này được đưa tặng. Năm ấy, Nguyễn Du 32 tuổi.
Bên trái: "Tri phủ từ thành tỉnh Quảng Tây, tên là Chu Bảo, nêu được 24 đời của Đức Văn Công, đã đề bút vào bức này".
Đôi câu đối treo hai bên tả hữu nhắc lại:
- "Ba năm luôn (tức ba lần) ông làm cho những đức lớn của mình chói lọi".
"Ba năm" có nghĩa là ba sứ bộ mà Nguyễn Du đã tham gia.
- "Do có nhiều công trạng, ông được đứng vào hàng đầu các quan lại trong triều (triều nhà Nguyễn ở Huế).
Thật thế, Nguyễn Du đã đạt đến hàm Thượng thư (Hình LXXXVIII ở dưới).
Điều đáng chú ý nhất ở bên trong các ngôi đền thờ tổ tiên họ Nguyễn Tiên Điền, là sự "sơ sài", giản đơn của các đồ vật bài trí. Sự khiêm tốn này thật là trái ngược với cảnh hỗn tạp ở trong những ngôi đền thuộc dòng họ các vị tướng quân và cái mớ đồ vật lộn xộn trong những ngôi đền thuộc những dòng họ mới phát.
Nhận xét trên đây cần được bình luận thêm. Văn Miếu, nghĩa là "đền văn học", thờ Khổng Phu tử và chừng 400 hay 600 môn đệ của Ngài, chỉ được bài trí những bài vị của các vị hiền triết của Đạo Nho. Bởi lẽ dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền chỉ sản sinh cho xứ An Nam những học giả uyên thâm, vì thế ta có thể khẳng định rằng cảnh tượng giản đơn trong các ngôi đền họ Nguyền Tiên Điền tượng trưng cho đạo đức cao cả của những vĩ nhân trong họ.
Cảnh tượng đó đã khiến một người học sinh của tôi viết mấy câu kết luận dưới đây trong một bài làm thuật lại những cuộc tham quan của lớp đệ tứ trường Quốc học Vinh, niên khóa 1927-1928:
"Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Du: người đã có những vần thơ kiệt xuất để nói lên số phận đau xót của nhân vật chính trong tác phẩm của mình, ngày nay đang yên giấc dưới một ngôi mộ vắng tanh bị cỏ dại lấn chiếm. (Hình LXXXVIII ở dưới). Đứng trước mộ của Người, tôi vừa cảm động vừa tức tối. Hỡi ôi, đây có phải là nơi yên nghỉ cuối cùng của một nhà thơ lớn hay không? Tác giả tập thơ "Những sự trừng phạt" thì có mộ ở điện Pathéon, còn tác giả "Kim Vân Kiều" thì chỉ có một nắm đất nhỏ để làm nơi yên nghỉ" (Nguyễn Đức Bính).
Câu này nói lên một tình cảm thương tiếc đáng trân trọng. Nhưng nói như thế liệu có đúng không? Có ích lợi gì không cái việc xây những đài kỷ niệm đắt tiền và dựng những bức tượng vô duyên nếu như sau đó, những vật tiêu biểu cho sự kính mộ của cả nước đối với những vĩ nhân của mình lại biến thành cái cớ cho những cuộc biểu tình trái khoáy mà chính Âu châu là nơi đã nhiều lần nêu gương. Tất cả đều mất đi, trong khi đó thì tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du "Đoạn trường Tân thanh" đã thâm nhập vào trong những túp lều nghèo nàn nhất của đất nước Việt Nam. Đó là một sự bất tử thực sự. Cái bất tử không cần đến tượng
đồng bia đá. Vong linh của Nguyễn Du còn muốn gì hơn nữa mới mãn nguyện?
Trong số những ngôi đền dựng lên gần đây nhất của họ Nguyễn, đẹp nhất là đền thờ Nguyễn Trọng - thân sinh của người hướng đạo của chúng tôi là Nguyễn Mai. Nguyễn Trọng là hậu duệ đời thứ tư của Xuân Quận công họ Nguyễn. Giá trị lớn nhất của ngôi đền này là tấm bia đặt dưới cửa tam quan (Hình XCI). Bia này đáng chú ý bởi bài văn ghi ở trên và lai lịch của nó. Hồi ấy, Nguyễn Trọng được cử tham gia một sứ bộ đi Trung Quốc với tư cách là Tham đốc. Tấm bia làm bằng đá lục vân lấy ở Phúc Kiến (Một tỉnh thuộc duyên hải Trung Quốc ở giữa Quảng Đông và Thượng Hải). Trên mặt bia, các thợ chạm Trung Hoa đã khắc những lời "gia huấn". Về hình thức cũng như về nội dung nó làm cho người ta nhớ đến "Nguyễn Trãi gia huấn ca". Và cả hai trường hợp, có thể nói đó là những bài học luân lý thực sự ở trong gia đình hay đúng hơn là một thứ di chúc triết lý của một vị tộc trưởng thảo ra khi còn sống để cho con cháu về sau.
Về mặt huyết thống, Nguyễn Trãi không có chút gì liên hệ với họ Nguyễn Tiên Điền. Ông là một nhà chính trị ở thế kỷ XV. Ông đã làm một người tôi giỏi dưới ba triều vua đầu của nhà Lê. Cái chết bi thảm của ông làm cho ông thêm danh tiếng. Một bọn nịnh thần vì ghen ghét đã vu cho ông muốn cướp ngôi vua. Ông phải tự tử. Nhưng về sau tên tuổi ông được minh oan.
- "Tiểu sử của Ngài Hồng Khẳng" mà tôi đã kể lại trong Tập san của Hội ta số 2 tháng 7-9 1934, đã cho tôi có dịp để trình bày một bản di chúc triết lý, có thể nói nó là nếp nhà trong những gia đình nho học có tiếng.
Sau đây là nội dung của bài văn bia của Nguyễn Trọng làm bằng văn vần:
- Đức là điều đáng quý trong đời, quyển sách là ruộng tốt.
Từ xưa, tổ tiên ta đã để lại cho con cháu một gia sản tinh thần mà chúng ta cần bảo vệ.
Các vị Hoàng đế đã ban cho ta nhiều ân điển.
Hãy bắt chước các đấng tiên liệt trong họ là người đã tôn phù Quân vương với những lời khuyên can sáng suốt.
Hãy giữ gìn đừng để mắc vào thói xấu.
Những bề tôi giỏi đều được mọi người ngợi khen. Muốn được như những người ấy, các con hãy ra sức học tập.
Từ nghìn xưa phú quý không thể trường tồn ở trên đời.
Chỉ công đức thì mới lưu truyền trong sử sách.
Đừng có để mình phải hổ thẹn với bóng mình hay với mình trong chăn (đừng để cho sự hối hận phá rối giấc ngủ).
Hãy giữ cho tấm lòng luôn luôn trong sạch để được tiếng như các bậc thánh hiền thuở xưa. Hãy tưởng nhớ đến những bậc ấy trong giấc ngủ.
Nếu các con không thể đọc hết sách thánh hiền thì ít nhất cũng hiểu sâu được tinh hoa của Ngũ Kinh và Tứ Thư (hay Tứ Truyện)(1).
Nếu các con không biết sống như lời dạy trong các sách đó, thì có đọc vạn quyển cũng vô ích.
Các con hãy nhớ rằng thời giờ trôi qua rất nhanh, và kẻ nào đã bỏ phí thời giờ sẽ phải đau khổ. Hãy nhớ rằng những người lúc trẻ chỉ bo bo theo thói cổ hủ, rồi sẽ thành những đứa vô lại; nếu các con biết dùng "ba khoảng thời gian còn lại"(2) cho sự học, các con sẽ hiểu thấu tất cả những sách "bốn loại của Quốc gia thư khố"(3). Các con sẽ hơn người trong các Hội tao đàn cũng như trong các cuộc thi tài.
Hãy làm cho hòn ngọc tài đức của mình trở thành chói lọi và vô giá, đừng có giấu ở trong gương kín mà phải để cho tất cả mọi người đều được hưởng ánh sáng của nó.
Gặp cơ hội chăng? Thì cứ việc mạnh dạn quất ngựa bay đi giữ nước phò vua, lúc ấy các con sẽ như con rồng uốn mình băng qua bể rộng và như chim diều vỗ cánh vượt qua trời xanh.
Và các con sẽ nhờ danh thơm bay khắp mà khiến cho đời kính mộ và được soi sáng bởi ánh sáng hào quang của Cửu trùng.
Các con phải chịu khó nhọc để tìm hiểu vạn vật trong trời đất và nhận lấy trách nhiệm bảo tồn những thuần phong mỹ tục đáng tôn kính.
Hãy thanh liêm như nước mùa thu có thể nhìn thấu tận đáy.
Hãy công bằng như vầng nguyệt soi sáng tất cả không tư vị một ai.
Họ ta xưa nay vẫn nổi tiếng vì thịnh đức, và đã có nhiều ân huệ với dân.
Công trạng của họ ta bao la không kể xiết.
Đến lượt mình các con hãy làm việc nghĩa và như thế ở bất kỳ chỗ nào được gọi ra phò dân cứu nước, các con sẽ làm cho đời thái bình.
...Còn nữa...