Nguồn: Đài truyền hình Nghệ An
Từ điển tiếng Nghệ: Cau dầm trù trại
Trù: trầu
Trù trại: Thời kỳ 10 năm kháng chiến của nhà Lê chống quân Minh, có tới 6 năm, Thủ đô kháng chiến của vua Lê Lợi được đóng tại vùng núi La Giang, dưới chân dãy núi Thiên Nhận, và bên dòng sông Ngàn Phố (thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay). Khi đó, bờ bên kia sông Lam, từ TP Vinh trở ra Bắc là khu vực quân Minh chiếm đóng. Thuở ấy quân lính của nhà Lê đều ăn trầu, cho nên Vua Lê Lợi đã ra chiếu quy hoạch một số vùng đất màu mỡ hai bên bờ sông Ngàn Phố, sông La lập vườn trồng cau trầu, nhân dân địa phương gọi là "trại trù". Trầu hái từ "trại trù" do được chọn đất phù hợp, và chăm sóc chu đáo, cho nên ngon hơn các loại trầu khác ở trong vùng, nên nhân dân gọi là "trù trại" để phân biệt với các loại trầu khác.
Cau dầm: Cau chẻ miếng, phơi khô, rồi lại đem dầm vào trong nước thuốc lào, ngày ngâm nước thuốc lào, đêm tải ra phơi sương, 9 lần ngâm và phơi như thế thì đem phơi nắng cho khô, cho ra một sản phẩm cau khô nặng mùi thuốc lào. Loại cau này cũng dùng để phục vụ cho quân lính ăn trầu trong trại kháng chiến.
|